GIỚI ĐỊNH HUỆ.
Mục đích của đạo Phật là giác ngộ và giải thoát chúng sanh. Để đạt mục đích ấy, Đức Phật đã vạch ra những con đường tức là những phương pháp tu hành, gọi là pháp môn. Vì căn cơ của chúng sanh muôn vàn sai khác nên pháp môn của Phật cũng nhiều vô kể. Tuy pháp môn có rất nhiều nhưng tựu trung tất cả đều không ra ngoài Ba phương pháp tổng quát xem như Ba nguyên tắc căn bản nhất. Đó là Giới- Định –Huệ, gọi là Tam học hay còn gọi là Tam Vô Lậu học.
I. ĐỊNH NGHĨA GIỚI ĐỊNH HUỆ:
Giới là ngăn giữ thân tâm không làm điều ác. Định là tập trung tư tưởng chú tâm vào một cảnh. Huệ là phá trừ mê ám chứng được chân lý.
Giới Định Huệ là con đường tu học gồm ba yếu tố từ Giới đến Định đến Huệ. Giữ giới để tâm an tịnh rồi vận chuyển tập trung tâm trí chuyên chú vào một cảnh không cho xao động, không để các duyên loạn tưởng; nhờ vậy phát huy trí huệ, thấy được chân lý, giác ngộ sự thật. Đó là ba môn Vô lậu học, là nguyên tắc tu tập căn bản để giải thoát sinh tử, chứng quả niết bàn.
II. HÀNH TƯỚNG GIỚI ĐỊNH HUỆ:
1- Giới:
a/ Định nghĩa: Giới là ngăn ngừa điều trái, dứt trừ điều ác.
b/ Hành tướng: Giới là những phương pháp điều trị thân và khẩu bề ngoài cho được thanh tịnh, nhờ vậy tâm lý bên trong cũng được thanh tịnh. Lúc đầu muốn tu hành thì phải giữ giới luật cẩn thận tỉ mỉ. Có nhờ thế, tâm lý bên trong mới được thanh tịnh. Khi tâm lý bên trong đã được thanh tịnh thì trong ngoài thảy đều thanh tịnh, chừng đó không cần giữ giới nữa cũng không hề phạm giới vì tâm đã hoàn toàn thanh tịnh thuần thục, thì không sai khiến thân khẩu làm điều ác nữa, Tâm Giới dung nhiếp lẫn nhau dẫn nhau từ mê đến ngộ.
c/ Các thứ Giới: Có ba thứ Giới chính:
+ Nhiếp luật nghi giới: Giữ đúng các giới luật tùy theo từng địa vị: tại gia hay xuất gia. Tại gia có ngũ giới, thập thiện giới…, xuất gia có giới của hàng Sa di, giới của hàng Tỳ kheo, giới của hàng Tỳ kheo Ni…
+ Nhiếp thiện pháp giới: Quyết tâm làm các việc thiện.
+ Nhiêu ích hữu tình giới: Cứu khổ ban vui cho mọi loài.
d/ Công năng của giới: Giữ giới có công năng vô cùng to lớn mãnh liệt:
- Thân tâm không bị ngoại cảnh bức bách.
- Thân tâm không tạo những nghiệp đi ngược lại sự thật.
- Thân tâm tăng trưởng năng lực giác ngộ và giải thoát.
2- Định:
a/ Định nghĩa: Định là chú tâm vào một cảnh không cho tán loạn chạy theo các duyên. Thiền định còn có nghĩa là vận dụng tư tưởng chuyên chú vào một cảnh dứt hết loạn duyên.
b/ Hành tướng của Định: Tu Định là trừ các vọng niệm, không cho phát sinh mê lầm vô minh. Trước hết, dùng chánh niệm để loại trừ tà niệm. Khi đã trừ tà niệm rồi, cần phải dứt trừ các tư tưởng không trong sạch, loạn động. Được vậy thì tâm mới Định, Khi tâm đã Định, lại phải bỏ luôn cái niệm giữ tâm cho Định tức tự tâm an trú không còn vọng động.
c/ Các món Định:
+ Sổ tức: Phương pháp điều hòa hơi thở và y vào hơi thở mà loại trừ vọng niệm. Đây là bước đầu của phương pháp tu thiền.
+ Tịnh niệm: Giữ niệm cho trong sạch an tịnh để tâm an trú vào một niệm thanh tịnh.
+ Thiền định: Thiền là nhất tâm quán vật. Định là nhất cảnh tịnh niệm. Thiền định là pháp môn tập trung suy nghĩ nghiên cứu tìm xét cho đến nhất cảnh thanh tịnh.
3. Huệ:
a/ Định danh: Huệ là phân biệt sự lý, dứt sự nghi ngờ, chứng lý chân thật.
b/ Hành tướng của Huệ: Huệ là pháp sáng suốt của tự tâm, thường còn những ai cũng sẵn có nhưng vì mê mờ nên không tự nhận biết, không được phát hiện. Tu Huệ trước hết phải y vào văn tự để xét nghĩ, hiểu rõ chánh lý rồi dùng chánh lý ngăn dẹp tà niệm. Khi chỉ còn chánh huệ soi sáng thì sự vật phát chiếu sự thật. Khi Huệ đã thể nhập chánh lý, giác ngộ sự thật tức thành bậc chánh giác, hoàn toàn viên mãn và tánh sáng suốt của tự tâm luôn luôn xuất hiện.
c/ Các loại Huệ: Nếu kể về mặt phương pháp thực hành thì có ba loại Huệ gọi là ba món Huệ học.
+ Văn Huệ: :Là tai nghe mắt thấy văn tự, âm thanh và hiểu được nghĩa lý.
+ Tư Huệ: Trí suy nghĩ tìm tòi hiểu được nghĩa lý, hiểu được sự thật.
+ Tu Huệ: Tu hành, thực hiện điều đã nghe thấy, nghĩa lý đã hiều để thể nhập chân lý, giác ngộ sự thật.
III. TƯƠNG QUAN GIỮA GIỚI ĐỊNH HUỆ:
Giới Định Huệ tương quan rất mật thiết với nhau, thiếu một trong ba sẽ không thể thành tựu công phu.
- Do Giới sanh Định, phát Huệ
- Giới Định Huệ đều tương trợ tương duyên: Muốn có Định phải giữ Giới. Muốn có Huệ phải tu Định. Nhưng muốn giữ Giới cho đúng phải có Huệ soi sáng và muốn giữ Giới phải có Định, còn Huệ cũng phải nhờ có Giới.
IV. CÔNG NĂNG CỦA GIỚI ĐỊNH HUỆ:
Giới Định Huệ có công năng vô cùng diệu dụng và to lớn trong sự nghiệp tu hành của Phật tử.
Giới Định Huệ là nguyên tắc căn bản của giác ngộ và giải thoát.
Giới Định Huệ áp dụng trong tất cả pháp môn của Phật dạy trong Bát Chánh đạo, Lục Độ, Quán tưởng, niệm Phật.
V. PHẬT TỬ ÁP DỤNG GIỚI ĐỊNH HUỆ VÀO CUỘC SỐNG:
Với tính chất căn bản và năng lực diệu dụng của Giới Định Huệ mà chính bản thân Đức Phật đã thực hiện nghiêm cần từ khi xuất gia, thì người Phật tử noi gương Ngài muốn được giác ngộ giải thoát, tất yếu phải thực hành, không xao lãng Giới Định Huệ.
- Nghiêm chỉnh giữ giới đã phát nguyện ( Ngũ giới, Thập thiện…)
- Hàng ngày tập quán Sổ tức, niệm Phật, Thiền định.
- Áp dụng Văn Tư Tu trong việc tu học hằng ngày, nhận xét sự vật, đánh giá sự việc.
KẾT LUẬN: Nguyên tắc căn bản và chính yếu để đạt đến mục đích giác ngộ giải thoát là Giới Định Huệ. Chỉ có Giới Định Huệ là con đường duy nhất và chắc chắn đưa chúng sanh đến bờ giác ngộ giải thoát, cho nên, người Phật tử phải đặc biệt chú trọng học tập và thực hành trong cuộc sống hằng ngày.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.14/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment