Tóm lược bức thư Oretagama III nói về ý nghĩa kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
(Thiền sư Bạch Ẩn)
Thư viết cho một ni sư cao tuổi thuộc phái Nhật Liên (Nichiren).
Bạch Ẩn Ðại Sư viết rằng: Kinh Liên Hoa không ở ngoài tâm, và tâm không ở ngoài Kinh Liên Hoa. Tất cả mười cõi giới từ địa ngục cho đến Phật địa đều không ở ngoài tâm, và đều không ở ngoài Kinh Liên Hoa. Ðó là nguyên lý tối thượng, nguyên lý tuyệt đối mà tất cả chư Phật trong ba đời đều giảng nói. Có 84,000 pháp môn để đi đến Phật quả, nhưng tất cả chỉ là phương tiện. Khi cứu cánh Phật đạo đã đạt đến, sẽ thấy tất cả các pháp là đồng nhất thể với nhau, không có sai biệt. Tam tạng kinh Phật có hơn năm ngàn quyển ghi lại vô số những điều vi diệu do Ðức Phật Thích Ca giảng thuyết, với những phương pháp tu khác nhau, nhưng tất cả tinh yếu đều thâu tóm lại trong 8 quyển kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Và trong hơn sáu mươi ngàn chữ viết trong kinh này, ý nghĩa cao tột được thâu tóm trong năm chữ tựa đề: Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Năm chữ này được thâu tóm lại với hai chữ Diệu Pháp, và hai chữ Diệu Pháp thâu về chỉ trong một chữ Tâm.
“Kinh” có nghĩa là “thường”, như ý nghĩa của Phật tánh luôn luôn thường hằng, bất sinh bất diệt. Kinh dạy chúng ta tánh Phật là luôn luôn như vậy, không thay đổi, không tăng nơi Phật, mà cũng không giảm nơi chúng sanh. Như trời, như đất, tánh ấy là bản chất chung của vạn pháp, và Diệu Pháp chính là bản chất của Tâm Giác Ngộ. Kinh Liên Hoa được Ðức Phật nói ra mục đích để khai thị cho chúng sanh biết được tự nơi mình đã có sẵn Tâm Giác Ngộ huyền diệu này, không khác gì tâm của chư Phật, nên còn gọi là Tri Kiến Phật. Tri Kiến Phật cũng là một với Vô Lượng Thọ Phật A Di Ðà, hay Bản Lai Diện Mục trong thiền môn, nhiều tên gọi khác nhau nhưng thủy chung chỉ có một Tâm Duy Nhất mà thôi. Tri Kiến Phật tựa như hoa sen (Liên Hoa), vì hoa sen mọc lên từ nước bùn, nhưng không bị bùn làm thấm bẩn, và khi nở hoa thì hương sắc tỏa ra toàn vẹn thanh khiết. Trong hoa sen có hoa và quả cùng một lúc (gương sen giữa hoa đã có sẵn hạt sen ở trong) tượng trưng cho nhân quả đồng thời nơi tâm; khi cánh hoa rụng hết thì đài sen hiện ra đầy đặn, dụ cho Tri Kiến Phật hiển lộ khi vô minh bị xóa tan. Sen nằm trong bùn tượng trưng cho tâm chúng ta bị che lấp bởi ngũ dục, khi giác ngộ rồi thì như hoa sen vươn lên toàn vẹn hương sắc. Sen trong bùn đã có sẵn mầm của hoa sen toàn vẹn hương sắc, cả hai đều cùng một tánh sen mà ra, tựa như tâm chúng sanh đã có sẵn tâm Phật tràn đầy viên mãn vậy.
Vì Kinh Liên Hoa chỉ cho con đường rốt ráo để đạt đến quả Phật, nên thọ trì kinh Liên Hoa sẽ được công đức không thể nghĩ bàn. Vậy làm thế nào để thọ trì? Tùy căn cơ chúng sinh mà có những cách thọ trì khác nhau, như người hạ căn thì đọc tụng và tìm hiểu nghĩa lý, người trung căn thì nương theo kinh mà quay về quán tâm mình, còn người thượng căn thì dùng pháp nhãn thấu suốt được kinh, thấy kinh như thấy tâm mình vậy. Nhưng thọ trì đúng nghĩa nhất là buông kinh mà vẫn thấy kinh, không nghe giảng pháp mà vẫn nghe được pháp âm. Ðó chính là kinh vô tự, là chân kinh vậy. Ðiều đó chỉ đạt được khi dứt mọi suy luận, ngưng mọi tìm kiếm và nhận ra Chân Liên Hoa của mình luôn luôn hiện tiền. Lúc đó tất cả những nghĩa lý của kinh sẽ hiển bầy rõ ràng, mà không cần đến trí biện giải suy luận. Tri Kiến Phật không ở đâu khác hơn là ngay chính tâm mình. Bằng sự thực hành Thiền định chân chính, với một đại nguyện và một tâm nhất quán, buông xả, không còn khái niệm giữa trong và ngoài, phải và trái, nhân và ngã, đến chỗ không còn niệm khởi, không còn thấy trước và sau, tinh tấn hành trì, một lúc nào đó sẽ thấy Chân Liên Hoa hiển hiện, và một khi đã thấy được Chân Liên Hoa rồi, thì Diệu Pháp hiển bầy khắp mọi nơi, ở trong mọi loài chúng sinh hữu tình cũng như vô tình, và trong tất cả mọi thời, đều thấy mình thể nhập hòa điệu sâu xa với kinh. Nếu thọ trì mà không thấy Chân Liên Hoa, thì không được lợi lạc gì, cũng như người cầm một bát nước mà tuy muốn uống nước, nhưng lại tối ngày cố giữ cho nước đầy không để vơi bớt đi. Rốt cuộc là bát nước giữ cho đầy thì người đó sẽ chết vì khát. Còn nếu đã thấy được Chân Liên Hoa và thọ trì kinh này thì cũng như người cầm bát nước đổ vào sông hồ khắp mọi nơi, và nước này hòa lẫn với nước sông hồ, đem lại lợi lạc vô tận cho chúng sinh mọi loài. Người ấy hốt nhiên đã nhập vào đại hải Niết Bàn của chư Phật, thể nhập Pháp thân với đầy đủ giới, định, tuệ, phá tan những hang sâu đen tối của A Lại Da Thức, chuyển Thức thành Trí sáng ngời.
Nếu không biết cách thiền định hay các pháp môn khác , có thể dùng Liên Hoa Ðịnh làm phương tiện để ngộ nhập được Chân Liên Hoa. Liên Hoa Ðịnh là trạng thái đạt tới khi nhất tâm phát khởi hành trì không ngưng nghỉ câu niệm: “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”. Trong mọi lúc đi, đứng, nằm, ngồi, lúc ngủ cũng như lúc thức, lúc vui cũng như lúc buồn, đều không ngừng niệm câu này trong tâm, với sự chí thành tha thiết muốn thấy được Chân Liên Hoa. Trong mỗi hơi thở ra, hơi thở vào cũng đều liên tục niệm không ngừng nghỉ. Nếu tiếp tục bền bỉ hành trì như vậy, chẳng mấy chốc tâm sẽ đạt được một trạng thái hoàn toàn sáng suốt, bất động, như thể Kim Cương kiên cố, trong suốt, không gợn một chút tì vết nào của vọng tưởng và cảm xúc. Ðó là trạng thái của Chân Thiền định, trạng thái của Chân Liên Hoa, của Tri Kiến Phật hiện tiền, rõ ràng không nghi ngờ. Ðó cũng là trạng thái Tây Phương Tịnh Ðộ của người phát nguyện sanh về Tịnh Ðộ với câu niệm Phật A Di Ðà.
Thọ trì Kinh Liên Hoa theo đúng nghĩa ngộ nhập Phật Tri Kiến quả thực là khó, cho nên trong kinh nói người nào chỉ cần thọ trì trong một lúc thôi cũng đủ để được chư Phật ngợi khen tán thán. Tuy nhiên, không nên nản chí mà nghĩ rằng mình không đủ khả năng để làm được điều đó, vì Diệu Pháp là có sẵn nơi tâm; không có gì gần gũi với ta bằng Tâm của chính mình, và không cần phải đi tìm kiếm đâu xa xôi mà chỉ cần xoay chiếu lại tự tâm là thấy được Ðạo. Chư Phật, chư Tổ trong mười phương từ xưa đến nay không ai làø không thấy được Bản Tâm, Bản Tánh của mình. Có những quan niệm cho rằng trong thời mạt pháp này con người đã quá suy đồi nên không thể tự lực giác ngộ được, mà phải cầu nơi tha lực của chư Phật ở ngoài để được cứu độ. Bạch Ẩn đại sư bác bỏ điều đó và cho rằng khả năng giác ngộ bao giờ cũng sẵn có nơi con người, không tăng không giảm, Diệu Pháp không vì thời mạt pháp mà bị suy đồi theo, mà chỉ vì tâm con người bị vô minh che lấp nên không biết chính mình. Nếu cho rằng mình thấp kém không có khả năng giác ngộ, thì cũng tựa như anh chàng cùng tử trong kinh Liên Hoa; ở đây Bạch Ẩn đại sư kể chuyện người con được thừa hưởng của cải ruộng nương của cha mẹ để lại nhưng chối bỏ không khai thác gia tài đó vì cho là mình không có khả năng, để rồi đi lang thang ăn nhờ ở đợ nơi khác, sống đời nghèo khổ hèn hạ, ví như người không biết đến Diệu Pháp có sẵn nơi chính mình mà chỉ đi cầu cạnh nơi tha lực, để rồi cứ tiếp tục vô minh trong biển khổ luân hồi. Một hành giả chân chính của Diệu Pháp Liên Hoa, theo Bạch Ẩn đại sư, không cầu nơi Phật, Tổ, không tìm kiếm Niết Bàn, Tịnh Ðộ, cũng không cho là Diệu Pháp ở ngoài hay ở trong, nhưng lúc nào cũng mang một tâm niệm phải làm sao ngộ cho được Tri Kiến Phật, không kể đêm ngày, không kể lúc thức hay lúc ngủ, đứng hay nằm ngồi. Hành trì như vậy trong một tâm nhất quán , buông xả, tinh tấn bền bỉ, chẳng mấy chốc sẽ cảm nhận được Diệu Pháp Liên Hoa ngay nơi hiện tiền, sáng suốt, bao la và mầu nhiệm.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.17/9/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment