Monday 29 October 2012

Tìm hiểu Đại tạng kinh Phật giáo Tây Tạng.

 
I. DẪN NHẬP:
Đến với Tây Tạng (Tibet) là đến với Xứ Tuyết có nhiều huyền bí. Mà ở nơi xứ sở huyền bí này, nét nổi bật nhất là Phật giáo Mật tông. Hình ảnh những nhà sư mặc áo vải ẩn tu trong những hang động của vùng núi Tuyết quanh năm lạnh lẽo, hình ảnh hàng vạn người trì niệm câu chân ngôn Án-ma-ni-bát-di-hùm trên khắp Tây Tạng… chắc sẽ không bao giờ mờ phai trong ký ức của những người đã từng đến xứ sở này. Văn hóa Tây Tạng đã thật sự là văn hóa Phật giáo Mật tông. Mà trong kho tàng văn hóa đó, Đại tạng kinh Tây Tạng đã có những diện mạo và đặc điểm gì, thì chưa phải ai cũng biết được. Trong bài viết này, ta sẽ tìm hiểu về Đại tạng kinh của Phật giáo Tây Tạng.

Trong Lịch Sử Phật Giáo Tây Tạng của pháp sư Thánh Nghiêm, khi thuyết minh về văn hóa Phật giáo Tây Tạng, tác giả đã dành nửa chương V để giới thiệu, phân tích và nhận định về các Đại tạng kinh của Tây Tạng. Đồng thời, pháp sư cũng đã so sánh Tạng tạng với Hán tạng, qua đó nêu lên tính ưu việt của Đại tạng kinh ở Xứ Tuyết. Với sự phát triển mạnh của Phật giáo Tây Tạng trên khắp thế giới, chắc rằng đã có nhiều học giả tìm hiểu về vấn đề này. Ở đây, người viết không vội kết luận về lịch sử nghiên cứu của đề tài, nhưng cũng xin được trân trọng giới thiệu tác phẩm của pháp sư Thánh Nghiêm như là một tài liệu nghiên cứu chính của người viết.

Tìm hiểu Đại tạng kinh của Phật giáo Tây Tạng là một đề tài nghiên cứu thiết thực và tương đối hấp dẫn trong môn học Lịch sử Văn hóa Phật giáo Tây Tạng-Mông Cổ-Tích Lan, bởi vì Đại tạng kinh là một văn hóa vật thể giá trị nhất của các nền Phật giáo. Trong bài viết này, phạm vi nghiên cứu được giới hạn đúng như đề tài đã nêu. Để góp phần làm sáng tỏ nội dung, người viết sẽ giới thiệu sơ lược về đất nước và Phật giáo Tây Tạng, rồi tìm hiểu sơ về ba Đại tạng kinh khác là Pàli tạng, Phạn tạng và Hán tạng. Khi tìm hiểu ba tạng kinh này, người viết đã sử dụng đến những tư liệu do hòa thượng Thanh Kiểm và các thầy Cao Hữu Đính, Thích Tâm Minh… cung cấp.

Phương pháp nghiên cứu cần thiết ở đây là tổng hợp. Trong khi trình bày thì cần phải có cách sắp xếp thích hợp để người đọc dễ nắm bắt được nội dung. Những nhận định riêng sẽ luôn được lưu ý không bỏ sót, nhưng chắc là không cần phải dành hẳn một chương trong bài viết để làm việc này.

Hiểu biết về Đại tạng kinh của một nền Phật giáo có thể nói là hiểu được ruột gan của nền Phật giáo đó. Tuy vậy, Đại tạng kinh chưa phải là tất cả mọi mặt của một nền Phật giáo. Điểm đặc sắc nhất của bài viết này mà dàn bài nghiên cứu đã cho chúng ta thấy, là cùng trong một tiểu luận, cả bốn Đại tạng kinh đại diện cho bốn ngôn ngữ chính của Phật giáo thế giới đều được giới thiệu. Nhờ vậy, bài viết này sẽ giúp cho mọi người đọc có được một nhận thức khái quát về các kho tàng kinh điển của Phật giáo thế giới.

II. GIỚI THIỆU ĐẤT NƯỚC VÀ NỀN PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

1. Giới thiệu đất nước Tây Tạng

Đất nước Tây Tạng ở trên Cao nguyên Thanh-Tạng với độ cao trung bình khoảng 4000m. Đây là vùng có dãy núi Hymalaya – Tuyết Sơn hùng vĩ với những đỉnh núi cao trên 8000m quanh năm trắng xóa.

Người Tây Tạng xưa gọi là người Miêu hay người Khương, đã cư trú tại vùng Thanh-Tạng từ rất lâu. Đến thế kỷ VII, vua Songsten Gampo đã sáng lập một vương quốc Tây Tạng rộng lớn. Trung Quốc gọi nước của người Tây Tạng là nước Thổ Phồn và đã từng thắt chặt bang giao với Thổ Phồn bằng cách gả công chúa Weng Cheng (Văn Thành) cho vua Songsten Gampo.

Dưới thời vua Songsten Gampo cai trị, Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc đã được du nhập Tây Tạng, đem lại cho nước này nhiều nét văn hóa mới. Đến thế kỷ VIII, vua Trisong Detsen đã làm cho Phật giáo Mật tông trở thành quốc giáo của Tây Tạng. Từ đây, Tây Tạng phát triển về mọi mặt, có nhiều bản sắc văn hóa riêng của một nước độc lập, tự chủ.

Khi Thành-cát-tư Hãn kiến lập đế quốc Mông-cổ, Tây Tạng đã bị xâm chiếm và trở thành một phần của đế quốc này. Sau đó, Mông-cổ xâm chiếm Trung Quốc, sáng lập nhà Nguyên, Tây Tạng và Trung Quốc đã trở thành một nước.

Do Tây Tạng ở quá xa, nên nhà Nguyên cai trị Tây Tạng bằng cách để một Lama thống lãnh xứ sở ấy. Kế tiếp nhà Nguyên, hai triều đại Minh và Thanh của Trung Quốc cũng cai trị Tây Tạng và áp dụng biện pháp quản lý tương tự như của nhà Nguyên.

Đến năm 1913, ngài Dalai Lama thứ XIII tuyên bố Tây Tạng là một nước độc lập. Trong tình hình thế giới có quá nhiều biến động vào nửa đầu thế kỷ XX, việc làm trên của ngài Pháp vương kiêm Thế vương của Tây Tạng là rất đúng đắn. Nhưng không bao lâu, Tây Tạng lại bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xâm chiếm và cai trị vào năm 1949. Đến năm 1959, ngài Dalai Lama thứ XIV bắt đầu một cuộc lưu vong cho đến tận ngày nay…

2. Phật giáo Tây Tạng

Phật giáo Tây Tạng thường được gọi là Lạt-ma giáo. Đây là một nền Phật giáo Kim Cương thừa đặc sắc. Nếu so với các tông phái Phật giáo Đại thừa khác chuyên về Hiển giáo, thì ta có thể gọi nền Phật giáo Tây Tạng là Phật giáo Mật tông. Và vị Tổ sư đầu tiên mang giáo pháp Mật tông đến Tây Tạng là đức Liên Hoa Sinh – Padmasambhava.

Lama (Lạt-ma) là một danh xưng tương đương với từ Guru trong tiếng Ấn Độ. Lama có nghĩa là Thượng nhân, Đạo sư, Thiện trí thức… dùng để tôn kính các bậc thầy Mật tông của Phật giáo Tây Tạng. Đứng về góc độ xã hội mà nói, thì Lama là một giai cấp đặc biệt tại Tây Tạng. Trong mọi phương diện, các Lama đều được địa vị, quyền lợi, của cải… rất cao. Đến đầu thế kỷ XV, đại sư Tsongkhapa (Tông-khách-ba) đã làm một cuộc đại cải cách Lama giáo ở Tây Tạng, khiến cho nền Lama giáo cổ truyền ở Xứ Tuyết càng trở nên hưng thịnh hơn…[1]

Vì Phật giáo Tây Tạng không giống với các nền Phật giáo khác, nên mọi người thường gọi nền Phật giáo này là Lama giáo. Trong khi Phật giáo Đại thừa tại Ấn Độ sắp bị diệt vong, có một nhánh đã kịp thời truyền đến Tây Tạng và đã bén rễ ở đây. Từ đó, kết hợp với đạo Bon truyền thống của Tây Tạng, nền Phật giáo Mật tông Tây Tạng đã được định hình và phát triển mạnh mẽ. Như vậy, Phật giáo Tây Tạng đã thừa kế những tinh hoa của Phật giáo Đại thừa Ấn Độ thời kỳ cuối.[2]

Vào thế kỷ IX, vua Glang Dharma (Lãng-đạt-ma) của Tây Tạng đã cho triệt phá Phật giáo, làm cho nền Phật giáo Tây Tạng bị suy yếu hoàn toàn. Đến năm 1038, một đạo sư của Ấn Độ là ngài Atisha (A-để-sa) đã đến Tây Tạng, phiên dịch kinh điển, phục hưng giới luật, dựng lập lại nền Phật giáo. Vào năm 1260, Lama giáo trở thành quốc giáo của đế quốc Mông-cổ, do ngài Phagpa (Phát-tư-ba) được vua Thế Tổ nhà Nguyên tôn làm Quốc sư. Từ đây, Phật giáo Tây Tạng được truyền bá mạnh ở Trung Quốc và Mông-cổ, mang những tinh túy đặc sắc của nền Phật giáo này ảnh hưởng đến nền Phật học Trung Quốc…

Hiện nay, Phật giáo Tây Tạng có bốn tông phái chính là Gelug (Cách-lỗ), Sakya (Tát-ca, Thích-ca, Tát-già), Kagyu (Ca-nhĩ-cư) và Nyingma (Ninh-mã) đang hoạt động mạnh tại Tây Tạng và các nước khác trên thế giới. Ngoài ra, Phật giáo Tây Tạng còn có năm phái khác là Kadam, Chod, Shijay, Shangpa Kagyu và Urgyen Nyendrup.

Nếu bỏ Phật giáo ra khỏi lịch sử Tây Tạng thì chắc sẽ có ít điều để nói về xứ sở biệt lập này. Phật giáo đã gần như là sinh mệnh của Tây Tạng, đóng vai trò trung tâm trong mọi mặt của đất nước. Và Đại tạng kinh Phật giáo Tây Tạng chính là những tinh hoa quý báu đã được ra đời trong một nền Phật giáo như thế…HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH. MHDT.GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.30/10/2012.

No comments:

Post a Comment