Thursday, 25 April 2013

Quán Thế Âm phát nguyện.



Quán Thế Âm Đấng mẹ hiền trên tất cả mẹ hiền, trên tất cả thánh nhân được tôn xưng là mẹ hiền. Quán Thế Âm, Danh hiệu của tình thương bao la không bờ bến, bao la rộng khắp cõi hư không. Quán Thế Âm, gắn liền với tim óc của nhân loại, của muôn loài chúng sanh. Với Quán Thế Âm nơi nào có khổ đau, nơi nào có tai nạn! Nơi đó phát ra tiếng niệm Quán Thế Âm chí thành và tha thiết thi nơi đó có Quán Thế Âm. Nơi đó được giải trừ tất cả khổ đau và tai nạn!. Danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm trong nhân loại ai cũng đều biết đến, cũng đều niệm khi có tai nạn hiểm nguy và ách nạn khủng khiếp. Ngoại trừ hạng người sanh ra nơi biên địa, hoặc căn trí quá tối tăm, hoặc tín ngưỡng tà đạo, mê muội với thần quyền hữu danh mà vô thực. Hoặc là hạng người đã bán rẽ Mẹ Cha tôn thờ xác ma chết treo đầy quái gỡ làm cứu cánh. Vì chính họ đã chối bỏ Quán Âm thì Quán Âm không giao cảm đến. Tuy nhiên hạng người đó biết hồi tâm trong khoảnh khắc thì Quán Thế Âm vẫn thị hiện để hóa độ.
* Ý Nghĩa Quán Thế Âm Bồ Tát
Quán là quán xét, thấy nghe, biết đối tượng thật rõ ràng. Thế là cõi đời, cỏi hữu tình thế gian. Âm là tiếng niệm, tiếng kêu cứu, tiếng cầu nguyện từ mọi nơi đau khổ phát ra.
Bồ tát là độ thoát cho loài hữu tình, cứu thoát, giác ngộ cho tất cả các loài chúng sinh có tình cảm được vượt thoát ra khỏi khổ đau ách nạn. Đức Bồ tát Quán Thế Âm, đạt được diệu quả Nhĩ Căn Viên Thông nên quán xét và nghe, thấy, biết cùng tột tiếng kêu đau khổ khắp cõi thế gian, hiện ngay nơi đó để cứu độ chúng sanh được vượt thoát tất cả những hiểm nguy nên gọi là Quán Thế Âm. Do công hạnh cứu độ tự tại nhiệm mầu đó, nên trong kinh điển còn gọi là Quán Tự Tại Bồ Tát. Quán Thế Âm, tiếng Phạn Avalokitesvara, nghĩa là, Ngài nghe tiếng kêu thầm kín thiết tha từ tâm khảm chúng sanh trong thế gian mà đến cứu khổ. Đem an lạc từ bi tâm vô lượng không phân biệt dến với mọi loài, nói cách khác là tình yêu thương trìu mến vô biên gấp muôn vạn lòng dạ của bà mẹ hiền ở thế gian đối với đứa con cưng, nên gọi là Từ mẫu Quán Thế Âm.
* Quán Thế Âm Vô Úy
Kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn: "Bồ tát đối với cấp nạn nguy hiểm, kinh sợ, còn ban cho chúng sanh năng lực Vô Úy để tự vượt thoát khổ ách", nên gọi là Quán Âm Vô Úy.
* Sự Tích Bồ tát Quán Thế Âm
Đức Phật Bổn Sư Thích Ca khi nói kinh Bi Hoa đã dạy rằng: Về thời quá khứ lâu xa về trước, đức Quán Thế Âm làm thái tử con của vua Vô Tránh Niệm. Thời bấy giờ có đức Phật hiệu là Bảo Tạng Như Lai, hiểu được đạo lý vô thượng, Vua và Thái tử phát tâm Bồ đề rộng lớn, nguyện tu các hạnh Bồ tát, mong thành Phật quả để phổ độ chúng sanh. Khởi đầu đức Vua và Thái tử làm người thí chủ chân thành cúng dường các thứ y phục, thuốc men, vật thực, mùng mền và tất cả các món cần dùng lên đức Bảo Tạng Như Lai và chúng tăng trong suốt 3 tháng. Nhờ nhất niệm tinh chuyên, tinh tấn không ngừng, vua Vô Tránh Niệm chứng thành quả Phật và phát 48 lời thệ nguyện rộng lớn để tế độ khắp cả chúng sanh, Ngài liền thành Phật hiệu là A Di Đà, giáo chủ cõi Tây phương Cực Lạc. Thái tử công hạnh cũng tròn đầy viên mãn cũng về cõi Cực Lạc thành bậc đại Bồ tát hiệu là Quán Thế Âm cùng với Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sanh về cõi Cực Lạc.
* Công Hạnh Bồ tát Quán Thế Âm
Ngài Huyền Trang pháp sư đời Đại Đường nói: "Quán Có, mà không trụ nơi Có, quán Không mà không trụ nơi Không. Nghe Danh, mà không lầm đối với Danh, thấy Tướng mà không chìm ở nơi Tướng. Tâm, không động ở Tâm. Cảnh không trước ở cảnh; tất cả hiện hữu đó, không làm loạn được Chơn, đó chính là Trí Tuệ Vô Ngại. Bồ tát Quán Thế Âm đã dùng Trí Tuệ Vô Ngại đó mà tìm tiếng kêu của chúng sanh ứng hiện tới mà cứu khổ, dù muôn ngàn vạn ức tiếng kêu cầu cứu khổ mà sự cứu khổ không mất thời gian, diệu dụng của Quán Thế Âm là như thế. Lại nữa, trong Nhị Khóa Hiệp Giải viết rằng: "Quán, là Trí năng quán, Thế Âm, là Cảnh sở quán. Muôn ngàn hình tượng, muôn ngàn thứ tiếng chen nhau giao động, khác biệt, cách trở điệp điệp trùng trùng, do lòng từ rộng lớn vô biên của Ngài cùng một lúc đều được cứu độ, nên danh hiệu là Quán Thế Âm.
Thái Hư đại sư khi luận về Kinh Pháp Hoa có nói đến hạnh nguyện cứu khổ của Bồ tát Quán Thế Âm như sau: "Đức Quán Thế Âm tìm nghe tiếng cầu cứu thống khổ của tất cả chúng sanh khắp mọi nơi, mọi chốn liền ngay khi đó đến mà cứu độ, quả vị lợi tha vô lượng vô biên luôn luôn hướng về chúng sanh và làm những việc lợi ích cho họ. Bồ tát thị hiện đầy đủ ba thân, đó là Thắng Ứng Thân, Liệt Ứng Thân, Tha Thọ Dụng Thân, nên mới đủ diệu dụng độ khắp chúng sanh trong pháp giới.
Còn Đại Thừa Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, toàn phẩm kinh Đức Thích Ca đã khuyên dạy chúng sinh trì tụng, lễ bái Quán Thế Âm thì được phước vô lượng. Về phương diện cứu khổ, Bồ tát Quán Thế Âm thị hiện 32 thân, mỗi thân đều thích ứng với tâm cảnh hiện tại và từ đó có muôn ngàn phương tiện để giải thoát khổ nạn cho chúng sanh.
* Bồ tát Quán Thế Âm thị hiện bằng cách nào trong khi có vô số chúng sanh cầu cứu cùng một lúc?
Đây là một nghi vấn chung vì chúng ta chưa thông hiểu được nghĩa diệu dụng hiện thân mầu nhiệm của Bồ tát Quán thế Âm. Đã là diệu dụng nhiệm mầu, thì thử hỏi ngôn ngữ trong cõi nhân loại chúng ta có thể diễn đạt được sao? Nếu, không dùng phương tiện mượn Sự, mượn Lý, mượn Hình để tỉ dụ thì khó có thể mô tả so sánh cho thông suốt và hết ngờ vực được. Nghi ngờ là một cản trở lớn cho lòng chí thành vậy. Tuy nhiên nghi ngờ mà cầu học để giải trừ tà kiến là một tinh tấn để mau chóng đến bờ giải thoát.
Diệu Dụng Mầu Nhiệm của Bồ tát là tất cả các thứ Sắc Pháp và Tâm Pháp "Có, Không. Danh, Tướng. Tâm, Cảnh. Năng, Sở...cho đến xa, gần, dày, mỏng, tối, sáng, nhiều, ít v.v... tất cả đều không chướng ngại, quí vị nhận định thí dụ sau đây: Diệu dụng cứu khổ của Quán thế Âm, tỉ như ánh sáng của Thái dương (dụ cho thường quán) luôn luôn soi chiếu khắp mọi nơi, (dụ cho sự thường trực tìm tiếng kêu). Chúng sanh như là một tấm kiếng hay là một chén nước trong, tấm kiếng hay chén nước nếu chịu hướng về ánh sáng Thái dương, thì trong tấm kiếng, chén nước có hình ảnh và ánh sáng của Thái dương (sự hướng về dụ cho lòng chí thành) ngời sáng trong đó. Ánh sáng dù luôn chiếu soi, mà tấm kiếng úp lại, chén nước thì đậy kín, nhất định hình ảnh Thái dương và ánh sáng không thể hiển hiện trong đó được. Cũng vậy chúng sanh không tha thiết chí thành, như đứa con hoang nghịch cố trốn tránh sự tìm kiếm của Mẹ hiền, sự gặp mặt tất còn lâu xa.
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.25/4/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment