Tuesday, 17 September 2013

PHẬT DẠY LUYỆN TÂM
NHƯ CHĂN TRÂU.


- 1 -
 TÂM Ý CON NGƯỜI
 
     Tâm ý con người rời đổi mau lẹ trong từng phút từng giây theo với ngoại cảnh. Đức Phật đã dạy: “Tâm viên, ý mã”. “Viên” là vượn, “mã” là ngựa. Tâm người như vượn chuyền trên cây, như ngựa rông nơi đồng nội. Đây là cái tâm chập chờn, lăng xăng, vọng động của con người. Cái tâm khi ma khi Phật. Cái tâm như khỉ như vượn. Cái tâm khó kiểm soát, khó canh phòng. Còn ý của con người thì mênh mông đủ chuyện, mơ tưởng từ đông sang tây, hết quá khứ tới vị lai… Trong nháy mắt ta có thể có đến biết bao nhiêu là ý tưởng dấy lên, chúng tiếp nối nhau cái này sau cái khác, thoáng qua nhanh chóng trong đầu như ngựa tự do chạy trên cánh đồng rộng thênh thang. Chính vì tâm ý sinh diệt quá mau lẹ, nhiều khi ta không nhận ra được sự biến chuyển của nó, nên ta có cảm tưởng như nó không thay đổi gì cả. 

     Tâm điều khiển ý muốn và hành động của con người. Tâm tạo ra mọi thứ, không có gì trong cuộc đời này có thể so sánh hay thay thế được tâm. Cho nên canh phòng và kiểm soát tâm, hướng dẫn tâm theo chính đạo là điều cần thiết. Nhưng việc này không dễ thực hiện, vì dò biết được tâm con người còn khó hơn dò lòng đại dương. Hơn nữa thân thể nếu có bệnh hoạn ta vội vã đi tìm thầy, chạy thuốc, nếu mệt mỏi ta vội cho nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, nhưng có rất nhiều người dường như lơ là và không coi cái tâm của mình là hệ trọng!

     Qua các kinh sách ta thấy đức Phật luôn nhấn mạnh vào vai trò rất quan trọng của tâm trong đời sống con người. Chỉ cần tham khảo một cuốn KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA) thôi cũng thấy biết bao nhiêu lời khuyên dạy của Ngài.

     Đức Phật dạy rằng mọi hành động đều do tâm hướng dẫn, do tâm làm chủ và do tâm tạo nên. Theo lối hành động tiêu cực thời con người thường buông thả theo bản tính. Lối này dễ thực hành hơn, có thể thoả mãn tạm thời tính ích kỷ và lòng ham muốn thụ hưởng thường tình của con người. Tiếc thay nếu ta nói hay hành động với ý xấu hoặc với ác tâm thì khổ não và bất hạnh sẽ theo ta như cái bánh xe lăn theo bước chân của con vật kéo xe:

“Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà ô nhiễm: khổ đau theo kề
Tựa như là cái bánh xe
Theo chân con vật kéo lê trên đường.”
(Kinh Pháp Cú, câu 1)
 
     Nhưng nếu ta theo lối hành động tích cực thời con người thường suy nghĩ chín chắn, có kiểm soát để theo lẽ phải trái, biết phân biệt thiện, ác. Nếu ta nói hay hành động với ý tốt, với thiện tâm, thời hạnh phúc và an lạc sẽ theo ta như bóng theo hình:

“Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà thanh tịnh: dạt dào niềm vui
Và bao hạnh phúc trên đời
Theo ta như bóng khắp nơi theo hình.”
(Kinh Pháp Cú, câu 2)

     Trong hai câu Pháp Cú 1 và 2 đối nhau ở trên, đức Phật dạy cho ta thấy rằng theo “luật nhân quả” thời con người có hai cách xử sự và mỗi cách sẽ đưa đến một hậu quả khác nhau. Hậu quả đó tốt hay xấu đều tùy thuộc ở hành vi của con người đã làm trong quá khứ hay đang làm trong hiện tại. Tất cả những hậu quả tốt hoặc xấu do hành vi của con người tạo ra đối với xã hội và đối với chính mình, đếu là trách nhiệm của mình. Điều thiện điều lành sẽ tạo nghiệp thiện và đưa đến an lạc, hạnh phúc. Điều xấu điếu ác sẽ tạo nghiệp dữ và đưa đến khổ đau. Không cần phải có một đấng thiêng liêng tối cao nào để thưởng phạt con người. Chính con người tự thưởng hay tự phạt mình bằng những hành động của chính mình. Ai gieo thứ gì thì sẽ gặt hái thứ ấy. Kẻ gieo gió sẽ gặt bão. Con người tự tạo cho mình thiên đường hay địa ngục. Con người tự xây dựng số phận cho chính mình. 

     Muốn tâm được phát triển sâu rộng, ta cần phải chăm sóc tâm, nếu không cái tâm đó sẽ luôn luôn nhìn cuộc đời bằng con mắt “hai chiều” (nhị nguyên) để rồi luôn bị kích động bởi hai chiều đối nghịch nhau là yêu-ghét, lấy-bỏ, được-mất, hơn-thua, khen-chê, vinh-nhục v.v… Chỉ khi nào tâm đã được rèn luyện, ta mới có thể thay đổi cái nhìn của mình. Trong kinh Phật đã dạy cách an trụ tâm và hàng phục tâm. Phật dạy rằng “lục trần” là nguyên do làm cho tâm ý con người bị động. “Lục” là sáu, “trần” là bụi dơ. Lục trần là sáu cảnh bên ngoài như bụi bặm có thể làm nhiễm dơ tâm ý ta. Sáu cảnh đó là “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”. Sáu cảnh này do sáu căn là “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý” mà nhập vào thân làm ô nhiễm cái tâm thanh tịnh của ta.   

     “Sắc” là những mầu sắc, những hình thể của người, của sự vật v.v... hiển hiện ra cho ta thấy. Khi mắt thấy màu sắc, hình thể, ý nhận rằng đẹp đẽ, từ đó nảy lòng muốn chiếm đoạt bằng mọi cách. Khi thấy châu báu, tiền bạc muốn thâu góp. Khi thấy người có sắc đẹp bèn có ý muốn chạy theo. Cái đẹp thì ưa thích tìm cách tạo sắm cho được, khi được rồi thời lo bảo quản giữ gìn. Một thời gian sau nếu cái đẹp đó bị mất đi thời buồn rầu tiếc nuối khổ sở để mong kiếm tìm lại… Khi tiếp xúc với người thời ai tử tế sẽ cho là tốt là phải, ai tệ bạc sẽ cho là xấu là sai quấy. Và cứ như thế mà ý tưởng dấy khởi không ngừng. Khi thấy màu sắc hoặc hình thể xấu xa, không hợp nhãn mà những cái đó cứ bấu víu lấy ta thời ta khổ sở và loay hoay tìm cách xa lìa, buông bỏ v.v… Các trường hợp như vậy đều làm cho tâm bị ô nhiễm và dao động.  

     “Thanh” hay “thinh” là tiếng phát lộ ra của vật vô tình và hữu tình. Tiếng của vật vô tình thì không có ý nghĩa gì như tiếng gió mưa, tiếng sấm sét. Tiếng của vật hữu tình như những thanh âm của giọng nói, lời ca tiếng hát, tiếng đờn, tiếng nhạc thì có ý vị, có lý thú. Những giọng nói ngon ngọt, lời rủ rê ngọt ngào, tiếng nịnh hót êm ả lọt vào lỗ tai làm ta cảm động xiêu lòng, say đắm, nên chạy theo âm thanh đó, tìm cách vận dụng mọi khả năng của mình để tạo phương tiện làm sao cho âm thanh đó có mãi hoặc mê mải làm theo những lời đó. Trái lại khi nghe tiếng chát chúa đắng cay, tiếng cục cằn nhục mạ khó nghe, thời ta nổi lên ý nghĩ muốn xóa bỏ, cố làm cho tiếng trái tai đó không đến nữa. Các trường hợp như thế đều làm cho tâm bị dao động và ô nhiễm.

     Rồi đến các loại như “hương” là chất ngửi vào mũi, mùi phát ra từ nơi hình sắc của mỗi vật của mỗi chúng sinh như mùi thơm tho của son phấn, của hoa lá, của món ăn thức uống thoảng vào mũi… “Vị” là vị ngon ngọt của món ăn thức uống thấm đượm vào đầu lưỡi… “Xúc” là sự tiếp xúc, gặp gỡ, đụng chạm với đồ vật, quần áo, thân thể con người mà mình ưa thích… “Pháp” là những phương thế, những tư tưởng xâm nhập cái ý nghĩ của mình khiến mình sinh ra những sự phán đoán phân biệt. Khi ưa khi thích thì muốn ôm muốn giữ lại. Khi chê khi ghét thì muốn xua muốn đuổi đi. Tất cả những cái đó cũng đều làm cho tâm bị động.

     Muốn an trụ tâm thì chẳng nên dính với lục trần. Lục trần cũng được gọi là “lục tặc”, tức là sáu tên giặc thường hay cướp đi công đức, lấy mất thiện pháp của ta. Kinh Phật từng ghi rõ: “Sáu tên giặc lớn tức là sáu trần ở bên ngoài… Vì chúng hay cướp đoạt hết thảy mọi thiện pháp… sáu giặc lớn kia đến đêm thì sung sướng hí hửng. Giặc ác lục trần cũng giống hệt như thế, ở chỗ tăm tối vô minh thì sung sướng hí hửng”. Người theo đạo Phật phải dõng mãnh chiến đấu chống lục tặc trong tâm mình vì: “Chiến trận gay go nhất là chống giặc nội tâm. Hàng phục được giặc nội tâm, ấy là kẻ trượng phu.”

     Đức Phật dạy tựa như căn nhà lợp vụng về, không kín sẽ bị nước mưa thấm dột vào, thời kẻ tâm không tu, kém thuần thục dễ bị tham dục xâm nhập. Trái lại căn nhà khéo lợp kín sẽ không bị nước mưa thấm dột vào tựa như kẻ thuần thục khéo tu, tâm phát triển đầy đủ thời tham dục không thấm nhuần được:

“Căn nhà lợp chẳng kỹ càng
Mưa tuôn thấm dột dễ dàng lắm thay
Tâm mà tu vụng có ngày
Bị nhiều tham dục lọt ngay khác gì.”
(Kinh Pháp Cú, câu 13)
 
“Căn nhà lợp thật kỹ càng
Mưa tuôn đâu dột dễ dàng mấy khi
Tâm mà tu khéo sợ gì
Bao nhiêu tham dục dễ chi lọt vào.”
(Kinh Pháp Cú, câu 14)

     Đức Phật cũng đã chỉ rõ cái vọng động khó chế phục của tâm. Ngài khuyên người trí phải biết giữ cái tâm của mình cho chính trực, ngay thẳng, giống như người thợ làm cung tên phải chau chuốt, uốn nắn cho mũi tên được ngay:
“Thường thường tâm kẻ phàm phu
Chập chờn, dao động, lu mờ, khó canh
Khó mà chế phục được nhanh,
Chỉ riêng kẻ trí tâm mình giữ yên
Giữ cho ngay thẳng lâu bền
Như tay thợ khéo uốn tên lành nghề
Tên luôn ngay ngắn mọi bề.”
(Kinh Pháp Cú, câu 33)
 
     Hình ảnh con cá bị vớt lên khỏi nước và vứt trên mặt đất khô sẽ kinh hãi như thế nào thời tâm chao động cũng dường như thế ấy. Vậy phải lánh xa cảnh giới của dục vọng:

“Tựa như cá ở hồ ao
Bị đưa khỏi nước quăng vào bờ kia
Vẫy vùng, sợ sệt kể chi,
Tâm người nên vậy khác gì cá đâu
Phải vùng vẫy, phải lo âu
Cố mà phấn đấu thoát mau tâm mình
Khỏi tay Ma giới dục tình.”
(Kinh Pháp Cú, câu 34)

     Nhưng tâm là một cái gì khó nắm giữ, hay khinh động, hoảng hốt, khó hộ trì, khó nhiếp, sẵn sàng chạy theo sở thích của dục vọng và lòng tham con người. Hàng phục tâm khó hơn an trụ tâm. Hàng phục tâm phải dùng đến ý chí để kiềm chế sự ham muốn của tâm. Khi tâm chạy theo cảnh, theo người, theo lục trần một cách hăng hái, thì ta phải cương quyết dùng ý chí để kiềm nó lại. An trụ tâm thời tương đối dễ thực hiện hơn vì lúc ấy tâm đã được kiềm chế rồi. Cái tâm kẻ phàm phu chao đảo lanh lẹ phóng đi khắp nơi lại tinh vi, khó thấy nên tâm có được kiểm soát, tư tưởng có được canh chừng kỹ lưỡng thường xuyên mới dẫn đến yên vui hạnh phúc:

“Tâm phàm phu cứ xoay vần
Chạy theo dục vọng muôn phần đảo chao
Khó mà nắm giữ được nào,
Chỉ riêng những kẻ thanh cao tính tình
Đã điều phục được tâm mình
Mới mong hạnh phúc, an bình mãi thôi.”
(Kinh Pháp Cú, câu 35)
“Tâm phàm phu cứ xoay vần
Chạy theo dục vọng muôn phần đảo chao
Tinh vi, khó thấy được nào
Chỉ riêng người trí lo âu thật tình
Canh phòng nghiêm ngặt tâm mình
Cho nên hạnh phúc, an bình mãi thôi.”
(Kinh Pháp Cú, câu 36)
 
     Như vậy, chúng ta thấy rõ, tâm dẫn đầu các pháp, tâm là tối thượng, mọi hành động đều do tâm hướng dẫn, do tâm làm chủ và do tâm tạo nên. Chính tâm điều khiển và tạo tác ra hành động bằng “Thân, Khẩu, Ý”. Tâm tạo tác ra thiện hoặc ác.

     Nhưng cái tâm vô hình, vừa không có hình thể, lại không có màu sắc. Tâm con người thường yếu đuối và vô định. Ai chế ngự được tâm mới mong thoát khỏi mọi ràng buộc của dục vọng, của Ma Vương, mới sống tự do:

“Tâm phàm phu cứ lao mình
Âm thầm, đơn độc du hành rất xa
Nào đâu hình dạng phô ra
Hang kia ẩn náu thật là thẳm sâu,
Tâm ai điều phục được mau
Thoát Ma trói buộc, lụy đâu dục tình.”
(Kinh Pháp Cú, câu 37)
 
     Người mà tâm không vững, trí không thanh thản, không biết chánh pháp, niềm tin bị dao động thời trí tuệ không bao giờ đạt được đến mức toàn hảo:

“Người không an định được tâm
Không rành chánh pháp, không thông đạo mầu
Lòng tin lại chẳng bền lâu
Tất nhiên trí tuệ dễ đâu hoàn thành.”
(Kinh Pháp Cú, câu 38)
 
     Trái lại người không bị tham ái thấm nhuần, không bị sân hận thâm nhiễm, đã vượt lên cả hai nghiệp thiện và ác thông thường, đó là người tâm thanh tịnh và giác tỉnh thời không bao giờ còn sợ sệt điều gì:
 
“Người nào thanh tịnh trong tâm
Không còn tham ái và sân hận gì
Vượt lên thiện, ác đôi bề
Là người giác ngộ chẳng hề sợ chi.”
(Kinh Pháp Cú, câu 39)
 
     Vì thân xác con người mỏng manh như một chiếc lọ sành nên phải giữ cho tâm mình kiên cố, bền vững như một thành trì. Hãy tấn công và tiêu trừ Ma Vương dục vọng bằng khí giới trí tuệ. Hãy gìn giữ mức tiến bộ về đạo đức và phẩm hạnh mà mình đã đạt được và luôn luôn nỗ lực cầu tiến thêm mãi:

“Thân như đồ gốm mong manh
Giữ tâm cho vững như thành vây quanh
Với gươm trí tuệ tinh anh
Hãy mau đánh dẹp tan tành quân Ma
Dẹp Ma dục vọng quấy ta
Thắng rồi nỗ lực để mà tiến thêm
Giữ gìn chiến thắng cho bền
Vượt vùng luyến ái, thoát miền nhiễm ô.”
(Kinh Pháp Cú, câu 40)
 
     Đức Phật cũng dạy là mọi người cần phải tu tâm, phải luyện tâm vì “tâm có thể tạo nghiệp, mà tâm cũng có thể chuyển nghiệp”. Một khi tâm kia đã được hàng phục sẽ trở nên an ổn tịch lặng, như ly nước vẩn đục khi để yên, cáu bẩn lắng đọng thì nước ắt trong trẻo, như trên trời mây tan đi thì hiển lộ ra trăng sáng.

     Chính nhờ điều phục tự tâm mà an lạc luôn luôn đến với người thiền định. Kẻ ngu thường có hành động phóng dật, buông lung, không biết tự kiềm chế, sống bừa bãi bất chấp hậu quả. Còn bậc thiện trí luôn luôn giữ tâm chánh niệm, canh giữ tâm niệm như bảo vệ một kho tàng quý giá:

“Kẻ ngu si bị đắm chìm
Trong đời phóng dật, trong miền buông lung
Nhưng người hiền trí tìm đường
Chăm lo gìn giữ tâm đừng buông lung
Tựa người bạc bể tiền rừng
Chăm lo báu vật, trông chừng quý kim.”
(Kinh Pháp Cú, câu 26)
     Thiền định là một pháp môn nhằm điều phục tâm, huấn luyện tâm và do vậy nhiều khi chữ tâm được dùng thay cho chữ thiền định. Ở đây chúng ta chứng kiến vai trò quan trọng của sự tu tập, huấn luyện, điều phục tâm trong đời sống của người Phật tử kể  cả tại gia lẫn xuất gia. Tâm con người thường yếu đuối và vô định, tâm rất khinh động, theo các dục quay cuồng nên điều phục tâm không phải là đơn giản. Ai chế ngự được tâm mình thì mới thoát khỏi vòng trói buộc của dục vọng. Người chuyên cần hành thiền sẽ gặt hái phước báu dồi dào:

“Chớ nên chìm đắm xuôi theo
Buông lung, phóng dật là điều chẳng hay,
Chớ nên dục lạc mê say,
Hãy nên tỉnh giác tâm này cho mau
Tu thiền định thật chuyên sâu
Mới mong phước báu, mới cầu bình an.”
(Kinh Pháp Cú, câu 27)
 
     Tâm hướng về mười loại bất thiện nghiệp là: “sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời thô lỗ cộc cằn, nói lời nhảm nhí, tham lam, sân hận và tà kiến”.
 
     Cái nguy hại mà kẻ thù hay người oán hận gây hại cho ta cũng không nguy hiểm, không to lớn bằng chính tâm ta hướng về điều bất thiện, về hành vi tà ác. Đó mới là kẻ thù tệ hại nhất:

“Kẻ thù gây hại cho nhau
Hay người oán hận trước sau rửa hờn
Cũng đâu gây hại nhiều hơn
Hại do hạnh ác trong tâm tạo thành
Gây ra cho chính thân mình.”
(Kinh Pháp Cú, câu 42)
 
     Mười loại hành động tạo thiện nghiệp là: “bố thí, giữ giới luật, hành thiền, cung kính bậc trưởng thượng, phục vụ chúng sinh, hồi hướng phước báu, hoan hỉ với phước báu của người khác, nghe giáo pháp, truyền bá giáo pháp và củng cố chính kiến”.
 
     Tâm hướng về điều thiện sẽ mang lại nhiều điều tốt lành và lợi ích còn hơn một người cha hay một người mẹ hoặc thân nhân đem lại phước báu cho ta:    
“Dù cha mẹ hoặc thân nhân
Giúp ta chỉ được một phần thăng hoa
Chính nhờ tâm tốt của ta
Tìm về việc thiện, hướng qua hạnh lành
Làm mình cao thượng thật nhanh.”
(Kinh Pháp Cú, câu 43)   
 
     Phải nắm ngay mọi cơ hội để làm điều thiện, điều lành. Những hành động như thế sẽ ảnh hưởng tốt đẹp đến hạnh phúc trường cửu của ta. Nên vận dụng mọi cố gắng để thanh lọc tâm, hãy chế ngự, ngăn cản đừng cho tâm nghĩ đến điều ác. Vì tâm ô nhiễm của người biếng nhác trong việc tạo thiện nghiệp sẽ có khuynh hướng thoả thích trong tư tưởng xấu, sẽ ưa thích làm điều ác:

“Hãy mau thực hiện điều lành
Còn bao điều ác tránh nhanh đừng làm,
Điều lành lười biếng không ham
Làm càng chậm trễ lại càng khổ đau
Trong tâm chuyện ác đến mau.”
(Kinh Pháp Cú, câu 116)

     Ác là cái gì làm cho tâm nhiễm ô, dẫn ta đến trạng thái khổ cực. Hành động nào bắt nguồn từ ba căn tham ái, sân hận và si mê đều được coi là ác. Nếu đã lỡ làm điều ác, chớ nên tiếp tục làm nữa. Không nên vui khi làm điều ác. Hễ ai chứa ác ý hay ác tâm thì nhất định sẽ thọ khổ đau. Trái lại thiện nghiệp hay phước báu là cái gì thanh lọc tâm. Nếu đã làm việc thiện, nên tiếp tục làm nữa. Nên vui khi làm điều thiện. Hễ ai chất chứa, tích trữ thiện ý hay thiện tâm thì nhất định sẽ được an lạc và hạnh phúc:
 
“Lỡ làm việc ác mất rồi
Chớ nên tiếp tục bước đời lầm sai
Chớ vui với việc ác này
Tâm hay chứa ác có ngày khổ đau.”
(Kinh Pháp Cú, câu 117)

“Đã làm việc thiện, việc lành
Hãy nên tiếp tục thực hành hăng say
Hãy vui với việc lành này
Tâm hay làm thiện có ngày hưởng vui.”
(Kinh Pháp Cú, câu 118)
     Không nên nản chí xem thường phước báu mà nói rằng nó sẽ không bao giờ đến gần ta. Đừng xem thường những điều lành nhỏ, đừng tưởng rằng những cái đó sẽ không đem lại kết quả tốt cho ta. Nên nhớ rằng từng giọt nước nhỏ nhoi rơi xuống lâu ngày cũng sẽ làm đầy được cái bình to lớn. Kẻ thiện trí sở dĩ đạt được sự toàn thiện là nhờ góp nhặt và thực hành điều thiện trong tâm mình mỗi lần một chút ít:

“Chớ khinh điều thiện nhỏ nhoi
Cho rằng: ‘Quả báo mình thời hưởng đâu!’
Nhớ rằng giọt nước nhỏ lâu
Mỗi ngày một chút cũng mau đầy bình,
Người hiền trí chứa tâm mình
Bao điều thiện nhỏ dần thành phước to.”
(Kinh Pháp Cú, câu 122)
 
     Người trí chẳng những lo kiểm soát thân, mà còn lo điều phục cả tâm và ý nữa, có thế mới là hạng người điều phục hoàn toàn:
 
“Những người trí, những kẻ hiền
Luôn lo kiểm soát, giữ gìn tấm thân
Lời ăn tiếng nói lo luôn
Lại lo cho ý, cho tâm của mình
Chăm lo ba nghiệp nhiệt tình.”
(Kinh Pháp Cú, câu 234)
 
     Đức Phật trong quá khứ tâm cũng từng buông lung. Nhưng về sau với chánh niệm Ngài đã nắm vững và điều phục được tâm như người nài giỏi nắm vững và khắc phục một thớt voi:
 
“Như Lai thuở trước buông lung
Bao nhiêu tham dục cứ thường chạy theo,
Tâm ta nay đã xoay chiều
Nhờ vào chánh niệm ta điều phục tâm
Như voi hung dữ vô ngần
Nhờ tay quản tượng sẽ thuần tính ngay.”
(Kinh Pháp Cú, câu 326)

     Hãy thoả thích trong chánh niệm. Hãy vui vẻ, siêng năng và tinh tấn canh phòng tâm mình. Hãy tự cứu mình ra khỏi đường tà ác như voi sa lầy gắng sức để rút chân ra khỏi đầm bùn:
“Canh phòng tâm thật kỹ càng
Tươi vui, sáng suốt, siêng năng, nhiệt tình
Mình lo tự cứu lấy mình
Khỏi đường tà ác chúng sinh đọa đày
Như voi kia bị sa lầy
Rút chân gắng sức vượt ngay đầm bùn.”
(Kinh Pháp Cú, câu 327)
 
     Đừng luyến ái ngũ uẩn trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Hãy để cho dĩ vãng, hiện tại hay tương lai trôi đi. Hãy vượt qua đến bờ bên kia của kiếp nhân sinh trần tục với tâm giải thoát, để khỏi chịu cảnh sinh tử luân hồi trở lại với mình:
 
“Mặc cho quá khứ trôi đi
Níu chi hiện tại, chờ gì tương lai
Rời mau bến thảm cuộc đời
Vượt qua bờ nọ là nơi tuyệt vời
Khi tâm đã giải thoát rồi
Đâu còn sinh lão nổi trôi xoay vần.”
(Kinh Pháp Cú, câu 348)
 
     Những lời vàng chư Phật từng khuyên dạy như đã được ghi rõ trong cuốn KINH PHÁP CÚ là: “Không nên làm các điều ác. Nên thường xuyên trau giồi làm việc thiện và giữ tâm, ý trong sạch”. Đạo Phật có thể tóm tắt trong câu đó:

“Chớ làm điều ác bao giờ
Làm điều lành tốt người chờ, người mong
Giữ tâm, giữ ý sạch trong
Là lời Phật dạy ghi lòng chớ quên.”
(Kinh Pháp Cú, câu 183)

     Ðức Phật cũng từng dạy: "Hỏi các Tỳ kheo, có hai thứ bệnh. Hai bệnh ấy là gì? Bệnh thể xác và bệnh tinh thần. Có những người hưởng sự vô bệnh về thể xác trong một năm, hai năm... cả đến trăm năm hay hơn nữa. Nhưng, này các Tỳ kheo, hiếm thay trong thế gian này là những người hưởng được sự vô bệnh về tinh thần, ngay cả trong chốc lát, trừ phi những người đã thoát khỏi những tâm xấu xa ô nhiễm". Thật vậy, tâm ý con người cũng tựa như một tượng Phật đúc bằng vàng ròng, vô cùng trong sạch, tinh khiết và quý báu. Nhưng vì bị chôn vùi trong nhiều năm tháng nên bị bao phủ bởi nhiều lớp cát bụi bùn lầy dơ bẩn. Nếu ta tốn công tận lực lau chùi tu bổ bồi đắp thời một thời gian sau tượng Phật sẽ hiển lộ ra ánh sánh chói lọi rực rỡ một cách toàn diện.

     Kinh Phật từng dạy về lợi ích của việc đào luyện Tâm Ý:  “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, đưa đến bất lợi lớn, như tâm không được điều phục, không được hộ trì, không được phòng hộ, không được bảo vệ.” “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, đưa đến lợi ích lớn, như tâm được điều phục, được hộ trì, được phòng hộ, được bảo vệ.”

     Nhưng phải công nhận rằng con người thường rất sợ hãi hay hổ thẹn, không dám nhìn thẳng vào tâm mình. Bởi thế họ ưa lẩn tránh nó. Đúng ra mọi người nên can đảm, thành thật nhìn vào tâm mình như nhìn vào mặt mình soi trong gương để thiền quán về tâm mà luyện tâm. Cần hoàn toàn ý thức được tâm mình đang mê hay tỉnh, nó đầy hận thù, ác độc, ghen ghét, hay đầy tình yêu, từ bi, nó đang có ảo tưởng hay thấy biết chân xác rõ ràng v.v...  

     Có người đến hỏi Thiền Sư Đại Chu Huệ Hải (thiền sư đời Đường) rằng: “Hòa thượng tu đạo, có dụng công không?”. Thiền Sư đáp: “Dụng công”. Hỏi: “Dụng công thế nào?”. Thiền sư trả lời: “Đói thì ăn cơm, buồn ngủ thì ngủ”. Hỏi: “Tất cả mọi người đều vậy, như thế thì vấn đề dụng công có giống với thiền sư hay không?”. Thiền Sư trả lời: ”Không giống”. Hỏi: “Tại sao không giống?”. Đáp: “Khi họ ăn cơm, nhưng họ không chịu ăn cơm vì bị trăm điều đòi hỏi, nghĩ đến trăm thứ nhu cầu; khi ngủ thì không chịu ngủ, vì phải so sánh tính toán ngàn việc vạn sự”.

     “Đói thì ăn cơm, buồn ngủ thì ngủ” – đây chính là thiền, nếu thực hiện được điểm này, thì đó gọi là hiểu biết về thiền. Người không tu hành, thường buông lỏng tâm ý, mặc cho các niệm nối đuôi nhau xuất hiện trên bình diện ý thức, một cách tự phát, ít khi dừng lại suy nghĩ xem mình đang nghĩ gì, nghĩ như vậy là đúng hay sai, thiện hay ác. Nghệ thuật đào luyện tâm ý của đạo Phật chính là ở chỗ biết “dừng lại”, sách Phật gọi là “chỉ . Rồi trên cơ sở “chỉ ” ta sẽ “quán xem đó là niệm gì, niệm ấy đúng hay sai, thiện hay ác.

     Tâm ý con người trong cuộc sống hàng ngày thường xuyên bị dao động, tán loạn, phóng dật, đuổi theo lục trần không phút giây nào ngừng nghỉ nên dễ dàng bị lớp màn vô minh che phủ. Vô minh che lấp chân tính, chân tâm nhiều đời nhiều kiếp khiến con người lăn lộn trong vòng sinh tử luân hồi. Vì không biết dừng lại để quán sát nên người ta thường bị “tán tâm” và cuộc sống do điên đảo mê loạn dẫn dắt đã gieo bao nhân xấu, gây bao ác nghiệp. Ta phải cố gắng tìm cách phủi sạch mọi lớp bụi bặm trần gian, quyết tâm thức tỉnh với trí tuệ bừng sáng, ghé lại bến bờ “định tâm”. Lúc đó cái tâm chân thật chưa từng đến đi sinh diệt, cũng là “bộ mặt thật từ xưa tới nay của mình”, mới hiển lộ ra.

     Bộ mặt từ xưa đến nay của mình tức là “bản lai diện mục”, một ẩn dụ nổi tiếng trong Thiền tông được dùng để chỉ Phật tính, chân như trong mỗi chúng sinh. Dưới dạng câu hỏi “Gương mặt xưa nay của ngươi là gì?” chư vị thiền sư thường hay dùng để trắc nghiệm kinh nghiệm ngộ đạo của đệ tử. Thấy “gương mặt xưa nay” tức là kiến tính, ngộ được bản tính thanh tịnh sẵn có. 

     Thấy được “gương mặt xưa nay” cũng là khi nhận ra được “tâm” và “tính” và cũng là một phương pháp để chúng ta nhận thức ra được chính mình. Mê và ngộ tuy có khác biệt  nhưng bản tính vẫn không khác. Như vàng thì chỉ có một chất nhưng được chế tạo thành nhiều thứ khác nhau như bông tai, nhẫn, dây chuyền... các món đồ này có tên gọi tuy khác nhau nhưng thể của nó cũng vẫn chỉ là vàng mà thôi. Cũng vậy tâm và tính tuy tên gọi khác nhau nhưng đều dùng để chỉ bản thể của chúng ta.

     Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã từng dạy môn đệ của ngài:

“Tính tức là Tâm,
Tâm tức là Phật ,
Phật tức là Đạo
Đạo tức là Thiền.”
 
     Nói ngược trở lại thì tâm tức là tính và thấy tính là thành Phật, và con đường đi đến thấy tính là Thiền. Thiền Tông là một chi phái của Phật Giáo chủ trương dùng phương pháp thiền định để trực tiếp thu nhận nghĩa lý sâu sắc của nhà Phật. Thiền Phật giáo, như chúng ta thường được nghe nói đến, là chủ trương truyền riêng ngoài kinh điển, ngoài giáo lý, không để lại lời dạy bằng chữ viết, mà đi thẳng vào lòng người, giác ngộ thì thành đạo, thấy tính là thành Phật:
Giáo ngoại biệt truyền,
Bất lập văn tự,
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tính thành Phật.”
 
     Có một học tăng đến thiền sư Huệ Trung để cầu tham thiền học đạo. Vị này thỉnh vấn thiền sư rằng: “Thiền là cách gọi khác của tâm, mà tâm là một thật tính, ở thánh cũng không tăng mà ở phàm cũng không giảm, các vị tổ sư thiền tông thường nói tính là tên gọi khác của tâm, vậy xin hỏi thiền sư: tâm và tính khác nhau thế nào?” Thiền sư trả lời: “Lúc mê có khác, khi ngộ thì không”.

     Vị học tăng lại hỏi tiếp: “Trong kinh nói rằng: Phật tính thì thường mà tâm thì vô thường, vì sao ngài nói không có khác biệt?” Thiền sư đưa ra ví dụ để giải thích cho học tăng như sau: “Ngươi chỉ dựa vào ngữ mà không y vào nghĩa, ví như khi lạnh thì nước kết thành băng, khi ấm lên thì băng tan thành nước; lúc mê thì tính kết thành tâm, lúc ngộ thì tâm tan thành tính, tâm tính vốn đồng, chỉ vì do mê ngộ mà có khác biệt”. Vị học tăng nhân đó mà liễu ngộ.

     Lục Tổ Huệ Năng - vị tổ “tướng mạo quê mùa nhưng trí tuệ phi thuờng” - khi đựơc ngũ tổ khai thị rồi, cũng hân hoan thốt lên những lời nói về “tự tính” tức là “chân tâm”:

“Đâu ngờ tự tính vốn tự thanh tịnh
đâu ngờ tự tính vốn không sinh diệt
đâu ngờ tự tính vốn tự đầy đủ
đâu ngờ tự tính vốn không dao động
đâu ngờ tự tính hay sinh muôn pháp.”
 
     Người muốn luyện tâm dù ngồi thiền định nghiêm túc, dù “lựa chọn một trú xứ thanh vắng, tịch mịch như gốc cây, khe núi, chỗ hoang vu, hang đá, bãi tha ma, khóm rừng, ngoài trời, đống rơm” thời chỉ mới khiến cho thân được yên mà thôi. “Thân yên” chưa đủ, phải làm sao cho “tâm yên” nữa. Thân ngồi đây, mà tâm có thể phóng đi rất xa, chạy theo những bóng dáng, những hình ảnh mà nó ưa thích. Những bóng dáng đó, hình dáng đó giống như những ma lực trói buộc tâm, lôi kéo tâm quay cuồng, vì vậy mà tâm rất khó điều phục, khó chế ngự. Muốn điều phục được tâm, muốn được ung dung, tự tại thời đừng để bị vướng mắc, dao động bởi bất cứ gì khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, đừng bị lôi kéo theo thất tình lục dục, cân đo đong đếm, tính toán thiệt hơn v..v.. hãy để cho những cái đó đến rồi đi tự nhiên như những đám mây đến, đi trong bầu trời. Những đám mây không phải là bầu trời, và không thuộc về bầu trời, chúng chỉ lơ lửng giữa không gian và không lệ thuộc vào đâu, nhưng chúng không bao giờ có thể để lại dấu vết làm lấm lem bầu trời trong sáng.

     Hãy sống gần với bản tâm thanh tịnh, nhìn mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc đời như một tấm gương trong sáng, phản ánh trung thực “như-nó-là” (as-it-is) không thêm bớt, vẽ vời, suy diễn v..v.. vì tâm Phật hay Phật tính luôn luôn toàn hảo; “ngay cả chư Phật với trí tuệ vô biên cũng không thể làm cho nó tốt hơn được và chúng sinh với tất cả vô minh có vẻ bất tận, cũng không thể làm cho nó lấm lem.”

     Nếu chúng ta cố gắng sống trong chánh niệm, tỉnh thức, theo dõi tâm và giữ gìn cho tâm bớt dao động thì một ngày kia ta cũng có thể làm hiển lộ bản tâm thanh tịnh, nói cách khác, có thể an trú thường trực trong đó như chư Phật vậy. Nhớ lại lời đức Phật cũng từng dạy: “Mặt trời mặt trăng vẫn thường sáng tỏ tại sao người mù họ lại chẳng thấy?... Cũng như vậy đó, chúng sinh không tỏ, nghiệp thức che đậy, trong đời thường hay biết mà cố phạm, cho nên chẳng thấy thế giới Như Lai thanh tịnh trang nghiêm, chẳng nhận ra được bản tâm thanh tịnh thường hằng hiện hữu!”

     Hương Hải thiền sư một hôm dạy chúng: “Muốn cầu thấy Phật cứ nhận nơi chúng sinh, chỉ vì chúng sinh mê không tự biết có Phật, chớ Phật đâu có làm mê chúng sinh. Ngộ được tự tính của mình thì chúng sinh là Phật, làm mê tự tính của mình thời Phật là chúng sinh. Giữ được tự tính của mình bình đẳng thời chúng sinh là Phật, để tự tính mình gian hiểm thời Phật là chúng sinh.”

     Đây nói rất rõ, ngộ được tự tính của mình thì chúng sinh là Phật. Tự tính của mình tức là tính giác của mình, mà giác là Phật. Nếu nhận được tính giác hay ngộ được tính giác của mình tức là nhận ra Phật. Tức là chúng sinh biến thành Phật. Còn ngay tính giác sẵn có của mình mà quên, thì Phật là chúng sinh. Có tính giác tức đã là Phật rồi mà quên bẵng đi thì Phật trở lại làm chúng sinh! Như vậy chúng sinh và Phật không cách nhau bao xa. Tu để thành Phật, không phải là chuyện khó khăn. Ngay nơi mình mà nhớ tính giác thì chúng sinh là Phật, quên tính giác thì Phật là chúng sinh! Chỉ cần đổi chữ “quên” thành chữ “nhớ” là được.

     Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật nhiều lần gạn hỏi ông A Nan, cái tâm ở chỗ nào? Ông A Nan đáp: Tâm ở trong thân, tâm ở ngoài thân, tâm núp trong con mắt, tâm ở chặng giữa v.v… đều không đúng cả. Chúng ta với Phật không khác, nhưng vì chúng ta chưa nhận được bản tâm của mình, nên làm chúng sinh; Chư Phật đã chứng được cái bản tâm ấy rồi, nên các Ngài thành Phật.

     Để kết luận lại ta thấy rằng TÂM và Ý con người muốn giữ cho được trong sạch thời ta phải tìm cách tu luyện. Trong “bốn lời nguyện lớn” (tứ hoằng thệ nguyện), dựa trên “tứ diệu đế” mà phát sinh ra, thời lời nguyện thứ ba đó là: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, nghĩa là ở trong đạo Phật có rất nhiều pháp môn hướng dẫn người tu tập, chúng ta thệ nguyện rằng sẽ học hết tất cả để mong được thông suốt hầu đạt thành chính quả.

     Trong KINH DI GIÁO đức Phật thoạt tiên có dạy các vị Tỳ kheo là phải trì giới, nên tôn trọng giới “như tối gặp sáng”, “nên tự giữ tâm ngay thẳng, suy niệm chân chính, để cầu độ thoát” và “giới là căn bản chân chính thuận theo đường giải thoát… Nhân y vào giới này được sinh ra các thiền định và trí tuệ diệt khổ.” Ngài nhấn mạnh: “Nếu ai giữ được giới thanh tịnh, sẽ có các thiện pháp. Nếu không giữ giới thanh tịnh, các công đức thiện đều không sinh được. Do đó, nên biết giới là trụ xứ công đức an ổn thứ nhất vậy.” Kế đó đức Phật dạy tiếp: “Tu tập hành trì ví như chăn trâu, cầm roi canh chừng, luôn luôn kiểm soát không cho trâu xâm phạm vào lúa mạ của người”. Tâm là con trâu. Kẻ chăn trâu là mình.

     Như vậy trong vô số pháp môn tu tập hành trì mà đức Phật từng chỉ giáo có một phương pháp tu hành có thể gọi là “Pháp môn chăn trâu.” Trong pháp môn này đức Phật dạy cho chúng sinh biết cách luyện tâm của mình như trẻ mục đồng chăn giữ một con trâu vậy.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.18/9/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TANH.

No comments:

Post a Comment