Sunday, 16 March 2014

TỨ DIỆU ĐẾ.

A. NGUYÊN NHÂN VÀ TRƯỜNG HỢP ĐỨC PHẬT THUYẾT TỨ DIỆU ĐẾ:

Đạo Phật là đạo giác ngộ, đạo của sự thật, nên tất cả giáo pháp đều được xây dựng trên chân lý. Trí phật là trí Như Thật, nên lời giảng thuyết của Ngài đều đúng với sự thật, hợp chân lý. Đó là nguyên nhân phát khởi thuyết Tứ Đế. Đức Phật là người đầu tiên chứng ngộ và thuyết minh chân lý Tứ Đế.

Sau khi thành đạo, đức Phật đến vườn Lộc Uyển thuyết giảng bài Pháp đầu tiên là pháp Tứ Diệu Đế cho năm người bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài ngày trước là nhóm ông Kiều Trần Như. Sau khi nghe Phật thuyết pháp Tứ Diệu Đế, thành kiến mê lầm tan vỡ, trí tuệ siêu thoát bừng mở, năm vị chứng ngộ chân lý, đắc quả A La Hán; đó là năm vị đệ tử đầu tiên của đức Phật.

B.ĐỊNH NGHĨA TỨ DIỆU ĐẾ

Tứ là bốn, Diệu là hay. Đẹp, quí báu, sâu sắc, hoàn toàn, lợi ích nhiệm mầu. Đế là sự thật chắc chắn, rõ ràng, đúng đắn nhất, là chân lý, là sụ thật lớn lao bao trùm tất cả sự thật khác và muôn đời bất di bất dịch.

Vậy Tứ Diệu Đế ( còn gọi là Tứ Thánh Đế, gọi tắt là Tứ Đế) bốn sự thật chắc chắn quí báu, hoàn toàn nhất mà ai cũng có thể chứng nghiệm.

C. HÀNH TƯỚNG TỨ DIỆU ĐẾ:

Tứ Diệu đế gồm những gì? Đó là KHỔ đế, TẬP đế, DIỆT đế, ĐẠO đế.

I/ KHỔ ĐẾ: Cuộc đời là đau khổ. Đây là một sự thật rõ ràng hiển nhiên, chắc chắn. Bất cứ ai chưa thoát ra khỏi sự trói buộc của cuộc đời đều phải chịu mọi sự thống khổ, đắng cay của cuộc đời: Sống khổ, già khổ, oán thù mà gặp mặt là khổ, năm ấm thúc ép là khổ… Cảnh khổ đầy dẫy cả thế gian, bao vây lấy chúng sanh, nhận chìm chúng sanh như nước biển cho nên đức Phật ví cõi đời là bể khổ mênh mông. Nỗi khổ tuy nhiều nhưng có thể chia làm ba loại:

1-      Khổ khổ: Có cái thân đã là khổ rồi lại còn phải gặp nhiều cảnh ngang trái đắng cay khổ não chồng chất thêm.

2-      Hoại khổ: Tiêu diệt, tan rã là khổ. Những gì ưa thích yêu mến cũng phải tan nát tiêu hủy sẽ khiến con người đau khổ.

3-      Hành khổ: Xê dịch, biến đổi là khổ. Của cải, vật chất lẫn tinh thần tình cảm, tư tưởng luôn bị biến dịch, thay đổi đều làm con người phải buồn phiền đau khổ.

II/ TẬP ĐẾ: Quả khổ của chúng sanh hiện nay không phải không có nguyên nhân hay ngẫu nhiên mà có. Nguyên nhân tạo ra quả khổ chính là do các kiết sử phiền não. Đó là Tập đế.

1-    Ý nghĩa kiết sử: Kiết là cột chặt, không buông tha. Sử là điều khiển, sai khiến. Kiết sử phiền não là những món phiền não sai khiến con người, trói buộc con người phải chịu luân hồi sanh tử. Kiết sử phiền não tuy nhiều nhưng gom lại trong 10 món căn bản là 5 món độn sử và 5 món lợi sử.

2-      Năm món độn sử: Độn sử là những phiền não có tính chất rất nặng nề, gồm:

-          Tham: Tham đắm luyến ái thân cảnh.

-          Sân: Giận dữ nóng nảy.

-          Si: U mê dốt nát, nhận xét nông nổi sai lầm.

-          Mạn: Ngã mạn kiêu ngạo, tự cao khinh người.

-          Nghi: Nghi kỵ ngờ vực,không tin tưởng chân chính.

3-      Năm món lợi sử: Là những nhận thức sai lầm. Gồm:

-          Thân kiến: Cho rằng cái sắc thân này là có thật, trường tồn, vĩnh cửu.

-          Biên kiến: Kiến giải tà vạy không hợp chánh lý.

-          Kiến thủ: Bảo thủ, cố chấp sự thấy biết sai trái của mình, không chịu tin theo chánh lý.

-          Giới cấm thủ: Tin tưởng và thực hành theo những giới điều sai lạc.

Khổ đế và Tập đế là những nhân quả thế gian.

III. DIỆT ĐẾ:  Có tối tất phải có sáng, có đau khổ tất phải có an vui. Đó là sự thật chắc chắn. Diệt đế là chân lý chắc thực, trình bày rõ ràng hoàn cảnh, quả vị an lành tốt đẹp mà chúng sanh sẽ đạt được khi đã diệt trừ những nỗi khổ và những nguyên nhân gây ra đau khổ. Diệt đế chính là Tịnh quả. Niết bàn do thật hành Tịnh nghiệp Đạo đế.

1- Ý nghĩa Niết bàn: Niết là rơi rụng, không còn hay là thoát khổ. Bàn là một lên lăn xăn. Niết bàn nghĩa là tâm niệm không còn lăn xăn mà luôn luôn an trú trong cảnh vắng lặng thường còn, nhất là đã dứt sạch sanh nhân, không còn thọ thân chịu khổ nữa.

Niết bàn có ba đặc điểm:

-          Bất sanh: Không mọc lên, không sanh lại vì sanh đã đoạn trừ.

-          Tịch diệt: Thanh tịnh vắng lặng vì tâm niệm không còn lay động lăn xăn phần duyên.

-          Giải thoát: Diệt tận phiền não kiết sử, thoát khỏi rừng mê, thân tâm tự tại, không còn vay bủa trong biển khổ.

          2- Thứ bực tu chứng: Tùy theo công hạnh tu hành mà đạt đến quả vị thứ bực Niết bàn khác nhau. Tiều thừa chia ra 4 quả vị tu chứng từ thấp lên cao:

a) Tu Đà Hoàn: Còn gọi là Dự lưu hay Nghịch lưu, nghĩa là những vị này đã rõ chân lý Tứ đế nên đi nghịch dòng đời và đã dự vào dòng thánh.

b) Tư Đà Hàm: Còn gọi là nhất sanh, nghĩa là còn thác sanh vào dục giới một lần nữa.

c) A Na Hàm: Bất lai, không còn trở về dục giới nữa, nhưng sanh nhân vẫn còn.

d) A La Hán: Còn gọi là Bất sanh. Đây là quả vị tối cao, cứu cánh của tiểu thừa. Đắc quả A La Hán tức là không còn luân hồi sanh tử trong ba giới mà an trú trong cảnh Vô Dư Y Niết Bàn.

           IV.ĐẠO ĐẾ:  Đạo đế là con đường dẫn đến chân lý giống như con đường đưa khách bộ hành đến đích. Muốn đạt đến cảnh an vui thanh tịnh niết bàn ( Diệt đế) thì chúng sanh phải thực hành những phương pháp tu hành , túc là đi theo con đường Đức Phật đã vạch ra. Con đường này gồm nhiều phần, gọi là 37 Phẩm Trợ đạo, mà quan trọng chính yếu là Tám Chánh đạo, là con đường Tám thứ chân chánh:

-          Chánh tri kiến: Thấy biết đúng sự thật.

-          Chánh tư duy: Suy nghĩ đúng đắn.

-          Chánh ngữ: Lời nói đúng sự thật, ngay thẳng.

-          Chánh nghiệp: Hành động chân chính, làm việc có ích.

-          Chánh mạng: Sanh sống bằng nghề nghiệp chân chính.

-          Chánh tinh tấn: Siêng năng trên con đường tu tập, hành đạo.

-          Chánh niệm: Nhớ nghĩa đến những việc tốt lành, lợi ích.

-          Chánh định: Không để tâm trí loạn động theo các vọng duyên cho trí tuệ phát chiếu minh mẫn, sáng suốt.

Tóm lại, Đạo đế là con đường dẫn đến giác ngộ chân lý do Đức Phật thuyết minh. Con đường ấy chắc chắn đưa chúng sanh thóat khỏi mê lầm đau khổ, chứng được quả an tịnh niết bàn.

Hai chân lý Diệt đế và Đạo đế là nhân quả xuất thế gian.

D. PHẬT TỬ VỚI PHÁP TỨ ĐẾ:

            Tứ Diệu Đế là giáo lý căn bản, là một pháp môn phổ thông chắc chắn đạt đến kết quả chứng ngộ chân lý, thoát khỏi luân hồi đau khổ được an vui tự tại. Bằng pháp Tứ Diệu đế, Đức Phật đã chỉ ra rõ ràng cho chúng ta thấy hai cảnh giới tương phản: Phiền não khổ đau và Niết bàn an tịnh, đồng thời vạch ra hai con đường ngược nhau là con đường đi vào mê lầm tội lỗi và con đường hướng đến hào quang trí giác sáng lạng.

            Vì vậy, người Phật tử phải học tập Tứ Diệu Đế trước hết nhận chân thực chất cuộc sống là khổ đau mà nguyên nhân là bởi mê lầm chấp trước vọng động của chính bản thân mình gây ra. Khi đã nhận rõ chân lý đau khổ của cuộc đời ( Khổ đế) và nguồn gốc của mọi thống khổ ( Tập đế), người Phật tử không than thở khóc lóc, van xin cũng không bi quan tiêu cực, trốn đời mà cần phải tích cực chiến đấu để diệt trừ khổ đau đen tối đạt đến hạnh phúc tươi sáng ( Diệt đế), có nghiã là Phật tử phải phấn đấu thực hành những phương pháp tu hành, những phương tiện mà Đức Phật đã chỉ dạy trong Đạo đế. Cuộc hành trình từ bến mê  trầm luân đến bờ giác ngộ giải thoát thật khó khăn gian khổ, nhưng tất cả mọi người ai cũng có thể thực hiện và đến đích thành công, miễn là chúng ta đi đúng theo tấm bản đồ quí giá là pháp Tứ Diệu đế mà Đức Phật đã truyền giao cho.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.17/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment