I. DẪN NHẬP
Một hôm, Bà-la-môn Brahmayu hỏi đức Phật: “Kính thưa ngài Cồ-đàm, tôi có vài thắc mắc muốn hỏi Ngài”. Đức Phật mời ông nêu ra những thắc mắc trong lòng, và đạo sĩ nêu ra các câu hỏi qua một bài kệ bốn câu, đại ý chính là: Làm thế nào để được gọi là Phật, một bậc Giác ngộ? Đức Phật trả lời qua bốn câu kệ như sau:
“Những gì cần biết rõ, Ta đã biết rõ;
Những gì cần từ bỏ, Ta đã từ bỏ;
Những gì cần tu tập, Ta đã tu tập;
Do vậy, này Bà-la-môn, Ta là Phật”.
Câu trả lời ngắn gọn này giúp chúng ta biết về ba đặc tính của một bậc Giác ngộ. Đây không chỉ là ba đặc tính của một vị Phật, mà còn là ba mục tiêu Tăng sĩ trẻ chúng ta phải hướng đến khi thực hành những lời Phật dạy.
II. NỘI DUNG
II.1. ĐỊNH HƯỚNG: HỌC ĐỂ TU
Hiện tại, Tăng Ni trẻ (TNT) có rất nhiều cơ hội để học tập theo ý muốn và sở thích của mình tại các trường trong đạo cũng như ngoài đời. Nâng cao tri thức, mở rộng tầm nhìn, phát triển trí tuệ là điều đáng quí, nhưng TNT cần phải xác lập tư tưởng trước khi đến trường là học để làm gì? Chính vì không có định hướng rõ ràng cho việc học nên hầu hết TNT học không hết mình, học không tập trung và hệ quả tất yếu là không đạt chất lượng yêu cầu trong đào tạo, cuối cùng không được trưng dụng sau khi tốt nghiệp rồi sanh ra chán nản, thất chí, buồn phiền và thể hiện lối sống tiêu cực, chán đời, lắm lúc bất cần, ngông cuồng, si mạn.
Lỗi tại ai? Lỗi bởi đâu? TNT mang cả nhiệt huyết tràn đầy và chí nguyện cao cả bước vào cửa thiền, mong một ngày kia dứt mọi lậu hoặc. Thế nhưng, ngày tháng trôi qua, nhịp mõ lời kinh không còn là nỗi ngỡ ngàng trong các thời tụng niệm sớm tối đối với TNT nữa, mà thay vào đó là sự thôi thúc của những tư tưởng siêu việt như “hòa quang đồng trần”, tuyệt vời như “nhập thế độ sanh”, thánh thiện như “xuất trần thượng sĩ”… mà TNT tình cờ nghe thấy được qua lời khoe khoan sáo rỗng của các sư huynh đang đi học.
Mỗi người một cơ duyên đến cửa thiền học đạo, vị thầy tế độ biết rõ hơn ai hết về cơ duyên học đạo của đệ tử mình mà hướng dẫn hoặc trợ duyên cho đệ tử tựu thành đạo nghiệp. Ngày đầu đến cầu học đạo với thầy thì nhất nhất cũng thầy, nhưng nghe thấy bạn bè rủ rê, huynh đệ xúi giục thì thầy tổ cũng chỉ là “ông lái đò” trên con đường dài kiếp nhân sinh, còn nhiều ông lái đò và nhiều bến sông khác đang mở ra chào đón bước lữ thứ của khách hồng trần. “Cơ hội không đến lần thứ hai”, nghĩ thế nên TNT sẵn sàng dứt áo ra đi, bỏ lại sau lưng bao ân tình và lời cảnh tỉnh của vị thầy được gán ghép đầy định kiến: cố chấp, độc tài, lỗi thời… Học để làm gì mà lại vô tình bạc nghĩa như thế? Học đạo lý gì mà lại đánh mất đạo nghĩa thầy trò như thế?
Biết bao vị thầy đã rơi nước mắt vì những người đệ tử đang theo sự nghiệp “đi học”, và cũng biết bao vị thầy bị đệ tử từ chối hay nói đúng hơn là bất cần vì tiếng gọi “thiêng liêng” của sứ mạng “đi học”. Tôi không quy hết trách nhiệm cho các vị đệ tử bồng bột, nhưng các TNT có lối sống vô tình mạnh dạn và công khai như thế một phần cũng do các vị thầy quá dễ dãi khi thu nhận học chúng vào trụ xứ, thậm chí còn chấp nhận tâm nguyện thỉnh cầu của TNT dưới hình thức cầu y chỉ. Phương tiện đó sao? Xin hỏi một câu nhỏ với các TNT: rằng các vị đã sử dụng điện thoại di động đúng nghĩa với mục đích trao đổi thông tin và liên lạc hoàn toàn trong sạch với các đối tượng trong học tập khi xa thầy tổ mình không? Các vị có hoàn toàn thư giãn bằng các phương thức thuần tịnh của thiền môn khi sống ngoài tầm kiểm soát của thầy tổ mình không? Đó, có lẽ các vị đã hiểu được lý do vì sao thầy của mình lại khó khăn, cố chấp và cứng rắn hơn khi nhận thấy tín hiệu của đệ tử sắp bước vào “chân trời lạ” của ước nguyện đi học.
Không một vị thầy nào muốn đệ tử của mình ngu dốt trong ứng xử, nghèo nàn trong kiến thức, và ù lì trong tu tập. Học để tu, ý niệm này luôn canh cánh bên lòng của người xuất gia trẻ tuổi và cũng là cẩm nang của các vị thầy trao gởi cho những đứa con trong cửa thiền của mình. Người không có chí hướng thượng trong tu tập cho dù có học tập nhiều trường, tốt nghiệp lắm bằng thì cũng chỉ là sâu mọt trong Phật pháp.
“Hãy nhìn vào thân xác các con, các con sẽ thấy cái thân xác đó ô uế biết chừng nào. Khi các con hiểu được rằng lạc thú lẫn đớn đau của thân xác cũng chỉ là cội nguồn chung của khổ đau, khi hiểu được như thế, các con sẽ không thể nào tự buông lỏng cho dục vọng chi phối các con. Hãy nhìn vào tâm thức các con, các con sẽ thấy cái tâm thức đó biến dạng không ngừng. Vì thế các con sẽ không thể nào tự buông rơi vào chính những ảo giác của tâm thức, để rồi tự duy trì những kiêu căng và ích kỷ do tâm thức tạo ra, nhất là khi các con đã hiểu rằng những xúc cảm đó nhất định chỉ mang đến khổ đau mà thôi.” TNT hãy nhớ những lời cuối này của đức Phật dạy chúng đệ tử tại rừng Ta-la, thì bây giờ hay ngày mai, đời này hay đời sau cũng đều giữ được đạo tâm trong sáng của thuở ban đầu, sau khi rời thầy tổ mà đi học.
II.2. HÒA NHẬP ĐỂ CỐNG HIẾN
Khi định hướng được việc học trên nền tảng giới định huệ thì học ở đâu, học cái gì không còn là vấn đề lo âu của các vị thầy bổn sư. Thực tế, TNT có khi chỉ vì muốn thoát khỏi sự quản lý của thầy mình mà đi học, thậm chí, thấy người khác đi học thì nôn nao muốn đi học chứ không hề có ý tưởng gì, tất cả đều mờ ảo cho một định hướng như đi trên con đường vô định, cứ gặp đâu thì học đó và được phủ bằng 2 chữ “tùy duyên” rất đạo vị. Đây chính là nguyên nhân của tình cảm và niềm tin giữa thầy trò ngày một xói mòn.
TNT không quán cơ duyên của bản thân nên không phát huy hiệu quả dù đã đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền của cho nghiệp học. Học với tâm nguyện hoàn bị nhận thức lộ trình tu tiến thì mới thấy rõ những gì cần thấy, rồi từ bỏ những gì cần từ bỏ, và hạ thủ công phu tu tập những gì cần tu tập. Phần đông chúng ta, từ khi mới chào đời cho đến lúc chết, tâm ta thường hướng ra ngoài, tầm cầu không ngưng nghỉ những khoái lạc giác quan, để củng cố bản ngã, để xác nhận quan niệm về sự hiện hữu của cái tôi. Rất ít người chịu ngồi lại, quán soi, để trả lời câu hỏi: Cái gọi là “tôi” thật sự là gì? Cái gì là “tôi” phía sau những gì thường được quy chiếu vào đó? Nếu ta dừng lại, và chỉ suy tư trong giây phút, ta sẽ thấy đó là câu hỏi quan trọng nhất cần phải được nêu ra.
Kinh Viên Giác, Bồ-tát Văn Thù hỏi đức Phật: “Cái gì là nhân sanh tử luân hồi?” Đức Phật dạy: “Người chấp thân tứ đại giả hợp là thân thật, chấp tâm hư giả sinh diệt là tâm thật, đó là nhân luân hồi sanh tử”. Điều cần được nhận thức là mình và mọi người đang bị chìm trong khổ đau sanh tử, mệt mỏi trong vòng xoáy luân hồi, chính vì lẽ đó mà mình đang đi tìm lời giải đáp bằng con đường tìm cầu đạo lý: Đi học. Trọng trách của vấn đề đi học đã được xác lập, nó không còn là phong trào như nước vỡ bờ mà nghiễm nhiên trở thành thệ nguyện. Người có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng thì phải thao thức với thệ nguyện của mình; đã từng thao thức với thệ nguyện thì làm sao có thể lạm dụng niềm tin của mọi người làm phương tiện tô đắp cho lối sống hướng về hưởng thụ dục lạc thế gian. Một khi học để cầu danh lợi thì TNT đánh mất giá trị cống hiến, tâm niệm “lợi lạc hữu tình” đã bị biến dạng trong pháp hành dưới mọi hình thức ảo hóa.
Trong xu hướng hội nhập ngày nay để không bị tụt hậu, TNT lại có quan điểm sai lầm là học để có bằng cấp. Vấn đề tế nhị này cần nhìn lại một cách nghiêm túc trong công tác giáo dục Phật giáo mới không dẫn đến sự ngộ nhận trong định hướng của TNT thời hiện đại. Bằng mọi cách, TNT cố gắng lấy cho được mãnh bằng càng cao càng tốt để mong tìm được một chỗ làm việc mà khẳng định vị trí của mình cho thỏa mãn cái tôi, chứ không đặt trách nhiệm cống hiến lên hàng đầu. TNT được ảnh hưởng quan niệm bằng cấp từ cơ chế đào tạo và xu hướng cơ cấu nhân sự, tuyển dụng người làm của một vài vị làm công tác quản lý giáo dục hiện nay, dẫn đến phong trào chạy đua theo bằng cấp mà không có thực học thì dẫn đến hiện tượng thừa bằng cấp thiếu chất xám. Thật sự, bằng cấp có cần thiết đến mức đặt ra để làm qui chuẩn quyết định cho tu sĩ chúng ta trên lộ trình tu tập lợi mình lợi người không?
Một vài TNT chịu khó chịu khổ du phương tham học, hình ảnh này đẹp vô cùng. Giữa những người xa lạ mong tìm lấy một người quen còn khó huống chi gặp được một người thân; sống lăn lộn nơi đất khách quê người vùi đầu trong sách vở đã mệt, kiếm tiền đóng học phí và sinh hoạt lại còn trăm phần cay đắng hơn. Ai người thấu được nỗi niềm của du học sinh trong cảnh nghèo khó, bệnh tật, ăn uống qua loa…? Cầm được mãnh bằng trong tay để về đất mẹ, nước mắt đã thấm đẫm được đong từ ngày chia xa, thật đáng trân quý vạn lần! Văn bằng đó đã được kết tinh từ tâm nguyện và nước mắt, nỗ lực và kiên nhẫn, gian nan và tấm lòng…thì chúng tôi luôn tin nó sẽ là mùa hoa thơm trái ngọt hiến dâng cho đời.
II.3. PHỤNG SỰ ĐỂ THĂNG HOA
“Trầm luân từ vô thủy
Nước mắt như đại dương
Cuộc đời đầy tang thương
Xương trắng khắp đại địa.”
Nước mắt như đại dương
Cuộc đời đầy tang thương
Xương trắng khắp đại địa.”
Không có gì gọi là bi quan khi nhìn đời như thế cả, trái tim lửa và sức sống trẻ của TNT luôn sẵn sàng hòa nhập cuộc đời để làm tươi mát cuộc đời hơn bằng chính cách nhìn thẩm thấu từ thực trạng đau thương của cuộc đời. Thời gian đầu vào cửa thiền là thời kỳ phát nguyện của TNT, thời gian học tập là thời kỳ lập nguyện và sau đó thì phải dốc lòng thực hiện hạnh nguyện của mình trên hai phương diện: xoa dịu nỗi đau tha nhân và phụng sự Tam bảo.
Trong khi hòa nhập cuộc đời làm lợi lạc tha nhân trả nợ đàn-na tín cúng, TNT cũng phải tận tâm phụng sự Giáo hôi để đền ơn Tam bảo và Thầy tổ. Lý tưởng phụng sự phải được thực hiện song hành với công hạnh phục vụ tha nhân, vì một khi ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng thì đương nhiên sẽ thấy được các nhân duyên giúp mình trưởng thành trong đạo pháp. Được tiếp nối truyền thống nếp sống đẹp của từ bi, trí tuệ thì trách nhiệm củng cố, đắp xây ngôi nhà chung Phật pháp là chuyện không thể thiếu đối với các TNT sau khi được thầy tổ lo cho học hành. Nói khác hơn, TNT phải cảm nhận được mình là một mắt xích quan trọng nối liền giữa sự bảo tồn truyền thống và phát huy ánh đạo ở tương lai. Điều này không phân biệt có hay không có bằng cấp, mà đó là tấm lòng của con người khi biết nghĩ về những ân nghĩa mình đã nhận trong đời tu sĩ, mà ân đức của Tam bảo to lớn vô cùng.
Dù biết rằng giữa trùng trùng duyên khởi, thì xá gì chút nhân duyên giả hợp cõi hồng trần huyễn mộng này. Nhưng giá như không có chút ân nghĩa của thầy bạn tác thành, chút duyên tạm mái chùa xưa thì liệu mình có được ngày hôm nay không? Tinh thần kế thừa luôn được đưa lên hàng đầu và phải có trách nhiệm làm cho ngôi nhà chung Phật pháp mãi vững bền tại thế gian là chuyện không của riêng ai trong giới tăng sĩ chúng ta. Có gắn liền với tang thương mới thấy giá trị vun đắp, có chứng kiến đổ nát mới thấy giá trị của vững bền, và có dấn thân làm Phật sự mới cảm nhận được trách nhiệm nặng nề đã và đang đè lên đôi vai các vị Tôn túc.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình, phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành. Phải không anh? Phải không em? Chân lý thuộc về mọi người, không chịu sống đời nhỏ nhoi.” Trần Long Ẩn viết khúc hát này dành cho thanh niên mang lý tưởng phụng sự xã hội như tiếng giục giã TNT không ngại khó khi dấn thân thừa hành Phật sự, hoàn toàn chỉ mang ý niệm làm rạng ngời chân lý của đạo từ bi, chứ không phải đua chen chốn quan trường cầu danh hay trục lợi. Và để thành công chuyện hoằng hóa độ sanh, nối thạnh dòng Phật, nhất định TNT không được lãng quên chuyện lớn đời tu sĩ: hạ thủ công phu.
II.4. HẠ THỦ CÔNG PHU
Lúc đức Phật ở vườn Trúc, nước La-duyệt-kỳ. Hôm ấy thọ trai xong, trở về, giữa đường gặp một người lùa bầy bò mập béo, chúng chạm sừng, đấu húc, nhảy múa, đức Phật bèn nói ba bài kệ:
Như người đuổi bò kia
Nuôi bò để ăn thịt
Nuôi mạng để làm gì?
Để cấp cho già chết
***
Trăm năm chẳng có một
Họ hàng nam cùng nữ
Của cải nhiều tích trữ
Không vật nào không mất
***
Sống một ngày một đêm
Họ hàng nam cùng nữ
Mạng tự gọt, tự chuốt
Còn gì? Cái giếng không!
Về tinh xá Trúc Lâm, tôn giả A-nan bạch đức Phật về ý nghĩa ba bài kệ. Phật dạy:
- Bầy bò đó trước đây cả ngàn con, được người nuôi mập béo rồi làm thịt bán. Đến nay chỉ còn phân nửa mà chúng nào biết, cứ lo vui vẻ nhảy múa, đấu sừng, la rống.
Thấy vậy, Ngài thương hại mà nói lên ba bài kệ ấy. Đức Phật lại so sánh với người đời:
- Họ cứ chấp có ta, dốt về lẽ vô thường, lo ăn uống, ngủ nghỉ, nuôi dưỡng thân mình cho khoái tâm vừa ý, là nuôi giặc mà không hay. Vô thường chực sẵn đó, chết đến không kỳ hạn, thế mà mờ tối chẳng biết, so với bầy bò có khác gì!
Cuộc sống vốn nhiều biến đổi, vô thường chi phối từng sát-na sanh diệt, hạ thủ công phu luôn được tuân thủ nghiêm mật trong sinh hoạt thường nhựt của đời sống tăng sĩ. TNT có suy nghĩ sai lầm là dấn thân vào các Phật sự mới gọi là làm Phật sự, thực chất, nếu mình nghiêm trì giới luật, tuân thủ thời khóa, gìn giữ oai nghi, chăm lo phạm hạnh thì chính là thừa hành Phật sự. Đơn giản, vì một tu sĩ luôn tu tập nghiêm túc như thế suốt tháng trọn năm thì có năng lực phát khởi tín tâm đối với Phật tử và phát sinh tuệ giác cho hậu côn, công đức này khác gì hoằng hóa lợi sanh, trang nghiêm giáo hội.
Một tu sĩ tinh tấn tu hành, chuyên trì phạm hạnh vẫn chiếm nhiều tình cảm người khác hơn tu sĩ có nhiều bằng cấp mà khinh bạc thầy tổ, lấn lướt đồng tu, xem thường Phật tử. Luận Tỳ-ba-sa có ghi: “… Học mãi không chán đủ như biển nuốt trăm sông” thì TNT học bao nhiêu gọi là đủ để tự cao tự đại, bằng cấp nào gọi là cao để xưng danh xưng tánh? Nếu TNT có học mà có hạnh thì đời nào, ở đâu cũng được mọi người trọng dụng, kính nể. Chỉ e vô tài bất tướng mà đòi ăn trên ngồi trước thì khó mong tồn tại, không khéo lại biến tướng thành kẻ “lạm xí tăng luân” mang tội danh thiên cổ.
Không thể phủ nhận sự cống hiến trí tuệ của TNT trong công cuộc hoằng truyền chánh pháp qua từng thời kỳ lịch sử, nhưng cũng không ít hiện tượng lập tông lập phái gây hậu quả nghiêm trọng khó khắc phục. Sáng tạo trong phương thức hoằng pháp của các TNT phù hợp với thời đại là điều tất yếu và rất đáng tán dương, nhưng nếu pháp tu truyền thống của Phật giáo Việt không có giá trị chuyển hóa thì làm sao tồn tại giữa lòng dân tộc suốt hơn 2000 năm qua? Do vậy, TNT cần thận trọng chớ có mạo hiểm quá đà trong sáng tạo hoằng hóa khi chưa thể nghiệm, chưa thật sự am tường các pháp hành. Nếu không làm an lạc cuộc đời bằng chánh kiến thì TNT không nên gây thêm ngộ nhận trong Phật tử bằng kiến chấp cá nhân với mục đích muốn được mọi người biết đến mình như một vài sự kiện lạ đáng tiếc gần đây xuất hiện trong giới tu sĩ trẻ “bức phá”.
III. KẾT LUẬN
Kinh Bốn điều quán niệm, Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Này các vị Khất sĩ, đây là con đường duy nhất để giúp chúng sanh thực hiện thanh tịnh, vượt thắng phiền não, tiêu diệt ưu khổ, đạt tới chánh đạo và chứng nhập Niết-bàn. Đó là con đường của bốn phép an trú trong quán niệm. Bốn phép an trú trong quán niệm ấy là những phép nào? Này các vị khất sĩ! Vị khất sĩ an trú trong phép quán niệm thân thể nơi thân thể, quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ, quán niệm tâm thức nơi tâm thức, quán niệm đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức; tinh cần, sáng suốt và tỉnh thức, loại ra ngoài mọi tham dục và chán bỏ đối với cuộc đời… Khi đi tới hoặc đi lui, vị khất sĩ cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ của mình về sự đi tới hay đi lui ấy; khi nhìn trước nhìn sau, cúi xuống, duỗi lên, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi mặc áo ca sa, mang bình bát, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi ăn cơm, uống nước, nhai thức ăn, nếm thức ăn, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi đi đại tiện, tiểu tiện, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy; khi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức, nói năng, hoặc im lặng, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy vào tự thân”. Xin nhắc lại lời kinh này để TNT định hướng được con đường của mình đang đi và sẽ đi, đi mãi từ bây giờ đến cùng tột đời vị lai trên lộ trình tu học đạo giác ngộ.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.11/9/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment