Tuesday 23 April 2013

KINH HOA NGHIÊM

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT


Giảng giải
Tập 4

Hòa Thượng TUYÊN HÓA
Hán dịch: Sa Môn Thật Xoa Nan Ðà



Nội dung
Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm Thứ Nhất (tiếp theo)
Chủ Sơn Thần...........................................................9
Chủ Ðịa Thần..........................................................27
Chủ Thành Thần.....................................................43
Ðạo Tràng Thần......................................................66
Túc Hành Thần.......................................................82
Thân Chúng Thần...................................................95
Chấp Kim Cang Thần............................................112
Môn giải thoát của các đại Bồ Tát........................134



KINH HOA NGHIÊM

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT


Phẩm thế chủ diệu nghiêm thứ nhất
(Tiếp theo)
Lại nữa, Chủ Sơn Thần Bảo Phong Khai Hoa, được môn giải thoát, nhập vào đại tịch định quang minh.
Vị Chủ Sơn Thần Bảo Phong Khai Hoa, Ngài ở trên ngọn núi báu có thể khai nở hoa sen lớn, chẳng những tươi thắm mà còn trang nghiêm. Ngài là Thần quản lý núi, nếu chẳng có Thần quản lý thì núi sẽ dời đi. Hiện tại có Thần quản lý, cho nên chẳng dám di động. Chủ Sơn Thần đa số là loài thú chúa ở trong núi, như cọp, xưng là Thần núi. Vị Chủ Sơn Thần này, đắc được đại tịch định quang minh. Ðại tịch định tức là tịch nhiên bất động. Ngài ở trong định phóng quang để trông giữ núi, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Sơn Thần Hoa Lâm Diệu Kế, được môn giải thoát, tu tập từ thiện căn, thành thục số chúng sinh không thể nghĩ bàn.
Vị Chủ Lâm Thần Hoa Lâm Diệu Kế, những núi của Ngài quản lý đều khai phô hoa mỹ lệ. Trên đầu của Ngài có búi tóc vi diệu trang nghiêm, Ngài tu hành học tập từ thiện căn, khiến cho căn lành thành thục, có thể cứu bất khả tư nghì số chúng sinh thoát khỏi biển khổ, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Sơn Thần Cao Tràng Phổ Chiếu, được môn giải thoát, quán sát tất cả tâm sở thích của chúng sinh, để nghiêm tịnh các căn.
Vị Chủ Sơn Thần Cao Tràng Phổ Chiếu, cao tràng của Ngài phóng ra quang minh, chiếu soi khắp tất cả thân của chúng sinh. Ngài quán sát tất cả tâm của chúng sinh, hoan hỷ thích gì thì đều khiến cho họ đầy đủ. Sau đó, lại trang nghiêm mắt tai mũi lưỡi thân ý sáu căn cho thanh tịnh. Sáu căn nghiêm tịnh là do giữ giới luật, mắt chẳng tùy tiện nhìn sắc đẹp, tai chẳng tùy tiện nghe tiếng, mũi chẳng tùy tiện ngửi mùi, lưỡi chẳng tùy tiện nếm vị, thân chẳng tùy tiện xúc giác, ý chẳng tùy tiện biết pháp, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Sơn Thần Ly Trần Bảo Kế, được môn giải thoát, trong vô biên biển kiếp siêng tinh tấn chẳng nhàm mỏi.
Vị Chủ Sơn Thần Ly Trần Bảo Kế, Ngài đã lìa khỏi thế giới hồng trần, đắc được cảnh giới thanh lương. Ngài có búi tóc bảy báu trang nghiêm, một bụi trần cũng không nhiễm, thanh tịnh quang minh. Ngài thấy được khi Phật ở trong vô biên biển kiếp, luôn luôn đều tu hành tinh tấn, chẳng khi nào nhàm chán, từng phút từng giây đều tinh tấn dũng mãnh, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Sơn Thần Quang Chiếu Thập Phương, được môn giải thoát, dùng vô biên công đức quang minh khắp giác ngộ.
Vị Chủ Sơn Thần Quang Chiếu Thập Phương, trí huệ quang minh của Ngài chiếu khắp mười phương thế giới. Ngài dùng vô lượng vô biên công đức quang minh, chiếu soi khắp hết thảy chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh thấy được quang minh này, thì đều có thể giác ngộ. Giác ngộ thế giới Ta Bà khổ nhiều vui ít, thế giới Cực Lạc chỉ có vui mà chẳng có khổ, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Sơn Thần Ðại Lực Quang Minh, được môn giải thoát, hay tự thành thục, lại khiến cho chúng sinh bỏ lìa hạnh ngu mê.
Vị Chủ Sơn Thần Ðại Lực Quang Minh, có sức lực dời núi, phóng ra quang minh rất mãnh liệt, khiến cho yêu ma quỷ quái ở trong núi và lị mị vọng lượng đều chẳng dám tác quái. Ngài tự thành thục quả giác vô thượng viên mãn, và cũng khiến cho tất cả chúng sinh, xả bỏ lìa khỏi hành vi ngu si mê hoặc, mà khai mở đại trí huệ, thấu rõ thị phi, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Sơn Thần Oai Quang Phổ Thắng, được môn giải thoát, cứu tất cả mọi sự khổ, khiến cho chẳng còn dư thừa.
Vị Chủ Sơn Thần Oai Quang Phổ Thắng, đại oai quang của Ngài phổ khắp thù thắng. Ngài đắc được cảnh giới, thấu rõ Phật cứu tất cả khổ của chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh đắc được an lạc. Ngài hay khiến cho chúng sinh chẳng còn khổ nữa, hoàn toàn tiêu diệt sạch. Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Sơn Thần Vi Mật Quang Luân, được môn giải thoát, diễn nói giáo pháp quang minh, hiển thị tất cả công đức của Như Lai.
Vị Chủ Sơn Thần Vi Mật Quang Luân, có quang luân vi diệu nghiêm mật. Quang luân đó phóng ra vô lượng trí huệ quang, chiếu soi hữu tình và vô tình ở trong núi đều nghe được Phật pháp. Ngài diễn nói tất cả giáo pháp, diễn nói tam tạng mười hai bộ tất cả kinh điển. Ngài dùng quang để nói pháp, dùng quang để hiển thị tất cả công đức của Như lai tu hành trong quá khứ, Ngài đắc được môn giải thoát này.

Chúng ta phàm phu chẳng đắc được thần thông, cho nên không hiểu được cảnh giới này. Nếu đắc được ngũ nhãn lục thông, thì sẽ nhìn thấy trong quang minh cũng có Phật, cũng có Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, cũng có tất cả chúng sinh. Có Thánh nhân ở trong đó, đang diễn nói giáo pháp, cũng có chúng sinh đang ở đó nghe pháp, đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Phàm là cao tăng thời xưa đều có thần thông diệu dụng. Vào đời nhà Tấn, có vị cao tăng hiệu là Phật Ðồ Trừng Tam Tạng, vì cảm hóa kẻ giết người là Thạch Lặc và Thạch Hổ mà hiện đủ thứ thần thông, khiến cho hai người đó kiền thành tín ngưỡng Phật giáo, sửa đổi tánh ác tàn nhẫn. Hiện đại, lão hòa thượng Hư Vân cũng có thần thông diệu dụng, mọi người muốn biết thì hãy đọc quyển tự truyện của Ngài Hư Vân thì sẽ biết.
Chủ Sơn Thần Phổ Nhãn Hiện Kiến, được môn giải thoát, khiến cho tất cả chúng sinh, cho đến ở trong mộng cũng tăng trưởng căn lành.
Vị Chủ Sơn Thần Phổ Nhãn Hiện Kiến, mắt của Ngài có thể quán sát khắp cảnh giới hiện ra gần hoặc xa. Ngài đắc được cảnh giới của Phật, khiến cho tất cả chúng sinh, chẳng những lúc tỉnh làm việc thiện, tăng trưởng căn lành, tu phước tu huệ, bố thí thuyết pháp, lợi ích chúng sinh, mà dù ở trong mộng cũng khiến cho chúng sinh đắc được pháp ích. Ngài vì chúng sinh mà nói pháp khổ, không vô thường vô ngã .v.v., khi chúng sinh tỉnh dậy liền chứng đạo quả, Ngài đắc được môn giải thoát này.

Có khi Phật Bồ Tát ở trong mộng của chúng sinh, hiện ra Dạ xoa, hoặc La sát đáng sợ để uy hiếp người. Người bị uy hiếp thì sẽ sợ hãi tâm nghĩ : ‘’Hãy mau sớm tu hành, đây là quỷ vô thường đến nhiễu loạn, mình chẳng cách chi ứng phó với nó.’’ Do đó, mà sinh tâm tu đạo.
Ðừng cho rằng nằm mộng sợ hãi là điềm không cát tường, kỳ thật là cát tường nhất. Vì dạy bạn phát bồ đề tâm, hiểu rõ đời người là hư vọng, như thế mới khiến cho bạn tăng trưởng căn lành, phát tâm bồ đề, cầu đạo vô thượng đắc quả bồ đề. Ðó là pháp môn phương tiện của Phật, Bồ Tát.
Chủ Sơn Thần Kim Cang Kiên Cố Nhãn, được môn giải thoát, xuất hiện vô biên biển đại nghĩa lý.
Vị Chủ Sơn Thần Kim Cang Kiên Cố Nhãn, mắt của Ngài sáng như kim cang, rất là kiên cố, bất cứ vật gì cũng phá chẳng được. Mắt kim cang kiên cố này, biết rõ tất cả ma vương, Dạ xoa, La sát, quỷ quái. Vì có sự tác dụng như thế, cho nên Ngài quản lý núi đều rất an ninh. Ngài xuất hiện vô lượng vô biên nghĩa lý đại pháp, sâu rộng như biển cả, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Bấy giờ, Chủ Sơn Thần Bảo Phong Khai Hoa, nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp tất cả chúng Chủ Sơn Thần, mà nói bài kệ rằng.
Lúc đó, vị Chủ Sơn Thần Bảo Phong Khai Hoa, nương đại oai thần lực của Phật Thích Ca Mâu Ni, quán sát khắp tất cả chúng Chủ Sơn Thần ở trong hội Hoa Nghiêm. Tại sao chẳng nói là sức lực của mình, sức thần thông của mình ? Vì Phật Thích Ca là thuyết pháp chủ của pháp hội Hoa Nghiêm, vì tôn trọng mà nói như thế. Mười vị Chủ Sơn Thần này, là đại biểu cho vô lượng vô biên chúng Chủ Sơn Thần, làm thượng thủ của họ. Nếu ai ai cũng đều nói ra, thì e rằng suốt thuở vị lai cũng nói chẳng hết. Bài kệ này là vị Chủ Sơn Thần Bảo Phong Khai Hoa nói, còn các Chủ Sơn Thần kia, mỗi người nói ra một bài kệ, để khen ngợi cảnh giới của Phật.
Xưa tu thắng hạnh không bờ mé
Nên được thần thông cũng vô lượng
Pháp môn rộng mở như số bụi
Ðều khiến chúng sinh thâm ngộ hỷ.

‘’Xưa tu thắng hạnh không bờ mé.’’ Thuở xưa Phật tu đủ thứ hạnh môn thù thắng. Song, thắng hạnh này chẳng có bờ mé, chẳng có số lượng.
‘’Nên được thần thông cũng vô lượng.’’ Vì thuở xưa Phật tu thắng hạnh vô biên, cho nên đắc được thần thông cũng vô lượng, chẳng cách chi biết được.
‘’Pháp môn rộng mở như số bụi.’’ Pháp môn khai mở rộng lớn, nhiều như số hạt bụi. Tại sao phải có nhiều pháp môn như thế ? Vì chúng sinh nhiều như hạt bụi, cho nên dùng số pháp môn nhiều như hạt bụi, để giáo hóa số chúng sinh nhiều như hạt bụi.
‘’Ðều khiến chúng sinh thâm ngộ hỷ.’’ Tuy có pháp môn nhiều như số hạt bụi, nhưng khiến cho tất cả chúng sinh, hoàn toàn minh bạch được chân thật nghĩa của Phật pháp, đều liễu ngộ thâm sâu mà sinh hoan hỷ.
Các tướng nghiêm thân khắp thế gian
Quang minh lỗ lông đều thanh tịnh
Ðại từ phương tiện bày tất cả
Hoa Lâm Diệu Kế ngộ môn này.
‘’Các tướng nghiêm thân khắp thế gian.’’ Các tướng tức là ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp. Nghiêm thân tức là trang nghiêm thân Phật, khắp thế gian tức là đầy khắp tất cả thế gian. Thân Phật là tướng tốt quang minh chẳng gì sánh bằng, vô tại vô bất tại, cho nên khắp cùng thế gian.
‘’Quang minh lỗ lông đều thanh tịnh.’’ Mỗi lỗ lông của Phật, đều phóng ra vô lượng quang minh. Ở trong vô lượng quang minh, lại phóng ra vô lượng quang minh, đủ thứ vô tận, quang minh chiếu với nhau, chiếu soi tất cả thế gian đều thanh tịnh.
‘’Ðại từ phương tiện bày tất cả.’’ Phật dùng tâm đại từ bi, để ban cho chúng sinh mọi niềm vui, cứu mọi sự khổ của chúng sinh. Phật dùng đủ thứ phương tiện pháp môn, khiến cho chúng sinh sinh ra niềm tin, tâm nguyện và tâm hạnh. Lại dùng đủ thứ phương tiện pháp môn, để khai thị chúng sinh, khiến cho họ giác ngộ pháp thế gian là: Vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, pháp xuất thế là: Thường, lạc, ngã, tịnh, bất không.
‘’Hoa Lâm Diệu Kế ngộ môn này.’’ Vị Chủ Sơn Thần Hoa Lâm Diệu Kế, ngộ được môn giải thoát này.
Thân Phật hiện khắp không bờ mé
Mười phương thế giới đều sung mãn
Các căn nghiêm tịnh thấy được vui
Pháp này Cao Tràng Ngộ vào được.

‘’Thân Phật hiện khắp không bờ mé.’’ Pháp thân của Phật tận hư không khắp pháp giới; chẳng có chỗ hạt bụi nào, mà chẳng phải là pháp thân của Phật ở tại đó, cho nên nói thân Phật hiện khắp chẳng bờ mé.
‘’Mười phương thế giới đều sung mãn.’’ Pháp thân của Phật chẳng phải chỉ xuất hiện trong một thế giới, mà là hết thảy thế giới trong mười phương, đều sung mãn pháp thân của Phật.
‘’Các căn nghiêm tịnh thấy được vui.’’ Ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Phật, đều trang nghiêm thanh tịnh. Phàm là chúng sinh nào thấy được Phật, thì đều sinh tâm hoan hỷ.
‘’Pháp này Cao Tràng ngộ vào được.’’ Cảnh giới môn giải thoát này, vị Chủ Sơn Thần Cao Tràng Phổ Chiếu, ngộ hiểu thấu rõ mà vào được.
Nhiều kiếp siêng tu chẳng giải đãi
Chẳng nhiễm thế pháp như hư không
Ðủ thứ phương tiện hóa quần sinh
Ngộ pháp môn này tên Bảo Kế.

‘’Nhiều kiếp siêng tu chẳng giải đãi’’. Nhiều kiếp tức là vô lượng đại kiếp, tức cũng là từ vô thủy kiếp đến nay. Siêng tu tức là chẳng giải đãi, thời khắc siêng năng tu hành. Phật trải qua vô lượng đại kiếp, siêng tu hành chẳng giải đãi, tinh tấn lại tinh tấn.

Chúng ta đả Phật thất, từ bốn giờ sáng bắt đầu đến mười giờ khuya mới nghỉ, suốt ngày chẳng có thời gian nghỉ ngơi, đều dụng công niệm Phật, đó là siêng tu. Siêng tu giới định huệ, sẽ diệt tham sân si, đây là pháp môn cơ bản của Phật giáo.


Chúng ta đả thiền thất, dù một giây thời gian cũng không để luống qua. Có thể trong một giây thời gian đó bạn sẽ khai ngộ, cho nên càng phải tinh tấn. Sáng sớm từ hai giờ rưỡi đã bắt đầu, đến mười hai giờ đêm mới đi ngủ, mỗi ngày chỉ ngủ hơn hai tiếng, đó tức là siêng tu. Tại sao phải khổ như thế ? Vì khổ hành mới là chìa khóa khai ngộ, có thể khai mở cửa trí huệ.


Sự siêng tu của chúng ta có thời gian, đả Phật thất là một tuần lễ, còn đả thiền thất là hai tuần lễ (về sau tăng lên ba tuần lễ), nhưng Phật chẳng có thời gian định kỳ, mà là ngày ngày tinh tấn, tháng tháng tinh tấn, năm năm tinh tấn, tức cũng là thời khắc siêng tinh tần, chẳng có chút giải đãi.
‘’Chẳng nhiễm thế pháp như hư không‘’. Pháp thế gian là : Tài, sắc, danh, thực, thùy, năm dục; hư không thì thanh tịnh chẳng ô nhiễm. Phật chỉ biết siêng tu pháp xuất thế, cho nên chẳng nhiễm pháp thế gian, giống như hư không.


Chúng ta người thế gian hay thích ăn đồ ngon, mặc đồ đẹp, ở nhà tốt. Vì có pháp nhiễm ô như thế, cho nên tu pháp xuất thế chẳng thành công. Nếu xem nặng bên pháp thế gian, thì bên kia pháp xuất thế sẽ nhẹ đi; còn nếu xem pháp xuất thế nặng, thì pháp thế gian sẽ nhẹ đi. Ðạo lý này rất nông cạn, chỉ cần buông bỏ được năm dục, thì mọi vấn đề giải quyết được.
‘’Ðủ thứ phương tiện hóa quần sinh‘’. Vì Phật siêng tu vô thượng đạo, chẳng nhiễm pháp thế gian, nên thành tựu Phật đạo. Sau khi thành Phật, Ngài dùng đủ thứ phương tiện pháp môn, để giáo hóa quần sinh. Tại sao phải dùng đủ thứ phương tiện pháp môn ? Vì chúng sinh quá nhiều loài, có tứ sinh cửu hữu, mười hai loại khác nhau, cho nên dùng đủ thứ phương tiện pháp môn để giáo hóa chúng sinh.
‘’Ngộ pháp môn này tên Bảo Kế‘’. Vị Chủ Sơn Thần liễu ngộ được môn giải thoát này, tên là Chủ Sơn Thần Ly Trần Bảo Kế, Ngài minh bạch được cảnh giới này.
Chúng sinh mù tối vào đường hiểm
Phật thương xót họ phóng quang minh
Khiến khắp thế gian ngủ tỉnh dậy
Oai Quang ngộ được sinh hoan hỷ.

‘’Chúng sinh mù tối vào đường hiểm‘’. Chúng sinh tức là động vật có máu, có khí, bạn, tôi, họ, đều bao quát trong đó. Mù tối tức là người chẳng có mắt, nhìn chẳng thấy ánh sáng. Ðường hiểm là con đường nguy hiểm eo hẹp chẳng bằng phẳng. Chúng sinh quá ngu si, tuy nhiên muốn đi con đường bằng phẳng, nhưng vì chẳng có mắt, cho nên đi trên con đường đen tối. Con đường nguy hiểm đó, chẳng những có hầm hố, lại có đá, hoặc có sài lang hổ báo, hoặc có yêu ma quỷ quái, cũng có Dạ xoa, La sát đang ở trên đường hiểm đợi bạn.

Tất cả chúng sinh trong thế gian, vốn muốn tìm cầu thiện pháp tu hành, đắc được giải thoát. Song, vì quá ngu si, nên pháp hay cũng chẳng biết, cho nên dễ lầm vào đường tà, lạc vào bàng môn tả đạo, mà mình vẫn không hay biết, cho rằng pháp của mình tu là chánh pháp, đạo của mình hành là chánh đạo. Kết quả, sau khi chết rồi rớt vào địa ngục, mà cũng chẳng biết là đường hiểm. Do đó, người tu đạo phải có mắt chọn pháp, mới có thể hướng đi trên con đường chánh, thẳng đến Niết Bàn.
‘’Phật thương xót họ phóng quang minh‘’. Phật thương xót chúng sinh mù tối, cho nên phóng ra quang minh chiếu soi loại chúng sinh này, khiến cho họ khai mở mắt trí huệ. Ðừng lấy phải làm trái, lấy trái làm phải; càng đừng lấy đen làm trắng, lấy trắng làm đen, lìa khỏi mộng tưởng điên đảo, đắc được cứu kính Niết Bàn.
‘’Khiến khắp thế gian ngủ tỉnh dậy‘’. Phật phóng quang minh chiếu soi chúng sinh, để khiến cho chúng sinh trong thế gian, từ trong mộng mà giác ngộ, minh bạch thế gian là khổ, là vô thường.
‘’Oai Quang ngộ được sinh hoan hỷ‘’. Cảnh giới này, vị Chủ Sơn Thần Quang Chiếu Thập Phương, thấu rõ ngộ được, nên sinh tâm đại hoan hỷ.
Xưa trong các cõi rộng tu hành
Cúng dường bụi cõi vô số Phật
Khiến chúng sinh thấy phát nguyện lớn
Môn này Ðịa Ðại Lực ngộ được.

‘’Xưa trong các cõi rộng tu hành‘’. Xưa kia, khi Phật chưa thành Phật, cũng giống như chúng ta. Phật ở trong tam giới hai mươi lăm cõi, phát tâm nguyện rộng lớn, tu hạnh môn rộng lớn, cho nên thành Phật.
‘’Cúng dường bụi cõi vô số Phật‘’. Thuở xưa Phật tu hành như thế nào ? Là cúng dường nhiều vị Phật như số hạt bụi. Tại sao phải cúng dường Phật ? Vì Phật là người có đạo đức nhất, của thế gian và xuất thế gian, là người có tu hành nhất, là người có trí huệ nhất. Phật là đại Thánh nhân Lưỡng Túc Tôn viên mãn giác, phước cũng đủ, huệ cũng đủ, chứng được quả vị viên mãn đại giác, cho nên phải cúng dường Phật.


Có người nói: ‘’Tôi muốn cúng dường chúng sinh, không biết được chăng‘’? Ðược ! Cho con chó ăn, hoặc cho con mèo ăn, đều là cúng dường, nhưng chẳng có công đức, trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương nói rất rõ ràng : Cúng dường cho một trăm người ác, chẳng bằng cúng dường cho một người thiện; cúng dường cho một ngàn người thiện, chẳng bằng cúng dường cho một người giữ năm giới; cúng dường cho một vạn người giữ năm giới, không bằng cúng cho một vị Tỳ Kheo hoặc Tỳ Kheo Ni; Cúng dường cho một trăm vạn vị Tỳ Kheo hoặc Tỳ Kheo Ni, chẳng bằng cúng dường cho một vị Thánh nhân sơ quả; cúng dường cho một ngàn vạn Thánh nhân sơ quả, chẳng bằng cúng cho một vị Thánh nhân nhị quả; cúng dường cho một vạn vạn vị Thánh nhân nhị quả, chẳng bằng cúng cho một vị Thánh nhân tam quả; cúng dường cho một trăm vạn vạn vị Thánh nhân tam quả, chẳng bằng cúng dường cho một vị Thánh nhân tứ quả A La Hán; cúng dường vô lượng vị tứ quả A La Hán, chẳng bằng cúng dường cho một vị vô tu vô chứng (tức là Phật, chẳng cần tu, cũng chẳng cần chứng). Vì Phật mọi việc đã làm xong, chẳng còn thọ thân sau nữa, ba giác tròn, vạn đức đầy, cho nên phải cúng dường Phật.


Cho nên, khi Ðức Phật tu hành ở tại nhân địa, thì cúng dường Phật, chẳng phải chỉ cúng dường một vị Phật, mà là cúng dường vô lượng vị Phật, nhiều như hạt bụi trong cõi nước. Vì cúng dường Phật nhiều như thế, cho nên tăng trưởng vô lượng căn lành, và tướng tốt trang nghiêm.
‘’Khiến chúng sinh thấy phát nguyện lớn‘’. Khiến cho chúng sinh thấy được Phật, đều phát nguyện lớn. Nguyện tức là chiếc thuyền qua sông, chẳng phát nguyện thì không thể qua sông sinh tử, đến bờ bên kia. Do đó, quy cụ của chùa Kim Sơn chúng ta là : Phàm là xuất gia Sa Di hoặc Sa di ni, nhất định phải phát nguyện lớn, sau đó mới thành tựu quả vị lớn, chẳng phát nguyện thì chẳng thành quả. Bồ Tát Phổ Hiền phát mười đại hạnh nguyện, Bồ Tát Quán Thế Âm phát mười hai đại nguyện, Bồ Tát Ðịa Tạng phát mười tám đại nguyện. Ít nhất cũng phải phát bốn hoằng thệ nguyện :
1). Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.
2). Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
3). Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
4). Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Người xuất gia ở chùa Kim Sơn chúng ta, ít nhất phải chứng tứ quả A La Hán, mới không cô phụ tâm thành của thiện tín mười phương đến cúng dường, do đó đều phải phát đại nguyện, thành đại Bồ Tát.
‘’Môn này Ðịa Ðại Lực ngộ được.’’ Pháp môn này, cảnh giới này, môn giải thoát này, vị Chủ Sơn Thần Ðại Lực Quang Minh minh bạch ngộ vào được.
Thấy các chúng sinh trôi nổi khổ
Tất cả nghiệp chướng luôn trói che
Dùng trí huệ quang diệt trừ sạch
Giải thoát này của Phổ Thắng Thần.

‘’Thấy các chúng sinh trôi nổi khổ‘’. Phật thấy tất cả chúng sinh, trôi qua trôi lại ở trong sáu nẻo luân hồi chẳng dứt.
‘’Tất cả nghiệp chướng luôn trói che‘’. Tại sao chúng sinh trôi nổi trong sinh tử ? Vì có tất cả nghiệp chướng. Nghiệp chướng này từ đâu đến ? Là từ mê hoặc đến. Có mê hoặc thì chẳng thể tu đạo, chẳng tu đạo thì luôn luôn bị nghiệp hoặc trói buộc che đậy.
‘’Dùng trí huệ quang diệt trừ sạch‘’. Phật dùng trí huệ quang minh, để phá trừ vô minh của chúng sinh, diệt trừ ngu si ám chướng của chúng sinh, hết thảy tất cả chướng ngại đều tiêu diệt trừ sạch.
‘’Giải thoát này của Phổ Thắng Thần.’’ Môn giải thoát này, vị Chủ Sơn Thần Oai Quang Phổ Thắng thấu rõ được.
Trong mỗi lỗ lông vang diệu âm
Tùy tâm chúng sinh khen chư Phật
Thảy khắp mười phương vô lượng kiếp
Quang Luân Thần vào được môn này.

‘’Trong mỗi lỗ lông vang diệu âm‘’. Trong mỗi lỗ chân lông của Phật, đều vang ra âm thanh vi diệu không thể nghĩ bàn, diệu âm đó diễn nói diệu pháp không thể nghĩ bàn cho chúng sinh nghe.
‘’Tùy tâm chúng sinh khen chư Phật‘’. Hay tùy thuận tâm chúng sinh, để khen ngợi tất cả các Ðức Phật.
‘’Thảy khắp mười phương vô lượng kiếp‘’. Chẳng những Phật ở trong một thế giới vang ra diệu âm, giáo hóa chúng sinh, mà là khắp hết thảy mười phương thế giới, vì chúng sinh mà nói pháp, cũng chẳng phải trong thời gian ngắn diễn nói diệu âm, mà là thời gian dài trong vô lượng kiếp giáo hóa chúng sinh.
‘’Quang Luân Thần vào được môn này.’’ Vị Chủ Sơn Thần Vi Mật Quang Luân, thấu rõ cảnh giới này, mà vào được môn giải thoát này.
Khắp mười phương Phật đều hiện tiền
Ðủ thứ phương tiện nói diệu pháp
Rộng ích chúng sinh các biển hạnh
Sở ngộ này của Hiện Kiến Thần.

‘’Khắp mười phương Phật đều hiện tiền‘’. Pháp thân của Phật tận hư không khắp pháp giới, cho nên đầy khắp mười phương, thị hiện khắp ở trước chúng sinh.
‘’Ðủ thứ phương tiện nói diệu pháp‘’. Phật dùng đủ thứ pháp môn phương tiện khéo léo, để diễn nói diệu pháp, giáo hóa chúng sinh. Cho đến chúng sinh ở trong mộng, Phật cũng vào trong mộng, để vì chúng sinh nói diệu pháp, hà huống là lúc chúng sinh tỉnh, Phật càng dùng đủ thứ phương tiện pháp môn, để giáo hóa chúng sinh ngu si.
‘’Rộng ích chúng sinh các biển hạnh‘’. Phật vì muốn rộng lợi ích chúng sinh, cho nên tu đủ thứ hạnh môn, hạnh môn tu không bờ bến như là biển cả, cho nên nói các biển hạnh.
‘’Sở ngộ này của Hiện Kiến Thần.’’ Môn giải thoát này, vị Chủ Sơn Thần Phổ Nhãn Hiện Kiến ngộ hiểu được.
Pháp môn như biển vô biên lượng
Một âm nói ra khiến hiểu rõ
Trong tất cả kiếp nói chẳng hết
Kim Cang Mục vào phương tiện này.

‘’Pháp môn như biển vô biên lượng‘’. Pháp môn của Phật như biển cả, vô lượng vô biên, cũng chẳng có bờ mé, cũng chẳng có hạn lượng.
‘’Một âm nói ra khiến hiểu rõ‘’. Phật dùng một âm diễn nói pháp, chúng sinh tùy loài đều hiểu rõ. Người trời nghe thì ngôn ngữ trên trời, con người nghe thì ngôn ngữ của nhân gian, súc sinh nghe thì ngôn ngữ của súc sinh, chúng sinh trong sáu nẻo nghe đều hiểu rõ.
‘’Trong tất cả kiếp nói chẳng hết‘’. Phật nói pháp chẳng nhàm mỏi, chẳng mệt nhọc, luôn luôn vì chúng sinh nói pháp, luôn luôn giáo hóa chúng sinh. Diệu pháp này trải qua tất cả đại kiếp cũng nói chẳng hết.
‘’Kim Cang Mục vào phương tiện này.’’ Vị Chủ Sơn Thần Kim Cang Kiên Cố Nhãn, minh bạch cảnh giới này, mà vào được môn giải thoát phương tiện này.
Lại nữa, Chủ Ðịa Thần Phổ Ðức Tịnh Hoa, được môn giải thoát, dùng tâm từ bi, niệm niệm quán sát khắp tất cả chúng sinh.
Nghĩa lý trên chưa nói hết lại tiếp tục nói. Vị Chủ Ðịa Thần Phổ Ðức Tịnh Hoa, hay khiến khắp trong tâm của tất cả chúng sinh, sinh ra công đức, nở hoa thanh tịnh trang nghiêm. Ngài là Thần chủ quản đất đai. Nếu chẳng có Thần đến quản lý đất đai, thì bụi đất sẽ bay tán đi hết, địa cầu chẳng còn tồn tại. Ngài đắc được cảnh giới, ở trong Phật pháp biết được, Phật dùng tâm từ bi ở trong niệm niệm, quán sát khắp chúng sinh, cứu khổ chúng sinh, ban vui cho chúng sinh, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Ðịa Thần Kiên Phước Trang Nghiêm, được môn giải thoát, hiện khắp tất cả chúng sinh phước đức lực.
Vị Chủ Ðịa Thần Kiên Phước Trang Nghiêm, hay khiến cho tất cả chúng sinh phát tâm bồ đề, mà vào biển công đức, đắc được phước trang nghiêm kiên cố. Ngài khắp khiến cho chúng sinh tăng trưởng sức phước đức, tức là tu phước tu huệ tu đức, tu đến khi viên mãn thì sẽ giải thoát, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Ðịa Thần Diệu Hoa Nghiêm Thụ, được môn giải thoát, khắp vào các pháp, sinh ra tất cả cõi Phật trang nghiêm.
Chủ Ðịa Thần Diệu Hoa Nghiêm Thụ, những cây của Ngài lớn lên rất trang nghiêm, hoa nở cũng rất vi diệu thanh tịnh. Ngài có thể vào khắp tất cả các pháp, mà sinh ra tất cả các cõi Phật trong mười phương, rất trang nghiêm vi diệu, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Ðịa Thần Phổ Tán Chúng Bảo, được môn giải thoát, tu tập đủ thứ các tam muội, khiến cho chúng sinh tiêu trừ chướng cấu.
Vị Phổ Tán Chúng Bảo Chủ Ðịa Thần này, biết chúng sinh thích bảo bối, cho nên rải khắp vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não, bảy báu, để bố thí cho chúng sinh. Ngài minh bạch được, Phật thuở xưa ở tại nhân địa, tu đủ thứ các tam muội, hay ở trong định khiến cho tất cả chúng sinh, tiêu trừ chướng cấu chẳng còn tâm nhiễm ô, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Ðịa Thần Tịnh Mục Quán Thời, được môn giải thoát, khiến cho tất cả chúng sinh thường du hí khoái lạc.
Vị Chủ Ðịa Thần Tịnh Mục Quán Thời, mắt của Ngài thanh tịnh quán sát được nhân duyên ba đời. Ngài hay quán căn cơ của chúng sinh, biết chúng sinh thích du hí, thích khoái lạc, Ngài dùng tam muội này để giáo hóa chúng sinh, khiến cho chúng sinh thường du hí thường khoái lạc. Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Ðịa Thần Kim Sắc Diệu Nhãn, được môn giải thoát, thị hiện tất cả thân thanh tịnh, để điều phục chúng sinh.
Vị Chủ Ðịa Thần Kim Sắc Diệu Nhãn, thân của Ngài phóng ra sắc vàng, mắt vi diệu của Ngài quán sát được căn tính của chúng sinh trong mười phương. Ngài hiện khắp tất cả diệu pháp thân thanh tịnh, để điều phục tất cả chúng sinh khó điều phục, khiến cho chúng sinh cang cường biến thành nhu hòa, khiến cho chúng sinh sân hận sinh tâm hoan hỷ, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Ðịa Thần Hương Mao Phát Quang, được môn giải thoát, biết rõ biển công đức của tất cả chư Phật có đại oai lực.
Chủ Ðịa Thần Hương Mao Phát Quang, lỗ lông của Ngài đều phóng ra hương thơm, vì Ngài giữ giới luật tinh nghiêm. Nếu chúng ta giữ giới thanh tịnh, thì thân thể sẽ tỏa ra mùi thơm. Người giữ giới chẳng thanh tịnh, thì thân thể tỏa ra mùi hôi hám. Vị Chủ Ðịa Thần này chẳng những tỏa ra mùi thơm, mà còn phóng quang minh. Quang minh hương thơm này, chiếu khắp chúng sinh, khiến cho chúng sinh hoan hỷ học tập Phật pháp. Ngài biết rõ biển công đức của chư Phật tu, có sức đại oai đức. Sức đại oai đức này, nếu chúng ta tu hành thì sẽ có đủ. Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Ðịa Thần Tịch Âm Duyệt Ý, được môn giải thoát, khắp nhiếp trì biển lời nói âm thanh của tất cả chúng sinh.
Vị Chủ Ðịa Thần Tịch Âm Duyệt Ý, tuy âm thanh của Ngài chẳng nghe được, song, khiến cho người sinh tâm hoan hỷ. Ngài khắp nhiếp trì biển lời nói âm thanh của tất cả chúng sinh, thu hết lời nói âm thanh của chúng sinh lại. Ðây là dùng âm tịch tĩnh mà thu âm thanh động của chúng sinh. Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Ðịa Thần Diệu Hoa Toàn Kế, được môn giải thoát, sung mãn cõi Phật lìa tính cấu bẩn.
Vị Chủ Ðịa Thần Diệu Hoa Toàn Kế, có hương hoa vi diệu không thể nghĩ bàn. Hương hoa này hướng về bên phải du chuyển, kết thành bảo kế. Ngài đắc được cảnh giới của Phật, cảm thấy Phật là hương quang phổ chiếu. Mỗi lỗ chân lông đều phóng ra mây hương hoa, đầy khắp mười phương thế giới, cho nên sung mãn cõi Phật, khiến cho tất cả chúng sinh thấy được thứ mây này, thì đều xa lìa tất cả tâm ô nhiễm, mà đắc được bổn thể thanh tịnh. Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Ðịa Thần Kim Cang Phổ Trì, được môn giải thoát, pháp luân của tất cả chư Phật nhiếp trì khắp xuất hiện.
Vị Chủ Ðịa Thần Kim Cang Phổ Trì, đất đai của Ngài quản lý cứng chắc như kim cang, chẳng cách chi phá hoại được. Ngài đắc được pháp luân sở nhiếp trì, của tất cả chư Phật mười phương ba đời. Tuy nhiên, chúng ta đang ở thời mạt pháp, nhưng hiện tại giảng Phật pháp, tức cũng như pháp của chư Phật quá khứ đã giảng. Những pháp này hổ tương nhiếp trì, pháp này thông với pháp kia, pháp kia cũng thông với pháp này, viên dung với nhau, hổ tương vô ngại. Vì Phật Phật đạo đồng, cho nên bánh xe pháp của Phật cũng tuần hoàn không ngừng, hết rồi lại bắt đầu. Khi Phật chuyển bánh xe pháp, thì nhiếp trì tất cả chúng sinh, khiến cho họ y pháp tu hành, khắp xuất hiện thành Phật đạo, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Bấy giờ, Chủ Ðịa Thần Phổ Ðức Tịnh Hoa, nương oai lực của Phật, quán sát tất cả chúng Chủ Ðịa Thần, mà nói bài kệ rằng.
Lúc đó, vị Chủ Ðịa Thần Phổ Ðức Tịnh Hoa, nương đại oai thần lực của Phật, quán sát khắp tất cả chúng Chủ Ðịa Thần, mà nói ra bài kệ bốn câu, tán thán cảnh giới của Phật.
Thuở xưa Như Lai trong niệm niệm
Môn đại từ bi không thể nói
Tu hành như thế không ngừng nghỉ
Nên được thân kiên cố bất hoại.

‘’Thuở xưa Như Lai trong niệm niệm‘’. Trong quá khứ ở tại nhân địa, Phật tu đủ thứ hạnh môn, ở trong niệm niệm chẳng quên chúng sinh. Phật thường tu từ bi hỷ xả bốn tâm vô lượng, thường tu pháp từ bi tam muội, để cứu độ chúng sinh ra khỏi biển khổ mà được giải thoát.
‘’Môn đại từ bi không thể nói‘’. Môn đại từ bi tức là dùng tâm đại từ và tâm đại bi, để đối đãi bình đẳng với chúng sinh. Tức cũng là vô duyên đại từ, đồng thể đại bi. Môn đại từ bi tức cũng chẳng có biểu hiện tâm sân hận. Giống như Bồ Tát Thường Bất Khinh, khi Ngài tu Bồ Tát đạo, gặp chúng sinh thì lễ lạy, miệng nói: ‘’Tôi không dám khinh các vị, các vị đều sẽ thành Phật.’’ Song, có người mắng chửi Ngài quá ngu si, có người đánh Ngài quá điên khùng. Nhưng bất cứ họ đối đãi bất kính với Ngài như thế nào, Ngài vẫn dùng tâm từ bi để tha thứ họ, tuyệt đối chẳng sinh tâm sân hận. Và giống như Tiên ông nhẫn nhục tu đạo ở trong núi, bị vua Ca Lợi chặt đứt chi thể, mà Ngài cũng chẳng sinh tâm sân hận, đó đều là biểu hiện tu môn đại từ bi.
‘’Tu hành như thế không ngừng nghỉ‘’. Giống như tu từ tâm tam muội, tức là đối với tất cả chúng sinh, sinh ra tâm đại từ bi, hạnh môn như thế, dù tu vô lượng vô biên đại kiếp, cũng chẳng khi nào tu xong, cho nên nói không ngừng nghỉ. Tóm lại, dù tu thành Phật, vẫn phải tu từ bi hỷ xả bốn tâm vô lượng không ngừng.
‘’Nên được thân kiên cố bất hoại.’’ Vì Phật chẳng bao giờ giết hại sinh mạng của chúng sinh, cho nên thân của Phật kiên cố như kim cang, chẳng bao giờ tổn hại. Thân thể của chúng ta, tại sao chẳng kiên cố mà nhiều bệnh ? Là vì chẳng tu giới sát sinh cho viên mãn. Phải minh bạch nhân quả, vì sao bị người ta giết ? Là vì trong quá khứ đã từng giết người. Tại sao bị người ta đánh chưởi ? Là vì trong quá khứ đã từng đánh chưởi người. Khi nhân duyên đến thì phải chịu quả báo, do đó :

‘’Trồng dưa được dưa,
Trồng đậu được đậu.’’

Nếu chúng ta tu từ tâm tam muội, chẳng sát sinh, chẳng sân hận, thì tương lai thân thể cũng sẽ kiên cố bất hoại, chẳng bệnh tật mà mạnh khoẻ.
Ba đời chúng sinh và Bồ Tát
Hết thảy tất cả các phước tụ
Ðều thấy trong lỗ lông Như Lai
Phước Nghiêm thấy rồi sinh hoan hỷ.

‘’Ba đời chúng sinh và Bồ Tát‘’. Ba đời tức là đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Hết thảy chúng sinh và Bồ Tát ba đời, Phật đều nhìn thấy rất rõ ràng, vì Phật quán sát được nhân duyên vô lượng đại kiếp.
‘’Hết thảy tất cả các phước tụ’’. Chúng sinh và Bồ Tát ba đời, hết thảy tất cả phước tụ Phật đều biết.
‘’Ðều thấy trong lỗ lông Như Lai‘’. Ðều hiện ra ở trong lỗ chân lông của Phật.
‘’Phước Nghiêm thấy rồi sinh hoan hỷ.’’ Vị Chủ Ðịa Thần Kiên Phước Trang Nghiêm, thấy được cảnh giới này, trong tâm bèn sinh ra đại hoan hỷ.

Có người sinh tâm hoài nghi đối với bốn câu kệ này, hoài nghi Phật chỉ có thể nhìn thấy chúng sinh và Bồ Tát quá khứ, cùng với chúng sinh và Bồ Tát hiện tại, chứ không thể nhìn thấy chúng sinh và Bồ Tát vị lai. Vì vị lai thì chưa đến, làm sao có thể hiện ra ? Bạn nên biết cảnh giới của Phật không thể nghĩ bàn, Phật có thể dời quá khứ đến hiện tại, dời hiện tại về vị lai, lại dời vị lai về quá khứ, đây là đạo lý ba mà một, một mà ba. Do đó, làm cho công đức của chúng sinh và Bồ Tát vị lai, đều hiển hiện ra trong một lỗ chân lông.


Ví như máy truyền hình, chiếu sự việc, phim ảnh ba đời hợp lại với nhau. Ðem việc quá khứ dời về hiện tại diễn ra, việc vị lai cũng dời về hiện tại diễn ra, khiến cho ba đời thành một thể. Máy truyền hình còn có công năng như thế, huống chi là lỗ lông của Phật, càng có cảnh giới không thể nghĩ bàn. Mỗi lỗ chân lông của Phật, đều giống như một máy truyền hình.


Lại có người nói : ‘’Tôi vẫn không tin đạo lý này.’’ Vậy tôi đưa ra một ví dụ nữa. Giống như nằm mộng, trong mộng thấy việc vị lai, sự việc mười mấy năm sau, mà hiện tại ở trong mộng hiện ra. Lại có thể mộng thấy việc quá khứ, sự việc mười mấy năm về trước, mà hiện tại ở trong mộng hiện ra. Ðó tức là dời quá khứ đến hiện tại, dời vị lai đến hiện tại. Cảnh giới này ai ai cũng đều nằm mộng thấy, chẳng có gì là huyền diệu, bạn đã tin thì phải !

Tôi còn nhớ bốn mươi năm về trước, gặp một giấc mộng không thể nghĩ bàn, mộng thấy tôi ngồi ở trên pháp tòa, giảng kinh thuyết pháp cho rất nhiều người ngoại quốc nghe, giảng Kinh Hoa Nghiêm Ðại Phương Quảng Phật. Lúc đó, cũng chẳng cảm thấy ly kỳ, vẫn cho rằng chỉ là một giấc mộng mà thôi. Hiện tại, cảnh giới đó quả nhiên hiện thật. Chẳng những mộng thấy cảnh giới đó, mà còn mộng thấy rất nhiều cảnh giới. Bây giờ nghĩ lại, nguyên lai là như thế.


Người ở trong mộng, còn có thể biết được quá khứ hiện tại vị lai, hà huống là Phật. Phật có thể trong một lỗ lông khắp cùng pháp giới, làm cho hết thảy phước đức của chúng sinh và Bồ Tát, trong quá khứ hiện tại vị lai ba đời, đều hiện ra trong một lỗ chân lông. Phàm là người khai mở ngũ nhãn, đều có thể nhìn thấy tất cả sự việc ba đời, thậm chí mình ở trên đất bò như thế nào, hoặc là mình ngồi ở nơi nào đó chết đi, đều nhìn thấy rất rõ ràng, chẳng có chút gì kỳ lạ.
Tam ma địa tịch tĩnh rộng lớn
Không sinh không diệt không đến đi
Nghiêm tịnh cõi nước bày chúng sinh
Giải thoát này của Thụ Hoa Thần.

‘’Tam ma địa tịch tĩnh rộng lớn‘’. Tam ma địa nghĩa là định. Tịch tĩnh tức là chẳng có âm thanh, nghĩa là vắng lặng. Rộng lớn là từ hình dung, nghĩa là vừa rộng vừa lớn. Thứ định này vắng lặng rộng lớn, không thể nghĩ bàn.
‘’Không sinh không diệt không đến đi‘’. Tam ma địa tức là không sinh, không diệt, không đến, không đi, đây là nói định của Phật là cảnh giới như thế.
‘’Nghiêm tịnh cõi nước bày chúng sinh‘’. Trang nghiêm tất cả cõi nước chư Phật, thanh tịnh tất cả cõi nước của chư Phật, để mở bày cho chúng sinh pháp môn liễu sinh thoát tử.
‘’Giải thoát này của Thụ Hoa Thần.’’ Môn giải thoát này, vị Chủ Ðịa Thần Diệu Hoa Nghiêm Thụ đắc được.
Thuở quá khứ Phật tu các hạnh
Muốn khiến chúng sinh tiêu chướng nặng
Chủ Ðịa Thần Phổ Tán Chúng Bảo
Thấy Giải thoát này sinh hoan hỷ.

‘’Thuở quá khứ Phật tu các hạnh‘’. Phật là vì chúng sinh mà tu hành, vì Phật thấy nghiệp chướng của chúng sinh quá nặng, cho nên thuở xưa Phật tu đủ thứ hạnh môn, để cứu độ chúng sinh, khiến cho chúng sinh tiêu trừ nghiệp chướng mà được giải thoát.
‘’Muốn khiến chúng sinh tiêu chướng nặng‘’. Chúng sinh chẳng biết cách để tiêu trừ nghiệp chướng nặng, nhưng Phật từ bi giúp chúng sinh tiêu trừ nghiệp chướng, đắc được thanh tịnh.
‘’Chủ Ðịa Thần Phổ Tán Chúng Bảo‘’. Vị Chủ Ðịa Thần Phổ Tán Chúng Bảo, nhìn thấy được cảnh giới này của Phật.
‘’Thấy Giải thoát này sinh hoan hỷ.’’ Vị Chủ Ðịa Thần này, thấy được môn giải thoát này, tâm đại hoan hỷ.
Cảnh giới Như Lai chẳng bờ mé
Niệm niệm hiện khắp trong thế gian
Chủ Ðịa Thần Tịnh Mục Quán Thời
Thấy Phật tu hành tâm vui mừng.

‘’Cảnh giới Như Lai chẳng bờ mé‘’. Cảnh giới của Như Lai tu chẳng có bờ mé.
‘’Niệm niệm hiện khắp trong thế gian‘’. Phật ở trong niệm niệm nghĩ nhớ chúng sinh, cho nên hiện khắp trong mười phương thế giới.
‘’Chủ Ðịa Thần Tịnh Mục Quán Thời‘’. Vị Chủ Ðịa Thần Tịnh Mục Quán Thời, đắc được cảnh giới của Phật.
‘’Thấy Phật tu hành tâm vui mừng.’’ Ngài thấy được hạnh môn của Phật tu hành trong quá khứ, và pháp môn hiện tại giáo hóa chúng sinh, nên trong tâm rất hoan hỷ vui mừng.
Diệu âm vô hạn không nghĩ bàn
Khắp vì chúng sinh diệt phiền não
Kim Sắc Nhãn Thần tỏ ngộ được
Thấy Phật vô biên thắng công đức.

‘’Diệu âm vô hạn không nghĩ bàn‘’. Phật diễn nói âm thanh vi diệu chẳng có hạn lượng, không thể nghĩ bàn.
‘’Khắp vì chúng sinh diệt phiền não‘’. Diệu âm của Phật nói, là vì tiêu diệt phiền não chướng của chúng sinh.
‘’Kim Sắc Nhãn Thần tỏ ngộ được‘’. Vị Chủ Ðịa Thần Kim Sắc Diệu Nhãn, tỏ ngộ được đạo lý này.
‘’Thấy Phật vô biên thắng công đức.’’ Ngài thấy được vô lượng vô biên công đức thù thắng của Phật.
Hết thảy hình sắc đều hóa hiện
Mười phương pháp giới đều sung mãn
Hương Mao Phát Quang thường thấy Phật
Như thế hóa khắp các chúng sinh.

‘’Hết thảy hình sắc đều hóa hiện‘’. Hết thảy tất cả chúng sinh có hình có sắc, Phật đều tùy theo loài mà hóa hiện để giáo hóa họ.
‘’Mười phương pháp giới đều sung mãn‘’. Chẳng những Phật hóa hiện trong một thế giới, mà còn hóa hiện trong mười phương pháp giới, do đó mà hoàn toàn sung mãn khắp pháp giới.
‘’Hương Mao Phát Quang thường thấy Phật‘’. Phàm là ngũ cốc và hoa quả lớn lên ở trên đất, đều có hương thơm. Vị Chủ Ðịa Thần Hương Mao Phát Quang này, luôn luôn thấy được cảnh giới này của Phật.
‘’Như thế hóa khắp các chúng sinh.’’ Phật đại từ đại bi giáo hóa khắp tất cả chúng sinh, chẳng những giáo hóa chúng sinh hữu tình, mà còn giáo hóa chúng sinh vô tình.
Diệu âm khắp cùng trong mười phương
Trong vô lượng kiếp vì chúng nói
Duyệt Ý Ðịa Thần tâm thấu đạt
Nghe được lời Phật rất kính vui.

‘’Diệu âm khắp cùng trong mười phương‘’. Âm thanh vi diệu của Phật nói, vang khắp cùng trong mười phương.
‘’Trong vô lượng kiếp vì chúng nói‘’. Diệu âm của Phật vang khắp mười phương, thời gian nói pháp dọc cùng tam tế, trong vô lượng kiếp đều vì chúng sinh nói diệu pháp.
‘’Duyệt Ý Ðịa Thần tâm thấu đạt‘’. Vị Chủ Ðịa Thần Tịch Âm Duyệt Ý, trong tâm của Ngài thấu đạt được cảnh giới này.
‘’Nghe được lời Phật rất kính vui.’’ Ở chỗ Ðức Phật nghe được diệu pháp này, nên Ngài cung kính hoan hỷ rất thâm sâu.
Lỗ lông Phật sinh mây hương diễm
Tùy tâm chúng sinh khắp thế gian
Hết thảy thấy được đều thành thục
Môn này Hoa Toàn quán sát được.
‘’Lỗ lông Phật sinh mây hương diễm‘’. Trong mỗi lỗ lông của Phật, đều sinh ra mây hương diễm.
‘’Tùy tâm chúng sinh khắp thế gian‘’. Tùy thuận tâm của chúng sinh, mà đi khắp thế gian.
‘’Hết thảy thấy được đều thành thục‘’. Khiến cho tất cả chúng sinh, thấy được cảnh giới của Phật, thì căn lành đều thành thục.
‘’Môn này Hoa Toàn quán sát được.’’ Vị Chủ Ðịa Thần Diệu Hoa Toàn Kế, quán sát minh bạch được đạo lý này.
Cứng chắc khó hoại như kim cang
Không thể khuynh động như Tu Di
Thân Phật như thế nơi thế gian
Phổ Trì thấy được sinh hoan hỷ.

‘’Cứng chắc khó hoại như kim cang‘’. Thân Phật cứng chắc không thể hoại như chất kim cang. Thân Phật tại sao cứng chắc như thế ? Vì Phật tu hạnh môn đại từ đại bi, tu từ tâm tam muội, cho nên mới được thân cứng chắc bất hoại. Phật còn phát tâm hộ pháp, cho nên thành tựu thân kim cang bất hoại. Vì hộ trì chánh pháp, giữ gìn giới luật, tu oai nghi, tay cầm đao kiếm cung tên, để bảo hộ cho Tỳ Kheo giữ giới thanh tịnh.

Thuở xưa, có vị Tỳ Kheo Giác Ðức giữ giới thanh tịnh, Ngài đi đứng nằm ngồi, bốn đại oai nghi đều rất trang nghiêm. Song, có những vị Tỳ Kheo chẳng giữ giới luật phản đối Ngài, khinh khi Ngài. Ông vua đương thời tên là Hữu Ðức hộ pháp cho Ngài. Ông vua đó và những vị Tỳ Kheo không giữ giới luật đánh với nhau, bất hạnh bị đánh trọng thương. Tỳ Kheo Giác Ðức rất khen ngợi ông vua, ông vua nghe pháp rồi thì qua đời.
Vị vua đó vì hộ pháp có công đức, cho nên sau khi chết đi, được sinh về thế giới Ðông Phương cõi của Ðức Phật A Súc Bệ, làm đại đệ tử thứ hai của Phật A Súc Bệ. Do đó, đủ biết công đức hộ pháp lớn hơn người bị hộ.
‘’Không thể khuynh động như Tu Di‘’. Thân kim cang của Phật giống như núi Tu Di, không thể nào lay động được.
‘’Thân Phật như thế nơi thế gian‘’. Thân Phật giống như núi Tu Di ở nơi thế gian, rất an ổn vững chắc.
‘’Phổ Trì thấy được sinh hoan hỷ.’’ Vị Chủ Ðịa Thần Kim Cang Phổ Trì, thấy được cảnh giới này của Phật, nên sinh tâm đại hoan hỷ.
Lại nữa, Chủ Thành Thần Bảo Phong Quang Diệu, được môn giải thoát, phương tiện lợi ích chúng sinh.
Ðạo lý ở trên nói chưa hết, nên tiếp tục nói. Vị Chủ Thành Thần Bảo Phong Quang Diệu, đỉnh núi bảy báu của Ngài phóng ra quang minh rất sáng, chiếu soi khắp mười phương thế giới. Ngài là người quản lý thành quách, hay phá tan mùi hôi hám tất cả phiền não ở trong thành, khiến cho sinh ra mùi hương thơm tất cả trí huệ, làm cho chúng sinh ở trong thành đều đắc được giải thoát. Ngài dùng đủ thứ phương tiện pháp môn để lợi ích chúng sinh, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Thành Thần Diệu Nghiêm Cung Ðiện, được môn giải thoát, biết căn tánh của chúng sinh, giáo hóa khiến cho họ thành thục.
Vị Chủ Thành Thần Diệu Nghiêm Cung Ðiện, hay khiến cho tất cả cung điện đều tốt đẹp trang nghiêm. Ngài biết căn tánh của mỗi chúng sinh, bất cứ là chúng sinh căn lành sâu dày, hay là chúng sinh căn lành cạn mỏng, họ hoan hỷ pháp môn gì, thì Ngài dùng pháp môn đó để giáo hóa họ, khiến cho căn lành của họ được thành thục, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Thành Thần Thanh Tịnh Hỷ Bảo, được môn giải thoát, thường hoan hỷ, khiến cho tất cả chúng sinh thọ các phước đức.
Vị Chủ Thành Thần Thanh Tịnh Hỷ Bảo, có hỷ bảo thanh tịnh, hay khiến cho chúng sinh thường hoan hỷ. Ngài hay khiến cho chúng sinh căn lành tăng trưởng, tăng phước tăng huệ tăng đức, khiến cho chúng sinh thọ được tất cả lợi ích phước đức, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Thành Thần Ly Ưu Thanh Tịnh, được môn giải thoát, cứu các sự sợ hãi đại bi tạng.
Vị Chủ Thành Thần Ly Ưu Thanh Tịnh, Ngài hay bảo hộ an toàn cho chúng sinh ở trong thành, tiêu tai giải nạn, gặp hung hóa cát, khiến cho tất cả chúng sinh lìa khỏi ưu sầu lo lắng mà được tâm thanh tịnh. Ngài dùng vô úy thí để cứu hộ chúng sinh, khiến cho chúng sinh chẳng sợ hãi lo âu. Vì Ngài rất từ bi, cho nên gọi là đại bi tạng, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Thành Thần Hoa Ðăng Diễm Nhãn, được môn giải thoát, khắp thấu rõ đại trí huệ.
Vị Chủ Thành Thần Hoa Ðăng Diễm Nhãn, Ngài hay dùng đèn làm bằng hoa, phóng ra ánh sáng lửa ngọn, khiến cho tất cả chúng sinh, thấu rõ diệu dụng của đại trí huệ, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Thành Thần Diễm Tràng Minh Hiện, được môn giải thoát, phương tiện thị hiện khắp.
Vị Chủ Thành Thần Diễm Tràng Minh Hiện, tràng báu lửa ngọn của Ngài phóng ra quang minh, hiện khắp trong thế gian. Ngài dùng khắp pháp môn phương tiện để thị hiện, khiến cho chúng sinh từ những phương tiện này mà được cứu độ, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Thành Thần Thịnh Phước Oai Quang, được môn giải thoát, khắp quán sát tất cả chúng sinh, khiến cho họ tu biển phước đức rộng lớn.
Vị Chủ Thành Thần Thịnh Phước Oai Quang, phước đức thịnh của Ngài có sức đại oai quang, hay khiến cho phước đức của chúng sinh tăng thêm. Ngài quán sát khắp tất cả chúng sinh trong mười phương, chúng sinh nào cơ duyên thành thục, thì sẽ hóa độ chúng sinh đó, khiến cho họ tu phước tu huệ, tu rộng lớn như biển cả, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Thành Thần Tịnh Quang Minh Thân, được môn giải thoát, khai ngộ tất cả những chúng sinh ngu tối.
Vị Chủ Thành Thần Tịnh Quang Minh Thân, thân thể của Ngài vừa thanh tịnh vừa quang minh. Ngài hay khiến cho chúng sinh ngu si đắc được trí huệ, chúng sinh mù tối được ánh sáng. Khiến cho chúng sinh ngu si và mù tối đều có thể khai ngộ, đắc được trí huệ giải thoát, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chúng sinh mù tối tức là người sinh ra chẳng có mắt, gì cũng chẳng thấy, gì cũng chẳng biết. Người chẳng hiểu biết Phật pháp, chẳng hiểu biết tí nào về đạo lý Phật pháp, thì cũng giống như người mù, thật đáng thương xót.

Trong Kinh Niết Bàn có ghi rằng: ‘’Có một người mù từ lúc mới sinh ra, chẳng biết màu sắc của sữa bò như thế nào ?
- Bèn hỏi người khác, có người nói với y rằng : Trắng giống như con sò.’’
- Người mù lại hỏi : ‘’Vậy màu sắc của sữa bò cứng giống như là con sò chăng ?
- Người đó đáp : ‘’Chẳng phải.’’
- Người mù lại hỏi : ‘’Màu sắc của con sò lại như thế nào‘’?
- Người kia đáp : ‘’Giống như bột gạo.’’
- Người mù lại hỏi : ‘’Màu sắc sữa bò mềm dịu, giống như sự mềm dịu của bột gạo chăng ? Vậy bột gạo lại như thế nào ?
- Người kia đáp: ‘’Giống như tuyết.’’
- Người mù lại hỏi : ‘’Bột gạo có lạnh chăng ? Tuyết lại như thế nào‘’?
- Người kia đáp : ‘’Trắng như hạc.’’
- Người mù lại hỏi : ‘’Con hạc là động chăng‘’? Kết quả đưa ra bốn ví dụ mà người mù cũng chẳng hiểu, cứu kính màu sắc của sữa bò như thế nào ? Vẫn chẳng biết.
Ðó là nói về kẻ ngoại đạo chẳng hiểu biết về Niết Bàn: Thường, lạc, ngã, tịnh, là gì ? Giống như người mù chẳng biết màu sắc của sữa bò, thật là ngu si. Con sò biểu hiện cho thường đức, bột gạo biểu thị cho lạc đức, tuyết biểu thị cho tịnh đức, con hạc biểu thị cho ngã đức.

Một số người ngu si chẳng hiểu biết Phật pháp, chẳng biết Phật pháp là gì ? Nếu đối với họ nói ra pháp xuất thế thì họ nói : ‘’Pháp xuất thế là pháp bao quát ở trong pháp thế gian.’’ Không sai ! Nói cũng đúng. Lục Tổ Huệ Năng đã từng nói :

‘’Phật pháp tại thế gian,
Chẳng lìa thế gian giác,
Lìa thế gian cầu bồ đề,
Ví như tìm sừng thỏ.’’

Ý nghĩa của bốn câu kệ này, tức là ở trong pháp thế gian có thể tìm ra pháp xuất thế, chứ chẳng phải nói chẳng có pháp xuất thế, đem pháp thế gian chuyển qua, tức là pháp xuất thế ; đem pháp xuất thế chuyển qua, thì lại trở về pháp thế gian. Nếu xả bỏ pháp thế gian, thì vĩnh viễn tìm chẳng được pháp xuất thế. Tuy nhiên pháp xuất thế bao quát ở trong pháp thế gian, song, bạn phải hiểu rõ. Nếu chẳng hiểu rõ thì vốn chẳng có pháp xuất thế. Sau khi thấu rõ rồi, thì mới ở trong pháp thế gian, mà tu pháp xuất thế gian, đó là đạo lý bổn lai của Phật pháp. Chủ yếu là trong thế gian giác mà dụng công phu. Thế gian thì không giác, căn bản thì chẳng có Phật pháp; nếu bạn giác thì có pháp xuất thế, cho nên không cần lìa khỏi thế giới này, mà đến thế giới khác tìm sự giác ngộ, như thế thì vĩnh viễn tìm chẳng được, giống như chẳng thể nào tìm được sừng trên đầu con thỏ.
Người chẳng hiểu biết Phật pháp, xem bốn câu kệ này, bèn cho rằng chẳng có pháp xuất thế, đó là vốn chẳng biết pháp xuất thế là gì, chỉ biết có pháp thế gian mà hiểu quanh co về ý nghĩa bài kệ của Lục Tổ.
Chủ Thành Thần Hương Tràng Trang Nghiêm, được môn giải thoát, quán sát sức tự tại của Như Lai, khắp điều phục chúng sinh thế gian.
Vị Chủ Thành Thần Hương Tràng Trang Nghiêm, Ngài dùng hương tràng để trang nghiêm thành. Ngài hay quán sát sức thần thông tự tại của Như Lai, khắp hết thảy mười phương thế giới, dùng sức đại oai thần tự tại để điều phục tất cả chúng sinh. Ngài đắc được môn giải thoát này.
Chủ Thành Thần Bảo Phong Quang Mục, được môn giải thoát, hay dùng đại quang minh, để phá trừ núi chướng ngại của tất cả chúng sinh.
Vị Chủ Thành Thần Bảo Phong Quang Mục, bảo phong của Ngài phóng ra đại quang minh bảy báu, chiếu soi chúng sinh, để phá trừ tất cả núi chướng ngại. Núi chướng ngại là gì ? Tức là tham sân si, giống như núi, hay chướng ngại bồ đề giác đạo. Nếu phá được núi chướng ngại, thì sẽ hiện ra trí huệ đại quang minh, song làm thế nào để phá trừ núi chướng ngại ? Tức là phải siêng tu giới định huệ, tu đến lúc viên mãn, thì bồ đề đại đạo cũng chẳng còn chướng ngại. Vị Chủ Thành Thần này đắc được môn giải thoát này.
Bấy giờ, Chủ Thành Thần Bảo Phong Quang Diệu, nương oai lực của đức Phật, quán sát tất cả chúng Chủ Thành Thần, mà nói bài kệ rằng.
Lúc đó, vị Chủ Thành Thần Bảo Phong Quang Diệu, nương đại oai thần lực của Phật, quán sát khắp hết thảy chúng Chủ Thành Thần, mà nói ra bài kệ bốn câu.
Ðạo Sư như thế không nghĩ bàn
Quang minh chiếu khắp trong mười phương
Chúng sinh hiện tiền đều thấy Phật
Giáo hóa thành thục vô lượng số.

‘’Ðạo sư như thế không nghĩ bàn‘’. Ðạo sư tức là người tiếp dẫn chúng sinh thành Phật đạo, là người vì chúng sinh làm lãnh tụ dẫn đường. Vì Phật đem hết thảy tất cả pháp môn tu hành thành Phật trong quá khứ, để giáo hóa tất cả chúng sinh, cũng thành tựu vô thượng đạo, cho nên gọi là Ðạo sư.
Như thế tức là trung đạo, tức cũng là phương pháp dụng công tu hành, để minh bạch trung đạo, tức là như thế; chẳng minh bạch thì chẳng như thế. Trung đạo là căn bản thành Phật, hay sinh ra vô lượng chư Phật, vô lượng Bồ Tát, vô lượng A la hán, vô lượng tổ sư. Tất cả chư Phật trong mười phương ba đời, đều từ trung đạo sinh ra, cho nên không nghĩ bàn.
Chỗ diệu không thể nghĩ bàn của trung đạo, là chẳng cách chi có thể nói hết được, chẳng cách chi có thể minh bạch, chẳng tu trung đạo, thì chẳng cách chi thành quả vị Phật. Do đó, trung đạo tức là chân không, tức cũng là diệu hữu; chân không chẳng không, mới sinh diệu hữu; diệu hữu chẳng hữu, chẳng ngại chân không, biến hóa vô cùng, áo diệu chẳng thể sánh được.
‘’Quang minh chiếu khắp trong mười phương‘’. Tất cả chư Phật đều tu trung đạo, khi tu thành công thì sẽ có đại định lực, đại huệ lực, đại quang minh, chiếu khắp mười phương pháp giới.
‘’Chúng sinh hiện tiền đều thấy Phật‘’. Hết thảy chúng sinh trong mười phương, đều thấy Phật ở trước mình, mỗi chúng sinh đều cảm thấy Phật đang ở trước họ nói pháp.
‘’Giáo hóa thành thục vô lượng số.’’ Phật giáo hóa chúng sinh, khiến cho họ thành thục quả vị Phật, chúng sinh đã thành thục quả vị Phật nhiều không thể nói, không thể nói cho nên nói là vô lượng số.
Các căn chúng sinh đều khác nhau
Phật đều biết rõ chẳng sót thừa
Chủ Thành Thần Diệu Nghiêm Cung Ðiện
Vào pháp môn này tâm vui mừng.

‘’Các căn chúng sinh đều khác nhau‘’. Chúng sinh mỗi người có nhân khác nhau, quả khác nhau, cho nên căn tánh cũng khác nhau. Nhân quả nghiệp báo của chúng sinh chẳng giống nhau, căn tánh của chúng sinh cũng chẳng giống nhau, có người căn lành sâu dày, có người căn lành cạn mỏng. Có người tu hành đã nhiều năm, có người mới bắt đầu tu hành, có người lợi căn, có người độn căn. Cho nên nói đều khác nhau.
‘’Phật đều biết rõ chẳng sót thừa‘’. Tuy căn tánh của chúng sinh chẳng giống nhau, song Phật hoàn toàn thấu rõ. Biết căn tánh của chúng sinh rồi, sau đó mới đối căn cơ mà nói pháp.
‘’Chủ Thành Thần Diệu Nghiêm Cung Ðiện‘’. Vị Chủ Thành Thần Diệu Nghiêm Cung Ðiện, biết được cảnh giới này.
‘’Vào pháp môn này tâm vui mừng.’’ Vị Chủ Thành Thần này, vào được pháp môn này, nên tâm sinh vui mừng.
Như Lai tu hành vô lượng kiếp
Thuở xưa hộ trì pháp chư Phật
Ý thường thừa cử sinh hoan hỷ
Diệu Bảo Thành Thần ngộ môn này.

‘’Như Lai tu hành vô lượng kiếp‘’. Từ vô lượng kiếp đến nay, Phật tu trì hạnh môn Phật pháp.
‘’Thuở xưa hộ trì pháp chư Phật‘’. Thuở xưa, Phật hết lòng hộ trì pháp của chư Phật nói, chẳng khiến cho Phật pháp tiêu diệt.
‘’Ý thường thừa cử sinh hoan hỷ‘’. Tâm ý của Phật thường thường nghinh thừa pháp của chư Phật, cử hành pháp của chư Phật, trong tâm sinh đại hoan hỷ.
‘’Diệu Bảo Thành Thần ngộ môn này.’’ Chủ Thành Thần Thanh Tịnh Diệu Bảo, minh bạch được cảnh giới của Phật, nên vào được môn giải thoát này.

Hộ pháp và giáo hóa chúng sinh, phải dùng đủ thứ phương tiện pháp môn, mới có thể thành công, giống như tôn giả Ca Chiên Diên đại đệ tử của Phật, Ngài thường ở trong mộng giáo hóa chúng sinh, khiến cho chúng sinh giác ngộ, phát bồ đề tâm, thành vô thượng đạo, có một câu chuyện có thể chứng minh. Tôn giả Ca Chiên Diên có vị đệ tử là ông vua Mi Hi La, vì nhìn thấu hồng trần mà buông bỏ tất cả, bỏ ngôi vua mà xuất gia tu hành, ngày ăn một bữa, đêm nghỉ dưới gốc cây, tu hạnh đầu đà, tóc cũng chẳng cắt, râu cũng chẳng cạo, giống như người nguyên thủy đời xưa.


Một ngày nọ, ông vua nước lân cận tên là A Bàn Ðịa, dẫn đội võ sĩ và cung nữ phi tần vào núi săn bắn, vì du hí tiêu khiển, nên cao hứng tha hồ bắn giết, chẳng bao lâu thì ông vua mệt mỏi và ngủ đi. Những cung nga thể nữ chẳng biết làm gì, bèn đi hái hoa bắt bướm, phát hiện dưới gốc cây có vị Tỳ Kheo tu khổ hạnh. Những cung nga thể nữ bèn vây quanh ông ta, yêu cầu khai thị chỉ dạy, do đó vị Tỳ Kheo vì họ mà giảng giải Phật pháp.


Lúc đó, ông vua tỉnh dậy, phát hiện ra bọn cung nga thể nữ chẳng ở kế bên mình, nên chạy đi tìm, thì thấy họ đang nói chuyện với quái vật, trong cơn thịnh nộ, bèn sai võ sĩ đánh vị Tỳ Kheo bị trọng thương. Vị Tỳ Kheo bèn sinh tâm sân hận, phát nguyện muốn báo thù ngày hôm nay, do đó đến chỗ sư phụ xin hoàn tục. Tôn giả Ca Chiên Diên bèn an ủi ông ta nói : ‘’Ðây là nhân quả, vì kiếp trước ông đã từng đánh ông ta, cho nên đời này ông ta phải đánh ông. Ông phải tin nhân quả tuần hoàn báo ứng.’’ Nhưng vị Tỳ Kheo đó vẫn quyết định phải báo thù. Tôn giả Ca Chiên Diên yêu cầu ông ta ở thêm một đêm nữa, ngày thứ hai hoàn tục trở về làm vua cũng chưa muộn.

Ðêm đó, tôn giả Ca Chiên Diên bèn vận dụng thần thông, ở trong mộng của vị Tỳ Kheo đó, giáo hóa cho ông ta biết nhân quả tơ hào chẳng sai. Vị Tỳ Kheo đó, mộng thấy ông ta trở về làm vua, thần dân đều hoan nghênh, lập ông ta làm vua. Sau khi ông ta lên ngôi rồi, bèn lập tức chuẩn bị chiến tranh, xuất lãnh mười vạn đại quân đến chinh phạt vua A Bàn Ðịa. Song, mỗi lần đánh đều bị thua, cuối cùng bị bắt nhốt, phán tội chém đầu thị chúng. Ðương lúc chấp hình, thì ông ta sinh tâm sám hối, hối hận rằng mình chẳng nghe lời sư phụ dạy bảo, mới có hậu quả ngày hôm nay. Do đó, bèn khẩn cầu sư phụ từ bi mau đến cứu. Ðang lúc cầu nguyện thì bị chém đầu, đầu người rơi xuống. Hốt hoảng tỉnh dậy, nguyên lai là giấc mộng !

Sáng sớm ngày thứ hai, ông ta nói với tôn giả cảnh giới ở trong mộng và đảnh lễ sám hối, quyết tâm chẳng hoàn tục nữa. Vị Tỳ Kheo đó tuy nhiên xuất gia, song tâm chưa được thanh tịnh, còn có sự chấp trước nghĩ không ra. Tôn giả Ca Chiên Diên dùng pháp phương tiện khéo léo, để giáo hóa ông ta, khiến cho ông ta giác ngộ, cho nên giáo hóa chúng sinh, phải dùng đủ thứ phương tiện khác nhau, mới có hiệu quả.

Tôn giả Ca Chiên Diên là luận nghị bậc nhất, có cảnh giới biện tài vô ngại, luận sư ngoại đạo đương thời đều bội phục, Ngài nghị luận rất cao minh.
Có một lần, luận sư chấp đoạn đến vấn nạn : ‘’Người ác chết rồi chịu khổ, thì nên về nói sự khổ. Chết mà không về, do đó chẳng có đời sau.’’
- Tôn giả đáp : ‘’Như tội nhân bị tù có được về chăng‘’ ?
- Lại hỏi : ‘’Người thiện sinh về cõi trời, sao cũng chẳng về báo cho biết sự sung sướng‘’?
- Ðáp : ‘’Như người rớt xuống hầm phân, có chịu trở xuống nữa chăng‘’?
Do đó, Ngài là luận nghị đệ nhất, chẳng có ai sánh bằng.
Thuở xưa Như Lai đã diệt trừ
Tất cả sợ hãi của chúng sinh
Mà luôn từ bi đối với họ
Ðây Ly Ưu Thần tâm ngộ vui.

‘’Thuở xưa Như Lai đã diệt trừ‘’. Lâu xa về trước, Phật hay trừ diệt tất cả sự sợ hãi của tất cả chúng sinh, hay cứu hộ tất cả chúng sinh, khiến cho họ đắc được an lạc.
‘’Tất cả sợ hãi của chúng sinh‘’. Khiến cho tất cả chúng sinh xa lìa tất cả sự ưu sầu, phiền não, sợ hãi.
‘’Mà luôn từ bi đối với họ‘’. Phật thương xót chúng sinh, mà sinh tâm đại từ bi. Có khi dùng từ bi hữu hình, để cứu sự ưu sầu khổ não của chúng sinh, có khi dùng từ bi vô hình, để ban vui vẻ khoái lạc cho chúng sinh.
‘’Ðây Ly Ưu Thần tâm ngộ vui.’’ Cảnh giới này của Phật, chúng sinh chẳng dễ gì minh bạch được, mà vị Chủ Thành Thần Ly Ưu Thanh Tịnh minh bạch được, cho nên tâm sinh hoan hỷ vui mừng.
Trí Phật rộng lớn chẳng bờ mé
Ví như hư không không thể lường
Hoa Mục Thành Thần tỏ ngộ được
Tu học diệu huệ của Như Lai.
‘’Trí Phật rộng lớn chẳng bờ mé‘’. Trí huệ của Phật rộng lớn chẳng có bờ mé, vị Thánh nhân nào cũng không thể so sánh với trí huệ của Phật được, vì trí huệ Phật không bờ mé.
‘’Ví như hư không không thể lường‘’. Trí huệ của Phật giống như hư không. Vì hư không không thể độ lượng, cho nên chẳng cách chi biết được lớn cỡ nào.
‘’Hoa Mục Thành Thần tỏ ngộ được‘’. Cảnh giới này, chỉ có Chủ Thành Thần Hoa Ðăng Diễm Mục tỏ ngộ được, cho nên sinh tâm vui mừng.
‘’Tu học diệu huệ của Như Lai.’’ Vị Chủ Thành Thần này, hay tu tập diệu trí huệ rộng lớn vô biên của Như Lai.
Sắc tướng Như Lai đồng chúng sinh
Tùy họ ưa thích đều khiến thấy
Diễm Tràng Minh Hiện tâm ngộ được
Tu phương tiện này sinh hoan hỷ.
‘’Sắc tướng Như Lai đồng chúng sinh‘’. Sắc thân của Như Lai tùy nơi nào hiện cũng được, chỉ cần chúng sinh hoan hỷ thấy Phật, thì Phật làm cho chúng sinh được mãn nguyện. Vì sắc thân của Phật đồng chúng sinh. Tóm lại, có bao nhiêu chúng sinh, thì Phật thị hiện bấy nhiêu sắc thân.
‘’Tùy họ ưa thích đều khiến thấy‘’. Phật hay tùy thuận nguyện vọng của chúng sinh, phàm là chúng sinh muốn nhìn thấy Phật, thì Phật đều khiến cho họ thấy.
‘’Diễm Tràng Minh Hiện tâm ngộ được‘’. Cảnh giới này, vị Chủ Thành Thần Diễm Tràng Minh Hiện, tỏ ngộ được đạo lý này.
‘’Tu phương tiện này sinh hoan hỷ.’’ Vị Chủ Thành Thần này, tu học phương tiện pháp môn này, nên tâm hoan hỷ vui mừng.
Xưa Như Lai tu các biển phước
Thanh tịnh rộng lớn không bờ mé
Phước Ðức Tràng Quang nơi môn này
Quán sát tỏ ngộ tâm vui mừng.

‘’Xưa Như Lai tu các biển phước‘’. Thuở xưa, khi Phật tu phước tu huệ, thì rất nhận chân tu hành, dù phước nhỏ như sợi tóc, như hạt bụi, cũng chẳng bỏ qua, cho nên tích tụ nhiều như biển cả.
‘’Thanh tịnh rộng lớn không bờ mé‘’. Cử chỉ hành động của Như Lai, đều hay khiến cho chúng sinh, rộng sinh hoan hỷ mà chẳng sinh phiền não, cho nên phước tu được đều thanh tịnh. Phước thanh tịnh đó, rộng lớn chẳng có bờ mé.
‘’Phước Ðức Tràng Quang nơi môn này‘’. Cảnh giới này, vị Chủ Thành Thần Phước Ðức Tràng Quang, minh bạch đắc được môn giải thoát này.
‘’Quán sát tỏ ngộ tâm vui mừng.’’ Ngài quán sát tỉ mỉ mà thấu rõ, trong tâm sinh ra vui mừng.
Chúng sinh ngu mê trong các cõi
Như kẻ đui mù chẳng thấy gì
Phật vì lợi ích hiện ra đời
Thanh Tịnh Quang Thần vào môn này.

‘’Chúng sinh ngu mê trong các cõi‘’. Hết thảy tất cả chúng sinh vì ngu si mê hoặc, cho nên lưu chuyển thọ khổ ở trong tam giới hai mươi lăm cõi, chẳng biết làm thế nào để thoát khỏi luân hồi.
‘’Như kẻ đui mù chẳng thấy gì‘’. Giống như người đui mù, khi sinh ra thì chẳng có mắt, tuy có thể nghe tiếng nói, nhưng chẳng nhìn thấy vật gì, chẳng thấy được mặt trời mặt trăng như thế nào, cho nên người đui mù rất là đau khổ.
Người chẳng hiểu biết Phật pháp, người chẳng biết ra khỏi ba cõi, thật đáng thương như người đui mù. Mục đích xuất gia tu hành, là ra khỏi hai mươi lăm cõi, đắc được pháp thân thanh tịnh. Song, xuất gia chẳng phải là việc dễ dàng. Nếu là người chẳng có căn lành, thì không thể nào xuất gia tu hành. Muốn xuất gia cũng chẳng thành tựu, càng không được mãn nguyện. Cho nên, phải có căn lành thì mới có đại thành tựu, mới mãn được đại nguyện lực.


Có người nói : ‘’Người đó xuất gia được cho nên anh ta xuất gia, tôi không thể xuất gia, cho nên tôi không xuất gia.’’ Tư tưởng này chẳng đúng. Gì là được ? Gì là không được ? Bạn xuất gia thì được, bạn không xuất gia thì không được, chỉ xem bạn có thực hành chăng. Giống như có vị nữ cư sĩ, cô ta xuất gia được, song chẳng ai dạy cô ta xuất gia, nên cô ta chẳng cách gì xuất gia được. Hôm nay, bất hạnh gặp tai nạn xe, đó là sự cảnh cáo. Cô ta đáng lẽ chết mà không chết, vì cô ta còn có tâm muốn xuất gia. Ở trong kinh có nói : ‘’Chẳng có pháp nhất định.’’ Người đáng chết, nhưng nếu tu hành thì không chết. Người không đáng chết, nhưng nếu không tu hành thì sẽ chết. Ðó là dùng công đức để tăng tuổi thọ, chứ chẳng phải uy hiếp. Ông Viên Liễu Phàm vào đời nhà Tống là một điển hình, ông ta đáng lẽ phải chết lúc năm mươi tuổi, nhưng về sau vì làm công đức, do đó sống đến tám mươi tuổi mới chết. Nếu vốn có tuổi thọ là tám mươi, mà làm nhiều chuyện bất nghĩa, thương trời hại lý, tổn người lợi mình, thì sớm sẽ chết yểu.

Lúc tôi ở Chùa Tam Duyên tại Ðông Bắc Trung Quốc, thì một ngày nọ đi hóa duyên với Hoà Thượng trụ trì, đến ngôi làng nọ hóa duyên tại một gia đình họ Vương. Khi chúng tôi đi vào cửa, thì thấy chủ nhà đang quỳ ở trước cửa, bèn hỏi họ sao lại quỳ ở trước cửa thì họ nói : ‘’Vì con của tôi đang mắc chứng bện nặng, bệnh đã lâu mà thầy thuốc đều bó tay. Hôm nay nghe nói lão thiện nhân (người hiểu biết Phật pháp gọi lão Hòa Thượng là lão tu hành; người chẳng hiểu biết Phật pháp gọi là lão thiện nhân) đến hóa duyên, thỉnh lão thiện nhân từ bi, cứu mạng đứa con của tôi‘’!
Lúc đó, Hòa Thượng trụ trì quay đầu lại nói với tôi : ‘’Con nên tìm cách chữa trị xem‘’!
- Tôi nói : ‘’Con chẳng biết trị bệnh ! Có cách gì mà có thể nghĩ‘’?
- Lúc đó, hoà thượng trụ trì lại nói : ‘’Con ở tại Ðại Bá, chẳng phải là đã cứu chữa được một đức bé chăng‘’?
- Tôi nói với người chủ nhà rằng : ‘’Hãy mang nó ra, trước hết xem bệnh tình rồi mới nói.’’
Cha con quỳ ở dưới đất đảnh lễ. Tôi nhìn đứa bé chắc khoảng mười tuổi, có tướng mạo xuất gia. Tôi bèn nói với chủ nhà rằng : ‘’Sau khi con của ông lành bệnh rồi, phải nhất định phải cho nó đi xuất gia, mới không có nguy hiểm, ông đồng ý chăng‘’ ?
Chủ nhà lúc đó chẳng suy nghĩ nói : ‘’Ðương nhiên là được, chỉ cần con của tôi hết bệnh, thì điều kiện gì tôi cũng đồng ý.’’
Tôi lại nói với ông ta rằng : ‘’Bệnh con của ông chẳng cần chữa trị, cũng chẳng cần uống thuốc, nửa tháng sau chắc chắn sẽ hết.‘’ Quả nhiên, chẳng bao lâu đứa con chẳng uống thuốc mà khỏi bệnh.

Hơn một tháng sau, tôi đi qua thôn trang đó, chủ ý đi xem bệnh của đức bé đó như thế nào ? (Lúc đó tôi rất chú ý đứa bé đó, hy vọng nó được xuất gia tu hành). Biết được nó đã hoàn toàn bình phục.
- Tôi nói với cha của đứa bé rằng : ‘’Hãy mau cho nó đi xuất gia.’’
- Ông ta nói : ‘’Ðợi mấy ngày nữa xem tình hình thế nào.’’ Ðứa con lành bệnh rồi, ông ta xả bỏ chẳng đặng, đó là thường tình của con người.


Quá một tháng sau, tôi lại đi xem tình trạng của đứa bé thế nào, lần này tinh thần của đứa bé tốt hơn, vui vẻ nói chuyện với tôi. Tôi lại thúc giục cha của đứa bé, sớm cho đứa bé đi xuất gia, cha của đứa bé chẳng có biểu thị gì. Tôi nói với ông ta rằng : ‘’Nếu chẳng cho nó đi xuất gia, mà bệnh của con ông tái phát, thì lúc đó tôi không còn lo được nữa. Ông nên nghĩ cho thật kỹ, đến lúc đó hối hận cũng chẳng còn kịp nữa.’’ Ông ta cho rằng tôi uy hiếp, cho nên không lý tới, sau đó tôi đi đến nơi khác làm Phật sự.

Khoảng nửa năm sau, tôi lại đi qua thôn trang đó, nhưng lần này chẳng đi xem đứa bé, vì tôi đã biết bệnh của đứa bé lại tái phát nữa. Ðứa bé đó bệnh nằm trên giường, mà biết được tôi đi ngang qua thôn trang, bèn nói với cha rằng : ‘’Vừa rồi có người ở Chùa Tam Duyên vừa mới đi ngang qua thôn của mình, nhưng vị đó không đến thăm con, bệnh của con sẽ không khỏi được.’’ Người cha an ủi nói : ‘’Không sao, mai cha sẽ đến Chùa Tam Duyên thỉnh ông ta đến.’’
Ngày thứ hai, cha của cậu bé đến Chùa Tam Duyên, lúc đó tôi đi ra ngoài chẳng có ở chùa, ông ta nói chuyện với Hoà Thượng trụ trì vài câu rồi đi về nhà.
Ông ta vừa về đến nhà, thì đứa bé nói với ông ta rằng : ‘’Ba ba ! Ba ba ! Con cũng vừa theo ba đến Chùa Tam Duyên.’’
- Ông ta nghe nói rất ngạc nhiên hỏi : ‘’Sao ba không thấy con đi‘’ ?
- Ðứa bé cười nói : ‘’Ba chẳng nhìn thấy con, mà con nhìn thấy ba nói chuyện với Lão thiện nhân ở căn phòng đó, có người nào kế bên cạnh, đi qua đâu, lại có Ðiện vãng sanh và bài vị công đức.’’ Nói rất rõ ràng (đứa bé đó chưa bao giờ đến Chùa Tam Duyên), cha của đứa bé cảm thấy rất là kỳ lạ.

Về sau, tôi lại đi ngang qua thôn trang đó, đứa bé đó nói với ba của y rằng : Người ở Chùa Tam Duyên, hôm nay lại đi ngang qua thôn trang của chúng ta, nhưng không đến nhà mình, đại khái con không được xuất gia‘’ ! Vào tối hôm đó, đứa bé nói với ba của y rằng : ‘’Ba ba ! Hãy thắp đèn lên sớm một chút, nhìn con ngồi có ngay thẳng chăng ? ‘’Ba của đứa bé thắp đèn dầu lên xem, thì đứa bé ngồi kiết già ở trên giường mà vãng sinh.


Ðứa bé đó vốn được xuất gia, nhưng chẳng có ai dạy y đi xuất gia. Bệnh khỏi nhưng cha của cậu bé chẳng nỡ cho con đi xuất gia, kết quả cậu bé chết đi. Từ chỗ này mà nhìn lại, xuất gia hay không xuất gia chẳng nhất định. Tuy đứa bé đã chết nhiều năm, nhưng luôn luôn theo bên cạnh tôi. Lúc đứa bé còn sống, chẳng có duyên đi xuất gia, sau khi chết rồi vẫn biết tu hành. Cho nên vấn đề sanh tử chẳng dễ gì giải quyết được.
‘’Phật vì lợi ích hiện ra đời‘’. Phật vì lợi ích tất cả chúng sinh mới hiện ra thế gian, do đó: ‘’Ðảo giá từ thuyền’’, trở lại bằng con thuyền từ bi, đến thế giới Ta Bà để độ chúng sinh có duyên.
‘’Thanh Tịnh Quang Thần vào môn này.’’ Vị Chủ Thành Thần Tịnh Quang Minh Thân, vào được môn giải thoát này.
Như Lai tự tại chẳng bờ mé
Như mây khắp cùng trong thế gian
Cho đến trong mộng cũng điều phục
Môn này Hương Tràng quán sát thấy.


‘’Như Lai tự tại chẳng bờ mé‘’. Phật dùng thần thông tự tại diệu dụng để giáo hóa tất cả hữu tình, khắp cùng mười phương chúng sinh trong pháp giới, cho nên nói là chẳng bờ mé.
‘’Như mây khắp cùng trong thế gian‘’. Giống như mây ở trong hư không, khắp cùng trong thế gian.
‘’Cho đến trong mộng cũng điều phục‘’. Phật chẳng những giáo hóa lúc chúng sinh tỉnh táo, dù chúng sinh trong giấc mộng, cũng có thể điều phục, khiến cho họ phát tâm bồ đề.
‘’Môn này Hương Tràng quán sát thấy.’’ Cảnh giới này của Phật, vị Chủ Thành Thần Hương Tràng Trang Nghiêm quán sát thấy được.
Chúng sinh ngu tối như đui mù
Ðủ thứ chướng cái trói che đậy
Phật quang chiếu phá khai trí huệ
Bảo Phong Thần vào được môn này.


‘’Chúng sinh ngu tối như đui mù‘’. Sự ngu si đen tối của chúng sinh giống như người đui mù.
‘’Ðủ thứ chướng cái trói che đậy‘’. Sự ngu si của chúng sinh giống như con khỉ, chẳng có lúc nào an tĩnh, tay này cầm lên thì tay kia bỏ xuống, không việc tìm việc làm. Tuy chẳng nhàn rỗi, nhưng chẳng làm được việc gì tốt. Chúng sinh cũng như thế, thứ dục này buông bỏ thì cầm thứ dục kia lên, ví như có người buông bỏ tài vật, lại ôm cầm sắc dục, thậm chí danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ, đủ thứ tâm tham cũng sinh ra. Năm dục này tức là chướng cái, trói buộc che đậy, vì có đủ thứ chướng cái và che đậy trói buộc, cho nên chẳng đắc được giải thoát.
‘’Phật quang chiếu phá khai trí huệ‘’. Phật phóng đại trí huệ quang minh, chiếu phá sự ngu si của chúng sinh, đen tối cũng chiếu phá, khiến cho khắp hết thảy chúng sinh đều khai mở trí huệ.
‘’Bảo Phong Thần vào được môn này.’’ Cảnh giới này, vị Chủ Thành Thần Bảo Phong Quang Mục, thấu rõ mà vào được môn giải thoát này.
Lại nữa, Ðạo Tràng Thần Tịnh Trang Nghiêm Tràng, được môn giải thoát, xuất hiện cúng dường Phật rộng lớn, đồ trang nghiêm thệ nguyện lực.
Nghĩa lý của bộ Kinh Hoa Nghiêm này trùng trùng vô tận, cho nên nghĩa lý ở trên chưa nói hết, lại tiếp tục nói, cho nên nói là lại nữa.
Vị Ðạo Tràng Thần Tịnh Trang Nghiêm Tràng, Ngài vừa thanh tịnh vừa trang nghiêm, như là tràng báu. Ngài là thần hộ trì đạo tràng, tức là nơi nào giảng kinh thuyết pháp tu hành đều là đạo tràng. Ví như, tham thiền tức là đạo tràng tham thiền, niệm Phật là đạo tràng niệm Phật, học giáo lý là đạo tràng giảng giáo lý, trì Chú là đạo tràng trì Chú, trì giới là đạo tràng trì giới. Tóm lại, tu pháp môn gì thì là đạo tràng đó.


Chúng ta người tu đạo, trước hết phải có đạo tràng mới có thể tu được, phải có hộ pháp. Nếu chẳng có hộ pháp thì phải chịu mọi sự chướng ngại. Do đó, phải có thiện thần hộ trì đạo tràng, các Ngài đuổi hết bàng môn tả đạo và thiên ma ngoại đạo đi, chẳng để cho chúng nhiễu loạn người tu đạo.


Vị Ðạo Tràng Thần này, đắc được cảnh giới, biết Phật tu hạnh bồ đề trong quá khứ, tức là tu bố thí Ba la mật, trì giới Ba la mật, nhẫn nhục Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền định Ba la mật, Bát nhã Ba la mật. Khi tu sáu độ vạn hạnh này, thì hoan hỷ cúng dường tất cả chư Phật trong mười phương ba đời. Lại phát tâm rộng lớn để trang nghiêm tất cả đạo tràng, lại phát đại thệ nguyện lực, đại bồ đề tâm, để rộng độ tất cả chúng sinh, khiến cho họ đều thành Phật đạo, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Ðạo Tràng Thần Tu Di Bảo Quang, được môn giải thoát, hiện ở trước tất cả chúng sinh, để thành tựu hạnh bồ đề rộng lớn.
Vị Ðạo Tràng Thần Tu Di Bảo Quang, đắc được cảnh giới của Phật. Khi Phật ở tại nhân địa tu hành, thì phát đại nguyện muốn thành tựu hạnh bồ đề rộng lớn của chúng sinh, cho nên hiện ở trước tất cả chúng sinh, khiến cho họ từ bậc phàm phu tu thành bậc Thánh, Ngài đắc được môn giải thoát này.
Ðạo Tràng Thần Lôi Âm Tràng Tướng, được môn giải thoát, tùy tâm sở thích của tất cả chúng sinh, khiến cho họ thấy Phật ở trong mộng, để vì họ thuyết pháp.
Vị Ðạo Tràng Thần Lôi Âm Tràng Tướng, đắc được một cảnh giới của Phật, hay tùy thuận tâm sở thích của tất cả chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh ở trong mộng, thấy được Phật vì họ mà thuyết pháp, Ngài đắc được cảnh giới này.

Mộng có nhiều thứ, cảnh giới mà gặp ban ngày, ở trong mộng có thể hiện ra, đây là mộng hồi ý. Có khi cảnh giới chưa đến, song hiện ra trước ở trong mộng, về sau cảnh giới ở trong mộng mới hiện ra, đây là mộng thần thông. Một số cảnh giới mộng về ban ngày nghĩ gì, thì ban đêm sẽ nằm mộng, hoặc chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh. Ví như khí nóng nhiều thì mộng lửa, khí lạnh nhiều thì mộng nước, gió nhiều thì mộng bay .v.v...


Có mộng quá khứ, mộng hiện tại, mộng tương lai, những giấc mộng này là mộng chẳng thanh tịnh, cảnh mộng cũng chẳng rõ ràng. Nếu mộng thấy chư Phật, mộng thấy Bồ Tát, mộng thấy A La Hán, để vì bạn nói pháp, khiến cho bạn khai mở đại trí huệ, thì đây là mộng thanh tịnh, cảnh mộng rất rõ ràng, thậm chí có quang minh màu đỏ, hoặc quang minh màu vàng, đây là biểu hiện cảm ứng đạo giao. Nếu như kiền thành niệm, Phật thì nhất định sẽ mộng thấy thân Phật A Di Ðà, phóng kim quang để chiếu soi bạn.
Ðạo Tràng Thần Vũ Hoa Diệu Nhãn, được môn giải thoát, hay mưa xuống tất cả các báu vật trang nghiêm khó xả bỏ.
Vị Ðạo Tràng Thần Vũ Hoa Diệu Nhãn, đắc được cảnh giới hay đem báu vật hiếm có, bố thí cho tất cả chúng sinh. Ngài minh bạch đức Phật thuở quá khứ tu, ngoài thì xả bỏ đất nước vợ con, trong thì xả bỏ đầu mắt tuỷ não, cho nên, Ngài hay mưa xuống tất cả các báu vật trang nghiêm khó xả bỏ, Ngài đắc được cảnh giới nầy.
Ðạo Tràng Thần Thanh Tịnh Diễm Hình, được môn giải thoát, hay hiện đạo tràng vi diệu trang nghiêm, rộng độ chúng sinh, khiến cho họ thành thục.
Vị Ðạo Tràng Thần Thanh Tịnh Diễm Hình, đắc được cảnh giới, hiện ra khắp đạo tràng vi diệu trang nghiêm, để rộng độ giáo hoá tất cả chúng sinh, khiến cho họ đều thành thục Phật đạo, Ngài đắc được môn giải thoát nầy.
Ðạo Tràng Thần Hoa Anh Thuỳ Kế, được môn giải thoát, tuỳ thuận căn cơ thuyết pháp, khiến cho chúng sinh sinh chánh niệm.
Vị Ðạo Tràng Thần Hoa Anh Thuỳ Kế, được cảnh giới tuỳ thuận căn tính của chúng sinh để thuyết pháp, đối với người đại căn đại trí, thì nói pháp tối thượng thừa, người trung căn trung trí, thì nói pháp trung thừa, người tiểu căn tiểu trí, thì nói pháp tiểu thừa, khiến cho tất cả chúng sinh cải tà theo chánh, Ngài đắc được môn giải thoát nầy.
Tà niệm là gì? Tức là tham sân si, chấp vào tham sân si, hành tham sân si. Chánh niệm là gì? Tức là giới định huệ, siêng tu giới định huệ để diệt trừ tham sân si, như thế thì sẽ được giải thoát, khiến cho tất cả chúng sinh, đều tu theo pháp môn giới định huệ.
Ðạo Tràng Thần Vũ Bảo Trang Nghiêm, được môn giải thoát, hay dùng biện tài mưa xuống khắp vô biên pháp hoan hỉ.
Vị Ðạo Tràng Thần Vũ Bảo Trang Nghiêm, đắc được cảnh giới, mưa xuống khắp tất cả diệu pháp, để trang nghiêm hết thảy đạo tràng, hay dùng biện tài vô ngại để rưới xuống vô biên pháp hoan hỉ, khiến cho chúng sinh nghe pháp đều được hoan hỉ, Ngài đắc được cảnh giới nầy.
Ðạo Tràng Thần Dũng Mãnh Hương Nhãn, được môn giải thoát, rộng khen ngợi công đức của chư Phật.
Vị Ðạo Tràng Thần Dũng Mãnh Hương Nhãn, minh bạch được cảnh giới của Phật, hay rộng khen ngợi công đức của chư Phật, ở trong cõi nước của chư Phật, trong mười phương tận hư không khắp pháp giới, đều khen ngợi công đức của chư Phật rộng lớn chẳng có bờ mé, như hư không, Ngài đắc được môn giải thoát nầy.

Có người dùng kiến giải thế tục nói: "Chư Phật cũng hoan hỉ người khác khen ngợi, đây là biểu hiện hữu tình, cho nên nói chư Phật cũng có tình cảm". Phật giáo đồ nhận lầm mắt cá làm hạt châu cũng nói: "Phật tức là hữu tình, hữu tình tức là Phật". Vậy, có phải như thế chăng? Chẳng phải! Phật là Thánh nhân, không hoan hỉ chúng sinh tán thán công đức của Ngài, dù khen ngợi Ngài cũng chẳng hoan hỉ, phỉ báng Ngài cũng chẳng giận, khen chê đều chẳng lay động, thuận nghịch đều như như. Bất cứ gặp cảnh giới thuận, hoặc cảnh giới nghịch, cũng đều như như bất động, cho nên chiếu rõ thật tướng của các pháp.

Ðức Phật là bậc giác ngộ vĩ đại nhất trên thế giới, minh bạch tất cả đạo lý, do đó thường vắng lặng không động, giác chiếu thường minh. Chẳng giống như chúng ta chúng sinh có sự chấp trước, nói họ hai câu tốt, thì họ vui mừng như ăn đường, nói họ một câu không tốt, thì họ khổ còn hơn là ăn bòn hòn, thậm chí còn cay đắng hơn là ăn ớt. Ðó là tri kiến của chúng sinh.

Tại sao chúng ta phải khen ngợi Phật? Vì khen ngợi công đức của Phật, thì có thể tăng trưởng công đức của mình, hơn nữa khen ngợi Phật tức là khen mình, khen mình tức là khen Phật, cho nên phải khen ngợi Phật.
Có người đang nghĩ tưởng: "A! Vậy, ta tự khen mình là ‘thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn’, là người có trí huệ nhất trên thế gian". Nếu bạn có đại trí huệ chân chánh, thì có thể tự khen mình, song nếu chỉ nghĩ hồ đồ hư danh thì vô dụng, phải có công phu chân thật, thì mới có thể bách chiến bách thắng, chẳng có công phu chân thật, thì nhất định bách chiến bách bại.
Phật làm thế nào mà được thành Phật? Là rộng khen ngợi công đức của chư Phật, chẳng riêng gì khen ngợi công đức của chư Phật quá khứ, mà cũng khen ngợi công đức của chư Phật hiện tại, và chư Phật vị lai, đều khen ngợi công đức của chư Phật ba đời, thì sau đó mình cũng thành Phật.
Ðạo Tràng Thần Kim Cang Thải Vân, được môn giải thoát, thị hiện vô biên cây sắc tướng, để trang nghiêm đạo tràng.
Vị Ðạo Tràng Thần Kim Cang Thải Vân, đắc được cảnh giới của Phật, ở tại Bồ đề đạo tràng, thị hiện vô lượng vô biên cây tốt đẹp trang nghiêm, để trang nghiêm đạo tràng, khiến cho chúng sinh thấy cảnh tượng bảy hàng cây, mà phát tâm vô thượng bồ đề, đắc được vô thượng đạo, Ngài đắc được môn giải thoát nầy.
Ðạo Tràng Thần Liên Hoa Quang Minh, được môn giải thoát, dưới cội bồ đề tĩnh lặng không động, mà sung mãn khắp mười phương.
Vị Ðạo Tràng Thần Liên Hoa Quang Minh, đắc được cảnh giới của Phật, ngồi dưới cội bồ đề tĩnh lặng không động. Tuy nhập định, nhưng quang minh vẫn sung mãn khắp mười phương pháp giới, Ngài dùng quang minh để giáo hoá tất cả chúng sinh, Ngài đắc được môn giải thoát nầy.
Ðạo Tràng Thần Diệu Quang Chiếu Diệu, được môn giải thoát, hiển bày đủ thứ lực của Như Lai.
Vị Ðạo Tràng Thần Diệu Quang Chiếu Diệu, đắc được đủ thứ lực của Như Lai. Tuy Như Lai có mười lực, song, nếu nói ra tỉ mỉ thì Như Lai có trăm lực, ngàn lực, vạn lực, vô lượng lực, Ngài đắc được môn giải thoát nầy.
Bấy giờ, Ðạo Tràng Thần Tịnh Trang Nghiêm Tràng, nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp tất cả chúng Ðạo Tràng Thần, mà nói bài kệ rằng.
Lúc đó, vị Ðạo Tràng Thần Tịnh Trang Nghiêm Tràng, nương sức đại oai thần của Phật, quán sát khắp tất cả chúng Thần ở trong đạo tràng, mà dùng kệ để khen ngợi công đức của Phật.
Tôi nhớ Như Lai thuở xa xưa
Trong vô lượng kiếp siêng tu hành
Chư Phật ra đời đều cúng dường
Nên được công đức như hư không.

"Tôi nhớ Như Lai thuở xa xưa". Vị Ðạo Tràng Thần Tịnh Trang Nghiêm Tràng nói: "Tôi nhớ lại khi Phật ở trong vô lượng kiếp về trước, tu hành vô lượng hạnh môn".
"Trong vô lượng kiếp siêng tu hành". Khi Phật ở tại nhân địa, thì trải qua thời gian vô lượng kiếp, tu hành pháp môn rộng lớn cúng dường chư Phật, tức là hạnh môn "Rộng tu cúng dường", trong mười đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền.
"Chư Phật ra đời đều cúng dường". Khi Phật Thích Ca Mâu Ni tại nhân địa tu hành, thì thảy đều cúng dường mười phương chư Phật. Mỗi vị Phật xuất hiện ra đời, Ngài đều cúng dường vị Phật đó.
"Nên được công đức như hư không". Cho nên, mới được công đức lớn, bất khả thuyết bất khả thuyết, vô lượng vô biên, như tận hư không khắp pháp giới.
Xưa Phật tu hành vô tận thí
Ðồng số hạt bụi vô lượng cõi
Tu Di Quang Chiếu Bồ Ðề Thần
Nhớ nghĩ Thiện Thệ tâm hoan hỉ.

"Xưa Phật tu hành vô tận thí". Thuở xưa Phật tu hành pháp môn bố thí, thậm chí đất nước vợ con, đầu mắt tuỷ não, thảy đều bố thí cho chúng sinh, cho nên nói tu hành vô tận thí.
"Ðồng số hạt bụi vô lượng cõi". Phật tu vô tận thí, nhiều như số hạt bụi trong vô lượng cõi.
"Tu Di Quang Chiếu Bồ Ðề Thần". Vị Ðạo Tràng Thần Tu Di Quang Chiếu minh bạch cảnh giới nầy.
"Nhớ nghĩ Thiện Thệ tâm hoan hỉ". Vị Ðạo Tràng Thần nầy nói : "Hiện tại, tôi nghĩ nhớ lại thuở xưa hạnh môn của Phật tu, trong tâm rất hoan hỉ vô cùng, nguyện sẽ tu tập pháp môn nầy.
Sắc tướng Như Lai không cùng tận
Biến hoá lưu khắp tất cả cõi
Cho đến trong mộng thường thị hiện
Lôi Tràng thấy được sinh hoan hỉ.

"Sắc tướng Như Lai không cùng tận". Thanh tịnh pháp thân, trang nghiêm báo thân, thiên bách ức hoá thân, đủ thứ sắc thân của Phật đều không cùng tận.
"Biến hoá lưu khắp tất cả cõi". Thần thông biến hoá của Phật diệu không thể tả, giống như nước chảy khắp mọi nơi, chu biến khắp cùng các cõi, để giáo hoá tất cả chúng sinh.
"Cho đến trong mộng thường thị hiện". Chẳng những chúng sinh lúc tỉnh táo, Phật đều giáo hoá cứu độ tất cả chúng sinh, mà cho đến ở trong mộng của chúng sinh, Phật cũng thị hiện để giáo hoá họ, khiến cho chúng sinh phát bồ đề tâm, hành Bồ Tát đạo, cầu vô thượng đạo, chứng quả vô thượng.
"Lôi Tràng thấy được sinh hoan hỉ". Vị Ðạo Tràng Thần Lôi Âm Tràng Tướng, thấy được cảnh giới nầy, trong tâm rất hoan hỉ, không cách chi hình dung được sự vui mừng ở trong nội tâm.
Xưa tu hạnh xả vô lượng kiếp
Xả mắt khó xả nhiều như biển
Hạnh xả như thế vì chúng sinh
Diệu Nhãn Thần ngộ được môn nầy.

"Xưa tu hạnh xả vô lượng kiếp". Thuở xưa, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tu hành hạnh môn xả bỏ, trải qua vô lượng vô biên biển kiếp.
"Xả mắt khó xả nhiều như biển". Phật xả bỏ được những gì người khác không xả bỏ được, chỉ nội con mắt mà Ngài xả bỏ nhiều như biển. Con mắt là vật người không xả bỏ được, mà Phật xả bỏ được, chẳng những xả bỏ một, mà là xả bỏ con mắt nhiều như biển, hạnh xả bỏ nầy thật là vĩ đại.
"Hạnh xả như thế vì chúng sinh". Hạnh môn bố thí như thế, chẳng phải vì mình, mà là vì tất cả chúng sinh, khiến cho chúng sinh đắc được trí huệ quang minh. Phật giống như đèn cầy, hy sinh chính mình mà chiếu sáng thế gian.
"Diệu Nhãn Thần ngộ được môn nầy". Vị Ðạo Tràng Thần Vũ Hoa Diệu Nhãn, lãnh ngộ được cảnh giới nầy, mà sinh vui thích.
Vô biên sắc tướng mây báu đẹp
Hiện bồ đề tràng khắp thế gian
Ðạo Tràng Thần Diễm Hình Thanh Tịnh
Thấy Phật tự tại sinh hoan hỉ.

"Vô biên sắc tướng mây báu đẹp". Phật có vô lượng vô biên sắc tướng trang nghiêm như mây báu đẹp. Ngài du hoá trong vô lượng vô biên cõi nước, để giáo hoá chúng sinh, khiến cho chúng sinh đắc được trí huệ quang minh, mà chấm dứt sinh tử, đạt đến cứu kính Niết Bàn.
"Hiện bồ đề tràng khắp thế gian". Thị hiện khắp bồ đề đạo tràng, khắp hết thảy tất cả thế gian.
"Ðạo Tràng Thần Diễm Hình Thanh Tịnh". Vị Ðạo Tràng Thần Diễm Hình Thanh Tịnh, thấy được cảnh giới nầy.
"Thấy Phật tự tại sinh hoan hỉ". Thấy được Phật có cảnh giới, biến hoá tự tại thần thông diệu dụng không thể nghĩ bàn nầy, nên tâm sinh hoan hỉ mà vui mừng.
Chúng sinh biển hạnh chẳng bờ mé
Phật tiêu diệt khắp rưới mưa pháp
Tuỳ căn tánh họ trừ nghi hoặc
Hoa Anh ngộ được tâm hoan hỉ.

"Chúng sinh biển hạnh chẳng bờ mé". Chúng sinh tạo nghiệp và thọ quả báo, như biển cả chẳng có bờ mé.
"Phật tiêu diệt khắp rưới mưa pháp". Phật khiến cho hết thảy chúng sinh, tiêu trừ sạch tất cả nghiệp chướng, để giáo hoá họ, khiến cho họ đắc được mưa pháp, thấm nhuần căn lành, khiến cho tăng trưởng, khiến cho thành thục, khiến cho họ được giải thoát.
"Tuỳ căn tánh họ trừ nghi hoặc". Tuỳ theo căn tánh của chúng sinh, để giải trừ nghi hoặc của chúng sinh, tức là : Kiến, tư hoặc (hoặc về sự thấy và nghĩ), trần sa hoặc, vô minh hoặc. Tứ quả A la hán đã đoạn trừ được kiến tư hoặc, Bồ Tát đã đoạn trừ trần sa hoặc, Phật đã hoàn toàn đoạn trừ vô minh hoặc.
"Hoa Anh ngộ được tâm hoan hỉ". Vị Ðạo Tràng Thần Hoa Anh Thuỳ Kế, minh bạch được đạo lý nầy, tâm sinh đại hoan hỉ.
Vô lượng pháp môn nghĩa khác nhau
Biện tài như biển đều vào được
Ðạo Tràng Thần Vũ Bảo Nghiêm Cụ
Trong mỗi tâm niệm luôn như thế.

"Vô lượng pháp môn nghĩa khác nhau". Vì pháp môn vô lượng, nên nghĩa lý cũng vô lượng. Nghĩa lý vô lượng thì có rất nhiều sự khác nhau.
"Biện tài như biển đều vào được". Tất cả pháp môn và diệu nghĩa của các pháp, cần có đầy đủ biện tài như biển cả, mới vào được tất cả pháp môn, hiểu rõ nghĩa chân thật của các pháp.
"Ðạo Tràng Thần Vũ Bảo Nghiêm Cụ". Vị Ðạo Tràng Thần Vũ Bảo Nghiêm Cụ, minh bạch được cảnh giới nầy.
"Trong mỗi tâm niệm luôn như thế". Ở trong tâm niệm của Ngài, niệm niệm luôn luôn không quên môn giải thoát nầy.
Trong bất khả thuyết tất cả cõi
Dùng hết lời lẽ khen ngợi Phật
Nên được tiếng khen đại công đức
Dũng Nhãn Thần nghĩ nhớ môn nầy.

"Trong bất khả thuyết tất cả cõi". Vì cõi nước nhiều giống như bụi, cho nên gọi là bất khả thuyết bất khả thuyết tất cả cõi.
"Dùng hết lời lẽ khen ngợi Phật". Khi Phật ở tại nhân địa, thì trong bất khả thuyết cõi, Phật dùng hết thảy lời lẽ thế gian để khen ngợi chư Phật, tức cũng là dùng đủ thứ ngôn ngữ, để khen ngợi công đức của chư Phật.
"Nên được tiếng khen đại công đức". Vì thuở xưa tại nhân địa khen ngợi chư Phật, cho nên tại quả địa được tiếng khen tốt đẹp nhất, và công đức lớn nhất.
"Dũng Nhãn Thần nghĩ nhớ môn nầy". Vị Ðạo Tràng Thần Dũng Mãnh Hương Nhãn, nghĩ nhớ lại môn giải thoát nầy.
Ðủ thứ cây sắc tướng vô biên
Hiện khắp dưới cội bồ đề vương
Kim Cang
Thải Vân ngộ môn nầy
Thường quán đạo thụ sinh hoan hỉ.

"Ðủ thứ cây sắc tướng vô biên". Trong Bồ đề đạo tràng, có đủ thứ cây vô biên sắc đẹp trang nghiêm.
"Hiện khắp dưới cội bồ đề vương". Loại cây vô biên sắc tướng nầy, hiện khắp ở dưới cội bồ đề vương.
"Kim Cang Thải Vân ngộ môn nầy". Vị Ðạo Tràng Kim Cang Thải Vân, minh bạch được môn giải thoát nầy.
"Thường quán đạo thụ sinh hoan hỉ". Ngài thường quán xem sắc tướng cây thụ vương, mà sinh tâm hoan hỉ.
Mười phương bờ mé bất khả đắc
Phật ngồi đạo tràng trí cũng vậy
Liên Hoa Bộ Quang tịnh tín tâm
Vào giải thoát này rất vui mừng.

"Mười phương bờ mé bất khả đắc". Bờ mé mười phương không cách chi lường được, chẳng biết cứu kính lớn cỡ nào? Ðó mới là không thể nghĩ bàn.
"Phật ngồi đạo tràng trí cũng vậy". Phật ngồi đạo tràng trí huệ cũng như thế, chẳng có bờ mé.
"Liên Hoa Bộ Quang tịnh tín tâm". Vị Ðạo Tràng Thần Liên Hoa Bộ Quang, thấy được cảnh giới nầy, minh bạch được pháp môn nầy, bèn sinh tín tâm thanh tịnh.
"Vào giải thoát nầy rất vui mừng". Ngài vào môn giải thoát nầy, trong tâm rất hoan hỉ vui mừng.
Tất cả đạo tràng vang diệu âm
Khen Phật sức thanh tịnh khó nghĩ
Và còn thành tựu các nhân hạnh
Ðây Diệu Quang Thần nghe thọ được.

"Tất cả đạo tràng vang diệu âm". Tất cả đạo tràng đều diễn xướng pháp âm vi diệu.
"Khen Phật sức thanh tịnh khó nghĩ ". Khen ngợi sức thanh tịnh của Phật không thể nghĩ bàn.
"Và còn thành tựu các nhân hạnh". Và còn thành tựu tất cả nhân địa hạnh môn của chúng sinh, cũng thành tựu nhân địa hạnh môn của chính mình.
"Ðây Diệu Quang Thần nghe thọ được". Vị Ðạo Tràng Thần Diệu Quang Chiếu Diệu, nghe được diệu âm nầy, mà thọ được pháp ích, y theo pháp mà tu hành.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.24/4/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment