Wednesday 19 September 2012

Phần II
Kinh Kim Cang có nói :
Tam Giới duy Tâm, vạn Pháp duy thức”.
Vậy Tâm sinh ra Tam Giới như thế nào ?
Thật ra Tâm (ở đây là Chân Tâm) chỉ là cái Ánh Sáng hay cái Rõ do Bát Nhã chiếu ra như “Viên Ngọc Ma Ni” phát ra ánh sáng tự nhiên . Ánh sáng đó không phải là Viên Ngọc nhưng không rời Viên Ngọc. Ánh sáng này không phải là ánh sáng năng lượng vật chất ( sóng hạt photon ánh sáng) do phản ứng nhiệt hạch từ lòng Mặt Trời hay các thiên hà chiếu ra, hay ánh sáng do dòng điện phát ra từ điện trở (resistance) hay sự đốt cháy từ vật chất…mà là cái Linh Quang hay cái Ánh Rõ vi diệu của Bát Nhã. Bát Nhã thì Rỗng,Trong, không có một vật, nhưng lại có cái Ánh Rõ linh và diệu.Vì Viên Ngọc quá lớn ,trùm khắp nên ánh sáng đó thay vì chiếu ra ngoài lại chiếu vào bên trong Viên Ngọc .Như vậy ở đâu có ánh sáng Viên Ngọc hay là Tâm ,thì ở đó có sự hiện hữu của Viên Ngọc hay là Bát Nhã .Nói ngược lại ở đâu có Bát Nhã thì ở đó có Tâm .Nhưng Ma Ha Bát Nhã thì trùm khắp Hư Không vô biên ,do đó Tâm cũng trùm khắp Hư Không vô biên và nói cho cùng chính Hư Không vô biên cũng chính là Tâm hay Bát Nhã tùy theo mức độ chứng ngộ của hành giả.
Bát Nhã cũng gọi là Tánh hay là TỰ TÁNH . Như vậy ,nhận biết được TÁNH là nhờ ánh sáng của TÁNH phát ra tức là TÂM. TÂM ở đây tức là Chân Tâm tức là cái Ánh sáng hay Ánh Rõ của Bát Nhã hay Tánh chiếu ra .
Ánh Rõ của Bát Nhã chính là Chân Tâm hay là cái Tâm Gốc lại chiếu ra cái Bóng của nó sinh ra vũ trụ và thế giới như Kinh Kim Cang có nói: “Tam giới duy Tâm” hay “Nhất thiết duy Tâm tạo”. Chân Tâm hay (Gốc Tâm) lại sinh ra vô số (Ngọn Tâm) với vô số (Cành Lá Tâm) như là sum la vạn tượng tràn ngập trong Hư Không và sơn hà đại địa với đủ mọi sắc thái vạn vật chúng sinh. Như vậy quả thật Tâm là một nhà ảo thuật đại tài nơi Hư Không, tùy sức ảo thuật biến hóa ra đủ thứ hình tượng. Người Mê tưởng rằng hằng sa tinh tú, Trời Đất, sơn hà, đại địa trong Hư Không là do Thượng Đế hay một Thần Linh nào đó tạo ra với nhiều phép lạ, nên ra sức cầu xin cúng tế để được ban ân. Họ không ngờ rằng chính Tâm làm ra tất cả, ngay cả hiện ra Phật, ra ma, hay quỷ thần…Cho nên có người niệm Phật thì Phật hiện, niệm Tăng thì Tăng hiện, do đó tưởng rằng huyền cơ linh ứng. Sự thật là phi Phật phi phi Phật mà hiện nơi Phật, phi Tăng phi phi Tăng mà hiện nơi Tăng. Vì người niệm có Tâm hy vọng được hiện nên bất giác tự Tâm hiện ra Phật hay hiện ra Tăng. Nhà Phân Tâm Học người Áo: Sigmund Freud có phân chia cái Tâm người ra làm 3 phần: Id (Bản Năng hay Bản Ngã), Ego (Tự Ngã), và Superego (Siêu Ngã). Trong giấc ngủ, không bị cái Ego và Superego kiềm chế, nên cái Id (Bản Ngã) được tự do thao túng hiện ra cái tướng vọng sinh ra giấc mơ (dream) để thỏa mãn cho cái ngã, hay cái bản năng ham muốn, cái dục vọng, lời cầu xin ao ước, hay cái tâm niệm hành trì hằng ngày. Do đó cái thấy, cái được, cái cảnh trong giấc mơ hay trong một lúc ảo giác nào đó chỉ là vọng tưởng. Tuy nhiên cũng có trường hợp Tâm - Tâm tương ứng không bàn nơi đây. Tâm từ gốc ra cành lá và ngọn tâm thì năng động và biến hóa ra đủ thứ vọng tưởng tài tình, lạ kỳ lúc ngược lúc xuôi, muôn hình vạn trạng. Cho nên Kinh có nói: Tâm như nhà ảo thuật, ý như người phụ tá, ngũ thức là bạn bè, vọng tưởng là người xem”.
Đại Sư Tăng Triệu luận giải trong Bửu Tạng Luận như sau:“Ví như có người tự làm khuôn hình nơi lò đúc, vuông tròn lớn nhỏ tùy theo ý muốn, vàng chảy vào khuôn làm ra hình tượng, hình tượng tùy theo ý muốn mà thành, kỳ thực bản thể của vàng ròng phi tượng phi phi tượng mà hiện nơi tượng, kẻ niệm Phật, niệm Tăng cũng vậy. Người đúc vàng dụ cho đại trí của Như Lai; khuôn hình dụ cho Pháp Thân của chúng sanh, vì trong Tâm mong cầu thấy Phật, nên nhờ nhân duyên niệm Phật, được hiện ra đủ thứ thân tướng, mà chẳng biết Pháp Thân phi tướng phi phi tướng. Sao gọi phi tướng? Vốn chẳng có tướng nhất định vậy. Sao gọi phi phi tướng? Vì có chư tướng duyên khởi. Pháp Thân phi hiện phi phi hiện, lìa Tánh và vô Tánh, phi hữu phi vô, chẳng tâm chẳng ý, chẳng thể so đo suy lường. Phàm phu tùy theo vọng tưởng cho là thấy Phật, xưa nay chấp thật ngoài Tâm có Phật, chẳng biết do tự Tâm vọng hiện mà có; hoặc nói ngoài Tâm chẳng Phật, ấy là phỉ báng chánh pháp. Nên Kinh nói: “Cảnh giới của bậc thánh lìa phi hữu phi vô, chẳng thể đo lường, nếu chấp thật có thật không, tức lọt vào nhị biên, cũng là tà vọng. Tại sao ? Vì vọng sanh nhị kiến, sai trái với Chân Lý vậy”.
Có người ở trong kho vàng chỉ thấy vàng, biết vàng, biết tất cả các tướng đều là vàng mà không để ý tới các hình tướng vàng đã đúc sẵn với đủ mọi hình thù tướng mạo lạ kỳ đẹp xấu, không bị mê hoặc bởi cái tướng vàng, mà chỉ luôn nhìn thấy duy nhất cái bản thể là vàng nên lìa khỏi hư vọng, hòa hợp làm một, khế hợp Chân Nhất – đây là cái thấy của bậc Thánh. Có người chỉ chú ý đến cái tướng vàng với đủ mọi hình thù xinh đẹp, phân biệt tốt xấu, lớn nhỏ giá trị, cân nặng…làm mất tánh vàng chỉ thấy sắc tướng, mê muội bản tánh, chấp kiến điên đảo, vọng tưởng nghi hoặc, hình tướng phân biệt ngăn cách – đây là cái thấy của phàm phu. Cái thấy của phàm phu thì Tâm và Cảnh phân biệt trên Tướng nên là hư vọng mê hoặc, trôi lăn theo lục đạo luân hồi. Còn cái thấy của bậc Thánh thì Tâm và Cảnh nhất Như trên Tánh, khế hợp với Chơn Nhất nên được giải thoát.
Tánh sinh ra Tâm hay vạn pháp thì vẫn thanh tịnh, vẫn không lay động, không tăng không giảm, vẫn tự đầy đủ, sanh như huyễn sanh, tức là sanh mà coi như Không sanh, tức vô sanh. Lục Tổ Huệ Năng đã từng chứng ngộ được điều này: “ Không ngờ Tự Tánh hay sanh muôn Pháp”. Tuy hay sanh ra muôn Pháp, “nhưng vốn chẳng lay động,…vốn tự đầy đủ…vốn tự thanh tịnh…”
Tứ Tổ Đạo Tín khi truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng cho Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn cũng từng nói kệ về cái sanh sanh mà vô sanh này của Tự Tánh:
“Hoa chủng hữu sanh Tánh,
Nhân Địa, hoa sanh sanh.
Đại duyên dữ tín hiệp
Đương sanh sanh bất sanh”. (Tổ Đạo Tín)
(Giống hoa có Tánh sống,
Nhân Đất, hoa nảy mầm.
Duyên lớn cùng tín hợp,
Chính sanh, sanh chẳng sanh).
Tâm sinh ra Tâm hay vạn pháp thì ngược lại: lay động sinh diệt, tăng giảm giống như “Mẹ sanh”, khác với “Huyễn sanh” của Tánh. Nghĩa là phải bị mất đi một phần máu thịt tế bào trong cơ thể, hoặc phải biến dịch, thay đổi, tăng giảm lớn nhỏ…Thí dụ “Dị Điểm” Big Bang sinh ra vũ trụ thì phải TÁC động, biến dịch và bành trướng từ nhỏ đến lớn…Thực vật sinh ra cây con thì phải mất một phần hạt giống hay một phần rễ cành nhựa sống khi chiết ra cây con….Nguyên Tử sinh ra Phân Tử vật chất: Đất Nước Gió Lửa thì phải Tác động, hóa hợp, hấp dẫn, xúc tác, kết nạp…
Cái “Thân” của Tâm như một tàng cây to, có cái Gốc Rễ thì vững chắc bất động, chẳng sinh diệt (có những cây cổ thụ sống cả ngàn năm), rồi phân chia ra nhánh và nhiều cành cho tới cái ngọn vô số lá cây. Cành và lá so với Gốc Rễ thì sinh diệt, mỗi năm lá rụng rồi tái sinh ra cành lá mới. Cành và lá thì chuyển động theo chiều gió, còn Gốc Rễ thì hầu như bất động. Tâm cũng vậy, Gốc Tâm hay Chân Tâm thì bất động, chẳng sinh diệt chính là cái Ánh Sáng của Tánh, hay cái Ánh Sáng của “Viên Ngọc Ma Ni” là cái Ánh Rõ của Bát Nhã, cũng gọi là Mặt Trăng thứ hai. Chứng ngộ đến Mặt Trăng thứ hai xem như đạt đến Vô Sanh, đụng tới Tánh, tuy chưa phải là triệt ngộ. Còn vô số cành lá của Tâm, là ngọn Tâm thì chuyển động, sinh diệt, luân hồi…được xem là Tâm Mê của chúng sanh. Như vậy muốn đi tìm Chân Lý Giải Thoát để đạt đến Vô Sanh thì phải phăng ngược về cái Gốc của Tâm, tức là phăng về cái Rõ của Tự Tánh, cái Vô Vi để thấy Tánh, ngộ nhập vào Tánh thành Phật. Còn chúng sanh Mê với cành lá và ngọn Tâm vì chấp ngã, chấp tướng, bị Vô Minh che mờ, nên lại đi ngược đường ra cái ngọn Tâm, cứ sinh sinh diệt diệt mãi mãi như những chiếc lá ở ngọn cây, không có đường giải thoát. Cứ chạy theo 6 trần của thế gian, bị thế gian cuốn hút tức là đang đi ra cái ngọn Tâm. Vì chấp ngã chấp thân chấp tướng nên Chiếc tưởng rằng cái “Tướng Lá” chính là thân mình và mình có sinh tử ; còn cái Thân Cây, Gốc Cây có cái tướng khác mình chắc không phải là mình nên bỏ qua không để ý tới. Nếu Chiếc biết tư duy phăng tìm mãi cái Thân thật của mình là gì, đi ngược về Gốc không mãi mê trụ nơi cái Ngọn, thì dần dần sẽ phát hiện ra: chính ta không có cái ngã của Chiếc Lá, mà Thân Cây là ta rồi tiến tới Gốc Cây là ta, cũng không trụ nơi đây; Đất Nước Gió Lửa nuôi dưỡng cây là ta, cũng không trụ nơi đây, vượt qua luôn hình tướng vật chất, chính cái Hư Không hay cái Không Rốt Ráo này là ta. Khi đó chợt hiểu ra ta không phải là Chiếc cũng không phải là cái Thân Cây cổ thụ to lớn, cũng không phải là Đất mà chính là cái Hư Không, cái Không Rỗng Rang vi diệu, không sinh diệt, nên không còn phải lo lắng việc sinh tử mà đã thức tỉnh và an lạc.
“Nhân nhân tận thức Vô Vi lạc,
Nhược đắc Vô Vi thủy thị Gia”.
(Người người tận biết Vô Vi lạc,
Nếu được Vô Vi mới là Nhà).
Biết đến tận gốc là cái Vô Vi hay cái Không rốt ráo này chính là Nhà mình thì đã an lạc rồi, không còn sợ sệt việc sinh tử. Tuy nhiên, biết rõ vấn đề chưa đủ, cần phải ngộ nhập được cái Vô Vi hay cái Không này rồi mới thật sự là đã về Nhà.
Tuy vũ trụ và thế giới chúng sanh là cái Bóng do Chân Tâm hay cái RÕ của Tánh, của Bát Nhã biến chiếu ra, nhưng chúng sanh lại nhìn thấy nó Như Thật, có Sắc Tướng có Vật Thể cứng chắc. Đó là cái thấy của Nghiệp Thức chúng sanh, đứng ở trong Nghiệp thì nhìn thấy có Sắc Tướng, có Vật Thể Như Thật, nhưng đứng về phía Tánh hay Bát Nhã nhìn ra thì thấy nó Không, chỉ là cái Bóng giả tạo không có thật. Chẳng hạn như trong giấc chiêm bao thấy có Thân thật, có Thế Giới thật, nhưng khi thức dậy, tất cả đều biến mất, không có một dấu vết. Ngay cả cái nhìn ở trong Nghiệp với nhau cũng có sự khác biệt. Chẳng hạn như Bức Tường, người thường thì nhìn thấy nó đặc cứng liền lạc, nhà Bác Học với kính hiển vi thì thấy nó rỗng rang rời rạc, chỉ có các hạt năng lượng cấu kết với nhau, nhưng Chư Phật thì nhìn thấy nó là Không ( không có cả những hạt năng lượng).
TÁNH là BẢN THỂ ví như MẶT TRĂNG “MỘT”, TÂM là HIỆN TƯỢNG ví như BÓNG TRĂNG hiện ra vô số trên mặt nước sông hồ .Nói ngắn gọn TÁNH là THỂ còn TÂM là DỤNG của TÁNH. Nhờ DỤNG mà biết được THỂ. Thấy DỤNG là biết được có THỂ .Vì chúng sanh không biết được THỂ cho nên phải qua DỤNG mới biết được THỂ, hay là phải qua TÂM mới biết được TÁNH. Cho nên Bồ Đề Đạt Ma nói : “Trực chỉ nhân Tâm, kiến Tánh thành Phật ” . TÂM người với Tâm của vũ trụ hay Hư Không là MỘT. TÂM thì có TƯỚNG ,nhỏ như hạt bụi ,lớn như hòn núi, Mặt Trời, Mặt Trăng hay trùm khắp như Hư Không ,còn TÁNH thì VÔ TƯỚNG bất động .
Ánh sáng hay Ánh Rõ do Tánh hay Bát Nhã chiếu ra thì MINH và DIỆU (Bản Giác Minh Diệu, Kinh Lăng Nghiêm). MINH nên nó rõ ràng chân thật và DIỆU nên nó sanh ra vạn pháp huyền hoặc khó hiểu nhưng tài tình lạ kỳ. Còn Ánh Sáng của TÂM thì lại DIỆU và MINH (Tánh Giác Diệu Minh, Kinh Lăng Nghiêm). DIỆU nên nó sinh ra vạn pháp và chúng sinh với cái Tánh Giác “biết” ít hay nhiều là tùy Nghiệp, gọi chung là Tâm năng động. Loài động vật, thực vật cây cỏ cũng có cái Tánh Giác “biết”. Ngay cả vật chất cũng vậy, như các hạt electrons “biết” chuyển động quay tròn chung quanh một Nhân để sinh ra một nguyên tử vật chất; một tế bào trứng đơn độc (egg cell) với bộ “Gene” chứa phân tử DNA, “biết” cấu trúc tạo ra một cơ thể người, động vật hay thực vật với đầy đủ các cơ quan tinh vi có chức năng riêng biệt. Những sự kiện này thật là Diệu, tuy nhiên đó là do bàn tay của Nghiệp lực nắn tạo ra. Còn cái Minh của chúng sinh thông qua Sáu Căn rồi mới Minh, thì cái Minh này không còn Minh nữa mà đã bị điên đảo. Chẳng hạn như Ánh Sáng Mặt Trời ( giả dụ cho cái Ánh Rõ Bát Nhã) có đầy đủ năng lực, nhưng đã chạm vào Mặt Trăng ( giả dụ cho Thân Tâm chúng sinh), rồi Mặt Trăng phản chiếu về Trái Đất, thì cái Ánh sáng của Mặt Trăng này hết năng lực, không còn có thể mồi để lấy Lửa được nữa, bị mê mờ vì Nghiệp chướng, vọng tưởng che phủ ,cho nên cái MINH của cành lá hay ngọn TÂM bị mù tối vẫn đục. Bởi vì từ Mặt Trăng nhìn về Trái Đất hay từ Thân Tâm chúng sinh nhìn ra Sự Vật qua 6 căn ( thấy nghe hiểu biết xúc chạm…) rồi mới Minh thì Ánh Sáng “Minh” này đã đi qua cái “Thấu Kính Nghiệp” của từng loài chúng sinh nên đã bị “Khúc Xạ” theo Nghiệp, và “nhìn ra” cái Ngọn Tâm, chứ không “nhìn ngược về” cái Gốc Tâm, nên cái nhìn này bị méo mó, sai lệch, điên đảo, xa rời Chân Lý. Muốn trở về cái Gốc Tâm, thì không “nhìn ra” Sự Vật của Thế Gian nữa, tức là không “nhìn xuôi” theo Nghiệp Thức với cái “Thấu Kính Nghiệp” là cái nhìn của Lục Căn ra Lục Trần, cái nhìn theo chiều của Ánh Sáng từ Mặt Trăng về Trái Đất hay theo chiều của Thân Tâm “nhìn ra” Sự Vật của Thế Gian; mà nhìn “ngược trở lại”, tức “nhìn vào” Thân Tâm chính mình để phăng tìm cái Ánh Sáng từ Mặt Trời chiếu về Mặt Trăng, hay cái Ánh Rõ của Bát Nhã chiếu vào Thân Tâm để nhận ra Tự Tánh. Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã chỉ cái “nhìn vào” này: “Trực chỉ Nhân Tâm, kiến Tánh thành Phật”.
Vì chỉ “nhìn xuôi” theo Nghiệp Thức, tức “nhìn ra” cái Ngọn Tâm, nên cái Minh của TÂM chúng sinh với cái “Tánh Giác Diệu Minh” trong lục đạo luân hồi bị bức màn Vô Minh làm cho điên đảo nên không còn MINH nữa, do đó không thấy được sự thật hay Chân Lý. Nghiệp báo ,nhân quả ,vọng tưởng làm cho TÂM mê mà sinh ra thế giới tức Y Báo và chúng sinh mọi loài tức là CHÁNH BÁO.
Chúng sinh “người” mang cặp mắt kính nghiệp “người ” sống trong Y Báo: “thế giới loài Người” thì thấy và hiểu biết theo “ thức nghiệp người”. Chúng sanh loài “thú” mang cặp kính nghiệp “thú” sống trong Y Báo : “thế giới loài thú” thì thấy và hiểu theo “thức nghiệp thú”. Chừng nào cởi bỏ hết Cặp Kính Nghiệp Vô Minh, không nhìn ra cái ngọn nữa mà nhìn ngược trở lại cái Gốc trở về cái “CHÂN TÂM” trong sáng ( tức Ánh Sáng Mặt Trời, hay cái Ánh Rõ Bát Nhã) thì mới thấy được Sự Thật hay Chân Lý.
Như vậy TÂM mê thì sanh ra thế giới vạn hữu ,TÂM ngộ thì trở về TÁNH hay BÁT NHÃ. Ngộ nhập BÁT NHÃ thì vạn hữu biến mất ,ngay cả nguồn TÂM cũng biến mất nhập vào TÁNH thành PHI TÂM .
“Mộng lý minh minh hữu lục thú
Giác hậu không không vô đại thiên”.
(Thiền Sư Huyền Giác).
(Trong mộng lao xao bày sáu nẻo
Tỉnh ra bằng bặt chẳng ba nghìn).
TÁNH và TÂM liên đới không rời ,những gì TÂM làm ra thì cũng giống như TÁNH làm ra .TÁNH hay Ma Ha Bát Nhã sinh ra vạn pháp thì vẫn uy nghi bất động ,vẫn tự đầy đủ, sanh ra mà như không sanh tức “Huyễn sanh”. Còn TÂM sinh ra vạn pháp thì tăng giảm lớn nhỏ, biến dịch, sinh diệt giống như là “Mẹ sanh”. Xét cho cùng thì thật ra TÂM cũng không có ,chỉ là cái Bóng của TÁNH. TÂM đã không thì thế nào lại còn hỏi TÂM sanh hay TÁNH sanh ? Tuy nhiên về mặt Dụng của pháp thế gian thì xem như Tâm sanh. Còn về mặt Thể của pháp Tánh thì xem như Tánh sanh, nhưng sanh mà không sanh, tức vô sanh. Vì “ Tự Tánh vốn tự thanh tịnh nhưng hay sanh muôn pháp”. Như vậy mới đầy đủ cái năng lực của Tự Tánh bao gồm cả hai mặt Thể và Dụng như một cái Thân có đủ hai cánh tay Mặt và Trái: Chân Không và Diệu Hữu.
*Sự khám phá đường TÂM đến tận Gốc hay Chân Tâm là trở về cái Ánh Rõ do Bát Nhã hay Tự Tánh chiếu ra . Đó cũng là cái mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma khai thị : “Trực chỉ nhân Tâm kiến Tánh thành Phật”. Đi tuyệt cùng đường Tâm cho tới tận Gốc là Chân Tâm là đang tới cửa BÁT NHÃ, cửa NIẾT BÀN ,cửa TỰ TÁNH ,cửa TÁNH, cửa Vô Vi hay cửa Không .Còn một bước nhảy vọt qua cửa hay đầu sào trăm trượng là vào đất Như Lai ,ngộ nhập BÁT NHÃ ,thấy được TỰ TÁNH.
“Tranh tự Vô Vi Thực Tướng môn,
Nhất siêu trực nhập Như Lai Địa”.
Bài Thơ “PHẬT TÂM CA” của Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng khai Tâm đến chỗ tận đầu nguồn như Tổ Đạt Ma đã khai thị hay cái cửa Vô Vi của Thiền Sư Huyền Giác, là “đỉnh Tỳ Lô” nhảy thẳng vào đất Như Lai:
“Phật! Phật! Phật! bất khả kiến!
Tâm! Tâm! Tâm! bất khả thuyết!
Nhược Tâm sanh thời thị Phật sanh,
Nhược Phật diệt thời thị Tâm diệt.
Diệt Tâm tồn Phật thị xứ vô,
Diệt Phật tồn Tâm hà thời yết.
Dục tri Phật Tâm sanh diệt Tâm,
Trực đãi đương lai Di Lặc quyết”.
(Phật! Phật! Phật! không thể thấy!
Tâm! Tâm! Tâm! không thể nói!
Khi Tâm sanh tức là Phật sanh,
Bằng Phật diệt là lúc Tâm diệt.
Diệt Tâm còn Phật chuyện không đâu,
Diệt Phật còn Tâm bao giờ hết.
Muốn biết Tâm Phật, Tâm sanh diệt,
Hãy chờ Di Lặc sau sẽ quyết).
Phật gốc thì không có thể thấy vì đã nhập vào Tánh là Vô Tướng, còn Tâm gốc thì không có thể nói, vì nó bất khả tư nghì là cái Ánh Sáng Bát Nhã linh diệu. Cái Tâm này sanh ra Phật mà cũng sanh ra chúng sanh và vạn pháp. Khi Phật diệt thì Tâm cũng diệt vì đã nhập vào Tánh thành Phi Tâm Phi Phật. Tâm đã tịch diệt rồi mà còn Phật Tướng là chuyện không đâu. Phật đã tịch diệt rồi mà còn Tâm Phật với cái Tướng thế gian là không đúng. Muốn biết rõ Tâm Phật và cái Tâm sanh diệt này, hãy đợi Phật Di Lặc ra đời sẽ quyết định. Ý Ngài Tuệ Trung muốn nói là phải “chứng ngộ” thì sẽ rõ Tâm và Phật, còn chưa ngộ thì có giải thích cho đến khi Phật Di Lặc ra đời cũng chưa thông …Ngài giải thích tiếp:
“Tích vô Tâm, kim vô Phật,
Phàm Thánh Nhân Thiên như điện phất.
Tâm thể vô thị diệc vô phi,
Phật Tánh phi hư hựu phi thực.
Hốt thời khởi, hốt thời chỉ,
Vãng cổ lai kim đồ nghĩ nghị.
Khởi duy mai một tổ tông thừa,
Cánh khởi yêu ma tự gia túy.
Dục cầu Tâm, hưu ngoại mích,
Bản thể như nhiên tự không tịch.
Niết Bàn sanh tử mạn la lung,
Phiền não Bồ Đề nhàn đối địch”.
(Xưa không Tâm, nay không Phật,
Phàm Thánh Trời Người như điện phất.
Tâm thể không thị cũng không phi,
Phật Tánh chẳng hư cũng chẳng thực.
Bỗng dưng khởi, bỗng dưng dừng,
Xưa nay qua lại luống lẩn quẩn.
Há chỉ chôn vùi nếp tổ tông,
Lại khiến yêu ma vào nhà lộng.
Muốn cầu Tâm, chớ tìm ngoài,
Bản thể như nhiên vốn không tịch.
Niết bàn sanh tử buộc ràng suông,
Phiền não Bồ Đề hư giả nghịch).
Thời “vô thủy vô minh” không có Tâm, chỉ có cái Chơn Tánh Nhất Như. Phật Thích Ca xuất hiện cách đây hơn 2500 năm, nay cũng không còn. Đời sống của Phàm Thánh Trời Người thì thật là ngắn ngủi như tia điện chớp so với cái Vô Sanh vô thủy vô chung của Phật Tánh. Bản Thể của Tâm chẳng phải có mà cũng chẳng phải là không có. Khi ngộ đạo thì nó là cái Không vô hình tướng, là Phi Tâm, nhập vào Tánh; khi mê thì nó lăng xăng, đầy phiền não với cái Vọng Tâm. Còn Phật Tánh hay là Tánh thì chẳng hư mà cũng chẳng thực vì người mê thì không thấy nó, không biết nó; người ngộ thì thấy Tánh là cái Chơn Nhất hòa nhập với tất cả Tánh, dung thông và bình đẳng với tất cả Tánh. Tánh hay Tự Tánh thì hay sanh muôn pháp bằng cách ảo hóa. Nhưng cũng do Vô Minh khuấy động mà Chơn Tánh bị che mờ và Tâm động hiện tướng thế gian mê, rồi nhân quả nghiệp báo theo sau, vòng luân hồi sanh tử từ đó mà lẩn quẩn quay cuồng chôn vùi làm mất đi cái nếp tổ tông yên định của “Căn Nhà Xưa” là Bát Nhã Chân Như, hay Phật Tánh, che mờ đi cái Chơn Nhất khiến yêu ma vào căn nhà lộng, tức là tà vọng quay cuồng điên đảo. Muốn trở về Căn Nhà Xưa, tức ngộ nhập Tánh thì phải cầu ngay chính Tâm mình, không cầu Phật bên ngoài. Bản Thể của tất cả Pháp thế gian là Không tịch như nhiên, rỗng suốt mà vi diệu. Niết Bàn hay sinh tử chẳng cách nhau xa, chỉ khác là ở mê hay ngộ, việc sinh tử luân hồi không có sự ràng buộc vĩnh viễn. Phiền não và Bồ Đề thì hư giả nghịch, nghĩa là không đối chọi nhau mà là một, có thể nói Phiền Não tức Bồ Đề; vì có Phiền Não con người mới chịu tỉnh thức mà đi tìm Đạo và một khi đã thức tỉnh giác ngộ thì đó chính là Bồ Đề. Ngài Tuệ Trung diễn giải tiếp:
“Tâm tức Phật, Phật tức Tâm,
Diệu chỉ linh minh đạt cổ câm.
Xuân lai tự thị xuân hoa tiếu,
Thu đáo vô phi thu thủy thâm.
Xả vọng Tâm, thủ chân tánh,
Tợ nhân tầm ảnh nhi vong kính.
Khởi tri ảnh hiện kính trung lai,
Bất giác vọng tùng chân lý bính.
Vọng lai phi thực diệc phi hư,
Kính thọ vô tà diệc vô chính”.
(Tâm tức Phật, Phật tức Tâm,
Linh diệu chiếu cùng kim cổ thông.
Xuân đến, tự hoa xuân mỉm miệng,
Thu về, đâu chẳng nước thu trong.
Bỏ vọng Tâm, giữ chân tánh,
Khác nào tìm ảnh mà quên kính.
Nào hay ảnh vốn tự gương ra,
Chẳng biết vọng do từ chân hiện.
Vọng lên chẳng thực cũng chẳng hư,
Gương nhận không tà cũng không chính).
Tâm là Phật, Phật cũng là Tâm và cái Tâm này là Tâm rốt ráo đầu nguồn. Tâm này là Ánh Sáng Bát Nhã linh diệu soi chiếu từ cổ chí kim khắp tất cả Pháp Giới, từ gốc tới ngọn cho tới cây cỏ muôn loài chúng sanh, tự tại như nhiên, như xuân đến thì hoa xuân nở rộ, thu sang thì nước hồ thu tỉnh lặng trong suốt. Vọng Tâm hay Chân Tâm cũng từ một Gốc Tâm mà ra, không cần phải cầu Chân bỏ Vọng, giống như tìm ảnh mà quên kính chẳng biết rằng ảnh vốn từ gương mà ra. Cũng vậy Vọng tức từ Chân mà hiện. Vọng Tâm hiện ra chẳng thực cũng chẳng hư, có sinh thì có diệt; còn Gương Tâm thì “Vô Tâm” chẳng tà cũng chẳng chính, vô phân biệt, có thế nào thì hiện ra thế ấy, tịch lặng mà chiếu soi…
“Dã vô tội, dã vô phúc,
Thác tỷ Ma Ni kiêm bạch ngọc.
Ngọc hữu hà hề châu hữu lỗi,
Tánh để vô hồng diệc vô lục.
Diệc vô đắc, diệc vô thất,
Tứ thập cửu lai thị thất thất.
Lục độ vạn hạnh hải thượng ba,
Tam độc cửu tình không lý nhật”.
Vẫn không tội, vẫn không phúc,
Lầm sánh Ma Ni cùng bạch ngọc.
Ngọc có vết chừ châu có tỳ,
Tánh vốn không hồng cũng không lục.
Cũng không được, cũng không mất,
Bốn mươi chín ấy là thất thất.
Sáu độ muôn hạnh: biển sóng trào,
Ba độc chín tình: giữa không nhật).
Chứng ngộ Tánh, Phật Tánh hay viên ngọc Ma Ni thì không kể tội hay là phước, không còn nhân quả nghiệp báo, không chúng sanh thọ giả đạt đến Vô Sanh. Đừng lầm Ngọc Ma Ni (tức Tánh Phật) với bạch ngọc thường tình của thế gian. Vì bạch ngọc còn có tỳ, châu báu còn có vết, còn viên Ngọc Ma Ni thì không tỳ vết, không màu sắc, hoàn toàn rỗng rang trong suốt. Đạt được Phật Tánh : không được mà cũng không mất. Không được vì mọi chúng sanh đều có sẵn Phật Tánh vì mê mà không nhận ra, không mất vì nó vẫn hiện tiền trùm khắp và bình đẳng trùm khắp cả Pháp Giới, đâu đâu cũng có nó. Khi ngộ mới biết rằng mình đang ở sẵn trong căn nhà Tánh mà xưa nay không hay biết ! Và khi ngộ Tánh thì “sáu độ, muôn hạnh” tự đầy đủ như biển sóng trào ; Tham Sân Si, Lục Dục, Chín Tình của thế gian không còn…
“Mặc! Mặc! Mặc! Trầm! Trầm! Trầm!
Vạn pháp chi Tâm tức Phật Tâm.
Phật Tâm khước dữ ngã Tâm hiệp,
Pháp nhĩ như nhiên cắng cổ câm.
Hành diệc thiền, tọa diệc thiền,
Nhất đóa hồng lô hỏa lý liên.
Một ý khí thời thiêm ý khí,
Đắc an tiện xứ thả an tiện”.
(Lặng! Lặng! Lặng! Chìm! Chìm! Chìm!
Tâm của muôn loài tức Phật Tâm.
Phật Tâm bèn với Tâm ta hiệp,
Pháp vốn như nhiên suốt cổ kim.
Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,
Giữa lò lửa rực một cành sen.
Ý khí mất đi thêm ý khí,
Được an tiện đấy cứ an tiện).
Hòa mình tịch lặng cả Thân Tâm với Hoa Tạng Pháp Giới, vì Tâm của muôn loài cũng là Phật Tâm và Phật Tâm này cùng với Tâm ta là bình đẳng, là Một. Tất cả Pháp vốn như nhiên từ cổ chí kim là như vậy. Cả Tâm và Pháp trong Hoa Tạng Pháp Giới đều niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng. Nhưng niệm mà Vô Niệm, Tâm mà Vô Tâm, Pháp mà Vô Pháp: mặc mặc mặc, trầm trầm trầm hòa nhập trong cái Không tịch như nhiên làm Một. Và khi đó, đi cũng thiền, ngồi cũng thiền tương ưng tương đồng với cái Không tịch ấy, thì giữa cái thân tứ đại, Phật Tánh hiện bày. Khi đó dù ý khí có mất, lại được thêm ý khí, nghĩa là huyền chỉ tự thông, tông cũng thông mà thuyết cũng thông, định huệ sáng tròn đầy đủ, an nhiên tự tại….
Di! di! di! Đốt! Đốt! Đốt!
Đại hải trung âu nhàn xuất một.
Chư hạnh vô thường nhất thiết không,
Hà xứ tiên sư mịch linh cốt.
Tỉnh tỉnh trước! Trước tỉnh tỉnh!
Tứ lăng đạp địa vật khi khuynh.
A thùy ư thử tín đắc cập,
Cao bộ Tỳ Lô đỉnh thượng hành.
Hát!
(Chao! chao! chao! Ối! ối! ối!
Bọt trong biển cả uổng chìm nổi.
Các hạnh vô thường thảy thảy không,
Linh cốt tiên sư tầm đâu tá!
Thức thức tỉnh! Tỉnh tỉnh thức!
Dẫm đất bốn bề chớ lệch nghiêng.
Ai có như lời tin được vậy,
Đạp đảnh Tỳ Lô bước bước lên).
(Hết!)
Chúng sanh sống trong mê giống như Bọt Nước chìm nổi lênh đênh trên Biển Cả không biết đâu là bến bờ phải chịu cảnh luân hồi sinh tử và đầy phiền não, thật là uổng cho vô số kiếp trong lục đạo, không biết đường trở về Căn Nhà Xưa! Dù có học bao nhiêu hạnh lành của Hiền Thánh thì cũng chỉ là vô thường, bất quá chỉ là được phước báu mà không có hạnh giải thoát. Linh cốt của bao Hiền Thánh ngày xưa, nay còn đâu! Do đó hãy thức tỉnh, đi thẳng tận đầu nguồn, không nghiêng lệch, và chỉ nên cầu Tâm huốt đường Tâm đạt tới “đỉnh Tỳ Lô” mà bước lên.
Tóm lại lời khuyên của Tuệ Trung Thượng Sĩ trong bài thơ “Phật Tâm Ca” chỉ rõ Tâm Phật chính là Phật Tánh bình đẳng với mọi chúng sinh và muốn đạt được Phật Tánh thì chỉ nên cầu Tâm, đi huốt tận đầu nguồn Tâm, đạt tới “đỉnh Tỳ Lô” và từ đây nhảy thẳng vào đất Như Lai. Lời khuyên này chẳng khác gì lời khai thị của Tổ Đạt Ma: “Trực chỉ nhân Tâm kiến Tánh thành Phật” hay cái cửa Vô Vi của Thiền Sư Huyền Giác cũng như lời khai thị của Phật Thích Ca: “Lấy Tâm làm Tông, cửa Không là cửa Pháp”.
Sở dĩ gọi là cửa Không vì trong đó phi Tâm , phi Phật ,phi vật, phi phàm, là cái “Rỗng Thênh Không Thánh” mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã khai thị cho Vua Lương Võ Đế . Thật tội nghiệp cho Lương Võ Đế ngơ ngác không hiểu gì cả ,còn các Thiền Tăng khắp nơi nhảy không qua cửa nầy bị Tổ Bồ Đề Đạt Ma cho một đao chết tươi ! Lương Võ Đế thường đắp cà sa giảng kinh Phóng Quang Bát Nhã cảm được Hoa Trời .Nhà vua ra chiếu cho dân chúng, cất chùa độ Tăng ,hiển đạo thờ Phật ,y Kinh tu hành người đời còn gọi là Phật Tâm Thiên Tử .Võ Đế thường cùng các Cao Tăng ,thái tử Chiêu Minh luận bàn về chân đế ,tục đế như Kinh nói: Chân đế để rõ phi hữu ,tục đế để rõ phi vô ,chân tục không hai tức là Thánh Đế Đệ Nhất Nghĩa”. Đây là chỗ cực diệu cùng huyền của giáo lý, dám đem ra để thách đố hỏi Tổ: Thế nào là Thánh Đế Đệ Nhất Nghĩa?. Tổ cũng lòng từ bi vô hạn trả lời đến chỗ tột cùng tột lý để khai thị: “Rỗng Thênh Không Thánh”. Ngay trong câu nầy mà Võ Đế thấu được thì đã ngồi trong căn nhà BÁT NHÃ rồi: “ Nhất cú liễu nhiên siêu bách ức”. Vua đã điên đảo bối rối chưa tỉnh lại còn chấp nhân ngã hỏi lại: Đối Trẫm là ai ?”. Tổ thật tâm lão bà quá lớn, kiên nhẫn khai thị một lần nữa. Tổ nói: Chẳng biết”.
Võ Đế sững sốt hoàn toàn, không biết đâu là manh mối, lời khai thị ngắn gọn cũng là chỗ tột cùng rốt ráo. Tiếc thay Võ Đế chết đứng nơi ấy đến nỗi Hòa Thượng NGHĨA ĐOÀN phải làm bài tụng tiếc dùm cho Lương Võ Đế.
“Nhất tiễn tầm thường, lạc nhất điêu,
Cánh gia nhất tiễn, dĩ tương thiêu
Trực qui Thiếu thất, phong tiền tọa,
Lương chúa, hưu ngôn, cánh khứ chiêu”.
(Tầm thường một mũi, lạc chim điêu,
Mũi nữa bồi thêm, đốt cháy tiêu.
Trực chỉ Thiếu m, ngồi vách đá,
Vua Lương thôi chớ, thỉnh cùng kêu).
*Cái cửa “Không” Rỗng Thênh Không Thánh ấy thay vì khai thị bằng lời như Tổ Bồ Đề Đạt Ma ,Thiền Sư Diệp Huyện Quy Tỉnh dùng vật giống như Thế Tôn dùng Cành Hoa Sen để chỉ cái Ánh Rõ của Bát Nhã. Thiền Sư khai thị cho vị tăng chỉ giọt mưa rơi trên thềm nhà làm yếu chỉ để chỉ cái rốt ráo của đường Tâm qua cái Ánh Rõ của giọt mưa rơi làm cho vị tăng hoát nhiên đốn ngộ nhận ra Bát Nhã và thốt lên bài kệ:
“Thiềm đầu thủy đích (Giọt mưa trên thềm
Phân minh lịch lịch Rõ ràng rành rẽ
Đả phá Càn Khôn Đập nát Càn Khôn
Đương hạ Tâm tức”. Liền đó Tâm dứt).
Ngộ nhập Bát Nhã tức thời Càn Khôn vũ trụ hiện tượng đều sụp đổ, cả nguồn Tâm cũng biến mất .
Sự khai thị của Tổ Đạt Ma cho Lương Võ Đế, của Thiền Sư Quy Tỉnh cho vị Tăng, của Phật Thích Ca cho Tổ Ca Diếp…đều liên quan tới cái “Vô Vi”.
-Thật ra cái chỗ cực diệu cùng huyền của giáo lý mà Lương Võ Đế đem ra để hỏi Tổ Đạt Ma: “Thế nào là Thánh Đế Đệ Nhất Nghĩa?” và Tổ đã không dài dòng văn tự để giảng giải mà khai thị trực tiếp ngắn gọn: “Rỗng Thênh Không Thánh”, ý của Tổ muốn chỉ cái Vô Vi, cái Tuyệt Cùng để trực tiếp vào cửa Tánh. Chỗ đó vượt khỏi cái thấy nghe hiểu biết của ý thức hay vượt khỏi cái kiến văn giác tri mà Võ Đế không nhận ra để vào cửa mà lại chấp nhân ngã hỏi tiếp: “Đối Trẫm là ai?”. Tổ cũng chỉ cái Vô Vi, cái Tuyệt Cùng để vào cửa, Tổ nói: “Chẳng biết!”. Câu thứ nhất,Võ Đế chấp vào cái kiến văn giác tri bị Tổ bắn một mũi tên mà không bắt được tên, bị đau điếng mà vẫn chưa tỉnh. Câu thứ hai, Võ Đế lại chấp nhân, ngã: có người có ta, có thân có tướng. Tổ bắn mũi tên thứ hai, tưởng rằng rớt hết nhân ngã, thân tướng để vào cửa, nào ngờ Võ Đế cũng không bắt được tên, chết đứng tại chỗ! Cái “Chẳng biết” này không người, không ta, không thân không tướng, không tên không tuổi…Giữa “Trẫm” tức Võ Đế và “Đối Trẫm” là Tổ Đạt Ma, cả hai đều không, không nhân ngã, không thân tướng và trước mắt cả hai là cái Không Rỗng Suốt không có một vật là cái “Chẳng biết!”, cái Cửa Vô Vi để nhập vào Tánh.
-Thiền Sư Diệp Huyện Quy Tỉnh cũng vậy, chỉ cái cửa Vô Vi để vào Tánh cho vị Tăng. Sư dùng Sự Vật là “Giọt mưa” để khai thị. Vị Tăng nhạy bén nhận ra ngay và liễu ngộ liền trình kệ với cái thấy của chính mình ngay cái sát na đột phá đó:
“Giọt mưa trên thềm”: Nương vào Giọt Mưa làm yếu chỉ nhận ra cái Vô Vi ngay trên Sự Vật.
“Rõ ràng rành rẽ”: Đi huốt khỏi Sự Vật, huốt khỏi hình tướng, huốt khỏi cái máy động của Sự Vật là cái Vô Vi tức cái cửa Rõ vô thân vô tướng.
“Đập nát Càn Khôn”: Không có một vật, cả Càn Khôn cũng sụp đổ hoàn toàn , hiện tiền là cái Ánh Rõ Bát Nhã trùm khắp hay cái Vô Vi.
“Liền đó Tâm dứt”: Ngay cửa Vô Vi hay cái Ánh Rõ trùm khắp này nhảy thẳng vào Tánh thì Tâm cũng biến mất thành Phi Tâm, vượt qua cái Rõ, cái Vô Vi để nhập Tánh nên không còn Tâm và Vị Tăng đã hoát nhiên đại ngộ!
-Ở Pháp Hội Linh Sơn cũng thế, Đức Phật giơ cành hoa sen lên là Sự Vật, nhưng Tổ Ca Diếp không chấp vào hình tướng của hoa sen, mà nhận ra cái Rõ hay cái Vô Vi ngay trên cành hoa sen và từ đó nhảy thẳng vào Tánh.
Như vậy cái cửa Vô Vi, nơi Tuyệt Cùng của Sự Vật là con đường đi ngắn nhất, trực tiếp để vào cửa Tánh. Cái “Tuyệt Học Vô Vi” của Thiền Sư Huyền Giác không khác với cái Vô Vi mà Đức Phật đã khai thị cho Tổ Ca Diếp, không khác với cái Vô Vi mà Tổ Đạt Ma khai thị cho Lương Võ Đế, nó cũng không khác với cái Vô Vi mà Thiền Sư Diệp Huyện Quy Tỉnh khai thị cho vị Tăng. Trong “Chứng Đạo Ca”, Ngài Huyền Giác khai thị:
Quân bất kiến,
“Tuyệt học” Vô Vi nhàn đạo nhân.
Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân.
Vô Minh thực Tánh tức Phật Tánh,
Ảo hóa không thân tức Pháp Thân.
(Anh thấy chăng:
“Tuyệt học”, Vô Vi nhàn đạo nhân,
Không trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân.
Tánh thực Vô Minh tức Phật Tánh,
Thân không ảo hóa tức Pháp Thân).
-“Tuyệt học”, Vô Vi nhàn đạo nhân: Anh thấy chăng, Tổ Ca Diếp, Tổ Đạt Ma, Lục Tổ Huệ Năng…nhờ cái “Tuyệt Học Vô Vi” mà trở thành một Đạo Nhân nhàn, là người chứng đạo Vô Sanh. “Tuyệt Học” không phải là đã học đến tuyệt cùng, học hết Đạo, không còn gì để học hay là Dứt Học, Vô Học như các Bậc Vô Học A-La-Hán như có một số người hiểu lầm. Còn Vô Vi là cái Vô mà Vi diệu là cái Rỗng Suốt vi diệu cái Tuyệt Cùng tận đầu nguồn Sự Vật, vượt khỏi sự động dụng hình tướng và thể chất cũng như số lượng…không phải là Vô Vi của ngoại đạo. Hiểu lầm “Tuyệt Học Vô Vi” thì cái cốt tủy của bài Chứng Đạo Ca của Thiền Sư Huyền Giác không còn giá trị, lạc mất con đường tìm Đạo. Cũng như có người hiểu sai chữ “Vô Niệm” của Lục Tổ Huệ Năng khiến cho Kinh Pháp Bảo Đàn không còn giá trị, không tìm ra đạo, tự giảng trạch theo cái Nghiệp cái Ngã hay cái hiểu biết riêng của mình vừa không hợp Đạo lại vừa trái với ý Kinh! “Tuyệt Học” ở đây là học cái “Tuyệt Cùng” của sự vật, là học cái “Vô Vi”, huốt khỏi sự vật, huốt cả hình tướng, huốt khỏi cái thể chất cứng chắc của sự vật, huốt cả Sáu Căn tức huốt luôn cái (thấy, nghe, hiểu biết, xúc chạm…), huốt khỏi cái nói năng, huốt cả cái cái năng lực máy động cái động dụng: tức Vô Tác và ở trong trạng thái tỉnh, huốt cả đường Tâm đến tận Gốc Chân tâm…Ngài Huyền Giác đã học cái “Tuyệt Cùng” là cái “Vô Vi”, cái “Rõ”, cái “Rỗng Suốt” mà vi diệu, là cái Ánh Sáng của Bát Nhã chiếu ra và Ngài đã chứng quả Vô Sanh. Cái Rõ này không phải là cái thấy, cái nghe, cái hiểu biết, hay xúc chạm…; cũng không phải tánh nghe hay tánh thấy gì cả…Cái Rõ ẩn nơi cái thân của sự vật mà vô thân, ẩn nơi cái tướng sự vật mà vô tướng, ẩn nơi cái thấy mà không phải cái thấy, ẩn nơi cái nghe mà không phải cái nghe, ẩn nơi cái hiểu biết của ý thức mà không phải ý thức hiểu biết… Cái Rõ năng động hơn cái Gương soi, vì Gương soi chỉ soi có mặt đối diện còn mặt kia thì không soi, chỉ soi vật trước còn vật đặt phía sau bị che khuất thì không có thể soi…Gương thì soi vật chết, nghĩa là vật là vật không có cái linh diệu và soi có một chiều một hướng; còn cái Rõ thì soi trùm khắp, trước hoặc sau, ở khắp mọi hướng và vô tận không ngăn ngại ; nơi đó vật không còn là vật mà là phi vật, danh không còn là danh mà phi danh, tướng không còn là tướng mà phi tướng… Cái Rõ này huốt khỏi sự vật, huốt khỏi cái nói năng động dụng, huốt khỏi cái thấy nghe hiểu biết…nó “Vô”“Vi” là vi diệu. Từ cái Cửa Vô Vi, Cửa Rõ này phăng vào cửa Tánh thì không còn xa như đi trên một đường thẳng liên tục: cái Rõ, cái Trong rồi tiến tới cái Không, xem như ba lớp cửa để vào căn nhà Tánh, nhưng cũng không phải là ba, là con đường đi tắt vào Gốc Tánh. Ngài Huyền Giác đã học đúng chỗ là cái “Tuyệt Học Vô Vi” này mà chứng quả trở thành một Đạo Nhân nhàn:
“Sao bằng tự cửa Vô Vi ấy
Một nhảy thẳng liền đất Như Lai”.
Và cái “Tuyệt Học Vô Vi” là cái Gốc, cái đầu nguồn để nhận ra Đạo, không cần phải học nhiều. Còn học cái Ngọn thì vô số việc để học, Ngài không kham nổi giống như vào biển đếm cát, toàn là văn tự chữ nghĩa, uổng công suông mà không thấy Đạo.
“Thẳng tận đầu nguồn phăng dấu Phật
Chọn lá tìm cành ta chẳng đương”.
Lục Tổ Huệ Năng cũng vậy, Ngài không có học nhiều, chỉ học ngay cái Tuyệt Học Vô Vi, giã gạo chỉ có 8 tháng ở chùa, không phải hành trì, tụng kinh, trì chú gì cả như các Chư Tăng trong chùa mà đã đạt Đạo Vô Sanh và trở thành Vị Tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung Hoa nhờ học đúng chỗ và học ngay cái Gốc mà nên Sự. Đầu tiên Ngài học cái Tuyệt Cùng là cái Vô Vi đã chứng được Vô Vi là cái “Bổn Lai Vô Nhất Vật” hoàn toàn Rỗng Suốt không có một vật, không có cả cây Bồ Đề, không có đài gương sáng, hoàn toàn là vô hình tướng. Đã không có một vật thì lấy gì để lau bụi?!
“Bồ Để bổn vô thọ (Bồ Đề vốn không cây
Minh kính diệc phi đài Gương sáng cũng không đài
Bổn lai vô nhất vật Xưa nay không một vật
Hà xứ nhạ trần ai?”. Nơi nào bụi bám đây?!).
Sau khi đã ngộ nhập “Vô Vi”, tức là “Mặt Trăng Thứ Hai” nhờ sự khai thị của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn khi giảng Kinh Kim Cang đến câu: “ Ứng vô sở trụ như sanh kỳ Tâm” tức thì từ cửa Vô Vi Ngài nhảy thẳng vào Đất Như Lai: hốt nhiên Đại Ngộ, ngay đó trình kệ cho Ngũ Tổ:
“Không ngờ Tự Tánh vốn tự thanh tịnh
Không ngờ Tự Tánh vốn chẳng sanh diệt
Không ngờ Tự Tánh vốn tự đầy đủ
Không ngờ Tự Tánh vốn chẳng lay động
Không ngờ Tự Tánh hay sanh muôn Pháp”.
Trong khi Ngài Thần Tú còn chấp thân chấp tướng, kẹt nơi Sự, chấp cả cây Bồ Đề và đài Gương, chưa huốt khỏi Sự Vật, và còn ở nơi sự động dụng, không biết đường đi vào cửa Vô Vi để ngộ nhập Mặt Trăng Thứ Hai. Ngài chỉ lo hành trì nơi cái Ngọn mà không biết cái Gốc Đạo là ở đâu, không có Tấm Bản Đồ chỉ đường để vào căn nhà Tánh.
“Thân thị Bồ Đề thọ (Thân là cây Bồ Đề
Tâm như minh cảnh đài Tâm là đài Gương sáng
Thời thời cần phất thức Ngày ngày nên phủi bụi
Vật sử nhạ trần ai”. Nên quét sạch bụi trần).
-“Không trừ vọng tưởng chẳng cầu chân” : Trước khi ngộ cũng như sau khi ngộ nhập Vô Vi không cần bỏ Vọng tìm Chân. Vì Vọng là cái đối đãi của Chân, cả Chân Vọng đều là Vọng cả. Thế mà có người không thấy được điều này, cố hành trì “bỏ Vọng cầu Chân” hơn nửa đời người mà không thấy Đạo mới biết là đã sai lầm; nhưng điều này Ngài Huyền Giác đã có chỉ rõ ràng trong “Chứng Đạo Ca”. Có người lại lúng túng chuyển sang Pháp Môn khác là tìm “Ông Chủ” ở ngay trên cái niệm đầu tiên của “Sáu Căn”, lại đi thêm một bước sai lầm khác, vì không nắm vững Pháp Vô Niệm của Lục Tổ Huệ Năng. Lục Tổ nói: “Chân Như Tự Tánh khởi niệm, chứ không phải Sáu Căn khởi niệm” và “ngay nơi niệm mà lìa niệm”. Do đó đi sai đường của Lục Tổ chấp niệm đầu của “Sáu Căn” mà cho là “Ông Chủ”. Nói theo Khoa Học, cái Ánh Sáng Bát Nhã chiếu vào Thân Tâm qua Sáu Căn, nếu Sáu căn trống rỗng, không khởi niệm, không có vật cản thì Bát Nhã vẫn là Bát Nhã. Nhưng Sáu Căn khởi niệm, tức là có Vật, có sự động dụng của Sáu Căn thì cái Ánh Sáng kia liền bị “Khúc Xạ” theo cái “Thấu Kính Nghiệp” là Sáu căn và cái Ánh Sáng đi ra từ Sáu Căn bị điên đảo theo Vô Minh hay Nghiệp Thức, không phải là Ông Chủ. Còn nói theo Duy Thức Học, Sáu Căn của Thân Tâm khởi niệm thì Bát Thức với Bảy Sóng cuồn cuộn nổi lên tạo thành Gió Nghiệp thổi vào Biển Luân Hồi, không phải là Ông Chủ, Phật Tánh hay Tự Tánh. Thiền Sư Trương Chuyết cũng nói: “Nhất niệm bất sinh toàn thể hiện, Lục Căn tài động bị vân già”. Nghĩa là Lục Căn vừa khởi niệm thì Tự Tánh Chân Như liền bị che mờ.
-“Tánh thực Vô Minh tức Phật Tánh”: Cái Tánh thực của Vô Minh cũng chính là Phật Tánh. Giống như Đất sinh ra cây lành làm thuốc chữa bệnh cứu sống người mà cũng sinh ra cây độc giết chết người. Phật Tánh sinh ra Ông Phật mà cũng sinh ra Vô Minh là chúng sinh. Phật và chúng sinh đều bình đẳng với Phật Tánh. Phật và chúng sinh phải ngộ cái Phật Tánh này mới đạt được Niết Bàn Vô Sanh.
-“Thân không ảo hóa tức Pháp Thân”: Sum la vạn tượng là ảo hóa của Pháp Thân hay Bát Nhã hay là cái Không. Nói ngắn gọn: Sắc là ảo hóa của Không. Nếu thấy được cái “ảo hóa” này “thân không” tức là không có thân, tức là thấy được cái Vô Tướng của nó, tức là thấy Pháp Thân, và nó chính là Pháp Thân: “Sắc tức thị Không”. Có vị Tăng hỏi Thiền Sư Huệ Hải: “Trúc biếc xanh xanh có phải là Pháp Thân hay không? Hoa vàng mịt mịt đó có phải là Bát Nhã không?”. Và Ngài trả lời: “Pháp thân không có Tướng, ứng trúc biếc hiện ra hình, Bát Nhã vô tri đối hoa vàng mà hiện ra Tướng”. Do đó nếu thấy được trúc biếc hoa vàng là cái ảo hóa không có thân thì tức là thấy Pháp Thân Phật. Bởi vì không đâu có Pháp Thân Phật mà đâu đâu cũng là Pháp Thân Phật, không đâu có Bát Nhã cả mà đâu đâu cũng là Bát Nhã tùy theo con mắt Mê hay là Ngộ, đã vào cửa Vô Vi hay là không. Người ngộ đạo thì thấy cái Thân ảo hóa này của mình không có thân và chính là Pháp Thân là cái Thân thật bất sinh bất diệt, bình đẳng với tất cả Pháp giới.
Cái Vô Vi này không có thân, khi ngộ cái Vô Vi thì cũng chính là ngộ cái Pháp thân không thân. Ngài Huyền Giác khai thị tiếp:
“Pháp Thân giác liễu vô nhất vật
Bổn nguyện tự tánh thiên chân Phật
Ngũ ấm phù vân không khứ lai,
Tam độc thủy bào hư xuất một”.
(Pháp Thân giác rồi không một vật,
Vốn nguồn Tự Tánh thiên chân Phật.
Năm ấm: ảo hư mây lại qua,
Ba độc: huyễn hoặc bọt còn mất).
- Pháp Thân giác rồi không một vật : Cái Rõ của bầu trời trong hay Cái Rõ trên Sự Vật thì bình đẳng, vô phân biệt, không phải là Vật Rõ hay là cái thấy trên Tướng của Sự Vật mà là cái Vô Vi, Vô mà vi diệu, không có thân, không có một vật đồng với Pháp Thân là Một. Khi liễu ngộ Pháp Thân hay Vô Vi thì cái thân Tứ Đại này cũng là Vô Vi hay Pháp Thân tức là Thân mà Vô Thân, Tướng mà Vô Tướng, bình đẳng với mọi Pháp Giới và Pháp Giới cũng là Vô Pháp không có Thân, không có một vật, cùng với Pháp Thân Phật là Một.
-“Vốn nguồn Tự Tánh thiên chân Phật” : Từ cái Tuyệt Cùng hay cái Vô Vi là con đường ngắn nhất để vào cửa Phật hay cửa Tánh và chính cái Tánh hay nguồn Tự Tánh này mới là Phật thiệt, Phật Gốc hay là Thiên Chân Phật. Còn Ông Phật với 32 tướng tốt chỉ là Phật Ngọn, Ông Phật ảo hóa tạm sống với chúng sinh để hóa độ.
-“Năm ấm: ảo hư mây lại qua” : Ngũ ấm của chúng sinh: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức như là mây nổi, không đến không đi. Bởi vì cái Bến của Mây không phải là Mặt Đất mà là Hư Không; Mây nổi dù đứng yên hay bay đi nhanh chậm cũng đều không rời cái Bến của nó là Hư Không. Cũng vậy, cái Bến của Bọt Nước không phải Bờ mà là Nước hay Mặt Nước. Bọt Nước trôi nổi theo dòng Nước tưởng rằng có đến có đi, thật ra là không có đến có đi, vì Bọt Nước đứng yên hay đang trôi thì cũng không bao giờ rời cái Bến của nó là Nước. Chúng Sanh trong sáu cõi luân hồi cũng thế, không có đến đi, không có rời xa cái Bến là Hư Không. Quả Địa Cầu hay cái Thế Gian mê này chỉ là hư ảo, không phải là Bến của Chúng Sanh cõi Ta Bà mà Hư Không mới là Bến. Ngay cái Bến của Quả Địa Cầu hay hàng trăm tỷ Thiên Hà trong Vũ Trụ cũng là Hư Không, dù Vũ Trụ có đứng yên hay quay cuồng di chuyển với tốc độ ánh sáng cũng xem như không có đến đi và chưa từng rời cái Bến là Hư Không! Do đó Như Lai không đến không đi, Pháp thân vô khứ vô lai… Và như vậy việc sinh tử như một trò ảo hóa không có thật, không đến không đi. Tùy sức ảo hóa theo Nghiệp Lực hoặc Vô Minh mà hiện tướng trong cái Pháp Giới tương ưng hay cái Không Gian huyễn hóa của các Cõi Nước…Tất cả và tất cả đều cùng chung một Bến Bờ, một Gốc Tánh hay một Căn Nhà Hư Không.
-“Ba độc: huyễn hoặc bọt còn mất” : Ba độc: Tham, Sân, Si đều là cái hư dối không có thật, nhưng mặc dù là hư dối không thật, vì nó huyễn hoặc làm những chuyện kỳ bí nên gây nhiều phiền não và trói buộc chúng sanh vào vòng luân hồi.
Cũng từ cái “Tuyệt Học Vô Vi” này mà Thiền Sư Huyền Giác chứng được cái “Thực Tướng” Vô Sanh. Thế Gian cũng vậy, học cái Vô Vi này sẽ khám phá ra cái logic nguyên thủy của vũ Trụ Vạn Hữu, phá được nước cờ bí với cái Hữu Vi Pháp bị chướng ngại của các nhà Khoa Học. Ngài Huyền Giác khai thị:
“Chứng “Thực Tướng” vô nhân pháp,
Sát na diệt khước A-Tỳ nghiệp
Nhược tương vọng ngữ cuống chúng sanh,
Tự chiêu bạt thiệt trần sa kiếp”.
(Chứng Thực Tướng không nhân pháp,
Sát na rũ sạch A-Tỳ nghiệp.
Bằng đem lời vọng dối chúng sanh
Tội rút lưỡi nguyện mang cùng kiếp).
-“Chứng Thực Tướng không nhân pháp”: Chứng Thực Tướng là chứng cái “Không” không tướng, hay cái “Không” rốt ráo hay cái “Không Tướng”. Cái “Không” có tướng là cái Không với tướng Sắc Không đối đãi, không phải là Thực Tướng, phải vượt luôn cái tướng Sắc Không, vượt luôn 20 cửa không để chứng cái Thực Tướng Vô Tướng. Trên cái Tướng mà thấy cái Vô Tướng, tức là thấy cả hai mặt Thể và Dụng, Chân Không và Diệu Hữu, là cái Đạo của Vũ Trụ Vạn Hữu. Thí dụ như có cái Tướng Cây, Tướng Đất, Tướng Nước trong Vạn Hữu. Cây là Lửa, vì đốt nó cháy sinh ra Lửa. Đất cũng là Lửa, vì nó là vật chất có khối lượng M có thể chuyển thành năng lượng E là một dạng khác của Lửa được nhà Bác Học Einstein chứng minh với công thức (E=MC2). Nước cũng là Lửa, mặc dù có thể dập tắt Lửa, công thức hóa học H2O, dùng dòng điện phân tích thì được hai chất khí là Hydrogen (H) và Oxygen (O), hai chất khí này đốt cháy cho ra Lửa. Vậy là có Lửa, nhưng chỉ thấy cái Tướng Lửa khi nó động hay có sự hoạt dụng của các duyên; còn khi tỉnh hay chưa đủ duyên thì nó ẩn nấp trong Cây trong Đất trong Nước… trong Vạn Hữu hay khắp cả Sơn Hà Đại Địa trong Hư Không. Cái Tướng Lửa tùy cơ lúc ẩn lúc hiện, hiện rồi lại ẩn… mượn Cây, mượn Đất, mượn Nước hay Vạn Hữu làm Thân và như thế xem như nó có Thân hiện đầy trong Hư Không và tùy duyên mà hiện Tướng. Khi trở về Gốc của cái Tướng Lửa này thì đầu nguồn của nó là Dị Điểm Big Bang vô cùng nhỏ. Ngay cái Cửa Vô Vi với cái thông số Vô Vi về thời gian là T=0 thì cái Tướng Lửa không còn Thân Tướng, trở về với cái Thực Tướng Không không tướng là cái Không tột cùng của Vạn Hữu, hoàn toàn Rỗng Thênh không có một vật. Nắm được cái Thực Tướng này là thấu hiểu hết Càn Khôn Vũ Trụ cũng như sáu ngã luân hồi. Tuy nhiên biết được Lý Thuyết suông chưa phải là xong, mà phải “Chứng Ngộ” cái Thực Tướng Vô Tướng này như Ngài Huyền Giác mới là xong việc! Và muốn chứng được nó thì không Nhân không Pháp, tức là không người không ta, không chúng sanh thọ giả, không chấp dính pháp trần. Nói ngắn gọn là Vô Ngã và Vô Pháp là hai cái Bí Quyết mà Ngài Huyền Giác đã khai thị. Vô Ngã là không chấp cái Ta: Ta là Người, là Thần, là Thánh, Pháp Chủ, Giáo Chủ…là Vua, là Quan, Quý Tộc, Tri Thức, hay Cùng Đinh… là Quỷ, là Ma, hay là Vật… Còn cái Ngã này thì không bao giờ vào được Vô Vi. Vô Pháp là không chấp dính với Pháp Trần là danh lợi, địa vị, tiền bạc, vật chất, nhà cửa….tham sân si và ngũ dục thế gian:
“Buông thỏng hai tay lên Phật Tổ
Một lần phủi giũ một lần xong”.
(Tuệ Trung Thượng Sĩ).
-“Sát na rũ sạch A-Tỳ Nghiệp”: Chứng được cái Thực Tướng chỉ trong một sát na thì cả Địa Ngục A-Tỳ đều sụp đổ. Nghĩa là dù tội lỗi sâu dầy với cái Nghiệp nặng như Nghiệp A-Tỳ vô số kiếp nơi Địa Ngục, nhưng khi đốn ngộ thì chỉ trong một sát na bao nhiêu Tội Nghiệp đều tiêu tan!
-“Bằng đem lời vọng dối chúng sanh”: Đây là lời nói thật, Ngài Huyền Giác không nói dối chúng sanh, vì Ngài đã chứng ngộ, thấy sao thì nói như vậy, có nói dối thì cũng chẳng lợi ích gì cho Ngài.
-“Tội rút lưỡi nguyện mang cùng kiếp”: Ngài dùng lời thề để xác tín với cái thấy, cái chứng ngộ của Ngài. Nếu có nói dối thì tội rút lưỡi hay bị cắt lưỡi Ngài sẽ bị mang đời đời kiếp kiếp…Bởi vì với những ai mang tội nghiệp sâu dầy như Nghiệp A-Tỳ mà cũng có thể chứng ngộ được và chỉ trong một sát na thì cái nghiệp vô cùng nặng nề này cũng tiêu tan! Chuyện khó tin và khó hiểu, nhưng Ngài bảo đảm bằng chính lời thề cũng như là sự chứng ngộ của Ngài. Hãy thử trong thế gian có cái pháp nào nhanh và có thể xảy ra như vậy không? – Giấc chiêm bao trả lời được cái Bí Ẩn này! Trong giấc chiêm bao mơ thấy đang thọ Nghiệp A-Tỳ vô số kiếp, không thể nào thoát ra được chịu mọi thứ phiền não cực hình đau đớn hàng giờ, hàng ngày…chết đi sống lại nhiều lần để trả cái nghiệp nặng nề như thế…Nhưng bỗng giựt mình thức dậy chỉ trong một sát na thì quả thật cái Địa Ngục A-Tỳ kia sụp đổ thật sự! Cái giựt mình thức dậy trong một sát na dụ cho cái chứng Thực Tướng của Ngài Huyền Giác. Thật ra có thể so sánh pháp đốn ngộ này giống như pháp thế gian với một anh Cùng Tử” nghèo nàn nợ nần ngập đầu không sao trả nổi, nhưng gặp may trúng số độc đắc thì cuộc đời chuyển biến ngay tức khắc. Chẳng những trả sạch nợ mà còn trở thành “Ông Trưởng Giả”! Hay một căn nhà bỏ hoang hàng trăm năm thậm chí cả ngàn năm, bóng tối dày đặc trải qua như vô tận; bỗng một ngọn đèn thắp sáng lên thì cái Bóng Tối kia liền sụp đổ ngay tức khắc mặc dù nó đã bao phủ căn nhà suốt hàng ngàn năm…Như vậy là có những Pháp thế gian chứng minh được điều này. Bởi có câu: “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật” là như thế! Vua Trần Nhân Tông cũng đã từng chỉ huy tàn sát hàng mấy chục vạn quân Mông Cổ, nhưng Ngài vẫn đắc Đạo và là Tổ Sư Thiền Trúc Lâm của Việt Nam. Do đó, bất cứ chúng sanh nào dù trong quá khứ có làm nhiều điều tội lỗi nặng nề cũng nên sám hối, quay đầu là Bến và tin vào lời nói của Thiền Sư Huyền Giác, với cái cửa Vô Vi chứng được cái Thực Tướng Vô Tướng, rũ sạch hết Tội Nghiệp!
Tóm lại, nhiều bậc tiền nhân trong khi tìm Đạo giải thoát lúc đầu học nơi cái Ngọn uổng công phí sức mà không tìm ra Đạo. Sau khi tìm về Gốc chỉ học cái Tuyệt Cùng là cái Vô Vi mà chứng Đạo và trở thành Đạo Nhân nhàn điển hình như Thiền Sư Huyền Giác. Còn Lục Tổ Huệ Năng, mặc dù học ít, nhưng học ngay cái Gốc và học đúng chỗ là cái Tuyệt Học Vô Vi. Chỉ học cái Vô Vi mà thông minh xuất chúng, giải quyết hết mọi chuyện đời chuyện Đạo, đi đến bờ giải thoát! Cũng như việc khám phá Chân Lý Vũ Trụ, đi ngược về Gốc là cái “Dị Điểm” Big Bang .Các nhà Bác Học tuy là nghiên cứu gần tới cái Gốc, nhưng còn kẹt nơi Sự nơi Tướng của cái Dị Điểm này, chưa huốt khỏi Sự Vật về hình tướng, thể chất cũng như sự động dụng…tức là chưa phải là cái Tuyệt Cùng, cái Vô Vi bất động nên chưa tìm ra được Chân Lý rốt ráo. Phải tới cái Tuyệt Cùng là cái Vô Vi, huốt khỏi cái Hình Tướng, Thân Tướng, cái Năng Lực máy động của cái Dị Điểm này, huốt khỏi những hằng số Planck của Hữu Vi đạt tới những thông số Vô Vi như thời gian T=0, thể tích V=0, đường kính D=0… của Dị Điểm , thì gặp ngay cái cửa Vô Vi và Vô Vi ở đây chính là cái Không Rỗng Suốt mà vi diệu sinh ra Sắc: “Không tức thị Sắc” như Đức Phật đã khai thị trong Bát Nhã Tâm Kinh! Vật Chất cũng vậy, tận đầu nguồn tận Gốc của Vật Chất là “Sóng vi tế gamma photon”. Vượt qua hay huốt khỏi cái Tướng Sóng, cái năng lực máy động của Sóng trở về cái tỉnh thì cả năng lượng và khối lượng đều là không (E=M=0) là cái Vô Vi và cái Vô Vi ngay tại đây chính là cái Không là chân lý tuyệt đối: “Sắc tức thị Không”. Do đó con đường “Tuyệt Học Vô Vi” của Thiền Sư Huyền Giác là con đường ngắn nhất, cốt lõi và ngay tận Gốc để tìm Chân Lý Giải Thoát cũng như Chân Lý tuyệt đối của Vũ Trụ Vạn Hữu .
Vô Vi ở đây là Vô Vi của Phật pháp , khác với Vô Vi của Ngoại đạo, cũng khác với Vô Vi của Lão Tử.
* Đối với Lão Tử hành động của Đạo được diễn tả bằng “Vô Vi” là không làm nhưng vì thế không có một việc gì phải bỏ qua: “Bất hành nhi hành”.
Tự nhiên Vô Vi, tự nhiên không làm gì cả làm tôn chỉ của Đạo .Còn cái Tâm của Lão Tử không phải là Tâm nhân nghĩa của Nho giáo ,không phải là cái Tâm trục lợi của Pháp gia cũng không phải là Chân Tâm hay Tâm Tánh của nhà Phật ,mà là “Hư Tâm” .Cái gọi là “Hư Kỳ Tâm” là khử tri, khử dục. Vô tri thì không sanh ra lừa dối khéo léo .Vô dục thì không sinh ra tranh giành dục vọng cầu lợi .Đó là phương pháp làm cho Tâm bất loạn.
Như vậy, “Hư Tâm” của Lão Tử không phải là con đường rốt ráo đi đến cửa “Vô Vi” theo ý nghĩa nhà Phật là giải thoát sanh tử mà chỉ là an dân, ổn định xã hội dành cho quốc gia nhỏ bé ít dân.
Còn “Vô Vi” của Lão Tử trên phương diện nhập thế chỉ áp dụng cho những quốc gia nhỏ, dân chúng sống đơn giản về vật chất giống như những bộ lạc ít dân như trước đời nhà Chu,Trung Quốc có hàng vạn chư hầu gọi là Hậu. Ngay thời Lão Tử, từ nhà Chu thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, các Hậu cũng đã thống nhất dần thành quốc gia lớn hơn có vài trăm nước ,đến đời Tần chỉ còn 7 nước và nhà Hán thống nhất thiên hạ còn lại duy nhất một Đại Quốc. Sách lược trị quốc bằng “Vô Vi”của Lão Tử chủ trương thành lập những quốc gia nhỏ bé ít dân, không trọng dụng nhân tài ,không chuộng món hàng quý để “Hư cái Tâm” ấy, khiến cho người dân không còn lòng tham để dễ trị nước. Điều nầy rất khó áp dụng vì Trung Quốc đã trở thành quốc gia lớn đông dân, không thực tế bằng Nho giáo.
Kể từ đời hậu Hán (năm 147-167) Trương Đạo Lăng lấy Đạo Đức Kinh của Lão Tử pha trộn với thuyết thần quái của các phương sĩ thời Lưỡng Hán cùng với Hư Vô chủ nghĩa và Phá Hoại chủ nghĩa của Lão Tử lên núi Hộc Minh Sơn làm ra Bộ Đạo Thư 24 thiên lập ra Đạo giáo tôn Lão Tử lên làm Tổ với cái tên Thái Thượng Lão Quân. Con cháu là Trương Hoành, Trương Lỗ, Trương Thịnh tiếp tục phát triển Đạo giáo cho đến ngày nay.
* Thật ra người sau không hiểu triết lý về “Đạo” của Lão Tử lại thêm nhiều tư tưởng khác lạ, làm cho triết lý “Đạo” của Lão Tử bị lu mờ và lạc lỏng.
Trong tam giáo đồng nguyên Phật Khổng Lão ,phạm trù “Đạo” của Lão Tử đã hòa quyện cộng sinh trong Phật giáo và Nho giáo .
Chính Phật giáo cũng mượn phạm trù “Đạo” của Lão Tử xem như đồng nghĩa với Phật pháp , khi giác ngộ giải thoát người ta cũng nói là thấy Đạo, đạt Đạo ,chứng Đạo .
Phạm trù “Đạo” của Lão giáo có thể so sánh với phạm trù Bát Nhã, Chân Như hay Như Lai Tạng của Phật giáo.
Lão Tử bác bỏ Thượng Đế , ông cho Đạo là trên hết ,là sự thật duy nhất, là nơi phát xuất của thế giới vạn hữu . “Sự thật cuối cùng nầy” được Lão Tử - vì không tìm được danh từ tương ưng - tạm gọi là “Đạo”:
“Đạo khả Đạo - phi thường Đạo ,
Danh khả Danh - phi thường Danh”.
(Đạo mà ta có thể gọi được, không phải là Đạo thường còn,
Danh mà ta có thể gọi được, không phải là Danh thường còn).
Lão Tử chỉ để lại một quyển “Đạo Đức Kinh” với 5000 chữ ,quá ít so với Kinh Tạng đồ sộ của Đức Phật .Tuy nhiên phạm trù “ĐẠO” của Lão Tử có ý nghĩa sâu sắc ,Phật giáo cũng mượn từ nầy để diễn đạt Phật pháp .
Có một vị quan hỏi Thiền Sư Bổn Tịnh :
-Phật và Đạo nghĩa ấy thế nào ?
Sư bảo :
-Nếu muốn cầu Phật: tức Tâm là PHẬT .Nếu muốn hội Đạo: không Tâm là ĐẠO.
Một vị tăng khác hỏi Thiền Sư Bổn Tịnh về “ĐẠO” :
-Phật với ĐẠO đều là giả danh ,12 phần giáo cũng chẳng phải thật vì sao các hàng Tôn Túc từ xưa đều nói có tu ,có ĐẠO?
Sư đáp :
-Đại Đức lầm hội ý Kinh; Đạo vốn không tu Đại Đức cưỡng tu, Đạo vốn không tác Đại Đức cưỡng tác, Đạo vốn không sự Đại Đức cưỡng sanh đa sự, Đạo vốn không biết ở trong ấy cưỡng biết, thấy hiểu như thế cùng Đạo trái nhau. Tôn Túc từ xưa không như thế, tự Đại Đức không hội, xin suy gẫm lại.
Như vậy phạm trù “ĐẠO” của Lão Tử có ý nghĩa tương đương phạm trù “Bát Nhã” trong Phật pháp. Và từ “Đạo” đã thấm sâu vào trong máu của Phật pháp hòa làm một ,và Phật pháp cũng soi sáng triết lý “ĐẠO” của Lão Tử thêm phần phong phú.
Lão Tử cho Đạo là “Mẹ nhiệm mầu” là huyền tẩn của vạn vật ,là nguồn gốc của tất cả hiện hữu và “Đạo” cũng là nơi vạn vật quy tụ .
“ĐẠO” không thể nhìn bằng mắt ,nghe bằng tai, nó là cái hình trạng của cái không hình trạng . Xem mà không thấy nên gọi là DI ,lắng mà không nghe nên gọi là HI ,bắt mà không nắm được nên gọi là VI .Ba cái DI, HI, VI không thể tách rời vì nó hỗn hợp làm một.
Trong quá trình tạo hóa muôn loài LÃO TỬ nói : ĐẠO sanh nhất , nhất sanh nhị , nhị sanh tam ,tam sinh ra vạn vật . “ĐẠO” tương đương với BÁT NHÃ hay còn gọi là TÁNH, nhất nhị tam có thể xem tương đương với TÂM của Phật pháp.
Cái gọi là “Nhất” là trạng thái hỗn mang chưa phân ra ranh giới trước khi vật chất hình thành ,từ “Nhất” sinh ra “Nhị” tức là sanh ra Trời Đất âm dương ,Trời Đất âm dương giao hòa sanh ra “Tam” ,tức xung khí .Sau đó mới sinh ra vạn vật ,Đạo trở thành bản nguyên của vạn vật .
ĐẠO tuy không thấy ,không nắm bắt được nhưng sự tồn tại của nó là xác thực. Để mô tả tính thực tồn của “ĐẠO”, Lão Tử viết :
Đạo chi vi vật ,duy hoảng duy hốt ,hốt hề hoảng hề ,kì trung hữu tượng. Hoảng hề hốt hề , kì trung hữu vật ,yểu hề minh hề, kì trung hữu tinh, kì tinh thậm chân , kì trung hữu tín , tự cổ cập kim, kì danh bất khứ, dĩ duyệt chúng phủ. Ngô hà dĩ tri chúng phủ ,chi trang tai. Dĩ thử.”
(Đạo là cái gì mờ ảo ,chợt bừng tỉnh mường tượng ra thì nó hiện ra hình bóng, chợt suy nghĩ ra thì nó giống như một vật .Nó e ấp kín đáo bên trong chứa đựng cái tinh hoa hoàn mỹ .Cái tinh hoa kỳ diệu của nó rất chân thật .Trong đó chứa đựng niềm tin cho đến bây giờ .Tên của nó còn nguyên vẹn như xưa .Có trải qua nhiều thì mới biết được ,ta không làm sao lấy sự hiểu biết để diễn tả được ,đành phải vậy thôi).
Để mô tả ĐẠO và khái niệm Hữu Vô, Lão Tử viết :
Vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu ,cố “Thường Vô” dục dĩ quan kỳ diệu . “Thường Hữu” dục dĩ quan kỳ kiếu , thử lưỡng giả đồng xuất nhị dị danh, đồng vị chi huyền ,huyền chi hựu huyền ,chúng diệu chi môn”. (Cái gọi là “” là khởi thủy của Trời Đất ,cái gọi là “Hữu” là mẹ của vạn vật ,vì cái “Thường Vô” là muốn thấy cái kỳ diệu của nó, cái “Thường Hữu” là muốn thấy cái phạm vi của nó .Hai cái nầy cùng xuất hiện, nhưng lại khác tên gọi .Hai cái đồng là huyền hoặc cả . Hai cái đã huyền hoặc lại thêm huyền hoặc ,nhưng lại là nơi xuất phát của những điều kỳ diệu).
Quan niệm HỮU VÔ của Lão Tử cũng đi gần với Phật giáo . Hữu cũng đều cùng xuất hiện nhưng lại khác tên gọi , cái “Vô” là để chỉ cái khởi thủy của Trời Đất : “thiên địa chi thủy”.Cái “Hữu” là chỉ mẹ của vạn vật: “vạn vật chi mẫu” .Đạo là sự thống nhất của HỮU và VÔ .Nó tồn tại u ẩn vô hình là cái trạng thái không có trạng thái: “vô trạng chi trạng” . Đã huyền hoặc lại thêm huyền hoặc : “huyền chi hựu huyền”. Là cái bí hiểm không thể nhận ra bằng giác quan của con người cho nên có thể giọi là “VÔ”. Đạo tuy huyền bí nhưng bên trong lại có hình ảnh: “kì trung hữu tượng”, cũng có vật chất :“kì trung hữu vật” ,có chứa đựng cái tinh hoa hoàn mỹ: “kì trung hữu tinh” và cái tinh hoa kỳ diệu của nó rất chân thực : “kì tinh thậm chân” cho nên cũng có thể gọi là “HỮU”. Hữu và Vô là hai mặt đối lập trong “ĐẠO” về mặt hình tướng ,tuy nhiên cùng thống nhất trong ĐẠO và không thể tách rời như hình với bóng .(Phỏng theo Triết Học Phương Đông của Trương Lập Văn).
Hữu và Vô của Lão Tử gần giống như SẮC và KHÔNG hay TÂM và TÁNH của hệ thống BÁT NHÃ trong Phật Pháp. Tuy nhiên Hữu và Vô nầy còn phân biệt trên Tướng đối đãi nên vẫn là vọng pháp. Do đó chữ “Vô” trong “Hữu Vô” của Lão Tử không phải là Tánh Như Lai hay cái Không Rốt Ráo vượt cả 20 Cửa Không của Phật Pháp:
“Chân bất lập, vọng bổn không,
Hữu Vô câu khiển bất không không.
Nhị thập không môn nguyên bất trước,
Nhất Tánh Như Lai thể tự đồng”.(Th.S Huyền Giác).
(Chân chẳng lập vọng vốn không,
Hữu Vô dứt trọn chẳng không không,
Hai chục cửa không nguyên chẳng chấp
Một Tánh Như Lai vốn thể đồng).
Còn phạm trù “Đạo” của Lão Tử đi gần sát với “BÁT NHÔ trong Phật pháp, tuy nhiên chưa đi đến rốt ráo như BÁT NHà vì bên trong “ĐẠO” của Lão Tử còn có hình bóng:“kì trung hữu tượng”,còn có vật: “kì trung hữu vật”.Trong khi Bát Nhã hay Tự Tánh hay Tánh trong Phật pháp thì “Bổn lai vô nhất vật”: không có một vật.
“Phi Sắc, phi Tâm, phi Hạnh Nghiệp
Đàn chỉ viên thành bát vạn môn”.
Bát Nhã hay Tự Tánh hay Chân Như hay Niết Bàn hoàn toàn “Rỗng Thênh Không Thánh” và chỉ một cái búng tay, một sát na hay một tia điện chớp là các Chư Tổ hay các Thiền Sư chứng “ĐẠO” từ cái cửa Không của Thiền Sư Huệ Khai hay cái cửa “Vô Vi” của Thiền Sư Huyền Giác để vào căn nhà BÁT NHÃ .
Cái Đạo “Vô Vi” -“bất hành nhi hành”- không làm nhưng không gì mà chẳng làm của Lão Tử còn có vật ,còn chướng ngại cho nên chưa rốt ráo để đạt đến Chân Lý Giải Thoát. Hậu thế biến cái “ĐẠO” của Ông sau nầy thành tu Tiên hay Thiên Đạo ,hoặc tu để được trường sanh bất lão , hoán vũ đăng Tiên, cầu cơ xuất hồn với nhiều pháp thuật lạ kỳ.
Tóm lại Lão Tử, Trang Tử đắm đuối vào lẽ “Không” tức “Vô Vi”; và cái lẽ “Không” này là “thuận theo tự nhiên không làm gì cả” khác với cái Không của Phật Giáo. Còn Khổng Tử , Mặc Tử lại câu chấp vào lẽ “Có” tức “Hữu Vi” là hành động nhập thế theo luật vua phép nước để ổn định xã hội. Trong khi đó Phật Pháp lại chẳng kể “Có” hay “Không”, Sắc hay là Không,“Vô Vi” hay là “Hữu Vi”:
“Sắc thị Không, Không tức Sắc
Không thị Sắc ,Sắc tức Không
Sắc Không câu bất quản
Phương khế đắc Chân Tông”. ( Ỷ Lan ).
Ở đây nên phân biệt ba Cái Thấy Sắc Không: Cái Thấy chấp Sắc là Sắc, Không là Không của thế gian Mê. Cái Thấy “Sắc tức thị Không” của người đạt Lý nhưng còn kẹt nơi Sự nơi Tướng, còn có cái thấy biết Sắc Không. Và cuối cùng là Cái Thấy trực chỉ “Sắc tức thị Không” ngay đó: Sắc chẳng Sắc, Không chẳng Không, 20 Cửa Không cũng chẳng chấp, quên luôn cái tướng Sắc tướng Không, là cái thấy Vô Tướng: Rỗng Không tuyệt đối, Cái Không Rốt Ráo của Chư Phật và Thiền Sư.
Bồ Tát Long Thọ,Tổ Thiền Tông thứ 14 cũng bác bỏ luôn cả “Hữu Vi” và “Vô Vi”. Ngài luận giải: Không có tướng sanh trụ diệt ,do đó không có pháp Hữu Vi.Pháp Hữu Vi đã không có làm sao có pháp Vô Vi để đối đãi với Hữu Vi?
Tổ Long Thọ nói : không có tướng sinh hay pháp sinh.
“Sinh phi sinh dĩ sinh
Diệc phi dị sinh sinh
Sinh thời diệc bất sinh”.
Nghĩa là : Tướng sinh chẳng phải sinh rồi mà sinh,cũng không phải chưa sinh mà sinh , khi đang sinh cũng không sinh.
Ngài nói tiếp :
“Nhược pháp chúng duyên sinh
Tức thị tịch diệt tướng
Thị cố sinh sinh thời
Thị nhị câu tịch diệt”.
Nghĩa là :Mọi pháp duyên sinh đều tịch diệt, tức không có tự tính, tức Tánh Không . Vì thế sinh khởi và đang sinh khởi, cả hai đều tịch diệt, cho nên không thể nói đang sinh là có sinh . Cũng không có tướng trụ hay pháp trụ.
Ngài nói:
“Bất trụ pháp bất trụ
Trụ pháp diệc bất trụ
Trụ thời diệc bất trụ
Vô sinh khứ hà trụ”.
Nghĩa là : (Pháp không trụ thời không trụ
Pháp trụ cũng không trụ
Pháp đang trụ cũng không trụ
Vì không sinh làm sao có trụ).
Cuối cùng cũng không có tướng diệt hay pháp diệt.
Ngài nói : “Pháp bất tự tướng diệt
Tha tướng diệc bất diệt
Như tự tướng bất sinh
Tha tướng diệc bất sinh”.
Nghĩa là : (Pháp không tự tướng diệt
Cũng không do tướng khác diệt
Giống như tự tướng không tự sinh
Tha tướng cũng không sinh).
Và Tổ kết luận: “Sinh trụ diệt bất thành
Cố vô hữu Hữu Vi
Hữu Vi bất vô cố
Hà đắc hữu Vô Vi”?
Nghĩa là : (Tướng sinh ,trụ, diệt không có
Nên không có pháp Hữu Vi
Pháp Hữu Vi không có
Sao có pháp Vô Vi)?
Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật có nói đến pháp Hữu Vi và Vô Vi như sau:
“Nơi Chân Tánh, Hữu Vi là không
Vì duyên sinh nên giống như huyễn
Vô Vi thời không sanh không diệt
Chẳng thật như hoa đốm giữa Hư Không
Nói cái Vọng để tỏ cái Chân
Vọng Chân ấy cả hai đều Vọng”.
Theo chân đế ,vì duyên sinh nên các pháp Hữu Vi không có thật, như các trò huyễn thuật “Vô Vi” chỉ đối với Hữu Vi mà thành lập .Hữu Vi đã không có thì Vô Vi cũng không có .Khi nói Hữu Vi là Vọng là để chứng tỏ Vô Vi là Chân. Vọng và Chân ấy cả hai đều là Vọng .Vì Vọng Chân ấy vẫn nằm trong Nhị Nguyên đối đãi.
Trong khi đó chữ “VÔ” trong Phật giáo vượt trên Nhất Nguyên ,là cái “MỘT” cùng tột ,cũng là cái “Không” cùng tột .Chữ “Vô” của Phật giáo vượt lên khỏi cái “Vô Vi” của Lão Trang và cái “Hữu Vi” của Khổng Mạnh. Trong Chứng Đạo Ca, Thiền Sư Huyền Giác đã học cái tột cùng là cái Cửa “Vô Vi ” để đạt đến “Vô Vi” mà chứng “Đạo”: “Tuyệt học Vô Vi nhàn đạo nhân” . “Vô Vi” của Thiền Sư Huyền Giác là “Vô” mà vi diệu, là cái Không rốt ráo: Rỗng mà linh ,Không mà diệu, phi nhân ,phi Phật ,phi vật,phi phàm:
“Liễu liễu kiến vô nhất vật
Diệc vô nhân diệc vô Phật
Đại thiên sa giới hải trung âu
Nhất thiết thánh hiền như điện phất”.
(Ngộ rồi thấy không có một vật,
Cũng không người cũng không Phật,
Đại thiên thế giới như bọt nước lao xao bể tan nát
trở về Hư Không. Tất cả thánh hiền như làn điện chớp
xảy ra trong một sát na rồi cũng mất về Không).
Cái cửa “VÔ VI” của Thiền Sư Huyền Giác cũng giống như cái cửa “VÔ” của Thiền Sư Triệu Châu hay cái “Cửa không Cửa” Vô Môn Quan của Thiền Sư Huệ Khai. Tham cứu cái cửa “VÔ VI” là để ngộ nhập “VÔ VI” cũng là đi mút đầu nguồn Tâm nhảy qua đầu sào trăm trượng của Thiền Sư Cảnh Sầm ngộ nhập căn nhà Bát Nhã. Cái cửa “VÔ” vi diệu đó là cánh cửa Thiền để nhảy vào cái “Rỗng Thênh Không Thánh” mà Tổ Sư Đạt Ma đã khai thị cho Lương Võ Đế, hay cái “Bổn lai vô nhất vật” của Lục Tổ Huệ Năng ,cũng là cái cửa Ca Diếp: “Niêm hoa vi tiếu” mà Đức Phật khai thị cho Tổ Ca Diếp ở Pháp hội Linh Sơn.
Có thể phân tích cái cửa “VÔ VI” của Thiền Sư Huyền Giác thành hai phần: phần 1 là “Cửa”, phần 2 là “VÔ VI”.
1-Cửa: là chỗ tiếp nối giữa ngoài và trong, giữa Mê và Ngộ, giữa Sắc và Không, giữa Vật và Phi Vật, giữa Tâm và Tánh, Dụng và Thể hay Thế Gian Mê và Bát Nhã Chân Như…Người Thế Gian chỉ tiếp xúc được với thế giới chung quanh mình qua “Sáu Căn” bị nhiều giới hạn và ngăn ngại: biết được Ngọn Tâm mà không thể nhận ra Chân Tâm hay vượt khỏi Chân Tâm để nhận ra Tánh, biết được Dụng mà không thể nhận ra Thể, biết được cái Hữu Hình mà không nhận ra được cái Vô Hình, biết được Tướng mà không nhận ra được cái Vô Tướng…Cho nên phải dựa vào “Sáu Căn” và Sự Vật là chỗ có thể nhận biết của phàm phu, nhưng phải ở tận đầu nguồn, cái “Tuyệt Cùng” của Sáu Căn và Sự Vật, là cái “Cửa” Vô Vi. Tổ Bồ Đề Đạt Ma khai thị: “Trực chỉ nhân Tâm kiến Tánh thành Phật” là phải đi huốt con đường Tâm đến đầu nguồn Tâm, huốt khỏi cái hình tướng, cái máy động của Tâm, chỗ đó thì Tĩnh (Bất Động) và vô hình tướng, chính là cái “Cửa” Vô Vi, ngay đó thấy Tánh thành Phật. Thiền Sư Huyền Giác cũng khai thị: “Thẳng tận đầu nguồn phăng dấu Phật”, cái đầu nguồn ở đây cũng là cái “Cửa” Vô Vi, huốt mọi hình tướng Sự Vật, huốt cả Sáu Căn (thấy nghe hiểu biết, xúc chạm…) huốt tất cả cái “máy động”. Cái Tuyệt Học, tức học cái Tuyệt Cùng, cái đầu nguồn của Sự Vật, đó chính là cái Rõ, là Gốc Tâm, Chân Tâm, Đầu Nguồn Tâm hay cái Ánh Sáng Bát Nhã. Cái Rõ hay cái Ánh Sáng Bát Nhã này ẩn nơi cái Thấy mà không phải là cái Thấy (như Tổ Ca Diếp nhìn cành hoa sen mà ngay đó ngộ nhập Bát Nhã), ẩn nơi cái Nghe mà không phải là cái Nghe (như Thiền Sư Huệ Khai nghe tiếng trống ở trai đường mà Chứng Ngộ), ẩn nơi cái Xúc Chạm mà không phải là cái Xúc Chạm (như Thiền Sư Vân Môn bị cánh cửa dập nát bàn chân liền ngay đó Đại Ngộ), ẩn nơi cái Ý Căn mà không phải là Ý Căn (như Tổ Huệ Năng nghe Kinh Kim Cang tới câu: “Ứng vô sở trụ như sanh kỳ Tâm” liền ngay đó Đại Ngộ)…Cái Cửa Rõ hay cái Cửa Vô Vi này có thể “tập trung Sáu Căn” và tất cả căn tương thông tập trung vào Ý Căn như Tổ Huệ Năng nghe Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn giảng Kinh Kim Cang. Hoặc tất cả Sáu Căn tương thông mà không khởi niệm nhưng tập trung vào Nhãn Căn như Tổ Ca Diếp nhìn cánh hoa sen ở pháp hội Linh Sơn. Hoặc “thả lỏng Sáu Căn” đồng loạt nghỉ ngơi nhìn thoáng nhẹ vào một vật, một tàng cây, một ngọn núi, một đám mây hay nhìn vào Hư Không trong tĩnh lặng; một khi Tâm hoàn toàn an định thì cánh Cửa Rõ có thể từ từ hay bất chợt hiện ra như lời khuyên của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Cũng có thể ngay khi Sáu Căn thả lỏng và Tâm an định như mặt nước lặng yên, một tiếng động hay bất cứ một biến cố xảy ra đột xuất có thể ngay lúc đó cánh Cửa Rõ Vô Vi mở ra và ngay đó ngộ nhập Vô Vi như trường hợp của Triệu Biện…
Học Đạo cần phải có cái “Kiến Văn Giác Tri” thông qua Sáu Căn mới hiểu được Đạo Lý. Tuy nhiên nếu chấp vào Kiến Văn Giác Tri lại là cái “Sở Tri Chướng” làm cho con mắt Đạo bị mù. Vì vậy khi đã hiểu Đạo thì phải biết buông cái Kiến Văn Giác Tri, đi huốt cái máy động của Sáu Căn, huốt khỏi cái Kiến Văn Giác Tri, là cái Cửa Vô Vi và đạt tới cái “Vô Tâm” của Thiền Sư Hoàng Bá là xem như đã đạt Đạo:
“Bờ bên kia có Hoàng Bá hóa độ
Kiến Giác Tri, Vô Tâm, Niết Bàn lộ
Vô trụ , vô chấp, tự tại Đạo Tràng
Bồ Đề vô sở đắc liễu liễu quang”.
Còn “Sở Tri Chướng” là chưa đi huốt đường Tâm, tức là chưa tới cái Tuyệt Cùng của Sáu Căn hay cái Tuyệt Cùng của Kiến Văn Giác Tri, tức chưa tới Cửa Vô Vi, nên chưa thấy Đạo, mà chỉ thấy Văn Tự Chữ Nghĩa suông! Ngày xưa Tổ A-Nan cũng có gặp cái chướng ngại này, Thiền Sư Hương Nghiêm Trí Nhàn cũng vậy. Có câu chuyện Thiền về Sở Tri Chướng giữa Sư Trí Nhàn và Qui Sơn:
Sư Trí Nhàn bản chất thông minh, hiểu biết rộng rãi, khi Tổ Bá Trượng tịch, Sư theo Sư huynh Qui Sơn Linh Hựu để tham học. Một hôm Qui Sơn hỏi: “Ta nghe ngươi ở chỗ Tiên Sư Bá Trượng hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm, đó là người thông minh lanh lợi, ý hiểu thức tưởng là cội gốc sinh tử. Giờ đây thử nói một câu khi cha mẹ chưa sinh xem?”. Sư mờ mịt không đáp được, soạn hết sách vở đã học qua, tìm một câu đáp không thể có. Sư than: “Bánh vẽ, chẳng no bụng đói”, liền cầu xin Qui Sơn hỏi pháp. Qui Sơn bảo: “Nếu ta nói cho ngươi về sau ngươi sẽ mắng ta; ta nói là việc của ta đâu can hệ gì đến ngươi?”. Sư đem đốt hết sách vở, tự nhủ thầm: “Đời này chẳng học Phật Pháp nữa, chỉ làm Tăng thường, làm việc cơm cháo, khỏi nhọc tâm thần”. Sư khóc lóc từ giã Qui Sơn ra đi, đến Nam Dương. Một hôm cuốc cỏ trên núi, lượm hòn gạch ném trúng cây tre vang tiếng, tức thì Đại Ngộ. Sư làm bài kệ:
“Nhất kích vong sở tri
Cánh bất giả tu trì
Động dung đương cổ lộ
Bất đọa thiểu nhiên cơ
Xứ xứ vô tung tích
Thinh sắc ngoại uy nghi
Chư nhân đạt Đạo giả
Hàm ngôn thượng thượng cơ”.
(Một tiếng quên sở tri
Chẳng cần phải tu trì
Đổi sắc bày đường xưa
Chẳng rời cơ lặng yên
Nơi nơi không dấu vết
Oai nghi ngoài sắc thinh
Những người bậc đạt Đạo
Đều gọi thượng thượng cơ).
Cái Rõ hay cái Cửa Vô Vi trong trường hợp này ẩn nơi cái Nghe mà không phải là cái Nghe vì nó huốt cả Sáu Căn, cũng như Triệu Biện nghe tiếng sấm mà chợt Ngộ. Tuy nhiên trường hợp của Triệu Biện là đang thả lỏng Sáu Căn, còn đối với Sư Trí Nhàn là đang có “nghi tình” lẩn lộn với cái “Sở Tri Chướng”, nhưng cái tiếng dội của viên gạch vào cây tre vào đúng lúc cái “nghi tình” đang chín muồi, đã làm ngưng bặt cái “Sở Tri Chướng”, ngay cái sát na đó, huốt khỏi Sáu Căn và cái “nghi tình” bật dậy mở toang cánh Cửa Vô Vi, tức thời Ngộ nhập Vô Vi. Còn Thiền Sư Huệ Khai đang hành trì cái công án “Vô” của Triệu Châu, được xem như qua cái Cửa Vô Vi, ẩn nơi cái Nghe: khi nghe tiếng trống trai đường mà Đại Ngộ. Hay Thiền Sư Liễu Quán, “nghi tình” suốt 9 năm, khi đọc Bích Nham Lục tới câu: “Vạn Pháp qui Nhất, Nhân qui hà xứ?” tức thì liễu Ngộ, được xem như Cái Cửa Rõ hay cái Cửa Vô Vi ẩn nơi Ý Căn mà không phải Ý Căn, rồi huốt khỏi Sáu Căn mà nhập thẳng vào Vô Vi…
2-“VÔ VI.
Từ kinh nghiệm Chứng Ngộ của Thiền Sư Huyền Giác, nhờ học cái Tuyệt Cùng (Tuyệt Học) tức là cái Cửa Rõ hay cái Cửa Vô Vi mà được VÔ VI và trở thành một Đạo Nhân nhàn (tức là người đã Chứng Đạo vô sanh): “Tuyệt học VÔ VI nhàn Đạo Nhân”. Cái VÔ VI này khác với cái Vô Vi của ngoại đạo và cũng khác với Vô Vi của Lão Tử như đã phân tích ở phần trên. Trong Kinh Kim Cang Đức Phật có nói đến VÔ VI và Thiền Sư Nguyên Thiều (1648-1728 triều Chúa Nguyễn - Việt Nam) đã Chứng Ngộ VÔ VI và Ngài thu gọn trong bốn câu kệ:
“Tịch tịch Kính vô ảnh
Minh minh Châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không bất không”.
(Lặng lặng Gương không ảnh
Sáng sáng Ngọc không hình
Rõ ràng vật không vật
Rỗng rang không chẳng không).
- ‘‘Lặng lặng Gương không ảnh’: là cái Thật Tánh Bát Nhã hay Viên Ngọc Ma Ni dụ cho TÁNH, là Bản Thể hay Thực Tướng Chân Như hay Niết Bàn, hoàn toàn thanh tịnh, bất sanh bất diệt, không bị ngăn ngại bởi không gian và thời gian, không có năng sở, không có ngã chủ và tuyệt đối bình đẳng thể nhập trong Tánh của mọi Chúng Sanh và Pháp Giới là cái mà Tổ Đạt Ma khai thị cho Vua Lương Võ Đế: “Rỗng Thênh Không Thánh” hay cái mà Lục Tổ Huệ Năng đã Chứng Ngộ : “Bổn Lai Vô Nhất Vật”.
- “Sáng sáng Ngọc không hình”: là cái Ánh Sáng Bát Nhã, hay cái Ánh Sáng của Viên Ngọc Ma Ni. Viên Ngọc thì rất khó thấy (Ngọc không hình) chỉ thấy cái Ánh Sáng của Viên Ngọc loé ra ngoài. Đây chính là Cái Rõ hay cái Cửa Vô Vi của Thiền Sư Huyền Giác, là Chân Tâm, Gốc Tâm. Chính cái Ánh Sáng Bát Nhã hay Ánh Sáng của Viên Ngọc Ma Ni chiếu ra cái Bóng của nó tạo ra muôn vật, muôn loài và vũ trụ bao la: “Nhất thiết duy Tâm tạo”. Tổ Đạt Ma cũng như Thiền Sư Huyền Giác chỉ cái đầu nguồn Tâm hay huốt tất cả Sự Vật, huốt cả Sáu Căn, huốt tất cả cái máy động, chính là cái Cửa Vô Vi để thấy Tánh, nhập VÔ VI, hay nhảy thẳng vào Đất Như Lai.
-Rõ ràng vật không vật”: Ngay trên Vật mà nhận ra cái Rõ, cái Cửa Vô Vi, tức là cái Ánh Sáng Bát Nhã ẩn núp nơi Vật để nhập vào VÔ VI. Ngay trên Sự Vật vừa huốt khỏi cái hình tướng của Sự Vật là cái Phi Vật. Đây là con mắt Bát Nhã: thấy “Sắc tức thị Không”; nhờ từ cái Cửa Rõ hay Cửa VÔ VI để nhập vào Không, vào VÔ VI hay Bát Nhã và thấy: “Đương thể tức không”. Nghĩa là ngay nơi Sắc mà “Phi” Sắc, ngay nơi Không mà “Phi” Không; ngay nơi Sắc mà “Thị” Không, ngay nơi Không mà “Thị” Sắc; là cái biến chiếu siêu việt mà Đức Phật dùng Phi hay là Thị để diễn tả cái thực tướng “Như”, là Như Lai, Bát Nhã hay Chơn Nhất. Con mắt của người Mê thì thấy Vật là Vật, còn con mắt Bát Nhã khi Chứng Ngộ thì Vật là Phi Vật là Không, là Pháp Thân, Bát Nhã, hay Chơn Nhất bình đẳng trùm khắp Hoa Tạng Pháp Giới.
-“Rỗng rang không chẳng không”: Khi đã nhập vào Tánh, Tự Tánh, VÔ VI hay Bát Nhã tức là đã “Chứng Đạo” hay về lại “Căn Nhà Xưa”, là cái Bổn Lai Vô Nhất Vật, cái Rỗng Thênh Không Thánh, hay cái Không rốt ráo. Tuy nhiên Không mà chẳng Không, như Tổ Huệ Năng Chứng Ngộ: “Không ngờ Tự Tánh hay sanh muôn Pháp”. Bởi vì cái Không, Chân Không, Bát Nhã, Như Lai, Bản Thể, Bản Giác…tuy rỗng rang nhưng lại “Minh” và “Diệu”, là Bản Giác Minh Diệu (Kinh Lăng Nghiêm). Minh nên trong sáng, rõ ràng, chân thật; Diệu nên “hay sanh muôn Pháp”: biến chiếu ra ba ngàn Thế Giới và sum la vạn tượng đầy ắp trong Hư Không vô biên, là cái Dụng hay cái Diệu Hữu của Tự Tánh…tức là “không mà chẳng không”. Cũng như bao nhiêu Thiền Sư khác, Thiền Sư Nguyên Thiều đã Chứng Ngộ từ cái Cửa Vô Vi để Ngộ Nhập Vô Vi. Từ Kinh Kim Cang, Bát Nhã, Ngài đã cô đọng trong bốn câu kệ rốt ráo để diễn đạt cái Như của Vô Vi, Tự Tánh hay Bát Nhã ở cả hai mặt Chân Không và Diệu Hữu, Thể và Dụng, Vật và Phi Vật, Không và Phi Không.
Thật ra khi chưa ngộ nhập Vô Vi thì chia ra Cửa Vô Vi và Vô Vi, phân làm hai là để dễ diễn đạt được ý hay nội dung là chính, mà không chấp vào Cửa hay không Cửa. Khi đã ngộ nhập Vô Vi rồi thì Vô Vi lại là Cửa để nhảy vào Tánh và có thể gọi Vô Vi là Cửa Vô Vi…Đạt được ý thì nên quên lời, không nên cố chấp vào văn tự rồi hiểu theo văn tự suông có khi lại sai với Đạo Lý. Thiền Sư Huệ Khai có pháp môn “Vô Môn Quan” tức Cửa mà không có Cửa thì sao? Có khi cũng nói cái Không là Cửa Không, Thiền là Cửa Thiền, ý nghĩa chỉ có một; nhưng nếu chấp vào văn tự thì lại thành hai tức là có cái Không và Cửa Không, có Thiền và Cửa Thiền, rồi cố giải thích cho ra lẽ, lại đi lòng vòng có khi sai đường, lạc Đạo…Do đó nên linh động trong mọi trường hợp, chỉ cần đạt được ý là chính.
Tóm lại từ cái cửa “VÔ VI” của Thiền Sư Huyền Giác là chỗ tận đầu nguồn của Sự Vật, đi hết đường Tâm, huốt Sáu Căn, huốt tất cả những “Máy Động” là cái Bí Quyết để nhảy thẳng vào Đất Như Lai, vào Tánh, Bát Nhã Chân Như, Niết Bàn thanh tịnh, hay cái KHÔNG…là chỗ Chứng Ngộ của biết bao nhiêu Thiền Sư ngoại hạng như: Lâm Tế, Mã Tổ, Hoàng Bá, Hoài Nhượng, Đơn Hà,Tông Nhất ,Quế Sâm ,Văn Ích ,Đạo Giai, Bổn Tịnh, Đức Sơn ,Triệu Châu, Cảnh Sầm ,Đại Huệ …v…v…
“Đệ nhất Ca Diếp thủ truyền đăng
Nhị thập bát đại Tây thiên ký
Pháp đông du ,nhập thử thổ
Bồ Đề Đạt Ma vi Sơ Tổ
Lục đại truyền y thiên hạ văn
Hậu nhân đắc đạo hà cùng số”.
(Thoạt tiên Ca Diếp đèn Tâm truyền
Hăm tám đời Tổ Sư Tây thiên
Pháp sang Đông vào Trung thổ
Bồ Đề Đạt Ma là Sơ Tổ
Sáu đời y bát thiên hạ nghe
Người sau đắc đạo nhiều vô số).
Người sau đắc đạo nhiều vô số vì đã bước đi đúng vào dấu chân của Phật ,của Tổ mà đi ,không đi theo dấu vết tà ma ngoại đạo .Độc hành độc bộ mà đi và đi với chánh pháp :
“Thường độc hành , thường độc bộ
Đạt giả đồng du, Niết Bàn lộ”.
Phải mồi lửa đuốc trí tuệ của Phật của Tổ để soi đường dẫn lối .Đi với cái Tâm “Không” tương ứng với cái Cửa Không Bát Nhã mà Ngài Huyền Giác đã chứng ngộ ,hay cái Cửa Vô của Triệu Châu đã khai ngộ cho biết bao nhiêu thiền sinh đi đến bờ giác như Ngài đã từng nói :
Các ngươi cứ tham cái “Không” vi diệu nầy trong 5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm nếu không ngộ sẽ chặt cái đầu ta.
Bàng Long Uẩn trước khi ngộ và sau khi ngộ vẫn sống với cái Không vi diệu nầy , Ngài vịnh thơ về cái Không :
“Lão Bàng không cần gì trong thế gian
Tất cả đều không ,một chỗ ngồi cũng không
Cái không rốt ráo ngự trong nhà ông
Không tất cả vì không tài sản
Khi Mặt Trời lên ông đi trong không
Khi Mặt Trời lặn ông ngủ trong không
Ngồi trong không ca bài ca không
Vài bài ca không vang dội trong không
Đừng kinh ngạc vì cái không rất không
Vì cái không là chỗ ngồi của Chư Phật
Nếu bảo rằng không có không
Tức là hủy báng Chư Phật”.
Long Thọ, Tổ Tây Trúc thứ 14 trong “Luận Đại Trí Độ” có nói:
“Niết Bàn thành hữu tam môn sở vị : Vô ,Vô Tướng ,Vô Tác”.
Nghĩa là thành Niết Bàn có 3 cửa : cửa Vô, cửa Vô Tướng ,cửa Vô Tác. Cũng nói tới cái cửa Không vi diệu đó.
Kinh Lăng Già cũng có nói: “Phật ngữ Tâm vi Tông, Vô Môn vi Pháp Môn”. Phật nói Tâm là Tông, cửa Không là cửa Pháp. Cửa Không cũng là cái Không hay Chân Không chính là Bát Nhã, Pháp Thân, Tự Tánh hay là Tánh. Cửa Không là cửa Pháp mà cũng chính nó sinh ra Vạn Pháp: “Không tức thị Sắc”.
Do đó cái “Không”“Gốc” “Bản Thể” của Vũ Trụ Càn Khôn, Sum La Vạn Tượng, mười phương Chư Phật hay tất cả chúng sanh trong sáu ngã luân hồi…là cái Rỗng Rang-Emptiness, tạm gọi là Hư Không. Nó chính là “Tánh” hay “Tự Tánh” mà Lục Tổ Huệ Năng đã chứng Ngộ. Nó là cái Chơn Nhất, là “Một” Mặt Trăng thật biến chiếu ra vô số Bóng Trăng! Như đã luận giải ở trên cái “Không” hay Bát Nhã là “Viên Ngọc Ma Ni” là Tánh hay Tự Tánh, có cái Ánh Sáng của nó hay cái Rõ linh diệu là Tâm: là cái Tánh Giác Diệu Minh biến chiếu ra Vũ Trụ Càn Khôn. Rốt ráo, chỉ có Tâm và Tánh hay Sắc và Không. Nhưng không phải là hai mà là Một, là Chơn Nhất: cái Không rốt ráo vượt cả Hữu và Vô. Còn thấy là hai là còn trong Mê. Bởi vì Tâm sinh ra Tam Giới Vũ Trụ Càn Khôn hay Vạn Pháp và Chúng Sanh chỉ là cái Tướng cái Bóng hay cái Dụng của Tánh. Không có cái Sắc hay Vật Chất Vũ Trụ Không Gian, ngay cả Hư Không cũng không có…chỉ có Tánh là duy nhất. Tánh thì không sinh diệt, tự thanh tịnh, tự đầy đủ, chẳng lay động nhưng lại hay sanh muôn Pháp. Tánh như Mặt Biển, Ba Ngàn Thế Giới chúng sanh như những Hòn Bọt nổi trên Biển Tánh. Ba Ngàn Thế Giới là Sự Vật giả huyễn có động có Tướng phân biệt có không gian thời gian và các cõi nước là do Nghiệp tạo ra. Nhưng tất cả đều là huyễn hóa do Tâm Mê bởi Nghiệp Lực hay Vô Minh tạo ra: “Vô Minh thật Tánh tức Phật Tánh” (Tánh thật của Vô Minh cũng chính là Phật Tánh). Do đó trên đời chỉ có cái duy nhất là Tự Tánh hay Tánh hay là cái Không – cái Rỗng Rang – Emptiness…là cái Chơn Nhất. Tất cả chúng sanh từ người, trời, cầm thú hay các cõi khác đều nhìn thấy Tánh mà không biết. Mở mắt ra tức thì nhìn thấy cái Không, nhắm mắt lại vung tay ra tức thì đụng tới cái Không. Cái Không, Tự Tánh hay Tánh là Bản Thể; Tam Giới, Càn Khôn Vũ Trụ, Sum La Vạn Tượng hay tất cả Chúng Sanh trong sáu cõi là Hiện Tượng, là Bọt nổi trong Biển Tánh. Bọt về với Nước cũng như Sắc về với Không. Còn Mê thì là hai : Bọt và Nước hay Sắc và Không. Ngộ thì là Một, Bọt hay Sóng tức Nước, Sắc tức Không! Bọt nổi trên Mặt Nước cũng như Sắc nổi trong Không, Vũ Trụ nổi trong Hư Không và từ Hư Không mà biến hiện. Việc sinh tử cũng giống như Hòn Bọt bị vỡ hòa vào Biển Nước hay Sắc hòa vào Không rồi từ Biển Nước nổi lên thành Bọt hay từ Không biến thành Sắc. Do động mà Biển Nước nổi Bọt nổi Sóng cũng như do Vô Minh hay Nghiệp Lực mà từ Tự Tánh hay cái Không nổi lên thành Thế Gian Mê với sơn hà đại địa và vạn pháp trùng trùng duyên khởi, hiện ra đủ thứ các Tướng vật chất. Có Biển Nước mới có sự nổi Bọt, cũng như có cái Không mới hiện ra Sắc hay có Biển Tánh mới nổi lên Tướng Thế Gian và tất cả chúng sanh trong sáu Cõi…Hòn Bọt phải trôi trên Biển Nước, tất cả chúng sanh đang trôi nổi trên Biển Tánh. Do đó tất cả chúng sanh đang ở trong Tánh ngay trong Tánh mà không hay biết, tất cả chúng sanh đều bình đẳng và cùng một Gốc là Tự Tánh này mà ra. Không có Ngã mà vô số Ngã, vô số Ngã mà không có Ngã, tất cả đều cùng một cái Thân là Pháp Thân là Tự Tánh là cái Không Thật Tướng Vô Tướng! Biển Tự Tánh hay cái Thật Tướng Vô Tướng này hoàn toàn Vô Sở Trụ bất cứ nơi nào cũng có thể nổi Bọt hay là Bóng Trăng. Pháp Thế Gian cũng Vô Sở Trụ không một chúng sanh nào có thể bắt lấy hay sở hữu bất cứ một pháp nào dù là tiền của chức vị danh vọng kể cả sinh mạng, vì nó là Bóng Trăng ra khỏi mặt nước là mất. Chỉ khi mất mình, vô ngã tức là Hòn Bọt tan hòa thành Biển Nước hay Biển Tánh là cái không sinh diệt thường hằng thường chiếu thường soi là Căn Nhà Xưa vô thủy vô chung. Phật, Tổ hay Thiền Sư ngộ đạo, sống với cái Không này thì không còn sinh tử. Nếu còn thân tứ đại của Thế Gian thì chỉ là cái thân huyễn hóa tạm thời theo Pháp Thế Gian để độ chúng sanh, còn cái thân thật của các Ngài là cái Không vi diệu là cái Tánh trùm khắp dung thông với tất cả Tánh là cái Chơn Nhất Bát Nhã. Do đó người đi tìm Đạo phải biết hướng về Gốc là cái Không này, cái Không Vô Sở Trụ, không cần phải đi đâu xa, cái Không không bờ bến, không ngăn cách, vô phân biệt, bình đẳng và ở tất cả mọi nơi, mọi thời…
Các Tổ và Thiền Sư thường chỉ cái Không để khai thị cho Thiền Sinh bằng nhiều cách hay nhiều thủ thuật linh hoạt. Chẳng hạn Thiền Sư Lâm Tế khai thị: “Trên cục thịt đỏ có vô vị chân nhân thường từ cửa mặt các ông ra vào. Người chưa chứng cứ hãy xem! Xem!”. Trên cục thịt đỏ: tức là ngay trên cái thân Tứ Đại; có vô vị chân nhân: người chứng đạo vô vị tức là không có vị trí, không tên không tuổi, thật ra vô vị chân nhân ở đây không phải là người mà ám chỉ Phật Tánh, Tự Tánh; thường từ cửa mặt: tức là bao trùm trước mặt, ám chỉ cái Rỗng Không trùm khắp; các ông ra vào: các ông qua lại trong cái Rỗng Không đó. Người chưa chứng hãy xem! Xem! : Đây là sự khai thị đột biến để Thiền Sinh chưa chứng, thấy được Phật Tánh hay Tự Tánh ngộ nhập vào cái Rỗng Không ở ngay cửa mặt và ngay trong thân Tứ Đại mà hành giả thường qua lại hay trôi nổi trong cái Biển Chân Không Tự Tánh hay Phật Tánh ấy.
Nhập vào Không như các Thiền Sư khai thị thường là Đốn Ngộ, tức là ngộ tức thời vào Không, thấy được Tự Tánh hay đạt được Đất Như Lai. Điều này không phải dễ đối với những người căn cơ thấp. Dùng ý thức mà đột nhập nhận ra Đạo trực tiếp là một sự phá vỡ phi thường. Hoặc dùng sự nghi tình cao độ, sự quên mình vô ngã, bặt cả ý thức. Chẳng hạn như có vị Tăng hỏi Thiền Sư Triệu Châu: “Thế nào là Phật?”. Sư trả lời: “Phật ở trong điện”. Vị Tăng rất thật thà nhận xét chính xác: “ Trong điện đâu không phải bùn đất đắp thành tượng…”. Sư đồng ý với vị Tăng rằng Phật trong điện chỉ là bùn đất không phải Phật, nên Sư trả lời: “Phải!”. Vị Tăng bắt đầu nghi tình và tiếp tục câu hỏi trước : “Thế nào là Phật?”. Sư vẫn trả lời: “Phật ở trong điện”. Vị Tăng hoàn toàn không biết gì nữa, không còn dùng ý thức để suy xét được nữa và nghi tình tột độ: “Con mê muội xin thầy chỉ dạy”. Ngay đó Sư liền hỏi: “ Ăn cháo chưa?”. Vị Tăng trả lời thành thật theo câu hỏi của Sư: “ Ăn cháo xong”. Sư bảo: “ Rửa chén bát đi”. Vị Tăng nhân đây đại ngộ! Thoát nhìn thì chuyện ăn cháo rửa bát không ăn nhập gì với câu hỏi: “Thế nào là Phật?”. Nhưng thật ra là có liên quan. Trước nhất vị Tăng dùng ý thức với cái kiến văn giác tri nhận xét biết chắc Phật trong điện là Phật giả chỉ là bùn đất. Kế đến Ngài Triệu Châu cố tạo cái nghi tình cho vị Tăng và đánh rơi cái ý thức suy nghĩ hay cái kiến văn giác tri mà vị Tăng vừa mới suy xét nên Sư vẫn trả lời là : “Phật ở trong điện” lần thứ hai. Tới đây khi thấy vị Tăng đã thật sự nghi tình, tức thì Sư “đổi chiêu” liền khai thị mở cửa cho vị Tăng bằng cách khơi dậy ngay vào nguồn Tâm của vị Tăng bắt buộc vị Tăng phải trở về với chính mình; vì Phật trong điện bên ngoài là không phải Phật rồi, chỉ còn lại chính mình; chính vị Tăng ăn cháo, chính vị Tăng rửa bát và chính cái Sáu Căn hay cái Thân biết động đậy này là Tâm và tận đầu nguồn của Tâm tức là Phật,ngay đây vị Tăng thấy được Tự Tánh.
Thiền Sư với nhiều thủ thuật linh hoạt, cũng có lúc dùng kiếm thuật sắc bén chặt đứt ngã kiến ngã sở, khai thị trực tiếp vào cửa. Chẳng hạn như có Vị Tăng hỏi: “Theo lời Thầy dạy - “Khi thế giới hoại, Tánh này chẳng hoại”, thế nào là Tánh này?”. Ngài Triệu Châu đáp: “Tứ đại ngũ uẩn”. Vị Tăng không vào cửa được mà rơi vào ngã kiến của phàm phu với cái kiến văn giác tri, Vị Tăng cãi lại: “Các thứ ấy đều hoại”. Vị Tăng phân tích rất đúng là tứ đại ngũ uẩn đều phải hoại, nhưng đây chỉ là cái thấy trên tướng chấp dính vào ngã sở với nhận thức của thế gian Mê: Thấy tứ đại là tứ đại, ngũ uẩn là ngũ uẩn. Vị Tăng thắc mắc hỏi tiếp: “Thế nào là Tánh này?”. Ngài Triệu Châu đảo lại đường kiếm cũ, chỉ thẳng và chặt đứt ngã kiến ngã sở của Vị Tăng một lần nữa, Ngài trả lời: “Tứ ngũ đại uẩn” (cũng giống như tứ đại ngũ uẩn). Đây là lời khai thị rốt ráo trực tiếp vào cửa: “Bồ Tát Quán Tự Tại hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa, thời chiếu kiến Ngũ Uẩn giai Không”… Tứ đại và ngũ uẩn đều là giai Không và Không ở đây cũng chính là Tánh hay Tự Tánh! Bởi vì không đâu có Như Lai mà đâu đâu cũng là Như Lai, không đâu có Bát Nhã mà đâu đâu cũng là Bát Nhã, không đâu có Pháp Thân Phật mà đâu đâu cũng là Pháp Thân Phật, không đâu là Tánh hay Tự Tánh mà đâu đâu cũng là Tánh hay Tự Tánh! Tất cả chỉ khác là Mê hay Ngộ! Mê thì dùng tần số Thức Nghiệp động niệm qua Sáu Căn để thấy nghe hiểu biết. Ngộ thì dùng tần số Bát Nhã với Trí Vô Sư cũng qua Sáu Căn, nhưng chuyển Thức thành Trí, Tánh hay Tự Tánh Chân Như khởi niệm.
Tứ đại ngũ uẩn, đất nước gió lửa, sum la vạn tượng hay sơn hà đại địa…chỉ là vô số Bóng Trăng không phải Mặt Trăng thật. Tuy nhiên khi Mặt Nước lặng yên hay chiếc Gương Tâm trong sáng không dính bụi mờ và Bầu Trời trong không có mây mù thì nó vẫn không lìa tịch, vẫn tương ưng với Thể Tánh thanh tịnh của Vầng Trăng tịch, vẫn rõ ràng thanh tịnh tự tại và y như Mặt Trăng thật: “Một là Tất Cả, Tất Cả là Một”. Với con mắt Bát Nhã, không còn Nghiệp hay con mắt của người Chứng Đạo thì đâu đâu cũng là Mặt Trăng thật hay là Tánh, tất cả Pháp hay tất cả cái Sắc Sắc đều “Như”:
“Rõ ràng Sắc Sắc, Rõ ràng Không,
Rõ ràng chẳng Sắc, tức Chân Tông.
Nếu ai vỡ được Sắc trong Mộng
Xin hãy cùng nhau bàn Bát Nhã”.
Tất cả cái Sắc Sắc như sum la vạn tượng, sơn hà đại địa… đều là Không, là cái Thực Tướng Không, chẳng phải là Sắc mà chính là Chân Tông, Tự Tánh hay là Tánh. Trong giấc Chiêm Bao tất cả cái Sắc Sắc trong Chiêm Bao không là Sắc, tức không có thật mà do Tánh hay Tự Tánh từ cái Thân trên giường biến chiếu ra. Mê thì thấy là Sắc, Ngộ thì thấy nó là Tánh hay Tự Tánh… Hòn Bọt hay Sóng cũng chính là Nước, chất liệu hay bản thể của nó là Nước, chỉ khác là ở trên Tướng do Mê mà phân biệt Tướng làm mất tính Chân Như. Tất cả là Một “Nhất thiết tức Nhất” là Nhất Như là Tánh, không có gì khác. Không có sơn hà đại địa, không có vật chất, không có không gian 3 chiều, 10 chiều hay các cõi nước, vì tất cả chỉ là Bóng Ảo, huyễn có, không phải thật. Cõi Trời, Loài Trời mở mắt chiêm bao thấy mình có cái ngã là Trời. Cõi Người, Loài Người mở mắt chiêm bao thấy mình có cái ngã là Người. Cõi Ngạ Quỷ, Loài Ngạ Quỷ mở mắt chiêm bao thấy mình có cái ngã là Ngạ Quỷ. Cõi Súc Sanh, Loài Súc Sanh như: trâu bò, heo, chó… mở mắt chiêm bao thấy mình có cái ngã là Súc Sanh. Tất cả đều chấp ngã, chấp thân, chấp tướng, chấp cảnh tự cột trói với ngã ái trong Lục Trần mà sanh tình thức tạo Nghiệp mà mắc kẹt trong cõi Mê hay Chiêm Bao. Từng cơn Mê do Nghiệp Lực và Vô Minh mà chiêm bao ra đủ thứ các cõi nước, không gian thời gian vật chất và muôn loài chúng sanh… Tất cả cái Sắc, cái Không là Nhất Như là Một, chỉ có Biển Tánh là cái Một duy Nhất, là cái Không Rốt Ráo Rỗng Rang-Emptiness không có một vật. Sắc Sắc là những Hòn Bọt chìm nổi trong Biển Tánh. Hòn Bọt là một phần của Tánh, cùng với Tánh là Nhất Như, là Một. Chúng sanh muôn loài kể cả loài súc sanh đều tự nhìn thấy Tánh mà không nhận ra Tánh vì chỉ nhìn Tánh qua cái thấu kính Nghiệp nên bị méo mó và điên đảo! Do đó phá vỡ được cái Sắc trong Chiêm Bao thì nhận ngay ra chính mình là vô ngã, chợt hay ra mình đang ở trong Tánh và tất cả đều là Tánh, là Nhất Như, là bình đẳng, là Một… Tánh là cái Rỗng Không-Emptiness, không có một vật, là Vua Không của Triệu Châu, căn nhà “Không” của Cư Sĩ Bàng Long Uẩn, cái Bổn Lai Vô Nhất Vật của Lục Tổ Huệ Năng, hay cái Rỗng Thênh Không Thánh của Sở Tổ Đạt Ma… Tuy Không nhưng cực vi cực diệu, Đức Phật ngộ nhập cái Không này mà nắm hết Càn Khôn Vũ Trụ trong lòng bàn tay với trí tuệ Bát Nhã siêu việt! Đức Phật, Tổ và Thiền Sư đều nhắm tới cái Không vi diệu này, là Tự Tánh hay là Tánh để chỉ đường cho chúng sanh Mê thoát khỏi giấc Chiêm Bao trùng điệp của vô số kiếp luân hồi. Cái “Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Thật Tướng Vô Tướng, Vi Diệu Pháp Môn, Giáo Ngoại Biệt Truyền, Bất Lập Văn Tự” mà Đức Phật trao truyền cho Tổ Ca Diếp rồi tiếp nối về sau… từ Tâm trực chỉ vào Tánh đạt đến Vô Sanh, thoát khỏi luân hồi. Cái đó là Pháp mà cũng không phải là Pháp nhưng cùng một tấm bản đồ Bát Nhã “Sắc tức thị Không”. Các Thiền Sư tùy duyên cơ mà độ chúng hoặc khai thị dẫn dắt cho các Thiền Tăng thâm nhập vào cửa Tánh.
Thiền Sư khai thị giống như “Con Gà Mái Ấp Trứng”. Trứng nào đủ nội lực và đủ hơi ấm của Gà Mẹ đúng giờ đúng lúc thì tự mổ vỡ võ trứng mà chui ra. Trứng nào yếu thì cần Gà Mẹ tiếp sức. Nhưng Gà Mẹ mổ vỡ võ trứng sớm quá mà Gà Con còn non thì Gà Con sẽ chết. Gà Mẹ mổ vỡ võ trứng trể quá thì Gà Con bên trong bị chết ngợp. Gà Mẹ phải mổ đúng lúc Gà Con bên trong bắt đầu cục cựa mổ ra, cả Mẹ và Con đều đồng tâm, đồng thời, đồng điểm, đồng hành thì kết quả tự nhiên thành! Ở đây “Gà Mẹ” Triệu Châu mổ đúng lúc để tiếp sức cho chú “Gà Con” đang ở thời điểm chín muồi muốn thoát ra khỏi võ trứng. Đối với những bậc thượng căn vì đã hết Ngã Chướng, nên Thiền Sư khai thị nhanh lẹ dễ vào cửa. Còn đối với bậc hạ căn, yếu đuối hơn và có thói quen quay về Ngã để phân tích, suy xét chậm chạp và mắc kẹt trong ngã sở ngã chấp ngã kiến…nên khó vào cửa.
Ở gần một vị Thầy Ngộ Đạo để được hướng dẫn Đạo Lý hay khai thị thì vô cùng may mắn và lợi ích. Tuy nhiên cũng còn tùy thuộc vào khả năng hay căn cơ của hành giả chưa tới mức đột phá hoặc còn chấp nhân ngã, còn nắm bắt Pháp Trần chưa chịu buông nên không vào cửa được. Nắm vững Đạo Lý, có Tấm Bản Đồ chính xác để đi, tuy xa Thầy, hay không có Thầy vẫn có thể Tự Ngộ! (Sư Bị ngộ Kinh Lăng Nghiêm, Huyền Giác ngộ Kinh Duy Ma Cật, Huệ Khai tham cái “Không” của Triệu Châu, Cư Sĩ Triệu Biện nghe tiếng sấm nổ mà Đại Ngộ…)
Nhập vào Không qua cái Rõ hay cái Vô Vi của Thiền Sư Huyền Giác thì dễ hơn là Đốn Ngộ trực tiếp thẳng vào Không như những bậc thượng căn. Dù Đốn Ngộ hay qua cái cửa Rõ để nhập vào Không đều phải lấy Tâm làm Gốc, chỉ cầu Tâm mà không cầu Phật bên ngoài. Khi làm rớt mất một Viên Ngọc quý trong khu vườn rậm rạp nhiều cây cỏ, hang hóc phức tạp thì phải ra sức đi tìm bằng cách truy cứu, tham cứu, quán chiếu, học hỏi, dò xét…không phải ra công hành trì như tụng Kinh, niệm Phật, cầu Phật, lạy Phật, lần chuỗi hay trì chú….mà Viên Ngọc tự nhiên hiện ra! Đành rằng những việc này cũng có lợi ích như để ôn luyện kinh điển, vì lòng kính Phật, diệt ngã, diệt tạp niệm hay vọng niệm…nhưng đây không phải là Gốc mà chỉ là Ngọn hoặc Thân Lá Cành; bởi vậy Thiền Tông có câu: “Cõng Phật đi lạy Phật” là thế. Kinh Phật hay Phật Pháp là những “Viên Linh Dược” cần phải uống để hòa trong máu trong da thịt xương tủy chứ không phải là “Pháp Chết” hay cái “Toa Thuốc” để đọc suông… phải biết biến Phật Pháp trên giấy mực thành “Pháp Sống” hay “Bửu Pháp” có năng lực! Ban đầu thì cũng phải dùng cái Kiến Văn Giác Tri, học nghĩa lý kinh điển, nhưng học nơi cái Gốc và trúng chỗ, hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc chính xác và thường xuyên quán chiếu về nó, chứ không phải hiểu biết cạn cợt qua loa, hoặc hiểu sai lạc thành mê tín cuồng tín, cũng không cần phải học nhiều hay học hết kinh điển. Dùng cái Biết, cái Thấy, cái Nghe, cái Hiểu…tham cứu, suy xét, quán chiếu, tìm cái đầu nguồn để phăng vào cửa Phật. Cái Rõ hay cái Vô Vi chính là cái Gốc hay đầu nguồn, là chiếc cầu trung gian để nhập vào Tánh hay vào cái Không là phương tiện tốt nhất, nhiều lợi ích và dễ dàng hơn cho tất cả mọi người dù thượng căn hay là hạ căn như Thiền Sư Huyền Giác đã khai thị:
“Sao bằng tự cửa Vô Vi ấy
Một nhảy thẳng liền Đất Như Lai”.
Nắm vững những yếu điểm trong Giáo Lý Kinh Điển sâu sắc bằng cái Kiến Văn Giác Tri đã xong, thì không nên cố chấp vào nó nữa để khỏi bị chướng ngại về ngã kiến là cái “Sở Tri Chướng”, mà giai đoạn kế tiếp là phải dùng trên chính cái Thân Tâm hay Sáu Căn này để khám phá Chân Lý bằng ngộ nhập. Kinh điển giấy mực văn tự nghĩa lý hay Pháp Môn đều không dùng được ở đây. Sáu Căn tập trung hợp nhất đồng loạt quán xét trở lại trên kinh điển, Sự Vật hay Hư Không để nhận ra cái Rõ. Ở bước đột phá, nghe hay nhận ra kinh điển bằng “trí vô sư” từ cái Rõ, không phải bằng “thức”; cũng nhận ra Sự Vật hay Hư Không bằng cái Rõ không phải cái Thấy…Cũng có thể thả lỏng cả Sáu Căn nghỉ ngơi đồng loạt, để Tâm nhè nhẹ vào bất cứ Sự Vật hay Hư Không để nhận ra cái Rõ hay cái Vô Vi. Thoạt đầu dùng cái Thấy trên Sự Vật như tàng cây, đám mây, hay ngọn núi trong sự yên lặng để phân tích giữa cái Thấy và cái Rõ. Cái Thấy và cái Rõ này, Thiền Sư thường nói: “ Cò trắng tuyết trong anh tự phân”. Con Cò dụ cho cái Rõ, tuyết trong dụ cho cái Thấy, hai cái đều màu trắng làm sao phân biệt được Con Cò! Thế mà có lúc lại nhận ra Con Cò; cũng như nhận ra cái Rõ, tức thì cái Rõ hiện ra trùm khắp: “Đại địa quần sanh nhãn hoát khai” ( Con Mắt Bát Nhã mở ra trùm khắp sơn hà đại địa, vạn vật mở bừng Con Mắt Rõ hay Ánh Sáng Bát Nhã, tức ngộ nhập được Mặt Trăng Thứ Hai) và từ đây là cái cửa Rõ hay cái cửa Vô Vi nhảy thẳng vào Tánh. Nhưng nếu chưa vào được Tánh còn kẹt ở Mặt Trăng Thứ Hai tuy chưa Rốt Ráo nhưng cũng đã đạt được Đạo Vô Sanh! Qua cái cửa Rõ tuy không phải là Đốn Ngộ nhưng nó nhẹ nhàng và dễ dàng hơn. Cái Rõ tuy không dùng ý thức lanh lợi tinh vi hay sâu sắc, nhưng nó tự nhiên nhận ra được Bầu Trời Trong mà ý thức không làm được. Nó tự nhận ra được Hư Không này là ai, ta là ai, sự vật này là gì, thấy “Pháp nhĩ như thị”, nơi đó Pháp không còn là Pháp mà phi Pháp, Vật không còn là Vật mà phi Vật phi Danh phi Tướng và phi phi Tướng! Cái cửa Rõ hay cái cửa Vô Vi hay Mặt Trăng Thứ Hai này là Ánh Sáng Bát Nhã hay Ánh Sáng của Viên Ngọc Ma Ni, chính là Chân Tâm và từ cái Tâm đầu nguồn này để nhập vào Tánh là con đường thẳng ngắn nhất để thành Đạo.
Tóm lại, Tâm và Tánh là con đường rốt ráo để khám phá Chân Lý hay tìm Đạo đạt tới “Vô Sanh” thoát khỏi “Luân Hồi” cũng như cái mục đích tối thượng là thành Phật. Bồ Đề Đạt Ma đã từng khai thị “Trực chỉ nhân Tâm, kiến Tánh thành Phật”. Thiền Sư Mã Tổ lúc khai thị cho các Chư Tăng, khi thì nói: “Tức Tâm tức Phật”; khi khác lại nói: “Phi Tâm phi Phật”; rồi lại nói cả “phi vật”; thật ra không có gì là khác. Bởi vì muốn cầu Phật thì phải cầu Tâm, nhưng phải biết rõ Tâm mình “tận gốc” thì mới thấy được Phật Tánh ở nơi Tự Tâm, ngay đó tức Tâm là Phật. Còn phi Tâm phi Phật là đi huốt đường Tâm đạt đến “Tâm Không” (khác với Tâm vô ký) vì Tâm đã nhập vào Tánh thành phi Tâm và phi Phật; phi Tâm phi Phật ở đây là cái Bản Thể, cái Vô Tướng của Tâm và Phật tức là Tánh. Còn phi vật thì cũng cái Bản Thể đó phi Tâm, phi Phật, phi cả vật là cái Tự Tánh mà Lục Tổ Huệ Năng đã Chứng Ngộ: “Bổn lai vô nhất vật” dung thông với tất cả Tánh, cũng chính là cái Không, đất Như Lai, Bát Nhã hay Niết Bàn…Muốn nhập vào cái Không, cái Bản Thể hay là cái Tánh này thì phải đi huốt tận đầu nguồn Tâm là Ánh Sáng Bát Nhã, chính là cái Cửa “Vô Vi” của Thiền Sư Huyền Giác, ngay đó nhảy thẳng vào đất Như Lai:
“Tranh tự “Vô Vi” Thực Tướng môn,
Nhất siêu trực nhập Như Lai Địa”.
(Thiền Sư Huyền Giác).
(Sao bằng tự cửa Vô Vi ấy,
Một nhảy thẳng liền Đất Như Lai).HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.( TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.20/9/2012.)

No comments:

Post a Comment