LUÂN HỒI.
Con người do ai sinh ra? Sinh ra để làm gì? Chết rồi đi đâu? Đó là những câu hỏi mà loài người luôn luôn thắc mắc, băn khoăn mà từ cổ chí kim, Đông cũng như Tây, nhiều tôn giáo, nhiều triết thuyết, chủ nghĩa đã tốn bao công sức giải đáp, trình bày vẫn chưa thỏa đáng.
Bằng đạo lý Luân Hồi với biện chứng cụ thể, sắc bén và khoa học, đạo Phật đã làm sáng tỏ vấn đề một cách triệt để đồng thời nêu cao giá trị và địa vị con người trước vũ trụ.
A. NHỮNG QUAN ĐIỂM THÔNG THƯỜNG VỀ NHÂN SINH:
Có nhiều lý thuyết khác nhau giải thích về kiếp sống con người. Nhưng tựu trung, ta có thể kể hai chủ thuyết trái ngược nhau và phổ biến hơn hết là thuyết chấp đoạn và thuyết chấp thường.
+ Chấp đoạn: Thuyết này cho rằng con người cũng như loài vật, cỏ cây một lần chết là mất hẳn, không có gì tồn tại sau đó nữa, “Thân cát bụi, con người trở về với cát bụi”.
+ Chấp thường: Thuyết này chủ trương ngược lại: Con người chết đi tuy thân xác tiêu tan nhưng vẫn có một linh hồn bất tử vĩnh viễn còn lại. Linh hồn ấy hoặc lên thiên đường mãi mãi hưởng cảnh an vui khoái lạc, hoặc xuống địa ngục đời đời chịu khổ cực hình.
Hai thuyết trên đều không đúng với sự thật.
Thực tế trên đời cho thấy không có một vật gì có thể mất hẳn dù là hạt cát mẩy lông huống gì là thân con người tri giác.
Trong vũ trụ không có cái gì luôn luôn tồn tại, mãi mãi đứng yên một chỗ, trái lại vạn vật đều liên tục biến đổi di chuyển thì làm gì có linh hồn trường tồn bất tử. Vải lại, nếu nói linh hồn biềt sướng khổ thì dựa vào đâu mà biết khi thân xác đã không còn. Còn nói về hưởng thọ nhân quả thì làm gì có chuyện chỉ vì tội phúc ngắn ngủi trong hiện tại mà lại phải chịu hình phạt hay hưởng lạc vĩnh viễn trong tương lai.
B. LÝ LUÂN HỒI CỦA ĐẠO PHẬT:
I- Định nghiã Luân hồi: Luân là bánh xe, Hồi là xoay tròn, đó là hình ảnh tượng trưng mà Đức Phật để dùng thuyết minh sự xoay chuyển, biến hiện lên xuống, thay hình đổi dạng nối tiếp trong 6 cõi phàm ( Lục đạo) gồm Thiên, Nhơn, ATuLa, Ngạ quỷ, Súc sanh, Địa ngục, khi ở cõi đời này lúc đầu thai ở cõi khác, sanh tử, tử sanh nối tiếp không ngừng như bánh xe quay. Vậy, Luân Hồi là lý thuyết Đức Phật thuyết minh về sự sanh tử của kiếp người. Đây là lý thuyết có biện chứng cụ thể, chặt chẻ, đáng tin cậy, không chỉ xác đáng đối với con người mà còn phù hợp với vạn vật, giới hữu tình hay vô tình, hữu hình hay vô hình.
II- Thuyết minh lý Luân Hồi:
1/ Mục đích của đạo Phật: Thuyết minh lý Luân Hồi, Đức Phật nhằm mục đích chỉ ra cho con người thấy rõ sự thật và nguyên nhân khiến con người phải luân chuyển trong vòng lục đạo khổ đau mà tìm cách giải thoát ra khỏi vòng luân hồi tử sanh, chứng được địa vị bốn bậc Thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật, tức chứng quả vô sanh.
2/ Vạn vật đều luân hồi:Luân hồi là một định luật chung chi phối tất cả sự vật, nhỏ như hạt bụi, lớn như trái đất… đều phải luân hồi.
a) Vật chất luân hồi: Tất cả mọi thứ thuộc về vật chất như Đất, nước, gió, lửa… đều luân hồi.
- Nhà cửa, vật dụng cây cối từ đất mà ra, khi hư nát biến ra trọ bụi trở lại thành đất.
- Nước ở biển, sông, hồ … bốc lên thành mây, mây biến thành mưa xuống ao hồ, sông suối, nước lại ra biển. Dù biến đổi muôn hình vạn trạng nhưng nước vẫn là nước.
- Gió chỉ là sự luân chuyển của không khí khi khí trời thay đồi, gió khi nhỏ khi to, khi mát khi lạnh, khi hiu hiu lúc cuồng bạo. Đó chỉ là sự luân chuyển của không khí.
- Sức nóng chứa trong cây, tìm chẳng gặp xem chẳng thấy, nhưng nếu lấy 2 thanh gỗ khô chà xát với nhau hồi lâu sẽ sinh nhiệt tạo lửa. Lửa cháy đốt cây cho ra thán khí. Các cây khác hút thán khí chứa sức nóng lại như trước hoặc chuyển sức nóng cho vật khác chứa sức nóng không mất hẳn.
b) Cảnh giới luân hồi: Theo đạo Phật, con người gồm có 2 phần:
- Phần thể xác: tức là phần Sắc do tứ đại nhóm lại.
- Phần tinh thần: tức là tâm lý hay Tâm do Thọ, Tưởng, Hành, Thức hợp thành.
Sắc đã không tiêu diệt hẳn mà chỉ biến hóa luân hồi, thì Tâm hay tinh thần cũng không tiêu diệt mà chỉ biến chuyển xoay vần. Kinh nghiệm cho thấy tư tưởng, ý nghĩ, tình cảm, tâm lý con người như yêu ghét, vui vẻ, giận hờn, hăng say, cuồng nhiệt, chán nãn… cứ xoay vần, đắp đổi cho nhau.
3/ Nguyên nhân thúc đẩy Luân hồi: Sở dĩ con người phải chịu sanh tử luân hồi là do sự thúc đẩy của các động lực hoặc các nguyên nhân chính sau:
a) Sức mạnh của Nghiệp: Sống ở đời, con người luôn tạo các nghiệp về thân, về miệng, về ý tạo thành các sức mạnh chi phối tự thân và toàn cảnh. Sức mạnh của Nghiệp sẽ dẫn dắt con người sau khi chết rồi phải đầu thai để sanh vào một kiếp khác. Sức mạnh của Nghiệp ngày càng được tăng cường nối tiếp nên con người phải luôn luôn luân chuyển trong nhiều kiếp sống khác nhau, tức là sanh tử luân hồi. Có 4 nghiệp thường dẫn dắt con người đi đầu thai là:
- Tích luỹ nghiệp: Là vô số nghiệp tạo ra trong nhiều đời trước chất chứa lại.
- Tập quán nghiệp: Là những nghiệp tạo ra trong đời hiện tại, luôn luôn tiếp diễn nên thành thói quen, thành tập quán.
- Cực trọng nghiệp: Là những nghiệp quan trọng có năng lực tác động mãnh liệt hơn cả nên nên rất dễ dàng chi phối tất cả.
- Cận tử nghiệp: Là những nghiệp tạo ra lúc gần lâm chung, cũng rất mãnh liệt và có năng lực lớn dẫn dắt con người đầu thai.
b) Lòng tham sống sợ chết và sự luyến ái: Không một ai mà không tham sống sợ chết. Khi lâm chung lòng tham sống sợ chết càng tăng thêm mãnh liệt nên cố bám víu lấy sự sống, tìm hết cách để khỏi chết, để hưởng thụ những lạc thú mà mình chưa thỏa mãn, phải bỏ dở. Do lòng tham sống luyến ái như vậy tạo nên sức mạnh dẫn dắt Tâm Thân con người khi bỏ xác thân này đi tìm một xác thân khác để thỏa mãn tham dục của mình.
c) Do sự mê mờ chấp trước: Tất cả chúng sanh do sự mê mờ chấp trước mà tạo nghiệp, không nhận rõ bản tánh của vũ trụ là Chân Như bao la, lại cho cái biết nhỏ hẹp của tâm mình,nhận cái sắc hạn chế làm thân của mình , giống như biển cả mênh mông không tự nhận lại nhận một bọt nước nhỏ là mình cho là biển cả, nên cứ theo bọt nước biển mà biến diệt nổi trôi vô thường. Khi đã nhận lầm cái nhỏ hẹp là tâm theo thần như bóng với hình mà chịu luân hồi sanh tử.
4/ Hành tướng luân hồi: Sức mạnh của Nghiệp lực sẽ dẫn dắt tinh thần con người đầu thai vào một sắc thân khác. Như vậy, luân hồi không phải do tình cờ, sự ngẫu nhiên hay may rủi mà theo một định luật, đó là Luật Nhân Quả. Nhân quả và Luân hồi liên quan mật thiết với nhau. Có thể khẳng định rằng con người khi sống tạo nhân gì thì khi chết nghiệp lực dẫn dắt tinh thần đến chỗ nó thọ báo không sai. Tùy theo nghiệp nhân xấu ác hay thiện lành mà con người đã tạo ra thì khi chêt đi, nghiệp lực sẽ đưa con người đầu thai vào một trong sáu cảnh giới tương ứng đau khổ hay sung sướng. Sáu cảnh ấy gọi là Lục đạo ( Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, ATuLa, Nhơn, Thiên)
+ Địa ngục: Tạo nhân sân hận, độc ác, làm nhiều điều tội lỗi phải luân hồi vào cảnh địa ngục chịu muôn ngàn cực khổ.
+ Ngạ quỷ: Tạo nhân tham lam, bỏn xẻn, dùng mưu sâu kế độc để cướp đoạt của người, sau khi chết luân hồi làm ngạ quỷ chịu đói khát khổ sở.
+ Súc sanh: Si mê, không phân biệt tốt xấu, đúng sai, đọa theo thất tình lục dục, tửu sắc, khi chết luân hồi làm súc sanh.
+ A Tu La: Tính tình hung hăng nóng nảy, tà kiến si mê, tin theo tà giáo, gặp việc nhân nghĩa thì làm mà việc sai quấy cũng không tránh, tuy có cương trực nhưng cũng độc ác… Kết quả sẽ luân hồi vào cảnh A Tu La, vui sướng cũng có mà đau khổ cũng nhiều.
+ Nhơn (cõi người): Tu nhân ngũ giới không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không dối trá, không uống rượu thì đời sau sẽ trở lại làm người, cao quí hơn mọi vật.
+ Thiên ( cõi trời): Tu nhân Thập thiện thì sau khi chết sanh lên cõi trời hưởng nhiều sung sướng. Tuy sung sướng hơn năm cõi kia nhưng vẫn ở trong vòng phàm tục, chịu cảnh luân hồi. Nếu khi phước trời hết mà không biết tu thiện thì vẫn tái sanh đọa vào các cõi khác.
Muốn thoát ra ngoài cảnh giới lục đạo sanh tử luân hồi thì con người phải tu thân giải thoát để đạt đến bốn cõi Thánh, hoàn toàn an vui tự tại (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật).
5/ Luận chứng về Luân hồi: Lý Luân hồi là một sự thật, một qui luật mà Đức Phật phát hiện, thuyết minh. Sự thật này có nhiều bằng cớ, lý lẽ chứng minh cụ thể rõ ràng.
Chính trong từng tâm niệm, con người có thể trãi qua trạng thái của sáu loài ( Lục đạo): Khi con người ôm lòng độc ác mưu hại thì cảnh địa ngục hiển khởi. Khi ta niệm khởi điều thiện thì cảnh giới nhơn, thiên hiện bày.
- Cảnh giới sáu loài có thể hiện bày xung quanh ở cõi đời này: Thực tế ở cõi đời đã hiện bày rõ rệt và vô số cảnh giới sáu loài hằng ngày chung quanh ta: Chốn lao tù, phòng tra khảo cực hình, cảnh bom đạn chiến tranh chết chóc, con lợn bị đồ tể chọc tiết quay lò, con bò bị đập đầu đâm họng, con gà bị cắt cổ nhổ lông…,người đau quằn quại ở bệnh viện, kẻ khát đói ăn xin nơi đầu xóm ngõ chợ…, đều là các cảnh địa ngục, ngạ qủi.
- Hiện tượng thần đồng: Không phải ngẫu nhiên mà một cậu bé 8 tuổi đã xuất chúng về toán học, đứa trẻ 5 tuổi đã giỏi thơ văn…
- Chuyện tiền thân: Các chuyện tiền thân của một số người nhớ lại kiếp trước đã chứng tỏ rằng con người không chỉ sống trong một đời này là hết mà đã trãi qua nhiều đời sống khác nhau trước khi sống đời hiện tại.
- Tình cảm đặc biệt giữa người với người: Có người mới gặp gỡ đã dấy lên tình cảm đặc biệt mãnh liệt, hoặc đã sanh lòng thông cảm thương yêu; trái lại có kẻ mới thấy ban đầu đã sanh lòng thù ghét, ác cảm.
KẾT LUẬN: Giáo lý Luân hồi đã giải bày cho chúng ta thấy rõ:
- Chấp đoạn chấp thường đều sai lầm dễ dàng dẫn đến hành động bất thiện.
- Con người sở dĩ phải chịu luân hồi sanh tử trong sáu đường là do nghiệp lực của mình tạo ra bởi si mê tham dục. Do nghiệp nhân mà thọ quả báo trãi qua sáu loài khi lên khi xuống, lúc sướng lúc khổ. Như vậy, con người không phải là thống trị muôn vật và con người với chúng sanh có thể là cha mẹ anh em, bà con đắp đỗi lẫn nhau.
- Giáo lý Luân hồi chỉ cho ta thấy rõ, rằng chính mỗi con người làm chủ đời mình, tự quyết định số phận của mình. Sướng hay khổ, vui hay buồn, thiên đàng hay địa ngục, chính tự bản thân mình gây tạo tạo nghiệp nhân gì thì thọ lấy cảnh giới đó chứ không do ai cầm cân thưởng phạt, ban phúc giáng họa. Từ ánh sáng nhận thức ấy, con người tự tin ở bản thân mình mà cải tạo tư tưởng, lời nói hành động thuần lương, gieo các nhân lành, tạo các nghiệp thiện để hướng thiện đời này, hưởng phúc báo tốt lành kiếp sau, thoát khỏi luân hồi trong tam đồ ác đạo địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, cố gắng tu nhgiệp nhơn, thiên và nổ lực tinh tấn dứt trừ các nghiệp hữu lậu, đạt đến cảnh giới bất sanh bất diệt của các vị A La Hán, Bồ tát, Phật.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.17/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment