Tuesday, 2 April 2013


Của Hòa Thượng Tuyên Hóa.

Có người nói: Tôi là Phật thiệt! A! Phật thiệt là bạn, vậy Phật giả là ai? Cũng như tổng thống, chẳng bao giờ ngài nói: Tôi là tổng thống thiệt! Nói vậy thì ai là tổng thống giả? Từ đây mà suy ra: hễ nói cái gì thiệt, thì hẳn việc đó có vấn đề.

Hãy làm mọi việc thiện: tức là bạn hãy tu hạnh thanh tịnh. Không thanh tịnh thì không phải là thiện. Thanh tịnh tức là thiện.

Bạn cho rằng ăn chay thì ăn trứng cũng được? Cũng được! Chờ tới khi bạn đầu thai làm gà rồi khi đó bạn sẽ hiểu (phận làm gà) chính do ăn trứng gà mà ra.

Nếu bạn chẳng thể đoạn trừ ái dục thì dù bạn xuất gia tám vạn đại kiếp, bạn cũng chỉ phí thời giờ, tạo tội nghiệp ở trong đạo Phật.

Cây không gốc thì sẽ khô héo. Người không gốc thì phải chết.

Bất luận bịnh thống gì cũng do oan nghiệp, chủ nợ tới đòi nợ. Bịnh là sao? Bịnh cũng là cách thuyết pháp, giúp người ta biết thân thể này là khổ, sinh lão bịnh tử là khổ. Lúc nào nó cũng có thể tìm đến bạn. Nó sẽ đánh điện tín, điện thoại hay gởi thư tới nhắn nhủ bạn (dưới hình thức là bịnh khổ). Chẳng những bạn có thể bị bịnh, mai này sẽ phải chết.

Có sinh ra thì phải già đi, sinh bịnh rồi phải chết. Quá trình ấy dạy mình phải biết cái khổ của chuỗi sinh lão bịnh tử, để mình chuẩn bị làm sao giải thoát, không bị khí số ràng buộc. Do đó vô luận là có bịnh gì, bạn cũng phải phát tâm bồ đề, sinh lòng giác ngộ, xem mọi thứ là vô thường, đau khổ, chân không và vô ngã. Làm được vậy thì bịnh cũng là chuyện tốt.

Người biết Phật pháp thì không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối. Những thứ như ngũ nhãn, lục thông, v.v... đều là thứ thừa thải, tu mà cầu những thứ đó thì cũng tựa như leo cây để tìm cá.

Các bạn nếu học thuộc lòng nhuần nhuyễn Kinh Lăng Nghiêm, thì nhất định sẽ khai phát đại trí huệ, hoạch được biện tài vô ngại.

Trong thời Mạt Pháp, người bạch y công nhiên nhận đồ cúng dường, hoằng dương Phật pháp. Bạch y tức là người tại gia. Họ công nhiên tụng đám cho người, làm lễ siêu độ, giảng quẻ xăm. Họ lợi dụng Phật giáo để kiếm cơm ăn, áo mặc.

Quỷ thì chỉ ăn cái tánh của đồ cúng; chúng chẳng cần tiền bạc, thực phẩm. Nếu có tiền, bạn nên làm chút chuyện công đức rồi hồi hướng cho các vong hồn. Nếu bạn mua những thứ xe hơi giấy, tiền giấy, tàu bay giấy, nhà giấy.... để đốt cúng thì thật là mê muội tới cực điểm.

Ðốt tiền giấy thành tro rồi thì bạn làm sao biết nó có hiệu quả gì chớ? Nếu nói đốt rồi vẫn có hiệu quả (tức là người chết có thể dùng được tiền do bạn đốt), thế thì người tây phương chẳng được bà con đốt tiền giấy cho họ, phải chăng họ đều trở thành những con quỷ nghèo mạt? Phải chăng: Tây phương không quỷ nghèo, đông phương không thần giàu!

Trọn đời, tôi không muốn đi tụng đám, phóng diệm khẩu, làm pháp hội Thủy Lục, là bởi vì tôi chẳng có đức hạnh. Ðạo không đủ để cảm hóa người, đức không đủ để dạy dỗ ai. Tự mình chưa siêu độ được mình thì làm sao siêu độ được vong hồn. Ðó là lý do tôi không có gan làm những chuyện ấy.

Pháp môn niệm Phật: người già vì năm tháng chẳng là bao, nên tốt nhất là niệm Phật. Người trẻ, vì đời còn dài nên cũng thích hợp để tu niệm Phật. Người trung niên, sau khi đã kinh nghiệm rõ ràng mọi chuyện trên đời rồi, cũng nên niệm Phật. Kẻ bịnh, không biết bao giờ sẽ chết, cần gấp niệm Phật. Lúc không bịnh, lợi dụng khi thân thể còn khỏe, tốt nhất là niệm Phật.

Mỗi người đều nên chính tâm tu thân. Chính tâm tức là không nghĩ loạn, nghĩ tạp nhạp lăng xăng, tưởng những chuyện không chính đáng. Tâm chính thì quỷ chẳng tới tìm bạn. Ví như cái bát đồ ăn của con mèo đầy dẫy ruồi bu. Ðó là bởi đồ ăn quá dơ dáy. Nếu không có cái bát ấy thì ruồi nhặng chẳng bay tới. Nếu tâm bạn như thế nào thì sẽ chiêu cảm thứ tương tự tới. Không phải quỷ từ ngoài tới, mà do trong tâm (tạp nhiễm của bạn) mời tới.

Không gặp ma, làm sao nhìn thủng hồng trần? Không chịu khổ, làm sao quyết chí chân tu? Không nên để trí óc thông minh lừa mình, cho rằng cái gì mình cũng biết. Kỳ thật mình chẳng biết gì. Khi cảnh giới tới thì mình bị nó lay chuyển đến độ luống cuống cả tay chân!

Sau khi thọ giới rồi , bạn hãy nhất định làm sứ giả cho nhà Phật, làm đội ngũ của đạo Phật, làm vị đại tướng quân, đại anh hùng, đại hào kiệt trong Phật giáo. Không nên cẩu thả, tùy tiện, cứ theo thói hư tật xấu, ngày ngày đùa giởn nhởn nhơ, chẳng có vẻ gì là kẻ vừa thọ giới cả.

Không nên tán loạn: Gặp ai cũng rào đón xã giao, mà tự mình chẳng chút dụng công tu hành. Bạn phải biết làm sao tu: Nói nhiều quá không tốt. Kẻ phú quý không nói nhiều. Nói nhiều thì nhân cách thấp hèn. Thấp hèn thì không có giá trị. Người quý lời nói chậm, là vậy.

Trong phạm vi của luật nhân quả thì phạm tội tà dâm là nghiêm trọng nhất. Sự trừng phạt còn ghê gớm nữa: Một người lúc sống phạm giới tà dâm bao nhiêu lần, thì khi chết sẽ bị một cái cưa lớn cưa thân người ấy từ đầu xuống chân bấy nhiêu lần. Sinh tiền kết hôn một trăm lần thì chết rồi bị cưa một trăm lần.

Bởi vì mình chẳng thể nhìn xuyên suốt, không thể buông xả, do đó trong pháp hữu vi, pháp vô vi, thứ có tướng, thứ không tướng, mình bị ràng buộc rối rắm. Lúc ấy vì chẳng thể nhận thức rõ ràng (cảnh giới, hay kinh nghiệm trước mắt, hay chân lý bất biến) nên mình cứ dật dờ (như lết chân lội bùn). Trong vòng lục đạo luân hồi, cứ mãi tiếp tục sinh tử.

Ðọc Kinh Lăng Nghiêm là để khai trí huệ. Ðọc Kinh Pháp Hoa là để thành Phật. Nên nói: Khai huệ là Lăng Nghiêm; thành Phật là Pháp Hoa. Kinh Hoa Nghiêm thì quy nguyên: Trở về gốc. Ai ai cũng từ trong pháp giới này lưu xuất; ai ai cũng sẽ trở về với pháp giới. Các bạn nên tuyển lựa một bộ kinh mà các bạn cảm thấy vui thích nhất thì nó mới khế cơ (hợp với căn cơ bạn). Ðã có pháp khế cơ rồi , bạn hãy nghiên cứu nó, không nên ngày ngày cứ lo làm tiền, quên mất Phật pháp.

Việc lớn trong đời mình: Quy y Tam Bảo.

Quy y Tam Bảo thì dựa vào hai chữ chân thành. Không chân thành, bạn sẽ làm cho có lệ, cẩu thả vô trách nhiệm, chẳng có cảm ứng gì .

Mỗi sáng khi ngủ dậy, bạn hãy đối diện với Phật phát bốn điều thệ nguyện. Bốn lời nguyện này Bồ Tát nào cũng phát. Mỗi đêm bạn hãy kiểm thảo, tự hỏi xem: Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, mình đã độ ai chưa? Nếu chưa, hãy ráng độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, mình đã đoạn chưa? Nếu chưa, phải đoạn nó đi. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, mình đã học chưa? Nếu chưa, hãy tìm thời gian rỗi rảnh giữa lúc bận bịu công việc để đọc chút kinh điển, xem sách Phật dạy. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành, mình hiện tại là phàm phu, chưa thành Phật, phải mau tu hành thì mới thành Phật được.

Người học Phật không nên chạy rong. Suốt đời cứ chạy cùng hết chùa này đến chùa khác, mà rốt cuộc chẳng chút sở đắc: Không biết giảng kinh, không biết niệm Phật, cũng chẳng biết lễ sám.

Tìm cầu bái phỏng một vị thiện tri thức: Ngay trong giới xuất gia cũng rắn rồng lẫn lộn, không phân rõ ràng. Bạn đi lộn vào chốn bàng môn tả đạo thì thật nguy hại. Nếu đi lầm lẫn vào chỗ kẻ tà sư thuyết pháp thì nguy hại càng lớn hơn nữa.

trong chùa, bạn nên nói chuyện liên hệ đến phật lý, đến tu hành. Ðừng nên nói người này thế này, người nọ thế kia, toàn chuyện thị phi. Càng nói thì bạn càng đọa lạc. Càng đọa lạc thì càng khó tu học Phật pháp. Vì sao bạn trì chú mà quên hoài? Vì bạn quá tán loạn. Vì sao tụng kinh mà không nhớ? Vì bạn quá tán loạn.

Biết lắng nghe thì dù tôi có chửi bới người ta, bạn cũng nghe thành diệu pháp. Dù tôi có đánh người ta, bạn cũng cho rằng đó là pháp thức tỉnh họ thật đúng lúc. Không biết lắng nghe, thì tôi có dùng cách gì gia trì bạn, giúp đỡ bạn, bạn cũng cảm thấy vô nghĩa, vô lý.

Muốn tôi lên trời: chẳng khó gì. Giáo hóa người Mỹ là khó nhất.

Muốn tôi độn thổ: chẳng khó gì. Giáo hóa người Mỹ là khó nhất.

Muốn gà trống đẻ trứng: chẳng khó gì. Giáo hóa người Mỹ là khó nhất.

Bạn cho rằng được người ta dập đầu đảnh lễ là mình ngon lành lắm sao? Bạn hãy tự hỏi mình có đạo đức gì? Có trí huệ chăng? Có xứng đáng để người ta cung kính chăng? Ðáng để người ta sùng bái chăng? Bạn hãy thường hồi quang phản chiếu như vậy.

Cúng dường người xuất gia, bạn cần có con mắt biết chân lý (trạch pháp nhãn). Nên cúng dường người tu hành thanh tịnh.

Phật thuyết tam tạng, mười hai loại kinh điển, đều không ngoài mục đích phá bỏ chấp trước của người ta. Song le mình không chịu nghe lời Phật dạy, lại làm kẻ phản đồ: chấp trước mãi cái TÔI.

Lúc tôi tới, chẳng có gì. Lúc ra đi, tôi cũng chẳng muốn gì. Tôi chẳng muốn lưu lại dấu vết gì trên trần gian. Tôi từ hư không tới, sẽ về với hư không. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.3/4/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment