Friday 26 October 2012

Thiền pháp tổ Đạt Ma.
 
Ở Việt Nam, mặc dù Phật giáo được truyền trực tiếp từ Ấn Độ “ngay từ đầu công nguyên với tích truyện Chử Đồng Tử học đạo của một nhà Tổ Ấn Độ”<!--[if !supportFootnotes]-->[1]<!--[endif]-->, nhưng trong thời kỳ đầu Phật giáo không được phổ cập sâu rộng nên tầm ảnh hưởng và tư liệu lưu trữ bị hạn chế. Bằng nhiều hình thức, Phật giáo Trung Hoa đặc biệt là giáo lý thiền của Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã du nhập vào Việt Nam có ảnh hưởng tích cực và được mọi người đón nhận. Bằng chứng cụ thể là hình tượng và thiền pháp của Ngài được tôn thờ, thực hành rộng khắp trong các tự viện trên khắp mọi miền đất nước. Vậy thiền pháp của Ngài là gì? Nội dung ra sao mà có tầm ảnh hưởng to lớn như vậy? Vì muốn giải tỏa những nghi vấn trên nên đề tài “Thiền pháp của Tổ Đạt Ma” được chọn làm tiểu luận trong phần Thiền học đại cương.

Lược truyện Tổ Bồ Đề Đạt Ma (?- 529)<!--[if !supportFootnotes]-->[2]<!--[endif]-->
Tổ Bồ Đề Đạt Ma (skt. Bodhidharma, ja. bodai daruma), dịch nghĩa là Đạo Pháp là Tổ thứ 28 sau Phật Thích Ca Mâu Ni của dòng Thiền Ấn Độ và là Sơ Tổ của Thiền tông Trung Quốc. Ngài thuộc dòng Sát Đế Lợi ở Nam Ấn (Kanchi), cha là Hương Chí (Simhavarman) vua nước này. Vua Hương Chí sanh được ba người con trai, Ngài là Vương tử thứ ba. Thưở nhỏ, Ngài đã có chí siêu việt và đặc tài hùng biện.
Bồ Đề Đạt Ma là đệ tử và truyền nhân của Tổ thứ 27 Bát Nhã Đa La (skt. prajñādhāra) và là Thầy của Huệ Khả, Nhị tổ Thiền Trung Quốc. Sự tích truyền pháp của Bát Nhã Đa La cho Bồ Đề Đạt Ma được truyền lại như sau: Tổ hỏi “Trong mọi thứ, thứ gì vô sắc?” Bồ Đề Đạt Ma đáp: “Vô sinh vô sắc”. Tổ hỏi tiếp: “Trong mọi thứ, cái gì vĩ đại nhất?” Bồ Đề Đạt Ma đáp:: "Phật pháp vĩ đại nhất".
Sau khi trở thành Tổ thứ 28, Bồ Đề Đạt Ma đi thuyền qua Nam Trung Quốc (năm 520). Ngài đã truyền đạo cho vua Lương Vũ Đế nhưng không thành sau đó Bồ Đề Đạt Ma đến Lạc Dương, lên Chùa Thiếu Lâm trên rặng Tung Sơn. Nơi đây, Bồ Đề Đạt Ma tu thiền định, chín năm quay mặt vào vách không nói và cũng tại đây, Huệ Khả đã gặp Bồ Đề Đạt Ma được Tổ nhận làm đệ tử truyền pháp.
Sau Tổ có ý muốn hồi hương, trước khi về, gọi đệ tử trình bày sở đắc: “Giờ ta ra đi sắp tới, vậy mỗi đệ tử hãy nói cho ta nghe sở đắc của mình”. Trong số 4 đệ tử lần lượt trình pháp, cuối cùng khi đến phiên Huệ Khả, Ngài lễ bái Tổ rồi đứng ngay một chỗ, không bạch không nói gì cả. Tổ bảo: “Ngươi đã được phần tuỷ của ta.”
Rồi nhìn Huệ Khả, Tổ nói tiếp: “Xưa Như Lai trao Chánh pháp nhãn tạng cho Tổ Ca Diếp, từ Ca Diếp chánh pháp được liên tục truyền đến ta. Ta nay trao lại cho ngươi; nhà ngươi khá nắm giữ với áo cà sa để làm vật tin. Mỗi thứ tiêu biểu cho một việc, ngươi nên khá biết”. Huệ Khả bạch: “Thỉnh Tổ chỉ bảo cho”. Tổ nói: “Trong, truyền pháp ấn để khế chứng tâm; ngoài, trao cà sa để định tông chỉ. Đời sau, trong cảnh cạnh tranh, nếu có người hỏi ngươi con cái nhà ai, bằng vào đâu mà nói đắc pháp, lấy gì chứng minh, thì ngươi đưa bài kệ của ta và áo cà sa ra làm bằng. Hai trăm năm sau khi ta diệt rồi, việc truyền y dừng lại. Chừng ấy, đâu đâu người hiểu đạo và nói lý rất nhiều, còn người hành đạo và thông lý rất ít, vậy ngươi nên cố xiển dương đạo pháp, đừng khinh nhờn những người chưa ngộ. Bây giờ hãy nghe bài kệ của ta: ‘Ngô bổn lai tư độ, Truyền pháp cứu mê tình, Nhất hoa khai ngũ diệp, Kết quả tự nhiên thành’”. Ngài lại bảo: “Ta có bộ kinh Lăng già bốn quyển, là Phật nói tột pháp yếu, cũng giúp cho chúng sanh mở, bày, ngộ, nhập kho tri kiến Phật, nay ta trao luôn cho ngươi”. Theo một thuyết khác thì Tổ Đạt Ma sống đến 150 tuổi, cuối cùng bị đầu độc và được chôn ở Hồ Nam. Sau đó một vị tăng đi hành hương ở Ấn Độ về gặp Tổ trên núi Hùng Nhĩ. Tổ Đạt Ma, tay cầm một chiếc dép, cho biết mình trên đường về Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tiếp nối dòng Thiền của mình. Về tới Trung Quốc vị tăng này vội báo cho đệ tử, đệ tử mở áo quan ra thì không thấy gì cả, chỉ còn một chiếc dép. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì Tổ Đạt Ma có thể từng đến Việt Nam (Giao Châu) cuối đời nhà Tống (420-447) cùng với một vị Tổ Ấn Độ tên là Pháp Thiện (skt. dharmadeva).
Bối cảnh lịch sử Phật giáo Trung Quốc khi Tổ
1. Phong trào dịch thuật và nghiên cứu kinh điển
Ngay từ buổi đầu, Phật giáo Trung Quốc đã có mối quan hệ tốt đẹp trong hàng ngũ lãnh đạo, vì biết kết hợp hài hòa với tư tưởng Hoàng Lão, vốn dĩ là tư tưởng chủ đạo được giai cấp quý tộc đương thời sùng bái. Dần về sau đến thời Hậu Hán (206 TCN- 220 CN) kinh sách đã được ra công phiên dịch. Hai dịch giả nổi tiếng nhất có lẽ là An Thế Cao và Chi Lâu Ca Sấm (sống giữa thế kỷ thứ 2). Nhờ đó, mối quan tâm đến kiến thức Phật giáo mới dần dần được tỏ rõ. Vì An Thế Cao là một người truyền bá giáo lý tiểu thừa cho nên ông đã dịch các kinh điển như A Hàm Abhidharma (A Tì Đạt Ma). Mặt khác, Chi Lâu Ca Sấm, vì là người truyền bá Phật giáo đại thừa, cho nên dịch phẩm của ông là các kinh điển Bát nhã như Đạo Hành Bát Nhã Kinh. Đồng thời, cả hai đều dịch loại sách vở nói về thiền định mà ta có thể suy ra rằng các kinh điển đầu tiên do hai ông dịch ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ sau. Một bên là An Ban Thủ Ý Kinh do An Thế Cao, một bên là Ban Châu Tam Muội Kinh do Chi Lâu Ca Sấm dịch. Nhờ có công lao của họ An mà sau đó, vào thời Ngô (229-280) mới có những người như Trần Huệ (năm sinh năm mất không rõ) và Khương Tăng Hội (?-280) nghiên cứu về An Ban Thủ Ý Kinh.
Đến giai đoạn Ngũ Hồ Thập Lục Quốc (316-439), dưới triều đại Tiền Tần (351-394) lại có Đạo An (312-385) mà những lời chú về sổ tức quán và tùy ý quán chép trong kinh đó được ông đem ra giải thích. Ngoài ra, đệ tử của Đạo An là Huệ Viễn (334-416), người thời Đông Tấn (317-419), hoạt động ở vùng Lô Sơn, đã dựa trên giáo lý trong Ban Chu Tam Muội Kinh để thành lập một đoàn thể (kết xã) tôn giáo ở Lô Sơn lấy tên là Bạch Liên Xã và ông trở thành tổ của Liên Tông.<!--[if !supportFootnotes]-->[3]<!--[endif]-->
Sau đó, sự quan tâm đến thiền định càng ngày càng cao. Cưu Ma La Thập (344-413) thời Hậu Tần (384-417) đã dịch Thiền Bí Yếu Pháp Kinh và Tọa Thiền Tam Muội Kinh. Người thời Đông Tấn là Phật Đà Bạt Đà La (tức Giác Hiền, 350-429) theo lời yêu cầu của Huệ Viễn đã dịch bộ Đạt Ma Đa La Thiền Kinh. Thế rồi bước qua thời Nam Bắc Triều (420-589), người nước Tống (420-479) lần lượt dịch các kinh sách như Quán Phật Tam Muội Hải Kinh, Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hành Pháp Kinh, Quán Hư Không Tạng Bồ Tát Kinh, Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sinh Đâu Suất Thiên Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh.
2. Không gió mà dậy sóng
Từ Tây trúc sang, Tổ Đạt Ma mang theo tông chỉ “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” để làm kim chỉ nam trên con đường truyền giáo của mình. Qua câu chuyện giữa Tổ và vua Lương Võ Đế đã phần nào bộc lộ rõ nét tông chỉ của Ngài. Tổ muốn chỉ thẳng vào tâm của vua nhưng cũng là chỉ thẳng vào tâm của mọi người. Vì tâm con người hay chấp vào hình tướng, văn tự, chạy theo sắc cảnh vọng ảo bên ngoài mà quên mất bản tâm chân thật của mình. Từ đó, tổ cho chúng ta thấy rằng ngay nơi cái tâm vẳng lặng, yên bình, thanh tịnh không chút bợn nhơ kia chính là Phật. Phật không nơi xây chùa to, độ nhiều tăng mà được, chính cái vắng lặng “không gió” kia mà Hải triều âm cuộn sóng. Điều này càng được khắc họa hơn trong cuộc đối thoại cầu đạo giữa Tổ và Nhị Tổ Huệ Khả, ngay nơi “không tìm thấy tâm”, tức là Tổ “đã an tâm” cho rồi, chính ở điểm này mà Nhị Tổ đã tỏ ngộ, nhận ra được bản tâm từ xưa đến nay không một vật, không đến không đi “như như bất động, trạm nhiên thường tịch”. Ngay nơi ấy mà ba đời chư Phật liễu ngộ thâm ý Phật pháp, chứng nhập vô sinh pháp nhẫn. Đây cũng chính là điều mà ta gọi là “Không gió mà dậy sóng”, một nét đặc sắc trong thiền pháp của Tổ Đạt Ma.
Nội dung thiền Đạt Ma
1. Nhị nhập
Phần này chỉ pháp tu hành một cách cụ thể: “Phàm vào đạo có nhiều đường, nhưng nói cho cùng thì không ngoài hai đường là: lý nhập và hạnh nhập.”
a. Lý nhập
Lý nhập tức là nói về lý luận, mượn “giáo” để ngộ “tông”, tin sâu rằng tất cả sinh linh đều chung đồng một chân tánh, chỉ vì khách trần bên ngoài và vọng tưởng bên trong che lấp nên chân tánh không hiển lộ được. Trong “lý nhập” có trình bày về một quán pháp gọi là “bích quán” (nhìn vách) để gột sạch những bụi bặm che chân tánh của con người.
b. Hạnh nhập
Hạnh nhập tức là nói về ứng dụng thực tiễn. Hạnh nhập được chia làm 4 loại để giải thích gồm:
- Báo oán hạnh: kiên nhẫn chịu đau khổ vì cái khổ ngày nay là do nghiệp trong quá khứ gây ra.
- Tùy duyên hạnh: sự vui hôm nay là do nhân duyên lành trong quá khứ mà được nhưng tâm người không vì thế mà được thêm hoặc bớt mất gì.
- Vô sở cầu hạnh: đoạn tuyệt với tham muốn, mong cầu vì hiểu muôn vật đều là không.
- Xứng pháp hạnh: hành lục ba la mật như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí huệ, trong lý pháp thanh tịnh vì “pháp” đây chính là cái lý thanh tịnh của tực tánh, tức là cái thể tánh thanh tịnh của mình, nên vẫn tùy xứng theo pháp mà hành nhưng không chấp.
Nói 4 hạnh tức cũng là bao gồm tất cả các hạnh khác.
2. Ngộ Tánh Luận
Đây là quyển sách tinh túy nhất, sâu thẳm nhất của dòng văn học Phật giáo Bát Nhã. Quyển sách duy nhất của Thiền tông và là tác phẩm duy nhất của Bồ Đề Đạt Ma được truyền tụng đến ngày nay. Luận có đoạn “... Khi mê thì (thấy) có tội. Khi hiểu thì (thấy) không có tội. Tại sao vậy? Vì tội tánh vốn không. Khi mê thì không tội thấy có tội. Nếu hiểu rồi thì đối tội thấy không tội. Tại sao vậy? Kinh nói: Muôn pháp đều không tự tánh, cứ dùng nó đừng ngờ, ngờ tức thành tội. Tại sao vậy? Vì tội do nghi ngờ sanh ra. Nếu thấu suốt được lẽ ấy thì bao nhiêu tội nghiệp đời trước đều tiêu tan hết”<!--[if !supportFootnotes]-->[4]<!--[endif]-->. Vậy cửa vào là đây mà lối ta ra cũng là đây. Đau khổ là đây mà hạnh phúc cũng là đây. Mê ngộ thật ra chỉ là hai sắc màu của một thực thể. Đó là quá trình biện chứng sinh động của bài học “ngộ tánh luận”.
Ảnh hưởng của pháp thiền này đối với Phật giáo Trung Quốc
Ảnh hưởng đến sự phát triển của Thiền Đông độ
Phật giáo truyền vào Trung Quốc rất sớm, tuy nhiên tầm ảnh hưởng của nó cũng như sự truyền bá phát huy yếu nghĩa Phật pháp của các vị Cao Tăng thời đó chưa mang tầm sâu rộng. Kể từ khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma đặt chân lên Trung thổ (năm 520), với sự tài hoa, đối cơ khéo léo Ngài đã đưa thiền pháp của Phật giáo phát triển vượt bậc bằng chủ trương: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Đây chính là nền tảng vững chắc, là mảnh đất mầu mỡ để từ đó hạt giống giác ngộ được ươm mầm, vun trồng phát triển cống hiến thêm rất nhiều bông hoa đẹp trong vườn thiền Phật giáo. Một trong những bông hoa đẹp ấy phải kể đến đó là Lục Tổ Huệ Năng.
Cần phải nhắc lại, sau khi mãn duyên Đông du giáo hóa, Ngài đã truyền tâm ấn cho lại cho Nhị Tổ Huệ Khả cũng với bộ kinh Lăng Già làm nơi y cứ cho Thiền tông. Từ đó tâm tâm tương ấn, tổ tổ tương truyền mãi cho đến đời của Lục Tổ. Vậy chứng tỏ, đối với tông chỉ của mình, Tổ Bồ Đề Đạt Ma vẫn chưa thể nào sử dụng triệt để được, mà phải đợi đến khi chàng trai quê mùa xứ Lãnh Nam, trong hội Quỳnh Mai sau khi đã bái Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn làm thầy và được truyền trao tâm ấn, thì cái yếu chỉ mà trước đây Tổ Đạt Ma còn để ngõ đã được Lục Tổ Huệ Năng khai thác triệt để, và phải nói rằng Lục Tổ Huệ Năng chính là nét son sáng giá nhất trong sự nghiệp kế thừa và phát triển giáo nghĩa thiền pháp của Tổ Đạt Ma lên tầm cao mới.
Ngài D. T. Suzuki nói rằng: “Huệ Năng là vị tổ có công lớn đưa thiền tông lên tột đỉnh của pháp môn này với phương pháp trực chỉ nhơn tâm kiến tánh thành Phật của lối đốn ngộ và uy danh của Ngài đã làm lu mờ hẳn tên tuổi của Đạt Ma Sư Tổ. Do đó Huệ năng đã trở thành linh hồn của thiền học Trung Hoa”. Kể từ Huệ Năng trở về sau Thiền tông phân hoá thành năm dòng khác nhau, nhưng đó chỉ là biểu hiện cho sự phát triển lan rộng cùng khắp và đa dạng mà thôi. Năm dòng ấy gồm: Lâm Tế, Tào Động, Qui Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn. Đương thời, đều phát triển rực rỡ theo khuynh hướng riêng của mình và nhờ các hàng hậu bối thừa tiếp truyền bá rộng thêm.
Ảnh hưởng đến nghệ thuật hội hoa, thi văn
Hình ảnh của Tổ Đạt Ma không chỉ đơn thuần là biểu tượng được tôn thờ trong các thiền viện mà được nâng cao thành nghệ thuật hội họa, truyền thuyết, văn học thi ca mà nội dung chuyển tải ý hướng Thiền tông của Phật giáo. Riêng về võ thuật Thiếu Lâm mà có thuyết cho rằng do Sơ Tổ Đạt Ma thành lập với mục đích rèn luyện thân thể khỏe mạnh để hỗ trợ chư tăng trong việc tu tập vì một tinh thần minh mẫn luôn nằm trong một thân thể cường tráng và ngày nay môn võ thuật này đã phổ biến rộng khắp trên toàn thế giới.
Kết luận
Dùng ngôn từ sáo rỗng để luận bàn công hạnh của các bậc Danh Tăng vốn dĩ là điều không nên, huống chi là nói về thiền pháp của Sơ Tổ Đạt Ma. Bởi nếu lấy ngôn ngữ mà luận bàn thì quả thật đã đi ngược lại với tông chỉ “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.
Bồ Đề Đạt Ma đã hoàn thành Tổ nghiệp của mình đó là đem yếu chỉ Thiền từ Tây Trúc truyền sang Đông Độ để từ đó một hoa năm cánh nở, tương ứng với bài kệ mà Ngài phú pháp cho Nhị Tổ Huệ Khả “Ta sang đến cõi nầy, Truyền pháp cứu mê tình, Một hoa nở năm cánh, Nụ trái tự nhiên thành”. Cũng từ năm cánh hoa ấy hương thơm Thiền tông đã tỏa ngát khắp miền Trung thổ, khiến cho vạn loại chúng sinh được thấm nhuần pháp vị.
Ngày nay nhắc đến công hạnh của Ngài không ai là không biết đến. Với đôi mắt trừng to nhìn thấu được lòng người, một chiếc gậy trên vai quẩy một chiếc hài về Tây Trúc, hình ảnh ấy vừa thực vừa hư, tựa có mà không, tựa không mà có, ví đó là sắc mà sắc cũng là không, không sắc chẳng hai, ngộ mê không lối, Niết bàn vốn ở tại sinh tử và phiền não đích thị Bồ đề. Còn đi đâu để tìm, còn chạy hoài chi cho mệt, hỡi người lữ khách lang thang, hãy dừng bước mà nhìn lại tự tánh chân thật của mình để rồi vỡ mộng và vui cười cùng sinh tử.
Tổ Qui Sơn sắp tịch, bảo chúng: “Sau khi Lão tăng trăm tuổi sẽ đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái đề năm chữ ‘Qui Sơn Tăng Linh Hựu’. Khi ấy, gọi là Qui Sơn tăng hay gọi là con trâu? Gọi là con trâu hay gọi là Qui Sơn tăng? Gọi thế nào mới đúng?” Người thời nay nghe câu nói này bèn sanh nghi “tại sao Ngài tu như vậy mà đọa làm súc sanh?” Thật là cái biết của kẻ mù, làm sao thấy được trời đất bao la? Nơi Ngài tâm phàm thánh đã sạch mới thốt ra được câu ấy.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.27/10/2012 ).

No comments:

Post a Comment