Saturday, 15 March 2014

-Kinh Bát Đại Nhân Giác.

Pháp môn Đức Phật dạy cho chúng sanh nhiều vô số kể nhưng tất cả đều không ra ngoài mục đích là chỉ rõ cho chúng sanh thấy được thực chất của cuộc đời là khổ đau vì tham sân si gây ra, đồng thời vạch ra con đường cho chúng sanh đi theo để thoát ra khỏi cảnh tối tăm đau khổ đến nơi sáng lạng an vui. Một trong những bài kinh ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa và mục đích ấy mà Đức Phật đã giảng thuyết là kinh Bát Đại Nhân Giác nghĩa là Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhơn.

I- GIẢI THÍCH Ý NGHĨA ĐỀ KINH:

            1/ Kinh: Kinh là lời dạy của Đức Phật hay các vị Bồ tát vâng lời Phật mà nói ra. Kinh nói cho đủ là Khế kinh, có 2 ý nghĩa: Khế lý (Đúng với sự thật, đúng chân lý, hợp lẽ phải) – Kế cơ (Hợp với căn cơ trình độ mọi loài).

            2/ Bát đại nhân gíac: Là tám điều giác ngộ của bậc đại nhơn.

+ Đại nhơn: Chỉ cho các Đức Phật, các vị Bồ tát, là những bậc tối thắng trong tất cả hàng chúng sanh, trí huệ đức hạnh đều siêu việt tất cả. Ngoài ra, những người đã phát bồ đề tâm cầu giác ngộ cũng gọi là đại nhân vì đã xu hướng hạnh nguyện rộng lớn của Phật và Bồ tát.

+ Giác ngộ: Giác là hiểu đúng chân lý. Giác trái với Mê. Chúng sanh mê tâm chấp vạn hữu là có thật. Đức Phật là bậc hoàn toàn giác ngộ, trí tuệ sáng suốt cùng tận, hiểu cùng khắp, nên gọi Đức Phật là Giác Giả, Đấng Giác Ngộ.

II. ĐẠI Ý CỦA KINH:

Bài kinh nêu lên 8 sự thật mà bậc đại nhơn cần phải hiểu biết sáng suốt thấu triệt đó là: Bản chất của vạn pháp là vô thường, thực chất của cuộc sống là đau khổ do tham sân si (Tam độc) gây ra nên cần phải biết đoạn trừ tham dục, sân si để thoát ra khỏi mọi ràng buộc phiền não thế gian, giác ngộ chân lý và phát lòng từ bi rộng lớn cứu độ tất cả chúng sanh ra khỏi luân hồi đau khổ.

III. GIẢI THÍCH NỘI DUNG KINH:

Tám điều giác ngộ có ý nghĩa như sau:

            1/ Điều giác ngộ thứ nhất: Người tu hành đạo Phật phải hiểu rằng: Vạn Pháp Trong Thế Gian Là Vô Thường luôn luôn biền đổi. Thân năm uẩn cho đến vọng tâm phân biệt đều là nguồn gốc của mọi nỗi thống khổ sanh tử. Nhân chân và quán sát như thế, người tu hành sẽ khỏi phải sanh tử luân hồi.

            2/ Điều giác ngộ thứ hai: Hiểu rằng mọi nỗi thống khổ ở đời bất cứ hiện tại hay tương lai đều do lòng tham dục ích kỷ. Cho nên muốn được an vui tự tại, người tu hành phải đoạn trừ tham dục.

            3/ Điều giác ngộ thứ ba: Hiểu rằng nguồn gốc của mọi tội ác là do lòng tham lam không biết đủ. Người Phật tử nhờ có ánh sáng trí tuệ soi chiếu nên phải biết Đoạn trừ tham dục, tu hành pháp Thiểu dục tri túc và kiên trì giữ đạo thanh bạch.

            4/ Điều giác ngộ thứ tư: Hiểu rằng sự biếng nhác là cội gốc của mọi sự thất bại thiệt hại. Chí nguyện của người Phật tử là thoát ly sanh tử, xa lìa sự cám dỗ của danh sắc, nên phải một mực tinh tấn tu hành, uốn dẹp mọi phiền não oán thù.

            5/ Điều giác ngộ thứ năm: Hiểu rằng ngu si mê mờ là cội gốc của đường luân hồi sanh tử, là căn bản của mọi đau khổ đọa đày. Người Phật tử phải học rộng nghe nhiều, thực hành quán huệ để phát triển trí huệ. Trí huệ có minh mẫn, con đường giác ngộ mới có kết quả tốt đẹp cho mình và giác ngộ cho người. Trí huệ là tư tưởng cần thiết của giải thoát niết bàn.

            6/ Điều giác ngộ thứ sáu: Hiểu rằng lòng tham lam là căn nguyên của mọi sự đau khổ, oán hận, gian tà. Muốn tận trừ lòng tham lam, nguồn gốc của tội khổ, người Phật tử phải thật hành hạnh bố thí. Muốn bố thí bình đẳng phải xả bỏ niệm tưởng phân biệt thân sơ, ân oán, bạn thù mà phát lòng thương tưởng mọi loài như nhau.

            7/ Điều giác ngộ thứ bảy: Giải thoát tất cả mọi ràng buộc của thế gian. Tuy lăn lộn trong cõi đời ô trọc nhưng không bị thói đời ô nhiễm mà vẫn giữ được hạnh thanh tịnh kiên trì chí nguyện xuất gia, duy trì nguồn đạo, lợi lạc quần sanh.

            8/ Điều giác ngộ thứ tám: Quán sát thấy rõ mọi nỗi thống khổ của chúng sanh để phát tâm bồ đề rộng lớn nguyện cứu muôn loài ra khỏi bến mê khổ đau bằng cách lăn mình vào đau khổ để thay thế, chia sẻ cùng chúng sanh. Người Phật tử quán xét chúng sanh đồng chung bản thể nên nguyện đem lại hạnh phúc cho mọi loài.

IV. GIÁ TRỊ VÀ NĂNG LỰC CỦA KINH:

Kinh “Tám điều giác ngộ của bậc đại nhân” có giá trị và năng lực vô cùng to lớn, nhưng ta có thể tóm lược bằng 2 điểm chính yếu:

1-                  Tám điều giác ngộ là động lực của giác ngộ - giải thoát: Tám điều giác ngộ trên chính là tám điều giác ngộ của chư Phật và Bồ tát. Bằng tám phương tiện quán huệ ấy mà trí huệ chiếu liễu, vô minh bị hoại diệt, vô minh hoại diệt thì chánh giác hiện tiền; nhờ vậy phiền não khổ đau dứt trừ, chứng được Niết bàn an tịnh.

2-                  Là động lực hóa độ chúng sanh: Khi nguồn gốc của sanh tử khổ đau là tham lam dục ái, ngu si đã đoạn trừ, trí huệ phát triển, lòng thương mở rộng, cho nên sau khi công hạnh tu hành viên mãn, nghĩa là đã chứng Niết bàn an lạc, các Đức Phật, các vị Bồ tát vì lòng thương chúng sanh đang chịu cảnh luân hồi sanh tử nên trở lại cuộc đời đau khổ này để hóa độ chúng sanh được giác ngộ giải thoát.

V. BẢN CHÍNH VĂN CỦA KINH: ( Tìm đọc ở nghi thức tụng niệm)

            KẾT LUẬN: Các bậc đại nhân, những người xuất gia tu hành với chí nguyện rộng lớn thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh cần phải áp dụng quán huệ đã đành, còn bất cứ ai muốn dứt trừ vô minh, xa lìa khổ não, thoát khỏi sự kiềm tỏa sai khiến của dục vọng si mê cần phải thực hành Tám điều giác ngộ quí báu theo kinh Bát Đại Nhân Giác vậy!HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.16/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment