Phổ Đà sơn chính thật là một đảo nhỏ gần Thành phố Thượng Hải, trực thuộc tỉnh Triết Giang. Nơi đây từng được gọi là Hải Thiên phật quốc (nước Phật biển trời); là một trong Tứ đại danh sơn của Phật giáo Trung Hoa và được biết đến là đạo tràng của Bồ tát Quán Thế Âm thường hay ứng thân thị hiện. Phổ Đà Sơn bắt đầu là một đạo tràng Phật giáo từ các triều đại đời Đường gần 1500 năm về trước. Nơi đây sau nhiều triều đại Phật giáo ngày càng hưng thịnh và có một thời chùa viện được tạo dựng rất nhiều nên trong dân gian có câu: nhà nhà đều là chùa, người người đều là tăng. Hoặc cũng có câu thơ rằng: Sơn đương khúc xứ giai tàng tự, Lộ dục cùng thời hựu ngộ tăng. Nghĩa là: Chỗ núi uốn khúc đều có ẩn chùa viện, đường đi sắp hết lại gặp tăng. Thời cực thạnh nhất là các triều đại Minh, Thanh, tài liệu ghi chép rằng nơi đây lúc bấy giờ đã có 3 ngôi đại tự viện, 90 ngôi chùa và hơn 128 am cốc, tăng ni tu tập có đến hơn 4000 vị. Sự linh ứng của Phổ Đà Sơn đã được nhân gian ngàn đời truyền tụng và từ đó người người được biết đến nơi đây như là:
Thiên xứ kỳ cầu, thiên xứ ứng.
Khổ hải thường tác độ châu nhân.
Khổ hải thường tác độ châu nhân.
Nghĩa là:
Ngàn chỗ cầu xin, ngàn chỗ hiện.
Biển khổ thường làm kẻ đưa đò.
Biển khổ thường làm kẻ đưa đò.
Từ cuối thời Dân quốc cho đến nay, Phổ Đà Sơn cũng như bao nhiêu di tích Phật giáo khác tại Trung hoa phải chịu nhiều cảnh suy vi. Những thời gian gần đây, kể từ năm 1985 nơi đây chính thức được phép phục hoạt lại những sinh hoạt tôn giáo cổ truyền mà Phật giáo đã một thời từng ngự trị tại nơi này.
Đến năm 1989, các chùa viện ở Phổ Đà Sơn bắt đầu được trùng tu, và cho đến hiện tại đã có khoảng 20 chùa viện được sửa sang và hoạt động. Trong năm nhiều lễ hội lớn đã tổ chức ở Phổ Đà Sơn và rất đông người đủ mọi thành phần đến chiêm bái và cầu nguyện. Mỗi năm vào lễ vía Quán Aâm hoặc lễ Đại Hương kỳ nhằm vào các ngày 19 tháng 2, 19 tháng 6 hay 19 tháng 9 âm lịch, ước tính mỗi ngày có đến khoảng gần trăm ngàn người ra đây lễ bái cầu nguyện. Vào các dịp đại lễ ấy, chùa chiền khắp nơi trên đảo đều kết hoa, treo đèn, người người tấp nập, khói hương nghi ngút.
Ngoài những chùa viện chính mà khách hành hương thường chiêm bái như Pháp Vũ Thiền Tự, Phổ Tế thiền tự, còn có các nơi khác nổi tiếng như: Đoản Cô Đạo Đầu, Phạm Âm động, Cổ Phật động, Hương Vân đình, Thiện Tài động, Tây Thiên động, Bất Khẳng Khứ, Nam Thiên Môn, Long thủ, Từ Vân Am, Diệu Trang-Nghiêm lô, Hải Ngạn Bài Phường.v.v. là những nơi mà các đoàn du khách cũng ít nhất một lần ghé đến. Hoặc ta cũng có thể ghé qua hai bãi biển thật đẹp với những tên gọi thật kêu: Bách Bộ Sa, Thiên Bộ Sa, nằm ở nơi hướng đông của hải đảo.
Đoản Cô Thánh Tích.
Tọa lạc ở giữa phía Tây Nam của đảo và khi xưa đây chỉ là một bờ đá nhỏ để thuyền bè đậu lại mà lên núi. Truyền thuyết kể rằng, thuở xưa có hai chị em lên núi lễ Phật . Khi đến đây cô em bấy giờ đang có kinh nguyệt nên cảm thấy e ngại sự dơ bẩn của mình mà không dám lên lễ Phật, nhất mực đòi ở lại thuyền. Đến giữa trưa, nước biển dâng lên, không còn lối đi nên đành nhịn đói. Bấy giờ có một bà già hiện ra, lấy đá ném xuống nước rồi theo đó ra thuyền đưa thức ăn cho cô em, và cô nhận tuy nhiên lấy làm rất kỳ lạ. Đến khi người chị về và đem thức ăn cho người em thì cô mới nói: “Vừa rồi có một bà lão đã mang thức ăn đến cho em ăn rồi”. Mọi người đều lấy làm lạ kỳ, cho đó phải chăng là do lòng thành của cô em mà Bồ tát Quán âm ứng hiện. Người chị sau đó trở lại chánh điện để tạ lễ thì thấy ở tượng đức Quán âm quần áo ngài vẫn còn ướt. Nên từ đấy về sau nơi gềnh đá ấy còn được gọi là Đoản Cô Đạo Đầu.
No comments:
Post a Comment