Đức Phật đã dạy rằng tất cả nhân quả thiện ác trên thế gian đều theo nhau như bóng với hình, không sai chạy chút nào. Tuy nhiên, những kẻ không tin tưởng vào luật nhân quả thì cho đó là lời nói ngoa. Ngoài ra, nhiều người do tin tưởng thuyết “An Mạng (an phận thủ thường)” của Khổng Tử nên thường đổ trút tất cả cho số mạng, và chỉ cầu phước báo, cùng thích nghe những điều tốt lành mà bỏ ngoài tai những việc xấu xa tai họa. Thật là những kẻ hàm hồ ngu muội.
Thật ra, cuộc đời sanh tử chỉ như một ngày đêm. Khái niệm luân hồi trong ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai) giống như hôm nay và ngày trước. Ví như trong cuộc sống hằng ngày, lúc mời khách đến nhà dự tiệc, thì phải chuẩn bị đặt để thức ăn nước uống cho trang trọng đầy đủ. Nếu có thiếu sót món chi tức là lo lắng không chu đáo. Đó là lẽ tất nhiên.
Cuộc nhân sanh, những việc thọ mạng dài ngắn (chánh báo), gia sản tài vật (y báo), sự nghiệp công danh, cùng phú quý bần tiện đều tùy thuộc vào nghiệp nhân đã trồng trong tiền kiếp. Những sự thọ dụng trong đời nay đều không phải từ bên ngoài mang đến, mà hoàn toàn là do tự làm tự hưởng. Vì vậy cổ nhân đã có câu : “Muốn biết nghiệp nhân đời tiền kiếp, hãy nhìn báo ứng đang thọ. Muốn biết quả báo đời vị lai, hãy xem đang làm những gì”. Đa số người đời ỷ vào tài năng học thức để đạt công danh phú quý, nhưng chẳng hề biết rằng việc này khó xảy ra, vì chủ yếu chính là do nhân lành đã tự trồng trong tiền kiếp kết hợp với khả năng tài trí trong hiện tại mới tạo dựng được. Do đó, nếu vui mừng hớn hở khi được công danh phú quý thì rất sai lầm. Lại nữa, lúc bị người khác phá mất công danh phú quý, liền khởi tâm oán hận, mà chẳng biết rằng phần phước mình chỉ có thế thôi. Phần phước báo bị người khác phá mất thật ra chẳng phải là của mình mà chính vì thiếu nợ người đó nên phải trả. Vì vậy, đau khổ ưu sầu, oán trời trách đất, thậm chí kết thành cừu oán không thể xả bỏ, thì cũng là sai lầm. Do đó, phải nên biết rằng pháp “An Mạng” của Khổng Tử tức là thuyết nhân quả của Phật giáo. Nếu hiểu được lý “An Mạng” thì sẽ chấp nhận rằng sang hèn được mất đều tùy thuộc vào nhân xưa, vốn tự làm tự thọ. Nghèo cùng hay hiển đạt, mạng ngắn hoặc dài, đều do nhân đời tiền kiếp chủ định. Thật vậy, nếu hiểu rõ và tin tưởng quy luật nhân quả, thì sẽ chấp nhận rằng tất cả sự thọ dụng trong hiện tại đều phát xuất từ những nghiệp nhân đã trồng vào đời tiền kiếp, chớ chẳng phải do người khác đem đến, hay nhờ tài trí mới đạt được. Dẫu có đạt được bằng tài trí, thì đó chẳng qua là phần phước của mình. Thế nên, sao lại khổ sở đắm chấp, lao tâm nhọc sức, lo lắng ưu sầu những việc được mất, thậm chí vọng tích bao oán thù ! Nếu là người thông minh sáng suốt, thì phải thâm tín nhân quả báo ứng, mà không chấp trước vào những việc đắc thất trong hiện tại, chỉ nên căn cứ theo điều kiện hiện hữu, để trồng nhân lành vào ruộng phước cho tương lai. Ví như người nông dân, phải biết chọn đất phì nhiêu để gieo trồng giống tốt, rồi siêng năng cấy cày, thì nhất định sẽ thu hoạch được đầy ắp lúa mạ trong mùa thu. Đây là việc hiển nhiên. Có khác biệt chăng trong sự thu hoạch là do việc bỏ phân bón ít nhiều.
Đức Phật đã dạy : “Cúng dường Phật, Pháp, Tăng thì gọi là gieo nhân lành vào ruộng phước thù thắng. Hiếu thảo với cha mẹ thì gọi là gieo nhân lành vào ruộng phước cung kính. Cứu giúp những kẻ nghèo cùng khốn khổ thì gọi là gieo nhân lành vào ruộng phước tâm thức”. Tôi hy vọng quý vị sẽ không ưu sầu vế những sự được thua còn mất trong quá khứ, mà chỉ lo gieo nhân lành vào ruộng phước cho tương lai. Nếu quý vị giảm bớt tiêu xài vào những việc phung phí hay vô ích cùng biết tiết chế chi tiêu trong việc ăn mặc, rồi dùng những phần được tiết kiệm trồng trong ba loại ruộng phước ở trên, thì không những đời vị lai được tăng phước đức trang nghiêm mà hiện thế thân an tâm lạc, và trở thành người có phước lành bậc nhất. Nếu thường gieo giống lành vào ba loại ruộng phước bên trên, lại còn biết lưu tâm về Phật Pháp như dùng cách niệm Phật để dẹp trừ tâm vọng tưởng, dùng từ bi để chuyển hoá sân si, dùng nhu hoà để cảm hoá cường bạo, dùng khiêm tốn để chiết phục ngã mạn, thì đó là hạnh của bậc Bồ-tát phát đại tâm. Nếu có tín tâm chân thật, thì xứng đáng được gọi là đại trượng phu dũng mãnh tối thắng !
No comments:
Post a Comment