Sunday 28 October 2012

Đi tu để học.
 
Theo truyền thống, nam thanh niên người Khmer từ 12 tuổi trở lên phải vào chùa tu. Nó được mặc định như một nghĩa vụ xã hội của người con trai. Tu ở đây không phải để lánh đời mà là cơ hội học tập, rèn luyện để trở thành một người trưởng thành thật sự.
Ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ có đông đồng bào Khmer sinh sống. Một phần trong ký ức tuổi thơ của tôi cũng có nhiều thứ gắn với bà con Khmer.
Nhà tôi ở rất gần với một ngôi chùa thuộc loại lớn và cổ kính hàng đầu của tỉnh Sóc Trăng - chùa Luonbasac. Tôi không biết chính xác, nhưng ở đây có rất nhiều sư sãi tu học, có lẽ phải lên đến cả trăm người. Tôi còn nhớ rất rõ ngày bé, cứ mỗi khi gà vừa gáy sáng đã nghe tiếng học bài của các vị sư ở chùa; tối đến khi cả xóm đã ngủ yên thì tiếng học bài ở chùa mới ngơi nghỉ. Tôi và nhiều đứa bạn trong xóm thường thức học bài theo “giờ” học ở chùa.
Học làm người
Khoảng 20 năm trước, khi các phương tiện nghe nhìn chưa phát triển, ở vùng nông thôn như nhà tôi vào ban đêm rất tĩnh lặng. Thường khi trời vừa chập tối đã nghe tiếng học bài của các vị sư ở chùa. Mỗi người chọn lấy một góc riêng cho mình để học cùng với cây đèn dầu, loại đèn trứng vịt. Và cứ thế các vị sư thi nhau đọc thật to hết mức có thể bài học của mình. Với “công suất” phát như thế thì không cần thêm bất cứ loại thiết bị âm thanh nào hỗ trợ, bản thân nó cũng tạo thành một dàn đồng ca vang vọng giữa cái xóm nhỏ yên bình. Cứ thế, hết năm này qua tháng nọ, tiếng học bài của các vị sư ở chùa cứ theo tôi suốt những năm tháng cắp sách đến trường.
Ngoài việc học đạo theo chương trình bắt buộc ở chùa, nhiều vị sư sãi ban ngày còn phải đến trường như các bạn cùng trang lứa. Họ nỗ lực tu và học để bắt kịp sự phát triển của xã hội và giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc. Người Khmer có câu nói: Sống gửi thân, chết gửi xác vào chùa, vì chùa chính là nơi tập trung các giá trị văn hóa, tinh thần của họ. Chính vì vậy, nam thanh niên từ 12 tuổi trở lên phải vào chùa tu là một nghĩa vụ xã hội bắt buộc. Tu là để trả hiếu cho ông bà, cha mẹ - theo cách hiểu của nhiều người, nhưng nếu chỉ hiểu như vậy thì chưa đủ. Tu còn là con đường hướng đến tri thức, học tập, rèn luyện để trở thành một người Phật tử “thuần thành” và có ích cho xã hội sau này. Nói tóm lại, tu là để học làm người và giúp đời.
Ngày xưa, đại bộ phận người Khmer không biết chữ vì không có trường lớp nào dạy. Chỉ có các vị sư ở chùa mới biết chữ và am hiểu truyền thống văn hóa dân tộc, lễ nghi tôn giáo... Theo nhiều vị cao tăng, một người đàn ông Khmer được coi là trưởng thành thật sự thì phải hiểu và biết được những giá trị văn hóa, tôn giáo đó. Người tu càng lâu thì sự học của họ càng nhiều, vì thế sau khi hoàn tục càng được xã hội trọng vọng. Như vậy, việc đi tu không chỉ đơn thuần là trả hiếu như nhiều người vẫn nghĩ, mà đi tu còn là đi học để nên người.
Còn theo Đại đức Danh Út, trụ trì chùa Thôn Dôn (Rạch Giá, Kiên Giang) thì việc đi tu để trả hiếu mà người ta vẫn nói, nếu suy cho cùng thì vẫn quy vào sự học. Ông phân tích: Chỉ khi nào người ta có hiểu biết đầy đủ về văn hóa của dân tộc mình thì người ta mới có những cách ứng xử phù hợp trong cuộc sống hằng ngày và có như vậy mới xứng đáng với truyền thống của ông bà, tổ tiên, như thế mới là hiếu thuận.
Con đường tu học
Thường các bé trai được gửi vào chùa một thời gian trước khi chính thức xuất gia. Đó là quá trình tập sự để làm quen với môi trường mới. Trong giai đoạn này, các cậu bé sẽ được học chữ Khmer và một số nghi thức, phong tục tập quán cơ bản.
Sau thời gian tập sự này, các chú tiểu mới được làm lễ xuất gia. Trước khi con xuất gia, cha mẹ cậu bé phải tổ chức một nghi lễ tôn giáo ngay tại nhà để trình báo với ông bà tổ tiên, bà con họ hàng. Người Khmer gọi là lễ cầu phước hay đám phước - một nghi lễ bắt buộc. Việc tổ chức đám phước lớn nhỏ cũng tùy thuộc vào kinh tế của từng gia đình, nhưng cần phải thỉnh các sư sãi đến tụng kinh, cúng Tam Bảo, đặt pháp danh và cho thọ giới theo đạo. Vì thế hằng năm “lễ đi tu” thường được tổ chức vào đúng dịp Tết Chol Chnăm Thmây. Chàng trai từ giã họ hàng, bạn bè và cạo đầu, rồi thay quần bằng chiếc xà rông, thay áo bằng khăn vải trắng đắp lên vai từ trái sang phải chứng tỏ từ bỏ thế tục.
Sáng hôm sau làm lễ nhuộm răng, khi cơm nước xong gia đình đưa người con lên chùa kèm theo các lễ vật. Đến chùa, cả gia đình đi vòng quanh chính điện ba lần, rồi mới đi vào làm lễ đi tu cho chàng trai trẻ. Vị sư cả ngồi ngay giữa, sau bàn thờ Phật tổ. Ở hàng đầu hai bên và các vị sư còn lại xếp theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Sau đó mới đến những cậu bé chuẩn bị xuất gia và gia đình họ. Người đi tu cầm áo cà sa đi vào giữa hàng sư sãi đọc lời xin cho đi tu. Khi được chấp thuận của sư trụ trì, người đi tu mới thay trang phục đang mặc bằng bộ áo cà sa - chính thức thọ giới và hứa học giáo lý nhà Phật. Thời gian tu của người Khmer thường không bị gò bó, họ có thể tu bao lâu cũng được, nhưng theo truyền thống trung bình là 3 năm. Cũng theo truyền thống, hằng ngày các vị sư ngoài việc tu học ở chùa, họ còn phải đi khất thực hay còn gọi là hóa duyên. Theo giải thích của các vị cao tăng thì đây là quá trình hành đạo giúp đời.
Xã hội trọng vọng
“Con nhà anh/chị có đi tu?”, “Tu được bao lâu?” là câu hỏi cửa miệng trong xã hội truyền thống của người Khmer, nhất là trong trường hợp nhà trai muốn hỏi cưới dâu. Điều này cho thấy vị trí của người từng đi tu trong xã hội của người Khmer là rất cao. Người đã từng đi tu, được xem là một Phật tử thuần thành, tiếng Khmer gọi là Ontích. Các Ontích thường được mời làm chủ lễ trong các hoạt động văn hóa, tôn giáo trong phum, sóc.
Còn trong xã hội ngày nay, những người đã qua tu tập vẫn là những người có vị trí nhất định. Vì trên thực tế hiện nay ngoài việc tu học ở chùa, các vị sư sãi không ngừng phấn đấu học tập để bắt kịp xu thế phát triển của xã hội. Cụ thể như ở chùa Thôn Dôn (Rạch Giá, Kiên Giang), có trên 40 sư sãi thì phân nửa trong số này đang theo học phổ thông hoặc cao đẳng, đại học. Bản thân vị Đại đức Danh Út, trụ trì chùa cũng đang nuôi dưỡng ước mơ học tiến sĩ ở nước ngoài. Chỉ mới hơn 30 tuổi, Đại đức đã làm trụ trì chùa, Ủy viên Ủy ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam khóa VI và nhiều lần được nhận giải thưởng, bằng khen của T.Ư Đoàn cho cá nhân tiêu biểu xuất sắc...
Đại đức Danh Út nói ngày xưa nhà nghèo, không có điều kiện học hành đầy đủ nên mới vào chùa định tu vài năm rồi ra. Song khi vào chùa, được sư trụ trì tạo điều kiện cho ăn học mới có điều kiện đeo đuổi đến khi tốt nghiệp đại học. Nhờ được học hành đến nơi đến chốn, ông ý thức rất rõ giá trị của việc học. Chính vì vậy mà ông hiện là người khuấy động phong trào học tập trong sư sãi và bà con Khmer địa phương bằng việc tổ chức nhiều lớp học văn hóa, học chữ Khmer, học kinh, học nghề...
Một trường hợp khác là đại úy Danh Ngọc Sang, bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang. Anh cho biết, nhờ có quá trình tu tập ở chùa mà anh thông thạo tất cả những gì thuộc về truyền thống, bản sắc văn hóa của người Khmer và được cộng đồng tôn trọng. Nhờ vậy, trong công tác ở vùng biên giới với Campuchia - nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, anh luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc, anh tâm sự. Với vốn kiến thức của mình, năm 2007, anh được chọn làm công tác phiên dịch cho đội phân giới cắm mốc số 10 trong đàm phán với phía bạn Campuchia.
Và còn nhiều nữa, những tấm gương người Khmer đã qua tu học thành đạt trong cuộc sống. Còn nói theo cách của Đại đức Danh Út thì “ngôi chùa với thanh niên Khmer cũng giống như ngôi nhà thứ hai vậy”. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.29/10/2012.

No comments:

Post a Comment