Sunday, 16 March 2014

Bệnh "Cố Chấp" .



Thường người ta khi làm bất kỳ việc gì cũng đều có sự chấp trước vào sự việc đó. Người tham tiền tài thì có sự chấp mắc vào tiền tài, kẻ háo sắc đẹp thì có sự chấp mắc vào sắc đẹp, người thích viết văn thì có sự vướng mắc nơi văn chương, người thích làm thơ thì có sự vướng mắc nơi chữ nghĩa.
Hôm nay tôi sẽ kể cho quí vị nghe một câu chuyện về sự chấp chữ nghĩa của một hòa thượng thích làm thơ. Vị hòa thượng này thích dùng văn thơ để giao lưu bạn bè, bệnh chấp ấy rất nặng, phàm hễ ai là người có học vấn đến viếng chùa thì hòa thượng đều vui mừng chào đón, người không có học thức đến chùa đều không được tiếp đón. Người có học vấn đến chùa nếu có thể làm được hai bài thơ thì được hòa thượng mời ở lại dùng cơm, hay nghỉ qua đêm đều được cả; nếu như không biết làm thơ thì đừng nói đến chuyện ăn cơm hay nghỉ lại mà ngay cả cổng chùa cũng không được bước vào. Bởi vị hòa thượng mắc phải bịnh cố chấp này nên liền bị ma chướng. Ma chướng gì thế?
Một tối nọ, có một vị khách ghé lại chùa, bởi vì từ ngôi chùa này đi đến một làng quê gần đó đường hãy còn rất xa, cho nên vị khách muốn nghỉ lại qua đêm trong chùa. Chú sa-di bảo vị khách: “Nếu thí chủ muốn nghỉ lại đây thì sư phụ của tôi có một qui định. Thí chủ phải làm được một bài thơ hay một bài phú hoặc viết một bài văn thì mới được ở lại chùa. Thí chủ biết viết văn, làm thơ hay viết phú không?” Vị khách đáp: “Cái gì tôi cũng biết.” Thật ra, vị khách này ngay cả chữ cũng không nhận ra nhưng vì trời sắp tối, nên đã nói dối để được nghỉ lại qua đêm và ăn cơm no bụng rồi tính tiếp. Chú sa-di nhỏ trở vào báo lại với sư phụ: “Bạch sư phụ, có một vị khách bảo rằng ông biết viết văn, làm thơ, làm phú, thi ca từ phú cái gì cũng biết.” Sư phụ liền bảo: “Vậy thì mời ông ấy ở lại.” Thế rồi chú sa-di cho vị khách ở lại qua đêm, còn làm nhiều món chay rất ngon để đãi khách.
Vị khách này có lẽ mấy ngày rồi chưa được ăn cơm nên chẳng nghĩ nhiều đến việc làm thơ hay không làm thơ, trước ăn một bụng no nê rồi hãy tính. Dùng cơm xong, chú sa-di mang đến một bình trà rồi lui ra ngoài khóa kín cửa lại, đề phòng vị khách bỏ trốn để mai còn khảo tài văn thơ của khách. Người này vì ăn quá no nên nửa đêm đau bụng, muốn đi vệ sinh. Nhưng khi mở cửa đi ra thì bên ngoài đã bị khóa chặt, không thể mở được. Chẳng biết làm sao, khách bèn quơ đại một bình hoa rồi đi vào đó. Một bình không đủ, khách lấy tiếp bình hoa khác và xả bầu tâm sự. Đi xong, cảm thấy khát nước khách bèn lấy bình trà trên bàn uống sạch. Sau đó lại đi, lần này không còn gì đựng ngoài ấm trà vừa uống xong nên khách tận dụng luôn cả ấm trà, và thế là…
Sáng hôm sau thức dậy, chú sa-di liền đến mở cửa và mang cơm đến cho khách. Đợi khách cơm nước xong, chú sa-di liền hỏi: “Tối qua ngài đã làm được bài thơ nào chưa?” Khách đáp: “Tôi đã làm hai bài, ở trong bình hoa ấy.” Chú sa-di nghe khách nói đã làm được hai bài thơ bèn yên lòng mở cửa cho khách đi. Sau khi khách đi rồi, vị hòa thượng liền hỏi chú sa-di rằng: “Vị khách hôm qua có làm được bài thơ nào không?” Chú sa-di thưa: “Bạch sư phụ có ạ! Ông ta làm được hai bài thơ, để trong bình hoa ấy!” Hòa thượng nói tiếp: “Thế con mang ra cho ta xem xem!”. Chú sa-di bèn đi vào phòng, thò tay vào bình hoa lấy thơ, kết quả nắm phải một tay phân. Chú nghĩ, chắc là nằm trong bình hoa bên kia, rồi tiếp tục thò tay vào lấy, lại vớ thêm một tay phân nữa. Chú định lấy nước trong bình trà rửa tay, nào ngờ đổ nước ra cũng toàn là phân! Hòa thượng đứng bên ngoài giục đệ tử: “Con mang tất cả ra đây, thơ khách làm đâu?” Chú sa-di đành đưa hai bàn tay dính đầy phân ra, mếu máo: “Sư phụ xem, đây chẳng phải là ‘hai tay phân’ sao!” (Trong tiếng Hán có nhiều từ phát âm gần giống nhau và nhiều từ đồng âm, nên ‘hai bài thơ’ vừa đúng giống với âm của ‘hai tay phân’ liang shou shi. Đồng thời, trong tiếng Hán, lượng từ ‘bài’ phát âm giống ‘tay’, nên khi nói ‘trái một tay, phải một tay’ khiến người nghe sẽ lầm nghĩ là ‘tay trái một bài, tay phải một bài’. Đây là lối truyện cười dùng chữ thường thấy trong tiếng Hán ). Từ đó về sau vị hòa thượng này không cho ai ở lại chùa và cũng không còn bắt ai làm thơ nữa.
Hai bình phân của vị khách đã trị lành căn bịnh chấp chữ nghĩa cố hữu của vị hòa thượng.
 
Cảm nhận từ câu chuyện:
Người tu, đôi khi vì bệnh cố chấp mà quên mất bản nguyện từ bi cứu độ chúng sinh của mình. Như vị Hòa thượng trên vốn phải bình đẳng tiếp đãi khách thập phương, thể hiện tinh thần vô phân biệt, rộng mở vòng tay đón nhận mọi thành phần quay về nương tựa. Thế mà… với điều kiện đưa ra “biết làm thơ thì cho ăn cho ở, không biết làm thơ thì cuốn gói đi nhanh” của Hòa thượng vô tình đã làm giảm đi, thậm chí mất đi hình ảnh đẹp của người xuất gia trong lòng mọi người. Bạn có thể đưa ra yêu cầu này, tôi cũng có thể đưa ra yêu cầu kia, cứ thế thì còn đâu nữa bản hoài cứu độ chúng sanh vô điều kiện của người con Phật. Chư Phật, Bồ-tát xưa kia vì pháp quên thân, vì lợi ích chúng sanh mà không màng đến chuyện sống chết của riêng mình. Còn mình thì sao chứ?
Bồ-tát đa hạnh, biết đâu vị khách kia chính là Bồ-tát đến để trị bệnh “cố chấp” cho lão Hòa thượng. Là vị lương y đại tài, tùy theo bệnh trạng của chúng sanh mà cho thuốc nên đôi khi các Ngài dùng chánh hạnh, có lúc là nghịch hạnh; đôi khi trực tiếp, lúc lại gián tiếp; lúc thì khuyến khích, khi lại trừng phạt; mẹ hiền mới đó, chốc sau lại là hung thần v.v...Sao cũng được, với hình thức nào cũng chả quan tâm, lao nhọc bôn ba cũng chẳng nề hà, lên rừng xuống biển, thăng trầm sáu nẻo vẫn nhỏe miệng cười, miễn sao cứu lành bệnh chúng sanh, khiến cho ai nấy đều an vui hạnh phúc là các Ngài mãn nguyện rồi.
Câu chuyện trên còn một điểm chưa trọn vẹn là lão Hòa thượng tuy không còn yêu cầu làm thơ nữa, căn bệnh cố chấp bước đầu tuy đã lung lay sụp đổ, nhưng lòng từ bi vẫn chưa được phát huy. Bằng chứng là Hòa thượng không tiếp đón bất kỳ ai lỡ chân dừng lại qua đêm trong chùa. Biểu hiện này của Hòa thượng rất giống với cách hành xử hằng ngày của hạng phàm phu chúng ta đó là biết sai mà không sửa, đôi khi vì chút thể diện hão huyền mà bỏ qua cơ hội kết duyên lành bồ đề với tất cả chúng sanh.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.17/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment