“Biển khổ mênh mông sóng ngập trời,
Khách trần mãi thả chiếc thuyền trôi,
Thuyền ai ngược gió hay xuôi gió,
Ngẫm lại cùng trong biển khổ thôi”.
Kinh Nghiệp báo sai biệt nói: “Chúng sinh chịu bức não trong cảnh luân hồi sinh tử, nếu đem xương của họ mà chất đống lại thì còn quá hơn núi Tu-di muôn vạn dặm; nếu đem nước mắt của họ đã khóc vì chịu sự bức não ấy mà dồn lại thì còn quá hơn nước bốn biển đại dương”. Khách trần mãi thả chiếc thuyền trôi,
Thuyền ai ngược gió hay xuôi gió,
Ngẫm lại cùng trong biển khổ thôi”.
Tương tự, Đại sư Tỉnh Am trong văn Khuyến phát Bồ-đề tâm cũng nói: “Nghiền cõi Đại thiên làm bụi nhỏ, cũng không bằng số thân ta ra vào sinh tử. Dòng nước trong bốn biển lớn cũng không nhiều bằng nước mắt mà ta đã khóc vì cảnh biệt ly. Thịt xương chồng chất ngổn ngang hơn núi cao; xác chết đầy dẫy nhiều hơn quả đất”.
Khổ ấy không những diễn tiến hằng ngày trong từng giờ từng phút, mà nó ngấm ngầm ngay cả trong từng sát-na, hơi thở. Ngấm ngầm từ thân đến tâm, từ thô đến tế, từ cạn đến sâu; từ cõi Dục đến cõi Vô sắc. Hễ sát-na nào con người (chúng sinh) chưa thoát khỏi ba cõi thì con người chưa hết khổ. Do vậy mà kinh Pháp Hoa nói “ba cõi không an như nhà lửa”.
Riêng ở phạm vi con người, khổ tuy có nhiều mà tựu trung không ra ngoài tám loại chính, đó là: Khổ vì sinh (sinh khổ); khổ vì già (lão khổ); khổ vì bệnh (bệnh khổ); khổ vì chết (tử khổ); khổ vì điều yêu thích bị xa lìa (ái biệt ly khổ); khổ vì điều mình mong cầu mà không được đáp ứng (cầu bất đắc khổ); khổ vì điều mình căm ghét phải đối mặt (oán tắng hội khổ) và khổ vì sự thịnh suy bất thường của thân năm uẩn (ngũ ấm xí thạnh khổ hay ngũ uẩn khổ).
Bốn khổ trước thuộc sinh lí; ba khổ tiếp theo thuộc tâm lí và khổ cuối cùng chung cho cả tâm và sinh lí. Tôi xin miễn giải thích tám khổ này, vì theo tôi, chúng không ra ngoài ý nghĩa của ba khổ: Khổ khổ, Hoại khổ và Hành khổ mà tôi sẽ giải thích ở dưới. Vì toàn bộ nỗi khổ (Khổ uẩn) đều được bao hàm trong đó, mà ba độc Tham, Sân, Si là nội dung chủ yếu. Bởi vậy, trong suốt 45 năm thuyết pháp, chủ đích của đức Phật không gì hơn là muốn cho con người được diệt trừ ba độc ấy. Và hẳn nhiên ý nghĩa của chúng cũng không ngoài liên hệ mật thiết với bốn hành tướng mà như tôi vừa nói. Bây giờ tôi nói về ba khổ, trước hết là Khổ khổ.
Khổ khổ, phải chăng là chỉ khổ này chất lên khổ nọ? Đúng! Nhưng khổ chồng chất đó có phải là những cảnh thông thường như đau đầu, nghẹt mũi, thời tiết nóng, lạnh, nghèo đói… hay không? Chưa hẳn! Và cũng có nghĩa là không, nếu những cảnh ấy không có mặt cảm thọ khổ của con người; thì chúng vẫn hoàn toàn không nằm trong ý nghĩa của Duhkha. Bởi như trước tôi có nói, chúng chỉ là hệ quả tất yếu của Nghiệp, tức mới chỉ là điều kiện bên ngoài, nên chưa có gì gọi là khổ vui cả.
Những tâm lý khổ chồng chất mà con người cảm thọ đối với thân vật lý và môi trường sống. Khổ này rất dễ thấy: Thân đang bị bệnh, nếu như tôi nhận thức rõ bệnh là một quy luật không ai tránh khỏi rồi tôi biết tự tại thì tôi chẳng có gì khổ. Nhưng sở dĩ tôi khổ là vì tâm tôi đối với cơn bệnh, không rõ được nó chỉ là giả tạm rồi sinh ra lo sợ (khổ): lo sợ một phần vì nó hành hạ, một phần vì không có tiền chữa trị. Cộng thêm lúc ấy không may, nhà lại bị cháy, tôi phải lo nữa. Lo nhà cháy chưa xong, thì nghe thêm người thân của mình bị tai biến, thì tôi cũng gánh thêm một nỗi lo nữa. Vân vân và vân vân. Nói tóm là, nếu tôi đối với thân vật lý và môi trường sống, mà sinh ra cảm thọ lắm khổ, thì gọi là Khổ khổ.
Hoại khổ cũng như vậy. Mọi sự mọi vật theo luật vô thường, chuyển biến liên tục không bao giờ ngừng nghỉ, nhất là chúng thay đổi mau chóng. Con người do không rõ được lẽ vô thường sinh diệt đó, lại sinh ra mê đắm. Đến khi chúng thay đổi đột ngột, không đáp ứng được lòng mong muốn thì sinh ra khổ. Khổ này do cảm thọ vui mà có.
Trước hết là tham: Tham là gì? Là tham lam, ham muốn. Tham có khổ không? Tham cũng còn gọi là Ái hay Tham ái. Ái có ba loại là Dục ái (ưa thích các dục), Hữu ái (ưa thích sự hiện hữu) và Vô hữu ái (ưa thích sự không hiện hữu). Riêng với con người thì phần nhiều chúng ta tham đắm Dục ái nhiều hơn hai ái kia. Dục ái cũng có rất nhiều thứ: tham tiền của, tham ăn ngon mặc đẹp; tham danh, tham lợi... nhưng tựu trung không ra ngoài năm món: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Chính năm món dục lạc này khiến con người tham đắm không biết mệt mỏi, nên trong kinh đức Phật thường ví lòng tham như rắn độc: năm món dục lạc như rắn độc. Do đó, người tu hành muốn giải thoát, thì phải dùng móc câu mà móc nó ra, đừng để cho nó ngự trị.
Tôi nói tiếp đến Sân: Sân là gì? Là tâm lý bực bội, căm thù hay tức giận. Tâm lý này rất dễ thấy, vì nó thường được biểu lộ ở nơi thân và miệng. Biểu lộ thế nào? Thì ở nơi sắc mặt cau có, lời nói hung dữ chứ đâu! Nói thế này rõ hơn: lên tiếng mắng chửi thô ác, là sân! Chân đá đồ đạc, là sân! Tay cầm dao gậy đánh đập, là sân! Nhưng đó mới chỉ là những biểu hiện bên ngoài của thân và miệng. Còn đối với ý, thì chính lòng sân nuôi dưỡng mối thù hận từ đời này sang đời khác. Và tác dụng của Sân là bốc nóng như lửa dữ, có thể làm thiêu cháy tất cả, dù chỉ trong một niệm. Vì vậy ở trong kinh đức Phật thường ví lòng Sân như lửa dữ. Do đó Ngài thường khuyên những người tu hành không nên nuôi dưỡng tâm sân hận, dù chỉ trong chốc lát.
Cũng vì Sân mà đã có biết bao cảnh cha xa con, vợ xa chồng, anh xa em! Nhất là những cảnh tan nhà, nát cửa; chiến tranh, thù hận... chẳng phải xuất phát từ Sân đó sao? Lòng Sân này, nếu nói rộng ra, thì từ một ý niệm thù hận dẫn đến những hành động như xô xát, đánh nhau, chia bè, kết đảng để gây chiến tranh, khủng bố... tất cả đều từ Sân mà ra cả. Thế nên, hễ ai nuôi dưỡng sân hận bao nhiêu thì người đó càng khổ bấy nhiêu. Và cảnh giới của Sân hướng đến không ra ngoài ba đường ác là địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ; mà nặng hơn hết là địa ngục.
Nhưng phân tích như trên là để dễ thấy, chứ thật ra Tham và Sân chỉ là một, do đây chỉ là hai mặt phản nghịch trong cùng một tâm lý: đó là Ái (thích, yêu thích). Vì sao? Vì khi ta ái một cái, nếu cái đó thuận với ta thì ta trở nên ham thích (Tham), mà cái gì không thuận với ta thì tâm lý ta trở thành bực bội, tức giận (Sân). Đói bụng, đang cần ăn, mà có người đem cho một cái bánh, thì ta rất vui. Nhưng có ai đến cướp đi, thì ta tức lắm. Vì sao ta vui, vì sao ta tức? Là vì ta đang ái cái bánh chứ đâu. Nếu ta đối với cái bánh không ái, thì vẫn mặc kệ: không tham dù có ngon đến mấy; không sân dù có bị giựt đi. Thì có cũng được, không cũng được, có gì đâu mà ta phải buồn, vui!.
Thế nên biết, vì có Ái nên mới có Tham (vui) Sân (buồn); nếu không có Tham, Sân thì cũng không có Ái. Nên Tham và Sân chỉ là một, đều là sản phẩm của Ái cả. Song vì xét trên mặt tướng trạng và tác dụng của tâm lý, nên Tham và Sân có sai khác. Từ ý nghĩa đó mà ở đây tôi muốn nói, Tham và Sân luôn là đề tài muôn thuở của nhân loại. Những chuyện trào phúng về Tham Sân mãi mãi là những đề tài lôi cuốn.
Si có nghĩa là gì? Si, theo Duy thức học định nghĩa là “bất năng kham nhậm vi tánh”. Tức tính chất của Si là không có khả năng nhận biết được thực tại đúng như thật của sự vật. Một danh từ khác là Vô minh, tức chỉ sự mê mờ, không có trí tuệ... Nói cách khác, Si là không thấy tướng đúng như thật của các sự vật. Si luôn luôn có mặt trong mọi nguyên nhân đưa đến Khổ. Nơi nào có sự hiện hữu của Khổ là nơi đó có mặt của Si. Nói hẹp hơn, thì trong Tham có Si mà trong Sân cũng có Si. Vì sao? Vì như định nghĩa, là do bất năng kham nhậm! Sự vật đúng như tính cách của nó, nhưng con người vì không nhận biết đúng như thật, nên lại khởi Tham, Sân. Do vậy, Tham và Sân cũng là Si.
Khổ của Si như thế nào? Thì cũng như Tham và Sân thôi, chỉ sai khác đôi chút ở phần tướng trạng. Tướng trạng của Tham và Sân là thường lấy thân và miệng làm chỗ phát động, còn Si thì luôn có mặt trong toàn bộ cả ba Nghiệp thân, miệng và ý. Vì tính chất của Si như vậy nên khổ của tâm lý này rất nặng: “Cái khổ của con lừa, con lạc đà chở nặng; cái khổ của kẻ trôi lăn trong sáu nẻo chưa gọi là khổ. Ngu si không nhận chân được thực tại, không biết được hướng đi mới thật là khổ”. Có lẽ để dễ thấy hơn về khổ của tâm lý này, chắc tôi lại phải mượn đến chuyện nữa rồi.
Hành khổ là gì? Là như trong kinh, Phật dạy: Hễ cái gì có hình tướng đều là giả dối (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng). Bất luận cái gì cũng đều theo luật vô thường mà bị hư hoại, nhưng con người do chấp đắm vào sự hư hoại đó, nên khổ. Đây chính là khổ do không nhận chân được sự biến dịch, sinh diệt của các sự vật hiện tượng trong từng sát-na. Khổ này cũng tương tự như Hoại khổ, vì đều nói về khổ do không rõ được lý vô thường, biến diệt. Nhưng có sai khác ở chỗ: Hoại khổ là khổ do không thấy được sự vô thường biến đổi mau chóng của các sự vật hiện tượng. Còn Hành khổ là khổ do không nhận chân được sự vô thường biến diệt của các sự vật hiện tượng trong từng sát-na. Khổ này thuộc cảm thọ không khổ không vui, mà Tham Sân Si cũng là nội dung chính.
Có lẽ để dễ hiểu hơn về Hành khổ, tôi cũng xin giải thích một chút cái gọi là “Hành” trong ý nghĩa của Khổ này. Sao gọi là Hành? Chữ Hành, trong Ngũ uẩn vô ngã có hai nghĩa, là Thiên lưu và Tạo tác. Thiên lưu là sự biến dịch, trôi chảy của các sự vật hiện tượng như dòng nước, không đứng yên một chỗ. Tạo tác là chỉ cho hành động của thân, miệng và ý. Nói cách khác, Hành, đứng về mặt thời gian mà nói, tức là sự vô thường sinh diệt của các sự vật hiện tượng. Còn đứng về mặt không gian, thì Hành chính là nói các sự vật hiện tượng đều do nhân duyên hoà hợp mà tạo thành.
Như vậy, Hành là gì? Là vô thường. Thế thì Hành khổ là gì? Là khổ do không nhận chân được quy luật vô thường. Có một điều mà chúng ta thường lầm tưởng rằng, mọi sự mọi vật đều như đứng yên một chỗ, không thay đổi: Sông kia, núi nọ... ngày nào tôi cũng thường thấy như thế, có gì là thay đổi đâu? Nhưng tôi đâu biết, cái mà tôi thường thấy không thay đổi ấy, chính nó đã tự biến diệt trong từng sát-na, hơi thở! Như thế chẳng phải là ý nghĩa của vô thường sao?
Vậy Vô thường là gì? Câu trả lời thật đơn giản: là không thường. Tất cả mọi sự mọi vật, theo đức Phật không ra ngoài bốn yếu tố chính là Thân (thân thể), Thọ (cảm giác), Tâm (tâm lý) và Pháp (tất cả sự vật, hiện tượng). Nhưng tất cả chúng không có gì gọi là thường cả. Mà trong từng sát-na, chúng luôn luôn thay đổi theo tiến trình hình thành, tồn tài, thay đổi và biến mất chứ không đứng yên một chỗ.
Thân có vô thường không? Không, sao ngày hôm qua tóc hãy còn xanh mà nay đã bạc! Da ta không vô thường à? Không, sao lúc trẻ ở tuổi hồn xuân phơi phới da hãy còn láng mịn mà nay đã nhăn! Các chức năng khác thì sao? Thì cũng thế thôi. Thử xem có bộ phận nào trong cơ thể ta mà không bị luật vô thường chi phối đâu?
Thọ (cảm giác) không vô thường à? Có chứ: vừa nảy mới vui thì nay đã buồn. Ngày hôm qua còn hạnh phúc sống trên nhung lụa mà nay đã khổ vì thiếu áo cơm! Trong một ngày, cảm giác của ta thay đổi bao nhiêu lần như thế? Khó mà nói cho cùng được. Như vậy, Thọ chẳng phải vô thường là gì?
Tâm có vô thường không? Thì cũng tương tự như thọ thôi, vì tâm là gốc của thọ! Trong đầu ta, chỉ thoáng một chốc mà ý niệm thiện chưa dứt thì ý niệm ác đã khởi, chuyển biến liên tục, không bao giờ ngừng nghỉ. Ý niệm bố thí cho người khác chưa kịp khởi lên thì ý niệm tiếc của đã xuất hiện. Như vậy, tâm chẳng phải vô thường sao?
Còn pháp? Pháp có vô thường không? Muốn hiểu được vô thường của “Pháp”, có lẽ ở đây, ta cũng cần hiểu ý nghĩa của nó trước. Vì tương tự như Hành, chữ Pháp có nghĩa rất rộng. Pháp theo Duy thức học có nghĩa là “nhậm trì tự tính quỹ sinh vật giải”. Đại để: cái gì giữ được tính chất và mô thức một cách hồn nhiên như chính tự nó, có thể làm phát sinh ra sự nhận biết đối với loài hữu tình, thì cái ấy gọi là Pháp. Như viên đá, mô thức của nó là tròn (hoặc hơi méo), tính cách của nó là cứng... Nhờ tính cách và mô thức đó mà ta có sự nhận biết về viên đá. Nói rộng ra, những gì làm cho ta phát sinh sự hiểu biết, thì chúng đều gọi là Pháp. Kể cả những khái niệm như lông rùa, sừng thỏ; cái đầu thứ hai, cánh tay thứ ba (của con người)... là những thứ không có thật trên cuộc đời mà ta suy nghĩ tới cũng đều gọi là Pháp.
Nói chung, chữ Pháp ở đây bao hàm ý nghĩa cả sự vật cụ thể lẫn tâm lý trừu tượng. Hay chữ Pháp trong trường hợp này cũng có nghĩa là Hành như vừa nói vậy. Nhưng pháp gì đi nữa cũng không ra ngoài quy luật vô thường, biến hoại đó. Biển có vô thường không? Có chứ: Nước biển bốc hơi, chuyển động liên tục, thủy triều lên xuống, lúc đầy lúc vơi – “thương hải biến vi tang điền”. Sông núi không vô thường à? Không sao được: “nước chảy đá mòn” và nắng gắt thì sông phải cạn! Ngay cả những vật mà ta thường cho là bất di bất dịch như kim cương đi nữa cũng phải chịu sự vô thường như thế. Vậy vạn sự vạn vật có cái gì không “vô thường” đâu?
Như vậy, vô thường là nguyên lý phổ biến chung cho tất cả. Nó là nhân tố đưa đến đau khổ, vì vậy ở trong kinh Phật thường dạy vô thường đồng nghĩa với khổ. Thế nên vô thường mới là ý nghĩa đích thực của Khổ – Hành khổ. Vâng, thực chất của vô thường không khổ. Nhưng con người vì mê lầm, chấp nó là thường nên khổ; như sự lầm chấp của vua mà ta vừa thấy. Do vậy mà vô thường mang nghĩa khổ. Điểm này ta thường bắt gặp ở trong nhiều kinh, Phật hay hỏi các đệ tử “cái gì vô thường là khổ hay vui?” và được họ trả lời “vô thường là khổ”. Nhưng vô thường cũng là vui, vì vô thường là thường, điểm mà vị quan kia cười khi muốn chỉ cho vua. Tính chất này tuy không có gì xa lạ lắm nhưng lại có thể ít ai để ý.
Nhưng nói thế là Phật giáo đã cùng quan điểm với một trong 62 triết thuyết của ngoại đạo, chấp mọi sự mọi vật là thường sao? Không. Phật giáo chẳng bao giờ chấp một cái gì cả, vì còn chấp là chưa thể giải thoát. Mà ở đây, ý tôi muốn nói: vị quan kia đã biết tự tại. Tự tại nhờ đã thấy được một phần của chân lý, tức sự vận hành của mọi sự mọi vật trong vũ trụ.
Phân tích như trên là để dễ thấy, chứ thật ra khổ của con người không ngoài do chấp năm uẩn, tức chấp năm nhóm Sắc (thể chất), Thọ (cảm giác), Tưởng (lý trí), Hành (ý chí), Thức (nhận thức) làm ta, làm của ta (chấp ngã). Năm uẩn này gồm hai thành phần chính: Sắc thuộc vật lí và Thọ, Tưởng, Hành, Thức thuộc tâm lí. Chính năm yếu tố đó tạo thành con người và thế giới. Hay nói cách khác, con người và thế giới không ra ngoài sự kết hợp của Năm uẩn.
Nhưng năm uẩn như thế có gì khổ đâu, sao nói chúng là khổ? Vâng, cũng như vô thường, thực chất của năm uẩn không khổ, song vì sự lầm chấp của con người cho nên chúng mang nghĩa khổ. Vì sao? Vì chúng là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau và luôn chịu sự chi phối của luật vô thường, biến thoại. Vì chịu sự vô thường, biến hoại nên ở trong đó ta không thể tìm thấy có cái gì gọi là thực thể tồn tại độc lập.
Không có một thực thể độc lập thì chúng chỉ như sương mai, như sấm chớp, như hoa đốm, như mộng, như huyễn hoá, như bọt nước, như bong bóng nước... tất cả đều mau chóng tan rã. Như thế thì trong đó cái gì gọi là ta, là của ta? Do không thấy rõ như vậy nên con người cứ bám víu lấy năm uẩn, chấp năm uẩn làm ta, làm của ta, nên khổ. Thì cũng như cái hoa đấy thôi! Thực chất của nó có gì là mê, là khổ đâu? Nhưng vì con người không thấu rõ nó chỉ là giả tạm, phải chịu sự vô thường biến hoại, lại sinh ra mê đắm, nên nó mang nghĩa khổ.
Thì ra, hoa không làm mê người, mà chỉ tại người tự mê hoa, nên khổ đấy thôi! Năm uẩn cũng như vậy. Bởi thế ở trong một số Kinh có tên gọi là năm Thủ uẩn hay năm Thọ uẩn. Từ những tên gọi này mà năm uẩn cũng có các ý nghĩa khác như: năm uẩn là vị ngọt hấp dẫn, là gánh nặng, là sinh y (chỗ nương dựa cho một đời sống), là ma, là kẻ sát nhân thù địch, là rắn độc, là gai nhọn, là lửa dữ... Tất cả những từ này đều để chỉ cho sự chấp thủ đó.
No comments:
Post a Comment