Saturday 27 October 2012

Giới thiệu về Tâm lý liệu pháp Phật giáo.
 
buddha4Tâm lý liệu pháp Phật giáo (Buddhist psychotherapy) là một thuật ngữ mới được sử dụng ở phương Tây trong những năm gần đây. Nó được dùng để chuyển tải một lĩnh vực của tâm lý liệu pháp mà ở đó những phương pháp trị liệu có nguồn gốc từ giáo lý của đạo Phật. Sau khi các nhà Tâm lý học, các nhà Tâm lý liệu pháp gặp được đạo Phật, nghiên cứu giáo lý đạo Phật, thực hành theo giáo lý của đức Phật và trở thành những người Phật tử chơn chánh, cùng với chuyên ngành Tâm lý đặc thù của mình, họ đã hình thành nên Tâm lý liệu pháp Phật giáo.

Tâm lý liệu pháp Phật giáo là một mô hình Tâm lý liệu pháp hợp nhất giữa những phương pháp trị liệu được rút ra từ những hiểu biết sâu sắc về giáo lý đạo Phật và những thể nghiệm trong quá trình thực tập giáo lý ấy cùng với những lý luận của Tâm lý học phương Tây và những kiến thức nền tảng về Tâm lý học.
Tâm lý liệu pháp Phật giáo là sự kết hợp hài hòa giữa giáo lý của Phật giáo Đại thừa cũng như Nguyên thủy với những kiến thức về quá trình nhận thức, những trạng thái tâm lý, những cấp độ của thức. Tuy nhiên, nó không phải là một hình thức “tôn giáo” trong phương pháp trị liệu. Sự thật nó đã được kết tinh từ sự hiểu biết về những học thuyết, những lý luận về tâm - sinh - vật lý và cả những thực nghiệm tâm lý đã được trình bày bởi Wilhelm Wunlt, Jung, Pavlov, Winnicott,… cũng như bởi S.Freud, người được xem là cha đẻ của ngành Tâm lý liệu pháp, là người sáng lập nên Phân tâm học, cùng với những minh triết trong đạo Phật. Trong đó, giáo lý Tứ diệu đế được xem là kim chỉ nam cho việc xây dựng nên các liệu pháp tâm lý. Và các chuyên gia Tâm lý liệu pháp Phật giáo đặc biệt chú ý đến Tập đế, nhất là vấn đề chấp thủ, chấp ngã và luyến ái, xem chúng như là mấu chốt của những nguyên nhân gây nên khổ đau và bất hạnh cho mọi người.
Chủ đích của Tâm lý liệu pháp Phật giáo là để quán sát xem chúng ta đang như thế nào trong giây phút hiện tại, hay nói cách khác là để nhìn sâu vào những diễn biến tâm lý đang diễn ra trong tâm chúng ta và quán chiếu xem chúng ta đã sống, đã đối xử với mọi người như thế nào trong quá khứ. Qua đây chúng ta có thể nhìn lại những diễn tiến cũng như sự liên quan của chúng ta đối với khổ đau hiện có. Đồng thời nó giúp chúng ta cảm nhận một cách rõ ràng về những cảm giác đau khổ và bất an đang có mặt trong ta. Việc làm này còn giúp chúng ta hiểu biết một cách sâu sắc và đúng đắn hơn về mối quan hệ của chúng ta với người khác trong giây phút hiện tại cũng như những trải nghiệm của mình.
Các chuyên gia Tâm lý liệu pháp Phật giáo còn sử dụng những phương pháp thiền tập của Phật giáo như chánh niệm tỉnh giác, quán niệm hơi thở, vô thường quán, bất tịnh quán, từ bi quán để giúp thân chủ của họ nhìn thấy được quá trình sanh khởi của khổ đau mà họ đang phải chịu đựng cũng như những gì họ cần phải làm để xoa dịu nỗi đau của mình. Qua sự thực tập những liệu pháp đó, họ trở nên điềm tĩnh hơn, dễ chịu hơn, biết cảm thông và chia sẻ nhiều hơn với mọi người, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và lạc quan hơn và trở nên tinh tế, nhạy bén hơn trong việc tìm ra nhưng giải pháp cho các tình huống khó xử trong giao tiếp cũng như trong công việc. Không những thế, bằng các phương pháp thiền chỉ và thiền quán như thế, các chuyên gia Tâm lý liệu pháp Phật giáo còn có thể giúp thân chủ của họ làm dịu lại những cơn đau về sinh lý, như là giải tỏa bớt stress, đối diện và sống với những bệnh nan y như AIDS, ung thư,… Và thực tế đã có những bệnh nhân AIDS nhờ biết thực hành theo những liệu pháp tâm lý của Phật giáo mà đã có lợi ích thiết thực, quảng đời còn lại của họ thay vì phải sống trong mặc cảm, lo âu, sợ sệt và đau khổ, họ đã sống an vui hơn và có ý nghĩa hơn. Những bệnh nhân ung thư cũng vậy. Và một điều vượt ngoài sức tưởng tượng là đã có những bệnh nhân ung thư nhờ thực hành theo giáo lý của đạo Phật mà đã có những tiến triển không thể ngờ, bệnh tình thuyên giảm, sức khỏe hồi phục, tinh thần phấn chấn. Điều này đã khiến cho các bác sĩ điều trị phải trố mắt ngạc nhiên khi nhìn vào kết quả khám nghiệm của bệnh nhân, thật khó có thể tin được! Nhưng đấy là sự thực.
Cũng như các mô hình Tâm lý liệu pháp khác, Tâm lý liệu pháp Phật giáo chú trọng đến cả hai phương diện tâm lý và sinh lý. Bởi vì một điều rất hiển nhiên là tinh thần và thể xác có mối quan hệ rất chặt chẻ với nhau. Có những nỗi đau tinh thần làm cho cơ thể suy nhược và cũng có những căn bệnh về thể xác dẫn đến những khủng hoảng tâm lý. Với một cách nhìn bao quát, không nghiêng về một phương diện nào cả như thế, Tâm lý liệu pháp Phật giáo có thể giúp chúng ta - gọi là chúng ta vì tất cả chúng ta ai cũng đã từng khổ đau và ai cũng cần đến những liệu pháp tâm lý, nhất là trong xã hội đương đại - hiểu sâu và hiểu rõ hơn về chính mình, về lối sống của mình, về những hành xử của mình trong các mối quan hệ xã hội. Nhờ vậy chúng ta thấy được những nguyên nhân và quá trình hình thành nên những nổi khổ niềm đau trong cuộc sống của mình, đồng thời biết cách để xoa dịu, để chuyển hóa những khổ đau đó. Và điều quan trọng hơn là để chúng ta biết cách phòng tránh, không tạo ra những tác nhân gây khổ đau cho mình và người nữa. Một ưu điểm nữa của Tâm lý liệu pháp Phật giáo là chẳng những giúp người bệnh được bình phục mà còn giúp họ thăng hoa trong cuộc sống, sống một cuộc sống lành mạnh hơn, một cuộc sống có ý nghĩa hơn trong hiện tại và tương lai.
Hiện nay Tâm lý liệu pháp Phật giáo bắt đầu phát triển ở phương Tây. Ngày càng có nhiều trung tâm điều trị bằng liệu pháp của Phật giáo ra đời và đang được sự chú ý cũng như tin tưởng của đông đảo quần chúng. Đấy là những tín hiệu đáng mừng cho Phật giáo nói chung và Tâm lý học Phật giáo nói riêng. Điều này lại một lần nữa khẳng định rằng, đạo Phật là đạo của chân lý, những lời đức Phật đã dạy mãi mãi có giá trị cho con người và cho xã hội. Dù ở bất cứ thời đại nào, bất kỳ xứ sở nào, nếu mọi người biết áp dụng những lời dạy của đức Phật vào trong cuộc sống thì ở đó cuộc sống sẽ được thăng hoa, cá nhân được hạnh phúc, gia đinh được ấm no, và xã hội được thanh bình, thịnh vượng.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.28/10/2012 ).

No comments:

Post a Comment