Sunday 3 June 2012

Cách hóa giải sân hận đem đến an lạc

Thích Hạnh Tuệ
Cội gốc của sinh tử luân hồi, nguyên nhân của khổ đau triền miên là phiền não mê lầm. “Sân” là một trong tám vạn bốn ngàn phiền não, là phiền não thứ hai trong mười Căn bản phiền não (Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Thân kiến, Biên kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ, Tà kiến), là cái thứ hai trong Ngũ cái (Tham dục cái, Sân nhuế cái, Hôn miên cái, Trạo cử ố tác cái, Nghi cái), là độc thứ hai trong Tam độc(Tham, Sân, Si).
[1] Theo Thành duy thức luận 6 sự nổi giận, ghét bỏ đối với những ai đi ngược lại tình cảm của mình khiến thân tâm không an ổn, gọi là sân, các tuỳ phiền não như phẫn, hận, não, tật, hại…đều lấy một phần của sân làm gốc. Nếu tâm Tham sinh ra từ sự ham thích đối với cảnh thì tâm Sân nổi lên do không ưa thích nghịch cảnh, và nó chỉ hoạt động ở phạm vi cõi Dục, không có ở cõi Sắc và Vô sắc.
Tác hại của tâm nóng giận là vô cùng vô tận, khó diễn tả hết được, ở đây chỉ nêu ra vài khía cạnh cơ bản:
- Về mặt xã hội: nóng giận là một trong những nguyên nhân gây ra đất nước chiến tranh, đồng bào chết chóc, bạn bè ly tán, đồng nghiệp thành thù, huỷ hoại sự nghiệp, danh vọng tiêu tan …
- Về mặt gia đình: Vì nóng giận nên ông bà đau khổ, cha mẹ chia lìa, vợ chồng trở mặt, anh em cách biệt, con cháu bất hiếu…
- Về bản thân: Nóng giận gây hại cho cả tâm và thân:
+ Tâm: Buồn phiền, nóng nảy, bất an, sợ sệt, không có cảm giác vui vẻ, an lạc, hạnh phúc, an ổn.
+ Thân: Bịnh tật, khó chịu, nhanh già, bởi vì khi nóng giận cơ thể tiết ra những chất nội tiết gây hại cho Lục phủ, Ngũ tạng…
Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “一念瞋心起,百萬障門開” (Phiên âm: Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai, nghĩa là một ý niệm nóng giận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở). Khi chúng ta khởi lên một ý niệm nóng giận, hoả khí trong người bốc lên, biểu hiện ra đỏ mặt tía tai, thịt gân run giật, hai mắt đỏ ngầu, bộ dạng thô bỉ, nói năng hung dữ, nghĩ toàn chuyện ác. Lúc đó cửa tội ác, nghiệp chướng mở ra, tha hồ cho chúng ta xông vào.
“Nghe” không đúng pháp tức cái nghe chấp trước là một trong những nhân tố quan trọng dẫn đến nóng giận, đau khổ cho chúng ta, “diệu pháp nghe” giúp chúng ta hoá giải sân hận, mang lại an lạc, hạnh phúc. Chúng ta cùng đọc bài tụng thứ tám trong Duy thức tam thập tụng nói về Nhĩ thức (nghe):
“次第三能變,差別有六種.了境爲性相,善不善俱非” [2] (Phiên âm: Thứ đệ tam năng biến, sai biệt hữu lục chủng, liễu cảnh vi tánh tướng, thiện bất thiên câu phi, nghĩa là thức biến hiện thứ ba, sai biệt có sáu thứ, tánh tướng là biệt cảnh, thiện bất thiện vô ký).
Sáu Thức (Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức), nương nơi Sáu Căn (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý) tiếp xúc với sáu cảnh(Lục Trần: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp), sinh ra. Nhĩ thức là sự tiếp nhậnThanh cảnh của tai, Nhĩ căn sinh Nhĩ thức để phân biệt Thanh cảnh. Căn, Cảnh, Thức liên hệ mật thiết, không rời nhau, chi phối hầu hết những vấn đề về vũ trụ nhân sinh.
Tuỳ theo căn cơ, hoàn cảnh, chúng ta có thể áp dụng một số phương pháp “nghe” sau:
Một là nghe như là ăn. Khi ăn, chúng ta chọn ăn những thức ăn tinh sạch, bổ dưỡng, có lợi cho sức khoẻ, cân bằng được thân thể, thậm chí đến chén, bát, đũa, muỗng và cả chỗ ăn uống cũng phải sạch sẽ; thức ăn, bị thiu, bị thối, bị dơ bẩn và vật dụng và nơi ăn nhơ bẩn chúng ta cũng không ăn. Bởi vì ta biết ăn không tinh sạch sẽ gây ra bịnh tật. Cũng như vậy, khi nghe chúng ta “chỉ nghe” những lời hay, lời tốt, lời đẹp, lời thiện, đem lại niềm vui, hạnh phúc thật sự, làm tăng trưởng trí tuệ, phẩm chất đạo đức cho bản thân và mọi người; “không nghe” những lời chửi bới, mắng nhiếc, trù ẻo, đâm thọc, gây ra buồn phiền, hờn giận, đau khổ, tan vỡ, chia lìa cho mình và người. Bất kỳ âm thanh, lời nói trong phạm vi nghe được đều lọt tai của ta, nói “chỉ nghe” là nói ta giữ lại trong tâm, nói “không nghe” là ta không đem vào và giữ lại trong tâm. Những thứ tâm ta không lưu giữ thì nó sẽ không có chỗ tồn tại và phát triển được. Hơn nữa, khi chúng ta “chỉ nghe” những lời hay, lời đẹp, lời thiện thì chúng ta cũng tập “chỉ nói” những điều hay, điều đẹp, điều thiện mang lại an vui hạnh phúc cho mình và người khác; “không nói” những lời thô ác gây đau khổ cho mọi người.
Hai là nghe như nhận quà. Trong chương bảy, kinh Tứ thập nhị chương, có người dòng Bà la môn cố ý đến mắng chửi Phật, Phật lặng thinh không đáp, chờ người kia mắng chửi xong, Phật hỏi: “Ông đem lễ vật đến tặng cho người khác, người đó không nhận, lễ vật ấy có về lại ông không?” Người Bà la môn đáp: “về lại tôi” Phật bảo: “Nay ông mắng chửi ta, ta không nhận, ông tự đem hoạ về thân ông như vang theo tiếng, bóng theo hình, không thể tránh được. Hãy cẩn thận, chớ làm điều ác.” [3]
Ta nghe những lời mắng nhiếc, chửi bới, trù ẻo…của người khác mà ta “không nhận” thì những người đó phải tự mang về lại.
Ba là thấu rõ âm thanh vốn không thật có. Bản thân của những âm thanh phát ra từ miệng người khác mang nội dung chửi mắng, thô ác, trù ẻo…vốn không có tự tính, vốn không có thật, vốn không có chỗ tồn tại và can hệ đến ta. Sở dĩ ta đau khổ vì ta si mê, chấp những lời mắng chửi thô ác… là thật có, rồi đem những lời đó vào tâm mình, tự mình nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho nó sống và phát triển trong tâm mình.
Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật dùng âm thanh của tiếng chuông mà khai ngộ tánh nghe cho toàn thể các vị đệ tử của ngài, mà đại diện là A Nan: “Khi đó Phật liền bảo La Hầu La đánh một tiếng chuông, rồi hỏi ông A Nan rằng : ‘Ông có nghe không ?’ A Nan thưa : ‘Nghe’. Đến lúc chuông hết ngân, Phật lại hỏi : ‘Ông có nghe không ?’ A Nan thưa : ‘Không nghe’. Phật lại bảo La Hầu La đánh lại một tiếng chuông nữa và hỏi : ‘Ông có nghe không ?’ A Nan đáp : ‘Nghe’. Phật hỏi : ‘Thế nào là nghe và thế nào là không nghe?’ A Nan thưa : ‘Vì đánh chuông có tiếng ngân nên con nghe, đến khi tiếng chuông hết ngân thì con không nghe’. Phật dạy : ‘A Nan ! khi tiếng chuông hết ngân ông nói rằng không nghe ; nếu ông thật không có cái nghe thì ông đồng như cây đá, tại sao đánh tiếng chuông thứ hai ông lại nghe? Vậy cho biết cái tiếng (cảnh) khi có khi không, chứ cái nghe (tâm) của ông thì lúc nào cũng có. Nếu cái nghe của ông thật không, thì cái gì biết được không nghe đó. Thế nên biết cái tiếng nó tự sinh và diệt, chứ cái nghe (tâm) của ông không phải vì tiếng sinh mà nó có, tiếng diệt thì nó không. Tại ông điên đảo, hôn mê nhận cái thường (tính nghe) làm đoạn diệt (tiếng), chứ không phải rời sáu trần cảnh : sắc, thanh, hương, v.v.. mà các giác quan thấy nghe hay biết của ông không có” [4] Khi ta thật sự chiêm nghiệm và thấu rõ thật tướng của âm thanh thì ta dứt được cái nhân đau khổ, sân hận phát sinh từ cái nghe.
“Nghe” mà chấp trước chính là một trong những cửa ngỏ quan trọng dẫn chúng ta đến nơi đau khổ. Người viết thành tâm mong rằng những cách nghe được chia sẻ trên đây theo quan điểm nhà Phật có những nhân tố thích hợp có thể vận dụng vào trong cuộc sống hằng ngày, góp phần vào việc hoá giải những nóng nảy, khúc mắc, thù hằn, khổ đau trong lòng mỗi chúng ta và mang lại niềm vui an lạc dù rằng vô cùng nhỏ bé trong cuộc sống hiện đại.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TAM THANH.MHDT.4/6/2012.

No comments:

Post a Comment