Monday 12 November 2012

Như Lai không tranh luận với đời chỉ có đời tranh luận với Như lai.


Câu chuyện được ghi lại trong một bài kinh thuộc tạp A Hàm, về sự tranh luận của người thế gian đối với đức Phật như sau: Một lần nọ Đức Thế Tôn cùng chư vị Tỷ kheo khất thực ngang qua cánh đồng ở ngôi làng Ekanala, đức Phật bị một nông dân tên là Bharadvala chặn đường. Ông ta là một người giàu có, ruộng mẫu trâu bầy, thóc lúa đầy kho.
Đang trong mùa cày ruộng, ông đang đốc thúc dân đi cày. Ông đến gần Phật rồi lên tiếng: chúng tôi là nông dân, chúng tôi phải cày sâu cuốc bẩm, gieo trồng bỏ phân, chăm bón, gặt hái mới có được gạo ăn. Còn các vị không làm gì cả, không sản xuất gì hết mà các vị cũng ăn. Các vị không có ích gì cho cuộc đời này cả, các vị không cày không cuốc, không gieo trồng, không bỏ phân, không chăm bón, không gặt hái…
Để cho Bharadvala nói hết lời trong cơn hằn hộc tức giận, sau đó đức Phật từ tốn trả lời: Này nông dân Bharadvdaac! Có chứ, chúng tôi cũng có cày, cuốc, gieo trồng, bỏ phân, chăm bón và gặt hái.
Bharadvala cáu gắt: Cày của các vị đâu, cuốc, bò, hạt giống của các vị đâu? Các vị săn sóc cái gì, chăm bón cái gì, gặt hái cái gì?
Phật nói: Này bác nông dân! Lòng tin là hạt giống, khổ hạnh là trời mưa, trí tuệ là cày bừa, hổ thẹn là trục, siêng năng tinh tấn để đi đến quả vị giải thoát. Điền chủ! Nếu không có niềm tin, từ bi và trí tuệ thì cuộc đời này sẽ khô cằn và đau khổ hận thù chồng chất. Chúng tôi cũng đang gieo trồng và gặt hái như điền chủ. Trên mảnh ruộng vun trồng phước điền thì cần phải có niềm tin, cần phải có trí tuệ, cần phải có sự nhẫn nhục khổ hạnh, cần phải siêng năng tinh tấn mới có được phước điền. Cũng như cây thiếu nước thì cây khô cằn trụi lá, nhân loại mà thiếu sự hiểu biết và thương yêu thì nhân loại lụi tàn trong sân hận, tranh chấp. Cuộc sống bấy giờ không còn ý nghĩa gì hết. Như Lai đang đi gieo hạt giống niềm tin, tình thương và sự hiểu biết đến cho mọi người, để cho họ tiếp nhận thiết lập sự cân bằng giữa vật chất và tinh thần nhằm kiến tạo sự hạnh phúc an vui trọn vẹn.
Sau bài thuyết pháp này, bác nông dân rất cảm mến đức Phật rồi dâng cúng bát cơm cho Phật, nhưng đức Phật từ chối không nhận. Vì thuyết pháp không phải để vì miếng cơm manh áo, khi người ta chưa có niềm tin vào chánh pháp thì sự cúng dường không đem lại lợi lạc bao nhiêu.
Tâm niệm của Bác nông dân ấy cũng có thể là tâm niệm của rất nhiều người. Khi người ta chưa có niềm tin vào Chánh pháp thì những ý tưởng ấy là chuyện thường tình.
Chính vì tham ái, mong cầu lợi nhiều về vật chất nên chúng sanh không thấy được tầm quan trọng của sự thăng hoa tâm thức và niềm an lạc tự nội. Họ chấp chặt vào năm thủ uẩn để nuôi dưỡng, cung phụng, đến khi năm uẩn hết duyên tan rã thì sầu, bi, khổ, ưu não sẽ đến với họ.
Đức Phật là người đã chứng ngộ, chứng tri các pháp là vô thường biến dịch; biết rõ năm uẩn là như vậy, sự tập khởi, sự đoạn diệt, sự nguy hại và sự xuất ly, nhưng vì thế gian ngu muội, không thấy không biết nên họ tranh cãi với Phật, nhưng đức Phật dạy đó không phải là lỗi của Thế Tôn. Và họ có lỗi như vậy, họ tranh cãi như vậy đức Phật cũng không làm gì được.
Tu tập để đoạn trừ được tham dục là một vấn đề rất khó. Phần lớn chúng sanh là ưu ái dục, ham thích ái dục cho nên họ bị trói buộc trong đó mà không khi nào thoát ly được khổ xứ. Kinh Đại Duyên thuộc Trường bộ đức Phật đã nhấn mạnh: “Này A-nan, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp duyên sanh này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, bị rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ mũnja và lau sậy Babaja, không thể nào thoát ra khỏi khổ xứ, sanh tử”.
Đức Phật thấy được thân năm uẩn này là khổ vì thế chúng ta không nên tham đắm chấp thủ nó, không nên trau dồi trang sức nó thái quá mà phải biết tiết độ. Phật dạy: “Thầy tỳ kheo tiết độ trong ăn uống, chân chánh quán sát ăn không để vui đùa, đam mê, trang sức cho thân thể mà chỉ để khỏi tổn hại thân, để giữ gìn phạm hạnh, ăn để diệt trừ cảm thọ cũ, không cho cảm thọ mới khởi lên, nhờ đó mà sống không phạm lỗi lầm và sống an ổn.” (Trung bộ kinh). Thái độ của người xuất gia đối với ăn uống rất rõ là ăn uống vừa phải để khỏi hại thân và để tu tập phạm hạnh, không vì ăn uống mà tham sân si khởi, chướng ngại sự tu tập.
Hiểu được như vậy chúng ta phải thiết lập cho mình một pháp tu hạnh nhẫn nhục. Có nhẫn nhục chúng ta mới có thể kham nhẫn được với các chướng duyên na điều, nan phục này. Như Lai không tranh luận với đời nhưng khéo điều phục, khéo vượt qua, gọi là đấng “Thiện Thệ” một trong thập hiệu của Như Lai Thế Tôn Chánh Đẳng Chánh Giác.
Tu tập nhẫn nhục là để đoạn trừ sự bộc phát sân tâm, cảnh giác ngăn ngừa tội lỗi khổ thọ và giao động của tâm làm tán thất công phu tu tập. Mặt khác luyện cho tâm trầm tĩnh vững chãi, và cũng để tu tập từ, bi, hỷ, xả, chuẩn bị tâm đi vào định tuệ, sự tu tập nhẫn nhục theo yêu cầu của kinh rất cao. Sự nhẫn nhục như vậy là biểu hiện sức mạnh chế ngự nội tâm của người tu tập theo giáo pháp của đức Phật. Thông thường chúng ta sống theo phản ứng tự nhiên (phản ứng động vật) ai mắng ta ta mắng lại, ai đánh ta ta đánh lại, do đó cuộc đời của ta luôn luôn sống trong trạng thái ba động của đấu tranh, của khốn khổ.
Một người có trí tuệ sẽ chọn cách sống có kiềm chế, tự chủ hơn và trầm tĩnh hơn. Có người nghĩ rằng nhẫn nhục là thái độ hèn nhát nhưng theo qui luật tâm lý thì ngược lại hèn nhát, thiếu bản lĩnh mới manh động không nhẫn nhục nổi. Nhẫn nhục biểu hiện sức mạnh của ý chí, sự vững chắc của nội tâm, đó cũng là đức tính của một sa môn. Kinh văn dạy: “Thực hành đức nhẫn mới được mệnh danh là bậc thượng nhân có sức mạnh”.
Tranh luận hơn thua chỉ có ở tâm ngã mạn và si mê chứ không có trong tâm mang đầy từ bi và trí tuệ. Như Lai thương cuộc đời hóa độ cuộc đời, nên Ngài kham nhẫn để hóa độ những chúng sanh cang cường khó độ. Mà ở kinh Di Đà, đức Thích Ca Thế Tôn được Chư Phật mười phương tán thán rằng: “Năng vi thậm nan hy hữu chi sự” là làm được những việc khó làm, hy hữu trên thế gian ngũ trược ác thế này.
Là con Phật chúng ta phải học hạnh kham nhẫn, hiểu biết và thương yêu như Ngài, để gieo rắc tình thương, làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau cho mọi người.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.12/11/2012 ).

No comments:

Post a Comment