Saturday 10 November 2012


Lá thư Chủ nhiệm


Trước khi nhập Niết-bàn, Đức Thế Tôn với thân bệnh, tuổi già, sức yếu, vẫn ân cần dặn dò những lời cuối cùng của Ngài đối với môn đồ. Không khí được ghi lại trong Kinh Di Giáo thật cảm động, mà cảm động nhất là những lời cuối cùng ấy đã tóm thâu toàn bộ tinh hoa giáo lý trong suốt 45 năm hoằng pháp của Ngài. Các phương cách để tự phòng hộ (giới), phát triển định lực (định) và tăng trưởng tuệ giác (tuệ), là điều mà Đức Như Lai từng giảng dạy suốt nhiều năm lại được Ngài nhẫn nại nhắc nhở, tóm tắt trong những hơi thở cuối cùng.

Điều mà hàng đệ tử Phật đời sau lưu ý trong Kinh Di Giáo là lúc mở đầu, Đức Phật nói về Tịnh Giới, và khi kết thúc, Ngài khuyến khích các môn đệ còn điều gì chưa tường tận đối với giáo lý Tứ Diệu Đế hãy nêu lên để Ngài giải thích.

Tịnh Giới, tức là Giới Luật, được Đức Phật xác định sẽ là “vị thầy cao cả” của chúng ta sau khi Ngài diệt độ. “Nếu Như Lai còn ở đời thì cũng không khác gì Tịnh Giới ấy cả,” đó là lời xác minh của Ngài.

Tứ Diệu Đế, tức là bốn chân lý vi diệu về thực trạng và nguyên nhân dẫn đến khổ đau, cảnh giới an lạc tịch tịnh và con đường để đạt đến cảnh giới ấy. Tứ Diệu Đế là giáo lý mà tất cả các bộ phái Phật giáo đều lấy làm nền tảng, từ đây triển khai thành ba tạng kinh điển đồ sộ, từ đây mở ra 84 ngàn pháp môn.

Xuyên qua những điều cốt lõi từ Kinh Di Giáo, hàng đệ tử Phật, xuất gia cũng như tại gia, dù đứng từ vị trí hay hệ phái nào, đều nhất thống quan điểm với nhau rằng: “Giới luật còn thì Phật Pháp còn, giới luật mất thì Phật Pháp mất.” Và cũng có thể nói: “Bao lâu Tứ Diệu Đế còn được giảng dạy, học hỏi và thực hành, Chánh Pháp còn được luân lưu, bất diệt.”

Ý thức được điều trên, người con Phật chân chính đều tự gánh lấy trách nhiệm bảo vệ và hoằng dương Chánh Pháp bằng cách: đối với tự thân thì giữ gìn tịnh giới và chuyên tâm thực hành giáo lý; đối với tha nhân thì tìm cách khuyến khích, giới thiệu, giảng dạy, hướng dẫn họ con đường cao rộng của Chánh Pháp. Chánh Pháp là tịnh giới, là giáo lý thâm diệu của Phật để lại, được tôn xưng là Pháp Bảo (trong Tam Bảo). Chánh Pháp ấy có được trường tồn hay không là do hàng đệ tử Phật nghiêm cẩn thực hành và truyền bá, chứ không có cá nhân hay tổ chức nào có thể là đại diện cho Chánh Pháp.

Mục đích của báo Chánh Pháp trên tay quý vị không ngoài những gì nói trên: giới thiệu và quảng bá giáo lý của Đức Phật đến với mọi người qua phương tiện của ngôn ngữ, báo chí.

Kính thưa quý bạn đọc,

Trong xã hội văn minh hiện nay, người ta dành rất nhiều thời gian để truy cập, đọc, viết và phổ biến bài vở, trong đó có kinh sách Phật giáo, trên mạng lưới toàn cầu. Có thể nói là kinh điển Phật giáo với đủ loại ngôn ngữ đã xuất hiện đầy đủ hơn bao giờ hết trên các websites. Thế nhưng không phải ai cũng có cơ hội để ngồi vào máy vi tính; cũng không phải ai cũng biết lục lọi tìm tòi kinh sách trên mạng. Đối với những người thông thạo về vi tính và mạng lưới điện toán, cũng không hẳn là họ có đủ thời gian và tâm cảnh trầm mặc để chiêm nghiệm giáo lý Phật-đà trên màn ảnh. Do đó, nhu cầu có một tờ báo giấy để giới thiệu giáo lý và các thông tin Phật sự đến độc giả vẫn luôn là nhu cầu thiết yếu trong vấn đề hoằng pháp.

Yếu chỉ và đường hướng của báo Chánh Pháp sẽ được người đọc dễ dàng nhìn ra qua nội dung của nó, ở đây không cần nói rộng. Nhưng một vài chi tiết gợi ý cũng cần nêu ra để bạn đọc chia sẻ:

- cần sự đa dạng, phong phú: rất mong sự đóng góp bài vở của chư tôn đức và các văn thi hữu đối với các thể loại văn học Phật giáo như tiểu luận, giáo lý chuyên đề, khảo cứu, lịch sử, pháp thoại, tùy bút, truyện ngắn, thi ca, hội họa, v.v…

- cần quan tâm giới trẻ: các thế hệ đi sau khó có thể tiếp cận giáo lý Phật qua những bài viết chuyên môn, khô khan, quá nhiều thuật ngữ Phật học và từ ngữ hán-việt, vì vậy phần song ngữ hoặc chuyên biệt Anh ngữ sẽ được dần dần triển khai trong báo Chánh Pháp.

- cần sự trung thực: tất nhiên con Phật phải nói lời ngay thật, báo Chánh Pháp phải nói như Chánh Pháp, nhưng những sự thực nếu không được nói hết sẽ trở thành thiếu trung thực; vậy trong trường hợp cần thiết, báo Chánh Pháp sẽ không từ chối cất lên tiếng nói để bảo vệ sự thực, bảo vệ Phật Pháp.

- cần thông tin rộng rãi: ước mong chư tôn đức, văn thi hữu và bạn đọc thuộc các hệ phái, tông môn, từ nhiều thành phần xã hội khác nhau, tích cực đóng góp bài vở và tin tức Phật sự địa phương đến tòa soạn, nếu không, tin tức của tờ báo sẽ bị giới hạn, cục bộ, không sao chu đáo, đầy đủ.

- cần sự yểm trợ tài chánh và phân phối: báo Chánh Pháp là báo biếu, không bán, do đó rất cần sự yểm trợ tài chánh của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử xa gần để tờ báo được duy trì và phát triển trên đường dài. Ngoài ấn phí, tòa soạn cũng bỏ ra một ngân khoản lớn cho cước phí gửi báo đến các tự viện, tu viện, văn thi hữu và bạn đọc khắp nơi. Do vậy, ước mong quý vị có thể yểm trợ tài chánh cho ấn phí hoặc cước phí; đăng quảng cáo thương vụ trên báo Chánh Pháp; cổ động, giới thiệu, hoặc phân phối báo Chánh Pháp đến thân quyến, bằng hữu và bạn đạo của mình. Mọi sự yểm trợ đều thật cần thiết và là điều khích lệ lớn lao cho công tác hoằng pháp của chúng tôi.

Với ý nguyện tiếp nối con đường hoằng dương Phật Pháp của Thầy-Tổ, chúng tôi cố gắng trong khả năng giới hạn của mình để thực hiện tờ báo khiêm nhường trên tay bạn đọc. Tuy nhỏ bé, khiêm nhường, đây là cả chân tình và ước vọng của chúng tôi. Rất mong qua những số báo Chánh Pháp, quý vị sẽ có những phút giây trầm lắng, thanh thản, suy nghiệm sâu sắc những lời Phật dạy, cũng như thưởng thức được những áng thơ văn đạo vị, chân chất, nâng tâm hồn ra khỏi những hệ lụy phiền toái của đời thường. Được vậy thì đó chính là phần thưởng quý giá mà quý vị trao tặng chúng tôi để tô điểm cho đẹp thêm con đường học đạo, hành đạo.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN )THICH NU CHAN TANH.MHDT.GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.10/11/2012 ).

No comments:

Post a Comment