Sunday 17 June 2012

Giọt nước không thấm đại địa

Ngày xưa mỗi khi thức dậy lúc bình minh, đức Phật thường nhập Từ bi quán, rải tâm Từ nhuần thấm đại địa, vậy nên trong Kinh nói trên thế giới này, trên từng mảnh đất này khi cắm cây kim vào bất kỳ nơi đâu cũng là da thịt của Ta. Kinh còn dạy thêm, chúng ta khi quy y là quy y với Chánh Pháp, với Chân Lý, chư Như Lai thập phương thế giới và Thánh Hiền Tăng trong vô lượng cõi nước cũng chưa tự đứng ra để nhận vị thiện nam tín nữ nào quy y với riêng mình, chư vị chỉ đại diện cho Giáo Pháp, cho ánh sáng, cho sự giác ngộ viên mãn tròn đầy, cho tự tánh Phật tiềm tàng trong mỗi chúng sanh nên chúng ta quy y có sự chứng minh của chư vị là điềm lành thù thắng, đó là yếu tố thứ nhất.
Khi đức Như Lai đi kinh hành giáo hóa từng hạng chúng sanh, Ngài cũng chẳng xưng mình là bậc đi đến đâu cũng nên quỳ lạy, Ngài chỉ nói như Chánh Pháp, dạy như Chánh Pháp và hành như Chánh Pháp, Ngài là hiện thân của Chánh Pháp, của thể tánh giác ngộ, tỉnh thức và chúng ta cũng thể nhập được tánh đó nếu chúng ta y theo chánh pháp mà Tu, y theo lý sự mà Tu, những hiệu quả của việc thể nhập Lý Tánh là không thể nghĩ bàn, đứng đầu là Từ Bi tâm, chúng ta trui rèn tâm Từ Bi không khó như trui rèn sắt, chúng ta trui rèn Phật Tánh cũng không khó như trui rèn kim cương, nhưng chúng ta trui rèn cái Tâm vọng động, tập khí nhiễm ô mới khó, khi chánh định không có, chánh tín cũng không, bào mòn năng lực Tu hành, làm ô uế chốn Thiền môn, Phật Tử thâm tín Chánh Pháp xem ta không xứng đáng để mặc y mang bát Như Lai thì chúng ta trước có lỗi với Tam Bảo, sau có lỗi với thập phương thí chủ vì đã nhận dược thực, vật thực cúng dàng, nhưng chúng ta chưa hề nhìn lại xem “mình có xứng đáng được nhận chưa”?
Quý vị giảng về Địa Ngục rất giỏi, rất làu thông cảnh giới khổ đau này, rất rõ từng nhân và từng quả thọ báo nhưng khi hành thì chúng ta rất vụng về, rất bất cập nói chung là rất thế tục, điều đó gây ảnh hưởng lớn trước nhất là với kinh nghiệm Tâm Linh của ta và sau là với Nghiệp Lực của ta. Chúng ta cũng từng nghe trong Kinh Đức Phật có giảng, chúng ta có thể tự thân rời xa vị Tu sĩ nếu vị đó không tu phạm hạnh, không giữ giới luật và nói đúng ra là đi hoàn toàn sai đường với giáo Pháp.
Tôi nhớ không lầm khi tôi quy y Tam Bảo, quý Thầy thường nhắc một câu rất thấm thía : “con đã quy y Phật rồi, không quy y Thiên, Thần, Quỷ Vật”
Vậy Phật là một Người mà câu này muốn nhắc? Một cái Ngã mà câu này muốn nhắc? Thưa không phải vậy, chúng ta quy y Phật ở đây là với trạng thái vô sinh bất diệt, trạng thái Niết Bàn có mặt trong tự thân và Phật Tánh của chúng ta, là con đường dẫn ta đến tỉnh giác, chứ danh xưng Phật không biểu trưng cho một cái Ngã nào cả, chúng ta phải hiểu và nắm được yếu tố này, tuy nhiên nhân gian đa đoan, đức Phật Thích Ca đã thị hiện tại địa cầu, chứng nghiệm quả An Lạc, Niết Bàn tại dương gian để minh chứng cho chúng sanh biết rằng thể tánh giác ngộ có mặt trong tự thân, và chúng ta quay lại tự thân, y theo pháp hành và pháp học chính xác để huân tập thì chúng ta sẽ như Ngài, chúng ta khi quy y, khi quỳ là chúng ta nguyện quay về với tự thân tu tập với Phật Tánh của chúng ta, chúng ta không hề quỳ trước một cá nhân nào, một Thiên, Thần, Quỷ, Vật nào cả, vì những chúng sanh đó còn trong Dục Giới, còn trong sanh tử luân hồi, còn trong đau khổ và nhất là vẫn chưa Giác Ngộ. Điều sai lầm nhất của một con Người khi quy y xong là chưa hiểu Tam Quy Ngũ Giới là gì và điều sai lầm nhất của Người TU là dù hiểu Tam Quy Ngũ Giới là gì những vẫn hành sai.
Đức Phật Ngài không ban phước, không giáng họa, không bằng hình thức địa ngục để răn đe ai đó không theo giáo pháp của Ngài, vì Ngài có nói dù Như Lai có ra đời hay không thì Chân Lý vẫn có, giáo pháp vẫn có, và Tứ Đế, Bát Thánh Đạo vẫn có, nhưng vì giai đoạn suy vong, chánh pháp tiềm ẩn nên không ai khơi dậy và khổ đau dâng tràn, việc thờ cúng lễ bái thánh thần tràn lan, rồi từ đó đức Bồ Tát thị hiện đản sanh.
Trong kinh có nói, nghiệp ai người đó lãnh thọ, nhân quả trùng trùng, dù cha mẹ anh em ruột cũng không ai chịu giùm cho ai, một vị bà la môn đến thỉnh Phật xem có cách nào giúp để cho người thân của người ấy hóa sanh về cõi trời, đức phật đã dạy: “Người Bà La Môn đến hỏi Phật:
–Thưa tôn giả Gotama, khi một người mệnh chung, các tu sĩ Bà La Môn lập đàn tế lễ để cầu nguyện cho người chếtđược sinh về cõi trời. Việc này đúng chăng?
Đức Phật bảo:
–Này Bà La Môn, ví như một hòn đá to quăng xuống hồ nước và các tu sĩ Bà La Môn đi quanh bờ hồ đọc kinh cầu nguyện cho hòn đá nổi lên. Nhưng hòn đá cũng không thế nào nổi lên được.
Cũng vậy, khi một người với ác nghiệp cực trọng mạng chung, dù cho các thầy cúng có tụ hội đọc nhiều kinh cầu nguyện thì người này vẫn rơi vào đọa xứ.
Lại, ví như có chiếc ghe chở đầy dầu bị vỡ, dầu nổi lênh láng trên mặt nước và các thầy cúng đi quanh nguyền rủa cho nó chìm xuống. Nhưng dầu kia không thể nào chìm xuống được.
Cũng vậy, khi một người với thiện nghiệp thuần thục mạng chung, dù cho các phù thủy đọc lời nguyền rủa thì người này vẫn sinh về thiên giới. Sau những lời này người Bà La Môn tán thán và xin quy y Đức Phật.” (Kinh Na Tiên Tỳ Kheo)
Từ đoạn đối thoại trên cho ta thấy một điều rất rõ ràng rằng, con đường tiến vào dòng Thánh là con đường Tu Tập Thiện Nghiệp, đi bằng lòng Từ, mọi Tác Ý đều phải lành thiện vậy mới thọ báo Thiện, Từ Bi tâm là việc lành thiện dễ làm nhất mà phước báu cũng nhiều nhất, trong Tiểu Bộ kinh phẩm Hai Pháp, Đức Phật nhấn mạnh rằng Từ Bi Tâm là động lực dẫn đến Tâm Giải Thoát, đó là tiêu chí của những người bước vào giòng Thánh.
Vậy nên chúng ta đã quy y Phật rồi, đã tin rõ nghiệp báo, nhân quả do chính tác ý của chúng ta khởi dậy là chính rồi, chúng ta phải làm sao để cho nẩy sinh mầm mống của thiện tác ý, của tất cả thiện căn có mặt tiềm tang trong ta hay nói cách khác là Bồ Đề Tâm, để từ đó Trí Tuệ của chánh trí mới hiển lộ, mới tỏ bày, mới khiến cho thân giả tạm này làm việc và phụng sự đúng Đạo, đúng Pháp, là một người xứng đáng với danh xưng Trượng Phu mà Như Lai ba đời tán thán, chúng ta dù có thọ hạ ở nhân gian nhưng vẫn có tính rực rỡ của hào quang Tam Thân như chư Phật vì chúng ta có tiềm năng Phật Tánh trong người, tại sao chúng ta không biết trao dồi điều đó, đi ngược giáo lý, làm mất hình ảnh cao khiết của vị Tăng Lữ, làm cho hình ảnh người Tu và hình ảnh quốc gia bị phê phán khi thế giới nhìn vào, điều này vô tình khiến cho những hàng cư sĩ tại gia nói chung và ngoại đạo nói riêng không thán phục mà còn có điều kiện chống bang hơn, chúng ta phải nhớ thế này, mình là ai? Vị trí của mình thế nào? Và vai trò của mình làm sao? Phải hướng về Như Lai và Tổ Sư để y đó phụng hành, chư vị sẽ không bao giờ để chúng ta rơi vào nghịch cảnh hoặc chướng duyên nếu Tâm ta tha thiết phụng sự và thân ta tinh tấn trao dồi phạm hạnh. Mặc cho thể chế nào mặc cho chướng duyên nào, giữa biển lửa vẫn sừng sững, giữa đao gươm vẫn bi hùng, như chúng ta tụng kinh Phổ Môn rồi, đao gươm, giáo mác v.v… đều có Ngài thị hiện cứu độ vậy chúng ta thường ngày tinh tấn tu tập thì khi gặp chướng duyên há gì phải e ngại trước mọi thế lực, cục diện của Tôn Giáo chưa hề phụ thuộc vào chính trị hoặc thể chế, nhưng cục diện của Tôn Giáo phụ thuộc vào chính người hành đạo, phải hành đạo thủ chân thì mới đưa chính pháp đến từng chúng sanh, đến từng cây hoa ngọn cỏ.
Người xưa có nói rằng thà bỏ thân mạng vẫn phụng sự và giữ gìn đạo Pháp, vậy chúng ta là người Tu cần nắm chắc, nắm vững nắm kỹ yếu tố đó mà sống tốt đạo, đẹp đời, tất cả đều Vô thường, đều đến đi nhanh chóng, chúng ta sống không biết khi nào sẽ ra đi, nên khi sống, ở ngay vị trí này, ở ngay giai đoạn này, làm sao cho hoa trái Giác Ngộ ít nhất cũng trỗi dậy tưới tẩm thân tâm ta để khi mạng chúng cũng thác sinh vào cõi tốt lành hơn, không nên có ý nghĩ lệch lạc để không chỉ riêng chúng ta mà cả một khối người quay lưng lại với đạo Pháp, đó là điều đau buồn hay nói cách khác đó là một hình thức của Pháp Nạn.
Chúng ta đừng nghĩ rằng từ Pháp Nạn chỉ giành riêng cho những trường hợp Phật Giáo suy vong về chùa chiền tự viện không đâu? Đó vẫn chưa là gì vì nếu chùa chiền, tự viện không có, người Tu chân chánh vẫn tỏa hương Tuệ Giác đến gần xa thôn xóm, còn khi bị tha hóa thân tâm, biến dị giáo pháp, chánh không ra chánh, tà chẳng ra tà, nói y chánh pháp mà tâm địa ma vương thì Pháp Nạn này còn nguy hiểm hơn bội phần, phải thấu cái Lý đó để đi đúng con đường, đừng để nhân tố nào ảnh hưởng đến tâm Tu của ta, đừng để một thể chế nào tác động đến bàn tay và Trí Tuệ của ta, không phải vì Ta không mà còn vì quần sanh trong nhân gian, hãy lấy Lòng Từ của mình mà làm đúng chánh pháp, đúng Giới Luật, nếu chúng ta đi sai một bước, làm một hình ảnh tuy nhỏ nhưng tính chất lớn lao thì ảnh hưởng rất mạnh, lúc đó không có thiện hữu tri thức sửa đổi giúp ta, khuyên ta thì dù chúng ta có phát Từ Bi Tâm thì giọt nước Từ Bi của chúng ta vẫn chưa bao giờ nhuần thấm đại địa.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TAM THANH.MHDT.18/6/2012.

No comments:

Post a Comment