Wednesday 24 October 2012

Kinh nói: “Nếu có chúng sanh tính nhiều dâm dục mà thường xuyên niệm trì danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm một cách cung kính, thì liền thoát được tính ấy.
Nếu có chúng sanh tính nhiều sân hận, mà thường xuyên niệm trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm một cách cung kính, liền thoát được tính ấy.
Nếu có chúng sanh tính nhiều ngu si, mà thường xuyên niệm trì danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm một cách cung kính, thì liền thoát được tính ấy”.
Tham dục, sân hận và ngu si là ba thứ phiền não căn bản, liên hệ trực tiếp với ý nghiệp và qua ý nghiệp tác động lên thân nghiệp và ngữ nghiệp để tạo ra muôn ngàn tội lỗi dẫn đến khổ báo.
Dâm dục là một năng lực hoạt động sinh tồn của hết thảy chúng sanh ở trong dục giới. Năng lực ấy hoạt động không phải chúng do tác động và sinh khởi bởi những yếu tố thuần sinh học, mà chính chúng được tác động bởi những năng lượng hay ý chí sinh tồn, thèm khát và hưởng thụ có nội dung tâm lý.
Chính ý chí sinh tồn, thèm khát và hưởng thụ là tác nhân và những năng lượng vật lý hay sinh học là tác duyên làm điều kiện cho tác nhân sinh khởi.
Do đó, ta phải biết quản lý khả năng sinh tồn của chúng ta, ta không đẩy khả năng sinh tồn ấy đi về phía thấp kém, mà phải biết cách chuyển hóa khả năng sinh tồn ấy đi lên với những sinh hoạt cấp cao.
Ta phải biết đưa khả năng sinh tồn trong ta đi lên theo lý tưởng, bản hạnh và bản nguyện của Bồ Tát Quán thế Âm. Ta niệm trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm một cách cung kính, là ta có khả năng quản lý nguồn năng lượng sinh tồn của ta, và đẩy nguồn năng lượng sinh tồn ấy, đi lên với lý tưởng Từ bi, với bản nguyện cứu khổ, với bản hạnh độ đời của Bồ Tát Quán Thế Âm, thì năng lượng sinh tồn ấy, không còn là năng lượng bức bách và não hại ta, mà nó giúp ta thăng hoa trong cuộc sống.
Do đó, ta phải biết chăm sóc năng lượng sinh tồn trong ta bằng chất liệu Từ bi và Trí tuệ của Bồ Tát Quán Thế Âm, thì chắc chắn tính dục, hay nguồn năng lượng sinh tồn trong ta sẽ được chuyển hóa và sẽ nhập vào nguồn năng lượng của đại bi và đại trí của Bồ Tát Quán Thế Âm. Vấn đề nầy, không phải là lý luận hay lý thuyết mà là vấn đề của thực tập, thực nghiệm, chứng nghiệm và tự tri.
Nguồn năng lượng dâm dục vốn không có tự tính, chúng sinh khởi theo duyên, thì chúng tùy diệt hay chuyển hóa cũng theo duyên. Niệm trì danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, khiến cho các duyên đại bi và đại trí, đại nguyện và đại hạnh sinh khởi trong ta, làm thay đổi và chuyển hóa nguồn năng lượng sinh học thấp kém trong ta là điều có thể nhìn thấy, tiếp xúc và thực tập.
Sân hận cũng là một nguồn năng lượng thuộc về những hạt giống bất mãn đang vận hành trong tâm thức của mỗi chúng ta. Người nào có nhiều năng lượng nầy, người đó trong đời sống của họ có rất nhiều bất mãn và khổ đau. Và chỉ có nguồn năng lượng của thương yêu, hỷ xả và bao dung mới có thể dập tắt và hóa giải nguồn năng lượng giận dữ của tâm thức nầy.
Sự chấp ngã càng lớn, thì sự kiêu mạn và giận dữ càng nhiều. Do đó, khi giận dữ khởi lên trong tâm thức ta, ta phải nhớ ngay đến Bồ Tát Quán Thế Âm và niệm danh hiệu của Ngài một cách cẩn trọng, để cho năng lượng Từ Bi, Hỷ Xả và Bao Dung của Ngài xâm nhập vào tâm ta, tác động hạt giống Từ Bi, Hỷ Xả và Bao Dung vốn có nơi tâm ta khởi dậy, để chúng hóa giải nguồn năng lượng giận dữ đang hoạt động và biểu hiện nơi tâm thức ta, khiến cho nguồn năng lượng giận dữ ấy lắng yên và từ từ tan biến.
Tâm ta không còn giận dữ, thì lời nói và hành động của ta không còn tạo nên những oán kết và đổ vỡ cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nguồn năng lượng giận dữ trong tâm ta, chúng vốn không có tự tánh, chúng biểu hiện do sự liên hệ giữa những tác nhân và tác duyên chấp ngã mà sinh khởi, do đó chúng sinh khởi do duyên, thì chúng tùy diệt hay chuyển hóa cũng theo duyên và do duyên.
Bởi vậy, khi trong ta có quá nhiều tính sân hận, thì phải thường xuyên niệm trì danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm là vị Bồ Tát có nguồn năng lượng Trí tuệ và Từ bi bao trùm cả pháp giới, khiến cho nguồn năng lượng ấy của Ngài, có cơ hội đi vào tâm thức ta và chuyển hóa những hạt giống giận dữ, sân hận trong tâm thức ta, thành Từ bi và Trí tuệ.
Năng lượng Trí tuệ và Từ bi của Bồ Tát Quán Thế Âm châu biến cả pháp giới là tha lực, là ngoại duyên, ta chấp trì danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm một cách thành khẩn để hạt giống Trí tuệ và Từ bi trong tâm thức ta phát khởi là tự lực, là nội nhân và nội duyên.
Tự lực và tha lực, nội nhân và ngoại duyên tác động lên nhau, phối hợp cùng nhau, chắc chắn những hạt giống giận dữ, sân hận trong tâm thức ta sẽ được thay thế và hóa giải bởi năng lượng Từ bi cao đẹp ấy.
Ngu si cũng là một nguồn năng lượng ô nhiễm căn bản của tâm thức. Tự mình sai lầm, không phân định được chánh tà, thiện ác, chân vọng, người như vậy gọi là ngu. Làm cho người khác mê lầm, không biết thế nào là chánh tà, thiện ác, chân vọng, đúng sai, người như vậy gọi là si. Ngu mà cọng với si, thì chỉ lao đầu vào bóng tối, rớt xuống vực thẳm, nhảy vào vạc dầu sôi, sa vào lò lửa lớn để tự thiêu, tự đốt, tự hại lấy mình.
Sống với thân trâu ngựa, bị kéo cày, chở nặng, chết bị phanh thây, chưa phải là khổ, cái khổ đích thực là do ngu si vô trí đem lại.
Với người nhiều ngu si như vậy, nếu chấp trì danh hiệu Bồ Tát Quán thế Âm một cách thành khẩn, thì sự ngu và si ấy cũng từ từ được chuyển hóa.
Tại sao? Do ta tha thiết trì niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, nên tâm ta từ từ có định, và mỗi khi tâm ta đã có định lực, thì tuệ sẽ có cơ sở để sinh khởi.Ánh sáng trí tuệ trong tâm ta phát sinh, thì sự ngu si trong tâm ta từ từ xóa sạch.
Do đó, nếu ta có quá nhiều ngu si, ta chỉ cần chấp trì danh hiệu của vị Bồ Tát nầy, thì ta cũng phát sinh được trí tuệ. Niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm là tác duyên để cho tâm ta được đi vào thiền định và dẫn khởi trí tuệ.
Như vậy, chúng ta thấy, chấp trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, không những giúp cho ta chuyển hóa khổ quả mà còn chuyển hóa khổ nhân, không những giúp ta làm thay đổi Khổ đế mà còn thay đổi Tập đế.
Bảy tai nạn được đề cập ở trước là khổ quả hay Khổ đế, ba căn bản phiền não gồm tham dục, sân hận, ngu si là khổ nhân hay Tập đế.
Biết khổ và muốn vượt thoát khổ đau là phải đoạn trừ nhân duyên sinh khởi chúng. Biết bảy tai nạn gồm lửa, nước, gió, quỷ La Sát, hình sự, quỷ Dạ Xoa, gông cùm tù tội, oán tặc, là những tai nạn của sinh tử, thì ta phải nỗ lực tu tập để đoạn trừ những độc tố căn bản của tâm là tham, sân, và si, chính từ nơi ba độc tố nầy, mà gây ra bảy tai nạn ở trên và có thể gây ra vô số tai nạn khác nữa.
Bởi vậy, ở phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa nầy, Bồ Tát Quán Thế Âm không những mở rộng cánh cửa, đưa ta đi vào thế giới của Khổ đế để thấy đủ thứ tai nạn, mà cũng còn mở rộng cánh cửa của Tập đế, để giúp ta thấy rõ những tập khởi của khổ đau, và cũng giúp ta thấy rõ con đường diệt khổ tức là Đạo đế qua Tín căn và Tín lực, Tấn căn và Tấn lực, Niệm căn và Niệm lực, Định căn và Định lực, Tuệ căn và Tuệ lực.
Hãy tin vào uy lực và bản nguyện hóa độ của Bồ Tát Quán Thế Âm, đó là Tín căn và Tín lực; hãy nỗ lực nắm lấy danh hiệu của Ngài để trì niệm, khiến cho những điều ác trong ta chưa sanh, thì không thể sanh; khiến cho những điều ác trong ta đã sanh liền bị hủy diệt; khiến cho những điều thiện trong ta chưa phát sanh liền phát sanh và những điều thiện trong ta đã phát sanh liền tăng trưởng liên tục, đó là Tấn căn và Tấn lực; hãy nắm lấy danh hiệu của Ngài, khiến danh hiệu ấy càng lúc càng hiện rõ và duy trì vững chãi trong sự trong sáng của ý thức và biểu hiện cụ thể qua các quan năng, và hãy duy trì nó qua các động tác đi đứng nằm ngồi hay mọi phong thái hoạt động, đó là Niệm căn và Niệm lực. Niệm căn và niệm lực như vậy, cho đến khi tâm ta không còn bị hôn trầm, dao động, nghi ngờ và sợ hãi, đó là Định căn và Định lực. Định căn và Định lực như vậy, cho đến khi những khát ái, những chấp thủ, những tạo tác, những chủng tử luân chuyển tử sinh không còn hiện khởi, những vô minh và bóng dáng của nó đều bị xóa sạch, bấy giờ thấy rõ tự thân của thực tại, ấy là Tuệ căn và Tuệ lực. Và ngay khi đó, Thánh đạo vô lậu sinh khởi, liền thoát khỏi tai nạn sinh tử và được giải thoát, đó là thành tựu Diệt đế, bấy giờ Khổ đế và Tập đế hoàn toàn vắng bặt.
Cho nên, phẩm Phổ môn của kinh Pháp Hoa đã giúp cho ta có cách nhìn từ cạn tới sâu, từ thấp tới cao, từ thô đến tế, từ tinh đến diệu, và từ một điểm cho đến châu biến cả pháp giới. Nên, ở trong pháp giới, ai cũng có thể thọ trì đọc tụng thực tập kinh Pháp Hoa và ai cũng có thể trì niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm cả, vì danh hiệu ấy là danh hiệu của mọi pháp môn và là danh hiệu của Đại Bi và Đại Trí, có năng lực nắm giữ và duy trì hết thảy thiện pháp.

HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.25/10/2012.)

No comments:

Post a Comment