Friday, 14 March 2014

TỨ NIỆM XỨ

Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy rõ thực chất của cuộc đời là đau khổ luân hồi vì vô minh tham dục gây nên, đồng thời Đức Phật đã vạch ra con đường cho chúng sanh thoát khỏi mê mờ đau khổ đạt đến niết bàn an tịnh. Con đường được vui ấy gọi là Đạo đế. Đạo đế gồn có 37 phẩm, tức là 37 phương pháp được Đức Phật chỉ dạy rõ ràng, mà trong đó Tứ Niệm Xứ là bốn món cần thiết và thông dụng đối với người tu đạo giải thoát.
I. CÁC MÓN TỨ NIỆM XỨ:  Tứ niệm xứ có bốn món và ý nghĩa như sau:
+ Quán thân bất tịnh
+ Quán tâm vô thường
+ Quán pháp vô ngã
+ Quán thọ thì khổ
            1/ Quán thân bất tịnh: Quán là tập trung tư tưởng để phán xét một cách tường tận, thấu đáo, đúng đắn. Bất tịnh là không sạch. Quán thân bất tịnh là tập trung tư tưởng để quán xét một cách tường tận về sự dơ bẩn uế tạp của cái thân mình.
            Thông thường thì người đời cho cái xác thân mình là qúi báu nên hết sức yêu chuộng, tìm mọi cách mọi thứ để tô bồi trang sức, bảo bọc, cưng dưỡng. Nếu bị tai nạn bệnh hoạn uy hiếp thân mạng thì vô cùng ham tiếc lo sợ. Nhưng nếu suy xét một cách tĩnh táo, rốt ráo thì thực chất cái thân người không có gì là tinh sạch cả. Ngay khi mới thành bào thai cho đến khi sinh ra, lớn lên, mạnh khỏe rồi già, đau,chết…cái thân con người chỉ là sự tập hợp nhơn duyên của mọi thứ nhơ bẩn, sự chứa đựng nhiều thứ tanh hôi, nhưng bởi vô minh che lấp nên con người cho cái thân là đẹp đẽ thơm tho. Chính vì lầm lẫn cái thân là quí thiết nên dấy khởi lòng tham sân si, tạo ra bao ác nghiệp để nuông chiều, bảo vệ cái thân.
Nhưng nếu quán xét thấy rõ cái thân là bất tịnh thì mới dứt trừ được tham ái, dục lạc và sẽ không còn phiền não khổ đau.
Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rằng quán thân bất tịnh để đối trị lòng tham đắm sắc dục, ngăn trừ ác nghiệp tội lỗi chứ không phải để ghê tởm thân mình, coi thường mạng sống đến nỗi có người hủy hoại thân mạng.
            2/ Quán tâm vô thường: Tâm vô thường nghĩa là cái tướng của tự tâm không phải là cố định mà luôn thay đổi biến dịch. Cái tướng của tự tâm là cái phân biệt, hiểu biết hàng ngày, là cái Thức. Vì không hiểu biết nên con người thường nhận lầm cái khả năng phân biệt ấy, cái Thức ấy là Cái Ta Thường Còn, là thần ngã hay linh hồn thường tại. Sự thật cái tâm của ta luôn thay đổi. Khi nhỏ khi lớn khác nhau, có học không học khác nhau, lúc vui khi buồn, thương đó ghét kia…, tất cả chỉ là tâm pháp vô thường.
Nhưng bởi chấp cái Tâm là Thường nên không chịu uốn nắn, sửa chữa, trau dồi tánh hạnh mà cứ buông lung phóng túng. Vì chấp cái TA là chắc thật muôn đời nên sinh ra vọng tưởng tham sân si mạn mà phải đảo điên phiền não. Vì vậy, Đức Phật chỉ cho chúng ta phải biết quán xét cái tâm vô thường để đối trị cái vọng kiến ngã chấp, phá trừ ác kiến ngã chấp mà ra khỏi sợi dây phiền não sanh tử luân hồi.
            3/ Quán pháp vô ngã: Pháp chỉ cho tất cả mọi sự ở trong vũ trụ từ vật hữu hình cho đến vật vô hình, tưởng tượng. Ngã nghĩa là chủ thể, cho rằng con người cũng như mọi sự vật đều có tự tướng, có cái Ngã riêng biệt. Vì chấp ngã nên có sự phân biệt Ta và Người, Của Ta, Của Người… mà sinh ra tâm niệm quí trọng, khinh ghét, tranh đấu trong xã hội.
Nhưng xét cho kỹ thì tất cả các pháp đều không có tự tướng. Sự thật thì tất cả mọi vật đều do nhân duyên hòa hợp mà thành. Đó chỉ là hình tướng giả có, tạm thời có mà thôi. Vì nếu nhân duyên tách rời thì vật ấy bị hủy diệt. Vậy, tất cả các pháp làm nhân duyên cho nhau,  in tuồng như Có, chứ không phải là Có tự tướng,. tức là Vô Ngã.
Vì hiểu lầm các pháp là thật có nên ngoài thì bị hoàn cảnh kích thích, thu hút, trong thì bị phiền não thúc bách nên phải quay cuồng theo sự đổi thay của giả cảnh, trôi lăn trong sanh tử luân hồi.
            Vì vậy, cần phải thấy rõ Pháp Vô Ngã để không còn tâm niệm Ta và Người, không phân biệt thân sơ, yêu ghét, không có hành động ích kỷ hại nhân; nhờ vậy mà đạt đến tự tại an vui.
            4/ Quán thọ thì khổ: Thọ là chịu, là nhận lãnh. Thọ thì khổ nghiã là có nhận lãnh thì có khổ. Nhận lãnh ở đây có ý nghĩa hết sức sâu rộng là nhận lãnh chịu đựng tất cả sự việc trong cuộc sống từ cái thân cái tâm của ta cho đến những vật, những việc để giữ gìn cái thân như cơm ăn, áo mặc, nhà ở… những điều để thỏa mãn cái tâm ý như tình cảm, thú vui; từ những nhu cầu tối thiểu cho đến những thứ xa xỉ, thừa thải và còn biết bao điều liên quan đến cuộc sống đa đoan phức tạp như sinh lão bệnh tử, tiền của, danh vọng, địa vị, bạn thù, ân oán, yêu ghét, mong cầu, thất vọng, thuận lòng, nghịch ý … Tất cả những điều ấy đã trói buộc con người trong vòng khổ não. Càng tham lam thì thọ nhận càng nhiều nên phiền não khổ đau sẽ càng lớn. Ngược lại, giảm bớt lòng tham đắm thì ít thọ nhận thì sẽ ít đi đau khổ. Vì vậy, pháp quán Thọ thì khổ sẽ có tác dụng đối trị căn bệnh trầm trọng là tham lam, giúp ta xả bớt gánh nặng thọ lãnh để được an vui tự tại.
            KẾT LUẬN: Do thành kiến sai lầm tưởng thân mình là quí, tưởng tâm mình là vĩnh cửu thường còn, tưởng mọi vật trên đời là có thật, trường cửu bất biến, tưởng thọ nhận thu góp càng nhiều thì càng sung sướng .. nên con người phải chìm đắm trong bể khổ mênh mông. Nhưng sự thật rất hiển nhiên là:
Thân thì bất tịnh
Tâm thì vô thường
Pháp thì vô ngã và Thọ thì khổ.
Người Phật tử nghe lời Phật dạy phải quán xét, nhận thức và nhớ nghĩa bốn sự thật ấy để xả bỏ, phá trừ dần thành kiến chấp ngã, chấp pháp, tham sân si, tiến dần đến giác ngộ giải thoát an vui.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.14/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment