Thích Ca Như Lai thuyết pháp trong bốn mươi chín năm, đàm kinh hơn ba trăm hội, quy nhiếp tại ba tạng, mười hai bộ. Ba tạng tức là tạng kinh, tạng luật, tạng luận. Toàn bộ ba tạng không ngoài ba học, giới định huệ. Tạng kinh thâu nhiếp định học. Tạng luật thâu nhiếp giới học. Tạng luận thâu nhiếp huệ học. Nói chung, hai chữ nhân quả bao gồm tất cả lời thuyết pháp của Phật. Tất cả phàm thánh, thế gian, xuất thế gian, đều không vượt ngoài hai chữ nhân quả. Nhân tức là nhân duyên. Quả tức là quả báo.
Ví như trồng lúa, lấy hạt lúa làm nhân, rồi nhờ ánh sáng, gió mưa làm duyên. Khi hạt lúa chín mùi thì gặt hái lúa, tức là quả. Nếu không nhân duyên, quyết chẳng thể kết quả. Sở dĩ thành thánh hiền, vì các Ngài minh nhân thức quả. Minh tức là liễu giải được nghĩa. Thức tức là hiểu rõ được nghĩa. Phàm phu sợ quả. Bồ Tát sợ nhân. Phàm phu chỉ sợ quả ác, mà nào biết đến quả ác phát khởi từ nhân xấu. Bình thường, tự ý làm những việc hàm hồ ngu xuẩn; mưu đồ hưởng sung sướng trong nhất thời, mà quên rằng sung sướng vốn là nhân khổ.
Bồ Tát chẳng như thế. Bình thường, nhất cử nhất động, hộ trì thân tâm cẩn trọng, và luôn lấy việc giữ giới làm đầu, nên chẳng gieo nhân xấu, thì làm sao quả ác đến? Bị quả ác trói buộc, do vì đã trồng nhân xấu bao đời xa xưa. Trước kia đã từng trồng nhân nào, thì ngày nay khó mà trốn chạy quả báo đó. Khi cảm thọ quả báo, phải an nhiên lãnh thọ, chẳng nên lui sụt sợ hãi. Đấy mới gọi là minh nhân thức quả.
Ví như pháp sư An Thế Cao thuở xưa, nhờ bao kiếp tu trì, nên được thọ sanh làm thái tử nước An Tức. Khi ấy, Thái Tử xả bỏ năm dục, xuất gia tu đạo, đắc được túc mạng thông, biết đời trước đã từng thiếu nợ mạng người. Chủ nhân lúc ấy đang ở tại nước Tàu. Do đó, Ngài đi thuyền qua Tàu. Đến Lạc Dương, Ngài đi qua một cánh đồng hoang vắng. Bỗng nhiên, từ đâu chạy đến, một thiếu niên tay cầm thanh kiếm, xa thấy Ngài, nổi giận đùng đùng, hung khí đằng đằng. Khi chạy tới, chưa kịp nói lời gì, liền vung kiếm chém Ngài. Sau khi chết, thần thức của Ngài vẫn trở lại đầu thai làm Thái Tử nước An Tức. Lúc trưởng thành, cũng phát tâm xuất gia, vẫn đạt được túc mạng thông, và biết đời này lại phải đền thêm một mạng người nữa. Chủ nhân vẫn ở tại Lạc Dương. Vì vậy, Ngài đi qua Tàu một lần nữa, rồi đến thẳng nhà người vừa giết mình trong đời tiền kiếp. Đến nơi, Ngài xin tá túc qua đêm. Được tiếp đãi cơm nước xong, Ngài hỏi chủ nhân:
- Ông có nhận ra tôi không?
Chủ nhân đáp:
- Không.
- Tôi là vị tăng mà ông đã giết tại một cánh đồng vắng, vào ngày ấy, tháng ấy, năm ấy.
Chủ nhân kinh hoàng sợ sệt, vì việc này không có người thứ ba nào biết đến. Ông nghĩ rằng vị tăng này chắc là hồn ma thuở xưa, nay trở lại đòi mạng. Do đó, ông ta vụt muốn bỏ chạy. Ngài bảo:
- Chớ sợ! Tôi chẳng phải là quỶ ma đến đòi mạng đâu! Ngày mai, tôi cũng sẽ bị người khác giết chết, để đền sanh mạng trong đời tiền kiếp. Vì thế tôi mới đến đây. Nhờ ông làm nhân chứng, chuyển lời di chúc của tôi lại cho quan quân địa phương, bảo rằng tự tôi đến đây để đền mạng, chớ trị tội kẻ giết lầm tôi.
Nói xong, Ngài liền đi ngủ. Hôm sau, Ngài đi ra đường phố, gặp một người nông phu, đang gánh củi. Lúc Ngài đi gần tới ông ta, đột nhiên gánh củi ở phía trước rớt xuống đất, nên cây đòn gánh vụt đánh bật trở lại đằng sau, đập trúng vào đầu Ngài, khiến Ngài chết ngay lập tức. Người nông dân bị dẫn đến quan trường xét xử. Chất vấn xong, quan tuyên bố là ông nông dân phạm tội cố sát. Ông chủ nhân giết Ngài đời trước, thấy lời Ngài dặn dò đêm hôm qua thật rất tương hợp với sự tình, nên trần thuật và trình di chúc của Ngài lên quan xét xử. Quan nghe xong, tin tưởng nhân quả chẳng sai chạy, nên tha tội ngộ sát cho ông nông dân. Khi bị đòn gánh đánh chết, thần hồn Ngài vẫn bay trở lại, đầu thai làm Thái Tử nước An Tức. Lớn lên, cũng xuất gia tu hành, tức là pháp sư An Thế Cao.
Tuy là thánh hiền, nhưng chẳng lầm nhân quả. Đã từng trồng nhân xấu thì phải cảm thọ quả ác. Nếu hiểu rõ nghĩa này, thì những cảnh thuận nghịch, vui buồn, khổ nhọc, sung sướng, cùng mọi cảnh giới hằng ngày, đều do nhân xưa tạo ra. Ngay nơi những cảnh giới này, chớ sanh tâm vọng tưởng thương ghét oán trách, thì tự nhiên sẽ xả bỏ được tất cả, khiến chuyên tâm vào đạo. Những thói quen tật xấu, vô minh, cống cao ngã mạn, đều không thể làm chướng ngại, thì tự nhiên dễ dàng nhập đạo.
Người xưa xem sanh tử là việc lớn, nên không quản khổ nhọc, bôn ba trèo non lội suối, vượt núi băng sông, để tầm sư học đạo. Chúng ta từ đời vô thủy đến nay, bị bao vọng tưởng che lấp, trần lao trói buộc, quên mất bản lai diện mục của mình. Ví như tấm kiếng, vốn tự chiếu soi khắp cả trời đất, nhưng vì bị bụi bặm trần cấu bám vào, khiến nó không thể chiếu sáng. Chúng ta chỉ việc dùng công phu lau chùi, thì tự tánh chiếu soi xưa kia, tự nhiên hiển hiện. Tâm tánh của chúng ta cũng như thế. Trên đồng với chư Phật không hai không khác, không thiếu không thừa. Song, tại sao chư Phật đã thành Phật rồi, mà chúng ta vẫn còn làm phàm phu, nằm trong biển khổ sanh tử? Chỉ vì tâm tánh của chúng ta, bị bao tập khí vô minh phiền não che lấp, nên tâm tánh này tuy cùng Phật không khác, nhưng không thể dùng được.
Ngày nay, chúng ta đã xuất gia, đồng là con Phật, thì phải cố gắng minh tâm kiến tánh, xoay về cội nguồn, chẳng ngại khổ nhọc, vận dụng công phu. Người xưa chịu muôn ngàn khổ nhọc, tham tầm thiện tri thức, chỉ vì muốn hiểu rõ chính mình. Hiện tại là đời mạt pháp, thời thánh giáo đã qua, Phật pháp ngày càng suy vi, người nhiều biếng nhác, nên chẳng có thể cắt đứt dòng sanh tử. Ngày nay đã biết tự tâm tương đồng với chư Phật, phải nên phát tâm tu hành dài lâu, tâm kiên cố, tâm dũng mãnh, tâm hổ thẹn. Từ sáng đến tối, trong mười hai thời, như mài như giũa, như cạo như chùi, nỗ lực tinh tấn, dụng công tu đạo, chớ để thời gian trôi qua vô ích.
Cổ nhân nói:
- Luận việc thành đạo rất dễ, nhưng muốn trừ vọng tưởng lại rất khó.
Đạo là lý. Lý là tâm. Tâm, Phật, chúng sanh, tuy là ba, nhưng nào có sai khác! Người người vốn có đầy đủ; ai ai cũng sẽ viên thành quả vị Phật. Tâm tánh đó, tại Thánh không tăng, tại phàm chẳng giảm. Nếu ai hiểu được tâm này thì đại địa không còn một tấc đất. Mọi pháp thế gian cùng xuất thế gian, phàm phu thánh hiền, đều vốn không thật, sao lại có sanh tử? Vì thế, bảo:
- Luận bàn thành Phật rất dễ.
Tâm thể này tuy sáng soi vi diệu, nhưng bị bao loại vọng tưởng che lấp, ánh sáng không cách chi hiển hiện, nên muốn trừ vọng tưởng thật không dễ dàng.
Vọng tưởng có hai loại: Thô kệch và vi tế. Lại nữa, tâm có vọng tưởng hữu lậu và vô lậu. Vọng tưởng hữu lậu khiến chúng ta cảm thọ quả báo khổ nhọc hay sung sướng ở cõi trời và người. Vọng tưởng vô lậu khiến chúng ta có khả năng thành Phật làm Tổ, thoát khỏi sanh tử, xuất ra ba cõi. Vọng tưởng thô kệch khiến lãnh thọ quả báo xấu, đọa vào ba đường khổ địa ngục, ngạ quỶ, súc sanh. Vọng tưởng vi tế khiến tạo bao việc lành thiện như niệm Phật, tham thiền, tụng kinh, trì chú, lễ bái, hộ trì giới luật, v.v... Vọng tưởng thô tương ưng cùng nghiệp xấu, tức khởi mười điều ác. Ý khởi tham lam, sân hận, si mê. Miệng nói láo, nói lời thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói lời ác độc. Thân tạo nghiệp giết hại, ăn cắp, tà dâm. Đây là mười việc ác do thân miệng ý tạo ra. Trong đó, phân biệt tùy theo cấp bậc nặng nhẹ. Tạo nghiệp thượng phẩm của mười điều ác thì đọa địa ngục. Trung phẩm thì đọa ngạ quỶ. Hạ phẩm thì làm súc sanh. Tổng quát, cho dầu vọng tưởng thô hay vi tế, tất cả đều phát khởi từ một tâm niệm. Mười pháp giới cũng từ tâm niệm này phát sanh, nên bảo rằng tất cả đều do tâm tạo.
Cội gốc bổn địa phong quang của chúng ta, vốn không mang một sợi tơ trói buộc, và chẳng bị phiền trược trần lao làm ô nhiễm, chỉ bất đắc dĩ mới gọi là vọng tưởng thô. Khi chúng diệt thì còn vọng tưởng vi tế. Lúc đó, mạng căn vẫn chưa đoạn. Hiện tại, muốn trừ vọng tưởng, phải nương theo một câu thoại đầu hay chú tâm vào một tiếng niệm Phật, để đập ngói cửa thành quân địch; đem vọng tưởng vi tế để hàng phục vọng tưởng thô, tức là lấy độc trị độc. Hàng phục vọng tưởng thô rồi, chỉ còn lại vọng tưởng vi tế. Lúc ấy mới tương ưng cùng đạo. Tiếp tục mài giũa, công phu lâu ngày được thuần thục, thì vọng tưởng vi tế cũng không còn.
Biết vọng tưởng không tốt, nên phải đoạn trừ chúng. Song, biết mà lại cố phạm, vẫn khởi bao vọng tưởng, chạy đuổi lưu chuyển theo tập khí. Gặp nghịch cảnh vẫn khởi vô minh, làm biếng giải đãi, cầu danh lợi, nghĩ ngợi việc dâm dục v.v... Tuy biết chúng chẳng tốt lành, mà không thể xả bỏ được. Vì sao? Do từ đời vô thủy đến nay, huân tập khí nhiễm ô thâm sâu, nên trở thành thói quen tập quán. Như chó thích ăn phẩn, tuy cho thức ăn ngon, nhưng khi nghe mùi phẩn, nó vẫn chạy đến. Đây là tập quán trở thành tánh khí. Có một câu chuyện, miêu tả cách diệt trừ vọng tưởng của người xưa.
Thiền sư Pháp Đường, núi Đại Mai, đến tham vấn Mã Tổ, hỏi:
- Thế nào là Phật?
Mã Tổ bảo:
- Tâm tức là Phật.
Thiền sư bèn đại ngộ, rồi lên núi Đại Mai, kết am ẩn tu. Mã Tổ nghe tin, bảo tăng đến đó hỏi nguyên do. Thiền sư đáp:
- Mã Tổ dạy tôi rằng tâm tức là Phật, nên mới trụ nơi đây tu hành.
Tăng bảo:
- Gần đây Mã Tổ dạy Phật pháp có khác đôi chút.
- Khác như thế nào?
- Phi tâm, phi Phật.
- Lão già làm mê hoặc người chẳng có ngày nào thôi. Mặc tình lão phi tâm phi Phật, tôi chỉ biết tâm tức là Phật.
Tăng trở về thuật lại. Mã Tổ bảo:
- Trái mai đã chín.
Những hành động của chư Tổ Sư, đều đánh thẳng vào tâm người, khiến họ đoạn trừ vọng tưởng. Chúng ta là người xuất gia, hành cước tham học, chưa đoạn sanh tử, phải sanh tâm hổ thẹn sâu xa, cùng phát tâm đại dũng mãnh, chớ để tập khí xoay chuyển.
"Giả sử có vòng lửa sắt, cháy rực trên đầu, quyết không vì khổ này mà thối thất tâm Bồ Đề".
Bồ Đề tức là giác. Giác tức là đạo. Đạo tức là diệu tâm. Tâm này xưa nay vốn viên mãn tròn đầy, chẳng hề khiếm khuyết. Nay muốn tìm về tự tánh, phải tự phát tâm, hướng vào tự tánh mà tầm cầu. Ngược lại, ngay cả Phật Thích Ca xuất thế, e rằng cũng không giúp được gì!
Trong mười hai thời, chớ phân biệt động tịnh, đi đứng nằm ngồi. Nếu sống lại với thể tướng như như của chân tâm mà không khởi vọng tưởng, thì lo gì chẳng đoạn sanh tử? Nếu không như thế thì luôn luôn bận bịu, từ sáng đến tối, từ sanh đến tử, chỉ lãng phí thời gian. Một đời tu hành khổ cực, mà không được lợi ích gì. Ngày ba mươi tháng chạp đến, khát nước mới đào giếng, thì ra tay sao kịp; dẫu có hối hận nhưng đã quá muộn! Đây là những lời tha thiết của tôi. Hy vọng mọi người hãy tự dụng tâm lãnh hội.
Kinh Lăng Nghiêm nói: "Nếu chuyển được vật, tức đồng Như Lai".
Chư Thánh Hiền luôn chuyển được vật, chứ không bị vật chuyển, nên tùy tâm tự tại, nơi nơi đều sống với tâm chân như. Phàm phu chúng ta vì vọng tưởng chướng ngăn, nên bị muôn vật xoay chuyển. Ví như gió đông thổi đến những đầu ngọn cỏ thì chúng ngã về hướng tây, hay gió tây thổi đến thì chúng ngã về hướng đông; nghĩa là tự chúng không có thể làm chủ được. Có người cả ngày lo lắng bận rộn, tán tâm phóng dật, ý chẳng trụ nơi đạo; tuy dụng công phu, mà lúc có lúc không, đứt đoạn không liên tục, lại thường trụ nơi vui buồn thương ghét, bụng nhét đầy phiền não thị phi. Mắt thấy sắc tướng, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi thơm, lưỡi nếm vị ngon, thân cảm giác xúc chạm, ý phân biệt các pháp. Sáu căn đối với sáu trần, không có giác chiếu. Tùy theo màu sắc, xanh đỏ trắng vàng, già trẻ, nam nữ, mà tâm niệm xoay chuyển cuồng loạn. Lúc hợp ý thì sanh tâm tham đắm, ái nhiễm mến trước. Khi nghịch ý thì khởi phiền não, giận hờn, oán trách. Luôn luôn khởi vọng tưởng. Nơi vọng tưởng vi tế còn có thể dụng công tu đạo, làm việc lành thiện. Nơi vọng tưởng thô lại khởi bao loại vọng niệm bất chánh tà vạy; bụng chứa đầy cấu uế,
tệ hại cả bảy tám phần, không thể diễn tả hết.
Thiền sư Bạch Vân Đoan bảo:
- "Nếu năng chuyển vật tức Như Lai
- Xuân ấm áp, hoa núi nở rộ
- Tự có đôi tay, cùng tương thủ
- Chưa từng dễ dàng, vũ tam đài".
Kinh Kim Cang nói: "Phải nên hàng phục tâm như thế".
Nhà Nho cũng có câu:
- Tâm không ở đây. Gần mà không thấy. Có tiếng mà chẳng nghe. Ăn mà chẳng biết mùi vị.
Nhà Nho còn biết việc chẳng để vật chuyển. Phật tử chúng ta sao lại không nhớ đến nổi khổ sanh tử, như lửa cháy trên đầu? Nếu xả được thân tâm, tinh tấn cầu đạo, tự rèn luyện kiểm nghiệm, mài dũa trong động, từ từ dụng tâm không để vật chuyển, thì công phu mới có phần vững vàng.
Dụng công không nhất định phải ở trong yên tĩnh. Nơi động mà không bị động, mới là công phu chân thật.
Năm đầu nhà Minh, ở Đàm Châu tỉnh Hồ Nam, có ông Hoàng Thiếc Tượng, dùng nghề rèn làm sinh sống, nên người đương thời gọi là Hoàng Đả Thiếc. Lúc ấy, Chu Nguyên Chương đang khởi binh lật đổ nhà Nguyên, nên rất cần nhiều binh khí. Hoàng Đả Thiếc phụng mạng triều đình, ngày đêm gấp rút rèn binh khí không ngừng nghỉ. Ngày nọ, một vị tăng đi ngang qua nhà, được ông ta cúng dường thức ăn. Ăn xong, vị tăng bảo:
- Nay thọ nhận thức ăn bố thí, không có gì đền đáp, nhưng sẽ tặng thí chủ một câu kệ.
Họ Hoàng liền thỉnh tăng thuyết pháp. Tăng hỏi:
- Sao thí chủ không chịu tu hành?
Họ Hoàng thưa:
- Tu tuy là việc tốt, nhưng cả ngày bị bận rộn, làm sao hành được?
- Có pháp môn niệm Phật, tuy bận rộn, nhưng vẫn tu hành được. Khi đập một thanh sắt, thí chủ nên niệm Phật một câu. Thổi một hơi, cũng nên niệm Phật. Cứ niệm 'Nam mô A Di Đà Phật' trường kỳ như thế, thì lúc lâm chung, chắc chắn sẽ được vãng sanh cõi Tây Phương Cực Lạc.
Hoàng Đả Thiếc y theo lời dạy của vị tăng đó, vừa đập một thanh sắt, vừa niệm Phật. Cả ngày vỗ đập thui rèn sắc thiếc, và cả ngày niệm Phật, không cảm thấy mệt nhọc, lại còn cảm giác khinh an tự tại. Công phu ngày ngày thâm sâu, nên từ từ ngộ nhập, không niệm mà vẫn niệm. Khi sắp lâm chung, biết rõ giờ giấc, rồi từ tạ thân bằng quyến thuộc, tự bảo sẽ vãng sanh qua cõi Tây Phương. Thời điểm đến, sắp đặt giao phó công việc trong nhà, rồi tắm rửa, thay đổi y phục. Xong xuôi, ông tới ngồi bên lò rèn, đập vài thanh sắt, rồi thuyết bài kệ:
- "Đả đả đương đương!
- Luyện lâu thành thép
- Thái bình kề cận
- Tôi vãng Tây Phương".
Thuyết xong, ông liền qua đời. Đương thời, mùi hương lạ bay khắp nhà, nhạc trời vang trong không trung, xa gần đều nghe thấy, khiến ai ai cũng được cảm hóa.
Hôm nay, chúng ta bận rộn ngày đêm, không giờ giấc nghỉ ngơi. Nếu hành trì như ông Hoàng Đả Thiếc, trong động mà vẫn nỗ lực tu hành, thì lo gì không cắt đứt sanh tử!
Xưa kia, lúc ở núi Kê Túc, tỉnh Vân Nam, tôi có một đệ tử xuất gia, tên là Cụ Hành. Nay kể chuyện của Thầy đó cho quý vị nghe.
Thầy Cụ Hành, lúc chưa xuất gia, thường hút thuốc uống rượu, tham đắm sắc đẹp. Gia đình tám người, thường đến chùa Chúc Thánh làm công quả. Sau này, cả nhà đều xuất gia. Xuất gia xong, Thầy bỏ hết mọi tập khí xấu. Tuy không biết một chữ, Thầy vẫn cố gắng dụng công. Những bài kinh kệ, công phu sáng chiều, như phẩm Phổ Môn v.v... trong vòng vài năm, Thầy đều học thuộc lòng. Cả ngày, Thầy trồng rau quả không nghỉ ngơi. Tối đến, lễ Phật tụng kinh, không tham ngủ nghỉ. Trong tăng chúng, được người mến thích hay bị ghen ghét, Thầy cũng chẳng màng đến. Thầy thường giúp tăng chúng may vá y áo. Lúc xỏ một mũi kim, Thầy niệm một câu 'Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát'. Sau này, Thầy đi lễ bái bốn núi danh tiếng (núi Ngũ Đài, Nga Mi, Phổ Đà, Cửu Hoa) trong tám năm, rồi trở lại Vân Nam. Khi ấy, tôi đang đảm nhiệm trọng trách trùng tu chùa Vân Môn. Trở về, Thầy cũng tu khổ hạnh. Những việc nặng nề khó nhọc, lớn nhỏ trong chùa, Thầy đều đảm đang gánh vác. Đại chúng đều mến thích Thầy. Lúc sắp lâm chung, Thầy mang tất cả y phục, đồ vật đi bán, rồi dùng số tiền đó, mua thức ăn cúng dường tăng chúng. Sau đó, cáo từ đại chúng, sắp đặt mọi việc gọn gàng. Vào tháng tư, Thầy mang dầu, rơm rạ ra sau sân chùa Thắng Nhân, tức hạ viện chùa Vân Thê, để tự thiêu mà hóa. Khi có người phát giác, thì Thầy đã vãng sanh. Song, y ca sa trên thân, tuy đã thành tro, nhưng vẫn giống như bình thường, mà không rơi xuống. Thân Thầy ngồi trong đống lửa, tay vẫn cầm cây khánh và cái mõ. Người đến xem, ai nấy đều cảm động rơi lệ. Ngày ngày Thầy bận rộn, nhưng chẳng quên tu hành, nên tự do tự tại, qua lại trong sanh tử. Trong động và tĩnh đều dụng công tu hành, nên công phu mới dễ dàng đắc lực.
Người xưa tu hành có đạo đức cao thượng tôn quý, khiến thiên long quỶ thần cảm động, tự nhiên đến ủng hộ. Vì thế, đạo đức là tôn quý nhất ở thế gian, nên có câu: "Đạo cao long hổ phục. Đức trọng quỶ thần khâm".
QuỶ thần cùng con người, mỗi loài đều có pháp giới tôn quý ty tiện khác nhau. Tại sao chư thiên, quỶ thần lại tôn trọng, cung kính pháp giới loài người? Diệu tánh linh minh vốn chẳng phân biệt mình người, đều đồng quy về nhất thể. Chỉ vì vô minh bất giác, mê muội nguồn chân, mới phân mười pháp giới, tức sáu phàm bốn thánh. Nếu muốn xả mê về ngộ, phải xoay về cội nguồn. Song, trình độ giác ngộ của mỗi pháp giới không đồng. Trong pháp giới của con người, có kẻ giác và bất giác, cũng có kẻ chánh tri kiến và tà tri kiến. Pháp giới chư thiên và quỶ thần cũng như thế. Tuy nằm trong sáu loài phàm phu, nhưng pháp giới con người lại vượt trội năm pháp giới khác. Chư thiên cõi trời Lục Dục vẫn còn đam mê tham ái nữ sắc, quên mất việc tu hành. Trời Tứ Thiền Thiên thì lại tham đắm thiền vị, quên mất con đường minh ngộ chân tâm. Trời Tứ Không Thiên thì lại lạc vào
thiên chấp biến không, quên mất chánh tri kiến. A Tu La còn nhiều sân hận. Chúng sanh trong đường địa ngục, ngạ quỶ, súc sanh thọ bao khổ nhọc, khiến chẳng có chánh niệm, thì làm sao tu hành? Cõi người khổ nhọc vui sướng không đồng, nhưng so với các cõi khác thì dễ dàng giác ngộ hơn, nên có thể minh tâm kiến tánh, siêu phàm nhập thánh. Chư thiên quỶ thần tuy có thần thông phước báo nhiều ít không đồng, nhưng đều tôn trọng người có đạo đức và cùng ngưỡng mộ chánh pháp.
Thiền sư Nguyên Khê, kết am tại Nhạc Bàng Ô, đã từng truyền giới cho thần núi. Trong bộ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, viết: "Ngày nọ, có một dị nhân, đầu đội mão rộng, thân mặc cân đai, dẫn rất nhiều người, thư thả đi vào am, bảo rằng muốn yết kiến Đại Sư. Thấy hình mạo kỳ lạ phi thường, Đại Sư hỏi:
- Lành thay! Nhân giả vì cớ gì mà đến đây?
Thần đáp:
- Đại Sư nhận ra con không?
- Ta chỉ dùng mắt bình đẳng mà quán chư Phật cùng tất cả chúng sanh, sao lại có phân biệt!
- Con vốn là thần trụ núi này, và cầm nắm sanh tử con người trong vùng. Đại Sư có nhận biết không?
- Ta vốn vô sanh, ông làm sao giết được? Thân Ta đồng với hư không, cùng đồng với thân ông. Ông có thể phá hoại hư không cùng thân của mình không? Chẳng thể được! Thân Ta bất sanh bất diệt. Ông chưa có thể làm được như thế, sao cầm nắm sanh tử của ta?
Thần cung kính cúi đầu thưa:
- Con là vị thần rất mực thông minh chánh trực, há lại không biết Đại Sư có trí huệ quảng đại sao? Nay mong cầu Đại Sư hãy truyền chánh giới, con xin lãnh thọ.
- Ông khất cầu giới, tức đã đắc giới. Tại sao? Ngoài tâm không có giới, sao cần cầu giới?
- Nghe lý này, con thật mê muội, chỉ cầu Đại Sư truyền giới để con trở thành đệ tử của Ngài.
Đại Sư lên tòa, ngồi ngay thẳng, tay cầm bình hương trầm, bảo:
- Hôm nay truyền năm giới cấm, nếu ông phụng trì được, thì đáp rằng con giữ được. Ngược lại, hãy đáp rằng không giữ được.
Thần thưa:
- Con kính cẩn thọ giáo.
- Ông có thể giữ giới cấm dâm dục được không?
- Con vẫn còn có vợ.
- Chẳng phải thế! Ta bảo là không nên tà dâm.
- Con giữ được.
- Ông có thể giữ giới cấm ăn cắp được không?
- Con đâu có thiếu gì, sao lại đi ăn cắp?
- Không phải vậy! Hưởng thụ mà không tham lam quá độ. Không được cúng, chớ nên gieo họa cho người hiền.
- Con giữ được.
- Ông có thể giữ giới cấm giết hại được không?
- Con đang nhậm chức phán sát, sao không thể giết hại được?
- Không phải thế! Chẳng nên lạm dụng quyền thế, giết hại người hiền.
- Con giữ được.
- Ông có thể giữ giới cấm nói láo được không?
- Tâm con chất trực, sao lại đi nói láo?
- Không phải thế! Không nói láo tức lời nói trước sau đều hợp với tâm của trời đất.
- Con giữ được.
- Ông có thể giữ giới cấm uống rượu được không?
- Con giữ được.
- Trên đây là những giới cấm do Phật chế. Có tâm phụng trì mà vô tâm chấp vật. Có tâm vì vật, mà vô tâm nghĩ tưởng thân. Nếu được như thế, thì lúc trời đất vừa thành lập, chẳng tinh khiết. Lúc trời đất tan hoại thì chẳng già. Biến hóa ngày đêm mà không động. Cứu cánh tịch mặc mà chẳng ngừng nghỉ. Ngộ được như thế, tuy có vợ mà chẳng phải thê thiếp. Tuy hưởng thụ, mà chẳng chấp thủ. Tuy có oai quyền mà chẳng lạm dụng uy thế. Tuy làm mà chẳng tạo. Tuy say rượu mà chẳng hôn mê. Nếu vô tâm nơi muôn vật, tuy nhiều dục mà chẳng dâm; tham lam quá độ mà không phạm tội ăn cắp; lạm quyền giết lầm người mà không phạm tội sát. Trước sau ngược với trời đất mà không vọng dối. Hôn vọng điên đảo mà chẳng say. Đó gọi là vô tâm. Vô tâm thì vô giới. Vô giới tức là vô tâm, vô Phật, vô chúng sanh, vô nhân, vô ngã, vậy thì ai là người trì giới?
- Thần thông của con thật không thể sánh bằng Phật.
- Trong mười phần thần thông, ông không thể làm được năm phần, còn Phật thì không thể làm ba phần.
Nghe thế Thần bèn quỳ xuống thưa:
- Cầu xin Đại Sư kể rõ cho con nghe.
Đại Sư hỏi:
- Ông có thể khiến mặt trời mọc ở hướng tây, lặn ở hướng đông không?
- Không thể.
- Ông có thể lấy đất năm đảnh núi mà kết thành bốn biển không?
- Không thể.
- Phật có thể chuyển tất cả tướng không thành muôn pháp trí, mà không thể diệt định nghiệp. Phật có thể biết sự việc của chúng sanh cùng tận ức kiếp, mà không thể giáo hóa những kẻ vô duyên. Phật có thể độ vô lượng loài hữu tình mà không thể diệt tận pháp giới chúng sanh. Đó là ba việc mà Phật không thể làm được. Định nghiệp cũng không lâu. Kẻ vô duyên cũng có kỳ. Pháp giới chúng sanh vốn không tăng không giảm. Không ai có thể làm chủ tất cả pháp. Có pháp mà vô chủ, nên gọi là vô pháp. Vô pháp vô chủ, cũng gọi là vô tâm. Nay giải thích về Phật, Ta cũng chẳng có thần thông, chỉ dùng vô tâm mà thông đạt hết muôn pháp.
- Con thật rất ngu muội, chưa từng được nghe nghĩa không. Đại Sư truyền giới, con vâng giữ phụng hành. Ngày nay, con nguyện muốn báo đáp ân đức từ bi của Đại Sư, nên sẽ hiển hiện chút ít thần thông.
- Ta quán thân vô vật, quán pháp vô thường, sao cần cầu chi nữa?
- Nếu Đại Sư cho phép, con sẽ triển chuyển chút ít thần thông, để khiến người đã phát tâm, vừa phát tâm, chưa phát tâm, chẳng có tín tâm, đã có tín tâm, biết được có Phật, có thần có năng lực thần thông, không có năng lực thần thông, có tự nhiên, không có tự nhiên.
- Không được! Không được!
- Phật cũng xử dụng thần thông để truyền pháp, sao Đại Sư chẳng làm theo? Xin Đại Sư rũ lòng dạy bảo.
Đại Sư bất đắc dĩ bảo:
- Chùa Đông Nham có chướng ngại là cỏ dại rậm rạp mà chẳng có cây cối to lớn; đằng sau lưng chùa lại không có chỗ tựa. Ngọn núi phía bắc có rất nhiều cây cối. Ông có thể di chuyển cây cối bên hướng bắc qua đỉnh núi phía đông không?
Thần thưa:
- Xin vâng mạng! Giữa khuya, con sẽ thổi chúng đi, mong Đại Sư chớ sợ!
Nói xong, Thần liền đảnh lễ tạ từ lui ra. Tăng chúng trong chùa, vừa đưa Thần ra cửa, thì thấy có rất nhiều người, đứng hai hàng dài, đi theo hầu. Tướng Thần oai vệ uy nghi như vua chúa, xung quanh thân sương khói xông lên mù mịt, mây ngũ sắc quấn chằng chịt, trên đầu có tràng phan ngọc bội. Thần bay lên hư không rồi biến mất. Tối đến, quả nhiên mây kéo đến ùn ùn, mưa to gió lớn, sấm sét nổi lên, mái nóc đều lung lay rung động, khiến chim chóc cầm thú la hoảng. Đại Sư bảo đại chúng:
- Chớ sợ! Chớ sợ! Thần làm theo ý ta.
Sáng hôm sau, trời trong mưa tạnh; tất cả cây cối bên phía bắc đều được dời hết qua đỉnh núi phía đông, mọc tủa xum xuê khắp nơi. Đại Sư thấy thế, bảo đệ tử:
- Sau khi Ta mất, chớ kể chuyện này cho người ngoài nghe. Nếu họ biết được, sẽ cho Ta là yêu quái.
Quý vị hãy xem, thần tuy có thần thông, nhưng không bằng người có đạo đức. Thế nên bảo rằng "đức trọng quỶ thần khâm". Người không có đạo đức, bị quỶ thần quản chế, thọ bao hiểm họa. Người có đạo đức, lại muốn minh tâm kiến tánh, thì tự nhiên sẽ cảm động quỶ thần. Chư thiền sư đại đức xưa nay, tu hành kinh thiên động địa, khiến hươu nai dâng hoa, khỉ vượn cúng trái. Thiên ma ngoại đạo, chư tiên quỶ thần, đều đến quy y, như Chân tổ sư quy y Quán Âm, Tài Thần quy y Phổ Hiền, Động Tân tiên sư quy y Hoàng Long, Vương Linh Quang quy y Địa Tạng, vua Văn Xương quy y Phật Thích Ca, v.v... Do đó, hoàng đế Nhân Tông triều Tống viết bài kệ phú tán thán chư tăng đại đức: "Những bậc tôn quý nhất trên thế gian, không ai bằng những vị xả tục xuất gia. Nếu được làm tăng sĩ, thì mới thọ sự cúng dường của trời người. Làm đệ tử của đấng Thế Tôn, tức là quyến thuộc của tiên thánh, vào nơi cửa vàng, đến cung điện bảo tạng. Hươu trắng dâng hoa, khỉ vượn cúng trái. Xuân nghe chim hót líu lo, vang tiếng diệu nhạc cơ trời. Hạ nghe ve kêu trên cây cao, liền biết mùa nóng đã đến. Thu ngắm trời xanh, gió trong trăng sao chiếu sáng. Đông xem tuyết phủ đảnh núi sông ngòi. Ngồi thiền trên bồ đoàn, thân ấm áp. Dẫu sóng ba đào nổi dậy, vẫn cỡi tích trượng thăng hư không. Mười đại quân ma khi nghe danh, vẫn phải hàng phục, quy y chánh đạo. Vang tiếng gõ bản, bèn lên vân đường lễ cúng. Nghe tiếng chuông, bèn lên chánh điện tụng kinh. Mọi việc đều như ý, muôn loại hiện thành. Lúc sống làm thầy trời người. Lúc chết quyết định quy y thánh quả. Kệ viết:
- 'Không Vương đệ tử Phật
- Quyến thuộc chư Như Lai
- Thân mặc y trăm mảnh
- Miệng ăn ngàn bát cơm
- Tối ngủ giường vô úy
- Sáng thấy Phật A Di Đà'.
Nếu Trẫm được như vậy, thì rất là mãn nguyện".
Trên đây là lời văn tán tụng chư tăng đại đức của hoàng đế Nhân Tông. Chúng ta tự hãy xem xét mình có tương ưng điểm nào với bài văn phú tán thán này không? Nếu hạnh mình đều tương hợp với lời văn trên, thì mới có thể thọ sự tôn kính của quỶ thần. Nếu "sóng ba đào khởi", như khi vô minh dấy lên, mà không thể "mở tích trượng, phóng lên hư không", khiến làm náo loạn cả trời đất, thì thật xấu hổ cùng cực. Ngược lại, nếu "mười đại ma quân" làm phiền hà, khiến chẳng được như ý, và bao việc chẳng thành tựu, mà có thể hàng phục chúng, thì trời rồng tám bộ quỶ thần đều tôn trọng cung kính.
Hôm nay, có các vị pháp hữu phát tâm yêu cầu tôi thuyết ngữ lục. Tôi thấy việc này vô ích, vì kinh điển nhà Phật, cùng bao lời dạy bảo của chư Tổ Sư, thật nhiều vô số. Tất cả lời giáo huấn đó, quý vị không chịu xem đọc, mà chỉ muốn tôi nói những việc bên đông bên tây, lưu truyền ra ngoài có ích gì?
Từ xưa đến nay, Phật giáo truyền vào nước Tàu, lưu lại rất nhiều kinh luật luận, chú giải điển chương, ngữ lục. Buổi đầu, được kết thành Đại Tạng. Đầu tiên, vua Tống Thái Tổ, niên hiệu Khai Bảo thứ tư (971), sai Truơng Tùng Tín đến Tây Xuyên, thuê thợ khắc Kinh Tạng. Đến đời vua Tống Thái Tông, niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc thứ tám (983), trải qua mười ba năm, mới khắc thành 'Thục Bản Đại Tạng Kinh', được gọi là bản Đại Tạng Kinh đời Bắc Tống. Đây là một công trình rất tinh vi kỸ lưỡng. Song, sau này dần dần bị tán lạc mất. Cuối đời Tống, có tạo khắc bản Đại Tạng Kinh bốn lần. Bản Đại Tạng Kinh cuối cùng, khởi công in khắc vào đời vua Lý Tông, niên hiệu Thiệu Định, năm thứ tư (1231), tại viện Diên Thánh ở Tích Sa, cho đến đời vua Nguyên Quý Phương mới hoàn thành, được gọi là bản Đại Tạng Tích Sa. Người xem bản Đại Tạng Kinh này rất ít. Hai chùa tại Xiểm Tây ở Tây An là Khai Nguyên và Ngọa Long, còn giữ được bộ Đại Tạng Kinh này, được gọi là Đại Tạng Kinh Hoàn Bích. Triều Minh, đời vua Chu Khánh Lan, Đại Tạng Kinh được in ấn lại. Dân Quốc năm thứ hai mươi mốt (1932), hội ấn hành Tống Đại Tạng Kinh ra đời tại Thượng Hải. Hội sắp đặt, soạn thảo theo thứ tự, rồi tích cực ấn hành. Đầu tiên, hội phái người đến Xiểm Tây, kiểm tra lại số kinh sách, tính được hết là sáu ngàn ba trăm mười quyển, còn thiếu hơn một trăm quyển. Thế nên, hội dùng bộ Tống Tư Khê, do nhà xuất bản Tùng Ba tại Bắc Kinh ấn hành, để bổ khuyết vào Đại Tạng Kinh, nhưng vẫn chưa đủ. Hội lại ủy thác tôi đem những bộ kinh tại chùa Dõng Tuyền như Đại Tạng Kinh Tích Sa, kinh Đại Bát Nhã, kinh Bảo Tích, để thêm vào cho đủ. Lạ lùng thay, ngọc báu Đại Tạng Kinh đã bị chôn vùi mấy trăm năm, nay được lưu truyền trong toàn quốc. Song, có một khuyết điểm là việc kiểm duyệt lại bộ Đại Tạng Kinh rất bất tiện. Đời Minh, thiền sư Tử Bá phát tâm in khắc rất nhiều kinh điển. Sau khi bản Đại Tạng Kinh Gia Hưng được lưu thông, việc kiểm duyệt rất tiện lợi. Gần đây, ở Hàng Châu có hai vị cư sĩ, Tiễn Khoan Huệ và Tần Khoan Phước, thấy có tăng nhân bán kinh sách cho dân chúng để làm giấy dùng hằng ngày, nên họ tận lực phát tâm mua lại những quyển kinh sách đó, rồi gởi về núi Vân Cư. Hiện tại, núi Vân Cư có các bộ Đại Tạng Kinh như bộ Đại Tạng Tích Sa, Đại Tạng Tần Già, cùng những bộ kinh khác, rất đầy đủ và dễ dàng trong việc kiểm duyệt.
Thông một pháp thì muôn pháp đều thông, chứ chẳng câu nệ nơi việc đọc nhiều kinh điển. Có thể xem toàn bộ Đại Tạng Kinh trong ba năm để gieo nhân lành thành Phật. Song, đọc xem Đại Tạng Kinh như cỡi ngựa ngắm hoa. Nếu muốn đạt lợi ích chân thật, phải đọc tụng thuộc làu thành thục. Theo ngu kiến của tôi, người sơ phát tâm tu thiền, nên chuyên chú học thuộc kinh Lăng Nghiêm, tức chỉ cần học thuộc lòng mà không cần xem chú giải. Khi học thuộc bộ kinh này rồi, thì dùng văn kinh phần trước giải thích phần sau, hay văn kinh phần sau giải thích phần trước. Bộ kinh này thuyết kỸ càng tinh tế, từ phàm phu đến quả vị Phật, từ vô tình đến hữu tình, cùng núi sông đất đá, bốn phàm sáu thánh, tu chứng mê ngộ, giới luật sự lý nhân quả. Bởi thế, lợi ích học thuộc kinh Lăng Nghiêm là sẽ thấu suốt được những vấn đề đó.
Người thường tham cứu tu học phải có ba việc: Một là đôi mắt phải tinh tế. Hai là đôi tai phải tinh tường. Ba là bao tử phải rắn chắc. Đôi mắt tinh tế, tức là phải có cặp mắt Kim Cương chân chánh. Thấy tất cả sự việc, phải phân biệt đúng sai, tốt xấu, tà chánh, phàm thánh. Đôi tai tinh tường, tức là đôi tai thuận gió. Nghe người khác nói lời gì, liền biết rõ chúng thuộc về lý lẽ nào. Bao tử rắn chắc, tức là phải giống như bao tử của Bồ Tát Di Lặc. Nghe thấy những việc tốt xấu, đều thọ nhận hết. Gặp duyên thì ứng cơ giáo hóa quần sanh. Mang những việc thấy nghe để nghiên cứu so sánh. Nếu là việc thiện thì làm theo, còn nếu là việc xấu thì sửa đổi. Làm mọi việc đều phải căn cứ vào tiêu chuẩn đó. Vì vậy, chúng ta phải có bao tử rắn chắc để dung chứa muôn việc, nhưng chớ nên thổi da trâu để dùng, cùng giả bộ biết này biết nọ, hay nói càn nói bậy.
Ngài Quy Sơn bảo:
- Nói ra lời nào phải liên hệ với kinh điển. Đàm luận gì, phải xét lại lời người xưa.
Vì vậy, phải xem kinh điển để biết cách tu hành đúng đắn, hầu mong đạt được lợi ích. Lời hồ ngôn loạn ngữ của tôi rất tầm thường, chẳng có câu nào đáng giá. Lúc trẻ, tuy rất thích xem kinh điển, nhưng chỉ dùng những lời trống rỗng để đàm luận. Thật rất xấu hổ.
Truyện Tây Du Ký hay truyện Mục Liên được lưu truyền trong thế gian. Chúng vốn là những truyện thanh tục không phân, thị phi điên đảo, chân thành giả, giả thành chân. Truyện Mục Liên viết rằng tôn giả Mục Kiền Liên biến thành Bồ Tát Địa Tạng ở trong kinh Địa Tạng. Đây là lời rất hàm hồ. Trong đời Đường, pháp sư Huyền Trang có viết quyển Tây Du Ký. Nội dung của quyển này vốn là những lời chân thật. Song, truyện Tây Du Ký được lưu truyền trên thế gian hoàn toàn là những lời ma quỶ. Hòa thượng Bạch Vân ở chùa Bạch Vân giảng kinh Đạo Đức, khiến rất nhiều đạo sĩ xuất gia làm tăng sĩ. Do đó, các đạo sĩ tại Trường Xuân Quán không vừa lòng, nên nói dối là theo lịnh quan quân, sửa Trường Xuân Quán thành chùa Trường Xuân, và chùa Bạch Vân thành Bạch Vân Quán. Các đạo sĩ tự viết ra quyển tiểu thuyết Tây Du Ký để phỉ báng Phật giáo. Xem xét kỸ càng quyển tiểu thuyết Tây Du Ký này thì sẽ thấy chân tướng của họ. Sự lợi hại nhất là họ chẳng hề ghi lại việc pháp sư Huyền Trang mang kinh vượt qua các bãi sa mạc mà trở về bổn quốc. Họ viết là pháp sư Huyền Trang chỉ lưu lại sáu chữ "Nam Mô A Di Đà Phật". Những kinh điển do pháp sư Huyền Trang phiên dịch, họ hoàn toàn bỏ qua không nhắc đến. Thế nhân rất tin tưởng vào quyển truyện Tây Du Ký giả dối đó, khiến quyển Tây Du Ký chân thật lại bị chôn vùi. Để đối đầu lại quyển tiểu thuyết Tây Du Ký giả dối, các Phật tử viết ra bộ truyện Phong Thần để phỉ báng các đạo sĩ. Quyển truyện này nói rằng các đạo sĩ dầu tu tiên bao số kiếp, nhưng vẫn còn tâm sân hận chém giết lẫn nhau. Xem hai quyển truyện này, nếu không biết rằng chư Phật tử cùng các đạo sĩ phỉ báng lẫn nhau, thì sẽ lầm nhận giả thành chân. Vì vậy, khi xem sách vở thế tục, phải phân biệt rõ những điều thị phi, đúng sai, tà chánh. Truyện Bạch Xà ghi rằng chùa Kim Sơn bị nạn lụt lội; việc này được ghi chép trong sách vở của nhà nho, còn kinh sách của Phật giáo nào có viết đến. Thế nên, chẳng phải là sự thật. Hiện nay, tại chùa Kim Sơn còn động Pháp Hải, mà tiểu thuyết lại ghi rằng đó là tháp Lôi Phong và đỉnh Phi Lai. Thật là những điều hàm hồ vô căn cứ. Lại nữa, một truyền thuyết cho rằng thiền sư Cao Phong có một nửa đồ đệ: Đoạn Nhai là một, và Trung Phong là phân nửa. Trong các điển chương của Phật giáo nào có ghi những điều này!
Nếu muốn có lợi ích thật thụ, hãy xem những quyển kinh sách của cổ nhân như Thích Thị Cổ Lược, Thiền Lâm Bảo Huấn, Hoằng Minh Tập, Bổ Giáo Biên, kinh Lăng Nghiêm.
Giáo điển nhà Phật, nếu bàn về việc hành trì, thì không ngoài bốn chữ: Tín, giải, hạnh, chứng. Kinh nói: "Tín là mẹ của tất cả công đức".
Tín tức là tín tâm. Trong kinh Hoa Nghiêm, thứ lớp đạt được quả vị Bồ Đề, do từ
sơ tín đến thập tín.
Tín việc gì? Tín diệu pháp của Như Lai; nơi mỗi câu cú ngôn ngữ đều chỉ thẳng vào chân tâm, thấy tánh thành Phật. Những lời này, chân thật đích xác, không thể sửa đổi. Người tu hành phải khởi dụng công từ tâm, chớ hướng ngoại tìm cầu. Tin tâm mình là Phật. Tin ngôn ngữ thánh giáo, không thể vọng động cải biến.
Giải tức là trong mọi hành động cử chỉ, chân đế và tục đế đều viên dung. Tự mình biết uyển chuyển thuyết pháp tu đạo. Vận lực tận suốt nguồn tâm, khiến ánh sáng trí huệ chiếu soi khắp nơi. Đó gọi là kiến giải. Song, nếu hiểu mà chẳng hành trì, thì không thể thành công. Thế nên, miệng phải đọc tụng, tâm phải tư duy. Tâm và miệng phải tương ưng, không thể trái ngược. Miệng không thể bảo lấy gấm thêu hoa, mà bao tử lại chứa đầy tham, sân, si, ngã mạn. Những lời đàm luận trống không, quyết chẳng có lợi ích. Tâm tư duy những gì? Nếu nói ra lời nào, phải y cứ theo thánh giáo lượng. Cử chỉ động niệm, chẳng nên vượt ngoài thành trì thánh giáo lượng. Nói được và làm được, thì ngôn ngữ và hành động mới không khiếm khuyết. Thuyết pháp đến độ hoa trời rơi khắp đất, mà không chân thật hành trì; không làm được thì chớ nói; chớ nên như nam ăn cắp, nữ hát suông. Hạnh có nội hạnh và ngoại hạnh. Cả trong và ngoài đều phải tương ưng. Nội hạnh cắt đứt hai chấp trước: Ngã và pháp. Ngoại hạnh tức là hành muôn hạnh lành thiện vi tế.
Chứng tức là thật chứng lý chân thường.
Có tín có giải, mà không có hạnh thì không thể chứng đắc; đó gọi là phát cuồng. Người thuyết pháp trên thế gian rất nhiều như lông trâu, nhưng khi tu hành lại chẳng biết gì là thiền sư hay pháp sư. Họ chú giải được vài bộ kinh như Kim Cang, Tâm Kinh, Bát Thức Quy Củ, hoặc Lăng Nghiêm, rồi tự vênh mũi khoe khoang, nhưng lúc hành trì lại không khác với người thế tục; kể món ăn mà không chịu ăn.
Nơi các động tác hành vi phải phân rõ nội hành và ngoại hành.
Trong nội hành, định và huệ phải viên dung. Nơi ngoại hành, tại bốn oai nghi, phải thường nghiêm thủ giới pháp, chẳng để phạm chút nào. Nếu được như thế thì tự mình mới có phần ích lợi. Lại nữa, chính tự thân mình làm được thì mới có thể giáo hóa người. Muốn nhân tâm cảm kích, phải chân thật hành trì, không cần đàm luận nói năng nhiều. Văn Di Sơn bảo: "Nếu thấy tướng Ta, cho đến nghe tên Ta, mọi chúng sanh đều phát tâm Bồ Đề, mãi mãi xuất ra khỏi vòng luân hồi sanh tử".
Hành vi của mình nếu chân chánh thì mới có thể giáo hóa người. Chớ để người thấy hành vi bất chánh của mình mà sanh thối tâm, khiến chiêu tội báo đọa lạc.
Thiền sư Pháp Dung ẩn tu trong hang đá Bắc Nham, cạnh chùa U Thê, tại núi Ngưu Đầu. Ngài tu hành rất mực tinh tấn, được trăm loài chim dâng hoa quả cúng dường. Vào đời Đường Trinh Quán, Tứ Tổ đến núi đó để xem khí tượng, thấy biết có bậc dị nhân, nên cố tự tìm đến. Vào chùa, Tứ Tổ hỏi:
- Trong chùa có bậc đạo nhân không?
Tăng chúng đáp:
- Người xuất gia nơi đây, ai chẳng phải là đạo nhân!
- Ai dám tự xưng là đạo nhân?
Tăng chúng không lời đối đáp. Một vị tăng khác bước ra thưa:
- Cách nơi này khoảng mười dặm có một ông tăng, thấy người đến, rất làm biếng, chẳng thèm đứng dậy hay chắp tay xá. Đây có phải là bậc đạo nhân chăng?
Nghe vậy, Tổ liền vào núi, thấy thiền sư ngồi thiền an nhiên, chẳng màng quay đầu lại nhìn. Tổ bảo:
- Ông ngồi đây làm gì?
Thiền Sư thưa:
- Ngồi quán tâm.
- Người quán là ai, và tâm là vật gì?
Thiền sư không lời đối đáp, nên liền đứng dậy đảnh lễ, thưa:
- Đại Đức quang lâm, an trụ nơi nào?
Tổ bảo:
- Bần đạo không có chỗ dừng chân nơi đông nơi tây nhất định.
- Ngài có biết thiền sư Đạo Tín không?
- Sao hỏi đến vị đó?
- Ngưỡng mộ oai đức đã lâu, mong mỏi có dịp để yết kiến lễ bái.
- Thiền sư Đạo Tín chính là bần đạo!
- Vì sao Ngài lại đến đây?
- Đến đây để thăm ông. Có chỗ nào nghỉ ngơi không?
Thiền Sư chỉ tay ra đằng sau hang động, đáp:
- Ở đây còn một am tranh nhỏ.
Thiền Sư liền dẫn Tổ đến am tranh đó. Khi thấy hổ sói, Tổ ra dáng sợ hãi, đưa hai tay lên. Thiền Sư thấy vậy hỏi:
- Ngài vẫn còn cái đó à?
Tổ hỏi lại:
- Cái đó là gì?
Thiền sư im lặng không đối đáp. Lát sau, Tổ vẽ chữ Phật trên tòa ngồi của thiền sư. Thấy chữ Phật, thiền sư giật mình lo sợ. Tổ hỏi:
- Ông vẫn còn cái đó à?
Thiền sư chưa hiểu, chỉ dập đầu lễ bái, thỉnh Tổ thuyết yếu chỉ. Tổ bảo:
- Trăm ngàn pháp môn, đồng quy về một tấc vuông. Hà sa diệu đức đều nhiếp về nguồn tâm. Tất cả môn giới định huệ, thần thông biến hóa, đều tự có đầy đủ, chẳng rời tâm ông. Mọi nghiệp chướng phiền não, vốn là không tịch. Mọi nhân quả vốn như mộng huyễn. Không có ba cõi để xuất ra, không có Bồ Đề để cầu; nhân cùng phi nhân, tánh tướng bình đẳng; đại đạo thênh thang, tuyệt đường suy nghĩ. Những pháp như thế, nay ông đã được, chẳng hề thiếu sót, sao khác với Phật? Ngoài pháp này, chẳng còn pháp nào khác. Tâm ông chỉ việc tự tại, chẳng cần quán hành, chẳng cần lắng đọng tâm tư, chẳng khởi tham sân si, chẳng ưu sầu lo nghĩ; mông mênh bát ngát vô ngại, tùy ý tung hoành, không làm việc thiện, chẳng tạo việc ác; đi đứng nằm ngồi, mắt thấy gặp duyên, đều là diệu dụng của Như Lai; an lạc chẳng ưu sầu, gọi đó là Phật.
Thiền Sư hỏi:
- Tâm đã đầy đủ, vậy gì là Phật, gì là tâm?
Tổ đáp:
- Chẳng phải tâm, chớ hỏi Phật. Hỏi Phật chẳng có thể không tâm.
- Nếu chẳng cần quán hạnh, thì lúc gặp cảnh khởi tâm, làm sao đối trị?
- Cảnh vốn không tốt xấu. Tốt xấu đều do tâm khởi. Tâm nếu không chạy theo danh lợi, thì vọng tình do đâu mà khởi! Lúc vọng tình chẳng khởi, chân tâm mặc tình giác biết khắp nơi. Tâm tùy thời tự tại, chẳng cần đối trị, tức gọi là pháp thân thường trụ, không biến đổi khác lạ. Ta thọ pháp môn đốn giáo của đại sư Tăng Xán, nay phó chúc cho ông. Ông hãy lắng nghe cho kỸ mà thọ trì lời Ta. Ông chỉ nên trụ tại núi này. Mai sau sẽ có năm vị đạt nhơn đến đây nối tiếp ông hoằng hóa.
Thiền sư Pháp Dung Ngưu Đầu, lúc chưa yết kiến Tứ Tổ, trăm loài chim dâng hoa cúng quả. Sau khi Thiền Sư gặp Tổ, chim không còn đến cúng dường nữa. Lý này thế nào? Cảnh giới Phật pháp không thể nghĩ bàn. Trời người rải hoa cúng dường mà không dấu vết. QuỶ thần tìm tông tích mà nào thấy cửa ngõ. Nếu sanh tử chưa đoạn thì không thể được như thế. Ngồi trên cây khô đá cuội mà ngủ thì không hợp với Phật pháp, thật uổng phí công phu.
Chúng ta khác với người xưa, luôn mong mỏi trời người cúng dường. Song, họ nào ngó ngàng đến, vì chúng ta chẳng hành trì chân thật. Người chân thật dụng công hành trì, nơi đầu đường xó chợ, trà đình tửu quán, đều là đạo tràng. Tình nếu không phụ vật, thì vật chẳng chướng ngại người, như gương chiếu soi muôn vật, không nghinh đón cũng không cự tuyệt. Nếu được như thế thì tương ưng cùng đạo. Chớ chấp tâm mê cảnh, tìm pháp ngoài tâm.
Tôi rất xấu hổ, vì chưa chứng đắc được gì; sao lại lắm lời, có lợi ích gì! Quý vị chú giải, và tôi chú giải kinh luận Phật Tổ. Chú giải đến nỗi không cần chú giải nữa. Ngày ngày đăng báo giảng kinh thuyết pháp, nhưng khi nhìn mình, người ngoài liền hồ nghi sợ hãi, thối tâm đọa lạc. Do đó, muốn thuyết pháp lợi người, thì thân tâm phải tự hành trì trước. Thân phải hành trì như thế nào? Bàn đến việc này, tôi thật rất xấu hổ.
Hôm nay, tôi không thể thượng đường giảng kinh thuyết pháp; xin quý vị lượng thứ cho. Chẳng phải tôi làm biếng, mà vì thân thể không khỏe, sự hành trì cũng chưa đạt đến cứu cánh, chỉ đem lời của người xưa để cùng đại chúng hỗ tương sách tấn. Hôm nay, tôi không giảng, vì có hai nguyên do:
Thứ nhất, vì bịnh hoạn. Quý vị ai ai cũng biết thể lực tôi không được khỏe cho lắm. Đại chúng tụ hội nơi đây để nghe giảng thuyết. Nếu không gắng sức đến đây, sợ mọi người lo lắng. Vì vậy, tôi phải tới nhưng thật mệt nhọc, nên không thể giảng thuyết.
Thứ hai, thuyết pháp một thước mà chưa thể hành trì một tấc. Chúng ta có duyên với nhau, cùng hội tụ nơi giảng đường. Mạng người vô thường, sáng còn tối mất, như lửa đá ánh sáng sấm chớp, sao giữ được lâu! Lời nói trống không, đối với sự liễu sanh thoát tử, có lợi ích gì? Nếu có nói lời gì thì đều là lời của chư thánh hiền thuở xưa. Tôi tự biết tánh khí của mình rất xấu, giảng giải chưa được hoàn toàn. Dẫu có giảng giải hoàn toàn đi nữa, mà chẳng chịu thực hành, thì không lợi ích gì. Mở lời nào, miệng phải đọc tụng, tâm phải tư duy. Nghe giảng kinh thuyết pháp, phải tưởng như khát được uống nước cam lồ. Nếu được như vậy, người thuyết và kẻ nghe đều có phần ích lợi. Nghiệp chướng của tôi nặng nề, không thể hành được như thế. Bậc cổ đức hơn hẳn người sau. Làm sao tôi sánh bằng được các ngài! Những lời giảng giải đều vô ý nghĩa, không đúng như pháp. Vì vậy, không thể giảng giải.
Hiện nay là đời mạt pháp, ai có thể hành được như chư cổ đức, nơi nhất cử nhất động, la mắng đánh đập, phơi gan rạch mật, đều chuyển được tánh phàm thành tánh thánh?
Tôi xuất gia năm mười chín tuổi; mãi đến hôm nay, đã ngoài trăm tuổi, cả đời trôi qua vô ích. Lúc trẻ, chưa biết việc sống chết, nên phiêu bạt đông tây; học đạo vội vàng hấp tấp, chưa từng đặt chân nơi chốn chân thật. Lúc sanh tử đến, cũng khổ sở như ai. Ngài Quy Sơn nói:
- Tự hận không dự bị tu hành, tuổi về chiều càng nhiều tội lỗi. Khi chết, hành ấm tan rã, bồn chồn sợ hãi, như chim bay xuyên thủng xác thân. Tâm thức tùy theo nghiệp lực, như người thiếu nợ, chủ nào mạnh thì dẫn đi trước. Tâm rối đa đoan, nơi nào nặng thì rơi vào trước.
Lúc trẻ, không chịu dũng mãnh tu hành, và không xả bỏ thân tâm, chỉ xoay cuồng nơi danh lợi phiền não thị phi. Nghe kinh, ngồi thiền, leo núi lội sông, lễ xá lợi, đều tự dối gạt mình. Khi ấy, chẳng biết tốt xấu, nên cả ngày chạy ruỗi trăm dặm; đói khát thì xin thức ăn nơi người, quên đi chính mình. Thế nên, lãng phí thời gian quý báu; ngày nay vừa hối hận "xưa chẳng dự bị tu hành", thì già bịnh đến, chết cũng không được, sống cũng không yên, xả chấp chưa nổi. Sống cũng khổ, mà chết cũng nhọc. Đó là "tuổi về chiều, tội càng nhiều". Tu hành chưa từng bước đến nơi chân thật. Lúc sắp chết, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển, như gà con phá vỏ trứng đi ra, tức là "chim bay xuyên thân, tâm thức tùy nghiệp báo dẫn dắt". Nếu làm chủ được thì có khả năng chuyển muôn vật. Hiểu rõ bốn đại là không thì tâm thức không bị nghiệp dẫn. Ngược lại, như người thiếu nợ, bị bức bách đòi tiền. Bấy giờ hoang mang trên đường lộ, chưa biết sẽ đi về đâu, lại bị bao thống khổ, mà hối hận thì đã quá trể. Mở mắt ra, thấy đầu trâu mặt ngựa. Chẳng phải núi đao, thì cũng là rừng kiếm. Khi ấy, quý vị còn muốn nói lời gì?
Chư đồng tham học! Khi trẻ, thân thể vẫn còn tráng kiện, phải mau nỗ lực tinh cần, lo lắng xếp đặt lộ trình, dụng công tu đạo. Như tôi nay đã già yếu, muốn tu hành mà chẳng được. Miệng giảng ba hoa, nói cả một đời, chẳng có ý nghĩa mùi vị nào hết. Lúc xưa, nơi chùa Thất Tháp ở đông tây nam bắc, tứ sơn ngũ nhạc, Chung Sơn, Kim Sơn, Tiêu Sơn, Vân Nam, Tây Tạng, Miến Điện, Xiêm La, Ấn Độ, chạy nhốn nháo khắp nơi, không hề biết mệt. Lúc trẻ, thích tranh làm chúa tể, cùng làm những việc vô ích. Ngày nay nghĩ lại, thấy mọi việc làm xưa kia đều là sai quấy.
Quý đạo hữu đồng tham học! Tham thiền phải tham khán câu thoại đầu cho đến chết. Người xưa bảo:
- Tu hành chân thật, giải nghiệp đời hiện tại cùng quá khứ.
Chân thật tu hành, tức là tham khán thoại đầu cho đến chết; quyết giữ câu "ai đang niệm Phật" làm cội gốc. Chớ đùa giỡn nơi xảo thuật vi diệu, vì chúng không thể chống lại quỶ vô thường. Tâm kiên cố, không biến đổi, tức là tâm chân thật. Trước lúc niệm khởi, tức là thoại đầu. Niệm vừa sanh, tức thoại đuôi. Sanh chẳng biết từ đâu đến. Chết cũng không biết sẽ đi về đâu. Luôn bị sanh tử lưu chuyển. Nếu biết rõ mình là ai trước khi cha mẹ sanh ra, thì một tấc lụa cũng chẳng mang, vạn lý tình không, chẳng quảy một mảnh mây hồng. Lúc đó, công phu mới có phần đắc dụng.
Người biết dụng tâm tu tập thì không còn phân biệt Thiền tông hay Tịnh Độ tông là hai. Tham thiền là tham quán thoại đầu. Niệm Phật cũng là quán thoại đầu. Việc quan trọng là phải thiết tha với sanh tử, chân thật tu hành, tức nắm chặt câu thoại đầu, chết cũng không buông bỏ. Đời nay chưa xong, thì đời sau sẽ tu tiếp. "Đời đời nếu không thối thất, quả vị Phật tất sẽ có kỳ".
Ngài Triệu châu bảo:
- Tham thiền nơi lý không, ngồi mãi ba mươi năm, nếu không ngộ đạo, hãy chặt đầu lão tăng.
Tổ Cao Phong nhập thất cho đến chết. Ngài Tuyết Phong chín lần lên núi Động Sơn. Triệu Châu lúc tám mươi tuổi mà vẫn đi tham phương hành cước. Lúc đến Vân Cư gặp Ưng Tổ, tuy tuổi gấp đôi, nhưng Triệu Châu vẫn cung kính Ưng Tổ như bậc tiền bối, chẳng chấp ngã tướng, chẳng hổ thẹn tham vấn đạo. Sau đó, Ngài giữ chặt câu thoại đầu cả vài thập niên, rồi mới ngộ đạo. Đại sư Liên Trì đồng hành với hơn hai mươi người, cùng đến tham vấn lễ bái thiền sư Biến Dung ở kinh sư. Thiền sư Biến Dung dạy:
- Pháp môn thiết yếu quý báu nhất là không tham danh lợi, không phan duyên. Duy chỉ một lòng tu đạo.
Khi ấy, có một vị tăng trẻ cười nói:
- Tưởng rằng sẽ nghe được những điều lạ tai. Ai ngờ chỉ có những lời tầm thường này.
Đại sư Liên Trì bèn bảo:
- Lời khả kính của vị thiền sư này là tại nơi đây.
Hãy cẩn thận lời lẽ. Chớ dùng đôi câu vấn đáp của chư tiên đức để che giấu mặt mũi mình. Nói được thì phải hành được. Tự thân hành trì thì mới giáo hóa người được. Nếu được như thế, thì sẽ làm con thuyền cứu mạng cho chúng sanh. Nếu ngôn hạnh tương phản trái ngược, chỉ lo nói năng suông, thì như cho thuốc chẳng đúng bịnh, nên thuốc này trở thành thuốc độc. Quý vị chẳng có vàng thì không thể mua bạc được. Có vàng tức là có cặp mắt chân chánh. Có cặp mắt chân chánh tức có thể nhận ra châu báu. Quý vị hãy lưu tâm tỉnh táo quan sát, xem coi mình có vàng hay không!
Phần đầu của kinh Kim Cang, ngài Tu Bồ Đề bạch hỏi đức Thế Tôn:
- Người thiện nam thiện nữ muốn phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, phải trụ tâm nơi nào, phải hàng phục tâm như thế nào?
Phật đáp:
- Phải nên trụ tâm như thế. Phải nên hàng phục tâm như thế.
Hàng phục tâm tức là ngăn ngừa khởi ý vọng động, khiến nó không chạy rong. Tâm Bồ Đề ai ai cũng có đủ, không hề khiếm khuyết. Đại Tạng Kinh luôn chỉ dạy chúng ta về tâm này. Đức Thế Tôn quán sao buổi sớm, đột nhiên đại ngộ thành đẳng chánh giác. Khi đó Ngài liền bảo:
- Lạ thay! Tất cả chúng sanh, đều có đầy đủ đức tướng trí huệ của Như Lai. Do vì vọng tưởng chấp trước, nên không thể chứng đắc.
Rõ ràng, ai ai cũng vốn là Phật, và đều có đầy đủ đức tướng Như Lai. Song, hôm nay vẫn làm chúng sanh, chỉ vì còn quá nhiều vọng tưởng chấp trước. Vì vậy, trong kinh Kim Cang, Phật bảo chúng ta phải "hàng phục tâm như thế".
Phật thuyết pháp, chỉ muốn chúng ta nhận ra tâm này. Kinh Lăng Nghiêm nói:
- Các ông nên biết, tất cả chúng sanh từ xưa đến nay, sanh tử tương tục, chỉ vì không biết chân tâm thường trụ, tánh tịnh thể sáng, lại dùng vọng tưởng, tưởng đó không thật, mới bị luân chuyển.
Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ sang, chỉ thẳng chân tâm, thấy tánh thành Phật. Ai hiểu rõ, liền thành người vô sự. Lúc tham vấn Lục Tổ, thiền sư Pháp Hải bạch hỏi:
- Bạch Ngài ! Xin Ngài giải thích rõ lý tâm tức là Phật.
Lục Tổ bảo:
- Niệm trước chẳng sanh, tức là tâm. Niệm sau chẳng diệt, tức là Phật. Thành tựu tất cả tướng, tức là tâm. Rời tất cả tướng tức là Phật.
Thiền sư Trí Thông xem kinh Lăng Nghiêm hơn một ngàn lần mà chưa hiểu nghĩa ba thân bốn trí, nên đến lễ Lục Tổ, cầu giải đáp. Tổ bảo:
- Ba thân gồm có pháp thân thanh tịnh, tức là tụ tánh của ông. Báo thân viên mãn, tức là trí huệ của ông. Hóa thân ngàn ức, tức là hạnh của ông. Nếu rời bổn tánh mà bàn riêng ba thân, tức gọi là có thân nhưng vô trí. Nếu ngộ ba thân chẳng có tự tánh, tức gọi là bốn trí Bồ Đề.
Mã Tổ thường bảo rằng tâm tức là Phật, cũng như nghĩa ở trên.
Ba đời chư Phật và lịch đại Tổ Sư, đều nói đến tâm này. Chúng ta tu hành, cũng tu từ tâm này. Chúng sanh tạo nghiệp, cũng do từ tâm này mà ra. Tâm này nếu chưa sáng, phải tu phải tạo. Tạo Phật hay chúng sanh, tất cả đều do tâm chủ động. Mười pháp giới tức là sáu phàm bốn thánh, đều không ngoài tâm này. Bốn thánh tức là Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn. Sáu phàm tức là trời, người, địa ngục, ngạ quỶ, súc sanh, A Tu La. Trong mười pháp giới, ngoài pháp giới của Phật ra, chín pháp giới kia đều được gọi là chúng sanh. Bốn pháp giới của chư thánh không còn bị khổ luân hồi. Sáu loài phàm phu vẫn còn bị lưu chuyển trong sanh tử. Vô luận là Phật hay chúng sanh, tất cả đều do tâm tạo. Nếu có ai nhận ra tâm này, thì đại địa chẳng còn một tấc đất, thì nói chi đến mười pháp giới! Mười pháp giới đều từ một niệm sanh khởi. Một thừa chuyên chở hết cả, muôn đức trang nghiêm, tức là pháp giới của Phật. Tu hành hoàn toàn lục độ, tổng nhiếp muôn hạnh, tức là pháp giới của Bồ Tát. Quán xem nhân duyên, chứng lý chân không, tức là pháp giới Duyên Giác. Dụng công tu đạo, thành tựu Tứ Đế, quy về tiểu Niết Bàn, tức là pháp giới Thanh Văn. Tu mọi giới lành, tạo nhân hữu lậu, tức pháp giới chư Thiên. Ái nhiễm không ngừng, thiện duyên hỗn tạp, tức là pháp giới loài người. Tâm thường tham chấp hơn thua, thích tranh thắng bại, tức là pháp giới A Tu La. Ái kiến làm gốc, nghiệp xấu tham lam keo kiệt, tức là pháp giới súc sanh. Tham dục không ngừng, bàng sanh ý tưởng ngu si, tức là pháp giới ngạ quỶ. Ngũ nghịch, mười nghiệp ác, hủy báng Phật pháp, phá trai phạm giới, tức là pháp giới địa ngục. Song, mười pháp giới không ngoài một tâm niệm. Tu tất cả pháp, tức là tu tâm, tu thiền, niệm Phật, tụng kinh, lễ bái. Từ sáng đến tối ở trên chánh điện, hành tất cả tế hạnh, đều là tu tâm. Tâm này nếu không xả chấp, sẽ khiến khởi vô minh, giải đãi làm biếng, tất bị đọa lạc. Trừ diệt tập khí, và việc ác không làm, mà luôn hành việc thiện, tức là thăng hướng thiện. Tự tánh vốn là Phật, chớ nên vọng cầu, chỉ việc quét sạch tập khí tham sân si, liền tự thấy bổn tánh thanh tịnh, tùy duyên tự tại.
Ví như lúa mạch, sau khi giã thành bột, liền thiên biến vạn hóa, có thể làm tương, mì sợi, bánh bột lọc, bánh giò cháo quẩy. Nhiều loại nhiều cách, đều do mình tạo. Nếu biết đó là lúa mạch, thì không bị bánh bao, bánh giò cháo quẩy xoay chuyển. Bánh bột và bánh bò, tuy hai danh từ khác nhau, nhưng cùng đồng một dạng. Chớ lên miền bắc nhận không ra bánh bột, hay chạy xuống miền nam nhận không ra bánh bò. Bàn đến bàn lui, không ngoài việc quét trừ tập khí, tức là hàng phục được tâm này. Đi đứng nằm ngồi, động tịnh, bận rộn nghỉ ngơi, chớ khởi niệm dấy tâm; đó là hàng phục được tâm. Nhận biết tâm này như lúa mạch, khiến tạo ra bao loại bánh khác nhau, thì chẳng xa cách đạo.
Kinh Lăng Nghiêm nói: "Lý tuy đốn ngộ, mà ngộ này cũng mất. Sự tuy chẳng đốn trừ, mà nhân do thứ lớp diệt tận". Lý tức lý tánh, là bổn tâm của mọi người. Lý tánh này xưa nay vốn bình đẳng. Lục Tức của tông Thiên Thai, tức là hạnh vị của Bồ Tát Viên Giác.
Thứ nhất, Tức Lý là bàn về tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Phật có ra đời hay không, chân tánh và thể tướng này vẫn mãi mãi thường trụ. Phàm phu nơi lý tánh đồng Phật không khác, nên gọi là Tức Lý.
Thứ hai, Tức Danh Tự nghĩa là khi nghe thuyết đạo Bồ Đề chân thật, thì ngay nơi văn tự thông đạt liễu giải, biết tất cả pháp đều là Phật pháp, và tất cả chúng sanh sẽ thành Phật.
Thứ ba, Tức Quán Hạnh nghĩa là quán tâm rõ ràng, lý sự tương ưng. Hành như thế nào thì nói như thế đó. Nói như thế nào thì hành như thế đó.
Thứ tư, Tức Tương Tự nghĩa là trước tiên nhập vào địa vị thập tín của biệt giáo, phát khởi quán hạnh vô lậu chân thật.
Thứ năm, Tức Phần Chứng nghĩa là trước tiên đoạn một phần vô minh, thấy Phật tánh, mở tạng châu báu, hiển lộ chân như, gọi là phát tâm trụ. Từ chín trụ sau cho đến địa vị đẳng giác, phá từng phần vô minh, thấy từng phần pháp tánh.
Thứ sáu, Tức Không Cứu Cánh nghĩa là phá bốn mươi hai phẩm của nguyên phẩm
vô minh, phát khởi trí giác viên mãn cứu cánh, tức diệu giác.
Lý tuy bảo rằng chúng sanh có Phật tánh, và có khả năng thành Phật, nhưng chẳng phải chỉ tu một chút là thành. Chư cổ đức thánh hiền trải qua bao thập niên, lao nhọc cực khổ tu hành. Nơi lý tuy đã đốn ngộ, nhưng vẫn còn phải từ từ dẹp trừ tập khí. Bổn tánh thanh tịnh bị tập khí nhiễm ô, nên chưa thành Phật. Dẹp hết tập khí thì mới thành Phật. Bàn về lý, chúng ta có khác gì với Phật đâu? Mỗi ngày, hãy tự suy nghĩ rõ, Phật là con người, chúng ta cũng là con người. Sao Ngài trở thành bậc tôn quý, được người người cung kính ngưỡng vọng? Do nghiệp thức mê mờ, nên chúng ta không thể tự làm chủ được. Không tự tin chính mình, thì làm sao người khác tin mình được? Bàn về lý thì chúng ta cùng Phật không khác, nhưng nói đến sự thì lại có khác. Những hành vi tạo tác hằng ngày của chúng ta, tất cả đều vì tự kỶ. Chư Phật chẳng giống như thế; mọi cử chỉ hành động của các ngài đều vì lợi tha.
Kinh Kim Quang Minh nói: "Trong giảng đường hội chúng, có tháp bảy báu, từ dưới đất vọt lên. Khi ấy, đức Thế Tôn liền từ chỗ ngồi, đứng dậy lễ bái tháp kia. Thọ thần Bồ Đề, bạch Phật:
- Do nhân duyên gì mà đức Thế Tôn lễ bái tháp kia?
Phật bảo:
- Này Thiện Thiên Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ Tát, xá lợi thân Ta, được an trí trong tháp đó. Do nhờ thân này, nay Ta sớm thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Đức Thế Tôn muốn đại chúng đoạn trừ nghi hoặc, nên thuyết nhân duyên xá lợi đời trước. Phật lại bảo:
- Này A Nan! Đời quá khứ, một vị vua tên là Ma Ha La Đà, ông có ba hoàng tử. Ngày nọ, vị hoàng tử thứ ba nhân dịp vào rừng, thấy một con hổ cái cùng bảy hổ con, bị đói khát, thân thể ốm gầy, hơi thở thoi thóp. Vị hoàng tử tự suy nghĩ: "Thời điểm xả bỏ thân mạng đã đến!"
Khi ấy, hoàng tử dũng mãnh phát nguyện, từ trên núi cao, nhảy xuống trước mặt hổ cái. Hổ cái thấy máu thịt trước mặt, liền bò đến ăn uống, chỉ còn dư lại xương cốt. Lúc ấy, đại vương Ma Ha La Đà cùng hoàng hậu biết được việc này, nên rơi lệ sướt mướt, và đồng mở chuỗi anh lạc, rồi cùng với đại chúng đến khu rừng tre, thâu lấy xá lợi, dựng tháp bảy báu, ngay tại nơi đây. Đó là nhân duyên về xá lợi trong đời tiền kiếp của Ta".
Đây là chỗ khác biệt về hành vi giữa Phật và chúng ta. Ngài xả bỏ thân mạng cho hổ; do chẳng chấp ngã tướng, nên trừ được ngã tướng, thì làm sao không thể thành Phật được?
Tôi rất xấu hổ, chạy ruỗi trong bao thập niên, chưa từng thiết tha, giải quyết nỗi khổ sanh tử, nên xả chấp không được. Chẳng cần nói xa, chỉ bàn về vọng tâm trong mười hai thời, gặp duyên thấy cảnh, xem coi có nhìn thấu hay không! Lúc trẻ, thường xách bị ra ngoài, cho đến hôm nay, mới biết là sai trái. Lúc nghe giảng kinh thuyết pháp, nếu lời hay tiếng diệu thì sanh tâm vui thích, nguyện muốn theo học. Nếu người giảng kinh tuổi tác nhỏ, hoặc giảng không đúng như pháp, thì khởi tâm khinh khi, cống cao ngã mạn. Đây là thói quen xấu xa, tập khí nặng nề. Nơi thiền đường, ngồi tọa hương, tâm tán loạn, khiến lãng phí thời gian.
Quý hòa thượng lên tòa thuyết pháp. Quý vị ban thủ tiểu tham cầm phất trần giảng pháp. Nếu giảng hay thì ngày ngày đều mong họ giảng. Nếu giảng không hay thì không thích nghe. Tự tâm mình sanh chướng ngại. Thật ra, người khác giảng hay hoặc dở, tôi cũng chẳng học được hay hành được gì, và đâu có can hệ chi. Suốt ngày, chỉ lo bàn tán khuyết điểm của họ. Tập khí này thật khó trừ. Trên khách đường, nhàn rỗi làm biếng, bàn tán sẽ đến nơi này trú qua đông, đến nơi kia trú qua hạ, cùng tới chỗ này chỗ nọ ăn cơm uống trà. Lại nữa, thường bàn việc tăng tục, như hòa thượng hay duy na chỗ này và chỗ kia, như thế này hay như thế nọ. Bàn tán những lời vô ích, rồi giảng giải những lời tu hành, thật rất giả dối.
Lại nữa, hai cửa ải danh và lợi cũng rất khó vượt qua. Chùa Thiên Ba tại Thường Châu, mỗi năm có phát tiền thưởng hai lần. Bình thường, mỗi lần trong chùa có pháp hội, mỗi thầy tại các hội đường, được lãnh mười hai xu, nhưng thầy trụ trì cất giữ hai xu, chỉ phát mười xu. Lạy Đại Bi Sám Pháp xong, mỗi thầy được phát sáu mươi xu, nhưng thầy trụ trì giữ lại mười xu, chỉ phát năm mươi xu. Đầu tháng giêng và đầu tháng bảy, mỗi thầy trong chùa được phát tiền thưởng đồng nhau, nhưng có người lại chê nhiều chê ít. Thật thế, cửa ải lợi lạc rất khó vượt qua.
Rằm tháng tám, vốn là ngày nhận lãnh chức vụ. Người khác phải mời mình trước nhất. Nếu không được mời hoặc chỉ được mời nhận chức nhỏ, thì xả bỏ không nổi. Đấy là không thể vượt qua cửa ải danh vọng. Vừa bàn về việc tu hành, vừa phải có chút danh lợi. Như thế, tu hành cái chi? Những việc này, phải nên quét sạch, dẹp bỏ từ từ. Lúc đối mặt với chúng, xả không nổi cũng phải xả.
Động đậy một chút là đã phạm quy củ của chư tổ rồi. Nghe qua lời dạy của thiện tri thức, chớ quên tỉnh giác chiếu soi. Phàm làm việc gì, phải nên hướng tâm vào đạo. Đạo tức là lý. Lý cũng là tâm. Tâm là gì? Tâm tức là Phật. Phật nghĩa là không tăng không giảm, chẳng phải xanh chẳng phải vàng, và chẳng phải dài hay ngắn.
Kinh Kim Cang nói: "Nếu thấy các tướng mà chẳng phải tướng, tức là thấy Như Lai".
Bước trên đường này, tức đi cùng thuyền với Phật. Dùng lý để đối trị sự. Nếu sự tình nào phóng xả không được thì phải dùng lý mà chiếu soi thì sẽ thành công.
Nếu hiểu rõ câu "tất cả tướng đều là hư vọng", thì thị phi phiền não từ đâu đến? Nếu muốn tu hành, những gì không vượt qua nổi, phải cố vượt qua. Phải giữ pháp tánh như như. Quý vị nên phấn chấn tinh thần.
Tổ Đạt Ma bảo:
- Hiểu tâm tông Phật, hạnh giải tương ưng, gọi đó là Tổ.
Hạnh giải tương ưng, tức là nói được thì làm được. Người xưa lắm khi nói được mà hành chẳng được, hoặc hành được mà nói chẳng suông. Thuyết nơi huệ giải của lý Bát Nhã. Hành tại thật tướng của lý thể. Cả hai đều viên dung vô ngại. Đó gọi là thuyết và hành đều trọn vẹn. Tiểu Thừa thiên chấp pháp thân Không-kiến. Tuy hành được, nhưng chưa phá tận hết phiền não hoặc nghiệp, nên chưa khai mở lý lẽ được. Vì vậy chưa đắc đến năm phẩm vị sau.
Giảng kinh đến nỗi chư Thiên rải hoa trời khắp đất, nhưng không thể hành được, nên chẳng thể đoạn hoặc, chứng thật tướng. Ngày nay, chúng ta nói thì nhiều, mà hành lại rất ít, nên thật rất khó chứng đạo. Lời nói vốn là văn tự Bát Nhã. Bàn luận từ địa vị phàm phu đến quả vị Phật, như thế nào đoạn hoặc chứng thật tướng? Làm sao siêu phàm nhập thánh? Khai mở toàn phần như thế nào? Lúc sắp chết, thân tâm rã rời, vì hằng ngày không chân thật hành trì, chỉ nói được mà làm chẳng được. Quy Sơn Cảnh Sách nói: "Bậc hiền sĩ trung lưu, phải luôn lưu tâm đến giáo pháp".
Chúng ta hành không được mà nói cũng chẳng xong. Cổ nhân nhất cử nhất động, trong ngoài đều như như, niệm niệm chẳng sai biệt, nên tâm khẩu tương ưng. Thói quen tật xấu của chúng ta rất nhiều; tuy muốn hàng phục nhưng không nổi, còn nói chi đến việc đoạn trừ, nên bị bao cảnh giới xoay chuyển. Tâm tư hoang mang, không đạt được lợi ích thiết thực. Muốn nói mà nói chẳng ra lời. Lúc khỏe mạnh, đàm luận giảng giải bao kinh luận, ngữ lục, điển chương. Lúc già yếu, tánh khí suy nhược, giảng đầu quên đuôi, giảng đuôi quên đầu; giảng giải mãi vẫn không xuôi. Đấy là hạnh giải chẳng tương ưng; nói lời trống rỗng, nên khổ đau suốt đời; mở miệng chẳng được, chưa biết sẽ đi về đâu. Chính tôi đã từng như thế. Một khi mộng mơ, chẳng biết vọng tưởng gì, chẳng có thể tự chủ chính mình. Lúc sanh tử đến, không thể dụng công nổi. Ngày ngày bị gió của ngoại cảnh thổi; chẳng lúc nào xả chấp hay tự chủ được. Giảng giải điều gì cũng thật vô dụng. Hôm nay, tôi sống thêm được vài ngày, thuyết vài lời cho quý vị nghe. Thật ra, chỉ là Bồ Tát bùn khuyên lơn Bồ Tát đất. Nếu quý vị hiểu rõ được những lời khuyến tấn này thì mới có ích lợi đôi chút. Việc cần thiết là chẳng nên để cảnh chuyển. Như mục đồng cầm roi, nếu trâu không nghe thì phải đánh cho vài roi. Nếu thường hàng phục tâm như thế, và công phu lâu ngày càng được thâm sâu, thì mới có tin tức lành.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.25/4/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
No comments:
Post a Comment