“Oán Hận Nên Giải Không Nên Kết”, tức là hận thù nên mở không nên buộc. Trước tiên, dẫn câu kinh Pháp Cú, Phật dạy:Hận thù diệt hận thù
Đời này không có được.
Không hận, diệt hận thù
Là định luật ngàn thu.
Tức là đem hận thù diệt hận thù hay lấy oán trả oán thì oán càng thêm. Còn không đem oán trả oán thì đó mới là định luật ngàn thu. Bài kệ này có liên quan đến tích chuyện, chắc quí Phật tử cũng có nghe.
Ngày xưa có một đứa con trai, cha chết sớm nên luôn hiếu thảo chăm sóc mẹ. Bà mẹ thương con nhọc nhằn định cưới vợ cho con. Nhưng anh từ chối, nói: “Con nguyện ở vậy để chăm sóc mẹ già, nếu có thêm vợ thì tình thương này bị chia sớt”. Người mẹ thấy con mình hiếu thảo nên thương nói tới nói lui hoài, cuối cùng anh cũng bằng lòng.
Bà cưới vợ cho con trai, nhưng cô nàyï không sinh con được. Vì nôn nóng bà muốn cưới vợ nhỏ cho con, nhưng anh từ chối không chịu nên bà nói đi nói lại nhiều lần, cô vợ nghe được và nghĩ: “Trước sau gì mẹ cũng cưới thêm vợ nhỏ, nếu bây giờ mình chủ động cưới vợ nhỏ cho chồng thì hay hơn”. Cô mới tìm trong xóm và cưới về một cô vợ trẻ cho chồng, nhưng lòng rất lo sợ.
Cô nghĩ: Về sau, nếu cô vợ nhỏ có con thì quyền trong nhà nắm hết, mình sẽ mất quyền hành. Nghĩ thế rồi, cô ân cần dặn vợ nhỏ: “Khi nào em có thai thì nói cho chị biết trước để chị mừng”. Cô vợ sau còn trẻ thật thà khi hay mình có thai liền báo ngay cho vợ cả. Vợ cả lén bỏ thuốc phá thai vào thức ăn khiến vợ nhỏ bị hư thai.
Hai lần như vậy. Mấy chị em bạn của cô vợ sau nghi ngờ và tìm hỏi rồi trách cô vợ nhỏ thật thà quá. Lại dặn: Lần sau đừng nên cho cô kia biết.
Đến lần thứ ba mang thai, cô không cho vợ cả biết. Nhưng cái thai dần dần lớn, cô vợ cả thấy tức mình quyết tìm cách phá thai. Vì cái thai quá lớn làm ảnh hưởng đến người mẹ, khiến cô vợ sau chết luôn. Trước khi chết, cô này biết nên oán hận, thề kiếp sau sẽ làm Dạ xoa ăn thịt kẻ thù rửa hận.
Cô chết đầu thai làm con mèo trong nhà đó. Còn người vợ cả bị anh chồng biết được chưởi mắng, nên giận tức thành bệnh rồi cũng chết luôn. Người vợ cả chết rồi sanh làm con gà mái cũng trong nhà đó. Cứ mỗi lần con gà mái đẻ trứng thì bị con mèo ăn hết trứng. Đến lần thứ ba thì ăn luôn con gà mái.
Đây là nhân quả, là oan trái. Con gà mẹ này trước khi chết cũng oán hận thề hẹn kiếp sau sẽ đòi nợ. Gà mái này chết sanh làm con beo, còn con mèo không bao lâu cũng chết sanh làm con nai cái. Mỗi lần con nai cái sanh con thì bị con beo ăn thịt. Đến lần thứ ba thì ăn luôn con nai mẹ.
Bấy giờ con nai mẹ cũng thề kiếp sau sẽ trả thù nữa. Nai mẹ chết sanh làm Dạ xoa, còn con Beo chết sanh làm cô gái thuộc dòng tôn quí ở thành Xá Vệ gần tinh xá Kỳ Hoàn.
Khi cô gái lớn lên lập gia đình sanh được đứa con đầu lòng thì Dạ xoa tìm đến. Do có thần thông nên nó biến làm một người chị em bạn giả vờ đến thăm hỏi rồi bảo đưa đứa bé cho nó ẵm bồng và bắt ăn luôn.
Lần thứ hai cũng vậy, đến lần thứ ba thì cô này biết nên bàn với chồng định trốn về nhà cha mẹ mình ở.
Lần này nữ Dạ xoa lại bị Tỳ Sa Môn Thiên Vương, một trong Tứ Thiên Vương bắt đi làm việc. Khi xong việc về mới biết cô kia đã sanh xong và trốn đi nơi khác.
Nó vội vã đi tìm kiếm. Lúc đó nhằm ngày đặt tên cho đứa bé. Hai vợ chồng thấy con cũng lớn nên bàn nhau dắt về nhà cũ, nghĩ đã thoát nạn rồi. Khi đi ngang qua hồ nơi tinh xá Kỳ Hoàn, khí trời nóng nực cô mới trao con cho chồng rồi xuống tắm. Tắm xong, cô lên ẵm con thay để chồng xuống tắm. Bỗng cô thấy nữ Dạ xoa chạy tới, hoảng hốt kêu chồng cứu giúp nhưng không kịp.
Cô bồng đứa bé chạy thẳng vào tinh xá Kỳ Hoàn. Lúc đó Phật đang thuyết pháp. Cô liền đặt đứa bé xuống chân Phật xin Ngài cứu cho. Vừa lúc, nữ Dạ xoa chạy tới cổng tinh xá nhưng không vào được. Quý vị biết sao không ?
Bởi vì đây là nơi Phật ở, bên ngoài có chư thiên, hộ pháp giữ gìn nên chư hộ pháp chận lại không cho vào. Đức Phật biết nên bảo ngài A Nan ra gọi nó vào.
Khi ấy, đức Phật mới thuật lại tiền kiếp oan trái nhiều đời cho cả hai và hội chúng nghe. Nhờ vậy, hai người đều nhớ lại. Xong, Phật dạy: “nếu các ngươi không gặp được Như Lai thì oan trái này sẽ buộc nhau mãi mãi, ân oán kết qua kết lại, đời này đời kia cho hết kiếp địa cầu này cũng không xong. Các ngươi chớ lấy oán trả oán, chỉ có tình thương mới dập tắt hận thù thôi”. Rồi Đức Phật mới nói bài kệ trên.
Nghe Phật nói kệ xong, Dạ xoa đắc quả Tu-đà-hoàn. Sau khi giải tỏa được oán hờn của hai bên, đức Phật bảo cô gái dẫn nữ Dạ xoa về nhà chăm lo cho ăn uống. Còn nữ Dạ xoa cũng giúp vợ chồng cô bằng cách dự đoán trước mùa màng đắc thất, nên vợ chồng cô thường được trúng mùa. Những người hàng xóm thấy vậy cũng đến nhờ mách bảo rồi cúng dường Dạ xoa. Vậy là oan trái được giải.
Đó là một bài học cho chúng ta thấy rõ, nếu oan trái kết hoài thì đời này đời khác không bao giờ hết, càng ngày càng sâu. Nếu chúng ta gặp phải oan trái như thế thì biết đây không phải là chuyện ngẫu nhiên đến với mình mà do có oan khiên từ đời trước. Vậy phải làm sao?
Phải khéo mở không nên kết thêm. Vì là người phật tử học Phật, phải nhớ rõ tất cả mọi người sống trên đời này đều sống trong nhân quả, không ai ra khỏi nhân quả hết. Cuộc sống của mỗi người đều do nhân quả chứ không phải chuyện ngẫu nhiên. Cho nên người biết, hiểu thì thấy nhẹ nhàng nếu không biết thì cứ lo trách trời trách Phật và càng kết thêm oán hờn thì đó là điều không tốt.
Ở đây nhờ có ánh sáng của Phật soi đến nên giải tỏa những nỗi oan kết nhiều đời, giúp đương sự được an vui trong chánh pháp. Sau này, đời Thanh ở Trung Hoa cũng có câu chuyện tương tự.
Tại tỉnh An Huy– Trung Quốc, có vị thương nhân tên Trình Bá Lân, sống ở Dương Châu thuộc miền Giang Tô. Ông kính tin Bồ-tát Quán Thế Âm nên thường tụng niệm kinh Phổ Môn và xưng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm.
Vào mùa hạ năm Ất Dậu, loạn binh kéo qua thành Dương Châu. Ông sợ nên cầu nguyện Bồ-tát gia trì. Đêm đó, ông nằm mộng thấy Bồ-tát bảo cả nhà con có 17 người thì 16 người kia đều khỏi nạn, chỉ riêng mình con là không tránh khỏi nạn này. Sau khi ông tỉnh dậy nhớ lời Bồ-tát nên rất lo sợ nghĩ trong nhà chỉ có ông niệm Phật tại sao lại không tránh khỏi nạn? Vì thế ông hết lòng hướng về Bồ-tát cầu nguyện.
Đêm sau, ông lại nằm mộng thấy Bồ-tát nói đời trước con đãù từng chém 26 đao làm chết một người, nên đời nay người đó là Vương Ma Tử sẽ đến đòi nợ, con phải trả nợ đó.
Con hãy khéo dặn 16 người trong nhà vào ngày đó phải dời qua bên chái thuộc phía Đông căn nhà. Còn con ở ngay nhà giữa rồi dọn sẵn cơm canh như đãi tiệc ngồi chờ đó sẵn, chớ đừng làm liên lụy đến những người trong gia đình. Khi tỉnh dậy ông làm theo lời Bồ-tát.
Đúng ngày đó, quả nhiên có một tên lính ở trong nhóm loạn binh đi vào nhà ông. Ông lịch sự đón tiếp, mời vào nhà ăn uống như có tiệc vậy. Kế tiếp mới hỏi: Ngài có phải tên Vương Ma Tử không?
Anh kia ngạc nhiên hỏi: - Vốn chưa từng quen biết, sao lại biết tên tôi?
Ông nói: - Đời trước tôi thiếu nợ ngài 26 đao nên giờ cũng cần đền trả. Ngài hãy giết tôi, nhưng xin hãy tha cho mấy người trong gia đình.
Tên loạn binh này làm lạ hỏi ra mới biết ông được Bồ-tát báo mộng cho biết như vậy. Tên loạn binh nghe xong mới cảm động tự than: Đời trước ngươi chém ta 26 đao nên bây giờ ta đến để đòi nợ ngươi, nhưng nếu bây giờ ta giết ngươi thì đời sau ngươi lại đến đòi nợ ta nữa. Cứ thế oan oan tương báo hoài biết tới khi nào mới xong. Thôi thì ngay đây, chúng ta giải tỏa hết ân oán nợ nần. Nói xong, tên lính trở ngược sống đao nhấp nhấp 26 cái vào người ông Trình Bá Lân như trả xong thù rồi thôi. Thế là hai người tha thứ cho nhau, oan trái nhiều đời giải tỏa. Đó là điểm đáng học. Nghĩa là oan trái nên cởi không nên cột.
Người tu hiểu lý nhân quả biết rõ không có chuyện gì ngẫu nhiên nên bình tỉnh vui vẻ trả nợ thì nợ càng mau hết, còn không khéo kết sâu thêm thì nợ càng dày. Người phật tử hiểu đạo khéo ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống, đừng kết thêm oan gia, vì oan gia càng kết thì càng khổ thêm, phải khéo tránh.
Hòa thượng Hư Vân có kể câu chuyện về gia đình họ Đinh, chính Ngài là người giải tỏa oán kết. Kể rằng:
Có gia đình họ Đinh ở Đặng Xuyên, ông này từng làm chức Hiếu Liêm đời Thanh. Ông có đứa con gái 18 tuổi. Một hôm, cô tự lăn ra chết giấc, khi tỉnh dậy cô bỗng nhiên đổi giọng nói tiếng đàn ông và hung tợn chỉ mặt cha mắng: “Cái thằng họ Đinh kia, ta là Đổng Chiêm Bưu đây! Trước kia ở Đại Lý Tây Xuyên, mi ỷ quyền cậy thế, vu oan cho ta làm phỉ (làm giặc) hại ta mất mạng, mi còn nhớ không? Ta đã đầu cáo việc này với Diêm Vương và đã được phép theo báo mối thù suốt 8 năm qua”. Nói xong, cô cầm dao rượt cha. Ông cha sợ quá trốn đi nơi khác không dám ở nhà. Mà con quỉ này ngày nào cũng đến nhập vào cô gái, mỗi lần như vậy cô rất hung tợn, làm cả nhà đều sợ. Những người trong xóm tụ lại xem rất đông.
Hôm ấy, hai thầy Tố Cầm và Tố Trị là đệ tử ngài Hư Vân nhận lệnh xuống núi. Thấy vậy hai thầy dừng lại, đem lòng từ bi khuyên oan hồn kia thôi hãy buông tha đừng làm như thế, khiến cho địa phương không được yên ổn.
Con quỷ bất bình nói: “Các ông là người xuất gia đừng có xía vào chuyện này. Các ông cứ lo chuyện xuất gia đi”.
Hai thầy này mới giải thích: “Đành rằng ông và chúng tôi không liên quan gì hết. Nhưng sư phụ tôi có dạy rằng oán thù nên giải chứ không có nên buộc. Thù hận càng buộc thì nó càng sâu, bao giờ mới hết được”. Con quỷ hỏi: - Sư phụ của ông là ai? Hai thầy đáp: - Hòa thượng Hư Vân, Trụ trì chùa Chúc Thánh trên núi.Con quỷ nói: - Tôi có nghe danh Ngài nhưng chưa gặp. Không biết Ngài có chịu truyền giới cho tôi không ? Hai thầy nói: - Hòa thượng là bậc đại từ đại bi sẵn lòng độ cho tất cả chúng sanh đau khổ, lẽ nào lại không chịu.
Hai thầy khuyên gia đình họ Đinh nên xuất tiền làm phước để cầu siêu cho oan hồn này được siêu thoát. Con quỷ căm giận không chịu. Lại nói: - Hắn là người thương thiên bại lý, tôi không cần tiền của hắn.
Hai vị mới nói: - Vậy yêu cầu dân địa phương bỏ tiền ra làm phước để cầu cho hồn ông được sớm siêu thoát được không ?
Con quỉ vẫn căm giận nói: - Thù này không trả thì oán hận không nguôi được. Đã có thù thì phải báo cớ sao phải thôi! Sau đó lại nói: - Thôi! để tôi về thỉnh ý
Diêm Vương xem sao! Ngày mai hai thầy hãy đến đây đợi tôi. Nói xong con quỷ thoát xác đi mất. Lúc đó cô gái tỉnh dậy, không biết gì hết, thấy người lạ bèn ngại ngùng đi vào trong.
Hôm sau, con quỷ đến rất sớm, thấy hai vị tăng này đến trễ nó trách sao thất tín. Hai thầy giải thích là còn trở về trình lên sư phụ. Ngài bảo là việc tốt cho phép chúng tôi đi đến báo cho ông. Hai thầy đích thân đưa quỉ về chùa cùng với 20 người địa phương đi theo.
Hòa thượng nghe kể hết đầu đuôi sự việc, Ngài mới lên điện thắp hương đảnh lễ rồi truyền giới cho nó. Từ đó, mọi việc được an ổn, cô gái không còn bệnh.
Đó cũng nhờ Phật pháp nên giải được oan trái. Đúng là nhờ có duyên lành nên được cởi mở. Còn không thì oan trái đó cứ kết qua kết lại hoài biết bao giờ mới xong.
Trong kinh Pháp Cú Phật dạy:Người ngu si thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù,
Làm các nghiệp không thiện,
Phải chịu quả đắng cay.
Người ngu si thiếu trí tuệ biến tự ngã của mình thành kẻ thù, lại tưởng kẻ thù của mình ở bên ngoài nhưng chính mình là kẻ thù của mình đó. Biến tự ngã mình làm kẻ thù của mình là sao? Là tự mình làm nghiệp không thiện để rồi chịu quả khổ, quả dắng cay.
Tự mình đem đau khổ lại cho mình chứ không phải người ngoài đem đau khổ lại cho mình. Nghĩa là tạo nghiệp xấu, gây đau khổ cho người thì quả đau khổ đó sẽ trả lại cho mình. Như vậy không lo tự trách mình lo trách ai.
Quí Phật tử xét kỹ xem ai đã đem quả báo xấu ác đến cho mình? Chính mình tự tạo thôi. Mình tạo cái nhân xấu trước rồi quả xấu đó mới đến với mình. Như vậy mới nói chính mình làm khổ mình mà lại không hay. Đã hiểu như vậy rồi thì phải khéo sống để tránh nhân quả xấu. Tránh đau khổ cho mình cũng là thấy được oan trái rất là đáng sợ.
Nên người khéo tu thì không kết oan trái thêm với người mà phải cởi mở. Phải tập sống có tâm từ, bớt gây hờn, gây hận, cũng không đem oán hận đến cho người. Đây Phật dạy rất rõ, chính mình tự biến mình thành kẻ thù của mình chứ không ai khác.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma cũng có dạy cách giải tỏa những oán hờn: “Đây là cách để biết được cái kẻ thù đích thực đang nằm trong lòng chúng ta, đâu phải ở bên ngoài. Đừng lo tìm bên ngoài mà phải soi lại để thấy rõ nó nằm ngay trong lòng mình đó. Đó chính là tính ích kỷ, lòng quyến luyến và sự tức giận của chúng ta”.
Nó chính là kẻ thù trong lòng mình, gây đau khổ cho mình, vậy mà chỉ lo nhìn bên ngoài. Ngài bảo chúng ta nên biết: “khả năng kẻ thù gây ra cho chúng ta rất là hạn hẹp. Nếu người nào đó thách thức kích động chúng ta thì chúng ta nên kiềm chế lại không tức giận, tập lâu rồi thuần thục sẽ không còn tức giận, dù người đó có làm gì thì cũng không thể gây hại cho chúng ta.
Trái lại, khi họ gây những cảm giác vô cùng tức giận, hay chính lòng ham muốn của ta xuất hiện thì chúng tạo nên sự rối loạn trong tâm hồn chúng ta. Tâm khởi lên sự tức giận nào đó thì ta sẽ cảm thấy bất an trong tâm mình. Ngay lúc đó chúng phá hoại sự an lạc trong tâm, cũng như tạo nên sự buồn phiền hủy diệt công đức tu hành của chúng ta”.
Rõ ràng kẻ thù ở ngay trong lòng mình chứ không ở đâu xa. Nghĩa là khi tức giận không kiềm chế được làm hành động đáp trả lại thì chính khi đó ta đã tự hủy diệt công đức tu hành của mình. Như tu một tháng mà khi nóng giận chưởi người ta chừng một tiếng đồng hồ thì sao? Thì công phu một tháng sẽ tiêu hết phải không?
Rõ ràng nếu làm như vậy thì đúng là mình hại mình. Mình hại mình trước chứ đâu có ai hại mình. Và mỗi khi mình tức giận ai đó thì mình cứ tưởng người ta khổ chứ sự thật thì mình khổ trước. Khi mình tức giận thì trong tâm bứt rứt, sôi sục tự đốt mình, là mình khổ trước người ta rồi.
Thấy được điều đó thì chúng ta phải giải tỏa chứ không kết thêm, phải biết kiềm chế. Cho nên, mỗi người phải tu tập cái tâm, thấy rõ oán hận là khổ không chút nào vui hết. Cho nên, đừng nghĩ rằng mình giận ai đó là giận cả đời, nhiều khi chúng ta hiểu lầm nói giận ai đó là giận cả đời không quên, tưởng đâu như vậy là hay, nhưng đâu phải vậy. Nếu mà giận cả đời là khổ cả đời luôn. Lâu lâu gặp người đó thì sao? Mình khổ trước thôi.
Quí vị nghĩ, sống trên đời này mà giận cả đời chừng 20 người thì sao? Thì mình ít khi cười được lắm! Lâu lâu ngồi nhớ lại chuyện giận hờn thì làm sao cười được? Rồi lâu lâu nghĩ đến anh kia thật là đáng tức, chị kia thật đáng hận... Vậy là cả ngày sẽ không có nụ cười.
Nên Phật dạy “Oán tắng hội khổ”. Người không ưa mà cứ gặp hoài thì khổ. Chúng ta phải tu tập tâm xả để cởi mở bớt thì đó là cái hạnh đưa đến an vui. Còn kết hờn kết oán thì chỉ làm khổ, khổ mình mà khổ cho người nữa. Quý phật tử nghĩ lại xem, mình sống trên đời này được bao lâu? Năm bảy chục năm là dài.
Chư Phật lại dạy đời người chỉ sống trong hơi thở, mà đã sống trong hơi thở thì hờn giận làm cái gì? Ai mà luôn nhớ mạng sống của mình trong hơi thở thì còn hờn giận làm gì! Bởi ai cũng nghĩ mình sống năm bảy chục năm nên mới hờn cho đã giận. Còn nghĩ mạng sống của mình chỉ trong hơi thở thì còn thời gian đâu mà giận. Giận nhiều hay ít rồi cũng chết, vậy giận làm gì? Nếu luôn nhớ nghĩ như vậy thì cởi mở, sanh thêm lòng bi mẫn với nhau, thôi gây đau khổ thêm cho nhau.
Đây không phải nói trên lý thuyết, mạng sống con người trong hơi thở là lẽ thật. Vì chúng ta nhìn theo con mắt chúng sanh nên thấy nó lâu dài, nếu xét kỹ thì mạng sống đúng là chỉ trong hơi thở. Chúng ta đang sống tạm trong hơi thở, nếu hít vô thở ra mà không hít vô nữa thì sao? Thì chết liền. Rõ ràng là sống trong hơi thở chứ gì.
Nếu hơi thở ra mà không hít vào là chết. Như thế mới thấy cuộc sống con người rất mỏng manh, có gì đâu để kết oán, kết hờn với nhau. Hơn nữa, thế gian này đã quá nhiều đau khổ rồi còn đem đau khổ đến cho nhau chi nữa. Nên giờ đây phải tập sống với tâm xả, xả bớt và xả dứt “cái tôi” này, đó là cái căn bản. Tham sân si đều từ “cái tôi” đó, xả là phải xả cái gốc chứ còn xả cái này cái kia mà không xả “cái tôi” cũng là chưa xả hết đâu!
Bởi vì tham là tham cho ai? Còn sân là tại sao sân? Là tại đụng tới tôi. Nếu không có tôi thì ai sân? Còn si thì tại sao si? Tại mê cái tôi này, tưởng đâu nó là mình thì đó là si. Mình có phải cái thân này không, phải cái tâm này không? Quí vị kiểm kỹ xem thân này là cái gì? Do đất, nước, gió, lửa hợp thành. Mà đất là cái gì? Là thứ vô tri đâu có biết gì! Nước có hiểu biết gì? Gió có hiểu biết gì? Lửa có hiểu biết gì? Thế mà cho mình là mấy thứ vô tri như vậy nên si là ở chỗ đó.
Nếu nói theo hình tướng thì do da, gân, thịt, xương, máu huyết tụ lại thành thôi chứ có gì đâu! Đúng ra nói đây là bộ xương, ngoài có da bọc lại, trong đó có một số máu gân vậy thôi! Vậy xương thịt nó có biết gì không? Rồi gân máu nó có biết gì không? Và thần kinh nó có biết gì không? Thường thì người ta nói thần kinh biết nhưng người chết dây thần kinh vẫn còn mà nó đâu có biết, có cái gì đó gá vào thôi. Rồi chấp mình cũng là mấy cái thứ đó, rõ ràng là si.
Bây giờ khoa học tiến bộ càng thấy rõ hơn, cái túi máu mà lúc chưa truyền vô người mình thì nó là của ai? Nhưng khi truyền vô người mình rồi thì sao? Nói nó là của tôi. Rõ ràng si là ở chỗ đó.
Hiện nay, quả thận người ta cũng thay được. Và khi lấy trái thận của người khác ghép vô thân mình còn trái thận của mình khi cắt bỏ ra thì đó là của ai? Cũng như con mắt bị hư bỏ ra ngoài rồi thì của ai? Hoặc cái chân bị tai nạn cưa bỏ ra ngoài rồi thì cái chân đó của ai?
Cho nên, gốc si là cái tôi mà xả cái tôi rồi thì mấy cái kia cũng theo mà xả hết. Dù cho chúng ta có xả cái này, xả cái nọ, xả cái kia mà không xả cái tôi thì “cái si” vẫn còn. Nên quý vị thấy những người có tâm tốt bỏ ra cái này cái nọ cái kia để cứu trợ thì đó là tâm xả nhưng chỉ lo xả cái này mà không xả cái tâm si thì sao? Thì nhiều khi bố thí cũng bị phiền não.
Bố thí cho mà bị người giành giựt thì cũng phiền não. Có khi bố thí cho người cái này mà khi ra ngoài người không cần đem bỏ đi hoặc cho lại người khác thì sao? Buồn! Vật chất mình đã đem cho người rồi mà cứ nghĩ của mình. Đúng ra, mình đã cho người ta rồi thì là của người ta, tùy người sử dụng. Nếu đã cho rồi mà vẫn còn nhớ cái đó là của mình nên buồn nên trách. Cho nên, người khéo xả cái tôi này trước thì xả bên ngoài mới yên. Nếu chỉ lo xả ở ngoài mà không xả cái tôi thì vẫn còn sanh chuyện. Đó là cái gốc. Và cũng chính vì cái tôi đó mà thành ngăn cách với tất cả.
Như trong kinh Pháp Hoa dạy, khi đức Phật Đại Thông Trí Thắng thành Phật, thì ánh sáng soi khắp mười phương, tất cả chúng sanh bỗng nhiên thấy nhau hết. Tức là không còn ranh giới giữa cõi này cõi kia. Chúng sanh nhờ ánh sáng của Phật soi thấy rõ nhau nên ngạc nhiên nói, thế gian này chúng sanh nhiều quá mà sao lâu nay không thấy? Vậy lâu nay bị cái gì che mà không thấy? Bị cái tôi này che. Khi ấy nhờ ánh sáng Phật phá tan mọi ranh giới nên chúng sanh thấy nhau.
Nếu bây giờ chúng ta được ánh sáng Phật soi khắp khiến cho thấy hết tất cả chúng sanh thì có vui không? Thật là vui phải không? Hiện nay, tất cả ngồi hết trong phòng mà còn không thấy nhau, có khi ngồi sát bên mà không thấy là tại sao? Đó là bị cái tôi này ngăn cách, nên xả hết cái tôi này là sẽ gần gũi, cảm thông được với nhau, được an vui, bớt ngăn cách. Cho nên, chúng ta học Phật, nhờ ánh sáng Phật soi sáng giúp chúng ta hiểu lẽ thật rồi cởi mở bớt không chấp, khiến vô minh càng tan.
Nhiều khi chúng ta thấy có những chuyện rất đáng buồn. Hai anh em, chị em trong nhà mà còn ngăn cách nhau như trời với đất, vì tranh giành của cải với nhau, rồi có thành kiến trở thành xa lạ với nhau.
Ở đây, chúng ta có duyên tốt được gần gũi Phật pháp, được sinh hoạt cùng một đạo tràng, nhưng có khi ngăn cách cũng không thấy nhau. Khi đã có thành kiến với nhau rồi thì dù chạm mặt nhau cũng không thấy nhau, rõ ràng là bị cái tôi này ngăn che. Nên người muốn tu thì phải xả bớt, muốn xả bớt thì phải thường xuyên quán chiếu như vậy. Quán chiếu để mở thêm trí tuệ, công phu quán chiếu rất là quan trọng.
Ở đây, hàng ngày đạo tràng đều tụng kinh Bát-nhã, ai cũng biết thân này là thân do năm uẩn họp thành nên vô thường hư dối không thật, nhưng có thấy được thân này là không chưa? Cho nên, hiểu là một lẽ, làm là một lẽ. Tụng kinh trên lý thì đúng là năm uẩn đều không nhưng mà điều đó chỉ mới là cái hiểu của Phật chứ chúng ta thì chưa thông.
Vì vậy, hàng ngày mỗi người phải thường xuyên tập quán chiếu đến khi nào mình thật sự thấy nó là không, thì lúc đó mới là cái thấy của mình, lúc đó mới cởi mở những phiền não giận hờn. Chính đó là chỗ chúng ta ứng dụng tu, nên ở đây mỗi vị cũng từng nghe học Phật nhiều rồi, giờ khéo ứng dụng để có thực sống.
Đối với những oán hận trong lòng thì nên cởi mở không nên buộc, vì càng ôm hận thì càng gây khổ cho nhau, càng kết khổ sâu thêm và như vậy tâm vô minh của mình càng phủ dày. Thế nên phải tu tập tâm xả để cởi mở bớt và nhớ rõ mọi việc trên đời đều có nhân có quả hết.
Phật dạy cuộc sống hiện tại của chúng ta gọi là thừa tự nghiệp, chúng ta là người kế thừa nghiệp. Đời trước mình làm nghiệp gì thì bây giờ mình kế thừa (tiếp nối) nghiệp ấy. Xưa mình làm việc tốt thì nay mình kế thừa nghiệp tốt. Xưa mình làm việc xấu thì nay mình kế thừa nghiệp xấu. Hiểu vậy đó, thì từ đây mỗi người phải sống sao cho đúng với nhân quả tốt để tránh buồn khổ về sau, tránh những cái không hay để về sau không kế thừa những cái không tốt. Chúng ta học nhiều lý nhân quả quá nên xem thường, cần thiết là mỗi người phải hiểu cho thật kỹ lý nhân quả để sống không lầm, được như vậy thì cuộc sống vươn lên, tốt đẹp rồi. Và điều không thể quên là: “oán hận nên giải không nên kết, từ bi diệt hận thù, là định luật ngàn thu”.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.17/4/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
No comments:
Post a Comment