- “ Biết vọng không theo” có phải là một pháp tu tốt không?- Đó là một pháp tu tốt.- Ông nghĩ thế sao?- Vậy ý ông thế nào?- Có người cho rằng “biết vọng” thuộc về nhị nguyên đối đãi, khi hết vọng thì chân hiện, nhưng “chân” đó cũng vẫn là nhị nguyên đối đãi.- Điều này cũng không sai.- Ông làm tôi thật khó hiểu?- Ông nên biết chân tâm vì vô minh nên có vọng động; vì vọng động mà sinh ra cái thấy; rồi từ cái thấy lại sinh ra cái bị thấy. Duy Thức Học gọi đó là Tự Chứng Phần, Kiến Phần và Tướng Phần. Kể theo thứ tự thì như vậy, nhưng chúng đồng thời xuất hiện một lúc. Khi đã có cái thấy và cái bị thấy thì đồng thời lại có cái phân biệt, tức Ý thức. Có phân biệt thì có yêu ghét, có chấp ngã, đây là Mạt na thức. Có yêu ghét, chấp ngã thì có chiếm đoạt hay loại bỏ và gây ra nghiệp, tức Ái-Thủ-Hữu trong Thập Nhị Nhân Duyên. Vọng có là do tâm phân biệt mà ra, và như vậy là vấn đề đã được giải quyết.- Xin ông nói rõ.- “Biết vọng không theo” khiến cho con khỉ Ý Thức tạm không còn phân biệt, để tâm lắng yên, không còn yêu ghét, chấp ngã (Mạt Na). Không còn yêu ghét thì nghiệp tạm lắng dừng và trí tuệ bừng sáng để dẫn dắt cho ta con đường kế tiếp. Đó là một trong các pháp tu dễ dàng và an toàn.- Như vậy không phải hết vọng là xong hay sao?- Chắc ông muốn trở lại câu hỏi của ông lúc nãy là “Hết ‘vọng’thì ‘chân’ hiển bày, và ‘chân’ này cũng còn trong vòng nhị nguyên đối đãi?- Vâng, chính vậy.- Như tôi đã trình bày ở trên, từ vô minh sinh ra vọng động; từ vọng động sinh ra cái thấy và cái bị thấy; từ đó lại sinh tâm phân biệt, yêu ghét rồi vọng tạo nghiệp để vọng trôi lăn trong dòng sinh tử không bao giờ dứt. Bây giờ muốn trở lại bản tâm chân thật thì chúng ta phải đi ngược chiều. Nghĩa là chúng ta “buông vọng”; hay nói một cách khác, chúng ta chỉ là nhân chứng khi nhìn ‘vọng tưởng’ hiện rồi tan , tan rồi hiện để không còn tâm phân biệt (Ý thức), và do đó tâm yêu ghét, chấp ngã (Mạt Na Thức) cũng phải bào mòn. Để về tới đích thật sự (Phật thừa) thì chúng ta còn phải đi tiếp những đoạn đường khác, nghĩa là cái thấy, cái bị thấy, cái vô minh ban sơ cũng là huyễn để trở về ngã không, pháp không hầu thể nhập Chân Không Diệu Hữu.
- Như vậy thì chúng ta không nên tu theo pháp “Biết vọng không theo”?- Ông chớ mê ngủ. Trừ những bậc lợi căn hay những Đại Bồ Tát có thể vượt qua những thứ lớp tu hành, còn chúng ta là phàm phu thì phải đi những bước đầu. Hãy tập bò, tập đi trước khi nói đến chạy nhảy. Phải biết “biết vọng” là tỉnh, “không theo” là giác đó.
- Vậy tu theo pháp nào là hay nhất?- Đó là pháp nào làm ông an lạc, thoải mái và tiến bộ… Chư Phật và Chư Tổ đã vì chúng sanh mà phương tiện chỉ ra muôn pháp, ông hãy tự chọn cho mình.- Những điều ông nói ở trên có cơ sở gì không?- Ông hãy tìm kinh điển của Phật, luận giải hay ngữ lục của chư tổ mà đọc, và tìm chư tăng ni, các thiện tri thức mà hỏi. Phật pháp của tôi thật ít, tôi vẫn còn đang học hỏi. Nếu có gì hay, xin được học hỏi nơi ông.- Tôi có hai câu hỏi xin được ông giải đáp.- Thứ nhất, có người cho rằng “Biết vọng không theo” vẫn còn trong vòng nhị nguyên đối đãi, không phải là một pháp tu rốt ráo. Thứ hai, có người lại cho đó là một pháp tu rốt ráo. Vậy ông nghĩ sao? - Có người đã hỏi tôi câu thứ nhất và tôi đã trả lời, vậy nay tôi hỏi ông thế nào là “vọng”?- Những gì hiện ra trong đầu trong lúc tôi ngồi thiền đó là vọng, không thật có.- Tại sao ông cho rằng nó không thật có?- Vì nó thay đổi luôn, có đó rồi lại mất đó.- Vậy cái thân xác của ông thế nào?- Nó duyên hợp, huyễn có, còn đó rồi mất đó, cũng là vọng có, vọng tan.- Thế còn những sự vật chung quanh ông thì sao?- Chúng vô thường, cũng là vọng có, vọng hoại, vọng tan.- Vọng do đâu mà có?- Do tâm phân biệt.- Tại sao có tâm phân biệt.- Tại có cái thấy và cái bị thấy.- Như vậy là do có ngã và nhân phải không?- Chính vậy.- Vậy ngã và nhân do đâu mà có.- Chính do vô minh mà ra.- Vô minh thật có hay cũng chỉ là huyễn.- Chúng cũng là huyễn, do bất giác mà ra.- Nếu hết vô minh thì cái gì hiện tiền.- Đó chính là chân tâm.- Ông nói đúng lắm. Chân tâm chính là Bộ Mặt Thật Xưa Nay của chúng ta, vốn không có ngã nhân, thị phi và nhiễm ô. Nó thường hằng, tịch lặng mà luôn chiếu soi. Nói một cách khác, nó không động mà hằng biết tất cả.
Nếu ông nhìn “vọng” theo nhị nguyên đối đãi, thì hết “vọng” là “chân”. “Chân” đó cũng thuộc nhị nguyên, cũng là vọng luôn. Nếu cho đó là pháp duy nhất để theo đuổi đến cùng thì bỏ bên này lại vướng bên kia, đó không phải là trung đạo. Tuy nhiên, nếu biết đó chỉ là phương pháp tu tập ban đầu thì có lợi chứ chẳng hại gì. Phương pháp này giúp ta an định được tâm và khiến ta tỉnh giác. Như vậy tôi đã trả lời ông câu hỏi thứ nhất.
Về câu hỏi thứ hai thì như ông đã nói “vọng” vốn là không, cái biết và cái bị biết cùng vô minh cũng chỉ là huyễn khởi thì hãy buông tất cả một lúc. Buông tất cả thì lúc đó ngã cũng không mà pháp cũng không, vô minh cũng không, để trở về với chân tâm tịch lặng chiếu soi, hay trở về với Chân Không Diệu Hữu mà chúng ta đã quên đi trong vô lượng kiếp.
- Cái thân xác tôi đây vẫn còn và cảnh chung quanh vẫn có như thật thì sao tôi buông bỏ được?- Ông đã biết thân và cảnh đều là huyễn thì còn chú ý gì tới nó nữa chứ. Hãy buông, buông hết. Nếu không buông được thì hãy trở về với pháp tu thứ nhất như ông đề cập, rồi quán sâu về thân tâm và cảnh như huyễn cho thuần thục. Khi đủ cơ duyên thì ông có thể quay sang cách thứ hai. Tuy nhiên điều này không phải một sớm một chiều mà được đâu. Tuy nhiên nếu ông là bậc lợi căn thì lại là chuyện khác.- Như vậy chỉ cần buông mọi thứ như ông đã nói và quay về để đạt được bản tâm là đủ?- Chân tâm vốn sẵn có, không phải là cái gì mới mà đạt được. Nói được hay đắc đều sai. Cả ý niệm về “buông”, về “đạt được”, về “chân tâm” về “vọng” … nếu không buông thì hãy còn vướng mắc. Chỉ biết chân tâm không thêm không bớt, không động và luôn tỉnh giác là đủ. Cũng nên nhớ là ý niệm “không động” hay “tỉnh giác” cũng phải bỏ luôn để thể nhập cái Vô Biên Pháp Giới. Nói tóm lại phải buông hết mọi thứ và buông cả “cái buông” thì mới được.- Ông nói như vậy tôi thấy có lý, nhưng tại sao tôi lại không thấy được đề cập trong những kinh sách.- Kinh sách của Phật, của Tổ đều có nói, tại ông không đọc hay không để ý đó mà thôi. - Vậy tại sao các vị Thiến sư lại không nói.- Ông lại đổ lỗi cho các vị thầy rồi. Tùy theo căn cơ của từng người mà các Ngài chỉ dạy có khác nhau. Cũng tùy theo căn cơ, với cùng một lời chỉ dạy, mà mỗi người lại hiểu khác nhau, có nông có sâu. Hơn nữa đôi khi chúng ta chỉ chạy theo ngôn từ mà không bắt được ý, như nếu chỉ nhìn ngón tay thì sẽ không thấy được mặt trăng. Nhưng nếu bỏ sót một chữ thì oan ba đời chư Phật, vì đã sai ý các Ngài rồi. Đừng trách người, hãy tự trách mình.- Ông có chắc về pháp tu này không?- Đừng vội tin nơi tôi. Nên nhớ VĂN-TƯ-TU là khuôn mẫu để ông tự quyết định. Tôi chỉ mới bắt đầu và còn đang học hỏi.
No comments:
Post a Comment