Sunday, 16 March 2014

VUA A DỤC VỚI SỰ NGHIỆP HỘ TRÌ CHÁNH PHÁP.


Trong lịch sử Phật giáo thời đức Phật, mỗi khi nói đến các vị hộ pháp thì người ta liền nghĩ ngay đến vị trưởng giả Tu Đà Cấp Cô Độc, người có công lao lớn trong sứ mạng hộ trì chánh pháp. Đến hai trăm năm sau lại xuất hiện một vị đại hộ pháp chưa từng có trong lịch sử. Ông đã đem tâm huyết cả đời của mình phụng sự cho Phật Pháp, làm cho Phật Pháp thời bấy giờ hưng thạnh cực điểm và lan rộng khắp vùng Á đông. Người đó chính là vua A Dục.
I. THÂN THẾ & SỰ NGHIỆP:
A Dục là con của vua Tần Đầu Sa La (Bindusara), nước Ba Thát Lỵ Phất (Pàtaliputta). Ngài là một người có tài năng xuất chúng, về văn lẫn võ vượt trội trong số 101 người anh em. Do vậy ngài được vua cha phong vua nước Uất Chi (Ujjenirajja). Lên ngôi được mười năm, thì phụ hoàng lâm bệnh băng hà. A dục trở về nước của vua cha, thống nhiếp những nước láng giềng làm cho các nước khác phải phục tùng. Bốn năm sau, A Dục xưng vương và lập em Đế Tu (Tissa) lên làm thái tử. Thời gian này cách Phật Niết bàn 218 năm.
II. QUY Y VÀ TRỞ THÀNH VỊ ĐẠI HỘ PHÁP TRONG PHẬT GIÁO :
Trong suốt ba năm đầu từ khi xưng vương, vua A Dục phụng sự cho ngoại đạo (Bàhirakapàsanda) theo tinh thần thừa hành tín ngưỡng của vua Tần Đầu Sa La. Một hôm, trong buổi cúng dường nhìn thấy hàng Bà la môn không có phép tắc còn tham đắm vào danh vọng và lợi dưỡng. Vua sanh tâm nhàm chán.
Một hôm, bên cửa sổ nhìn thấy sa di Nê Cù Đà (Nigrodha) đi khất thực dáng vẻ trang nghiêm, oai nghi đỉnh đạc, vua rất hoan hỷ nghĩ rằng vị này chắc có pháp lợi của bậc Thánh nên cho mời vị Sa Di vào. Qua cuộc trao đổi, vua phần nào hiểu được giáo lý Phật đà. Từ đó, vua bắt đầu phát tâm bồ đề, qui hướng Phật giáo và là vị đại thí chủ hộ trì Tam bảo.
Năm thứ tư sau khi A Dục lên ngôi, thái tử Đế Tu xin vua được xuất gia. Vua cảm thán khen ngợi và chuẩn bị đầy đủ lễ nghi đưa tiễn thái tử đến xuất gia với tôn giả Đàm Vô Đức. Hay tin này, cùng ngày có vô số người thuộc đẳng cấp Sát đế lợi cũng xuất gia theo làm cho chánh pháp hưng thịnh hơn.
Vua A Dục với lòng mộ đạo của mình đã dâng sáu ức ngân tiền để xây tám vạn bốn ngàn ngôi chùa ở các nước mà vua thống lãnh. Chùa xây xong, vua mở đại hội bố thí cúng dường trong bảy ngày, tất cả nhân dân trong nước phải thọ trì tám giới để giữ cho thân tâm thanh tịnh. Nhà vua rất hoan hỷ thưa với chư Tăng con làm việc bố thí lớn và thọ trì Phật Phật pháp như con yêu mến cha. Vậy đối với Phật pháp con có được vào chưa ? Tôn giả Đế Tu thấy được nhân duyên của thái tử Ma Hê Đà đã đến bèn đáp rằng : Thời Phật còn tại thế người cúng dường không ai bằng vua, công đức cúng dường như thế vẫn chưa được vào Phật pháp. Chỉ khi nào vua cho thái tử xuất gia thì đường đến với Phật pháp sẽ mở lối.
Nhà vua suy nghĩ em ta là Đế Tu đã xuất gia nên ta lập con ta Ma Hê Đà (Mahinda) lên làm thái tử. Giờ đây làm thái tử tốt hay xuất gia tốt. Ngay lúc đó, thái tử Ma Hê Đà bèn đến trước vua cha quỳ xin được xuất gia, nhà vua rất hoan hỷ.  Thái tử Ma Hê Đà được xuất gia theo tôn giả Đế Tu, thọ trì tinh thông Phật pháp đứng đầu trong một ngàn bạn đồng học. Cùng lúc với Ma Hê Đà vương nữ Tăng Già Mật La (Sanghanittà) cũng xuất gia theo. Vua A Dục một lòng thành kính phụng trì Tam bảo, ra sức xây dựng chùa khắp mọi nơi và cúng dường chư Tăng đầy đủ bốn vật dụng cần dùng.
Trong vòng chín năm kể từ lúc lên ngôi, vua A Dục tu bổ lại các nơi Thánh tích, xây dựng chùa, làm rất nhiều việc ích lợi Tam Bảo, chăm lo cuộc sống cho đồng bào. Nhà vua lập những kho thuốc ở bốn cửa thành, xây dựng bốn ngàn nhà khách ở khắp mọi nơi. Hàng ngày vua đem một ngàn đồng tiền dâng lên đại đức Ny Cù Đà, một ngàn chi dụng cúng dường hương hoa cho Tháp tượng, một ngàn cung cấp pháp đường, một ngàn cúng các vị luật sư, một vạn cúng chúng Tăng, một vạn đem chi làm chi phí cho những kho cấp thuốc . . .
 
Lúc bấy giờ Phật pháp hưng thịnh làm cho ngoại đạo suy vi, khất thực khó khăn, đói khát hành hạ. Họ bèn tạm xuất gia làm Tỳ Kheo nhưng vẫn giữ phép cũ mà giáo hóa mọi người, không hành trì theo pháp Phật, chẳng giữ gìn oai nghi giới luật, cũng không vào sống trong chùa, nhưng đến ngày bố tát lại vào giữa trong Tăng. Chính họ muốn Phật pháp thành nhơ bẩn nên đem sách vở của mình xen vào giáo pháp. Thế nên, hàng Tỳ Kheo chân chính không chịu bố tát, tự tứ và làm tăng sự cùng với họ. Trình trạng này kéo dài suốt bảy năm làm cho chư tăng không thuyết giới được.
Trước tình hình đó, vua A Dục một lòng thành khẩn muốn xây dựng lại Phật pháp nên sai đại thần đến thưa với chúng Tăng nên giáo dục nhằm diệt trừ sự tranh đấu, làm cho chư Tăng hòa hợp mà thuyết giới. Chư Tăng không nghe theo nói rằng : Tỳ Kheo chân chính không chịu bố tát chung với ngoại đạo chớ không phải chúng tôi không vâng lệnh vua. Đại thần liền xử trảm các Tỳ Kheo.
Hay tin này, vua A Dục kinh hải đau khổ ngã lăn bất tỉnh. Sau đó vua đích thân đến chùa trần bạch với chư Tăng và trình bày thắc mắc không biết tội ấy thuộc về ai ? Chư Tỳ Kheo bảo có tôn giả Đế Tu có thể giải đáp thắc mắc của ngài để xây dựng lại Phật pháp. Vua phái các vị pháp sư, chư Tỳ Kheo cùng với đại thần đến núi A Hô Hà thỉnh tôn giả Đế Tu.
Khi hay tin đoàn hộ giá về, nhà vua ra nghinh đón và đích thân nhà vua lội xuống nước đỡ chân tôn giả lên bờ. Trong lúc tôn giả nắm lấy tay vua, cận thần rút kiếm định chém tôn giả.
Vua phán : Than ôi ! trước đây đại thần hiểu sai ý ta nên giết các Tỳ Kheo, bây giờ ngươi lại muốn giết nữa hay sao. Thôi thôi ! đừng gây tội cho ta nữa.
Về đến cung đích thân Vua rửa chân và thoa dầu cho tôn giả. Sau đó trình thưa : Phật pháp trong tình thế bị mai một, con một lòng muốn xây dựng lại Phật pháp nên có sai đại thần đến chùa ra lệnh cho chư Tăng hòa hợp thuyết giới, nhưng đại thần này tự ý giết các Tỳ Kheo. Vậy tội này ai chịu ?
Tôn giả nói vua không có ý giết thì không tội. Bằng nhiều phương tiện Đế Tu chỉ cho vua hiểu đâu là luật, đâu là phi luật, đâu chÿnh pháp, đâu là phi pháp; đây là lời Phật dạy, kia là lời ngoại đạo.

Sau đó đích thân Vua kiểm tra, tìm ra bọn ngoại đạo cho mặc y phục trắng rồi bắt hoàn tục. Bấy giời Phật pháp đã được thanh tịnh, nhà vua quỳ bạch xin chư Đại Đức thuyết giới. Chư Tăng hòa hợp lại có cả thảy sáu vạn Tỳ Kheo. Dưới sự chủ tọa của tôn giả Đế Tu, ngài dùng chánh giác tri phá tan tà kiến ngoại đạo trong đồ chúng. Trong chúng chọn ra một ngàn vị Tỳ Kheo tinh thông kinh điển, chứng đạt ba trí để tuyên đọc lại tạng kinh và tạng luật. Thời gian kéo dài chín tháng mới hoàn thành nên còn gọi là lần kiết tập kinh điển lần thứ ba dưới sự ngoại hộ của vua A Dục. Ở lần kiết tập này Tôn giả Đế Tu trước tác ra luận tạng nhằm thuyết minh sự lý luận giữa ngoại đạo với Phật giáo. Do vậy kết tập lần thứ ba này đầy đủ ba tạng kinh, tạng luật và tạng luận.
Sau lần kiết tập này, Tôn giả Đế Tu đem luật tạng truyền lại cho Tôn giả Ma Hê Đà rồi vào Niết bàn. Vua A Dục vẫn tiếp tục hộ trì, truyền bá Phật pháp, vua viết thư đến các nước khác và cho đoàn tùy tùng hộ giá chư Thánh Tăng truyền đạo sang các nước như : Ma Hê Đà truyền sang nước Sư Tử (Tích Lan), Mạt Xiển Đề đến nước Kế Tân, Ma ha Lặc Khí Da truyền sang thế giới Da Na (đất Hán), Mạc Thị Na đến các nước tại Tuyết Sơn, Uất Đa Ca đến nước Miến Điện, . . . chư tôn giả đến kết hợp với vua các nước cùng nhau kiến lập Phật pháp. Do vậy, Phật pháp được lan truyền rộng rải khắp các nước Á đông và cho đến ngày nay vẫn còn tiếp tục phát triển và lan truyền sang các nước Tây phương.
IV. KẾT LUẬN:
Là một vị Đại Vương hiếu chiến đã từng làm cho toàn cõi Á đông một thời khi nghe đến đều phải khiếp sợ. Thế nhưng khi quay đầu  quy y chánh giáo ông đã thay đổi thành một con người khác hẳn, từ một vị bạo chúa hung tàn trở thành một vị vua hiền từ  và có một bầu nhiệt huyết vì đạo. Ông đã đem tất cả khả năng mình có để xiển dương Phật Pháp, ngay cả những đứa con thân yêu nhất ông cũng phải hy sinh dứt bỏ, để cho họ được thỏa nguyện trở thành những bậc xuất gia, những nhà truyền giáo vĩ đại đem giáo lý của đức Phật đà trang trãi khắp muôn nơi.
Với công lao to lớn đó, ông đáng được xem là một vị đại hộ pháp có một không hai trong trang sử vàng của Phật giáo năm châu. Và ngày nay mỗi khi nhắc đến A Dục Vương trong lòng mỗi người chúng ta không ai là không thán phục và ghi nhận công đức cao vời của một bậc vĩ nhân suốt đời tận tụy vì đạo quên mình.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.17/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment