Thursday, 4 April 2013

Chánh niệm.


Theo đạo Phật, thì ăn ở hiền lành và nhất tâm niệm Phật vẫn chưa đủ, mà phải ngày ngày hằng sống trong chính niệm thì mới mong có được an lạc, hạnh phúc và con đường đi đến giải thoát mới mong hiển lộ.
Đến đời chúng ta, vì những bức bách của đời sống văn minh vật chất nên cuộc sống và niềm tin của con người cũng trở nên phức tạp hơn. Ngoài chuyện cần thiết của niềm tin, ta còn mong ở đạo mà ta theo sẽ mang lại cho ta an lạc và hạnh phúc cho chính bản thân và gia đình ta.
Theo đạo Phật, thì ăn ở hiền lành và nhất tâm niệm Phật vẫn chưa đủ, mà phải ngày ngày hằng sống trong chính niệm thì mới mong có được an lạc, hạnh phúc và con đường đi đến giải thoát mới mong hiển lộ.
Cũng theo đạo Phật thì chính niệm chẳng những là một trong tám nẻo chân thật mà Đức Thế Tôn đã từng dạy cho những ai muốn được giải thoát rốt ráo, mà chính niệm còn là điều tất yếu cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày nữa.
Trong những buổi thiền quán, các thầy thường hay bảo chúng ta nên giữ chính niệm lúc ngồi thiền, và mấy thầy cũng thường hay nhắc đi nhắc lại rằng chính niệm là một yếu tố vô cùng quan trọng, chẳng những cho người mới tập thiền, mà còn cho những người đã từng nếm vị thiền khá lâu nữa.
Vậy thì chính niệm là gì? Chính là chính đáng, còn niệm là ý niệm. Tức là dùng những những ý niệm chính đáng để thấy rõ chân tướng của sự vật ngay trong hiện tại. Tại sao quý thầy lại khuyên ta phải giữ chính niệm ?
Tâm ta như con vượn chuyền cây, nó dong ruổi không ngừng nghỉ. Mà kỳ thật, nó dong ruổi như người mê ngủ, chứ đâu được như người tỉnh táo. Hãy thử ôn lại một chút những gì đã xảy ra cho ta thì có lẽ đa số chúng ta sẽ đồng ý rằng chúng ta đã dành quá nhiều thì giờ cho những chuyện không đâu.
Chúng ta ít khi sống thực với mình lắm. Khi đi đâu chúng ta cứ hấp tấp vội vã, chứ có khi nào chúng ta đang biết là chúng ta đang có hạnh phúc là chúng ta hãy còn có đôi chân đang đi ? Có khi nào chúng ta cảm thấy hạnh phúc với từng bước chân chạm đất đâu ?
Chúng ta cũng thường hay vô ý thức về những chuyện mình làm, ngay cả những chuyện xảy ra quanh mình. Một thí dụ rõ nét là lúc ta có ý định đi chợ chẳng hạn; nhiều khi chúng ta chỉ nghĩ đến cái chợ là điểm đến, chớ chúng ta không hề nghĩ tới mình đã thấy gì, đã nghe gì trên đường đi đến chợ ?
Lâu ngày thành thói quen, chúng ta trở thành những con người vô hồn; chừng tỉnh ra thì hoặc ta đang ở nhà thương, hoặc đang trong vòng lao lý cũng không chừng. Sống như vậy quả là uổng cho một kiếp con người quá.
Nếu chúng ta chịu khó để hết tâm tình của mình vào bất cứ chuyện gì mình làm, thì cho dù ở sở làm, ở trường học, ở nhà, hoặc ở chùa... chúng ta đều sẽ cảm thấy an vui. Chuyện thành công hay thất bại không làm mình nao núng; hãy mỉm cười lúc được cũng như lúc không. Hãy sống trọn vẹn và thành thực trong giờ phút hiện tại, ấy là ta đang sống trong chính niệm vậy. Sống trong chính niệm sẽ giúp ta nhìn thấy sự vật một cách rõ ràng; thấy mà không hề phê phán, hoặc ưa thích, hay ghét bỏ. Khi sống trong chính niệm, chúng ta trực tiếp tiếp xúc với ngoại cảnh, mà không hề bị ngoại cảnh lôi cuốn.
Chính niệm sẽ giúp ta biết rõ những gì xảy ra cho chính mình, mà không bao giờ mình bị tình cảnh hay lý trí chi phối, để từ đó chúng ta sẽ sống ung dung tự tại. Chính niệm còn giúp ta phát sinh trí huệ. Chính nhờ chính niệm nầy mà chúng ta sẽ thông hiểu sự vô thường của mọi vật. Mọi vật đều chỉ hiện hữu tạm thời trong một hình thái nào đó rồi tự hoại và tan biến đi, để rồi hiện hữu tiếp tục trong một hình thái hay tên gọi khác. Chính niệm sẽ giúp ta có sự chú tâm trong giờ phút hiện tại, do đó mà cuộc sống ta trở nên tỉnh thức hơn. Lúc có chính niệm là lúc ta biết ta đang làm gì, từ đi, đứng, nằm, ngồi, cho đến những công việc khác ở nhà và ở sở làm.
Nói tóm lại, chính niệm là đuốc soi cho ta trong đêm tối. Sống có chính niệm, chúng ta chẳng những ít bị vấp ngã, mà còn cảm thấy cuộc sống ta tích cực hơn. Dù trước nguy nan hay sung sướng, người có chính niệm vẫn thản nhiên, vẫn không thay đổi sắc mặt. Chính niệm quả là cần thiết cho những ai muốn có cuộc sống trọn vẹn. Chính niệm còn giúp cho ta có khả năng thấu triệt mọi vấn đề chứ không chỉ hiểu cạn cợt. Do đó ta không hời hợt trong cuộc sống và đồng thời giúp ta có nhiều cơ may tránh được đau khổ và phiền não hơn.
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.4/4/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment