Tuesday 23 October 2012

Giáo lý nghiệp báo trong đạo Phật.
 
Ta đã được sinh ra trong cuộc đời này như thế nào? Điều gì đã khiến cho ta có cuộc sống như hiện tại? Làm sao ta có thể thay đổi được chính mình? Điều gì sẽ xảy ra với ta sau khi ta chết đi? Đây là những câu hỏi cơ bản nhất mà mọi người thường nghĩ đến.
Tất cả những người biết tư duy đều tự hỏi bản thân những câu hỏi này, và mỗi người đều có các câu trả cho riêng mình, hầu như không có ai giống ai. Tuy nhiên, do có nhiều suy đoán về những vấn đề này nên đã xuất hiện nhiều câu trả lời, đại diện cho những phương thức tiếp cận cơ bản. Một trong số những cách tiếp cận đã được phổ biến rộng rãi ở Thiên Chúa giáo phương Tây là thuyết hữu thần, cho rằng số phận của con người, về cơ bản, chịu sự quyết định của Thượng đế. Thượng đế quyết định người nào xứng đáng được sanh lên thiên đường hoặc đọa xuống địa ngục. Nhóm thứ hai thì tin vào thuyết định mệnh. Theo thuyết định mệnh, mỗi một người trong chúng ta đều có số phận nhất định và chúng ta không thể nào thay đổi được. Theo cách nói của thuyết này: “Cái gì đến thì sẽ đến”. Trong triết thuyết này, nhân tố quyết định số phận không phải là một đấng Thượng đế như trong thuyết hữu thần, mà là một sức mạnh siêu nhiên thần bí, được gọi là “số phận”, học thuyết này nâng sự hiểu biết và khả năng của chúng ta lên một tầm cao mới để thuyết phục, để thu hút. Và còn có một nhóm thứ ba thì quan niệm hoàn toàn trái ngược, theo nhóm này thì mọi thứ đều diễn ra một cách ngẫu nhiên. Đây là lý luận của học thuyết bất định. Những người theo học thuyết bất định tin rằng, nếu người nào may mắn thì người đó sẽ có được hạnh phúc và thành công trong cuộc sống, nếu người nào kém may mắn thì phải chịu đau khổ hoặc thất bại. Và tất cả những gì con người thọ nhận đều không do một quá trình quyết định nào cả, mà chỉ là sự tình cờ, sự trùng lặp ngẫu nhiên.
Cả ba trường phái này: trường phái hữu thần, trường phái định mệnh và trường phái bất định, Phật giáo đều không tán đồng. Thế thì câu trả lời của Phật giáo đối với điều bí ẩn về vận mệnh của con người là gì? Phật giáo trả lời theo nguyên tắc tổng quát về hành động và sự phản ứng, được nhìn nhận trong phạm vi của đạo đức và sự cảm nhận của con người. Theo quy luật này, nếu một người làm điều gì đó, những gì người ấy làm sẽ tạo ra những ảnh hưởng tất yếu đối với bản thân, có thể là ngay trong hiện tại, hoặc là trong tương lai, và sự ảnh hưởng này sẽ được quyết định bởi đặc tính của hành động của người ấy lúc ban đầu. Nếu người ấy làm những việc thiện, hoặc tạo ra những nghiệp thiện, thì họ sẽ gặt hái được những kết quả tốt: có được hạnh phúc, thành công; nếu người ấy làm những việc xấu, hoặc tạo ra những bất thiện nghiệp thì họ sẽ phải nhận lãnh những kết quả không tốt: bị đau khổ, thất bại. Nhiều người biết đến lời dạy trong Thánh kinh rằng: “Con sẽ gặt hái những gì con gieo trồng”. Câu nói này diễn tả một cách chính xác ý nghĩa của luật nghiệp báo. Tuy nhiên, Thiên Chúa giáo giải thích câu nói này theo xu hướng thần thánh hoá, còn Phật giáo thì xem luật nghiệp báo là một định luật phổ quát của vũ trụ. Thuyết nghiệp báo là thuyết có tính “trung đạo”, không hoàn toàn thiên về Định mệnh luận, cũng không hoàn toàn thuộc Bất định luận.
Phật giáo còn khác với Thiên Chúa giáo ở một khía cạnh khác nữa, đó là trong khi Thiên Chúa giáo tuyên bố rằng, luật nhân quả có thể được huỷ bỏ nếu như mọi người cầu mong sự miễn tội từ hồng ân của Chúa và thông qua trung gian của tu sĩ. Chính vì vậy mà tín đồ Thiên Chúa giáo tôn thờ Chúa và cầu nguyện Chúa để ngài miễn tội cho những kết quả do những hành động bất thiện mà bản thân họ đã gây ra. Còn theo Phật giáo thì không ai có thể miễn tội cho người khác khi người đó đã gây ra lỗi lầm. Nếu người nào đã tạo những việc ác thì chính họ phải nhận lãnh những hậu quả của chúng, bởi vì tất cả đều vận hành theo quy luật của vũ trụ chứ không phải bởi một đấng sáng tạo chuyên quyền nào cả.
Khái niệm về thời gian trong đạo Phật thường đề cập đến thời gian hiện tại, bây giờ và ở đây. Hiện tại là tác nhân kết nối giữa quá khứ và tương lai. Những gì chúng ta có trong hiện tại là kết quả của những điều mà chúng ta đã làm trong quá khứ, và những gì chúng ta làm trong hiện tại bây giờ sẽ quyết định đến những thứ chúng ta sẽ nhận lãnh trong tương lai. Trong Phật giáo có một câu rằng: “Hiện tại là cái bóng của quá khứ, tương lai là cái bóng của hiện tại”. Vì thế, hành động của chúng ta trong hiện tại là quan trọng nhất, bởi vì những gì ta tạo ra trong hiện tại quyết định đến quá trình phát triển trong tương lai của ta. Ta nên hướng tâm vào hiện tại để có thể thăng hoa cuộc sống của bản thân. Theo thuyết tái sanh trong Phật giáo, mối quan hệ nhân quả giữa hành động và kết quả của nó không chỉ có liên quan đến cuộc sống hiện tại mà còn đến đời sống trong quá khứ và tương lai nữa. Quy luật nhân quả phổ biến này không hề sai chạy, không thể nào tránh khỏi. Ta không thể nào chạy ra khỏi cái bóng của chính mình, cũng vậy, ta không thể nào trốn chạy khỏi những kết quả do hành động của chúng ta đã tạo ra, chúng sẽ bám theo ta cho dù ta có ẩn nấp ở đâu.
Nói một cách chính xác, thuyết nghiệp báo không chỉ đơn thuần là một học thuyết về nhân quả, mà là học thuyết về hành động và sự phản ứng. Theo học thuyết này thì mọi hành vi có chủ ý được tạo ra từ hành động, hay từ lời nói, hoặc là từ ý nghĩ của ta đều có sự phản ứng trở lại chính mình. Nghiệp báo là một quy luật tự nhiên, nó vận hành không chịu sự tác động của bất kỳ một thế lực huyền bí nào cả. Giống như việc ta vi phạm luật giao thông rồi năn nỉ cảnh sát giao thông tha lỗi. Anh ta sẽ không tha thứ, tại vì chúng ta đã vi phạm thì chúng ta phải hứng chịu hậu quả. Cũng thế, thông qua sự vận hành của luật nghiệp báo, hành vi của chúng ta sẽ đem lại những kết quả tự nhiên của chúng. Nhận thức rõ vấn đề này, người Phật tử không cầu xin sự thương hại của Thượng đế mà điều chỉnh những hành vi của mình sao cho hoà hợp với quy luật của tự nhiên. Nếu họ làm điều bất thiện, họ sẽ cố gắng để tìm ra những sai phạm của bản thân và sửa chữa các lầm lỗi của họ; nếu họ làm điều tốt, họ cố gắng duy trì và phát huy điều tốt đó.
Chúng ta không nên quá lo lắng về quá khứ, mà nên quan tâm đến những gì chúng ta đang làm trong hiện tại. Thay vì chay loanh quanh tìm cầu sự tha thứ, ta nên cố gắng gieo những hạt giống thiện và hãy để luật nghiệp báo quyết định kết quả của mình. Khi một người đệ tử đến với Đức Phật và sám hối về những lỗi lầm đã tạo ra trong quá khứ, Đức Phật không hứa tha thứ, bởi vì Ngài biết rằng mỗi người đều phải gặt hái kết quả của những hạt giống mà người đó đã gieo trồng. Ngài chỉ khuyên rằng, nếu đã biết những gì mình làm là sai trái, là gây hại, thì từ nay trở đi đừng làm những điều đó nữa. Nếu biết rằng những gì mình làm là đúng và đem lại lợi ích thì hãy tiếp tục thực hiện. Cần phải tránh gây ra những nghiệp bất thiện và tạo những nghiệp thiện lành”. Ta nên biết rằng, những gì chúng ta có trong hiện tại là sự phản chiếu của những điều ta đã tạo ra trong quá khứ, và những gì đến với ta trong tương lại là sự phản chiếu những điều ta tạo ra trong hiện tại.
Luật nghiệp báo trong Phật giáo xác quyết rằng, con người là chủ nhân, là nhà kiến trúc xây dựng vận mệnh của chính mình chứ không phải ai khác. Trong từng phút giây, ta đang tạo ra, đang xác lập vận mệnh của mình thông qua những hành động, lời nói và ý nghĩ của mình. Theo đạo Phật, tâm đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến tính chất của nghiệp của mỗi người. Nếu ta có những tư tưởng tốt thì hành động của chúng ta không thể nào xấu được. Bằng cách nghĩ về những ý tưởng tốt, ta sẽ tạo ra những hành động tốt hơn, phát triển những thói quen tốt hơn, hình thành những tính cách tốt hơn và tạo dựng những vận mệnh tốt hơn.
Đạo Phật đặt trách nhiệm tối cao về đời sống của con người vào trong đôi tay của chính mỗi người. Nếu ta muốn đôi tay tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình thì ta phải xác lập tâm của ta theo một đường hướng tốt đẹp hơn. Tại vì tâm là nhân tốt điều khiển đôi tay tạo dựng cuộc sống. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một số người hoài nghi về luật nhân quả nghiệp báo. Thỉnh thoảng ta bắt gặp một số người đức hạnh, lịch sự, tử tế, giàu lòng thương yêu và thông minh, nhưng cuộc sống của họ lại đầy những trắc trở. Tại sao lại như thế? Theo luật nghiệp báo thì những hành động thiện đưa đến hạnh phúc, hành động bất thiện đưa đến khổ đau mà? Để hiểu vấn đề này, chúng ta cần phải ý thức được rằng, nghiệp quả không nhất thiết là phải chín muồi trong cùng kiếp sống mà ở đấy cá nhân đã tạo nghiệp, tích luỹ nghiệp. Nghiệp có thể dẫn đến những kết quả trong kiếp sau hoặc là những kiếp về sau nữa. Nếu một người trong quá khứ đã sống tốt thì người ấy có thể tận hưởng hạnh phúc và giàu sang trong kiếp này, dù rằng trong hiện tại họ không phải là người tốt. Và một người hiện tại có thể sống có đức hạnh mà vẫn gặp phải nhiều khổ đau, nhiều rắc rối là bởi những nghiệp nhân bất thiện mà người ấy đã tạo ra trong những kiếp trước. Giống như ta gieo trồng những hạt giống khác nhau, một số loại thì đơm hoa, kết trái rất nhanh, một số khác thì đòi hỏi thời gian dài hơn, có thể là vài tháng, thậm chí là vài năm, vài chục năm. Luật nhân quả, nghiệp báo không bao giờ thay đổi, nhưng những kết quả của hành vi thì chín muồi vào những thời gian khác nhau, dưới những hình thức và địa điểm khác nhau. Với cuộc sống hiện tại, ta nhận lãnh những kết quả của những nghiệp nhân ta đã tạo ra trong những kiếp quá khứ cũng như trong cuộc sống hiện đời. Và những gì chúng ta gặt hái trong tương lai sẽ là kết quả của những gì chúng ta làm trong hiện tại cũng như trong quá khứ.
Luật nghiệp báo gắn kết đời sống quá khứ, hiện tại và tương lai của mỗi người thông qua vòng luân hồi sinh tử. Để hiểu về mối liên hệ giữa những trải nghiệm và những hành vi của cá nhân trong những kiếp kế tiếp, chúng ta cần phải điểm qua sự phân tích về tâm thức trong Phật giáo. Theo triết học của Phật giáo về tâm thức, trường phái Duy thức học, có 8 loại thức, trong đó gồm có 5 thức giác quan: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, và thân thức. Năm thức này tạo khả năng cảm nhận về năm nguồn dữ liệu cảm xúc của thế giới bên ngoài thông qua năm giác quan của ta. Thức thứ 6 là ý thức, là khả năng đánh giá dựa trên sự nhận biết, so sánh, phân biệt những dữ liệu của năm giác quan ở trên và những ý tưởng. Thức thứ bảy gọi là mạt-na thức, là khả năng tự ý thức về chính mình như là một tự ngã riêng biệt và gắn kết với sự phân biệt giữa bản thân và người khác. Ngay cả khi sáu thức trước không hoạt động, chẳng hạn như lúc ngủ, thức thứ bảy này vẫn hiện hữu, và nếu bị đe dọa, thông qua xung lực tự vệ, thức này sẽ đánh thức ta. Thức thứ tám gọi là a-lại-da thức, hay còn gọi là tàng thức. Tại vì thức này rất sâu sắc cho nên khó hiểu, nhưng từ nghĩa đen của tên gọi đã gợi cho ta hiểu về ý nghĩa, chức năng của nó. A-lại-da là cái kho chức đựng tất cả những ấn tượng về những việc làm, những trải nghiệm của ta. Mọi thứ ta thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm đều gieo vào trong tàng thức những hạt giống. Những hạt giống ấy là hạt nhân của nghiệp lực. Vì thức A-lại-da tích trữ những hạt giống của những hành động trong quá khứ của ta, nó chính là kiến trúc sư của vận mệnh cuộc đời ta. Cuộc sống và tính cách của ta phản ánh những hạt giống ở trong tàng thức của mình. Nếu ta thêm vào những hạt giống xấu, ta sẽ trở thành người xấu. Như khi ta thắp hương trong một gian phòng lớn, cả gian phòng sẽ có hương thơm dễ chịu, nếu ta đem vào phòng vài quả trứng thối thì gian phòng sẽ sực nức mùi hôi thối.
Thức A-lai-da không chỉ chứa tất cả những hạt giống tốt lẫn xấu, mà còn mang chúng từ giây phút này đến giây phút sau, từ đời quá khứ đến hiện tại, và từ đời sống hiện tại cho đến tương lai. Chính điều này khiến cho sự chuyển dịch những tính cách, cũng như sự phát triển hoặc là suy thoái của tính cách trong chuỗi dài nhiều kiếp sống có thể diễn ra. Trong một số trường hợp ngoại lệ, tàng thức cũng giúp giải thích hiện tượng nhớ lại những điều đã trải qua, đã gặp trong những kiếp quá khứ, hoặc là những tài năng, những phẩm chất đặc trưng đã có được trong kiếp quá khứ, bây giờ bộc lộ rất sớm trong kiếp hiện tại. Chúng ta đọc về những nhà thơ, những họa sĩ, nhạc sĩ có khả năng sáng tác ngay từ lúc còn bé thơ. Hoặc thỉnh thoảng chúng ta nghe chuyện những em bé có thể nói các ngoại ngữ mà chúng chưa bao giờ được cha mẹ hay người khác chỉ dạy. Tất cả những chuyện kỳ lại như thế là sự biểu hiện về những đặc tính của hạt giống được tàng trữ trong tàng thức. Vận mệnh của ta trong đời sống hiện tại là sự hoạt dụng của những hạt nhân của nghiệp ở trong tàng thức của mình. Tuy nhiên, vận mệnh ở đây không phải là “tiền định” như trong thuyết định mệnh, mà là sản phẩm của chính tâm ý của ta, thông qua những hành động có chủ ý, hay nói cách khác là thông qua nghiệp của ta đã tạo ra.
Tâm là nhân tố quyết định đến tính chất của hành vi, quyết định đời sống của ta. Mọi vấn đề đều tùy thuộc vào tâm. Vì thế, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn - một thế giới hòa bình, hòa hợp và mọi người thương yêu lẫn nhau - chúng ta phải bắt đầu từ việc sửa đổi những hành nghiệp của mình. Cộng nghiệp của thế giới không gì khác ngoài sự phản ánh biệt nghiệp của mỗi cá nhân đã tạo nên thế giới. Để sửa đổi hành nghiệp thì phải bắt đầu từ việc trau dồi tâm thức của mình. Nếu tâm ta đầy những hận thù, điều gì sẽ xảy ra? Ta sẽ gây thù kết oán với nhiều người. Nếu tâm ta đầy tình thương yêu thì sao? Ta sẽ thiết lập được nhiều mối quan hệ bạn bè. Những gì dấy khởi trong tâm ta đều bộc lộ ra thế giới bên ngoài. Vì thế, mọi thứ đều tùy thuộc vào tâm của con người.
Theo Phật giáo, cách tốt nhất để có được sự hòa bình là thông qua sự hòa bình. Ta phải tạo lập sự hòa bình trong tự thân của mình nếu ta muốn thiết ập sự hòa bình trên thế giới. Chúng ta không bao giờ có được sự hòa bình bằng cách đánh nhau với người khác, giết hại người khác. Con đường đến với hòa bình bắt đầu từ trái tim. Chúng ta phải biết tôn trọng những điểm khác biệt của người khác, phải biết rằng những quan điểm khác lạ với mình có thể có giá trị đối với những người có những quan điểm đó. Thường thì ta có xu hướng nghĩ rằng một xã hội hòa bình phải là một xã hội thuần nhất, ở đó mọi người đều suy nghĩ, nói năng và hành động như nhau. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu có một xã hội đa dạng. Sư đa dạng không nhất thiết là phá vỡ sự hòa hợp. Trong âm nhạc, để đạt được sự hòa hợp thì phải có những nốt nhạc khác nhau. Nếu tất cả các nốt đều giống nhau thì kết quả không phải là hòa hợp mà là đơn điệu. Sự khác nhau không chỉ là gia vị của cuộc sống, mà là một tố chất rất quan trọng để cuộc sống có ý nghĩa.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY ).

No comments:

Post a Comment