Thursday, 4 April 2013

Vấn đề cầu nguyện, lễ bái trong Phật Giáo.


Lễ bái theo quan niệm của Phật giáo là sự tôn kính ân đức vô lượng, trí tuệ vô biên của chư Phật mà người Phật tử đã biểu lộ sự thành kính ấy qua hình thức lễ bái và noi theo gương sáng của chư Phật, chư thánh hiền để phát triển hạnh lành, tiến tu trên đường đạo để mong đạt được trí tuệ giải thoát như các ngài. Sự lễ bái cũng là một phương pháp tu để có thể diệt trừ sự tự cao, ngã mạn. Bản chất của con người chúng ta lúc nào cũng luôn tự cao tựđắc, xem “cái sự hiểu biết hạn hẹp” của mình là hơn hết, không ai có thể sánh được. Đó là một tánh xấu khiến mọi người không ưa, xa lánh mình và sẽ làm tiêu mòn công đức.
Chúng ta cần phải ý thức được điều này; khi tự mình thấy mình không bằng các ngài, biết mình tài đức thấp kém nên phải kính lạy chư Phật, chư Bồ-tát và các bậc trưởng thượng để diệt trừ tâm ngã mạn thì dần dần tự nhiên tánh ngạo mạn sẽ biến mất. Ngoài ra, lễ bái còn là phương pháp căn bản mà người Phật tử phải luôn thực hành tinh tấn để giải thoát các nghiệp chướng mà chúng ta đã gây tạo từ nhiều đời nhiều kiếp.

Các nghi thức cầu nguyện lễ bái trong Phật giáo hay nói rõ hơn là trong các chùa Việt-Nam có nhiều cách lễ bái khác nhau. Khi lễ bái, người ta dâng cũng lễ vật, cầu khẩn và van xin ân huệ, tin tưởng rằng Đức Phật và các vị Bồ Tát sẽ lắng tai nghe lời mình tán thán công đức, sẽ nhận lãnh lễ vật, sẽ thỏa mãn lời nguyện cầu của mình. N gười Phật tử chân chánh không thể thực hành loại lễ bái này. Lễ bái này dành cho những người Phật tử sơ cơ, mới bước chân đến chùa, hoặc khi có cuộc sống khó khăn, rắc rối trong tình cảm, mới đến chùa để mong cầu nơi đấng tối cao giải quyết giùm.
Còn phương cách lễ bái khác là để tỏ lòng tôn kính người mà mình kính trọng, khâm phục. Khi bước chân vào chánh điện với khói trầm hương nghi ngút, trong bầu không gian tĩnh lặng, ngước mặt lên hướng về pho tượng Phật trong tư thế ngồi với hai tay dịu dàng đặt trên vế, với nụ cười tự tại, hòa ái và bi mẫn, nhắc nhở chúng ta phải luôn nỗ lực phát triển tình thương và an định tâm mình. Hương trầm nhắc ta mùi hương thâm diệu của giới đức, hai ngọn đèn tượng trưng cho ánh sáng của trí tuệ, và những nhánh hoa sớm nở tối tàn khơi dậy trong ta ý niệm về sự vô thường của tất cả các pháp.

Khi lễ lạy, ta bày tỏ lòng tôn kính, tri ân đối với Đức Phật, người đã đưa đường chỉ lối cho ta qua những lời dạy vô cùng hữu ích. Đó chính là ý nghĩa của lễ bái trong Phật giáo mà người Phật tử chúng ta cần phải thực hành. Một người Phật tử chân chánh phải biết dùng chánh kiến để nhận thức được rằng lễ bái van xin là điều mơ tưởng, phải biết điều nào chân chánh mới nên tin, không chân chánh không nên tin.
Phải biết tư duy rằng những gì đã và đang xảy đến trong cuộc đời mình đều là do nghiệp lực, nhân quả, vô thường mang lại. Mà đã là nghiệp lực, nhân quả, vô thường mang lại thì chẳng thể lễ bái cầu xin đức Phật mà tránh thoát được. Hiểu được như vậy thì chúng ta sẽ cầu nguyện lễ bái một cách đúng đắn hơn, tức là lễ bái đức Phật để chiêm ngưỡng, tôn kính ngài, tập xả bỏ dần những kiêu căng, ngã mạn trong ta và từđó chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định sẽ giúp cho ta tìm được một cuộc sống chân an lành, chân hạnh phúc trong cõi ta bà này. N hư vậy chúng ta có thể kết luận rằng, lễ bái để cầu nguyện van xin chỉ có tác dụng về tâm lý, giúp cho chúng ta tạm được an tâm trong chốc lát. Còn cầu nguyện lễ bái chân chánh theo giáo lý Bát Chánh Đạo mới thực sựđưa chúng ta đến bến bờ an lạc, hạnh phúc viên miễn.
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.4/4/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment