Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Văn Thù Sư Lợi cũng được gọi là Mạn Thù Thất Lỵ, có nghĩa là Diệu Đức, Diệu Cát Tường. Diệu Đức được hiểu là mọi đức đều tròn đầy.
Thủa xưa, Ngài là con thứ ba của vua Vô Tránh Nhiệm có tên là Thái tử Vương Chúng. Ngài cúng dường Phật Bảo Tạng và phát nguyện độ sanh nên được hiệu là Văn Thù Sư Lợi. Sau khi Phật Bảo Tạng thọ ký cho Ngài phải trải vô lượng hằng hà sa số kiếp về sau, thì Ngài sẽ thành Phật ở thế giới thanh tịnh Vô Cấu Bảo Chi thuộc về bên phương Nam, hiệu là Phật Văn Thù. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi xuất hiện hầu như trong tất cả các kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa: Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Ma Cật…như là một nhân vật thân cận nhất của Đức Phật Thích Ca.
Ngài có lúc thì chính thức thay mặt Đức Thế Tôn diễn nói Chánh pháp, còn có lúc đóng vai người điều khiển chương trình để giới thiệu đến thính chúng một thời pháp quan trọng của Đức Bổn Sư. Ngài thấu hiểu Phật tánh bao gồm cả ba đức: Pháp thân, Bát Nhã và Giải thoát cho nên trong hàng Bồ tát Ngài là thượng thủ. Là vị Bồ tát tiêu biểu cho trí tuệ, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát thường được miêu tả với dáng dấp trẻ trung ngồi kiết già trên một chiếc bồ đoàn bằng hoa sen. Biểu tượng đặc thù của Ngài là trên tay phải, dương cao lên khỏi đầu, là một lưỡi gươm đang bốc lửa. Nó mang hàm ý rằng chính lưỡi gươm vàng trí tuệ nầy sẽ chặt đứt tất cả những xiềng xích trói buộc của vô minh phiền não đã cột chặt con người vào những khổ đau và bất hạnh của vòng sinh tử luân hồi bất tận và đưa con người đến trí tuệ viên mãn.
Trong khi đó, tay trái của Ngài đang cầm giữ cuốn kinh Bát nhã trong tư thế như ôm ấp vào giữa trái tim. Đây là biểu trưng cho tỉnh thức, giác ngộ. Đôi khi, chúng ta cũng thấy tay trái của Ngài cầm hoa sen xanh, biểu thị cho đoạn đức. Có nghĩa là dùng trí tuệ để dứt sạch mọi nhiễm ô tham ái, như hoa sen ở trong bùn mà không nhiễm mùi bùn. Nói một cách khác là Bồ tát không phải người ẩn nơi non cao rừng thẩm, hoặc sống trong cảnh thanh tịnh u nhàn, mà là người sống chung đụng với quần chúng, lăn lộn trong đám bụi trần để cứu độ chúng sinh, nên có lúc ra làm vua, có lúc làm quan, cũng có khi làm kẻ tật nguyền nghèo khổ…Tuy sống trong dục lạc dẫy đầy, mà Bồ tát vẫn giữ tâm thanh tịnh không bị ô nhiễm như người đời. Đó là nhờ trí tuệ dứt sạch tham ái, viên thành đoạn đức.
Chiếc giáp Ngài mang trên người gọi là giáp nhẫn nhục. Nhờ nó nên các mũi tên thị phi không xâm phạm vào thân. Nó có thể che chở cho Ngài vẹn toàn tâm từ bi do đó bọn giặc sân hận oán thù không thể nào lay chuyển được hạnh nguyện của Bồ tát. Bồ tát không bao giờ rời chiếc giáp nhẫn nhục bởi vì nếu thiếu nó thì không thể nào thực hiện được tâm Bồ đề. Nói về Phật giáo Á Châu, thì Ngũ Đài Sơn bên Trung Quốc được xem như là nơi trụ tích của Văn Thù Bồ tát. Ngũ Đài Sơn thuộc địa phận tỉnh Sơn Tây và có năm ngọn núi quần lại với nhau là Đông đài, Tây đài, Nam đài, Bắc đài và Trung ương đài. Phong cảnh rất thanh tú với hồ nước lung linh, những dòng sông trong veo uốn khúc cộng thêm những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như những bức tranh thủy mặc, nên từ lâu được coi là chốn bồng lai tiên cảnh, trú xứ của những vị Tiên theo truyền thuyết Trung Hoa. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng:
Ngài Văn Thù trụ lại ở núi Thanh Lương phía Đông Bắc và hiện đang thuyết pháp cho chư Bồ tát nghe. Mà núi Thanh Lương sau nầy được ám chỉ là núi Ngũ đài. Vì thế mà vào đời nhà Đường (736 sau T.L) có vị Thiền sư Đạo Nhất, một vị cao tăng, đã thực hiện một chuyến hành hương trên Ngũ đài sơn. Sư gặp một một lão tăng cưỡi trên mình một con voi trắng ở phía đối diện. Lão tăng nói ngày mai sẽ gặp được Văn Thù Bồ tát, nói xong thì lão tăng biến mất. Sư quá đổi vui mừng và suốt đêm nghỉ lại chùa Thanh Lương, trung tâm của núi Ngũ đài. Sáng hôm sau vào lúc tinh mơ, Sư đã thức dậy, một mình nhắm hướng Tây lên núi. Sư lại gặp vị cưỡi con voi trắng hôm qua và vị tăng khuyến khích sư tiếp tục đi lên núi.
Khi sư đi về hướng Tây Bắc, đi qua một cây cầu thì Sư thấy một dinh thự hùng vĩ trang nghiêm như một tu viện, tất cả đều bằng vàng. Sau đó Sư gặp lại vị lão tăng và không còn nghi ngờ gì nữa, Sư biết chắc vị lão tăng kia chính là Văn Thù Bồ tát hóa hiện. Sư mừng đến độ choáng váng phải một lúc sau Sư mới hoàn hồn tỉnh lại. Nhân cơ hội nầy Sư đã tham vấn về những khúc mắc trong Phật pháp và Bồ tát cũng ân cần hỏi han về tình trạng Phật pháp ở quê hương Sư. Từ giã Bồ tát, bước đi chừng trăm bước, Sư ngoái đầu nhìn lại, tất cả đều biến mất. Sư Đạo Nhất đem tất cả những điều chứng kiến được tâu trình lên vua Đường Huyền Tôn. Nhà vua rất thu hút bởi chuyện nầy nên sai thiết lập ngôi Kim Cát Tự. Đây là ngôi chùa vĩ đại được kiến trúc theo mô hình mà Sư nhớ lại, được hoàn tất vào cuối thế kỷ thứ 8.
Một nhà sư khác người Nhật tên là Viên Nhân (Ennin) cũng đã hành hương đến Ngũ Đài Sơn vào năm 840 sau T. L. Ông đã lưu lại đây hơn hai tháng và đã ghi lại những điều chứng kiến được như sau:”Vào khoảng đầu hôm, chúng tôi, một nhóm tăng khoảng mười người đột nhiên trông thấy trên bầu trời hướng Đông của thung lũng xuất hiện một cây đèn thần. Ánh sáng ban đầu chỉ nhỏ cỡ chừng bằng một cái bình nhưng sau đó lớn dần lên bằng cả cái nhà. Chúng tôi quả thật rúng động trước cảnh tượng nầy, vội vã quỳ xuống đánh lễ và niệm lớn danh hiệu Bồ tát Văn Thù. Rồi thì một cây đèn khác lại hiện ra gần chúng tôi hơn.
Hai ngọn đèn này nhìn từ xa, cách nhau khoảng chừng 100 bộ, tỏa ánh sang rất rực rỡ cho đến khoảng nữa đêm thì tàn lụi dần và biến mất”. Trong cuốn hồi ký nầy, sư Viên Nhân cũng mô tả lại những kiến trúc, đền đài, những nơi thờ phượng ở trên Ngũ Đài Sơn, kể cả bức tượng Bồ tát Văn Thù rất nổi tiếng tại chùa Hoa Nghiêm. Đây là bức tượng Bồ tát cưỡi trên mình con sư tử lớn bằng cả một ngôi nhà năm gian. Con sư tử trông thật siêu nhiên, vĩ đại và sống động giống như là thật vậy. Khi nhìn, chúng ta có cảm tưởng như là nó đang đi và thở hơi khói ra ở miệng. Sư Viên Nhân viết thêm rằng:” Bức tượng nầy phải đúc đến lần thứ bảy mới hoàn thành bởi vì tất cả những lần trước, lần nào cũng bị bể cả.
Cuối cùng nhà điêu khắc thành tâm khấn nguyện cùng Bồ tát Văn Thù xin Ngài hiện ra cho ông ta thấy hình ảnh trung thực nhất mà Bồ tát muốn miêu tả về mình. Sau khi cầu nguyện, nhà điêu khắc mở mắt ra và vô cùng kinh ngạc khi thấy Văn Thù Bồ Tát cỡi trên mình con sư tử màu vàng xuất hiện trước mắt. Một khoảnh khắc sau đó, Bồ tát bay lên đám mây ngũ sắc và mất hút dần vào khoảng không. Nhà điêu khắc vô cùng vui mừng và cảm kích khi được trông thấy hình ảnh thực sự của Bồ tát, nhưng đồng thời ông cũng không cầm được nước mắt vì hối hận khi đã diễn tả sai lầm về Bồ tát từ trước đến nay”. Con sư tử biểu thị công năng của trí tuệ. Bồ tát do trí tuệ viên mãn để thuyết pháp dẹp tan tất cả mọi tà thuyết.
Vai trò tuyên dương Diệu Pháp của Bồ tát Văn thù, chúng ta có thể tìm thấy trong kinh: “Văn Thù Sư Lợi nói về cảnh Giới Bất Tư Nghị của Phật”. Đây là một tuyên ngôn của lý tưởng Bố tát đạo được công bố bởi một vị đại Bồ tát đại biểu cho trí tuệ. Mục tiêu, lý tưởng của Bố tát đạo không phải chỉ là để vượt qua vòng sanh tử, đạt đến cảnh giới Niết bàn mà là hoàn thành Phật đạo để cứu độ chúng sanh.
Đặc biệt vai trò tuyên dương diệu pháp của Ngài đã được phô trương quá xuất sắc trong kinh”Duy Ma Cật”. Trưởng giả Duy Ma Cật là một cư sĩ tại gia nhưng tu hành chứng đắc, mật hạnh viên thông mà ngay cả những bậc đại đệ tử của Phật cũng không có vị nào sánh bằng. Vì muốn độ người nên Ngài thị hiện ở thành Tỳ Da Ly, dùng vô lượng của cải để nhiếp độ dân nghèo, giữ giới hạnh trong sạch để nhiếp độ kẻ phá giới, dùng hạnh nhẫn nhục để nhiếp độ kẻ giận dữ sân hận, dùng đại tinh tấn để nhiếp độ kẻ biếng nhác, nhất tâm thiền tịch để nhiếp độ kẻ tâm loạn, dùng trí huệ để nhiếp độ kẻ vô trí.
Dù hiện thân bạch y mà giữ giới hạnh trong sạch của Sa Môn, dù ở tại gia mà không đắm nhiễm cõi đời, thị hiện có vợ con quyến thuộc mà thường tu thanh tịnh hạnh, dù mặc đồ quý báu mà dùng tướng tốt để trang nghiêm, dù ăn uống theo người đời mà lấy Thiền duyệt làm mùi vị, hoặc đến chỗ cờ bạc, xướng hát vẫn tùy cơ độ người. Tất cả người gặp đều cung kính cúng dường. Một hôm vì muốn tạo cơ duyên để hoằng pháp lợi sanh, ông đã mượn cớ bị bệnh để tạo dịp giảng giải giáo lý cho chúng sanh. Đức Phật đã biết rõ căn “bệnh” của ông nên đã lần lượt yêu cầu các vị đại đệ tử thay mặt mình đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật. Thế nhưng tất cả những đại đệ tử của Phật trong quá khứ đã từng bị trưởng giả Duy Ma cật chất vấn về tâm pháp và sở học mà không một ai trả lời trôi chảy trước kiến thức Phật pháp uyên thâm và biện tài vô ngại của ông nên tất cả đều sợ hãi từ chối. Vài thí dụ điển hình như:
Một hôm A Nan cầm bát đến trước nhà Bà la môn để xin sữa cho Thế Tôn khi Ngài có bệnh. Khi ấy Duy Ma Cật đến hỏi ông rằng:-Này A Nan ! Làm gì mà cầm bình bát đến đứng đây sớm thế? A Nan đáp:-Thưa Cư sĩ! Thế Tôn thân có chút bịnh, cần dùng sữa bò nên tôi mới đến đây.
Cư sĩ Duy Ma cật nói:- Thôi, thôi! A Nan chớ nói như thế. Thân Như Lai là thân Kim cương, ác đã dứt sạch, thiện đã viên mãn, đâu còn bệnh nào, đâu còn khổ não. A Nan , hãy im lặng về đi. Chớ phỉ bang Như Lai, chớ cho người khác nghe biết lời nầy. A Nan , Chuyển Luân Thánh Vương chỉ có chút ít phước đức mà còn chẳng bịnh tật, huống chi là Như Lai vô lượng phước tu, thù thắng khắp nơi. A Nan , nếu ngoại đạo nghe được thì họ sẽ nghĩ rằng: Sao gọi Phật là Thầy cho được? Bệnh của mình không chữa nổi mà chữa được bệnh cho người khác ư? A Nan , nên biết, thân Như Lai tức là pháp thân, chẳng phải thân sắc dục. Phật là Thế tôn siêu việt ba cõi. Thân Phật là vô lậu, các lậu đã sạch, thân Phật vô vi, chẳng lọt vào số lượng. Thân Phật như thế thì còn có bệnh gì? A Nan đành im lặng ra về.
Một hôm khác Trưởng giả Duy Ma Cật gặp La Hầu La. Ông hỏi:-Thưa ông La Hầu La! Ông là con của Phật, vì đạo bỏ ngôi vua mà xuất gia, thế việc xuất gia đó có những lợi ích gì? La Hầu La trả lời:-Sự lợi ích của việc xuất gia đúng như pháp. Trưởng giả Duy Ma Cật nói thêm:-Này La Hầu La! Ông chẳng nên nói lợi ích của công đức xuất gia. Tại vì sao? Vô lợi ích, vô công đức mới là xuất gia. Nếu đứng về pháp hữu vi, mới nói có lợi ích, có công đức. Còn việc xuất gia là pháp vô vi mà trong pháp vô vi chẳng có lợi ích và công đức. La hầu La! Việc xuất gia chẳng có bỉ thử đối đãi, lìa sáu mươi hai kiến chấp. Ở nơi Niết Bàn, là thọ dụng của người trí, là chỗ hành của bậc Thánh, hay hàng phục ma chúng, độ ngũ đạo, tịnh ngũ nhãn, đắc ngũ lực, lập ngũ căn, chẳng làm phiền não người khác, lìa mọi thứ ác, dẹp các ngoại đạo, siêu việt giả danh, ra khỏi bùn lầy thế gian, chẳng bị dính mắc, vô ngã và ngã sở, vô sở lãnh thọ, tâm chẳng nhiễu loạn, ham hộ niệm chúng sinh, tùy thuận Thiền định, lìa những tội lỗi. Nếu được như thế mới là chơn xuất gia.
Cuối cùng chỉ có Văn Thù Sư Lợi thay mặt Đức Phật đến thăm bịnh của Trưởng giả Duy Ma Cật mà thôi. Cùng đi với Bồ tát Văn Thù còn có 8000 Bồ tát, 500 Thanh văn và trăm nghìn Thiên nhơn để xem một cuộc tranh luận về giáo pháp của hai nhân vật kiệt xuất nầy.
Duy Ma Cật hỏi: Thế nào là hạt giống Như Lai? Văn Thù Sư Lợi trả lời:-Có thân là hạt giống Như Lai, vô minh, ái dục là giống, tham sân si là giống, tứ điên đảo là giống, lục nhập là giống, thất thức xứ là giống, bát tà pháp là giống, cửu não là giống, thập bát thiện đạo là giống. Nói tóm lại, sáu mươi hai kiến chấp và tất cả phiền não đều là hạt giống Phật.Duy Ma Cật hỏi: Tại sao?Văn Thù đáp:
Duy Ma Cật hỏi: Thế nào là hạt giống Như Lai? Văn Thù Sư Lợi trả lời:-Có thân là hạt giống Như Lai, vô minh, ái dục là giống, tham sân si là giống, tứ điên đảo là giống, lục nhập là giống, thất thức xứ là giống, bát tà pháp là giống, cửu não là giống, thập bát thiện đạo là giống. Nói tóm lại, sáu mươi hai kiến chấp và tất cả phiền não đều là hạt giống Phật.Duy Ma Cật hỏi: Tại sao?Văn Thù đáp:
-Nếu kẻ thấy vô vi vào chánh vị thì không thể phát tâm Vô thượng Bồ đề nữa. Ví như chỗ gò cao thì không thể sanh hoa sen, mà nơi bùn lầy ẩm thấp hoa sen mới sanh được. Cũng thế, kẻ thấy pháp vô vi vào chánh vị thì chẳng còn có thể sanh khởi Phật pháp, trong bùn lầy phiền não mới có chúng sinh sanh khởi Phật pháp thôi. Nên biết tất cả phiền não là hạt giống Như Lai, ví như chẳng xuống biển cả thì chẳng được bửu châu vô giá. Cũng thế, chẳng vào biển phiền não thì chẳng thể nào được ngọc báu Nhất Thiết Trí vậy.
Chủ điểm nền tảng của kinh Duy Ma Cật là triển khai nhận thức về thực tại trên căn bản của nguyên lý bất nhị, tức hệ tư tưởng tánh Không của Bát nhã. Nguyên lý bất nhị hướng dẫn nhận thức khởi đi từ những thực tại sai biệt mà khám phá ra thực tại tối hậu là nhận thấy bản thể chân thật (tuyệt đối) ngay trong các thực tại sai biệt ấy. Để nhận thức được thực tại chân thật nầy, Bồ tát cần đi qua cánh cửa bất nhị, tức là cánh cửa giao thông cho Bồ tát qua lại giữa Niết bàn và sanh tử. Bây giờ, Duy Ma Cật bảo các Bồ tát rằng: Này nhơn giả Bồ tát! Làm sao nhập pháp môn bất nhị? Hãy tùy sở ngộ của mình mà nói ra.
Tất cả 32 vị Bồ tát lần lượt trả lời về câu hỏi nầy, nhưng cư sĩ Duy Ma Cật đều không hài lòng về các câu trả lời đó. Cuối cùng tới ngài Văn Thù Sư Lợi đáp:-Theo ý tôi, nơi tất cả vô ngôn vô thuyết, vô thị vô thức, lìa nơi vấn đáp. Ấy là nhập pháp môn vô nhị. Khi đó Văn Thù hỏi Duy Ma Cật rằng:- Chúng tôi mỗi mỗi đã tự nói xong. Nay đến lượt Nhơn giả nói:”Thế nào là nhập pháp môn bất nhị của Bồ tát?”
Duy Ma Cật im lặng.Văn Thù tán thán rằng:- Lành thay! Lành thay! Cho đến chẳng có văn tự, lời nói mới là chơn nhập pháp môn bất nhị.
Bất nhị là cảnh giới của “đại trí tuệ bình đẳng”, có nghĩa là 2 cũng không, và 3 cũng không. Nếu nói tới pháp môn bất nhị nầy thì phải lìa xa hẳn ngôn thuyết ở cảnh giới vong ngôn, tuyệt tự. Không thể đem hết thảy ngôn thuyết của tất cả các pháp mà hiểu rõ được, cũng không thể chỉ bảo được và cũng không thể biết được. Không thể hỏi và trả lời được, thì đó mới là “pháp môn bất nhị”.
Văn Thù Bồ Tát đồng thời cũng còn quan hệ mật thiết với ngọn núi Ghandhamana, “ngọn núi tỏa thơm mùi hương báu”. Trong bộ kinh “Văn Thù Sư Lợi Nhập Diệt”, Ngài được mô tả là đã từng đến viếng dãy Hy Mã Lạp Sơn để chuyển hóa 500 vị đại tiên cư trú tại đây trở về với Phật giáo. Và sau đó, kinh nầy cũng mô tả cảnh Ngài nhập diệt, khi dùng lửa tam muội tự thiêu đốt xác thân của mình. Xá lợi của Ngài được đưa về đỉnh núi Hương Sơn, nơi mà vô số lượng các Thiên, Long, quỷ , thần sẽ tu tập đến để làm lễ tôn kính Ngài. Núi Hương Sơn này đã được nhà học giả Pháp Lamotte xác định là Gandhamana.
Sau hết, chúng ta thờ phượng Văn Thù Sư Lợi Bồ tát là để hướng về trí tuệ sẵn có của chúng ta. Vô minh, ái dục đã đưa chúng ta lặn hụp trong vòng sinh tử luân hồi, chịu chập chồng muôn nỗi khổ đau. Chúng ta hãy thức tỉnh để quay về với trí tuệ sẵn có của mình và dùng thanh gươm trí tuệ chặt đứt lưới tham ái để vượt ra khỏi bể khổ thâm sâu. Vâng, chỉ có trí tuệ mới có đủ công năng cứu chúng ta ra khỏi vòng luân hồi nghiệp báo. Thêm nữa, Bồ tát là tấm gương sáng cho lợi tha, chúng ta phải dùng lưỡi kiếm trí tuệ nầy để cứu thoát mọi người trước kẻ thù phiền não, của con rắn độc tham sân si. Có thực hành được như vậy, mới xứng đáng đánh lễ đức Văn Thù Sư Lợi tay cầm kiếm, mình mặc giáp, ngồi trên lưng sư tử. Công đức ở trong tự tánh chẳng phải bố thí, cúng dường mà được. Cho nên nói phước chẳng bằng công đức, bố thí chẳng kịp trì kinh là vậy.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.23/4/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
No comments:
Post a Comment