LỤC ĐỘ
Mục đích của đạo Phật là giác ngộ và giải thoát nên các phương pháp tu hành của đạo Phật đều hướng tới mục đích ấy. Một trong những pháp môn tu của đạo Phật có công năng vô cùng sâu rộng, bao quát, triệt để và mạnh mẽ nhằm đưa con người đến giác ngộ, đó là phép Lục Độ.
A. ĐỊNH NGHĨA LỤC ĐỘ:
Tiếng Phạn Paramita, dịch âm là Ba La Mật. Trung quốc dịch là Độ ( Đáo bỉ ngạn), có nghĩa là qua bên kia, đến bờ giác, là hoàn toàn. Vậy Lục Độ hay còn gọi là Sáu Ba La Mật, là sáu món trong phép tu có công năng mạnh mẽ to lớn đưa mình và người vượt qua bờ mê mờ đau khổ đến cảnh giới sáng lạn an vui. Sáu món Độ đó là: Bố thí Ba La mật – Trì giới Ba La Mật – Nhẫn nhục Ba La Mật – Tinh tấn Ba La Mật – Thiền định Ba La Mật – Trí tuệ Ba La Mật.
B. HÀNH TƯỚNG LỤC ĐỘ:
I/ BỐ THÍ:
1/ Định nghĩa: Bố thí là cho, giúp đỡ, cứu hộ, tung vãi, nghĩa là đem những tư hữu của mình, tinh thần hay vật chất, ban bố cho tất cả mọi người, không phân biệt, không hạn cuộc, không điều kiện, không luyến tiếc.
2/ Các món bố thí: Có 3 cách bố thí chính:
+ Tài thí: Cho của cải vật chất.
+ Pháp thí: Ban phát chánh pháp.
+ Vô úy thí: Trừ bỏ sự lo âu sợ hãi.
3/ Công năng bố thí: Bố thí có công đức năng lực rất lớn: Diệt trừ đực tính tham lam, ích kỷ, bỏn xẻ nhỏ hẹp. Đem lại no ấm. Phát triển chánh trí. Đem lại bình tĩnh an ổn.
II/ TRÌ GIỚI:
1/ Định nghĩa: Trì là giữ. Giới là những điều răn cấm của Đức Phật chế ra cho các hàng đệ tử ngăn ngừa tội ác, hướng vào đường chánh niệm.
Trì giới là một môn tu bằng cách tuân giữ giới luật để phá trừ ác ( Thân không làm việc ác, miệng không nói lời ác, ý không nghĩ điều ác), trái lại, chăm làm việc thiện, giáo hóa chúng sanh cùng đến bờ giải thoát.
2/ Các món giới: Do căn cơ chúng sanh sai khác, sự tu hành có cao thấp nên Đức Phật chế ra nhiều giới luật để cho mỗi hạng người tùy nghi thích hợp với khả năng và hoàn cảnh, thứ bậc tu hành như giới luật cho hàng tại gia, giới luật cho hàng xuất gia, giới của hàng tiều thừa, giới của hàng hành hạnh Bồ tát … Tuy nhiên nói chung, giới có 3 loại:
+ Nhiếp luật nghi giới: Giữ đúng nghiêm chỉnh các giới luật như 5 giới của cư sĩ tại gia, 10 giới của hàng Sa di, Sa di ni ( xuất gia), 348 giới của Tỳ kheo ni ( nữ xuất gia), 10 giới trong 48 giới khinh của hàng Bồ tát xuất gia, 250 giới của hàng Tỳ kheo ( Nam xuất gia), 6 giới trọng, 28 giới khinh của hàng Bồ tát tại gia.
+ Nhiếp thiện pháp giới: Là quyết tâm thực hiện những việc thiện, việc lành đem lại lợi ích cho mình cho người ở hiện tại và tương lai như thực hành 10 điều thiện, Tứ nhiếp pháp.
+ Nhiêu ích hữu tình giới: Nghĩa là hóa độ cứu khổ ban vui cho tất cả mọi loài chúng sanh.
3/ Công năng trì giới: Trì giới có công năng rất lớn.
+ Ba nghiệp được thanh tịnh: Là ngọc ma ni trang sức pháp thân huệ mạng, là căn bản Phật quả.
+ Các thiện công đức được phát sanh.
+ Nêu cao giá trị con người trì giới.
+ Người vật kính yêu.
III. NHẪN NHỤC:
1/ Định nghĩa: Nhẫn nhục là an nhịn, chịu đựng trước mọi hoàn cảnh, nghĩa là đối trước mọi hoàn cảnh thuận hay nghịch, khen hay chê, thành công hay thất bại, tâm trí vẫn bình tĩnh an ổn, không bi quan buồn rầu, bất mãn trước nghịch cảnh, không lạc quan tự mãn trước thuận cảnh.
2/ Các món nhẫn: Nhẫn nhục có nhiều trường hợp:
+ Thuận sanh nhẫn: Gặp cảnh thuận vẫn bình thường. Ví dụ: không kiêu căng đắc ý trước sự ca ngợi cung kính của người khác.
+ Nghịch sanh nhẫn: Gặp nghịch cảnh vẫn an nhẫn. Dù bị người trêu chọc, chữi mắng đánh đập, không nổi bực tức oán giận hận thù.
+ Ngoại pháp nhẫn: Bị những bất an bên ngoài bức bách như đói rét, thiếu thốn, mệt nhọc… vẫn xem thường, không than phiền phẩn uất.
3/ Công năng của nhẫn nhục: Pháp nhẫn nhục đem lại những hiệu quả ích lợi to lớn:
+ Không làm những việc vô ý thức do nóng giận nông nổi.
+ Bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh.
+ Không trụy lạc theo năm món dục ( tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ…)
IV. TINH TẤN:
1/ Định nghĩa: Tinh là tinh thuần, không ô nhiễm. Tấn là thẳng tới không thối lui chùn bước.
Tinh tấn nghĩa là chuyên tâm nhất trí hướng cầu đạo giải thoát giác ngộ, siêng làm các thện pháp, không bị ô nhiễm chi phối, không chùn bước trước các khó khăn trở ngại.
2/ Các món tinh tấn: Tinh tấn có bốn món gọi là Tứ Chánh Cần:
+ Các điều ác chưa sanh, tinh tấn giữ cho không sanh
+ Các điều ác đã sanh, tinh tấn diệt trừ.
+ Các điều thiện chưa sanh, tinh tấn làm cho phát sanh.
+ Các điều thiện đã sanh, tinh tấn cho tăng trưởng.
3/ Công năng của tinh tấn:
+ Luôn dõng mãnh hăng hái, không hèn yếu nhát sợ, rụt rè biếng nhác.
+ Không thối khuất, không giải đãi gián đoạn.
+ Cầu đạo giải thoát.
V. THIỀN ĐỊNH:
1/ Định nghĩa: Thiền ( hay thuyền) là quan sát diệt trừ các vọng duyên điên đảo. Định là để tâm chuyên chú vào một cảnh sở. Thiền định là phép tu tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất, diệt trừ các tạp niệm không cho tâm tán loạn để tâm được vắng lặng, tâm dụng được mạnh mẽ hầu quán sát và suy nghiệm chân lý.
2/ Các món thiền định: Đứng về mặt trình độ thì Thiền định có thể chia làm ba loại chính với nhiều thứ:
+ Thế gian thiền: Người chán cảnh tán loạn của dục giới thì tu Tứ thiền. Người muốn tạo phước lớn thì tu Tứ Vô Lượng thiền. Kẻ chán cảnh sắc giới chật hẹp thì tu Tứ Không thiền. Ai có huệ tánh nhiều thì tu Lục Huệ môn…
+ Xuất thế gian thiền: Là pháp thiền của bậc xuất thế. Tu theo môn này thì có thể đạt đến kết quả ly dục, phát sinh vô lậu trí nên gọi là Xuất thế gian thiền.
+ Xuất thế gian thương thương thiền: Đây là pháp thiền cao tột của bậc đại nhân.
Lại nếu xét về mặt đối tượng, hình thức thì thiền định lại chia làm mấy thứ:
+ Bất tịnh quán: Chú tập quán sát khuyết điểm của vạn pháp.
+ Từ bi quán: Quán xét nỗi thống khổ của chúng sanh .
+ Nhân duyên quán: Quán sát nhân duyên hòa hợp sanh khởi vạn pháp.
+ Niệm Phật quán: Quán sát công đức tướng tốt của Phật.
+ Sổ tức quán: Quán hơi thở, không cho tâm vọng niệm.
3/ Công năng thiền định: Công năng của thiền định vô cùng diệu dụng quí báu: Dằn ép tham dục – Trừ nóng giận – Phá si mê – Ngăn các phiền não – Diệt trừ loạn tâm.
VI. TRÍ HUỆ:
1/ Định nghĩa: Trí là chiếu thấy, là thể tánh trong sạch. Huệ (phiên âm tiếng Phạn là Bát Nhã), có nghĩa là hiểu rõ, sáng suốt, sự xét soi tự tại. Vậy, Trí Huệ là thể tánh sáng suốt có thể soi sáng chân lý, nhận thức đúng đắn thực tại.
Cần chú ý, “Trí Huệ” ở đây là danh từ triết học Phật giáo chứ không phải danh từ “ Trí tuệ” được dùng phổ thông trong sự học tập, suy luận hằng ngày ở đời.
+ Trí huệ có hiện tượng, tỉ lượng.
+ Nếu phân chia theo tính chất thì có căn bản trí, hậu đắc trí.
+ Nếu phân chia theo phương pháp tu tập thì có: Văn Huệ ( Trí huệ xét nghe chánh lý) – Tư Huệ ( Trí Huệ suy nghiệm chánh lý) – Tu Huệ (Trí Huệ thực hành chánh lý).
Ba món Văn Huệ, Tư Huệ, Tu Huệ gọi là ba môn Huệ học.
2/ Phương pháp căn bản để phát chiếu trí tuệ: Phương pháp căn bản nhất để đạt được trí huệ là ba môn Vô lậu học gồm Giới –Định- Huệ.
3/ Công năng của trí huệ: Nhờ công phu tu tập trí huệ, người tu hành sẽ đạt tới những kết quả tốt đẹp: Dứt trừ vô minh phiền não – Thấy rõ sự thật – Thế nhập chân lý.
KẾT LUẬN: Đạo Phật là đạo từ bi và giác ngộ. Từ bi thuộc phước, giác ngộ thuộc huệ. Người Phật tử muốn đạt đến cứu cánh trừ mê diệt khổ, tất phải Phước Huệ song tu. Sáu môn Lục Độ đầy đủ cả Phước lẫn Huệ. Có thể nói, Lục Độ là con thuyền Bát Nhã đưa người tu đạo và chúng sanh vượt biển mê qua bờ giác. Cho nên các Đức Phật, các vị Bồ tát viên mãn được công hạnh tự giác tha đều lấy pháp Lục Độ làm căn bản. Dù hoàn cảnh có khó khăn thiếu thốn ràng bưộc, những người Phật tử biết cố gắng thực hành vài phần trong sáu món Lục Độ thì cũng đã có thể tiến bước khá dài trên con đường giác ngộ giải thoát vậy.
Qua nhân cách hoạt động của Huynh trưởng GĐPT, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải nhìn nhận là chúng ta đang tu tập theo 6 pháp Ba La Mật, tập tành theo hạnh nguyện của chư vị Bồ Tát.
Pháp bố thí gồm Tài thí, Pháp thí và Vô uý thí, Huynh trưởng chúng ta mặc dù không mấy ai giàu có về tài vật nhưng trong lòng thì không thiếu nên có thể làm được. Giới thì bắt buộc ai cũng phải hành trì. Ngoài 5 giới, Bồ Tát giới, Bát Quan trai giới, Thập thiện giới mà người tu tại gia giữ ( 5 giới) và nếu phát nguyện thọ trì, chúng ta còn 5 điều luật, còn có nội quy, quy chế của tổ chức mà chúng ta phải bảo vệ và thực hành; nghĩa là chúng ta phải làm, phải nghiên cứu và học hỏi để mỗi ngày một thêm sâu sắc. Nhẫn nhục- Tinh tấn là hai đức tính mà người Huynh trưởng phải có. Thiền định là môn “ ruột” của giáo lý đạo Phật, Phật tử phải biết thực tập thiền định. Pháp môn Thiền của đạo Phật có cũng khá nhiều nhưng chúng ta được quyền lựa chọn, kinh “ Quán niệm hơi thở và kinh Tứ Niệm Xứ” rất thích hợp với thời đại. Và với Huynh trưởng, là những người có lắm gia duyên. Kinh dạy chúng ta có thể thực hiện trong bốn oai nghi trong lúc làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi... đều có thể thực tập thiền quán như Quán niệm hơi thở và Bốn lãnh vực quán niệm vẫn được. Trí tuệ là điểm tất yếu phải có khi chúng ta thực tập tốt năm phần trên.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.14/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment