Thursday, 13 March 2014

TỨ NHIẾP PHÁP

Mục đích của Đức Phật là cứu khổ chúng sanh nên các phương tiện bố giáo khuyến tu của Phật đều hướng tới mục đích nhiếp hóa. Một trong những pháp môn nổi bật mà Đức Phật đã dạy có năng lực nhiếp hóa lớn là TỨ NHIẾP PHÁP.
 

 

 

 


I. ĐỊNH NGHĨA: Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp nhiếp hóa chúng sanh. Đây là bốn phương tiện giản dị căn cứ vào lòng từ bi, áp dụng trong mọi hoàn cảnh, để nhiếp phục chúng sanh giác ngộ quay về với Phật pháp.

II. HÀNH TƯỚNG CỦA TỨ NHIẾP PHÁP

Tứ Nhiếp Pháp gồm 4 phương pháp là:

1/ Bố thí nhiếp: Là nhiếp hóa bằng cách bố thí. Bố thí nhiếp gồm có 3 phương tiện: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.

a- Tài thí: Còn gọi là Tư sanh thí, nghĩa là đem của cải vật chất giúp đỡ đời sống thiết thực cho chúng sanh. Tài thí có 2 mặt: Nội tài (Đem cho của cải ngay trên thân thể của mình như thân mạng, sức lực, lời nói, tư tưởng, ý kiến,…) - Ngoại tài ( Đem cho của cải nằm ngoài tự thân như nhà cửa, tiền bạc, của cải, cơm áo, thuốc thang,…)

b- Pháp thí: Đem giáo pháp chân chính bố thí để lợi lạc chúng sanh. Pháp thí có 2 cách: Diễn thuyết chánh pháp ( giảng giải chánh pháp cho chúng sanh để khuyến tu, giác ngộ chân lý) – Cúng dường chánh pháp ( Ấn tống kinh sách, thật hành chánh pháp, đọc tụng Phật pháp để cho chúng sanh học tập nghe hiểu và  hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh).

c- Vô úy thí: Ban cho đức Vô úy  nghĩa là dùng tất cả phương pháp bố thí cho chúng sanh khỏi lo sợ, được yên vui, an tâm trước sự hiểm nguy và biến cố như: Gặp khi đói kém thì cho của cải cơm áo – Không làm ác gây hại chúng sanh – Khi có tai nạn thì tìm cách giải cứu – Chúng sanh lo sợ sanh tử luân hồi thì giáo hóa khuyến tu để cầu giải thoát.

            2/ Ái ngữ nhiếp: Dùng lời nói từ hòa, thân mật thành thực để nhiếp hóa chúng sanh. Ái ngữ nhiếp có 3 cách:

+ Dùng lời nói sáng suốt rõ ràng hợp chánh lý để hướng dẫn cảm hóa người.

+ Dùng lời nói hòa nhã dịu dàng để an ủi, cảm hóa, khuyến khích người.

+ Dùng lời nói chân thành, ngay thẳng, không xảo quyệt, làm tăng trưởng lòng kính tin Tam Bảo.

            3/ Lợi hành nhiếp: Dùng những việc làm có lợi ích để nhiếp hóa chúng sanh. Lợi hành có hai mặt:

a- Lợi hành trong công việc: Thực hành hạnh tài thí để cứu trợ đời sống vật chất, thực hành pháp thí để giáo hóa mọi người, thực hành vô úy thí để an ủi chúng sanh.

b- Lợi hành trong tấn tu: Giữ giới thanh tịnh, siêng năng tu học, diệt trừ tham dục, đào thải si mê mà cảm hóa mọi người. Đây là hình thức lợi lạc chúng sanh tích cực và có sức nhiếp hóa rất sâu rộng.

            4/ Đồng sự nhiếp: Cùng hòa mình với chúng sanh trong công việc, trong hoàn cảnh sống, trong thi hành nghề nghiệp nhiệm vụ cùng tư tưởng tình cảm để cảm hóa và nhiếp phục.

Đồng sự nhiếp là một phương pháp nhiếp hóa có hiệu quả nhất vì với Đồng sự nhiếp ta có thể giúp đỡ một cách thiết thực và thường xuyên những người cùng sống chung hoàn cảnh, cùng chung công việc với ta. Nhờ gần gũi chung đụng mà ta hiểu rõ hoàn cảnh, cảm thông tâm tư nguyện vọng hoàn cảnh nên có thể giúp ích cho họ một cách thiết thực cụ thể và ta trở thành nơi nương tựa  đầy tin cậy và hiệu quả đối với họ. Vì vậy, Đồng sự nhiếp có sức nhiếp phục rất mạnh mẽ và sâu xa nên ta dễ dàng nhận thấy rằng bất cứ ở đâu, hễ có Phật tử thuần thành, chân chính, gương mẫu thì ở đó số người theo về đạo pháp ngày càng nhiều.

            III. LỢI ÍCH CỦA TỨ NHIẾP PHÁP:

            Thực hành Tứ Nhiếp Pháp sẽ đem lại kết quả rất tốt đẹp, những lợi ích rất to lớn từ phạm vi cá nhân đến tập thể và xã hội.

+ Đối với cá nhân: Mỗi hành động Tứ nhiếp pháp là một hạt giống gieo vào ruộng phước để sau này nẩy mầm những kết quả tốt lành và trong hiện tại thì uy đức tăng trưởng có sức nhiếp hóa mãnh liệt, dể dàng thành công trong mọi việc. Đồng thời, cá nhân thụ hưởng công đức Tứ nhiếp pháp cũng được nhiều lợi lạc tùy theo mỗi trường hợp, từng hoàn cảnh:

-          Hoặc thoát khỏi cảnh đói khổ, thoát khỏi tội chướng vô minh, bớt lo sợ ( Bố thí).

-          Thâm nhập chánh pháp, tự tại an vui, tăng trưởng công đức ( Ái ngữ).

-          Tăng tiến phước thiện trong tất cả hành vi, tăng tiến đức độ ( Lợi hành).

-          Cải thiện hạnh nghiệp bất chính thành hạnh nghiệp chân chính.

-          Cải thiện ý niệm và tập quán bất thiện thành ý niệm và tập quán thiện mỹ ( Đồng sự ).

+ Trong phạm vi gia đình: Gia đình trở nên thuần lương, hòa thuận hạnh phúc, có uy tín trong xã hội.

+ Trong phạm vi xã hội: Hoán cải phần nào hoàn cảnh xã hội về kinh tế, vật chất cũng như tinh thần tình cảm, phong tục đạo đức. Số người thực hành Tứ nhiếp pháp càng nhiều thì ảnh hưởng càng lớn, xã hội càng được cải thiện: công bằng, no ấm, thuần lương, thiện mỹ.

KẾT LUẬN: Nhằm mục đích lợi sanh đúng với bản hạnh từ bi cứu khổ ban vui của Đức Phật, Tứ Nhiếp Pháp vừa có giá trị đẹp đẽ biều hiện tinh thần trong sáng cao rộng của Đức Phật vừa có giá trị tích cực và lợi lạc thực tế của đạo Phật về mặt thăng hoa con người cũng như cải thiện hoàn cảnh xã hội được thêm thuần lương tốt đẹp.

Là Phật tử chân chánh phải có hai yếu tố quan trọng để tu hành là từ bi và lợi tha. Thiếu hai điểm ấy, chúng ta không thể tiến triển trên đường đạo. Vì vậy, mỗi Phật tử cần thiết phải cố gắng nổ lực thực hành Tứ nhiếp pháp trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp với hạnh nguyện và hoài bão của Đức Phật.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.14/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment