Friday 15 June 2012

KINH VIÊN GIÁC.

KINH VIÊN GIÁC
KINH VIÊN GIÁC
Kinh Viên Giác

A. Phần tự:

Chính tôi được nghe như vầy: Một hôm, Phật nhập Chánh Định là nơi an-trụ của chư Phật, cũng là chỗ Thanh Tịnh Sáng Suốt của chúng sanh. Phật tùy thuận cảnh giới Bất Nhị (không hai) là chỗ Thể Tánh Bình Đẳng của chúng sanh và chư Phật. Thể tánh này thanh tịnh viên mãn khắp giáp cả mười phương, tâm và cảnh đều vắng lặng. Từ cảnh giới bất nhị này hiện ra có các cõi Tịnh Độ và mười vạn vị đại Bồ Tát như ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, ngài Phổ Hiền Bồ Tát, ngài Phổ Nhãn Bồ Tát, ngài Kim Cang Tạng Bồ Tát, ngài Di Lặc Bồ Tát, ngài Thanh Tịnh Huệ Bồ Tát, ngài Oai Đức Tự Tại Bồ Tát, ngài Diệu Âm Bồ Tát, ngài Tịnh Chư Nghiệp Chướng Bồ Tát, ngài Phổ Giác Bồ Tát, ngài Viên Giác Bồ Tát, ngài Hiền Thiện Thủ Bồ Tát, v.v... Những vị Bồ Tát này đều là bậc thượng thủ trong chúng hội. Các ngài cùng với quyến thuộc trong hội nhập chánh định, đồng ở trong pháp hội Thanh Tịnh Bình Đẳng của Như Lai.
1

~~oOo~~

B. Phần chánh tông:

1. Chương Văn Thù:

Khi ấy ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ở trong đại chúng đứng dậy đi vòng quanh bên hữu của Phật ba vòng, rồi chấp tay đảnh lễ và quỳ thẳng bạch rằng:
Bạch Đức Đại Bi Thế Tôn, xin ngài vì thính chúng trong pháp hội hiện tại này và các chúng sanh cầu Đại Thừa đời sau, từ bi chỉ dạy: Nói lại nhơn địa tu hành thanh tịnh của Như Lai. Các vị Bồ Tát đối với Đại Thừa, đã phát tâm thanh tịnh rồi, làm sao xa lìa được các vọng tưởng, khiến cho các chúng sanh khỏi đọa vào đường tà.
Ngài Đại Trí Văn Thù Bồ Tát thưa thỉnh như vậy ba lần, kính lạy rồi trở lui, cùng với chúng hội ngồi yên lặng đặng chờ nghe lời Phật chỉ giáo.

Khi ấy Đức Thế Tôn kêu ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát mà dạy rằng:
Nầy thiện nam, quý lắm! Ông vì các vị Bồ Tát hiện tại và tất cả chúng sanh đời sau cầu pháp đại thừa mà thưa hỏi về nhơn địa tu hành của Như Lai; Khi đã phát tâm thanh tịnh rồi, làm sao xa lìa các bịnh vọng tưởng, để khỏi đọa vào tà kiến. Vậy ông hãy chăm chú nghe, tôi sẽ vì các ông chỉ giáo.
Khi đó, ngài Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và các đại chúng đều hoan hỷ, vừa kính cẩn vừa chăm chú chờ nghe lời Phật dạy bảo.

Nầy thiện nam, Như Lai có pháp Đại Đà La Ni tên là Viên-Giác. Từ tánh Viên Giác nầy mà sanh ra tất cả các pháp thanh tịnh: Chơn Như, Bồ Đề, Niết Bàn, và Ba La Mật. Nay ta sẽ trao dạy các ông.
Nầy Văn Thù, nhơn địa tu hành của các Đức Phật đều y “Viên Giác“ này mà vĩnh viễn đoạn trừ vô minh, được sáng suốt thanh tịnh viên mãn, nên mới được thành Phật.
Vậy vô minh là gì?
Nầy thiện nam, tất cả các chúng sanh từ hồi nào đến giờ, bị nhiều món điên đảo làm mờ tánh Viên Giác, như người lạc đường lầm lộn bốn phương, điên đảo vọng hiện ra thân và tâm, rồi lầm nhận thân tứ đại giả hợp này làm thân mình, chấp cái vọng niệm sanh diệt duyên theo bóng dáng của sáu trần cho là thật tâm mình, như người nhặm con mắt thấy trong hư không có các hoa đốm hoặc mặt trăng thứ hai. Thật ra, trong hư không chẳng có hoa đốm hay mặt trăng thứ hai, nhưng đó là do người nhặm con mắt vọng chấp. Bởi vọng chấp, nên chẵng những không biết được hư không mà lại thêm mê lầm: chấp thật là có hoa đốm sanh. Vì mê lầm mà có sanh tử luân hồi, nên gọi là vô minh.
Nầy thiện nam, cái vô minh không có thật thể. Như người ngủ chiêm bao thấy các cảnh vật, đến khi thức dậy thì các cảnh vật không còn; Và như người hết nhặm thì các hoa đốm trong hư không tự tiêu diệt. Lúc bấy giờ không thể nói thật có chỗ hoa diệt vì thật không có chỗ hoa sanh vậy.
Tất cả chúng sanh ở trong cái “ không sanh diệt “ mà vọng thấy “có sanh diệt“ cho nên mới bị trầm luân trong biển sanh tử luân hồi.
Nầy thiện nam, nhơn địa tu hành của Như Lai là tu theo “Viên Giác“. Nghĩa là biết “các pháp đều là hư huyễn“ như hoa đốm giữa hư không, thì không còn sanh tử luân hồi và cũng không có người chịu sanh tử luân hồi.
Không phải phá hoại làm cho các pháp mất đi mà kêu là không. Chính bản tính của các pháp nó tự không vậy.
Cái “biết các pháp không“ đó cũng như hư không. Cái “biết như hư không“ cũng không luôn. Nhưng không thể nói không có “cái biết“. Phải dứt trừ hết cả có và không, như thế mới gọi là tùy thuận tánh viên giác.
Tại sao thế? Vì trong Như Lai Tạng không có sanh diệt, không có thấy biết, như hư không thường còn chẳng lay động, như tánh của pháp giới viên mãn khắp giáp cả mười phương.
Đây gọi là chỗ nhơn địa tu hành của Như Lai, các vị Bồ Tát cũng nhơn nơi đây mà phát tâm thanh tịnh tu theo đại thừa. Chúng sanh đời sau cũng phải y theo đây mà tu hành, mới khỏi đọa vào tà kiến.

Khi đó Đức Thế Tôn, muốn tóm lại nghĩa trên, mà nói bài kệ rằng:
Văn Thù, ông nên biết
Chỗ nhơn địa tu hành
Của các Đức Như Lai
Là dùng trí Viên Giác
Phá trừ hết vô minh
Biết các pháp hư huyễn
Thì khỏi bị luân hồi
Cũng như người chiêm bao
Thức rồi cảnh mộng hết
Cái biết cũng không còn
Sáng suốt khắp mười phương
Bình đẳng không chuyển động
Tức thì thành Phật đạo
Các huyễn diệt hết rồi
Thành đạo cũng không thành
Xưa nay tánh viên mãn
Bồ Tát y nơi đây
Phát tâm đại Bồ Đề
Các chúng sanh đời sau
Tu đây mới khỏi đọa.
1
1

~~oOo~~


2. Chương Phổ Hiền:

Khi ấy ngài Phổ Hiền Bồ Tát, ở trong đại chúng đứng dậy đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, rồi chắp tay đảnh lễ và quỳ thẳng bạch rằng:
Bạch Đức Đại Bi Thế Tôn, xin ngài vì các vị Bồ Tát trong hội này và tất cả chúng sanh đời sau tu theo Đại Thừa, từ bi chỉ dạy phương pháp tu hành để vào cảnh giới Viên Giác Thanh Tịnh. Bạch Thế Tôn, nếu chúng sanh biết các pháp đều là hư huyễn, thân và tâm này cũng huyễn, thì cần gì phải tu? Tại sao còn dùng cái huyễn trở lại tu pháp huyễn làm gì?
Lại nữa nếu các pháp hư huyễn đều diệt hết, thì thân tâm này cũng diệt. Nếu như thân tâm này đều diệt thì lấy ai tu hành mà gọi là tu pháp hư huyễn?
Bạch Thế Tôn, nếu các chúng sanh không tu hành, vẫn ở mãi trong cảnh sanh tử huyễn hóa mà chẳng tự biết, thì làm sao diệt trừ các tâm vọng tưởng để giải thoát được sanh tử luân hồi.
Xin Phật vì chúng sanh đời sau, chỉ dạy phương tiện tu tập và thứ lớp tu hành như thế nào, để cho chúng sanh khi nghe đến cảnh giới Viên Giác Thanh Tịnh nầy, y theo đó tu hành, vĩnh viễn xa lìa được các vọng huyễn.
Ngài Phổ Hiền Bồ Tát thưa thỉnh như vậy ba lần, kính cẩn lạy Phật rồi trở lui.

Khi đó Đức Thế Tôn khen Ngài Phổ Hiền Bồ Tát và dạy rằng:
Nầy thiện nam, quý lắm. Ông vì các vị Bồ Tát hiện tại và chúng sanh đời sau, hỏi về phương tiện và thứ lớp tu tập pháp môn “ Như Huyễn Tam Muội “ của Bồ Tát khiến cho chúng sanh xa lìa các huyễn. Vậy các ông nên chăm chú nghe, ta sẽ vì các ông khai thị.
Khi đó, Ngài Phổ Hiền Bồ Tát và đại chúng đều hoan hỷ, kính cẩn và chăm chú nghe lời Phật chỉ giáo.

Nầy thiện nam ! Tất cả các cảnh vật huyễn hóa của chúng sanh đều sanh trong tâm Viên Giác mầu nhiệm của Như Lai. Các pháp hư huyễn có diệt mà tánh Viên Giác vẫn không diệt. Cũng như hoa đốm sanh trong hư không, các hoa đốm hư huyễn kia có hoại diệt, mà tánh hư không chẳng hề hoại diệt.
Khi các huyễn cảnh diệt rồi, thì cái huyễn tâm của hành giả cũng theo đó diệt luôn. Đến khi các huyễn đều diệt hết thì cái tâm Viên Giác không vọng động tự hiện.
Bởi đối với vọng huyễn mà nói Viên Giác, nên Viên Giác cũng trở thành vọng huyễn, vì còn ở trong vòng đối đãi vậy. Đến cảnh giới này, nếu còn nói có Viên Giác thì chưa rời vọng huyễn đã đành, mà nói là không Viên Giác, thì cũng chẳng rời được vọng huyễn.
Thế nên, các vọng huyễn đều phải bị diệt hết rồi mới gọi là Viên Giác.
Nầy thiện nam, tất cả các vị Bồ Tát và chúng sanh đời sau, cần phải xa lìa các việc như sau:

1. Xa lìa các cảnh giới huyễn hóa hư vọng, nhưng còn có cái tâm biết xa lìa.
2. Cái tâm biết xa lìa đó cũng là huyễn, nên cũng phải xa lìa luôn.
3. Cái xa lìa đó cũng là huyễn nên cũng phải xa lìa.
4. Cái lìa cái xa lìa cũng là huyễn, nên cũng phải xa lìa luôn.
5. Phải không còn gì để xa lìa nữa, như thế mới gọi là trừ được các huyễn.
Tỷ như người kéo lửa, dùng hai miếng củi tre cọ sát nhau, cọ cho đến khi lửa phát ra trở lại cháy củi. Cháy cho đến lúc củi hết, lửa tàn, tro bay, bấy giờ chỉ còn tro tàn đất trống.
Dùng cái huyễn tu hành các pháp huyễn cũng thế. Khi các huyễn diệt hết rồi, không phải là đoạn diệt, mà lúc bấy giờ tánh Viên Giác tự hiện bày.
Nầy thiện nam, khi biết được các pháp hư huyễn, tức là lìa được cái huyễn, chớ không cần phải có phương tiện gì khác. Lìa được các huyễn tức là giác, cũng không có lớp lang tuần tự gì.
Tất cả Bồ Tát và chúng sanh đời sau, y như thế mà tu hành, mới xa lìa được các huyễn.

Khi Đức Thế Tôn, muốn tóm lại nghĩa nầy, nên nói bài kệ rằng:
Phổ Hiền, ông nên biết
Các vô minh huyễn hóa
Của tất cả chúng sanh
Từ vô thỉ đến giờ
Đều sanh trong Viên Giác
Của các Đức Như Lai
Cũng như các hoa đốm
Sanh trong thái hư không
Hoa đốm diệt hết rồi
Hư không vẫn thanh tịnh
Các huyễn từ giác sanh
Huyễn diệt, giác viên mãn
Viên Giác không vọng động
Các Bồ Tát hiện tại
Và chúng sanh đời sau
Thường phải xa lìa huyễn
Xa lìa cho hết huyễn
Như lửa từ cây sanh
Trở lại cháy hết cây
Lửa tàn tro bay tận
Giác Ngộ không tuần tự
Phương tiện cũng không cần.
1

~~oOo~~

1
3. Chương Phổ Nhãn:

Khi ấy, ngài Phổ Nhãn Bồ Tát, ở trong hàng đại chúng đứng dậy đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, rồi chắp tay đảnh lễ và quỳ thẳng bạch rằng:
Bạch Đức Đại Bi Thế Tôn, xin ngài vì các vị Bồ Tát ở trong hội nầy và tất cả chúng sanh đời sau, giảng dạy thứ lớp tu hành của Bồ Tát.
Bạch Thế Tôn, như chúng sanh kia, khi nghe Phật nói pháp “Ly Huyễn Tam Muội“ nầy, tâm sanh mê muội, vì không biết làm sao để hạ thủ công phu. Vậy, nếu không có phương tiện chơn chánh và suy nghĩ chơn chánh, thì không thể ngộ nhập được Viên Giác.
Xin ngài mở lòng từ bi, vì những người chưa ngộ như chúng con hiện tại và các chúng sanh đời sau, tạm lập phương tiện phải tu hành như thế nào? Phải suy nghĩ làm sao? Phải an trụ và giữ gìn thế nào? mới được ngộ nhập Viên Giác?
Ngài Phổ Nhãn Bồ Tát thưa thỉnh như vậy ba lần, rồi kính cẩn lễ Phật và trở lui

Khi đó Đức Thế Tôn khen ngài Phổ Nhãn Bồ Tát và dạy rằng:
Nầy thiện nam, quý lắm. Ông vì các vị Bồ Tát hiện tại và chúng sanh đời sau, cầu thỉnh Như Lai tạm lập phương tiện tu hành và chỉ dạy thứ lớp tu làm sao? suy nghĩ làm sao cho chơn chánh? Phải an trụ và giữ gìn thế nào? Vậy các ông nên chăm chú nghe, ta sẽ vì các ông khai thị.

Khi đó, ngài Phổ Nhãn Bồ Tát và đại chúng đều hoan hỷ, kính cẩn chăm chú nghe theo lời Phật chỉ giáo.
Nầy thiện nam, những hàng sơ học Bồ Tát và các chúng sanh đời sau, muốn ngộ nhập tâm Viên Giác Thanh Tịnh của Như Lai, thì cần phải chánh niệm, và xa lìa các vọng tưởng. Vậy trước hết phải:
a) Y theo pháp “ Chỉ “ của Như Lai.
b) Giữ gìn giới cấm kiên cố.
c) Sắp xếp đồ chúng cho yên ổn.
d) Ở chỗ thanh vắng.
e) Phải suy nghĩ như sau:
Phải thường nhớ như vầy: Cái thân của ta nay đây là do bốn chất: đất, nước, gió, và lửa hòa hiệp lại. Như da, thịt, gân, xương, răng, tóc, móng tay, tủy, não, v.v... là thuộc về chất đất. Nước mắt, nước mũi, mồ hôi, mỡ, máu, mủ, đàm, dãi, nước tiểu, v.v... là thuộc về nước. Nhiệt độ trong thân là thuộc về lửa. Phổi hô hấp, tim đập, mạch nhảy, và các chuyển động trong thân người v.v... là thuộc về gió. Đến khi bốn chất này rã rời, không còn hòa hợp nữa, thì cái thân hư dối nầy ở chỗ nào?
Nầy thiện nam, ông đã biết thân nầy rốt ráo không thật có, chẳng qua do các duyên hòa hợp làm ra thân tướng giả tạm, đồng với loại huyễn hóa.
Do bốn duyên là đất, nước, gió, lửa hòa hợp nên vọng có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý. Nhơn bốn duyên và sáu căn, trong ngoài hòa hợp thành cái thân giả tạm, rồi vọng khởi ra các vọng tưởng phân biệt, tích tụ trong thân này, in như có hình tướng “ năng duyên “, duyên theo bóng dáng của trần cảnh, nên giả gọi là “ tâm “.
Nầy thiện nam, cái tâm hư vọng phân biệt nầy, nếu không có trần cảnh thì không còn phân biệt được cái gì cả. Lại nữa, khi bốn duyên rã rời rồi, thì thân giả tạm nầy cũng không còn. Lúc bấy giờ, cái vọng niệm phân biệt bị tích tụ trong thân thường duyên theo bóng dáng của sáu trần đó, cũng bị phân tán. Rốt cuộc rồi không còn thấy cái gì mà gọi là “tâm“ cả.
Nầy thiện nam, vì huyễn thân của chúng sanh kia diệt, cho nên huyễn tâm cũng diệt; Do huyễn tâm diệt, cho nên huyễn trần cũng diệt. Do cái huyễn trần diệt, cho nên cái huyễn diệt đó cũng diệt luôn. Bởi thân tâm là tướng trần cấu đã hoàn toàn diệt, nên lúc bấy giờ tánh Viên Giác phi huyễn hiện ra thanh tịnh khắp cả mười phương. Thí dụ như lau gương, khi hết bụi thì gương sáng tự hiện bày.
Nầy thiện nam, ví như ngọc Ma Ni trong sáng, tùy mỗi phương chiếu hiện ra năm màu. Nhưng người quê mùa không biết, cho năm màu kia là thật có.
Tánh Viên Giác Thanh Tịnh cũng thế, tùy các loài mà ứng hiện ra mỗi thân tâm không đồng. Nhưng kẻ mê muội lại chấp cho thân tâm đó là thật có, vì thế nên không thể xa lìa được các tướng huyễn hóa hư vọng.
Nầy thiện nam, đối với những kẻ mê muội chấp thân tâm huyễn cấu nầy là thật có, không thể xa lìa được, nên đây ta gọi đó là “chúng sanh“.
Đối với những người đã xa lìa được thân tâm cấu huyễn thì ta gọi đó là “Bồ tát“. Đến khi các “huyễn cấu“ hết, pháp “ đối trị “ trừ, trị “đối trị“ cũng không, cho đến không còn cái “danh từ“ để kêu gọi và “lời nói” để “luận bàn” , “người” không còn, các “cảnh” vắng, các “vọng” hoàn toàn diệt, thì tạm gọi là Viên Giác hay Phật.
Nầy thiện nam, các Bồ Tát và các chúng sanh đời sau, khi diệt hết các cảnh tượng vọng huyễn rồi thì tánh Viên Giác Thanh Tịnh hiện ra khắp cả vô biên hư không, không có ngằn mé và phương hướng.
Nầy thiện nam, vì tánh Viên Giác Thanh Tịnh sáng suốt đã hiện ra nên Tâm thanh tịnh. Do tâm thanh tịnh nên sáu thức thanh tịnh. Do sáu thức thanh tịnh nên sáu căn thanh tịnh. Do sáu căn thanh tịnh nên sáu trần thanh tịnh. Do sáu trần thanh tịnh nên bốn đại, mười hai xứ, mười tám giới và hai mươi lăm loài đều thanh tịnh.
Nầy thiện nam, vì các pháp thế gian thanh tịnh, nên các pháp xuất thế gian như: Mười Lực, bốn món Vô Úy, bốn món Vô Ngại, mười tám pháp Bất Cộng, ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo, và tám muôn bốn ngàn pháp môn Đà La Ni, tất cả đều thanh tịnh.
Nầy thiện nam, vì các pháp thế gian và xuất thế gian đều thanh tịnh, nên cá nhân thanh tịnh. Do cá nhân đã thanh tịnh nên nhiều cá nhân thanh tịnh, cho đến mười phương chúng sanh đều được Viên Giác thanh tịnh.
Nầy thiện nam, do một thế giới thanh tịnh, nên nhiều thế giới thanh tịnh. Vì nhiều thế giới thanh tịnh nên cùng tận mười phương hư không trùm khắp ba đời tất cả đều thanh tịnh bình đẳng không động.
Nầy thiện nam, hư không đã bình đẳng không động, nên biết tánh Viên Giác bình đẳng không động. Như thế cho đến tám muôn bốn ngàn pháp môn Đà La Ni bình đẳng không động, nên biết tánh Viên Giác bình đẳng không động.
Nầy thiện nam, vì tánh Viên Giác thanh tịnh không động, viên mãn cùng khắp tất cả không có bờ bến, nên biết sáu căn, sáu trần, bốn đại, cho đến pháp môn Đà La Ni cũng thanh tịnh và viên mãn khắp giáp cả pháp giới.
Nầy thiện nam, vì tánh Viên Giác kia mầu nhiệm viên mãn không hoại, nên bản thể của căn, bản thể của trần, không có một pháp nào hoại diệt và lộn lạo; Cho đến pháp môn Đà La Ni cũng không có hoại diệt và lộn lạo. Ví như trăm ngàn ngọn đèn đốt trong một căn nhà, ánh sáng của mỗi ngọn đèn tuy đều chiếu khắp cả nhà, nhưng không có lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau.
Nầy thiện nam, vì các Bồ Tát thành tựu được tánh Viên Giác rồi, nên không sợ pháp hữu vi ràng buộc, không cầu pháp Vô Vi giải thoát, không nhàm chán sanh tử, không ưa thích Niết Bàn, không kính người trì giới, không ghét người phạm giới, không tôn trọng kẻ tu lâu, không khinh người mới học. Tại sao thế? Vì tất cả các pháp đều là Viên Giác vậy.
Ví như con mắt xem thấy các cảnh vật hiện tiền, cái thấy nầy trùm khắp tất cả, không thương ghét. Tại sao thế? Vì cái thấy nầy chỉ có một thể, nên không có thương ghét vậy.
Nầy thiện nam, các Bồ Tát hiện tại và các chúng sanh đời sau, tuy tu tập tâm nầy (Viên Giác) mà được thành tựu (quả Phật) rồi, nhưng thật ra thì cũng không tu và cũng không thành, vì tánh Viên Giác vừa tịch diệt vừa phổ chiếu tất cả, đối với Phật hay chúng sanh không hai, không khác.
Các thế giới của chư Phật nhiều như số cát của sông Hằng, đều ở trong tánh Viên Giác nầy. Cũng như hoa đốm ở trong hư không, mặc tình lăng xăng khởi lên và mặc tình lăng xăng diệt mất. Không phải “tức” là tánh Viên Giác, mà cũng không phải “ly” là tánh Viên Giác; Không phiền trược và giải thoát. Bởi thế nên biết sanh tử và niết bàn cũng đều như giấc mộng hôm qua, vì chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ.
Nầy thiện nam, phải biết sanh tử và niết bàn đều như giấc mộng hôm qua, cho nên không có sanh diệt và cũng không có khứ lai. Ở nơi quả vị sở chứng, không có “được” và “mất”, không có “thủ” và “xả”. Ở nơi người năng chứng cũng không có “tạo tác” và “đình chỉ”, hay “sanh” và “diệt”.
Trong tánh Viên Giác, tất cả các pháp đều bình đẳng, không có hoại diệt. Rốt ráo không có người năng chứng và quả vị sở chứng.
Nầy thiện nam, các vị Bồ Tát kia phải y lời ta dạy trên mà suy nghĩ như vậy, dùng phương tiện như vậy, y theo lớp lang và tuần tự tu hành như vậy, an trụ như vậy, phải cầu pháp như vậy và khai ngộ như vậy mới khỏi mê muội.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tóm lại nghĩa trên, nên nói bài kệ rằng:
Phổ Nhãn, ông nên biết
Thân, Tâm của chúng sanh
Tất cả đều như huyễn
Thân nầy thuộc bốn đại
Thân này trả sáu trần
Bốn đại tan rã rồi
Cái gì gọi là Ta?
Tuần tự tu như vậy
Tất cả đều thanh tịnh
Viên Giác khắp pháp giới
Không làm, thôi sanh, diệt
Không năng chứng, sở chứng
Tất cả thế giới Phật
Như hoa đốm hư không
Ba đời đều bình đẳng
Rốt ráo không qua lại
Bồ Tát mới phát tâm
Và chúng sanh đời sau
Muốn cầu nhập Phật đạo
Phải như thế tu hành.
1
1

~~oOo~~
4. Chương Kim Cang Tạng:

Khi ấy, ngài Kim Cang Tạng Bồ Tát ở trong hàng đại chúng, đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, và kính cẩn chắp tay, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi quỳ thẳng bạch rằng:
Bạch Đức Thế Tôn, ngài đã vì các vị Bồ Tát nói rõ tánh “Viên Giác Thanh Tịnh” của Như Lai, và chỉ dạy những phương tiện, tuần tự tu hành để nhập tánh Viên Giác. Ngài đã vén mở mây vô minh mờ ám cho các chúng sanh. Thính chúng trong hội nầy, nhờ lòng từ bi của Phật khai hóa, mà mắt trí huệ được sáng tỏ.
Bạch Đức Thế Tôn:
Nếu các chúng sanh đã thành Phật từ xưa đến nay, thì tại làm sao lại có tất cả vô minh để trở lại làm chúng sanh nữa?
Nếu chúng sanh sẵn có các vô minh, thì do nhân duyên gì mà Đức Như Lai lại nói “Chúng sanh đã thành Phật từ xưa tới nay?”
Nếu mười phương chúng sanh đã thành Phật từ xưa, về sau lại sanh ra vô minh, vậy thì các Đức Như Lai hiện nay đã thành Phật rồi, chừng nào các ngài sanh trở lại phiền não nữa?
Cúi xin Đức Đại Bi Thế Tôn, vì các vị Bồ Tát hiện tại và tất cả chúng sanh đời sau, nhổ sạch gốc rễ nghi lầm, khiến cho chúng sanh được ngộ nhập đạo vô thượng.
Ngài Kim Cang Tạng Bồ Tát thưa thỉnh như vậy ba lần, kính cẩn lạy Phật rồi trở lui.

Khi đó, Đức Thế Tôn khen ngài Kim Cang Tạng Bồ Tát và dạy rằng:
Nầy thiện nam, quý lắm. Ông vì các vì Bồ Tát hiện tại và các chúng sanh đời sau, thưa hỏi Như Lai những đạo lý diệu huyền.
Nay ta vì các ông nói giáo pháp Đại Thừa, nghĩa lý rốt ráo và cao thượng, khiến cho các vị Bồ Tát tu học trong mười phương, và tất cả các chúng sanh đời sau, đều đoạn trừ hết các điều nghi ngờ, đặng tín tâm chắc chắn. Vậy các ông nên chăm chú nghe lời ta chỉ dạy.

Khi đó, ngài Kim Cang Tạng Bồ Tát và đại chúng đều vui mừng, kính cẩn nghe lời Phật chỉ dạy
Nầy thiện nam, tất cả các pháp có thủy-chung, sanh-diệt, tiền-hậu, có-không, tụ-tán, khởi- dừng, xoay-vần, qua-lại, các món thủ-xả, mỗi niệm nối luôn. Những loại kể trên đều là luân hồi cả. Người chưa ra khỏi luân hồi mà nghĩ bàn đến Viên Giác, thì tánh Viên Giác đó cũng trở thành luân hồi. Nếu người ra khỏi luân hồi (hết mê vọng rồi) thì không còn thấy có các việc hư vọng ấy nữa.
Nầy thiện nam, ví như vì con mắt nháy mà thấy nước dợn sóng; Vì mắt xem không kịp (đốm lửa quay tròn) mà thấy thành vòng lửa; Nhơn mây bay mà thấy mặt trăng chạy; Vì thuyền đi mà thấy bờ trôi. Trong lúc các vật đây động như mắt nháy, mây bay, thuyền chạy, v.v... mà các vật yên tịnh như nước đứng, lửa đốm, trăng dừng, v.v... mà còn thấy chuyển động thay, huống chi ông dùng tâm cấu nhiễm sanh tử luân hồi mà quán sát tánh Viên Giác Thanh Tịnh của Như Lai, thì tánh Viên Giác nầy làm sao chẳng cấu nhiễm? Thế nên ông mới sanh ra ba điều nghi vấn trên.
Nầy thiện nam, ví như người có bịnh lòa mắt, trông nơi hư không vọng thấy có các hoa đốm lăng xăng. Đến khi bịnh nhòa lặm hết rồi, thì hoa đốm kia tự diệt. Lúc bấy giờ, người ấy không nên hỏi : “Cái bịnh lòa nhặm đã diệt rồi, vậy chừng nào sanh trở lại nữa?” Tại sao thế? Vì cái lòa nhặm nó vọng huyễn không có thật thể vậy.
Và cũng không nên hỏi: “Những chỗ hoa đốm diệt ở hư không kia, vậy chừng nào hoa đốm ấy sanh trở lại nữa?” Tại sao thế? Vì trong hư không vốn không có hoa đốm, cho nên nó không có sanh hoa đốm hay diệt hoa đốm vậy
Sanh tử và Niết Bàn đối với tánh Viên Giác cũng đồng như hoa đốm sanh diệt trong hư không. Tánh Viên Giác vẫn nhiệm mầu viên mãn, yên lặng chiếu soi, lìa cái nhặm vô minh và cảnh giới hoa đốm.
Nầy thiện nam, nên biết hư không kia còn không phải tạm có và tạm không, huống chi tánh Viên Giác của Như Lai là bản tánh của hư không, nó bình đẳng tùy thuận các duyên, mà lại tạm có và tạm không hay sao?
Nầy thiện nam, ví như chất kim khoáng sau khi được nấu lọc, bỏ hết quặng rồi, thì chỉ còn vàng y. Chất vàng này không phải do nấu lọc mới sanh vì nó có sẵn từ trước kia rồi, và khi đã thành vàng y, thì không bao giờ trở lại thành quặng nữa, dầu trải qua bao nhiêu năm, nó vẫn không hư hoại.
Tánh Viên Giác Thanh Tịnh của Như Lai cũng như thế.

Nầy thiện nam, tánh Viên Giác của Như Lai vốn không có Bồ Đề và Niết Bàn, không có thành Phật và chẳng thành Phật, cũng không có luân hồi và phi luân hồi.
Nầy thiện nam, rất đỗi các cảnh giới Niết Bàn thân tâm đoạn diệt của Thinh Văn tiểu thừa kia, còn không thể dùng tâm phân biệt mà thân chứng được, huống chi cảnh giới Viên Giác Thanh Tịnh của Như Lai mà lại dùng tâm suy nghĩ so đo của chúng sanh thì làm sao nhập được? Cũng như người dùng lửa đom đóm để đốt núi Tu-Di thì làm sao đốt được? Người dùng tâm luân hồi, tâm vọng chấp luân hồi mà muốn vào biển Niết Bàn tịch tịnh của Như Lai thì không thể được.
Thế nên ta dạy: Tất cả các vị Bồ Tát và chúng sanh đời sau, trước hết phải đoạn hết căn bản sanh tử luân hồi từ vô thỉ.
Nầy thiện nam, nếu có suy nghĩ phân biệt là từ vọng tâm khởi, nên tất cả các suy nghĩ đều là cái vọng tưởng phân biệt duyên theo bóng dáng của sáu trần. Nó hư vọng như hoa đốm trong hư không, chẳng phải là chơn tâm. Nếu ông dùng cái vọng tâm suy nghĩ nầy mà suy nghĩ cảnh giới của chư Phật thì cảnh giới ấy cũng lẩn quẩn trong vòng vọng tưởng của chúng sanh mà thôi. Cũng như người ngồi trông đợi cho hoa đốm giữa hư không kết thành ra quả thì không có thể được .
Nầy thiện nam, ông dùng tâm hư vọng thô phù, sanh ra các lối thấy chấp vọng đó, cho nên ông không thể nhập được cảnh Viên Giác chơn thật của Như Lai. Bởi thế nên những lời ông hỏi trên đều là hư vọng phân biệt, không phải lời hỏi chơn chánh.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tóm lại các nghĩa trên, nên nói bài kệ rằng:
Kim Cang Tạng, phải biết
Như Lai tánh vắng lặng
Chưa từng có chung thỉ
Nếu dùng tâm luân hồi
Suy nghĩ cảnh giới Phật
Cảnh Phật thành luân hồi !
Người ở bờ luân hồi
Không thể vào biển Phật
Phật tánh tuy sẵn có
Phải tu mới hiển hiện
Cũng như vàng sẵn có
Phải lọc quặng mới thành
Khi đã thành vàng y
Không trở lại làm quặng
Sanh tử và Niết Bàn
Phàm phu và Chư Phật
Thảy đều như hoa đốm
Tâm suy nghĩ đã huyễn
Nên lời hỏi cũng huyễn
Làm sao nhập được chơn?
Nếu rõ được tâm nầy
Mới cầu được Viên Giác.
1

~~oOo~~

1

5. Chương Di Lặc:

Khi đó, ngài Di Lặc Bồ Tát ở trong hàng đại chúng đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, và chắp tay kính cẩn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi quỳ thẳng bạch rằng:
Bạch Đức Đại Bi Thế Tôn, ngài đã vì các vị Bồ Tát và đại chúng mở kho báu bí mật của Như Lai và làm cho đại chúng hiện tại và các chúng sanh đời sau được con mắt đạo sáng suốt không lo sợ, phân biệt được việc tà chánh, hiểu sâu lý luân hồi, đối với cảnh Đại Niết Bàn sanh lòng tin chắc chắn, không còn khởi các vọng chấp mà trở lại cảnh giới luân hồi nữa.
Bạch Đức Thế Tôn:
Các vị Bồ Tát và chúng sanh đời sau làm sao đoạn diệt được gốc rễ luân hồi để vào biển Đại Tịch Diệt của Như Lai?
Có mấy loại chúng sanh luân hồi?
Có mấy hạng người tu theo đạo Bồ Đề của Phật?
Khi Bồ Tát nhập thế độ sanh, phải dùng những phương tiện gì để giáo hóa chúng sanh?
Cúi xin Đức Thế Tôn rũ lòng đại bi cứu thế, chỉ dạy cho các vị Bồ Tát hiện tại và chúng sanh đời sau, khiến cho chúng sanh gương lòng được sáng tỏ, mắt trí huệ trong sanh, viên ngộ được “Tri Kiến Vô Thượng” của Như Lai.

Ngài Di Lặc Bồ Tát thưa thỉnh như vậy ba lần, và kính cẩn lạy Phật và trở lui.

Khi ấy, Đức Thế Tôn khen ngợi ngài Di Lặc Bồ Tát mà dạy rằng:
Nầy thiện nam, quý lắm. Ông vì các Bồ Tát hiện tại và các chúng sanh đời sau mà thưa hỏi Như Lai những nghĩa lý cao siêu huyền diệu, khiến cho các vị Bồ Tát đều được con mắt trí huệ thanh khiết và tất cả các chúng sanh đời sau đoạn tuyệt được sanh tử luân hồi, tâm ngộ thật tướng và chứng ngộ được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Các ông nên chăm chú nghe, ta sẽ vì các ông chỉ dạy:

Khi ấy, ngài Di Lặc Bồ Tát và đại chúng đều vui mừng kính cẩn vâng nghe lời Phật khai thị.
Nầy thiện nam, tất cả các chúng sanh từ vô thỉ đến giờ, đều do các món ân ái và tham dục cho nên mới bị sanh tử luân hồi. Tất cả chúng sanh trong thế giới, tóm lại có bốn loài: Loài sanh trứng.
Loài sanh con.
Loài sanh chỗ ẩm ướt.
Loài hóa sanh.

Các loại chúng sanh nầy đều do dâm dục mà tạo thành tánh mạng của nó.
Bởi thế nên các ông phải biết: Gốc rễ của sanh tử luân hồi là “ái” và “dục” vậy. Vì có dục, nên mới có sanh ra ái luyến, do ái luyến nên mới sanh tử, tử sanh nối luôn không dứt.
Nầy thiện nam, do ái luyến nên mới sanh ra dục, do dục cho nên mới có thân mạng. Bởi thế nên khi truy tầm đến cội gốc của nó, thì chúng sanh ái luyến thân mạng tức là ái luyến dục. Ái luyến dục là nhơn, và ái luyến thân mạng là quả.
Nầy thiện nam, cảnh hồng trần có lắm điều xui ngược, nếu người khi gặp nghịch cảnh sanh tâm giận ghét, tạo ra các nghiệp dữ thì đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh.
Nếu người biết nhàm cảnh dục, ưa tạo nghiệp lành, chán chê ác nghiệp, thì lại sanh về cõi người hoặc cõi Trời Dục Giới.
Còn những người nhàm chê cảnh trần lao ô nhiễm ở cõi dục, tham ái cảnh Tứ Thiền và Bát Định ở hai cõi trên, như thế cũng còn tu dưỡng gốc tham ái, cho nên sanh về hai cõi hữu vi là Trời Sắc Giới và Trời Vô Sắc Giới.
Các loại chúng sanh trên đây đều còn ở trong vòng sanh tử luân hồi vì còn có các tham ái, nên chẳng thành Thánh Đạo. Thế nên, chúng sanh nào muốn thoát ly sanh tử luân hồi, thì trước hết phải đoạn trừ các tham dục và tâm ái luyến.
Nầy thiện nam, các vị Bồ Tát hóa hiện thân hình ở trong thế gian không phải vì ái dục nhiễm ô như chúng sanh, mà gốc do lòng từ bi và đại nguyện cứu thế, nên đã hiện ra thân tham dục để vào sanh tử hóa độ chúng sanh khiến cho chúng sanh xả bỏ các ái dục.
Nầy thiện nam, nếu tất cả các chúng sanh đời sau bỏ được các tham dục, trừ tâm thương ghét, dứt hẳn sanh tử luân hồi, nơi tâm được thanh tịnh, cầu nhập cảnh giới Viên Giác của Như Lai thì sẽ được ngộ nhập.
Nầy thiện nam, tất cả chúng sanh gốc từ vô minh tham dục nên sanh ra năm chủng tánh sai khác. Năm chủng tánh nầy là căn cứ theo việc đoạn trừ hai chướng có cạn và sâu mà phân định.
Thế nào là hai chướng? Ấy là Lý chướng và Sự chướng.
Lý chướng: làm chướng ngại chánh tri kiến.
Sự chướng: làm tiếp nối các sanh tử.
Nếu đối với hai món chướng này mà hoàn toàn chưa đoạn thì gọi là chúng sanh.

Nầy thiện nam, thế nào là năm chủng tánh?
a) Thinh Văn chủng tánh
b) Duyên Giác chủng tánh
c) Bồ Tát chủng tánh
d) Bất định chủng tánh
e) Ngoại đạo chủng tánh

Nếu chúng sanh nào đoạn tuyệt tham dục trừ được sự chướng, nhưng lý chướng chưa đoạn thì chỉ chứng đặng quả Thanh Văn và Duyên Giác chớ chưa được an trụ cảnh giới của Bồ Tát.
Nầy thiện nam, nếu chúng sanh đời sau muốn vào biển Đại Viên Giác của Như Lai, thì trước phải siêng năng phát nguyện đoạn trừ hai món chướng. Đến khi hai món chướng đã nép phục, thì ngộ vào cảnh giới Bồ Tát.
Nếu như khi hai món chướng đã hoàn toàn diệt, thì vào được cảnh giới Viên Giác mầu nhiệm của Như Lai, viên mãn quả Bồ Đề và Đại Niết Bàn.
Nầy thiện nam, có loại chúng sanh có thể chứng được Viên Giác, song nếu chúng sanh gặp thiện tri thức là Thanh Văn hóa độ thì chúng thành Tiểu Thừa, còn như gặp thiện tri thức là Bồ Tát hóa độ thì chúng thành Đại Thừa, nếu gặp Như Lai dạy tu đạo Vô Thượng Bồ Đề thì chúng thành Phật Thừa.
Nầy thiện nam, có những chúng sanh đi tầm thiện tri thức chỉ dạy đường lối tu hành, nhưng lại gặp ngoại đạo tà sư dạy bảo, nên chúng nó sanh ra tà kiến, hiểu ngộ không chơn chánh, thế nên gọi là ngoại đạo chủng tánh. Đây không phải lỗi do tại chúng sanh đó mà lỗi tại tà sư.
Tóm lại chúng sanh tu Bồ Đề có năm chủng tánh sai khác ta vừa kể trên.

Nầy thiện nam, các vị Bồ Tát đều y bổn nguyện độ sanh của mình từ vô thỉ và do lòng đại bi thanh tịnh thúc đẩy nên nhập thế độ sanh. Bồ Tát dùng phương tiện thị hiện ra nhiều hình tướng, khi thì hiện cảnh thuận, khi thì hiện cảnh nghịch, có lúc lại lân la ở chung với chúng sanh và đồng làm các nghề nghiệp như chúng sanh để tiện bề hóa độ, khiến cho chúng sanh được thành Phật.
Nầy thiện nam, nếu các chúng sanh đời sau, phát tâm đại nguyện thanh tịnh của Bồ Tát, khởi tâm tinh tấn cầu nhập Viên Giác, thì phải phát nguyện như vầy:
-Con nguyện ngày nay được gặp Thiện Tri Thức dạy con tu hành để nhập Viên Giác của Phật, chớ gặp tà sư ngoại đạo và nhị thừa
-Con y theo bản nguyện tu hành lần hồi dứt trừ các chướng. Khi các chướng hết, nguyện được viên mãn, thì con sẽ được vào thành lớn Viên Giác trang nghiêm tốt đẹp, và lên cung điện thanh tịnh giải thoát của Như Lai.

Khi đó, Đức Thế Tôn muốn tóm lại nghĩa trên, nên nói bài kệ rằng:
Di Lặc, ông nên biết
Tất cả các chúng sanh
Đều do tham dục vậy
Nên đọa vào sanh tử
Chẳng đặng đại giải thoát
Nếu người đoạn thương, ghét
Cùng đoạn tham, sân, si
Không cần tu gì khác
Cũng đều được thành Phật
Cầu nguyện gặp Minh Sư
Khai ngộ được chơn chánh.
Y theo nguyện Bồ Tát
Trừ tuyệt hai món chướng
Được vào Đại Niết Bàn
Các Bồ tát mười phương
Đều bởi lòng Đại Bi
Phát nguyện vào sanh tử
Mà trợ độ chúng sanh
Người tu hành hiện tại
Và chúng sanh đời sau
Phải đoạn trừ ái hoặc
Mới đặng vào Viên Giác
1
1

~~oOo~~
6. Chương Thanh Tịnh Huệ:

Khi ấy, ngài Thanh Tịnh Huệ Bồ Tát ở trong hàng đại chúng đứng dậy, đi quanh hữu của Phật ba vòng, rồi chắp tay kính cẩn, đảnh lễ dưới chân Phật rồi quỳ thẳng mà bạch rằng:
Bạch Đức Đại Bi Thế Tôn, ngài đã vì chúng con khéo rộng nói những việc không thể nghĩ bàn. Những việc mà chúng con từ hồi nào đến giờ, chưa tùng thấy và chưa từng nghe, hôm nay, được Phật khai thị khiến cho chúng con được hiểu ngộ, thân tâm khoan khoái vui mừng, đặng lợi ích rất lớn.
Bạch Đức Thế Tôn, xin ngài vì các vị Bồ Tát và tất cả chúng sanh trong pháp hội nầy, chỉ dạy thứ lớp tu chứng của Như Lai như thế nào để cho chúng sanh hiện tại và đời sau, nhơn nghe lời Phật dạy như đây mà được khai ngộ, lần lượt tùy thuận vào tánh Viên Giác của Đấng Pháp Vương.
Ngài Thanh Tịnh Huệ Bồ Tát thưa thỉnh như vậy ba lần, kính cẩn lạy Phật và trở lui.

Khi đó, Đức Thế Tôn khen ngợi ngài Thanh Tịnh Huệ Bồ Tát và dạy rằng:
Nầy thiện nam, quý lắm. Ông vì các vị Bồ Tát hiện tại và chúng sanh đời sau, thưa hỏi Như Lai về thứ lớp tu chứng sai khác như thế nào. Vậy các ông nên chăm chú nghe, ta sẽ vì các ông chỉ dạy.
Khi ấy, ngài Thanh Tịnh Huệ Bồ Tát và đại chúng đồng hoan hỷ, kính cẩn vâng nghe theo lời Phật chỉ dạy.
Nầy thiện nam, trong tánh Viên Giác không tất cả pháp, mà có đủ tất cả pháp. Nó tùy thuận các duyên biến hiện ra đủ tất cả, mà không thủ và không chứng. Ví như con mắt thấy được tất cả vật mà không tự thấy mình. Nó vẫn bình đẳng mà không thấy mình bình đẳng.
Nầy thiện nam, trong thật tướng thì không có Bồ Tát và chúng sanh. Tại sao thế?
Bởi Bồ Tát và chúng sanh đều là huyễn hóa vậy. Khi các tướng huyễn hóa diệt rồi, thì không có người năng chứng và quả sở chứng.
Chúng sanh vì còn mê muội điên đảo nên chưa diệt trừ được các tướng huyễn hoá, vì chúng sanh vọng khởi công dụng để đối trị các tướng huyễn hóa, bởi có những tướng huyễn hóa đã diệt và chưa diệt nên mới thấy có thứ lớp tu chứng sai khác. Nếu người đặng tùy thuận tánh Viên Giác tịch diệt của Như Lai rồi, thì không còn thấy có cảnh tịch diệt và người tịch diệt nữa.
Nầy thiện nam, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến giờ, do lầm tưởng có “thật ta” và “vật của ta” rồi sanh lòng thương yêu cái ta và vật của ta, cho nên khi gặp cảnh nghịch với ta thì sanh lòng giận ghét, còn thuận với ta thì sanh lòng tham ái, say mê theo cảnh ngũ dục.
Chúng chưa chứng biết thân tâm này là hư vọng, mỗi niệm sanh diệt luôn luôn, không có thật ta.
Nếu gặp thiện hữu trí thức dạy bảo, chúng được khai ngộ tánh Viên Giác thanh tịnh, hiểu rõ thân tâm này là hư vọng, mỗi niệm sanh diệt, không thật có cái ta; Lúc bấy giờ chúng mới xác nhận rằng: “Thân nầy là trần lao vọng lự. “
Những người nào đoạn trừ được vĩnh viễn các trần lao vọng lự nầy, ngộ nhập pháp giới thanh tịnh, nhưng đối với tánh Viên Giác chưa được tự tại, vì còn bị cái “biết thanh tịnh” nó làm chướng ngại. Những người như thế thì gọi là phàm-phu-tùy-thuận-tánh-Viên-Giác.
Nầy thiện nam, tất cả các vị Bồ Tát vì còn chấp cái biết thanh tịnh nên chướng ngại tánh Viên Giác. Nay tuy đoạn được cái chướng ngại đó nhưng còn trụ ở cái “giác”. Như thế, cũng còn cố chấp ở nơi giác, nên tánh Viên Giác vẫn còn bị chướng ngại, không được tự tại. Bởi thế nên gọi là bực Tam-Hiền-Bồ-Tát-tùy-thuận-tánh-Viên-Giác.
Nầy thiện nam, nếu còn biết và còn có giác thì đều còn chướng ngại.
Thế nên, Bồ Tát thường giác mà không trụ nơi giác, năng chiếu và sở chiếu đồng vắng lặng; Bồ Tát tự dùng tâm chướng ngại diệt trừ các chướng ngại; Khi các chướng ngại diệt hết, cũng không còn có người năng diệt. Ví như có người tự mình chặt lấy đầu của mình. Khi cái đầu đã rụng rồi, thì cũng không có người chặt.
Nầy thiện nam, tất cả kinh giáo của Như Lai là ngón tay chỉ mặt trăng Viên Giác. Vậy các ông phải biết: Đây là ngón tay chỉ kinh giáo chớ không phải mặt trăng Viên Giác. Nếu các ông chỉ cố chấp ngón tay thì không bao giờ thấy được mặt trăng. Những người biết nhơn ngón tay kinh giáo nầy mà nhận được mặt trăng Viên Giác thì gọi là Bồ-Tát-lên-Thánh-Địa-tùy-thuận-tánh-Viên-Giác.
Nầy thiện nam, tất cả các sự chướng ngại tức là Cứu Kính Giác; Chánh niệm hay vọng niệm đều là giải thoát; Trì giới hay phá giới đều là Niết Bàn; Trí huệ hay ngu si đều là Bát Nhã; Bồ Tát và ngoại đạo đồng là Bồ Đề; Vô minh và Chơn Như đồng một cảnh giới; Giới-Định-Huệ và dâm-nộ-si đều là hạnh thanh tịnh; Chúng sanh và quốc độ đồng một pháp tánh; Địa Ngục và Thiên Đường đều là Tịnh Độ; Hữu tình và vô tình đều thành Phật đạo; Tất cả các phiền não là rốt ráo giải thoát; Vì sao? Vì biển huệ pháp giới chiếu soi các tướng cũng như hư không. Đây gọi là Như-Lai-tùy-thuận-tánh-Viên-Giác.
Nầy thiện nam, các vị Bồ Tát và chúng sanh trong đời sau, chỉ trong tất cả thời gian không khởi vọng niệm phân biệt, đối với các vọng tâm cũng không cần diệt trừ, ở cảnh vọng tưởng chẳng gia thêm phân biệt, ở nơi cảnh không rõ biết chẳng cần phân biệt chân thật; Khi nghe đến pháp môn nầy không lấy làm lạ lùng và kinh hãi mà lại sanh tâm tin chắc, hiểu biết rõ ràng, lãnh thọ và phụng trì, thì ta gọi chúng sanh nầy là người tùy thuận tánh Viên Giác.
Nầy thiện nam, các ông phải biết: Những chúng sanh nào tùy thuận như thế là đã nhiều đời tu hành, từng trồng rất nhiều công đức; cúng dường các Đức Phật và các vị Bồ Tát nhiều như số cát sông Hằng. Ta ứng-chứng cho những người nầy sẽ thành tựu Nhứt Thiết Chủng Trí.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tóm lại các nghĩa trên, nên nói bài kệ rằng:
Thanh Tịnh Huệ, ông biết
Viên Mãn tánh Bồ Đề
Không còn thủ và chứng
Không Bồ Tát, chúng sanh
Giác và khi chưa Giác
Thứ lớp có sai khác
Chúng sanh bị biết ngại
Bồ Tát bị giác ngại
Thánh địa hằng vắng lặng
Vì không trụ các tướng
Viên Mãn quả Đại Giác
Nên gọi khắp tùy thuận
Các chúng sanh đời sau
Tâm chẳng sanh hư vọng
Ta nói chúng sanh này
Hiện đời là Bồ Tát
Vì cúng dường chư Phật
Công đức đã viên mãn
Tuy có nhiều phương tiện
Cũng đều tùy thuận Giác.
1
1

~~oOo~~

7. Chương Oai Đức Tự Tại:
Khi ấy, ngài Oai Đức Tự Tại Bồ Tát ở trong đại chúng đứng dậy đi quanh bên hữu của Phật ba vòng rồi chắp tay kính cẩn, đảnh lễ dưới chân Phật, quỳ thẳng mà bạch rằng:
Bạch Đức Đại Bi Thế Tôn, xin ngài rộng vì chúng con, phân biệt chỉ dạy phương tiện để nhập Viên Giác tánh khiến các vị Bồ Tát nhờ nghe viên âm của Phật mà giác tâm được quang minh chẳng nhơn tu hành mà vẫn được lợi ích lớn.
Bạch Đức Thế Tôn, ví như cái thành lớn có bốn cửa, hành giả muốn vào cửa nào cũng được, đâu phải chỉ có một con đường?
Cũng thế, các vị Bồ Tát tu hành, làm trang nghiêm cõi Phật và thành đạo Bồ Đề, đâu phải chỉ có một phương tiện. Cúi xin Đức Thế Tôn vì chúng con chỉ dạy các phương tiện tu hành và thứ lớp làm sao, để các vị Bồ Tát trong pháp hội nầy và chúng sanh đời sau cầu pháp Đại Thừa đều được khai ngộ và mau được vào biển Đại-tịch-diệt của Như Lai.
Ngài Oai Đức Tự Tại Bồ Tát thưa thỉnh như vậy ba lần, chắp tay kính cẩn, lể Phật rồi trở lui.
Khi đó, Đức Thế Tôn khen ngài Oai Đức Tự Tại Bồ Tát và dạy rằng:
Nầy thiện nam, quý lắm. Ông vì các vị Bồ Tát hiện tại và chúng sanh đời sau mà thưa hỏi Như Lai về các phương tiện tu hành. Ông nên chăm chú nghe, ta sẽ vì các ông chỉ dạy.
Khi đó, ngài Oai Đức Tự Tại Bồ Tát cùng với đại chúng đồng yên lặng, chăm chú, và hoan hỷ lắng nghe lời Phật chỉ giáo.
Nầy thiện nam, tánh Viên Giác nhiệm mầu vô thượng nầy, nó trùm khắp cả mười phương và sanh ra chư Phật cùng tất cả các pháp. Bởi tất cả các chúng sanh cùng với chư Phật đồng một bản thể bình đẳng không khác, nên người tu hành khi đã trở về tánh Viên Giác thì thật ra không có hai nơi; Song những phương tiện để nhập Viên Giác lại có vô lượng.
Vì trình độ của chúng sanh không đồng, nên phương tiện để trở về tánh Viên Giác có sai khác, nhưng không ngoài ba phương tiện nầy.
Nầy thiện nam, nếu các Bồ Tát ngộ được Viên Giác thanh tịnh rồi, thì y theo tâm Viên Giác thanh tịnh nầy mà giữ cái hạnh yên lặng và lóng các vọng niệm. Khi các giác quan vọng thức phiền động đã lặng rồi, thì trí huệ thanh tịnh phát sanh. Lúc bấy giờ cái thân tâm hư vọng sanh diệt như khách và nhiễm ô như bụi nầy, từ đây diệt hết. Khi đó, trong nội tâm của hành giả lại sanh ra vắng lặng và nhẹ nhàng thơ thới nên chư Phật ở trong mười phương thế giới đều hiện ra trong tâm của hành giả rất rõ ràng như bóng hiện trong gương.
Phương tiện tu hành như thế gọi là Xa Ma Tha tức là tu Chỉ hay tu Định.
Nầy thiện nam, nếu các Bồ Tát ngộ được Viên Giác thanh tịnh rồi, thì y theo tâm Viên Giác thanh tịnh mà quán sát tâm tánh, thân căn, và trần cảnh nầy đều là vật huyễn hóa. Lúc bấy giờ Bồ Tát khởi ra cái trí như huyễn để trừ các pháp như huyễn; làm các hạnh như huyễn để hóa độ các chúng sanh như huyễn. Bởi các Bồ Tát tu các pháp quán như huyễn nầy nên phát tâm đại bi thương xót cứu khổ tất cả các chúng sanh mà vẫn nhẹ nhàng thơ thới, không tham trước luyến ái nơi chúng sanh.
Tất cả các Bồ Tát đều y theo phép quán như huyễn nầy mà tu hành lần lần tăng tiến. Ban đầu quán cảnh là huyễn, nhưng người quán chưa phải huyễn; Sau người quán cũng là huyễn và cuối cùng hoàn toàn xa lìa các tướng huyễn. Thế là Bồ Tát đã hoàn thành được pháp quán mầu nhiện nầy; Bồ tát lần lượt tiến tu cũng như đất làm cho mầm mộng lần hồi được sanh trưởng.
Phương tiện tu hành như thế gọi là Tam Ma Bát Đề tức là tu Quán hoặc gọi là tu Huệ.
Nầy thiện nam, nếu các vị Bồ Tát ngộ được Viên Giác thanh tịnh tâm rồi, thì y nơi tâm Viên Giác nầy mà tu. Không chấp thủ pháp Quán Như Huyễn và pháp Chỉ Tịch Tịnh. Bồ Tát rõ biết thân tâm nầy là vật ngăn ngại, còn tánh Viên Giác thì không bị các vật làm chướng ngại, lại còn siêu vượt ra ngoài những cảnh chướng ngại và không chướng ngại; Nó vẫn thọ dụng thế giới và thân tâm ở trong cõi trần nầy, mà không bị cảnh trần ràng buộc mặc dù đó là Niết Bàn hay phiền não cũng không làm lưu ngại nó được.
Ví như tiếng boong của chuông, tuy ở nơi chuông mà vẫn thoát ra ngoài chuông.
Bồ Tát lúc bấy giờ ở nơi nội tâm được vắng lặng. Rất nhẹ nhàng thư thái; Nào ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mạng, bốn tướng đều chẳng còn, và được tùy thuận cảnh giới Viên Giác tịch tịnh mầu nhiệm.
Bồ Tát tu pháp phương tiện nầy gọi là Thiền Na hay Định Huệ song tu.
Nầy thiện nam, ba pháp môn nầy đều là phương tiện để nhập Viên Giác tánh. Mười phương các Đức Phật đều nhơn phương tiện nầy mà được thành Phật. Mười phương các vị Bồ Tát, tu các phương tiện hoặc đồng hay khác, nhưng cũng đều y ba pháp môn nầy mà được chứng ngộ hay thành Viên Giác.
Nầy thiện nam, giả sử có người tu theo đạo Phật, hóa độ được muôn ức vị A-La-Hán và Bích-Chi Phật, nhưng lợi ích không bằng có người chỉ trong giây phút tùy thuận và tu tập pháp môn Viên Giác vô ngại nầy.

Khi đó, Đức Thế Tôn muốn tóm lại nghĩa trên, nên nói bài kệ rằng:
Oai Đức Tự Tại biết
Viên Giác tánh không hai
Phương tiện tu có nhiều
Như Lai tóm chỉ bày
Cũng không ngoài ba pháp
Tu pháp Chỉ vắng lặng
Như bóng chiếu trong gương
Tu pháp Quán Như Huyễn
Như mộng lần lần lớn
Chỉ, Quán đồng thời tu
Như tiếng boong của chuông
Ba pháp môn mầu nhiệm
Đều tùy thuận Viên Giác
Mười phương các Đức Phật
Và các vị Bồ Tát
Nhơn đây được thành đạo
Ba pháp chứng hoàn toàn
Là rốt ráo Niết Bàn.
1
1

~~oOo~~

8. Chương Biện Âm:

Khi đó, ngài Biện Âm ở trong hàng đại chúng, đứng dậy đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, rồi lạy Phật, quỳ thẳng mà bạch rằng:
Bạch Đức Đại Bi Thế Tôn, vừa rồi ngài dạy ba pháp môn tu hành như thế thật là hy hữu.
Nhưng các vị Bồ Tát, khi muốn nhập Viên Giác, đối với ba pháp môn phương tiện nầy, có mấy cách tu tập?
Cúi xin Đức Thế Tôn vì đại chúng hiện tại và các chúng sanh đời sau, phương tiện mở bày, khiến cho chúng con đều ngộ được tướng chơn thật.
Thưa thỉnh như vậy ba lần rồi ngài Biện Âm Bồ Tát kính cẩn lạy Phật rồi trở lui.
Khi đó, Đức Thế Tôn khen ngài Biện Âm Bồ tát và dạy rằng:
Nầy thiện nam, quý lắm. Ông vì các đại chúng hiện tại và chúng sanh đời sau mà thưa hỏi Như Lai có bao nhiêu cách tu tập. Ông nên chăm chú nghe, Như Lai sẽ vì các ông chỉ giáo.
Khi đó, ngài Biện Âm Bồ Tát cùng với đại chúng đồng im lặng hoan hỷ nghe lời Phật dạy bảo.
Nầy thiện nam, tánh Viên Giác thanh tịnh của tất cả Như Lai vốn không có “ pháp bị tu “ và “người tu tập“. Song vì các vị Bồ Tát hiện tại và các chúng sanh đời sau chưa nhập được Viên Giác, còn phải phương tiện dùng huyễn pháp để tu tập; Vì thế nên chia ra có hai mươi lăm cách tu như sau:

1. Nầy thiện nam, nếu Bồ Tát giữ tâm rất vắng lặng, nhờ sức vắng lặng nầy, mà đoạn các phiền não, được vĩnh viễn thành tựu rốt ráo tánh Viên Giác, thì vị Bồ Tát ấy lúc bấy giờ chẳng rời chỗ ngồi mà vẫn nhập được Niết Bàn. Bồ Tát tu như thế gọi là chỉ tu một pháp “Xa ma tha” (hay gọi là tu Chỉ hay tu Định)
2. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát chỉ tu pháp “Quán Như Huyễn” và nhờ sức Phật gia hộ nên Bồ Tát ấy biến hóa ra được thế giới, thì mặc dù Bồ Tát làm ra các diệu dụng độ sanh, đầy đủ công hạnh mầu nhiệm của Bồ Tát, nhưng vẫn không mất niệm tịch tịnh và huệ yên lặng của Đà Na Li. Bồ Tát tu như thế, gọi là riêng tu một pháp “Tam ma bát đề” (hay tu Huệ).
3. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát chỉ diệt các huyễn, không chấp thủ tác dụng, riêng đoạn các phiền não, khi phiền não đoạn hết rồi thì chứng được thật tướng. Bồ Tát tu như thế, gọi là riêng tu pháp “Thiền na” (Định, Quán Song Tu)
4. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát trước giữ gìn nơi rất tịnh, sau dùng tịnh huệ chiếu soi các pháp như huyễn như hóa, lúc bấy giờ khởi ra hạnh Bồ Tát. Bồ Tát tu như thế thì gọi là trước tu “Xa ma tha” (Định), sau tu “Tam ma bát đề” (Huệ).
5. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát, dùng trí huệ yên tịnh, chứng đặng thể tánh rất tịnh, rồi đoạn các phiền não, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử. Bồ tát tu như thế, thì gọi là trước tu “Xa ma tha” (Định) sau tu “Thiền na”. (Định Huệ song tu).
6. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng trí huệ thanh tịnh, lấy sức huyễn hoá biến hiện ra các hình thức để hóa độ các chúng sanh, sau rồi đoạn diệt các phiền não, rồi nhập vào cảnh giới tịch diệt. Bồ Tát chỉ tu như thế, thì gọi là trước tu “Xa ma tha” (Định), kế tu “Tam ma bát đề” (Huệ), sau tu “Thiền na” (Định Huệ song tu).
7. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức rất tịnh mà đoạn các phiền não rồi, sau khởi các hạnh rất thanh tịnh mầu nhiệm của Bồ Tát để độ các chúng sanh. Bồ tát tu như thế thì gọi là trước tu “Xa ma tha” (Định), sau tu “Thiền na” (Định Huệ song tu), sau tu “Tam ma bát đề” (Huệ).
8. Nầy thiện nam, Nếu có Bồ tát dùng sức rất tịnh của tâm đoạn trừ các phiền não và dựng lập thế giới, hóa độ các chúng sanh. Bồ Tát tu như thế thì gọi là trước tu “Xa ma tha” (Định), sau đồng thời tu “Tam ma bát đề” (Huệ) và tu “Thiền na”.
9. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức rất tịnh, giúp cho việc biến hóa, sau đoạn các phiền não. Bồ Tát tu như thế thì gọi là trước đồng thời tu “Xa ma tha” và “Tam bát đề”, sau tu “Thiền na”.
10. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức rất tịnh, giúp cho tịch diệt, sau rồi khởi tác dụng biến hóa các thế giới. Bồ tát tu như thế thì gọi là trước đồng thời tu “Xa ma tha” (Định) và “Thiền na”, sau tu “Tam ma bát đề” (Huệ).
11. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức biến hóa tùy thuận theo các chúng sanh để hóa độ mà vẫn giữ tánh rất tịnh. Bồ Tát tu như thế thì gọi là trước tu “Tam ma bát đề”, sau tu “Xa ma tha”.
12. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức biến hóa, hóa hiện ra các cảnh giới mà vẫn giữ tịch diệt. Bồ Tát tu như thế thì gọi là trước tu “Tam ma bát đề”, sau tu “Thiền na”.
13. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức biến hóa, làm các Phật sự mà vẫn ở yên nơi tịch tịnh, đoạn các phiền não. Bồ Tát tu như thế thì gọi là trước tu “Tam ma bát đề”, kế tu “Xa ma tha”, sau tu “Thiền na”.
14. Nầy các thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức biến hóa, làm các việc không ngại, đoạn các phiền não, và an trụ nơi rất tịnh. Bồ Tát tu như thế thì gọi là trước tu “Tam ma bát đề”, kế tu “Thiền na”, sau tu “Xa ma tha”.
15. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức biến hóa làm các phương tiện và tùy thuận hai pháp: Rất tịnh và tịch diệt. Bồ Tát tu như thế thì gọi là trước tu “Tam ma bát đề”, sau đồng thi tu “Xa ma tha” và “Thiền na”.
16. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức biến hóa, khởi ra các công dụng giúp cho tánh rất tịnh, sau đoạn các phiền não. Bồ Tát tu như thế thì gọi là trước đồng tu “Tam ma bát đề” và tu “Xa ma tha”, sau tu “Thiền na”.
17. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức biến hóa, giúp với tịch diệt, sau an trụ nơi tánh định thanh tịnh, không do tạo tác. Bồ Tát tu như thế thì gọi là trước đồng thời tu “Tam ma bát đề” và “Thiền na”, sau tu “Xa ma tha”.
18. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức tịch diệt, khởi hạnh rất tịnh, rồi an trụ nơi thanh tịnh. Bồ Tát tu hành như thế thì gọi là trước tu “Thiền na”, sau tu “Xa ma tha”.
19. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức tịch diệt, khởi ra tác dụng, tuy đối với các cảnh mà vẫn tùy thuận nơi tịch tịnh. Bồ Tát tu như thế thì gọi là trước tu “Thiền Na”, sau tu “Tam ma bát đề”.
20. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức tịch diệt, quán tự tánh các chúng sanh an trụ nơi định, mà vẫn biến hóa các pháp để độ sanh, Bồ Tát tu như thế thì gọi là trước tu “Thiền na”, kế tu “Xa ma tha” (Định), sau tu “Tam ma bát đề” (Huệ).
21. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức tịch diệt của tự tánh vô tác, để khởi ra tác dụng độ sanh, rồi y nơi cảnh giới thanh tịnh mà trở về nơi định. Bồ Tát tu như thế thì gọi là trước tu “Thiền na”, kế tu “Tam ma bát đề”, sau tu “Xam ma tha”.
22. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức tịch diệt, mỗi mỗi thanh tịnh, an trụ nơi định, mà khởi ra các món biến hóa. Bồ Tát tu như thế thì gọi là trước tu “Thiền na”, đồng thời tu “Xa ma tha” và “Tam ma bát đề”.
23. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức tịch diệt, giúp cho tánh rất tịnh, sau khởi ra việc biến hóa. Bồ Tát tu như thế thì gọi là đồng thời tu “Thiền na” và “Xa ma tha”, sau tu “Tam ma bát đề”.
24. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng sức tịch diệt, giúp việc biến hóa, sau khởi tánh rất tịnh, ở cảnh giới trí huệ trong sáng. Bồ Tát tu như thế thì gọi là đồng thời tu “Thiền na” và “Tam ma bát đề”, sau tu “Xa ma tha”.
25. Nầy thiện nam, nếu có Bồ Tát dùng Huệ Viên Giác, viên hiệp các Pháp, nào tánh, tướng của các pháp đều không rời tánh Viên Giác. Bồ Tát tu như thế thì gọi là Viên tu ba pháp, tùy thuận tánh Viên Giác thanh tịnh.
Nầy thiện nam, đây là hai mươi lăm pháp tu của Bồ Tát. Vậy các Bồ Tát phải y theo đây mà tu hành.
Nếu có Bồ Tát hiện tại và các chúng sanh đời sau muốn y theo hai mươi lăm pháp môn nầy tu hành, thì phải giữ giới thanh tịnh, tâm suy nghĩ vắng lặng, và phải trải qua hai mươi mốt ngày thành tâm sám hối, rồi viết hai mươi lăm pháp tu nầy vào mỗi miếng giấy, niêm lại kỹ, đem để trên bàn Phật và chí tâm cầu khẩn, rồi tùy tay hành giả rút ra một miếng giấy, khi mở ra xem thì hành giả sẽ biết trình độ của mình tu pháp đốn(nhanh) hay tiệm(chậm). Song nếu hành giả một niệm nghi ngờ, thì chẳng thành tựu.

Khi đó Đức Thế Tôn muốn tóm lại nghĩa trên, nên nói bài kệ rằng:
Biện Âm, ông nên biết
Các trí huệ thanh tịnh
Của tất cả Bồ Tát
Đều do Thiền Định sanh
Thiền Định là Chỉ, Quán
Và Chỉ Quán song tu
Ba Pháp, phân đốn tiệm
Thành ra hai mươi lăm
Mười phương các Như Lai
Và hành giả ba đời
Đều y pháp môn nầy
Mà đặng thành Bồ Đề
Chỉ trừ người Đốn ngộ
Và những người không tin
Mới chẳng theo pháp nầy
Còn tất cả Bồ Tát
Và chúng sanh đời sau
Phải như thế tu hành
Nhờ Đại Bi của Phật
Các ông nên siêng tu
Sẽ mau chứng Niết Bàn.

~~oOo~~


9. Chương Tịnh Chư Nghiệp Chướng:

Khi ấy, ngài Tịnh Chư Nghiệp Chướng Bồ Tát ở trong đại chúng đứng dậy đời quanh bên hữu của Phật ba vòng, lạy Phật, quỳ thẳng, chắp tay mà bạch rằng:
Bạch Đức Đại Bi Thế Tôn, ngài đã vì chúng con rộng nói Nhơn Địa Tu Hành của các Đức Như Lai, toàn những việc cao siêu mầu nhiệm, không thể suy nghĩ và luận bàn, khiến cho đại chúng được lợi ích chưa từng có.
Chúng con là hàng Bồ Tát rất vui mừng, vì tất cả cảnh giới tu hành cần khổ của Đức Điều Ngự trải qua vô số kiếp, nhiều như số cát sông Hằng, mà chúng con chỉ thấy như trong một niệm.
Bạch Đức Thế Tôn, nếu tâm Viên Giác nầy tánh vốn thanh tịnh, vậy nhơn cái gì mà nhiễm ô, và vì sao khiến cho chúng sanh mê muội, chẳng nhập được tánh Viên Giác?
Cúi xin Đức Như Lai, rộng vì chúng con, khai ngộ pháp tánh, làm cho đại chúng hiện tại, và chúng sanh đời sau, đều được con mắt trí huệ.
Ngài Tịnh Chư Nghiệp Chướng Bồ Tát thưa thỉnh như vậy ba lần, cúi đầu kính lạy rồi trở lui
Khi ấy Đức Thế Tôn bảo ngài Tịnh Chư Nghiệp Chướng Bồ Tát mà dạy rằng:
Nầy Thiện nam, hay lắm, quý lắm ! Ông vì các Bồ Tát hiện tại và chúng sanh đời sau, thưa hỏi Như Lai phương tiện như vậy. Các ông nên chăm chú nghe, ta sẽ vì các ông chỉ giáo.

Khi ấy, ngài Tịnh Chư Nghiệp Chướng Bồ Tát cùng đại chúng đều hoan hỷ, và im lặng vâng nghe lời Phật chỉ dạy.
Nầy thiện nam, tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ do vọng tưởng điên đảo, chấp bốn tướng: Ngã, Nhơn, Chúng sanh, Thọ Giả, cho là thật thể của ta, rồi sanh ra hai cảnh: thương và ghét.
Thế là ở nơi thân thể nầy đã hư vọng, lại chấp thêm cái hư vọng nữa.
Bởi hai lớp vọng nương nhau sanh ra các vọng nghiệp. Vì có vọng nghiệp nên vọng thấy có sanh tử luân hồi. Những người nhàm chán sanh tử luân hồi, thì lại vọng thấy có Niết Bàn.
Bởi thế nên không thể nhập được Viên Giác thanh tịnh, chớ không phải tánh Viên Giác nầy chống cản không cho chúng sanh nhập. Và những người nhập được cũng không phải tánh Viên Giác chấp thuận cho nhập vậy. Thế nên kẻ khởi niệm hay người dứt niệm cũng đều là mê muội. Tại sao thế? Bởi vì vô minh đã khởi sẵn và làm chủ tể từ vô thỉ vậy.
Nầy thiện nam, tất cả chúng sanh sống không có con mắt trí tuệ, nên không tự thấy cả thân tâm nầy là vô minh. Vì ngã tướng do vô minh sanh, nên chúng sanh không đủ can đãm tự tiêu diệt ngã tướng, cũng như người không thể tự giết lấy mình được.
Vì chấp thân tâm nầy là ta, nên cảnh nào thuận với ta thì sanh ra thương yêu; Còn cảnh nghịch với ta thì sanh ra oán ghét. Do tâm thương ghét nầy, trở lại tiếp tục nuôi dưỡng vô minh. Vì thế nên chúng sanh cầu Đạo, đều không thành được Đạo.
Nầy thiện nam, thế nào là ngã tướng? Tất cả chúng sanh tự tâm chứng nhận biết có Ta vậy. Thí như có người thân thể điều hòa không có chút gì trái ý, tợ hồ như quên mình. Đến khi điều dưỡng bị thất thường, thân thể mất thăng bằng, hoặc gặp những cảnh trái nghịch như gai đâm hay lửa đốt v.v... Lúc bấy giờ mới thấy cái ta hiện ra rất rõ rệt. Vì thế mà chứng biết có ngã tướng.
Nầy thiện nam, sâu thêm một từng nữa, cái ngã tướng có phần vi tế hơn trước, là người tu hành trong lúc thấy mình có chứng quả, có đắc đạo. Cho đến khi chứng quả Như Lai, hay đặng Niết Bàn thanh tịnh của Phật, mà nếu còn cái tâm biết mình có chứng và có đặng, như thế cũng đều còn ngã tướng.
Nầy thiện nam, thế nào là nhơn tướng? Tất cả chúng sanh tự tâm hiểu ngộ ta đây là người vậy, nghĩa là hiểu ngộ ta cũng là người và các người cũng là người. Nói rộng ra, hiểu ngộ ngoài ta thì tất cả đều là người vậy.
Nầy thiện nam, đi sâu vào một từng nữa, cái nhơn tướng có phần vi tế hơn, là cái tâm nầy, cho đến hiểu ngộ rằng: Còn biết mình viên ngộ Niết Bàn, cũng đều còn ngã tướng; Nghĩa là ở nơi tâm, nếu còn một chút ngộ rằng: Chứng lấy đầy đủ, thì đều gọi là nhơn tướng.
Nầy thiện nam, thế nào là chúng sanh tướng? Tất cả chúng sanh nơi tự tâm không chấp mình là ngã và nhơn mà chấp là chúng sanh. Tỷ như có người nói như thế nầy: Tôi là chúng sanh, thì biết là không phải ngã và nhơn.
Nầy thiện nam, những chúng sanh, rõ biết hai món tướng trước là thuộc về ngã và nhơn, nay không còn chấp ngã nhơn nữa, nhưng còn cái tâm rõ biết, đó là chúng sanh tướng.
Nầy thiện nam, thế nào là thọ mạng tướng? Các chúng sanh tâm chiếu soi đã thanh tịnh, nhưng còn cái trí giác-ngộ-tướng-chúng-sanh trước, bởi còn cái trí giác ngộ, tương tục tu tập các nghiệp vô lậu, chưa có thể tự trừ được; Cũng như mạng căn tương tục không tự đoạn được, nên gọi là thọ mạng tướng.
Nầy thiện nam, nếu còn tâm soi thấy tất cả các giác trước đó, thì cũng còn ở trong vòng trần cấu. Bởi còn năng giác và sở giác nên chưa rời trần cấu vậy.
Cũng như nước nóng làm tiêu băng, thì toàn băng là nước, lúc bấy giờ không còn nước nóng năng tiêu và băng bị tiêu nữa. Nếu còn nước nóng và băng, thì là nước chưa thuần nhất. Cũng thế, nếu còn cái ta để giác ngộ cái ta trước, thì chưa rời được bốn tướng.
Nầy thiện nam, các chúng sanh đời sau, bởi không rời được bốn tướng, nên tuy trải qua nhiều kiếp, siêng năng tu hành khổ hạnh, nhưng chỉ thành hữu vi mà thôi, chứ không thể chứng được Thánh quả.
Tại sao thế? Bởi nhân các ngã tướng: Có chứng, có ngộ, cho là thành tựu quả Niết Bàn, chẳng khác nào người nhận giặc làm con, nó sẽ phá tan gia tài quý báu vậy.
Nầy thiện nam, nếu hành giả còn ưa Niết Bàn tức là còn Ngã tướng; Chẳng qua ngã tướng bị ẩn phục, rồi lầm cho đó là tướng Niết Bàn.
Còn ghét sanh tử tức là còn ngã tướng. Chúng sanh riêng ghét sanh tử, ưa Niết Bàn, chứ đâu biết rằng, cái ưa đó là gốc sanh tử, còn ghét là gốc triền phược.
Nầy thiện nam, làm sao biết là ưa và ghét là gốc của sanh tử triền phược? Bởi các chúng sanh tu đạo Bồ Đề, nếu còn đôi chút biết mình chứng được đạo quả thanh tịnh, thế là chưa diệt trừ được tận gốc ngã tướng, nên còn sanh tử triền phược.
Nầy thiện nam, trong khi có người đến khen ngợi kính phục, hành giả lại sanh vui mừng, muốn tế độ người đó. Trái lại, nếu bị người chê bai hủy báng, thì hành giả lại sân hận. Do đó mà biết cái ngã kiến vẫn còn kiên cố ẩn núp trong tạng thức; Nó thường lai vãng trong các căn của hành giả , không gián đoạn vậy. Người tu hành bởi không trừ được ngã tướng, cho nên không thể nhập được Viên Giác thanh tịnh.
Nầy thiện nam, nếu hành giả muốn biết mình được vô ngã chưa, cứ xem trong lúc mình bị người hủy nhục, mà không thấy có người hủy nhục, như thế là được vô ngã.
Trái lại, trong lúc thuyết pháp độ người, mà còn thấy có ta thuyết pháp, thế là ngã tướng chưa đoạn. Còn nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ mạng tướng cũng thế.
Nầy thiện nam, ngã tướng là cái trọng bịnh của hành giả. Song chúng sanh đời sau, lại nhận lầm cái trọng bịnh nầy, cho là mình chứng được pháp Niết Bàn, thật đáng thương xót. Bởi thế, chúng càng tinh tấn tu hành chừng nào thì lại càng thêm cái bịnh ngã tướng chừng ấy; Vì thế nên không nhập được Viên Giác thanh tịnh.
Nầy thiện nam, chúng sanh đời sau, chấp theo sự kiến giải và hạnh của Như Lai, làm chỗ hiểu biết và hạnh của mình, song vì không biết bốn tướng còn ẩn núp bên trong, nên chẳng thành tựu được Thánh quả.
Hoặc có chúng sanh chưa được đặng đạo, mà nói mình đã đặng Đạo; Chưa chứng quả mà nói mình đã chứng quả; Thấy người tinh tấn tu hành thì lại sanh tật đố. Bởi chúng sanh nầy chưa đoạn trừ được ngã ái nên không nhập được Viên Giác thanh tịnh.
Nầy thiện nam, chúng sanh đời sau trong mong thành đạo, mà không cầu cho ngộ đạo. Chỉ ưa học nhiều, nói suông để tàng trử ngã tướng.
Hành giả phải phát tâm đại dõng mãnh, hàng phục các phiền não. Những pháp lành chưa chứng được phải tin tấn tu cho chứng. Các pháp ác chưa đoạn phải tin tấn đoạn cho được. Khi chạm cảnh không còn tham, sân, si, mạn ái, v.v...đều vắng lặng. Như Lai ấn chứng cho người nầy, lần lượt sẽ thành tựu được Viên Giác.
Trên đường tu hành, hành giả phải cầu Thiện Hữu Trí Thức chỉ dẫn, mới khỏi bị tà kiến. Song, nếu hành giả, đối với Thiện Trí Thức, lại phân biệt sang hèn, sanh tâm thương ghét, thì cũng không thể nhập được biển Viên Giác thanh tịnh.

Khi ấy, Đức Thế Tôn, muốn tóm lại nghĩa trên, nên nói bài kệ rằng:
Tịnh Nghiệp, ông nên biết
Tất cả các chúng sanh
Luân hồi từ vô thỉ
Đều do chấp ngã vậy
Nếu không trừ bốn tướng
Chẳng chứng quả Bồ Đề
Nếu còn tâm thương ghét
Hay tật đố si mê
Ấy là kẻ mê muội
Không được nhập Viên Giác
Người muốn được giác ngộ
Trước phải trừ tham, sân
Tâm hết chấp ngã, pháp
Mới được nhập Viên Giác
Thân nầy còn chẳng có
Thương ghét do đâu sanh?
Hành giả phải cầu thầy
Mới khỏi đoạn tà kiến
Cầu thầy mà phân biệt
Thi không nhập Viên Giác.
1
1

~~oOo~~

10. Chương Phổ Giác:

Khi ấy, ngài Phổ Giác Bồ Tát ở trong đại chúng đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, kính cẩn lạy Phật, và quỳ thẳng mà chắp tay bạch rằng:
Bạch Đức Đại Bi Thế Tôn, ngài đã vì chúng sanh nói các bịnh của người tu thiền, khiến cho đại chúng gội sạch các mê lầm nơi tâm và được an ổn. Đây là việc lợi ích lớn chưa từng có.
Bạch Đức Thế Tôn, chúng sanh đời sau cách Phật lần xa, các vị Thánh Hiền lại ẩn, tà sư ngoại đạo rất thạnh hành, vậy trên đường tu hành:
Phải cầu bực nào để dạy bảo?
Phải y phương pháp nào mà tu hành?
Phải làm theo hạnh nào?
Phải trừ những bịnh gì?
Phải phát tâm như thế nào?
Xin Phật từ bi chỉ dạy, khiến cho những chúng sanh còn mê muội, khỏi bị đọa tà kiến.
Ngài Phổ Giác Bồ Tát thưa thỉnh như vậy ba lần, cúi đầu kính lạy, rồi trở về chỗ cũ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn khen ngài Phổ Giác Bồ Tát và dạy rằng:
Nầy thiện nam, hay lắm, quý lắm. Ông vì chúng sanh đời sau, thưa hỏi Như Lai đường lối tu hành như thế. Đó là ông bố thí cho chúng sanh đời sau con mắt đạo vô úy, khiến cho chúng sanh đặng thành Thánh đạo. Vậy các ông hãy chăm chú nghe, ta sẽ vì các ông chỉ giáo.

Khi ấy, ngài Phổ Giác Bồ Tát và đại chúng đều hoan hỷ và lẳng lặng vâng nghe lời Phật chỉ giáo.
Nầy thiện nam, chúng sanh đời sau, muốn phát tâm đại thừa thì phải cầu Thiện Tri Thức, tức là những ngưi hiểu biết chơn chánh. Những vị ấy, tâm chẳng trụ ở nơi tướng phàm phu, và cũng không dính mắc nơi cảnh của Thinh Văn, Duyên Giác. Tuy hiện ở nơi cảnh trần lao mà tâm vẫn thường thanh tịnh. Có khi các vị ấy thị hiện đồng ở với người tội lỗi, mà thường khen ngợi hạnh thanh tịnh, không để cho chúng sanh làm việc tội lỗi.

Hành giả phải cầu những người như vậy, dạy bảo tu hành, để thành tựu quả Phật.

Nầy thiện nam, chúng sanh đời sau, nếu gặp Thiện Hữu Trí Thức như thế, phải hết lòng cúng dường, không tiếc thân mạng. Vị Thiện Trí thức nầy khi giữ bốn oai nghi thanh tịnh, hành giả cung kính đã đành, mà khi thị hiện lẫn lộn với chúng sanh làm các tội lỗi, để giáo hóa chúng sanh, hành giả cũng chớ nên sanh tâm khi dể.
Nầy thiện nam, đối với Thiện Hữu Trí Thức nầy mà hành giả không khởi một niệm khinh thường, thì hoa lòng sẽ được rộng nở, chiếu sáng khắp cả mưi phương thế giới và thành tựu quả Phật.

Nầy thiện nam, vị Thiện Trí Thức kia, đã chứng được diệu pháp và rời cả bốn bịnh sau nầy:
Như có người chấp như thế nầy: “Bản tâm của tôi, vì muốn cầu Viên Giác, nên làm tất cả các hạnh” . Song, tánh Viên Giác kia, không phải do làm mà được. Bởi hành giả lấy cái làm để cầu Viên Giác, nên gọi là bịnh tác.

Nầy thiện nam, như có người chấp như thế nầy: “Tôi nay không cầu đoạn sanh tử và cũng không cầu Niết Bàn. Người muốn cầu Viên Giác, chớ nên móng niệm diệt sanh tử hay khởi Niết Bàn, mặc tình cho sanh tử hay Niết Bàn, tùy pháp tánh mà sanh hay diệt”.
Hành giả chấp như thế gọi là bịnh nhặm; Vì tánh Viên Giác kia đâu có phải để mặc kệ như vậy mà nhập được.

Nầy thiện nam, như có người chấp như thế nầy: “Tôi nay muốn cầu Viên Giác, nên phải diết hết các vọng niệm, đặng tất cả pháp bình đẳng vắng lặng”.
Chấp như thế là bị bịnh chỉ; Vì tánh Viên Giác kia, đâu có phải do dừng chỉ các vọng mà nhập được.

Nầy thiện nam, như có người chấp như thế nầy: “Tôi nay muốn cầu Viên Giác, nên vĩnh viễn đoạn các phiền não, nào thân tâm, nào cảnh vật, tất cả đều hư vọng không thật có, rốt ráo vắng lặng”. Dùng cái diệt mà cầu Viên Giác như thế là mắc bịnh diệt; Vì tánh Viên Giác đâu có phải chỉ vắng lặng.
Tóm lại, người cầu đạo phải rời bốn bịnh trên, mới được nhập Viên Giác thanh tịnh. Người quán sát để trừ bốn bịnh như trên là chánh quán; Nếu làm trái lại là tà quán.

Nầy thiện nam, nếu chúng sanh đời sau muốn tu hành, suốt đời phải kỉnh trọng cúng dường Thiện Hữu Trí Thức. Khi Thiện Hữu Trí Thức ở gần gũi, hành giả chớ sanh tâm khi lờn; Khi Thiện Hữu Trí Thức đi xa, hành giả chớ sanh tâm hờn giận.
Khi Thiện Hữu Trí Thức hiện ra cảnh thuận hay nghịch, tâm hành giả phải như hư không, chớ nên thay đổi. Hành giả phải rõ biết: “Thân tâm mình cùng thầy bạn và các chúng sanh, đồng một bản thể bình đẳng, rốt ráo không khác”. Hành giả phải tu hành như thế, mới nhập được Viên Giác.
Nầy thiện nam, chúng sanh đời sau không được thành đạo, đều do tất cả hạt giống thương ghét, nhơn ngã từ vô thỉ đến giờ. Vì thế nên chẳng được giải thoát.
Nếu người xem oan gia cùng cha mẹ không khác (nghĩa là đồng cung kỉnh tôn trọng thương kính cũng như là cha mẹ của mình), đối với các pháp, tâm cũng không thương ghét, phân biệt tự tha, thì người ấy sẽ trừ được các bịnh.
Nầy thiện nam, chúng sanh đời sau muốn cầu Viên Giác, thì phải phát tâm như thế nầy: “ Tôi nguyện độ tất cả chúng sanh khắp cả hư không đều được rốt ráo vào Viên Giác; Người vào được Viên Giác, không chấp ở nơi Viên Giác; Trừ hết các tướng nhơn và ngã, v.v... “ Phải phát tâm như vậy, mới khỏi đọa vào tà kiến.

Khi ấy Đức Thế Tôn muốn tóm lại nghĩa trên, nên nói bài kệ rằng:
Phổ Giác, ông nên biết
Các chúng sanh đời sau
Muốn cầu Thiện Trí Thức
Phải cầu người chánh kiến
Tâm xa lìa nhị thừa
Và trừ bốn món bịnh
Làm, dừng, mặc kệ, diệt
Gần thầy chớ khinh lờn
Cách thầy chớ sầu hận
Thấy những cảnh giới lạ
Tâm phải sanh hi hữu
Xem như Phật ra đời
Chẳng phạm các tội lỗi
Giới căn hằng thanh tịnh
Độ tất cả chúng sanh
Rốt ráo vào Viên Giác
Không còn tướng ngã nhơn
Phải y chánh trí huệ
Mới được khỏi tà kiến
Chứng giác vào Niết Bàn.
1
1

~~oOo~~

11. Chương Viên Giác:

Khi ấy, ngài Viên Giác Bồ Tát ở trong đại chúng đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, rồi lạy Phật và quỳ thẳng và chắp tay bạch rằng:
Bạch Đức Đại Bi Thế Tôn, ngài đã vì chúng con rộng nói các phương tiện để nhập Viên Giác thanh tịnh, khiến cho chúng sanh đời sau đặng lợi ích lớn.
Bạch Đức Thế Tôn, chúng con ngày nay đã được khai ngộ rồi. Nếu sau khi Phật nhập diệt rồi, chúng sanh đời sau chưa được khai ngộ, thì làm sao an cư để tu tập cảnh giới Viên Giác thanh tịnh nầy? Và ba pháp quán thanh tịnh Viên Giác đây, phải tu pháp nào trước?
Cúi xin Đại Bi Thế Tôn vì đại chúng và chúng sanh đời sau, bố thí cho chúng con được lợi ích lớn.
Ngài Viên Giác Bồ Tát thưa thỉnh như vậy ba lần, kính lạy dưới chân Phật rồi trở lui.

Khi ấy, Đức Thế Tôn khen ngài Viên Giác Bồ Tát và bảo rằng:
Nầy thiện nam, hay lắm, quý lắm. Ông thưa hỏi Như Lai những phương tiện tu hành, thế là ông bố thí cho chúng sanh lợi ích rất lớn. Vậy các ông nên lóng nghe, ta sẽ vì các ông mà chỉ giáo.
Nầy thiện nam, khi Phật còn tại thế, hoặc nhập diệt rồi, hay đời mạt pháp, nếu có chúng sanh nào có đủ căn tính đại thừa, tin cái tâm Viên Giác của Phật, phát tâm tu hành. Như ở Già Lam thì phải lo xếp đặt chúng tăng, hoặc có những duyên sự khác không thể chuyên tu tập được, thì tùy phận của hành giả, tư duy và quán sát các pháp môn mà ta đã dạy trước.
Nếu không có nhơn duyên khác, thì hành giả phải lập đạo tràng và định thời kỳ tu tập. Nếu thời gian dài thì 120 ngày, vừa thì 100 ngày, ngắn thì 80 ngày.
Cách bày trí trong tịnh thất, phải treo tràng phan và đủ cả hương hoa. Như Phật còn tại thế thì nên chánh suy nghĩ. Nếu Phật nhập diệt rồi thì nên an trí hình tượng Phật, mắt nhìn, tâm tưởng nhớ, kính đồng như Phật còn hiện tại.
Trải qua 21 ngày đầu, hành giả kính lạy danh hiệu của các Đức Phật trong mười phương và chí thành sám hối. Nếu gặp cảnh giới tốt, thì hành giả tâm được nhẹ nhàng thơ thới. Qua 21 ngày rồi, hành giả phải chuyên nhiếp vọng niệm.

Nầy thiện nam, nếu gặp đầu mùa hạ ba tháng an cư, thì hành giả phải an trụ nơi hạnh thanh tịnh của Bồ Tát, tâm lìa tư tưởng của Thinh Văn, không nhờ đồ chúng.
Đến ngày an cư, hành giả phải đối trước Phật phát nguyện như vầy: Con là Tỳ-khưu (hoặc Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di) nguyện tu theo hạnh tịch diệt của Bồ Tát thừa, trụ trí nơi thật tướng, lấy Đại Viên Giác làm Già Lam. Thân tâm con an cư nơi bình đẳng tánh trí hay tự tánh Niết Bàn, không có hệ thuộc xứ sở.
Con nay chẳng y theo Thinh Văn, con kính thỉnh mười phương chư Phật và các vị Bồ Tát, cùng với con đồng làm pháp an cư ba tháng.
Con vì một nhân duyên lớn mà tu Bồ Tát hạnh, cầu chứng quả vô thượng Diệu Giác, nên không hệ phược đồ chúng.
Tu như thế mãn ba thời kỳ rồi, tùy ý hành giả ra vào vô ngại. Đây gọi là Bồ Tát thị hiện an cư.

Nầy thiện nam, như có chúng sanh đời mạt pháp muốn tu hành cầu đạo Bồ Tát, trong khi tu ba thời kỳ nầy, nếu thấy có các thắng cảnh hiện ra, mà không đúng như hành giả đã nghe thấy, thì quyết không nên chấp thủ

Nầy thiện nam, như có các chúng sanh tu pháp Chỉ, trước giữ chỗ chí tịnh, không khởi vọng niệm nhớ nghĩ, do yên lặng tột bực, nên trí giác hiện ra. Như vậy, từ khi mới bắt đầu tịnh và ở một thân, cho đến cả một thế giới đều tịnh cũng thế, trí giác bắt đầu hiện ra ở một thân, cho đến khắp cả một thế giới đều giác.

Nầy thiện nam, khi trí giác đã hiện khắp một thế giới, thì trong thế giới ấy, nếu có một chúng sanh nào, mống lên một niệm, lúc bấy giờ hành giả đều biết cả. Cho đến trăm ngàn thế giới cũng thế.
Các cảnh giới ấy, nếu không phải đúng như sự nghe thấy của hành giả, thì quyết chẳng nên chấp thủ.

Nầy thiện nam, nếu có chúng sanh tu pháp Quán, thì trước phải nhớ tưởng mười phương các Đức Phật và các vị Bồ Tát, rồi y theo các pháp môn của Phật dạy đó mà siêng năng cần khổ, tuần tự tu hành, đặng thành tam muội và phát nguyện rộng lớn, tự huân tập thành chủng tử. Trong lúc tu, nếu có hiện ra những cảnh giới gì mà không đúng như chỗ thấy nghe của hành giả, thì chớ nên chấp thủ.

Nầy thiện nam, nếu có chúng sanh muốn tu Thiền na, thì trước phải tu hành pháp môn sổ tức: Trong tâm, hành giả biết rõ được mỗi niệm khi sanh, trụ, dị, biệt; Phân biệt được ranh giới và số mục của các niệm. Cho đến khắp cả bốn oai nghi, hành giả cũng đều hiểu biết phân biệt được rõ ràng số mục các niệm. Lần lượt tăng tiến cho đến trăm ngàn thế giới, dầu vật nhỏ như một hạt mưa, hành giả cũng đều biết hết, cũng như con mắt thấy các vật dụng. Trong khi tu, nếu như có thấy hiện ra các cảnh giới gì không đúng như sự thấy nghe của hành giả, thì không nên chấp thủ.
Đây là phương tiện đầu tiên tu hành của hành giả, tức là ba pháp quán. Nếu các chúng sanh tinh tấn siêng tu ba pháp quán nầy được hoàn toàn, tức là Như Lai xuất hiện ở thế gian.
Nầy thiện nam, nếu chúng sanh đời mạt pháp, tâm muốn cầu đạo, nhưng vì nghiệp chướng đời trước nặng nề, căn tánh ám độn, nên tu hành khó thành tựu, thì phải siêng năng sám hối, thường sanh trong tâm trông mong đoạn trừ các phiền não: Thương, yêu, ghét, tật đố, dối nịnh, v.v...và tìm cầu quả vị cao thượng thù thắng.
Đối với ba pháp quán thanh tịnh nầy, tùy hành giả tu một pháp. Nếu tu pháp quán nầy không thành tựu, thì tu pháp quán khác, phải lần hồi cầu chứng, chớ nên thối tâm buông bỏ.

Khi ấy Đức Thế Tôn, muốn tóm lại các nghĩa nầy, nên nói bài kệ rằng:
Viên Giác, ông nên biết
Tất cả các chúng sanh
Muốn cầu Đạo Vô Thượng
Phải lập ba thời kỳ
Hai mươi mốt ngày đầu
Sám hối nghiệp vô thỉ
Vậy sau, chánh suy nghĩ
Chẳng đúng cảnh đã nghe
Thì chẳng nên chấp thủ
Pháp Chỉ: rất tịch tịnh
Pháp Quán: Chánh nhớ nghĩ
Thiền Na: rõ đếm hơi
Thế gọi là tịnh quán
Người siêng năng tu tập
Đó là Phật hiện thế
Kẻ độn căn chẳng thành
Thì phải riêng sám hối
Các tội từ vô thỉ
Các tội chướng tiêu rồi
Cảnh Phật liền hiện trước.
1
1

1~~oOo~~

PHẦN LƯU THÔNG

12. Chương Hiền Thiện Thủ:

Khi ấy, ngài Hiền Thiện Thủ Bồ Tát ở trong hàng đại chúng đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật ba vòng rồi quỳ thẳng, chắp tay bạch Phật rằng:
Bạch Đức Đại Bi Thế Tôn, ngài đã vì chúng con và các chúng sanh đời sau, rộng giảng dạy cho chúng con hiểu ngộ được những việc không thể nghĩ bàn.
Bạch Thế Tôn:
Kinh Đại Thừa này tên gì?
Chúng con làm sao phụng trì?
Chúng sanh tu theo kinh nầy sẽ được công đức gì?
Chúng con làm sao bảo hộ những người thọ trì kinh nầy?
Phải truyền bá kinh nầy ở địa vị nào?
Ngài Hiền Thiện Thủ Bồ Tát thưa thỉnh như vậy ba lần, kính cẩn lạy Phật rồi trở lui.

Khi ấy, Đức Thế Tôn khen ngợi ngài Hiền Thiện Thủ Bồ Tát và dạy rằng:
Nầy thiện nam, hay lắm, quý lắm. Ông vì Bồ Tát và các chúng sanh đời sau, thưa hỏi Như Lai tên kinh và công đức trì kinh nầy. Các ông nên chăm chú nghe lời ta chỉ giáo.
Nầy thiện nam, kinh nầy không phải chỉ một mình ta nói, mà các Đức Phật trong mười phương nhiều như trăm ngàn muôn ức lần số cát sông Hằng, cũng đều nói kinh nầy. Các Đức Phật trong ba đời đều bảo hộ kinh nầy. Mười phương các vị Bồ Tát đều quy y kinh nầy. Kinh nầy là tròng con mắt của mười hai bộ kinh. Kinh nầy có năm tên:

1. Đại Phương Quảng Viên Giác Đà-La-Ni Kinh
2. Tu Đa La liễu nghĩa kinh
3. Bí Mật Vương Tam Muội Kinh
4. Như Lai Quyết Định Cảnh Giới Kinh
5. Như Lai Tạng Tự Tánh Sai Biệt Kinh.
Các ông phải hết lòng cung kính phụng trì kinh nầy.

Nầy thiện nam, kinh nầy nói về cảnh giới của Như Lai, nên duy có Phật mới hay biết; Còn các vị Bồ Tát và chúng sanh đời sau, chỉ y theo đây mà tu hành lần hồi tiến đến địa vị Phật.
Nầy thiện nam, Kinh nầy tên Đại Thừa Đốn Giáo. Những chúng sanh đốn cơ mới có thể do kinh nầy được khai ngộ. Kinh nầy cũng tiếp độ các chúng sanh về tiệm tu. Bởi thế, nên kinh nầy cũng như biển cả, không nhượng các dòng sông nhỏ. Lớn như thần A Tu La, và nhỏ như loài muỗi mòng, uống nước đều no bụng cả.
Nầy thiện nam, giả sử có người dùng toàn bảy món báu, chứa đầy cả đại thiên thế giới đem ra mà bố thí; Công đức của người ấy rất lớn, nhưng không bằng có người nghe tên kinh nầy, cho đến chỉ nghe nghĩa một câu, công đức người nầy nhiều hơn.
Nầy thiện nam, giả sử có người giáo hóa chúng sanh tu hành chứng được quả A La Hán nhiều đến trăm ngàn lần số cát sông Hằng, nhưng không bằng có người giảng nói kinh nầy, cho đến rất ít là chỉ giảng nữa bài kệ, công đức của người sau này nhiều hơn.
Nầy thiện nam, nếu có người nghe kinh nầy tin tưỡng không nghi ngờ, thì biết người đó đã trồng phước huệ không những ở một đời Phật, hoặc hai đời Phật, mà người nầy đã trồng căn lành từ nhiều đời Phật, nhiều như số cát sông Hằng, cho nên nay nghe đến kinh nầy, mới hay tin thọ.
Nầy các thiện nam, các ông phải bảo hộ những người tu hành thời Mạt Pháp, chớ để các loài ác ma và ngoại đạo làm não loạn thân tâm của người tu hành, khiến cho họ thối tâm.
Khi ấy, trong pháp hội, có tám vạn Thần Kim Cang, như ông Hỏa Đầu Kim Cang, Tồi Toài Kim Cang, Ni Lam Bà Kim Cang, cùng với quyến thuộc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, rồi kính cẩn lạy Phật và thưa rằng:
Bạch Thế Tôn, nếu các chúng sanh đời sau, có người nào thọ trì kinh Đại Thừa nầy, thì chúng con nguyện bảo hộ cho người ấy như giữ gìn tròng con mắt. Cho đến chỗ đạo tràng của người này tu hành, chúng con cũng nguyện dẫn hết binh tướng đến đó, sớm chiều bảo hộ, khiến cho họ chẳng thối chuyển. Chỗ nhà cửa của người nầy ở, hằng không có tai chướng, các tật bịnh đều tiêu hết, của báu giàu có, thường chẳng thiếu thốn.
Khi ấy, ông Đại Phạm Vương, và 28 vị Thiên Vương, cùng ông Tu Di Sơn Vương và Hộ Quốc Thiên Vương, v.v...đều đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, kính cẩn lạy Phật và thưa rằng:
Bạch Thế Tôn, chúng con nguyện cũng bảo hộ người thọ trì kinh nầy, thường được an ổn, tâm chẳng thối lui.
Khi ấy, có Đại Lực Quỷ Vương tên là Cát Bàn Trà, cùng với 10 vạn Quỷ Vương, đứng dậy, đi quanh bên hữu của Phật ba vòng, rồi lạy Phật mà thưa rằng:
Bạch Đức Thế Tôn, chúng con cũng nguyện sớm chiều hộ vệ người thọ trì kinh nầy, khiến cho họ không thối lui. Chỗ của người trì kinh ở, trong khoảng một do tuần (10 dặm), nếu có chúng quỷ thần nào đến xâm phạm cảnh giới nầy, thì chúng con sẽ đập nó nát như vi trần.
Khi ấy, tất cả đại chúng như các vị Bồ tát, Thiên, Long, Quỷ, Thần, và quyến thuộc của tám bộ Quỷ Thần và chư Thiên, Phạm Vương, v.v...nghe Phật nói kinh nầy rồi đều hoan hỷ, tín thọ, và phụng hành.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TAM THANH.( MHDT ).16/6/2012.

No comments:

Post a Comment