Monday, 29 April 2013

Công đức của việc xuất gia
Viết về người xuất gia và công đức của việc xuất gia đã được chư Tổ, chư Tăng, các bậc thân giáo sư đã viết ra rất nhiều sách vở và ngay cả Đức Phật, chính Ngài là người đã chế ra giới luật để giúp đỡ cho chư Tăng có cơ hội hành trì, mà đi vào con đường giải thoát nầy.
Hôm nay tôi viết lại về đề tài nầy tưởng cũng không thừa. Vì có nhiều người muốn biết về đời sống của người xuất gia như thế nào? Họ làm gì ở trong chùa? Họ có được tự do hay gò bó? Sự tu và học của họ ra sao? Sự ăn, ngủ và sự hành trì về giáo pháp của Như Lai như thế nào? Nên cảm thấy cần phải viết để cho những người đang và sẽ đi vào con đường nầy đỡ bỡ ngỡ.
Việc xuất gia không phải chỉ có bây giờ, mà ngay từ thời Đức Phật và trước đó nữa đã có. Chính những vị đạo sĩ Bà La Môn đã hướng dẫn Đạo sĩ Cồ Đàm đi vào con đường buông xả ấy. Trong tất cả những hình ảnh về cuộc đời của Đức Phật, có một hình làm cho tôi cảm động nhất và thấy hữu lý nhất đó là hình ảnh uy nghi của Đức Phật, với một thái độ rất dửng dưng, bước đi khoan thai, trong khi đó, một người Công chúa đẹp tuyệt trần, với dung nhan mỹ miều, với vòng vàng xuyến nhẫn đeo khắp thân mình nằm mọp phía sau Ngài và có lúc tôi đã tự cho chua vào bức hình nầy cả tiếng Việt lẫn tiếng Đức -- có nghĩa là: xả bỏ tất cả để được tất cả. "Alles verlassen, um alles zu haben". Cuộc đời của Đức Phật, Ngài đã có tất cả; nhưng Ngài đã bỏ tất cả. Khi không còn gì tất cả, trong ý nghĩa không vướng bận nợ thê nhi triền phược, nợ áo cơm của cuộc sống, chính lúc ấy là lúc giải thoát của chính mình. Sự giải thoát có nghĩa là sự cởi trói mọi sự ràng buộc, mà sự ràng buộc ấy chính mình đã tự buộc ràng trong vô lượng kiếp; kể từ đây, cuộc sống của người xuất gia là cuộc sống trong một phương trời cao rộng.
Gần đây tại chùa Viên Giác có mấy chú mới xuất gia, mà mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Có chú thì được cha mẹ cho xuất gia hẳn hòi, có chú thì phải tranh đấu nhiều lắm với gia đình mới được toại nguyện. Có chú thì gia đình vẫn cho, nhưng cũng vừa không cho. Tôi nêu ra ba trường hợp tiêu biểu như vậy thôi, nhưng trên thực tế thì có nhiều trường hợp khác nhau nữa.
Trường hợp thứ nhất là trường hợp rất hy hữu. Nghĩa là cha mẹ bằng lòng cho con xuất gia và người con cũng có ý xuất gia tu học. Đây quả là một nhân duyên thù thắng, vì giữa cha mẹ và con cái đã có duyên lành với Phật pháp từ nhiều đời nhiều kiếp rồi. Nên kiếp nầy mới dám sẵn sàng cắt đứt núm ruột của mình để hiến dâng con mình cho đời và cho đạo. Trong trường hợp nầy gọi là thuận duyên. Nhưng cũng có lúc cha mẹ thích cho con đi tu học, nhưng người con không có ý xuất trần làm thượng sĩ thì cũng đành hẹn kiếp lai sinh vậy thôi.
Trường hợp thứ hai khó khăn hơn nhiều. Nghĩa là chính quý chú có tâm cầu đạo, xuất gia tu học, nhưng gia đình khăng khăng từ chối. Việc này cũng không dễ chút nào, nhưng phải đòi hỏi ở người có tâm tu học, có một ý chí thật kiên cường mới có thể chinh phục được gia đình. Việc chinh phục nầy có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, như ăn chay nhiều ngày hơn thường lệ tại gia đình, để chứng tỏ cho cha mẹ và anh chị em thấy rằng mình đã quyết. Nếu làm vậy mà thấy cũng chưa có kết quả thì hãy đi chùa nhiều hơn ngoài giờ đi học ở trường để tạo thêm tăng thượng duyên trong sự xuất gia của mình. Phải thực hiện việc nầy liên tục trong nhiều năm tháng mới có thể chinh phục gia đình được. Mà đây cũng chính là thời gian để thử thách mình có còn đủ can đảm để bảo vệ ý muốn của mình nữa không?
Cha mẹ hoặc anh chị em có thể nêu ra rất nhiều lý do để làm sao cho mình nản chí và nản lòng; nhưng hãy nhìn kỹ lại cuộc đời của Đức Phật, Ngài cũng đã làm đủ mọi bổn phận, nhưng nào có được vua cha chiều ý theo. Nên cuối cùng Ngài phải vượt thành tìm đạo là vậy. Trong lịch sử Phật Giáo thế giới như Ấn Độ, Trung Hoa, Tích Lan, Thái Lan, Việt Nam, Nhật Bản thuở xa xưa, Đại Hàn, Đài Loan v.v... không thiếu những hình ảnh nầy. Mà phải nói rằng đại đa số chư vị xuất gia tiền bối, đương nhiệm hoặc hậu lai cũng đều nằm trong trường hợp nầy cả.
Nếu con đường giải thoát giác ngộ là độc lộ trường thiên với khách lữ hành cô độc trong phương trời cao rộng ấy, thì đó chính là nẻo về thênh thang của ý thức, của sự tu học sau nầy. Một chút gắn bó tình cảm cá nhân, gia đình và xã hội mà mình không vứt bỏ được thì làm sao vứt bỏ được tham, sân, si, nghiệp chướng của mình để đi vào cõi tĩnh lặng của tâm linh?
Trường hợp thứ ba cũng thường hay xảy ra nơi thiền môn lắm. Có nghĩa là người có tâm muốn xuất gia khi thì tinh tấn dũng mãnh nhưng cũng có lúc bị chùn tâm xuống, có lẽ vì nhiều lý do khác nhau trong khi chuẩn bị tư tưởng cho một cuộc sống xuất gia trọn vẹn. Có thể bị thử thách của gia đình làm mình khó khăn chọn lựa giữa Đạo và Đời. Nhưng cũng có thể khi vào chùa thấy nhiều cảnh trái ý nghịch lòng trong khi chuẩn bị phát tâm xuất gia, nên lại thối chí. Loại người nầy là loại người tương đối thôi. Không phải là người có nghị lực mạnh. Tuy nhiên, nếu được hướng dẫn trong một môi trường tốt đẹp thì bồ đề tâm - tâm giác ngộ, tâm hiểu mình và hiểu người sẽ được phát triển thuận chiều, nhưng cũng dễ bị nghịch cảnh làm chán nản, dễ buông xuôi khi có vấn đề gì khó khăn trong cuộc sống xuất gia của mình.
Tôi nêu lên ba trường hợp đó là ba trường hợp có thật tại chùa Viên Giác, nơi tôi đang trụ trì và hướng dẫn tăng chúng tu học, mà cũng có nghĩa là ở rất nhiều chùa trên thế giới nầy cũng xảy ra tương tự như vậy đó. Dưới mắt tôi, trong ba trường hợp ấy đều đáng được độ hết. Vì sao? Vì chính họ là những người đã tự nguyện phát tâm sống cuộc đời tỉnh thức, làm lợi cho mình và cho cả tha nhân. Nếu ở tại gia cũng chỉ có thể làm lợi cho vài người trong gia đình; nhưng nhiều khi lại gây ra nhiều oan khiên nghiệp chướng nữa là đằng khác. Yêu thương đâu không thấy, mà chỉ thấy hận thù. Lợi lạc đâu không có, mà chỉ thấy bị sống chung chịu đựng cái phiền muộn với nhau. Quả là địa ngục, nhưng nào ai có lối thoát thân, để cứu mình và cứu tha nhân nữa?
Người xuất gia có cái sơ tâm lúc ban đầu rất vững, vì vậy trong thời gian tu học hãy tự trở về lại với mình trong lời nguyện ban đầu để được an ủi nhiều hơn. Lời nguyện ban đầu là lời thệ nguyện thoát ly gia đình để xuất ly sanh tử, thì không vì bất cứ một lý do nào đó trong cuộc sống tu hành mà mình phải trở lại với sự triền phược của thế gian chăng?
Có nhiều người sẽ nghĩ rằng nếu ai cũng đi tu thì thế gian nầy có còn ai đâu mà nối dòng, nối giống. Lo như vậy cũng hơi xa, vì trồng cây cau, cây quít, cây táo vào mỗi thời khác nhau thì hoa quả, trái chín sẽ cho ta khác mùa và khác thời điểm, chứ làm sao có cùng trong một lúc được. Nếu có được như vậy thì cũng tốt chứ có sao đâu? Vì thế giới Ta Bà nầy sẽ thành Tịnh Độ.
Sau khi đã quyết định kỹ càng thì vào chùa xin Thầy, xin Cô để mình được xuất gia tu học. Có nhiều người vẫn bị Thầy, Cô từ chối không nhận cho xuất gia bởi nhiều lý do khác nhau. Nhưng điều ấy phải hiểu vì nhân duyên để khỏi bận lòng. Vì có duyên sẽ thành thầy trò, đệ tử. Nếu thiếu duyên thì đành phải đi tìm nơi khác để thực hiện chí nguyện của mình vậy.
Sau một thời gian thử thách dài ngắn tùy theo mỗi người tại nhà và tại chùa, Thầy Bổn Sư sẽ cho giới tử ấy xuất gia chính thức. Ngày xuất gia là ngày rất quan trọng, đánh dấu một bước rẽ ý nghĩa trong cuộc đời. Nếu người con trai, con gái ở đời, ngày lấy vợ, lấy chồng là ngày quan trọng, thì đối với người xuất gia càng quan trọng hơn như thế nữa. Vì một bên là tự nguyện ký giấy tờ để chịu đựng sự khổ đau với nhau bên cạnh những hạnh phúc rất nhỏ nhoi, mong manh dễ vỡ; còn một bên là bước ra khỏi sự ràng buộc tầm thường của cuộc sống và hướng về một phương trời tự tại giải thoát hơn. Có nhiều người thân sẽ khóc cho người xuất gia khi mái tóc xanh đã đoạn lìa thân thể, nhưng chính kẻ xuất gia sẽ mãn nguyện, mỉm cười. Vì ít ra chính mình đã chiến thắng được mình trên hành trình thiên lý ấy. Đó là tâm trạng chung của những người tự chọn con đường thoát ly ấy.
Ngày xưa khi xuống tóc hay bây giờ khi tôi làm lễ xuống tóc cho các chú và các cô tại chùa, có hai bài kệ rất hay, đọc lên nguyên văn bằng chữ Hán rất cảm động. Đầu tiên là bài như vầy:
Thiện tai thiện nam nữ
Năng liễu thế vô thường
Khí tục thú Nê Hoàn
Công đức nan tư nghì.

Nếu dịch ra tiếng Việt, có thể dịch từ chữ như sau:
Lành thay kẻ thiện nam
Hãy biết đời vô thường
Bỏ tục vui Niết Bàn
Công đức khó nghĩ lường.

Tuy nghĩa rất thoát đó, nhưng đọc lên âm điệu vẫn không hùng tráng như chữ Hán, khi chư Tăng hộ giới trong ngày xuất gia cử giọng tụng lên bài nầy.
Bài kệ nầy ý nói: vì biết được bản chất của cuộc đời là vô thường nên mới xin xuất gia học đạo, khi đã được vào cửa giải thoát, có nghĩa là bỏ hết lại những niềm vui tạm bợ của thế gian. Cái gì của trần thế hãy trả về cho trần thế. Ơn nghĩa của mẹ cha xin gởi lại mẹ cha, để một mình mình thong dong trong cuộc sống tự tại ấy. Bản chất của cuộc đời là vô thường, ai cũng hiểu điều đó, nhưng chấp nhận nó và tự cởi trói nó, rất ít người đủ khả năng và tự lực để làm được việc nầy. Thật sự ra việc làm nầy không khó mà cũng không dễ. Nếu khó quá thì đã không có người đi tới đích, nếu nói dễ quá thì mọi người đã thực hiện hết rồi. Ăn thua nơi mình có hạ thủ công phu để chiến thắng mọi khổ đau, phiền não, tục lụy hay không. Đó mới là điều đáng nói.
Bài thứ hai có vẻ hùng tráng hơn. Khi tụng lên bài nầy người được xuất gia và kẻ dự phần xuất gia, cảm nhận như quả đất cũng chấn động. Bài kệ ấy như sau:
Hủy mình thủ chí tiết
Cát ái từ sở thân
Xuất gia hoằng thánh đạo
Thệ độ nhứt thế nhân.

Dịch sát nghĩa từng chữ bài nầy được hiểu như sau:
Bỏ hình giữ ý chí
Cắt ái xa người thân
Xuất gia hưng việc Thánh
Thệ độ hết mọi người.

Đọc câu văn tiếng Việt tôi cảm thấy vẫn không ưng ý chút nào. Dầu cho bài kệ ấy đã dịch thoát chữ và thoát nghĩa như vậy.
Tại sao người xuất gia phải hủy hình? Hủy hình không có nghĩa là giết mình hay làm cho thân thể của mình tiều tụy đi trong khi tu hành. Mà hủy hình có nghĩa là lâu nay sống với phấn son giả tạo, với quyền thế tạm bợ của thế gian, với sự ăn mặc trau chải bề ngoài nhưng không để ý về nội tâm. Giờ đây đã được xuất gia phải luôn luôn giữ ý chí của mình. Ý chí ấy là ý chí gì? Đó là ý chí xuất trần thượng sĩ. Thượng sĩ được hiểu ở đây là kẻ làm lợi cho cả mình lẫn cho người khác, gọi là Thượng sĩ. Người mà chỉ làm lợi cho mình, không làm lợi cho người gọi là Hạ sĩ. Người chỉ ưa làm lợi cho người, không làm lợi cho mình gọi là Trung sĩ. Ở đây Thượng, Trung, Hạ được chia ra làm ba bậc như thế để đánh dấu bước đường tu.
Ở đời có hai dây mà cứ ràng buộc mãi, khó thoát được. Đó là dây ái và dây ân. Có người cắt đứt được dây ái thì dây ân còn ràng buộc. Ngược lại có người cắt được dây ân thì dây ái tự cột chặt vào. Hai dây tuy vô hình nhưng rất khó dứt, mà chính nó buộc mọi người vào nhau để hành hạ con người cho khổ sở trên suốt đoạn đường sanh tử luân hồi nầy vậy. Có người chấp nhận nó một cách tự nhiên, thì nó sẽ làm nhiệm vụ quấn chặt. Có người muốn cởi trói, nó lại quấn siết vào cho sự khổ đau và tục lụy lại chồng chất lên nhau. Cha mẹ là những người sinh ra ta nên rất khó từ giã. Vì chúng ta là người Á Châu, không đợi đủ 18 tuổi để được trưởng thành, rồi ra ở riêng như nhiều người Âu Mỹ vẫn làm, mà cha mẹ đối với người Á Đông là nơi nương tựa của con cái, lúc còn thơ cũng như lúc trưởng thành. Những người đi tu phải tự cắt bỏ hai dây nầy. Vì muốn trở thành độ sanh, trong đó có cả cha mẹ mình, thì phải hy sinh những gì nhỏ bé mà mình đang có. Đó là cách đứng đắn nhất để được chấp nhận cái cao rộng hơn.
Kẻ xuất gia là người tuyên dương việc thánh. Đó là những gì? Là những chân lý của sự khổ, nguyên nhân của sự khổ, tìm cách diệt bỏ sự khổ đau và con đường đi đến cảnh giới giải thoát. Đây cũng là bài pháp đầu tiên của Đức Phật sau khi thành đạo đã nói lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như nghe tại thành Ba La Nại, bên cạnh sông Hằng. Con đường Thánh là con đường giải thoát, mà trong bài kệ tụng trong lễ xuất gia của Đức Phật có mấy câu tôi rất tương đắc như sau:
Nơi đánh dấu bước đường lên Thánh
Dừng vó câu thả gánh tang bồng
Gởi lời về tâu trước bệ rồng
Cầu vương phụ dũ lòng trông đợi
Rừng khổ hạnh lần dò bước tới...

Đây là những câu kệ rất Việt Nam, vị nào dịch từ bài nào cũng không đề xuất xứ và tên người dịch. Nhưng khi tụng lên, nghe và thấy rất thâm trầm, đúng với ý nghĩa của việc xuất gia của Đức Phật.
Sau khi đã giác ngộ rồi, người xuất gia có bổn phận phải thực hành con đường Bồ Tát, có nghĩa là phải sống một cuộc sống lợi tha, chứ không phải chỉ sống cho mình, hoặc an ổn nơi núi rừng, vui sâu với Thiền Định. Hay ở vào trong Niết Bàn đại định, mà không tìm cách độ sanh.
Đó là ý nghĩa cao cả nhất và cũng là công đức thù thắng nhất trong việc xuất gia vậy. Ai làm được, người ấy sẽ thong dong tự tại cả một cuộc đời. Nếu ai không đi được trọn vẹn, giống như một người gánh một gánh nặng trên vai, không có khả năng gánh đi tiếp tục nữa. Hãy để gánh xuống, quay về trách nhiệm thế tục cũ ngày xưa, cũng không ai chê cười gì cả. Vì mình không có khả năng đi tiếp nữa, thì không có ai có quyền và nhân danh bất cứ một vấn đề gì để bắt một người không có khả năng để làm một công việc ngoài sức của họ, trừ phi họ phải tự nguyện gánh vác mới đi hết con đường khó khăn ấy được.
Trong thời gian qua có nhiều cô và nhiều chú đến xuất gia với tôi, ít nhất cũng trên dưới 20 người rồi. Sau hơn 10 năm, còn lại độ 16 người, cả Tăng lẫn Ni. Với tôi, ngoài những điều kiện phát tâm xuất gia là điều căn bản nhất để đi vào cửa Đạo, tôi còn đòi hỏi những người xuất gia phải có một trình độ thế học tương đối vững vàng, ít nhất là Tú Tài 2 trở lên đối với giới trẻ. Còn những vị Ưu Bà Di từ 60 tuổi trở đi hay ngay cả Ưu Bà Tắc với tuổi đó, tôi không đòi hỏi một điều gì thêm nữa, ngoại trừ chí nguyện xuất gia và sức khỏe mà thôi.
Có nhiều Thầy không đồng ý về vấn đề nầy, nhưng tôi nghĩ khác. Vì chính mình đã được đi tu và được đi học để trở thành như hôm nay, thì không vì một lý do nào đó, dẫu cho lý do ấy ẩn tàng dưới bất cứ một hình thức nào, cũng không đứng vững được, để không cho quý chú tiếp tục đến trường để học về ngôn ngữ, tôn giáo, giáo dục, triết học v.v... Tôi rất đồng ý là bằng cấp Cử Nhân, Cao Học, Tiến Sĩ không làm nên con người Tăng Sĩ, nhưng nếu Tăng Sĩ mà có thêm chương trình thế học ấy thì vẫn hơn là không có gì trong tay. Ví dụ một cú điện thoại hay một thư gởi tới cho vị trụ trì bằng tiếng Anh, Đức, Pháp, Nhật, Hoa v.v... mà vị Tăng sĩ hay vị trụ trì ấy không đọc được, để phải đi nhờ người này kẻ nọ. Quả là mất thì giờ vô ích. Riêng trường hợp nầy thì không thể dùng trí tuệ của sự tu mà soi sáng rõ chữ nghĩa được, mà phải dùng sự học mới chiến thắng được cái lười biếng học hành của mình. Bằng cấp không mang đến sự giải thoát. Điều ấy đúng. Nhưng sống trong cuộc đời tương đối nầy, phải lấy cái tương đối để đối đãi với nhau trước khi đi đến cái tuyệt đối của vô ngã, vô học, vô sở đắc v.v... Phật, chư Tổ ngày xưa không có mấy người có bằng cấp, nhưng ta không phải là Phật, là Tổ, và thời đại của Đức Phật khác, thời đại của chúng ta khác, đâu có giống nhau để mà so sánh. So sánh một chiều dài hàng tỷ năm ánh sáng, với chiều dài của một cây kim, sợi chỉ, quả là điều đáng trách vô cùng. Bằng cấp với người tu, nó chỉ là phương tiện thôi, chứ không phải là cứu cánh. Cũng như thế ấy, tiền bạc đối với người tu không phải là mục đích sau cùng của cuộc sống, mà nó chỉ là một phương tiện để trao đổi với con người như bao phương tiện khác thôi. Nếu nói bằng cấp cũng không cần đến, chẳng khác nào tụ tập một đám người dốt trong chùa, để kẻ bàng quang thiên hạ bên ngoài nhìn vào, lại có lời thị phi nhơn nghĩa, đúng là bọn họ đó! Không có công ăn việc làm, không bằng cấp, bị đời bạc đãi nên mới tìm vào chùa để nương náu, kiếm sống qua ngày, nương nhờ vào hạt cơm của đàn na thí chủ. Không! Trăm lần không và vạn lần không, vì cuộc sống của người Tăng sĩ ở trong chùa không phải là một cuộc sống lợi dưỡng, mà là một cuộc sống lúc nào cũng phải tự giác, chiến thắng với chính mình trong mỗi sát na và mỗi công việc.
Suốt ngày không thể chỉ ngồi để ăn cơm trong một hai tiếng đồng hồ mới xong bữa cơm, dẫu cho là một cuộc sống của Tăng sĩ đi nữa, phải chia sẻ khó khăn với đồng loại, phải cần có nhiều thì giờ để tỉnh thức trong mọi công việc, chứ không phải ngồi đó để nhơi cơm, trong khi mọi người phải đầu tắt mặt tối, lo cho cái ăn cái mặc, cái dư thừa để cúng dâng vào chùa, cho mình có nhiều thì giờ để nhởn nhơ trong cuộc sống. Chắc hẳn và hẳn nhiên cuộc sống của người xuất gia phải khác như thế, mới theo kịp đà tiến hóa của nhân loại ngày nay.
Học đạo vẫn là điều quan trọng, nên chư Tổ ngày xưa đã chế ra cho người xuất gia trước phải học luật, sau mới học kinh, luận và hai thời công phu chiều sáng hằng ngày cũng là những phương pháp thực hành sự tập trung tư tưởng vào một sự việc nào đó nhứt định. Như khi đi, mình biết mình đang đi. Khi ngồi, mình biết mình ngồi. Khi ngủ, mình biết mình ngủ, khi làm việc biết mình có ý thức trong sự làm việc. Đó là những việc làm căn bản của một người tu tại chùa. Các chú các cô học luật Tỳ Ni, tức là những bài kệ có tính cách cảnh tỉnh trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, lễ bái, thực tập thiền tọa v.v... rất bổ ích cho người mới vào Đạo. Đây là con đường chuyển hóa thân tâm của hành giả mới vào cửa chùa rất diệu dụng.
Hai mươi bốn oai nghi của bộ luật sẽ giúp cho các chú các cô về cách hầu Thầy, nói chuyện với khách, khi ở trong phòng, lúc ra đi, khi đến chùa khác, khi tắm rửa, giặt giũ v.v... mỗi động tác đều nhắc nhở người xuất gia phải ý niệm về việc làm của mình. Rồi mười giới của Sa Di là những bờ mé căn bản để ngăn chận lòng mình phải tập sống xa lìa những cám dỗ thường tình của nhân thế. Trong khi đó năm giới căn bản khi còn là Cư sĩ và thêm năm giới phạm hạnh của một người xuất gia nữa. Ngoài ra còn phải học quyển Cảnh Sách của Tổ Qui Sơn là một quyển luật rất hay để nhắc nhở người tu lúc nào cũng phải tự cảnh tỉnh mình về ơn cha mẹ, Thầy, Tổ, ơn đàn na thí chủ v.v... Tất cả những ơn nghĩa đó ta chưa đền đáp được, thì không vì bất cứ một lý do nào đó mà chểnh mảng sự tu hành. Ai đọc đến văn Cảnh Sách nầy của Ngài Qui Sơn cũng phải ứa nước mắt, cũng giống như đọc văn bài "Phát Bồ Đề Tâm" của Ngài Thật Hiền vậy. Ngoài ra hai thời công phu sáng và chiều rất quan trọng. Trước hoặc sau các thời khóa nầy có thể tọa thiền để huân tu chủng tử tối thiện trong việc thực hiện tuệ giác siêu việt trong cuộc sống tu hành. Công phu sáng tập chúng ta huân tu đại định, mà kinh Lăng Nghiêm, nếu không chú tâm sẽ không bao giờ thuộc lòng được, mà không thuộc lòng thì việc xuất gia, thọ giới cũng như giữ mình khó được vẹn toàn. Ngay cả Ngài A Nan còn cần đến thần chú nầy, thì chúng ta thử hỏi dựa vào đâu để không hành trì thời công phu sáng?
Công phu chiều các chú tiểu phải hiện diện đầy đủ nơi chánh điện để thể hiện lòng từ bi đối với tha nhân, cầu nguyện cho những chúng sanh đã thác hóa sớm siêu thoát về cảnh giới an nhàn, không còn ở trong địa ngục lầm than, dầu cho đến địa ngục vô giám đi chăng nữa, cũng sẽ được lợi lạc một phần nào. Trong thời kinh nầy sẽ tụng Kinh Di Đà, Hồng Danh sám hối và Mông Sơn Thí Thực, có nhiều người chủ trương Thiền, nên bỏ luôn Tịnh Độ bài bác Tịnh Độ không còn một lối đi; nhưng những vị ấy đã lầm lớn, dầu cho họ là một Thiền sư hữu danh đi chăng nữa. Ví dụ như thế nầy để được dễ hiểu. Một người dầu tốt nghiệp cao học, tiến sĩ đi chăng nữa nhưng tự mình viết đơn để xin việc làm thì dễ bị từ chối lắm. Có thể bằng nhiều lý do như thiếu kinh nghiệm , vì mới ra trường, hay đó là người ngoại quốc, viết ngoại ngữ chưa thạo v.v... và v.v... Nhưng nếu người sinh viên mới ra trường ấy mà được sự gởi gấm của một ông giám đốc thì chắc chắn sẽ được nhận vào hãng làm ngay. Vậy thì tha lực của ông giám đốc vẫn cần có, trong khi tự lực mình cũng phải cần. Vậy thì đời mạt pháp nầy không thể không cần đến tha lực của Đức Phật A Di Đà mà có thể thành tựu sự giải thoát được mà phải nhớ rằng ngay cả Ngài Văn Thù Phổ Hiền cũng phải nguyện vãng sanh về Tịnh Độ, thì còn ta? Ta nên nương vào đâu? Mười hai vị Tổ Thiền Tông của Trung Hoa đã hơn quá nửa đều nói về Tịnh Độ. Còn Việt Nam chúng ta há không cần đến Tịnh Độ chăng? Hay chỉ có thiền ngồi đó để đếm hơi thở và thực hành chánh niệm trong khi người chết đang cần sự trợ niệm vãng sanh của những người tu?
Các chùa ở Việt Nam còn có thêm thời kinh buổi tối, gọi là thời khóa Tịnh Độ hay tụng Di Đà, đôi khi tụng Phổ Môn cũng rất hay. Vì đây là thì giờ mà các Cư sĩ bận công ăn việc làm ban ngày không có thể tham gia các thời khóa nầy tại tư gia hay tại chùa được. Cũng có nhiều chùa cúng Ngọ nữa. Thời kinh nầy rất ngắn. các chú Tiểu chỉ tụng trong ngày 10 đến 15 phút là xong. Ngày nay ra hải ngoại nhiều chùa chỉ còn tụng thời kinh chiều và sáng. Còn hai thời kia bị giảm đi. Tuy nhiên cũng có nhiều chùa vẫn còn giữ đúng quy củ của Thiền Môn, mỗi ngày 4 đến 6 thời và công phu Thiền Tọa; nên cũng có thể gọi là Thiền Tịnh song tu nữa.
Khi tôi còn ở Việt Nam, từ năm 1968 đến năm 1971, ở tại chùa Hưng Long ở Sàigòn, có Hòa Thượng Thích Pháp Ý trụ trì chùa nầy đã ngoài 70 tuổi, mà mỗi ngày không bao giờ thiếu hai thời tụng kinh cả. Tối và sáng là hai thời căn bản của Ngài. Tăng chúng Ngài cũng bắt buộc thế. Nếu đi công phu chiều thì khỏi đi tối, hoặc ngược lại. Nhưng thời công phu sáng thì không được bỏ. Dẫu cho đó là lý do quan trọng gì đi chăng nữa. Thuở ấy trong những Tăng sinh chúng tôi có người thi tú tài và học tại các Phật Học Viện, bận rộn vô cùng, xin phép Ngài được nghỉ một thời kinh để có thì giờ lo bài vở đi thi. Ngài tán thành. Nhưng nghỉ thời chiều hoặc tối. Còn thời kinh buổi sáng bắt buộc phải đi. Tôi cũng nằm trong trường hợp đó nên mãi đến bây giờ mấy mươi năm ở ngoại quốc rồi, lúc nào thời kinh sáng và thiền tọa nơi chánh điện vẫn không thể thiếu được. Đó là một thói quen cần phải hành trì.
Khi còn ở chùa Hưng Long, Hòa Thượng Pháp Ý đặt ra một cái luật cũng như Tổ Bách Trượng ngày xưa đã đặt ra là, nếu chỉ tụng kinh một thời trong ngày thì chỉ được quyền ăn một lần cơm vào buổi trưa hoặc buổi tối. Nếu tụng hai lần thì được dùng cả hai buổi. Nếu không tụng lần nào thì không được dùng gì cả, còn bữa sáng tại chùa thì không kể, có người ăn, có kẻ phải đi học sớm, nếu tối hôm trước còn cơm nguội thì tự chiên lại để dùng, không ai nói gì cả. Đây cũng là một cái lệ rất hay của chùa Hưng Long, mà nay thì Hòa Thượng đã tịch rồi, không biết có còn giữ lại được như thế chăng? Và Tăng chúng sống lâu ngày nếu không có một quy củ như thế thì đâm sanh ra lười biếng và cái sơ tâm xuất gia lần lần bị lãng quên đi để đắm vào những lợi danh của trần thế, quả thật uổng phí vô cùng. Có người nhờ tiếng tụng kinh hay, nên chỉ rèn luyện cho sõi để chỉ đi cúng đám, có người chuyên ngồi đàn chẩn tế để được nầy nọ, thì đó cũng là những hình ảnh mà làm cho người xuất gia bị giãi đãi hơn lúc ban đầu.
Tụng kinh, niệm Phật, ngồi Thiền mỗi ngày hai buổi mới chỉ là trả nợ áo cơm cho đàn na thí chủ, chứ chưa mang một ý nghĩa độ sanh nào cả, mà còn lười như thế thì làm sao để Bồ Đề Tâm được phát triển và con đường giải thoát vốn đang đi nhưng vẫn còn xa vời vợi. Vì vậy trong bài tựa của kinh Pháp Hoa mỗi lần chúng ta tụng đọc, đều được nhắc nhở rằng: mặc dầu con đang ở trong cảnh thanh tịnh nhưng vẫn thấy không an vui, sống trong cảnh giới giải thoát mà vẫn còn bị ràng buộc... Đó chẳng qua là tại tâm mình chưa vững, phát tâm chưa đúng cách, nên dễ bị sanh tâm nhàm chán như vậy.
Các chú, các cô tại chùa sống phải theo phép lục hòa để đối xử hàng ngày với nhau thì mới khỏi gây phiền toái cho nhau. Vì lẽ cha mẹ, anh chị em có tình thương, gắn bó của gia đình mà vẫn luôn bị kình chống, giận hờn nhau, thì thử hỏi một đoàn thể Tăng Già không quen biết nhau từ trước vào sống chung trong một Chùa, một Tu viện, một Tổ đình, một Phật Học Viện v.v... nếu không có giới luật và phép lục hòa thì không thể nào sống chung được.
Khi sống trong chùa, với sơ tâm xuất gia rất mạnh lúc ban đầu, có thể chiến thắng mọi thử thách như buồn ngủ, vì thức khuya dậy sớm, ăn chay mau đói, Thầy bạn hay rầy rà v.v... nhưng lần lần nếu Bồ Đề Tâm không phát triển mà cứ để cho các phiền não và danh lợi, thế quyền chen lẫn vào, quả là điều đáng tiếc. Đó là chưa kể đến những chuyện tình lẩm cẩm được núp dưới bóng thiền môn ở nhiều hình thức khác nhau như Thầy thương riêng bổn đạo, đệ tử hay ngược lại đệ tử đi quấy nhiễu Thầy. Viết đến đây nhớ lại thời còn đi học tại trường Bồ Đề ở Hội An thời 64-67, trong lứa tuổi hoa niên của nam nữ, các chú, các cô tại chùa trong tỉnh, ngoài việc học tại chùa, còn đi học thêm chương trình thế học ở ngoài đời, điều nầy ắt hẳn cũng đúng với tinh thần ngũ minh của Phật Giáo, có nghĩa là người tu phải thông làu nội điển (nội minh), ngoại điển (ngoại minh), ngôn ngữ (thanh minh), y học (y phương minh), và nghề nghiệp (công xảo minh). Thiết nghĩ ngày xưa chư Tổ cũng không lầm để phải chế ra phương pháp nầy cho người tu hành trì vậy.
Thuở ấy mấy cô con gái 15, 16 tuổi thấy mấy chú học giỏi nên chọc ghẹo, trêu đùa trong cái tình cảm học trò, của đầu tóc mới lú đuôi tôm, kể cũng vui vui, nhưng cũng có nhiều học sinh hiểu đạo nên mới khuyên quý cô rằng: Tụi bây đừng có bậy bạ. Nếu mầy không khuyên được một người đi tu để dứt nợ hồng trần được, thì cũng đừng nên kéo một người đang đi trên con đường thoát tục để về với trần thế. Tội lắm tụi bây ơi! Lời khuyên tuy đơn giản nhưng hàm chứa ý nghĩa rất sâu sắc, chỉ có những người hiểu đạo mới có thể nói được những câu ấy. Khi lớn lên rồi và khi đi làm việc đạo, tôi vẫn nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa, khi thời còn Trung Học, cảm thấy vui vui.
Trong luật Phật dạy khi người Tăng sĩ gặp một người nữ bình thường hay một Ni cô gặp một nam Cư sĩ thì phải có ý niệm như vầy mới giữ tròn được ý chí của người xuất gia. Nếu họ hơn mình nhiều tuổi, xem họ như cha hoặc mẹ của mình. Nếu họ hơn mình vài tuổi xem họ như anh hay chị ruột của mình. Nếu họ thua mình vài tuổi hãy xem như em ruột của mình. Nếu họ bằng tuổi mình, hãy xem như anh em ruột song sinh hay bạn bè chí thiết thì những việc không lành ắt phải lánh xa. Ngoài ra trong luật dạy rất kỹ, không tiện viết ra đây cho mọi người đọc, vì nó chỉ có giá trị cho những người đã thế phác xuất gia mà thôi.
Có nhiều người nữ tín đồ vì cảm cái hiền từ, học giỏi của các chú, các Thầy mà nói năng những lời ong bướm, hoặc dụ dỗ ra đời để được cái nầy, cái nọ. Nhiều người tu vì không tự làm chủ được mình nên đã nghe theo ra đời, nhưng khi ra đời rồi, cái hiền từ ấy có được trong chùa, cái học giỏi ấy và tiếng tụng kinh hay ấy, không làm nên được cơm gạo cho đời để nuôi vợ con, nên 100 người ra đời đều khổ cả 100, chỉ trừ vài người có khả năng, hoặc bằng cấp đã học được trong chùa, nhưng so ra với người bình thường khác vẫn không sánh vai kịp. Dĩ nhiên bỏ tu như thế không phải là một tội lỗi, như đã trình bày bên trên, nhưng rất uổng phí cho lời nguyện lúc ban đầu là phải giải thoát cho chính mình và ngay cả tha nhân. Trong những trường hợp tâm bị chùn xuống như thế phải cần nương vào năng lượng tha lực của chúng Tăng, Thầy Tổ rất nhiều, để tâm không bị giao động, mà phải bị nổi trôi theo dòng đời sinh tử. Đức Phật cũng đã có lòng từ mở rộng cửa chùa cho cả người nam lẫn người nữ khi đã ra đời có quyền tái xuất gia lại để tiếp tục con đường Thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân. Điều ấy có nghĩa là làm hưng thịnh hạt giống Thánh. Đó là sự giác ngộ giải thoát và lại tiếp tục con đường tự chiến thắng mình từ bên trong lẫn bên ngoài. Vì thế Đức Phật mới dạy rằng: Chiến thắng muôn quân không bằng tự thắng mình, tự thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất.
Thầy Bổn Sư phải nên thân cận, gần gũi hỏi han và bộc bạch những khó khăn của mình về sự tu, học, tài chánh, tình cảm, thương, ghét, giận, hờn v.v... vì Thầy đã thay thế cho cha mẹ, mà còn hơn thế nữa, vì cả hai phương diện từ vật chất đến tinh thần, người đều lo cho trọn vẹn, thì không thể không sám hối trước Thầy hoặc các vị Hòa Thượng, A Xà Lê để được hướng dẫn kỹ càng. Vì chính cuộc đời của các Ngài cũng đã phải trải qua những cuộc chiến đấu cam go như vậy. Các Ngài đã có kinh nghiệm và cũng sẽ không trách đệ tử của mình tại sao mà gặp khó khăn như vậy. Nếu tất cả những lời khuyên đều không có kết quả, thì lúc ấy được quyền hiểu rằng: Tất cả đều do nghiệp lực và chính đương sự ấy không có khả năng hoán đổi được nghiệp lực của mình. Đây là một sự mất mát to lớn lắm, chắc gì trong đời nầy hay cuộc sống kế tiếp có được tái diễn lại để được làm thân của một bậc Đại Trượng phu chăng?
Ta có tình thương, ta có tâm cứu khổ, ta có khung trời tự do cao rộng thênh thang rộng mở để đi vào cửa ngõ của cảnh giới Niết Bàn thì hãy trân quý nó, giữ gìn nó, đừng cho nó bị băng hoại theo thời gian năm tháng trong sự phát tâm lúc ban đầu.
Người Tăng sĩ phải chọn cho mình một hướng đi đích thực, mà Thầy ta, bạn ta chính là những tha lực rất cần thiết trong cuộc sống tu hành của mình. Nếu thiếu những tha lực nầy là một sự thiếu thốn rất to lớn trong cuộc đời tu hành. Nếu ở chùa mà thiếu sự thông cảm của Thầy, của bạn, thì sự ở chùa ấy tuy đang sống, nhưng lòng mình đã chết. Vì mình không tự làm chủ được mình, không khác nào như chú tiểu Lan ngày nào cũng âm thầm chôn xác bướm của Điệp. Liệu như thế lại có lợi ích gì?
Người Phật Tử đi chùa họ mong mỏi những gì nơi chư Phật, nơi giáo pháp và nơi chư Tăng? Ngược lại chư Tăng sẽ cho cái gì cho người Phật Tử tại gia? Đây là những vấn đề chính mà chúng ta cần phải nghiêm túc đề cập đến.
Người Phật Tử sống có gia đình phải lo săn sóc và chăm nom để gia đình cũng như xã hội được phát triển theo nhu cầu của xã hội. Người Phật Tử mang phần vật chất có được nơi khả năng của mình tự làm ra ấy vào chùa để cúng dường lên chư Tăng, mong chư Tăng nạp thọ, để có nhiều thì giờ lo tu hành, không phải vướng bận với công ăn việc làm, mà tất cả thì giờ dành cho việc tu học giải thoát. Người Phật Tử khi làm như vậy, sẽ được một cái quả hữu lậu ở đời nầy hay đời sau sẽ được giàu có an vui sung sướng. Ngoài ra khi trong gia đình hữu sự, Phật Tử thường hay đến chùa cầu nguyện để cho tâm của họ được an và cầu vào tha lực của chư Phật cũng như chư Tăng, để từ đó họ an tâm trong cuộc sống của một người tại gia.
Dĩ nhiên cũng có rất nhiều vị Cư sĩ tham cứu kinh điển một cách sâu sắc và cũng dành rất nhiều thì giờ để thiền tọa và tụng kinh tại tư gia hay tại chùa; nhưng mục đích của họ không phải là độ sanh, mà lo tự độ.
Như vậy người xuất gia sẽ cho lại người Cư sĩ được những gì? Điều đầu tiên người xuất gia có thể cho người tại gia một sự an lạc nơi nội tâm, mà sự an lạc nầy dầu tốn hết bao nhiêu tiền vẫn không có thể mua ở bất cứ nơi chợ đời của thế gian được. Nó chỉ có nơi những tâm hồn của những kẻ đã biết gạn lọc và tu tỉnh thân tâm. Tiêu biểu là những người xuất gia vậy. Người xuất gia mang hoài bão giải thoát và giác ngộ, nhưng trước khi đi vào sự giải thoát, người xuất gia phải tự mình gạn lọc thân tâm để được an lạc trong cuộc sống thế trần nầy. Mỗi người, mỗi chúng sanh chúng ta khi sinh ra trong đời nầy đều mang theo một nghiệp lực khác nhau và phước đức của mỗi người cũng khác nhau nữa. Có người thì thong dong tự tại trong cuộc sống, mà cũng có lắm người khổ đau tục lụy vẫn còn vây bủa chung quanh mình. Dẫu cho đó là người xuất gia đi chăng nữa, nhưng chính họ phải chọn một lối đi và lối đi ấy phải hợp với khả năng của mình, nhưng không phải ngoài tự độ và độ tha. Sự tự độ, trước tiên phải mang sự an lạc đến cho chính mình, cũng tương tự như tập lái xe hay lái thuyền vậy. Sau khi đã thuần thục tay lái, lúc ấy mới có thể chở mọi người cùng đi chung một chiếc thuyền được. Nếu người thủy thủ vững tay chèo thì mọi người mới an tâm. Nếu chưa vững tay lái mà đã lo chuyên chở cho bao nhiêu người thì người ngồi trên con thuyền ấy chẳng an tâm chút nào. Dầu cho con thuyền đó mang tên là con thuyền giải thoát đi chăng nữa.
Sự an tâm trong từng bước đi, trong từng lời nói, nụ cười, khi tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, trì chú sẽ là một sức gia trì rất vững chãi và là một trọng lực của chánh định khi đối diện với mọi biến đổi của đời. Đây là một chiếc phao, một cán cân để quân bình cuộc sống tâm linh của người Tăng sĩ và cũng là một chỗ dựa vững chắc cho hàng Cư sĩ tại gia vậy.
Ở trong chùa, người xuất gia có cơ hội thực tập sự an lạc và sẽ cho người Cư sĩ sự an lạc của mình để họ an tâm hơn khi vào cửa đạo vậy. Sự an lạc là một nguồn suối vô biên để dẫn tới tình thương yêu vô tận của loài người cũng như vạn vật. Nếu người Tăng sĩ không có từ và bi tâm thì sẽ không độ thoát được muôn loài. Dưới con mắt hành động và vị tha và phải có lợi cho tha nhân đồng loại, đó mới là cuộc sống chân thật của người Tăng sĩ vậy. Từ và Bi, Hỷ và Xả là bốn đức tính vị tha, cho vui cứu khổ và tạo sự an lạc cho mọi người, tất cả những hành trang nầy, người xuất gia phải trang bị cho thật đầy đủ thì phương tiện độ sanh, đi vào cuộc đời mới mang một ý nghĩa thực tiễn được.
Khi người xuất gia tu tập có nghĩa là người xuất gia huân tu giới đức và giới đức nầy sẽ là một hành trang vi diệu để trang sức cho nội tâm của người xuất gia cũng như sẽ san sẻ cho mọi người ánh sáng trí tuệ ấy. Cái đức là một nhân vô lậu, không dứt mất như cái phước bên nhân hữu lậu, nên có thể truyền đạt mãi cho nhau trên phương diện vật chất cũng như tinh thần cho mọi người để cùng chung cộng hưởng. Cái đức là một sự cảm nhận vô hình; nhưng tâm ta sẽ tiếp thu nó như một luồng điện, một luồng ánh sáng, một sự tồn tại của không khí trong hư không. Tuy vô hình, nhưng thiếu những sự hiện hữu nầy thì con người và vạn vật sẽ không tồn tại được. Có những loại vật chất ta có thể sờ mó được, để tin rằng chúng có hình tướng và từ hình tướng đó, nó sẽ bồi bổ cho thân thể ta để được trưởng thành; nhưng cũng có những món ăn tinh thần như vừa kể, không sờ mó được; nhưng nếu thiếu nó, con người như cây cỏ của nội ngàn...
Tóm lại người xuất gia sẽ sống hài hòa trong cuộc sống của thế trần, giữa chơn đế và tục đế, giữa giải thoát và khổ đau. Giữa tục lụy và thanh cao, giữa con người và vạn hữu để trao truyền cho các thế hệ từ đời nầy đến đời khác, từ nơi nầy đến chốn khác trong phạm vi của mỗi con người, dầu tại gia hay xuất gia cũng cần phải thể hiện qua trong cuộc sống của mình.
Xuất gia là một việc khó làm, nhưng không phải là điều không làm được.Vì đã có biết bao nhiêu vị Tổ sư, bao nhiêu Thánh Tăng, phàm Tăng đã trải qua con đường tu học giải thoát ấy. Vậy nên, chúng ta có thể hiểu rằng ai cũng có thể bắt đầu đi vào con đường ấy cả; nhưng tùy theo mỗi người về sức khỏe, khả năng, điều kiện, thời gian v.v... Nếu biết hướng thượng thì ánh sáng chân lý sẽ rộng mở cho mọi người và mọi loài. Nếu không muốn đi và không muốn đến, thì con đường giác ngộ vẫn còn xa và do đó người xuất gia sẽ không làm được trọn vẹn ý nghĩa cho việc độ mình cũng như độ người.
Ngồi trên máy bay, với trời xanh mây biếc, ý nghĩ chập chùng lúc ẩn lúc hiện nơi nội tâm của mình, như đang đi vào một thế giới của chư Thiên chứ không phải của người trần thế. Xin ghi vội vài dòng để gởi về mặt đất và mong rằng với ý nghĩa an lạc, từ bi sẽ làm lợi lạc cho mọi loài và mọi người trong cuộc sống của người xuất gia đang mang hạt giống giác ngộ và giải thoát ấy đi gieo rắc khắp nơi trên mọi nẻo luân hồi.
Viết xong vào lúc 14 giờ chiều ngày 1 tháng 11 năm 1996, trên chuyến bay AF346 từ Paris đến Montréal, Canada.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.30/4/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment