Wednesday, 18 September 2013

PHẦN MỘT :
TÌM HIỂU NỘI DUNG VÀ XUẤT XỨ
THẬP NGƯU ĐỒ.
Yanagida Seizan
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
I ) Thập Ngưu Đồ do hòa thượng Khuếch Am, trụ trì Đỉnh Châu Lương Sơn
 
Sau đây là văn bản Thập Ngưu Đồ do Hòa thượng Khuếch Am Sư Viễn 廓庵師遠 soạn, bắt đầu với lời tựa của Từ Viễn viết chung cho toàn bộ và riêng cho mỗi bức tranh. Về Từ Viễn 慈遠, có thuyết cho là học trò của Khuếch Am nhưng không ai rõ hành trạng của ông. Tuy nhiên, những lời tựa này rất cần thiết trong việc tìm hiểu thêm về Thập Ngưu Đồ.
Tựa tổng quát của Từ Viễn
Nguyên văn:
Trụ Đỉnh Châu Lương Sơn Khuếch Am Hòa Thượng Thập Ngưu Đồ.
Diễn ý:
(ười bức tranh trâu của Hòa thượng Khuếch Am, trụ trì ở Lương Sơn thuộc Đỉnh Châu)
Phụ chú:
Đỉnh Châu Lương Sơn nay thuộc địa phận huyện Thường Đức tỉnh Hồ Nam. Đời Đường, Đỉnh Châu được gọi là Lãng Châu. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 5 (1012), nhà Tống mới đổi nó thành Đỉnh Châu. Còn Lương Sơn là nơi thiền sư Duyên Quan, đời thứ 5 tông Tào Động, đã khai sơn.
 
Nguyên văn:
Phù chư Phật chân nguyên, chúng sinh bản hữu. Nhân mê dã trầm luân tam giới, nhân ngộ giả đốn xuất tứ sinh. Sở dĩ hữu chư Phật chi khả thành, hữu chúng sinh nhi khả tác.
Diễn ý:
Phàm chư Phật là nguồn cội thực sự của chúng sinh, khi chúng sinh mới ra đời, đã có sẳn Phật tính rồi. Có người vì không biết đến điều đó nên rơi vào tam giới, lại có người nhờ ý thức được nó mà thoát khỏi cõi tứ sinh.
Phụ chú:
Chân nguyên: Sách Thiền Tông Vĩnh Gia Tập, trong bài văn phát nguyện thứ 10 có câu: “Khể thủ viên mãn biến trí giác, Tịch tịnh bình đẳng bản chân nguyên”. (Bao bậc toàn giác đáng khâm phục. Thanh tịnh ngang hàng chung gốc xưa). Trong Nhất Bát Ca của thiền sư Bôi Độ có câu: Nhược mịch kinh, pháp tính chân nguyên vô khả thính” (Nếu đi tìm trong kinh điển sẽ không thấy đâu nói nguồn gốc của pháp tính” (Truyền Đăng Lục, quyển 30). Như thế thì thấy chân nguyên là cái vượt lên khỏi điều con người tạo ra (nhân vi) và chỉ tìm thấy được trong cõi tự nhiên.
Bản hữu: Kinh Viên Giác chép: “Chúng sinh bản lai thị Phật” (Tất cả chúng sinh xưa nay đều có Phật tính). Ngài Mã Tổ ở Giang Tây cũng từng thị chúng: “Bản hữu kim hữu. Bất giả tu đạo tọa thiền, bất tu bất tọa, khước thị Như Lai thanh tịnh thiền” (Cái nay có, xưa vốn đã có. Đừng vờ tọa thiền tu đạo. Không tu không tọa, ấy mới là lối hành thiền thanh tịnh của Như Lai) (Truyền Đăng Lục, quyển 28). Trong chân lý uyên nguyên, không hề qui định vì là Phật mới thành đạo và chúng sinh mới mê lầm. Đó là sự thực bản lai. Còn như phân biệt minh với vô minh, Phật với chúng sinh là phi bản lai vậy. Điều thú vị hơn nữa là Nam Tuyền, người pháp tự của Mã Tổ, lại nói: “Tam thế chư Phật bất tri hữu, Ly nô bạch cổ khước tri hữu” (Các vị Phật tam thế quá khứ, hiện tại và vị lai không biết cái “hữu”. Chỉ có con trâu cò mới biết cái “hữu” mà thôi). Theo Nam Tuyền thì con trâu cò[1] là kẻ nắm bắt được sự bí mật ấy. Khi học trò ông là Triệu Châu đặt câu hỏi: Người biết cái “hữu” đã đi nghĩ ngơi ở đâu rồi thế?” (Tri hữu nhân hà xứ hưu khế khứ?) thì Nam Tuyền trả lời: “ Ông ta đã hóa thành con trâu nằm trước nhà đàn việt bên ngọn núi kia kìa” (Khứ hóa sơn tiền đàn việt gia nhất đầu thủy cổ ngưu) (Tổ Đường Tập, quyển 16)[2]. Có thể xem đây là một câu nói liên quan đến cái “bản hữu”.
Nhân mê dã trầm luân: Mê hay ngộ chỉ là hai khái niệm tương đối. Vì có mê nên mới ngộ, không mê làm sao ngộ được. Trong Thiền Tông Vĩnh Gia Tập chương Khuyến hữu nhân thư (viết thư khuyên bạn) thứ 19, Đại sư đáp Lãng Thiền Sư thư, có chép: “Khi đã mê muội thì nhìn cái gì cũng đâm ra nghi ngờ, còn như ngộ rồi sẽ không còn cảm thấy khổ đau nữa”. Nhân là một chữ hay thấy trong sách vở về thiền, ý nói “Do đó” và tự dạng cũng giống chữ Donên dễ bị lầm lẫn.
Tam giới: ba thế giới dục vọng, vật và tâm.
Tứ sinh: Theo kim Kinh Cương, các vật sống có bốn dạng: nhược noãn sinh, nhược thai sinh, nhược hóa sinh và nhược thấp sinh.
Hữu chư Phật chi khả thành: bản lai thì “Phật phàm nhất thể”, “sinh Phật bất nhị” đấy nhưng một khi quên mất bản lai rồi, một bên ngộ được thành Phật, một bên mê mới thành chúng sinh (hữu chúng sinh nhi khả tác). Ý nói làm Phật hay làm người cũng đều là chuyện tương đối thôi.
 
Nguyên văn:
Thị cố tiên hiền bi mẫn, quảng thiết đa đồ. Lý xuất thiên viên, giáo hưng đốn tiệm.Tùng thô cập tế, tự thiển chí thâm.Vị hậu mục thuấn thanh liên, dẫn đắc đầu đà vi tiếu. Chính pháp nhãn tạng, tự thử lưu thông. Thiên thượng nhân gian thử phương tha giới, đắc kỳ lý dã, siêu tông việt cách, như điểu đạo nhi vô tung. Đắc kỳ sự dã, trệ cú mê ngôn, nhược linh qui nhi duệ vĩ.
Diễn ý:
Vì thế Đức Thế Tôn (người hiền đời xưa) mới rủ lòng thương chỉ dạy loài người bao con đường tìm về lẽ đạo. Từ điều rộng lớn cho đến điều nhỏ bé, từ chỗ nông cho đến chỗ sâu. Cuối cùng ngài đã chớp đôi mắt trong xanh truyền đạt ý mình cho đệ nhất đầu đà Ca Diếp, khiến ông ta mỉm một nụ cười. Qua đó, những lời nói như con mắt của chân lý đã được thầy gửi gắm cho trò.Thần trên trời, người dưới thế, từ cõi ta bà này cho đến thập phương thế giới, nếu có ai nắm được lẽ đạo ấy, sẽ không còn bị vướng vào những câu thúc, ràng buộc mà bay tuyệt mù như chim trời trên con đường chưa có vết chân người. Ví bằng chỉ nắm có mỗi biểu tượng bên ngoài của chân lý ấy thôi, sẽ phải lạc lõng chìm đắm trong vòng ngôn ngữ, khác nào con rùa thần lê lết mãi cái đuôi trong bùn.  
Phụ chú:
Tiên hiền bi mẫn: Từ Viễn đứng trên lập trường xem văn minh nhân loại nếu có là nhờ sự giáo hóa của thánh nhân. Hòa thượng Động Sơn trong Bảo Kính Tam Muội có viết: “Các bậc thánh hiền xưa rủ lòng thương nên mới soạn Đàn Ba La Mật (Dânaparâmi, Bố Thí Ba La Mật) để dạy pháp cho”. (tiên thánh bi chi, vi đàn độ pháp).
Lý xuất thiên viên: Trong lý, có cái không lý của thiên chân (偏真 sự thực sai lệch) và cái lý của viên mãn nhất thực, nghĩa là có hai lập trường khác nhau. Một là rời khỏi cái “hữu” để nghiêng về cái “không”, hai là xem cái “hữu” chính là “không” mà thôi. Sách Ma Kha Chỉ Quán quyển 3 có viết “Thiên có nghĩa là thiên tích (偏僻 sai lệch kỳ quặc), viên có nghĩa là viên mãn (tròn đầy)”. Lại nữa, nếu thay vì viết thiên mà viết biến thì “biến” ở đây là một trong ba đặc tính (biến / ỷ / viên) trong lý thuyết của Pháp Tướng Tông, để chỉ 3 giai đoạn phải kinh qua khi từ mê bước sang ngộ.
Giáo hưng đốn tiệm: Phân biệt đốn giáo và tiệm giáo. Tùy theo căn cơ của người học đạo, hoặc giải thích về chân lý một lần trót lọt (đốn giáo), hoặc dùng nhiều phương tiện dìu dắt họ tiến từng bước một (tiệm giáo). Có nghĩa là cùng một chân lý mà có hai cách tiếp cận. Ở đây cho thấy hình như tác giả đã rời bỏ lập trường có trước kia xem giáo (dạy dỗ) là không cần thiết.
Tùng thô cập tế: Năm thời kỳ kể từ lúc bắt đầu với kinh Hoa Nghiêm cho đến giai đoạn cuối cùng với Pháp Hoa, Niết Bàn. Thô hay có nghĩa thô tạp, tế có nghĩa là tinh vi. Nói cách khác, đó là những lời giải thích tổng quát, đơn sơ cho đến những lời giải thích tỉ mĩ, cặn kẽ.
Mục thuấn thanh liên, dẫn đắc đầu đà vi tiếu: Thanh liên hay hoa sen xanh để chỉ cặp mắt của Phật. Trong kinh Duy Ma, Phật Quốc Phẩm đệ nhất, có câu “mắt trong lành, đẹp và rộng mở như một đóa sen xanh” (mục tịnh tu quảng như thanh liên). Dẫn đắc có nghĩa là khiến cho. Đầu đà theo âm Phạn tzuuta (đẩu lâu) có nghĩa là “giũ sạch” ý nói người hoàn toàn phá chấp. Ngày nay, người ta hay gọi một cách bóng bẩy những người khất thực là “đầu đà đệ nhất”, chữ xưa dùng để chỉ Ma Kha Ca Diếp. Khi Đức Phật chìa cành kim hoa trong pháp hội núi Linh Thứu chỉ có (đầu đà) Ca Diếp hiểu ý và mỉm cười (vi tiếu). Do đó, ông được ngài truyền Chính Pháp Nhãn Tạng và trở thành vị sơ tổ của Thiền Tông. Điển tích này được thấy lần đầu tiên trong Thiên Thánh Quảng Đăng Lục xuất hiện đầu đời Tống. Đến cuối đời Tống, đã có ra nhiều tranh cãi về Đại Phạm Thiên VươngVấn Phật Quyết Nghi Kinh, cuốn sách mà nó dùng để xuất điển. Để biết tường tận về điển tích này, xin đọc Nhân Thiên Nhãn Mục, quyển 5, phần nói về “Niêm Hoa” (Chìa cành hoa) hay tắc số 6 trong Vô Môn Quan. Hoa ở đây ngụ ý nói về kinh điển như Hoa Nghiêm hay Pháp Hoa.
Chính pháp nhãn tạng: Tạng như con mắt của chính pháp.Chữ tạng ở đây là chữ tạng của tam tạng, đại tạng kinh, chỉ những sách vở ghi chép lời dạy của Đức Phật. Còn nhãn là nhãn mục (con mắt để nhìn) nhưng có thể hiểu là cách nhìn hay phần tối quan trọng. Lần đầu tiên chữ này được sử dụng là trong quyển thứ 1 của Bảo Lâm Truyện. Theo đó, trong Niết Bàn Kinh, quyển 2, có chép việc Đức Phật đã ủy thác cho Ma Kha Ca Diếp kế thừa “vô thượng chánh pháp”. Sau đó vào đời Tống lại cho thêm những ý khác vào đó thành một câu dài: “Chính pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”.
Đắc kỳ lý dã: Nắm được nguyên lý căn bản là điều tốt, tuy nhiên, nếu chỉ chạy theo hiện tượng không thôi thì, theo như lời dạy của thánh nhân, mình sẽ trở thành hư hỏng mất. Duy, cần để ý đến ý nghĩa của chữ “đắc”. “Đắc kỳ sự dã” có nghĩa “đã biết rồi mà còn phạm phải”, “trệ cú mê ngôn” là câu nệ vào ngôn ngữ, lúng túng bơi lội bên trong vòng ngôn ngữ.  
Siêu tông việt cách: vượt lên trên nguyên tắc và qui phạm. Tông là nếp nhà (bản gia), dòng dõi chính thống. Cách là cách thức. Trong Bích Nham Lục, lời tựa của Phổ Chiếu ở quyển đầu, có câu “Duy thiền sư Tuyết Đậu là người có được chính nhãn siêu tông việt cách, trình bày được chính lệnh nhưng không lộ mất phong qui”. Trong Nhân Thiên Nhãn Mục quyển 2, thấy chép lời thị chúng của Phù Sơn Viên Giám, trong đó nêu lên câu nói “tam chủng sư tử” của Phần Dương (Thiện Chiêu). Đệ nhất chủng là “siêu tông dị mục” ý đưa ra lập trường xem việc học trò vượt hơn điều dạy dỗ của thầy là cơ sở của sự truyền thụ.
Điểu đạo nhi vô tung: Nguyên là câu trong bài thơ thứ nhất của Hàn San, thi nhân và kỳ tăng đời Đường, năm sinh và mất không rõ:
Trùng nham ngã bốc cư,
Điểu đạo
tuyệt nhân tích. 
重 巖 我 卜 居
鳥 道 絶 人 跡
 
(Ta chọn đời trong núi,
Đường chim tuyệt dấu người)
“Điểu đạo” còn thấy trong thơ Lý Bạch (bài Thục Đạo Nan). Đường chim bay là nơi thấp và sâu trong hẻm núi, rất khó khăn cho sự đi lại của con người.
Nhược linh qui nhi duệ vĩ: Còn rùa thần lê cái đuôi trong bùn, tuy là vật linh thiêng mà đi lại khó khăn. Theo Nhân Thiên Nhãn Mục quyển 2 nói về Phần Dương (Thiện Chiêu) thập bát vấn, phần Thám bạt vấn (Hỏi cho cạn lẽ) có kể lại câu chuyện như sau: “Một người đến hỏi hòa thượng Phong Huyệt (Diên Chiểu) rằng người đã hiểu đạo đến chỗ sâu sắc rồi tại sao vẫn còn có thể nghi hoặc thì ông trả lời là dù con rùa thần, khi bò trên mặt đất thì cũng phải kéo lê cái đuôi của nó trong bùn”. Chắc Phong Huyệt đã lấy ý từ thiên Thu Thủy sách Trang Tử, trong đó có câu “Thà làm con rùa lê lết cái đuôi trong bùn” (còn hơn là con rùa thần chết đi bị người ta đem cái mai đặt trong điện thờ đội hà đồ lạc thư (bát quái) dùng vào việc bói toán, chăng?)
 
Nguyên văn:
Gian hữu Thanh Cư thiền sư, quan chúng sinh chi căn khí, ứng bệnh thí phương, tác mục ngưu dĩ vi đồ, tùy cơ thiết giáo. Sơ tùng tiệm bạch, hiển lực lượng chi vị sung, thứ chí thuần chân, biểu căn cơ chi tiệm thục.Nãi chí nhân ngưu bất kiến, cố phiêu tâm pháp song vong. Kỳ lý dã dĩ tận căn nguyên, kỳ pháp dã thướng tồn toa lạp.Toại sử thiển căn nghi ngộ, trung hạ phân vân. Hoặc nghi chi lạc không vong, hoặc hoán tác đọa thường kiến.
Diễn ý:
Gần đây, mới có thiền sư Thanh Cư quan sát năng lực của chúng sinh, tìm ra phương pháp trị liệu thích hợp cho từng căn bệnh. Ông đem những bức tranh kể việc nuôi trâu cho thuần, rồi theo trình độ của người nghe mà giảng nghĩa. Trước tiên, dùng hình ảnh con trâu dần dần trắng ra để ám chỉ việc sự tu hành của họ hãy còn chưa đầy đủ, sau đó màu sắc trâu lần hồi đẹp đẻ để ví rằng năng lực tu hành đang đi đến chỗ thuần thục. Giai đoạn cuối cùng của sự tu học được chứng tỏ qua việc không còn thấy trâu và người đâu cả nghĩa là con tâm của chúng sinh (trâu) và giáo pháp (người chăn), cả hai đều tan biến. Nguyên lý trên đã giúp cho ta hiểu cặn kẻ về bản chất con người nhưng ta hãy còn phải mang tơi nón đi nhiều nơi để học hỏi thêm. Bởi vì lời này vẫn còn làm cho những kẻ non kém nghi ngờ và khiến những kẻ căn cơ từ bậc trung trở xuống phân vân. Lại có những kẻ sợ bị hụt hẫng vào chốn hư vô, không nơi nương tựa nên cứ bo bo giữ ý kiến sẳn có của mình. 
Phụ chú:
Thanh Cư thiền sư 清居禅師 : Ông húy là Hạo Thăng 皓昇, đời thứ 6 kể từ Động Sơn Lương Giới. Có những chương sách viết về ông trong Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 14, Tục Truyền Đăng Lục quyển 2, Ngũ Đăng Nghiêm Thống quyển 14.
Căn khí: Thân thể, sau này có thêm nghĩa căn tính, năng lực tiên thiên (đã có sẳn lúc mới sinh ra).
Ứng bệnh thí phương: Tùy bệnh cho thuốc (ứng bệnh dữ dược) ý nói sự dạy dỗ của Phật thay đổi tùy thuộc vào căn cơ của người tu.
Tác mục ngưu dĩ vi đồ: Mục Ngưu Đồ 牧牛図 của Thanh Cư hoàn toàn không thấy truyền lại. Tắc thứ 32 trong Thung Dung Lục nhan đề “Ngưỡng Sơn tâm cảnh” (Nỗi lòng của Ngưỡng Sơn) và tắc 60 trong Thỉnh Ích Lục tên “Nam Tuyền Thủy Cổ” (Con trâu của Nam Tuyền) có sao lục một phần lời bình từ đó, nhắc đến Thanh Cư như người viết Mục Ngưu Đồ 12 chương. Tác phẩm của Phật Ấn Liễu Nguyên cũng có viết: “Thanh Cư Hạo Thăng thiền sư có bài tụng Mục Ngưu Đồ gồm 12 chương, Thái Bạch Sơn Phổ Minh thiền sư có bài tụng Mục Ngưu Đồ 10 chương, Phật Quốc Duy Bạch thiền sư có bài tụng Mục Ngưu Đồ 8 chương”. Việc sáng tác Thập Ngưu Đồ xem ra có nhiều sác xuất đã bắt nguồn từ lời thuyết pháp về “tri hữu” của Nam Tuyền.
Tùy cơ thiết giáo: Tùy theo căn cơ hay trình độ của học trò mà đặt chương trình giáo hóa. Đồng nghĩa với lối nói “ứng cơ thiết giáo” của Bách Nham Lục (tắc thứ 99).Thiết giáo cũng là chữ được dùng khi giải thích về các quẻ trong Kinh Dịch.
Sơ tùng tiệm bạch: Giai đoạn đầu lúc mà con trâu đen dầu được huấn luyện dạy dỗ vẫn chưa hoàn toàn đổi ra màu trắng. Ý nói quãng thời gian cho đến lúc “bắt được trâu” (đắc ngưu) (chương 4).
Thứ chí thuần chân: Lúc con trâu trắng đổi màu thành đen trở lại. Ý nói cho đến đoạn “kỵ ngưu qui gia” (cưỡi trâu về nhà) (chương 6).
Tâm pháp song vong: Dựa vào một câu trong Chứng Đạo Ca của Vĩnh Gia Huyền Giác. Tâm là căn, còn pháp (giáo) là trần, cả hai đều giống như vết bụi bám trên mặt  kính. Chỉ khi nào sạch hết bụi thì kính mới tìm được vẻ sáng xưa nay của nó. Cả tâm lẫn pháp đều biến mất thì mới thấy lại bản chất chân thật.
Kỳ lý dã dĩ tận căn nguyên kỳ pháp dã thướng tồn toa lạp: Nguyên lý ấy đã giúp ta hiểu cặn kẻ về bản chất con người rồi nhưng vẫn phải tơi nón đi nhiều nơi để nghe thêm lời dạy dỗ. Toa lạp (toa: cỏ gấu, lạp: nón lá) là một chữ khó hiểu nhưng dường như tượng trưng cho sự du hành để tầm sư học đạo. Trong bài thơ họa lại ở chương 7 “Đáo gia vong ngưu” (Đến nhà quên trâu) cũng có chữ “yên thoa vũ lạp” (áo che sương khói, nón che mưa) cho việc “thoa lạp” lúc đó không cần thiết nữa.. Ngoài ra, việc đối chiếu lý/pháp ở câu trên và lý/giáo ở câu nước có thể hiểu một cách tương tự.  
Toại sử thiển căn nghi ngộ: Kẻ yếu đuối thì nghi ngờ khi nghe nói tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Trong kinh Pháp Hoa, có chuyện đứa cùng nhi (con nhà nghèo) nghe cha bảo dừng, lại bỏ chạy. Ý nói những ai thiếu tự tín thì dù nghe lời thật cũng tưởng là đùa cợt. Hai chữ “nghi ngộ” có chép trong lời thị chúng của Lâm Tế Lục.
Trung hạ phân vân: Ngần ngại tự hỏi nếu mình bản lai đã có Phật tính sao còn phải tu hành chi cho mất công. “Trung hạ” đồng nghĩa với “thiển căn” chỉ người yếu đuối, thiếu căn cơ. Đoạn 3 trong Chứng Đạo Ca có câu “Trung hạ đa văn đa bất tín”.
Hoặc nghi chi lạc không vong: Lầm tưởng rằng mình rơi vào chỗ hư vô. Thái độ quả quyết một cách sai lầm (đoạn kiến). Đoạn 2 trong Truyền Tâm Pháp Yếu có câu ý nói “Người đi theo thì lại không dám vào pháp ấy vì chỉ sợ rơi vào chỗ hư không, chẳng có nơi trú ngụ” (Xu giả bất cảm nhập thử pháp, chỉ khủng không lạc, vô xứ thê bạc).
Hoặc hoán tác đọa thường kiến: Nếu không quả quyết một cách sai lầm (đoạn kiến) thì cũng rơi vào một lập trường cố định (thường kiến). Thường kiến có nghĩa là quan niệm thông thường cho rằng mọi sự sẽ còn tiếp tục sau cái chết nhưng đây có thể hiểu là sự cố định hóa một lập trường sẳn có..
 
Nguyên văn:
Kim kiến Tắc Công thiền sư, nghĩ tiền hiền chi mô phạm, xuất tự kỷ chi hung khâm, thập tụng giai biên, giáo quang tương ánh. Sơ tùng thất xứ, chung chí hoàn nguyên, thiện ứng quần cơ, như cứu cơ khát.
Diễn ý:
Nay ta (Từ Viễn) xem ra thì thấy Thập Ngưu Đồ của Khuếch Am Tắc Hòa Thượng là tác phẩm dựa trên công trình của bậc tiền bối mà phát huy được cái độc sáng của riêng mình. Mười bài tụng hay cùng mười bức họa đẹp soi chiếu vào nhau lấp lánh như châu ngọc.Từ bức tranh đầu kể việc mất trâu cho đến bức thứ mười nói chuyện trở về với cội nguồn đều là bài học thích ứng một cách khéo léo với căn tính của đối tượng, như thể cho kẻ đói ăn, cho người khát uống vào đúng lúc.   
Phụ chú:
Tắc Công thiền sư: Tắc Công 則公 là tên húy của thiền sư Khuếch Am 廓庵. Sách Thiền Môn Chư Tổ Sư Chi Kệ Tụng phần hạ chi hạ có chép về “Lương Sơn Khuếch Am Tắc hòa thượng Thập Ngưu Đồ 梁山廓庵則和尚十牛図”.
Nghĩ tiền hiền chi mô phạm: bắt chước khuôn mẫu của người đi trước là Thiền sư Thanh Cư.
Thập tụng giai biên: Mười bài tụng hay, ăn khớp trước sau. Giao quang tương ánh: chiếu rọi cho nhau, lấp lánh đẹp đẽ như châu ngọc.
Sơ tùng thất xứ chung chí hoàn nguyên: Ý nói từ lúc tìm trâu đi lạc (chương 1: Tầm Ngưu) cho đến lúc thõng tay vào chợ (chương 10: Nhập Triền Thùy Thủ).
Thiện ứng quần cơ: Thích hợp và thỏa mãn được tất cả mọi người. “Cơ” trong quần cơ có nghĩa là căn cơ, căn khí.Thiện ứng là chữ trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn.
 
Nguyên văn:
Từ Viễn thị dĩ thám tầm diệu nghĩa, thái thập huyền vi. Như thủy mẫu dĩ tầm thực, ỷ hải hà nhi vi mục. Sơ tự tầm ngưu, chung chí nhập triền, cưỡng khởi ba lan, hoành sinh đầu giác. Thướng vô tâm nhi khả mịch, hà hữu ngưu nhi khả tầm. Kịp chí nhập triền, thị hà ma mị. Huống thị tổ nễ bất liễu, ương cập nhi tôn. Bất quỹ hoang đường, thí vi đề xướng.  
Diễn ý:
Ta (Từ Viễn) nhân đó mói tìm tòi để nắm lấy và đưa ra ý nghĩa thâm sâu trong đạo lý của hòa thượng. Duy việc của ta làm giống như con sứa khi tìm mồi phải mượn mắt tôm để nhìn thôi. Thập Ngưu Đồ của hòa thượng Khuếch Am từ bức thứ nhất là Tìm Trâu cho đến bức thứ 10 Thõng Tay Vào Chợ đã gây nên nhiều sóng gió, đâm ngang đâm dọc như sừng trâu. Bởi vì không biết cái tâm là cái không thể tìm được, thì làm gì có trâu nào để đuổi theo nhỉ? Cuối cùng, còn đi vào chợ, biến hóa như thế thật là ma quái. Huống chi (việc Từ Viễn ta đi tìm cái ý nghĩa sâu xa huyền diệu này đây), nếu các bậc tổ tiên đã khuất chưa chấp nhận cho thì chắc họ còn gieo tai họa cho đến đời con đời cháu. Dầu vậy, biết rằng chuyện trong Thập Ngưu Đồ là hoang đường khó tin, ta cũng thử ra tay giải thích.
Phụ chú:
Từ Viễn 滋遠: Có lẽ là học trò của Khuếch Am nhưng truyện ký không rõ.
Thám tầm diệu nghĩa: Đi tìm ý nghĩa sâu xa trong từng chương một, cũng có ý nói đặt lời tựa cho mỗi bức tranh trong mười chương của Thập Ngưu Đồ.
Như thủy mẫu nhi tầm thực…: Đạo Lăng Già Kinh chương 7 khi bàn về những chỗ điển đảo của chúng sinh có phân chia thành 12 loại. Đoạn thứ 10 có câu: “Chư thủy mẩu đẳng dĩ hà vi mục” (Những con sứa đi kiếm mồi đều lấy tôm biển làm mắt) vì thủy mẫu hay hải nguyệt, thủy nguyệt là con sứa. Bảo mình lá sứa có ý khiêm tốn. Có chỗ giải thích rằng thân con sứa vốn do bọt nước tạo thành cho nên bản tính của nó là hư không. Tông Kính Lục quyển 1 chép rằng: Khi trong tông môn bảo phải đi mượn mắt tôm để nhìn là có ý nói mình không biết gì cả, chỉ dựa vào chữ nghĩa thánh hiền để lại, chứ không đứng vào hàng tổ được. Muốn biết thêm về thủy mẫu, xin xem Sự Văn Loại Tụ, hậu tập 34 và các nơi khác.
Sơ tự tầm ngưu chung chí nhập triền: Ý nói Thập Ngưu Đồ 10 chương của Khuếch Am.
Cưỡng khởi ba lan: Phê phán Khuếch Am gây ra tranh cãi thừa thãi. Hoành sinh đầu giác: Không những gây nên sóng gió mà còn chĩa sừng qua lại. Nhấn mạnh ý trước và ám chỉ con trâu.
Thướng vô tâm nhi khả mịch: Phê phán Khuếch Am đã để lại nhiều nghi vấn cho người tu học (tồn toa lạp). Câu này tương ứng với những gì thấy trong các bài tụng kèm theo tranh.
Kịp chí nhập triền: Cho đến (kịp khi đến) bức tranh thứ 10. Có nghĩa là 9 bức tranh trước đều nói chuyện quái gỡ, cuồng điên.
Huống thị tổ nễ bất liễu…: Tổ nễ bất liễu, ương cập nhi tôn có nghĩa là nếu linh hồn cha ông chưa siêu thoát được, chưa thành Phật, chưa chấp nhận, thì sẽ gieo tai vạ con con cháu. Câu nói này thấy có trong Lâm Gian Lục quyển thượng qua lời đối đáp của Pháp Đăng Thái Khâm, cũng như trong Nhân Thiên Nhãn Mục quyển 2 chương nói về Phù Sơn Cữu Đới. Có lẽ ý nói bây giờ mình mong được Khuếch Am chấp nhận cho.
Bất quỹ hoang đường: Không ngại là chuyện hoang đường (hoang đường vô kê) mà vẫn đem ra giải thích. Hàm ý khiêm tốn. Đề xướng có nghĩa là trình bày, khen tặng.

 
[1] Ly nô 狸奴: một giống mèo rừng. Bạch cổ 白牯: bò đực trắng.
[2] Tự Điển Phật Học nhóm Đạo Uyển (trang 380) có kể lại chuyện Nam Tuyền lúc sắp tịch, có tăng hỏi: “Sau khi hòa thượng trăm tuổi, đi về chỗ nào?”. Sư bảo: “Làm con trâu dưới núi”. Tăng hỏi: “Con theo hòa thượng được chăng?” Sư đáp; “Nếu ngươi muốn theo ta phải ngậm một bó cỏ”.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.19/9/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment