Sunday 23 September 2012

10 ĐIỀU TÂM NIỆM CỦA NGƯỜI TU ĐẠI THỪA.

10 ĐIỀU TÂM NIỆM CỦA NGƯỜI TU ĐẠI THỪA
Người tu Đại Thừa cần phải hiểu biết đúng Phật pháp vì có hiểu biết đúng mới hành động đúng, mà hễ hành đúng thì đạt kết quả đúng, tức là được an vui và hạnh phúc, được giải thoát khỏi các phiền não, khổ lụy ngay trong kiếp sống hiện tại. Do đó, chúng ta cần phải nhớ và thực hành 10 điều căn bản sau đây:
Điều 1. Lìa đời để đi tìm đạo giác ngộ là 1 hành động vô bổ giống như đi tìm sừng thỏ, lông rùa. Vì thế xuất gia tâm cần thiết hơn xuất gia tướng.
Điều 2. Quy y Tam Bảo có nghĩa là nương theo Phật, Pháp, Tăng nơi lòng mình, mà Phật, Pháp, Tăng chính là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, cũng là Giới, Định, Huệ và cũng là Không, vô tướng, vô tác.
Điều 3. Vạn Pháp đều là Phật pháp, là pháp giải thoát vì chúng hiển thị lẻ diệu của Pháp Hoa. Khi đối cảnh, đối pháp mà mình có cái nhìn bình đẳng, không hai, vô phân biệt, không chấp chánh, tà, lành dữ, vui buồn thì ngay lúc đó tâm mình đã được bình thản, rỗng rang, tự tại thoát khỏi sự lôi cuốn của ngoại cảnh, lục căn của mình không còn nhiễm lục trần. Tâm đó chính là tâm vô trụ nơi các pháp, trong tư duy, lời nói và việc làm.
Điều 4. Tâm vô trụ, tâm không chỉ có thể thành tựu được khi mình đã thực hành lâu ngày pháp tu nhĩ căn viên thông còn gọi là pháp lắng nhìn, lắng nghe vô sở thọ.
Điều 5. Khi tâm đã thật sự vô trụ rồi thì liền đó 4 trọng giới Dâm, Sát, Đạo, Vọng đều vắng lặng, tâm không bị loạn động, luôn ở trong Định bởi lẽ mình đã thâm nhập diệu lý vạn pháp đều không, đều lưu xuất từ chỗ CHƠN KHÔNG MÀ DIỆU HỮU. Giới, Định, Huệ lúc đó được tròn đầy.
Điều 6. Chấp ngã là chấp thân tâm này là Ta thật để rồi suốt đời lao tâm nhọc trí tìm cách củng cố cái Ta và phát triển những gì thuộc về Ta. Muốn dứt trừ tâm chấp ngã, chúng ta cần phải hành chánh niệm tức là thường xuyên trì niệm chơn ngôn hoặc niệm 6 chữ Di Đà.
Chánh niệm không phải chỉ gồm đơn thuần những niệm lành Từ, Bi, Hỉ, Xã, trái lại nó còn có nghĩa là khi khởi niệm tưởng các việc đã qua để làm dữ kiện cho tư duy hiện tại, thì đừng để cho tất tình khởi theo niệm tưởng đó. Như thế mới gọi là niệm mà vô niệm.
Ngoài ra, mình còn phải chánh giác, luôn tỉnh táo để kịp thời biết được các tạp niệm vừa mới xẹt ra trong đầu.
Điều 7. Chánh kiến là tỏ ngộ và thâm nhập 4 đặc tánh Thường hằng, Năng sanh, Chiếu soi và Thanh tịnh của Chơn Như, từ đó mới thấy được vạn pháp như thật, viên dung tướng tánh và không còn mê mờ trước các ảo ảnh, ảo giác của cuộc đời.
Điều 8. Ngồi mãi để trụ tâm, quán tịnh là bệnh, không phải là Thiền. Định, Huệ hay Thiền là chiếu soi nội tâm. Pháp chiếu soi chính là pháp chiếu kiến ngũ uẩn giai không.
Điều 9. Cần phát huy hạnh nhẩn nhục đối với mọi người vì nó có công năng dứt trừ tâm phân biệt. Đừng bao giờ phản đối, tranh cải với bất cứ ai, đừng chấp chặt ý kiến của mình để áp đặt lên người khác, bởi lẽ những điều thấy, nghe, hay, biết của mình chưa chắc là đúng, mà dù cho có đúng cũng chưa chắc gì được dễ dàng chấp nhận.
Điều 10. Kiến tánh là thấy được ánh sáng của Đạo trong đời sống, thấy được tánh năng sanh, năng hóa của Chơn Như tức là sự diệu dụng không thể nghĩ bàn của pháp giới nhằm thúc đẩy sự tiến hóa chung của vạn vật và muôn loài chúng sanh.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.23/9/2012.)

No comments:

Post a Comment