Sunday 3 June 2012

Phát tâm

 Một trong những danh từ giới chùa chiền ưa sử dụng là “phát tâm” hay “phát bồ đề tâm”, có nghĩa tương tự danh từ “tình nguyện” hay “tự nguyện”.
Một việc làm tự nguyện có những đặc tính sau. Thứ nhất, nó phát xuất từ tâm ta muốn làm, không do áp lực của người hay hoàn cảnh thúc đẩy (vì nợ nần, tình duyên trắc trở mà đi tu chẳng hạn, thì không gọi là “phát tâm” xuất gia được). Thứ hai khi công việc đã tiến hành, ta không bị chi phối vì khen chê, không vì khó khăn, mà lui bước. Thứ ba ta sẵn sàng đón nhận những hậu quả dù hay hay dở, vinh hay nhục dưới mắt thiên hạ. Cuối cùng như một mũi tên bắn ra, thế nào cũng trúng một chỗ, cái tâm tha thiết nguyện làm việc cũng vậy, khi đã phát ra thì việc ấy sớm muộn sẽ hoàn tất, không ở đời này thì đời sau, không đời sau thì a tăng kỳ kiếp.
Danh từ phát tâm hiểu như vậy có nghĩa là “phát bồ đề tâm” rút gọn. Bồ đề tâm là tâm cầu trí giác vô thượng của Phật, đầy đủ ba đức là trí đức, đoạn đức và ân đức. Trí đức thì không còn mê lầm. Đoạn đức thì hết sạch phiền não. Ân đức thì làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh.
Muốn tâm bồ đề ấy được phát sinh, phát triển phải làm như lời Phật dạy trong kinh Kim Cang: “Dĩ vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả, tu nhất thiết thiện pháp” (dùng cái tâm không bốn tướng mà làm các việc lành). Trở lại những đặc tính nói trên để thấy: khi làm một việc mà không bị khen chê chi phối, là không có tướng ngã (nếu có ngã, tự ái nổi lên thì bị chê liền phẫn nộ, được khen liền tự kiêu). Đã không mừng vì tiếng khen, không giận vì lời chê thì cũng không quan tâm phân biệt người khen với kẻ chê, đó là không tướng nhân. Trước những bình phẩm đủ loại của tất cả mọi người, tâm vẫn bất động là không tướng chúng sinh (khen chê không phải một người, mà nhiều người, nhiều loại khen chê). Không kể thời gian lâu xa bao nhiêu, vẫn im lặng tiến bước trên đường đã chọn, là không tướng thọ giả.
Nói vắn tắt là “vô trú”, như kinh dạy “ưng vô sở trú nhi sinh kỳ tâm” (hãy không trú, không vướng, mà phát bồ đề tâm), một câu mà Ngài Huệ Năng vừa nghe qua đã đốn ngộ. Có ba chỗ vướng mắc: ngã (từ đấy sinh ra ba tướng: nhân, chúng sinh, thọ giả), pháp (chấp cảnh hay sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, ý tưởng), và phi pháp (không). Bất cứ chấp trước hay vướng mắc chỗ nào trong ba chỗ đều rơi vào bốn “tướng” nói trên. Ngã là cái tôi, pháp bao gồm tất cả mọi sự, vật chất tinh thần. Phi pháp là cái không, cái đối lại với pháp. Nếu “pháp” được hiểu là cái có, thì “phi pháp” là cái không. Nếu pháp là “chánh pháp” thì phi pháp là chuyện thế gian tà đạo. Nếu pháp là thiện thì phi pháp là bất thiện. Nếu pháp là Niết bàn thì phi pháp là sinh tử. Đến đây có thể hiểu lời Phật dạy “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (pháp còn nên bỏ huống chi phi pháp) trong kinh Kim Cang như sau: Niết bàn còn nên bỏ huống chi sinh tử. Vì vậy mà Phật không trụ (ở) sinh tử cũng không trú Niết bàn: trú sinh tử thì có khác gì phàm phu, mà trú Niết bàn làm sao độ chúng sinh được. Sở dĩ Ngài được tôn xưng là đấng “Lưỡng túc tôn” chính vì Ngài đứng hai chân[1], một chân trong sinh tử, một chân trong niết bàn. Là đấng giác ngộ (đại trí) dĩ nhiên Ngài luôn luôn an lạc, luôn luôn niết bàn, nhưng tại sao Phật không trú Niết bàn? Ấy chính là vì thương xót chúng ta, Ngài không nỡ trú hẳn Niết bàn mà phải ấn một gót chân xuống cõi sinh tử đau buồn này: đó là từ bi của Phật. Ở trong sinh tử Ngài không khổ như chúng ta vì Ngài có đại trí, do đó cũng không thể gọi Ngài là trú sinh tử.
Phát tâm, hay phát Bồ đề tâm, như vậy nghĩa là lập tâm nguyện rộng lớn thành tựu đại trí như Phật (thượng cầu Phật đạo) và đại bi như Phật (hạ hóa chúng sinh). Tâm nguyện rộng lớn ấy được thực hiện bằng cách theo lời Phật dạy “độ vô lượng chúng sinh mà thật không có chúng sinh được độ”, quan trọng ở nơi chữ thật: có thấy vô lượng chúng sinh kia đều là huyễn hóa, mới có thể độ bao nhiêu, bao lâu cũng không ngán. Vừa khởi tâm thấy thật có ta độ và chúng sinh được độ, thì chỉ “độ” vài ba đứa là đã thấm mệt, làm sao tiếp tục nổi? Vừa thấy có mình độ (ngã tướng) thì liền thấy có chúng sinh được độ (nhân tướng, chúng sinh tướng), có thời gian ta phải lận đận trong cõi sinh tử để độ chúng sinh (thọ giả tướng) . Quả vậy, thời gian có là vì ngã chấp, nếu không có cái nêu mốc là ngã, thì cũng không có quá khứ, hiện tại, vị lai, lâu hay chóng.
Một niệm khởi là một chúng sinh. Mỗi ngày, giờ, phút, ta móng lên không biết bao nhiêu vọng niệm: đó, chúng sinh vô biên. Một ý nghĩ do si mê là loài noãn sinh (ở trong vỏ cứng của vô minh), do tham dục là thai sinh, do tà kiến ác độc là thấp sinh (vì khiến đọa vào cõi thấp), do vọng tưởng tiếp nối không ngừng là hóa sinh (như loài biến hóa, tâm cũng biến ra nhiều chuyện thác loạn) v.v.. Tất cả những “chúng sinh” này của tâm thức là nguồn gốc của vô tận phiền não nếu không được diệt độ chận đứng kịp thời. Tâm đầy chật cả phiền não thì không thể học một pháp môn nào của Phật để thành Phật được. Bởi thế chỉ cần độ “vô biên chúng sinh” này, thì vô tận phiền não sẽ không có, tâm rỗng rang vắng lặng sẽ dễ dàng thâm nhập vô lượng pháp môn để tựu thành Phật đạo vô thượng.
Nhưng muốn độ vô biên chúng sinh điều quan yếu là thấy được như thật rằng chúng sinh ấy không thật, chỉ do giả huyễn sinh ra. Cũng như vọng tưởng, phiền não khi phát sinh thì tựa hồ như có, khi qua rồi thì hoàn toàn không dấu vết. Như vậy thì đâu thật có “chúng sinh được diệt độ”.
Phát tâm bồ đề tóm lại, là tự nguyện làm mọi việc lành mà không chấp trước (vô trú), không chấp không (nên mới làm việc) cũng không chấp có (nên không sợ khen chê vinh nhục) không chán ghét sinh tử (vì có trí tuệ thấy được sinh tử như huyễn) không tham luyến Niết bàn (vì lòng đại bi cứu độ chúng sinh).HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TAM THANH.( MHDT ).4/6/2012.

No comments:

Post a Comment