Sunday 3 June 2012


VAI TRÒ NGƯỜI XUẤT GIA

Phần lớn những người xuất gia chân chánh đều không tham gia lao động sản xuất và làm kinh tế, nhưng họ luôn có đủ cơm ăn và áo mặc, hơn thế nữa, họ có cả chùa to, Phật lớn. Ai cũng biết rằng những gì người xuất gia đang có hoàn toàn không phải bằng sức lao động của chính bản thân họ làm ra. Như vậy, mọi nguồn thu nhập của người xuất gia có phải là bất hợp pháp? Đây là vấn đề được nhiều tầng lớp trong xã hội đặt câu hỏi.

Thật vậy, vào thời đức Phật còn tại thế, đã có lần vua Ajātaśatru (A-xà-thế) hỏi đức Thế tôn: “Mọi người trong xã hội đều có công việc và chức vụ của mình để sinh sống, giúp mình, giúp gia đình, vợ con, bè bạn, xã hội sống an lạc hạnh phúc. Vậy, những người xuất gia làm gì? Kết quả thiết thực hiện tại của Sa-môn là gì?” (Kinh Sa môn quả).

Và một lần khác, điền chủ Bharadvaja đã chận đường đức Thế tôn và đặt câu hỏi: “Chúng tôi là nông dân, chúng tôi phải cày sâu cuốc bẩm, gieo trồng, bỏ phân, chăm bón và gặt hái mới có được gạo ăn. Còn các vị không làm gì cả, không sản xuất gì hết mà các vị cũng ăn. Các vị không có lợi ích gì cho cuộc đời cả. Các vị không cày, không cuốc, không gieo trồng, không bỏ phân, không chăm bón, không gặt hái, vậy mà các vị cũng ăn” (Kinh Kàsibharadvaja).

Quả thật, đúng như vua Ajàtassattu và điền chủ Bharadvaja đã nói, mỗi người trong xã hội đều có vai trò và trách nhiệm riêng của mình để lao động sản xuất, hoặc bằng chân tay, hoặc bằng trí óc, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp để nuôi sống bản thân và giúp ích cho gia đình, xã hội. Còn người xuất gia? Vai trò và trách nhiệm của họ là gì?

Câu hỏi ấy được đặt ra, không phải chỉ có vào thời Đức Phật còn tại thế, mà vào mọi thời đại, nhất là vào thời kỳ xã hội phân công lao động, câu hỏi ấy được đặt ra cụ thể nhất. Một phần xã hội đã kết luận: Những người xuất gia chỉ là thành phần ăn bám xã hội, là gánh nặng của xã hội. Phải chăng?

1. Vị thế xã hội của người xuất gia:

Người xuất gia, theo Phật giáo, là những người tình nguyện từ bỏ mọi thứ cặn bả vinh hoa, danh vọng, quyền lợi, sắc dục, tiền tài… nói chung là tất cả mọi thứ vật chất, danh lợi ở cuộc đời, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không có vật sở hữu, nuôi thân bằng sự khất thực. Tổ Quy Sơn nói: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục”, nghĩa rằng: Xuất gia là cất bước lên đường hướng đến phương trời cao rộng, hình thức bên ngoài và nội tâm bên trong đều khác hẳn người đời. Khác hẳn người đời cho nên người xuất gia không đứng vào chỗ, không ở vào vị trí nào trong những nấc thang, giai tầng, vị thế xã hội quy định, mà họ đứng ra ngoài, hay đúng hơn là vượt ra khỏi, vượt lên trên, tất cả những thế đứng, chỗ ngồi, quyền hạn, lợi dưỡng, sắc dục, danh vị, phẩm trật, chức tước, cấp bằng... nói chung là tất cả những gì mà người thế tục bình phàm cho là quí giá và lăng xăng chạy đuổi theo suốt cuộc đời.

2.Vai trò của người xuất gia:

Từ vị thế đó, người xuất gia nỗ lực “nội cần khắc niệm chi công, ngoại hành bất tranh chi đức”, tức bên trong thì tu tập chánh niệm, bên ngoài thì thể hiện đức tính không tranh đua hơn thua với đời, để hoàn thành xứ mạng cao cả hay trách nhiệm duy nhất của họ là tự giác ngộ lấy mình để có thể đem lại trí tuệ giác ngộ cho người khác, tự giải thoát lấy mình để có thể cứu vớt người khác. Họ sống chế ngự bản thân, chế ngự lời nói, ý nghĩ và hành động, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu (tri túc) về sự ăn uống, y áo, hoan hỷ sống trong tịnh lạc, chánh niệm và tỉnh giác. Với đời sống phạm hạnh như vậy, người xuất gia không gây khổ đau cho mình và cho tha nhân, cho mọi loài, ngược lại họ còn đem đến sự bình an, không sợ hãi, hạnh phúc cho tất cả. Đó là vai trò và trách nhiệm của người tu sĩ. Vai trò và trách nhiệm ấy tính ra rất thiêng liêng và giá trị hơn cả những mặt hàng kinh tế hiện đại khác. Bởi vì, dù bất kỳ công việc gì, người ta chỉ có thể sản xuất ra sản phẩm để đổi lấy tiền mà không thể sản xuất ra tình thương và hạnh phúc.
Trong kinh Sa-môn quả đức Phật dạy rõ:

“Với đời sống phạm hạnh, nghiêm trì giới luật, vị Tỳ-kheo không gây khổ đau cho mình, cho tha nhân, cho mọi loài, ngược lại, còn đem đến sự bình an, không sợ hãi, hạnh phúc cho tất cả. Người sống như vậy có đáng được cung kính và cúng dường hay không? Đó là kết quả thiết thực hiện tại của người xuất gia.
“Vị tu sĩ từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, từ bỏ sân hận, lòng từ bi mẫn thương xót tất cả các loài hữu tình… Đó là kết quả thiết thực hiện tại của vị Sa-môn”.

Thật vậy, trong một xã hội, như xã hội chúng ta, những khủng hoảng, những khổ đau, đói nghèo, bất công và bạo động luôn luôn hiện hữu, mà nguyên nhân dẫn đến những hiện trạng đó chính là lòng dục vọng, tham muốn của con người, thì sự hiện hữu của những người xuất gia, với đời sống thanh tịnh, không tham lam ích kỷ, không sân hận, si mê quả là hiện thân của hoà bình, tình thương và hạnh phúc.
Trong cuộc sống, nhất là cuộc sống hiện tại, với nền kinh tế thị trường, con người chạy theo những tiện nghi và đua đòi, sống nặng về vật chất, tình cảm con người ngày một phai nhạt dần, quan hệ giữa người và người ngày càng có khoảng cách, và như thế, cơ hội để hiểu và thương rất ít, thì đời sống của người xuất gia, với tiếng nói từ bi, gây dựng niềm tin, hiểu biết và lòng thương yêu, quả là tiếng nói nhân bản. Bởi vì, nếu không có niềm tin, sự hiểu biết và lòng thương yêu thì cuộc đời này sẽ khô cằn, thiếu sức sống và khổ đau lắm.

Chính vì vậy mà trong kinh Kàsibharadvaja, Đức Phật khẳng định, người xuất gia cũng có “cày, cuốc, gieo hạt, bón phân, chăm sóc và gặt hái” như người nông dân, nhưng “hạt giống của người xuất gia là niềm tin, đất là chân tâm, cày là chánh niệm, bò là sự tinh tấn, mùa màng là sự hiểu biết và thương yêu”. Sau khi phân tích và giảng giải phương pháp cày bừa như vậy, điền chủ Bharadvaja vô cùng hoan hỷ. Ông liền lấy một chiếc bát bằng đồng lớn đựng đầy cơm thơm được nấu với sữa dâng lên cúng dường Đức Phật, nhưng Đức Phật từ chối không thọ dụng, bởi Ngài thuyết giảng cho điền chủ không phải vì miếng ăn:

“Ta không hưởng vật dụng
Do tụng kệ đem lại
Đây không phải là pháp
Của bậc có chánh kiến.”


Đức Phật đến khất thực để hoá độ cho điền chủ Bharadvaja, chứ không phải đến để thuyết pháp nhằm đổi lấy một bữa cơm với sữa. Thuyết pháp vì miếng ăn, vì danh lợi là phi pháp. Chúng ta thấy đâu đó nêu cao hạnh nguyện của người xuất gia là “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”, nghĩa là “công việc hoằng pháp, đem chánh pháp đến cho mọi người, bằng mọi phương tiện đem đến hạnh phúc, lợi ích cho chúng sanh là nhiệm vụ, và là hoài bảo của người xuất gia”, chứ không phải vì miếng ăn hay vì mục đích gì khác.

Tóm lại, vai trò của người xuất gia là tu tập để thành tựu pháp, đạt được tuệ giác giải thoát nhằm đem đến tình thương và sự hiểu biết cho cuộc đời. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ). TAM THANH.MHDT.4/6/2012.

No comments:

Post a Comment