Friday 28 September 2012

  • Bài học thứ ba

  • Lúc 18 tuổi, La Hầu La rất khôi ngô tuấn tú, cũng như cha là Thái Tử Sĩ Đạt Ta- một người có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp
  • Dân tộc Ấn Độ có một nét đẹp riêng vừa quyến rũ, vừa huyền bí mang đậm dấu ấn tâm linh. Nhiều người phụ nữ dù xuất thân trong giai cấp cùng đinh, sống lam lũ, nghèo khổ nhưng cũng rất đẹp từ khuôn mặt, đến ánh mắt. Người đàn ông Ấn Độ trong giới thượng lưu với trang phục màu trắng, tóc búi cao, đầu vấn khăn luôn mang nét quý phái, quyền uy.
    Thời đó, La Hầu La đi khất thực ở ngoài luôn có nhiều người trầm trồ khen ngợi tướng hảo. Nghe như vậy, La Hầu La trong người dòng máu quý tộc bốc lên, nghĩ rằng nếu không đi tu, có lẽ bây giờ ta đang ở hoàng cung, chung quanh có nhiều cung phi mỹ nữ hầu hạ, có quân lính bảo vệ, có quan văn, quan vỏ kính trọng, ta oai phong, ta đẹp đẽ biết chừng nào. Nghĩ như vậy, trong lòng La Hầu La cảm thấy tự hào về mình, về dòng dõi vua chúa, về giai cấp quý tộc mình được thừa hưởng.
    Đức Phật qua thiên nhãn thông đọc được tư tưởng của La Hầu La, Ngài dạy cho La Hầu La bài học về tư tưởng:
    “Cái thân của con bây giờ thật là đẹp, tướng mạo thật cao sang, nhưng cái đẹp này không vĩnh cửu, nó vô thường, nó không phải của con, cái đẹp này nếu con ngưng ăn khoảng năm ba ngày thì cái sắc của con nó bị úa tàn, con mất ngũ khoảng năm ba đêm thì khuôn mặt con cũng héo úa giống như người ta trồng cây kiểng mà không tưới nước. Con người cũng vậy, nếu không biết chăm sóc, không biết lo lắng cho cái thân này thì nó cũng sẽ héo úa. Cho nên cái thân này nó tạm bợ, con đừng có kiêu hãnh về dòng dõi, về gia đình, về hình tướng của con nữa. Con phải nhiếp tâm quán chiếu cái thân này nó sẽ già, nó sẽ chết.”
    Đức Phật Ngài dạy cho La Hầu La thấy được sự tạm bợ, mong manh vô thường của thân người, của kiếp sống. La Hầu La khi đó thưa với Phật rằng, đây là một bài học rất khó. Phật dạy, con phải thiền định thì mới xua tan được dòng tư tưởng về gia đình, về thân thể của con. Và con phải thường xuyên quán tưởng rằng thân này sẽ già bịnh chết. Tại vì nó không phải của con nên nó sẽ già bịnh chết. Thân này không phải của con nên ngày mai nó có thể bịnh, năm sau nó có thể bịnh, có thể ngày mai nó chết, có thể năm sau nó chết, con hoàn toàn không định đoạt được mạng sống của con, con không định đoạt được lúc nào con bịnh, lúc nào con chết.
    Vì vậy thân này là vô thường, vô ngã.
    Con phải thường xuyên quán chiếu, suy gẫm như vậy thì con mới tiến hóa trên con đường giác ngộ. Còn không con sẽ bị ma vương nhền nhện, bị những hình ảnh đẹp đẽ giả dối lôi cuốn, con sẽ không tiến hóa trên con đường tu tập phật pháp .
    Đức Phật giáo dục bài học về tư tưởng cho La Hầu La lúc con 18 tuổi .
    Mười bốn năm sau khi Đức Phật thành đạo, lúc đó Sa di La Hầu La được 21 tuổi. Sa di La Hầu La đã là tỳ kheo thọ Cụ Túc giới, xuất gia tại Kỳ viên tịnh xá. Ngôi chùa này có diện tích rất rộng do ông Cấp Cô Độc và hoàng tử Jeta hiến cúng. Chùa Kỳ Viên được xây dựng rất lớn, có thể chứa khoảng chừng 10.000 người. Ngày nay, khi chúng ta thăm thánh tích Kỳ Viên Tịnh Xá thấy chỉ còn những nền gạch cũ, những dấu tích đền tháp, liêu cốc, tăng xá, ni viện…giữa cỏ cây hoang vắng, trơ trọi. Ở đó am thất của Đức Phật vẫn còn lưu lại dấu tích, gần đó là liêu cốc của Đại đức Ananda- thị giả của Phật. Thất của đại đức Xá Lợi Phất và ngài Mục Kiền Liên thì ở gần tăng xá. Điều này cho thấy, hồi đó sự bảo quản đại chúng tăng gìa rất chặt chẻ.
    Tại Kỳ Viên Tịnh xá vẫn còn một cái giếng nước ngày xưa Đức Phật và chư tăng thường dùng. Trong kinh có ghi chép ở chùa Kỳ Viên có hai sự kiện, có thể gọi là ‘’khủng bố’’ Đức Phật đến bây giờ vẫn còn để lại dấu ấn.
    Thứ nhất, nàng Chincha độn bụng vào vu khống Đức Phật. Vì nghe lời người của những tôn giáo khác xúi giục nên Chincha bôi nhọ Đức Phật, phá hoại uy danh của Ngài. Nhưng làm không được, khi Chincha đi ra khỏi chùa Kỳ Viên thì bị đất rút xuống hố sâu.
    Thứ hai, Đề Bà Đạt Đa muốn hại Đức Phật, chia rẻ tăng già nhưng không được cũng bị đất rút xuống hố.
    Cả hai cái hố đó bây giờ vẫn còn nhìn thấy được. Qua rất nhiều ngàn năm, nhưng hình ảnh hai cái hố sâu nuốt chửng những kẻ xấu ác giống như một lời nhắc nhở con người rằng đừng bao giờ làm điều bất thiện tội lỗi.
    Bài học thứ tư
    Ngày La Hầu La xuất gia tại chùa Kỳ Viên, Đức Phật giáo dục con những bài học căn bản về quán tứ đại ( đất, nước, gió, lửa) và tập sống đời sống nhịn nhục như là đất.
    Phật dạy:Thân này là đất nước gió lửa, là vô ngã, không phải của con. Thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, xương… tất cả chỉ là tứ đại hợp thành, con phải quán tưởng nó không phải của con.
    Đức Phật dạy: 32 thể trược này nằm trọn vẹn trong tứ đại, nó hợp lại, cấu tạo thành một con người theo một dòng nghiệp, tái sanh…rồi tái sanh …Con phải thường xuyên quán chiếu như vậy để con không có tự hào về cái thân này nữa, không cống cao ngã mạn nữa mà con phải khiêm tốn, nhịn nhục. Nếu biết khiêm tốn, nhịn nhục, sống bình dị thì mới hạnh phúc và an vui trong đạo này được. Một người có tâm an vui, mát mẻ thì phải bình tỉnh, khiếm tốn, hạ mình, đó là chất liệu cần thiết cho đời sống của một người xuất gia
    Mặc dù những lời dạy của Đức Phật xa hơn 25 thế kỷ, bây giờ nhắc lại cũng vẫn rất gần gũi trong đời sống của chúng ta. Người xưa nói : “ Muốn tu thì phải giả ngu/ Có mắt như mù /Có tai như điếc đành câm lặng/ Chỉ giữ trong đầu một chữ Tu”.
    Chúng ta muốn tu cho tốt thì phải giả ngu. Khôn chết, dại chết, biết thì sống. Cho nên giả ngu ở đây là thấy như thấy, nghe như nghe, ít nói, tinh tấn càng nhiều càng tốt. Vì người ta thấy mình khôn ngoan quá, người ta ghét. Người ta thấy mình ngu si quá, người ta khinh. Vậy thì ta giả ngu để tu cho dễ, giả ngu chớ không ngu thiệt nghen. Nghĩa là có mắt nhưng đừng ham nhìn nhiều quá sẽ sanh phiền não. Nhìn với cái tâm hoan hỷ, thông cảm và tha thứ thì cũng nên nhìn để đường tu có sự tiến hóa. Còn nếu nhìn bằng cái tâm tỵ hiềm, ích kỷ, nhỏ mọn thì mình sẽ khổ đau nhiều. Người ta dùng hình ảnh con khỉ lấy hai tay bịt mắt, bịt tai, bịt miệng là ẩn dụ cho ba không: không thấy, không nghe, không nói…ý nói phiền não sanh ra từ những chỗ này.
    Có tai như điếc đành câm lặng. Tai này nghe những điều có ích, những điều thánh thiện giúp cho mình thăng hoa, chuyển hóa thì nghe, còn nghe những lời xúi giục xấu ác, những lời nói dóc, nói ba hoa…đừng nghe. Vì nghe những lời như vậy làm tâm mình động. Tâm đang vui, bình yên, thanh thản tự nhiên có ai đó đâm thọc cho mấy câu, tối về tức ngủ không được, vậy thì nghe làm chi để ô uế tâm trong sáng của mình.
    Khi quý vị gặp các vị đại lão hòa thượng, tâm các ngài từ bi, giáo giới cho mình điều gì nghe cũng ấm áp, hoan hỷ, như cha mẹ dạy dỗ con cái. Nhưng khi quý vị gặp những người nói như “điểm huyệt’’ làm tâm mình bế tắc, lắc lư chịu không thấu. Vậy nghe những điều thánh thiện nên nghe. Còn không thì giả ngu, giả điếc, giả mù để cho tâm yên tĩnh. Bản chất tâm của con người là ích kỷ, nhỏ mọn, phản bội, mau quên, phá giới. Chúng ta tu để bỏ những cái xấu đó. Cho nên nghe những người nói lời xấu ác thì tự nhiên dòng tâm thức của mình nó trào lên.
    Cho nên Đức Phật dạy, hãy chọn nơi lành mà ở, thân cận với người hiền, người trí, chớ nên thân cận kẻ ác. Đời sống chúng ta luôn bị chi phối bởi ngoại vật, con người chung quanh. Ta chọn nơi lành mà ở, chọn người có đạo đức mà gần gũi, chớ đừng sống chung với ‘’bà tám’’, ‘’ông nổ’’ đời mình sẽ héo hon, tâm từ bi sẽ tàn lụi.
    Phật dạy La Hầu La thường quán chiếu như vậy để phát triển tâm đại thiện. Đức Phật dạy La Hầu La tập sống nhịn nhục như đất. Đức của đất là ôm ấp, che chở, bao dung. Ai quăng liệng vật thúi, vật thơm gì cũng được, đất chẳng nói gì.
    Cuộc đời đầy phiền não ô trược nên Phật dạy ta phải trang bị cho mình cái áo giáp. Áo giáp đó chính là sự nhẫn nại, chịu đựng. Nếu không có áo giáp đó thì cuộc đời đầy tỵ hiềm sẽ làm ta phiền não.
    Có một bài thơ rằng:
    Đã mang danh nghiệp vang rền/Tất nhiên phải chịu mũi tên tỵ hiềm/ Lỡ vào chơi một ván cờ/ Chớ sao lại nỡ ơ hờ cuộc chơi/ Lỡ vương tơ một chữ tình/ Thì xin yêu trọn những gì đang yêu/ Lỡ thương kinh kệ sớm chiều/Thì xin muôn thưở ghi điều dạy răn”.
    Người bị tỵ hiềm nhiều là người đang trong vận lên, chớ không phải mạt vận nên đừng sợ tỵ hiềm mà phải nhịn nhục, chịu đựng để vượt qua nó. Dù bị “tỵ hiềm”, nhưng đã mang danh nghiệp, có “vương tơ”, có ‘’thương kinh’’ rồi… thì sẽ phải sống hết lòng với những gì mà ta đã chọn.
    Đó là biết sống trong hiện tại. Lỡ vương…lỡ thương rồi, bỏ đâu được. Chữ ‘’ lỡ’’ này không có chút gì trách móc, tiếc nuối mà đây là một tâm trạng của một kẻ yêu đời, biết nâng niu cuộc sống hiện tại, hay đúng hơn là một thái độ sống của một người hiểu rất rõ triết lý nhân duyên của nhà Phật. Thuận duyên hay nghịch duyên, duyên nào cũng là duyên.
    Những lời giáo giới của Đức Phật đối với La Hầu La theo từng giai đoạn khác nhau. Lúc còn thơ dại thì ngài giáo giới La Hầu La về giới đức, về thân khẩu ý. Khi La Hầu La 18 tuổi, Đức Phật dạy về tư tưởng, về nhận thức luận trong cuộc sống. Năm sa di La Hầu La hơn 20 tuổi, Đức Phật dạy con bài học về tu thiền, quán về tứ đại, trang bị những pháp cần thiết cho người tu đó là pháp nhịn nhục, cầu tiến và siêng năng.
    Tại sao khi La Hầu La xuất gia, đức Phật mới dạy cho con bài học nhịn nhục? Vì khi đã xuất gia thì con người trưởng thành, vì vai trò của La Hầu La rất quan trọng. Về mặt thế gian La Hầu La là con của Phật tổ, con của một người từ hoàng cung đi xuất gia, dòng dõi quý phái, tất nhiên nổi tiếng thì sẽ bị tỵ hiềm. Đối trị tỵ hiềm là pháp nhịn nhục. Cho nên Đức Phật dạy La Hầu La từng bước, từng bước để đi vào con đường tu vững chãi.
    Trong bài kinh giáo giới La Hầu La, Đức Phật dạy con những bài học về thiền. Đức Phật dạy :
    “Con phải thiền làm sao giống như đất vậy: đất không cảm thấy phiền vì bất cứ một thứ gì đổ lên đó. Vì vậy, nếu con tập thiền giống như đất, con sẽ không có cảm giác vui thích hay không vui thích về bất cứ một điều gì. Hãy tập thiền như nước, như lửa, như gió, và như không gian: tất cả đều không cảm thấy phiền bởi những cảm giác vui thích hay không vui thích. Thực tập được như nước, như lửa, như gió, như không gian, tâm của con sẽ không còn vướng bận gì cả.”
    La Hầu La đã đi vào rừng để thực tập thiền định và đắc đạo chứng quả khi đang là một tỳ kheo. La Hầu La được Đức Phật ban cho danh hiệu ĐỆ NHẤT HIẾU HỌC.
    La Hầu La nhập Niết Bàn trước Da Du Đà La, trước hai vị thầy là Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và trước cả Đức Phật Thích Ca.
    Thời Thuyết Pháp hôm nay, chúng tôi giảng về những bài giáo giới của Đức Phật đối với La Hầu La. Bài học thứ nhất là bài học về sự chân thật mà một vị sa di phải có. Bài học thứ hai Đức Phật dạy là bài học về sự phản chiếu, suy xét trước khi hành động. Bài học thứ ba Đức Phật dạy con là bài học tư tưởng, nhận thức luận, đừng có dính mắc, cố chấp, tự hào về dòng dõi, gia tộc, bản thân của mình, nó là tai họa làm chậm sự tiến hóa trong tu tập. Bài học thứ tư Đức Phật dạy cho La Hầu La lúc thọ Cụ Túc Giới là luôn luôn phải quán thân do tứ đại mà có.
    Chiếc áo giáp cần thiết để giữ mình tu tập là sự nhẫn nại, bao dung… Nhẫn nại là phương cách rèn luyện tinh thần vô ngã, để rồi cuối cùng La Hầu La chứng đắc tự tánh vô ngã của các Pháp đạt đến sự giải thoát trọn vẹn. Bao dung giúp ta buông bỏ sự ác tâm đồng thời nhận rõ không một chút nhầm lẫn những bất an, phiền nảo do lòng thương ghét phát sanh. Đó là hai pháp cần thiết cho một vị sa môn xuất gia.
    Khi La Hầu La mới 7 tuổi ngài vâng lời mẹ đến xin cha thừa hưởng tài sản. Có lẽ khi đó La Hầu La không biết rằng, tài sản mà ngài đuợc cha ban cho vô cùng cao quý. Đó là con đường dẫn đến sự giải thoát.
    Qúy vị là những bậc làm cha làm mẹ, có thể để lại tài sản gì cho con của mình? Qua bài kinh giáo giới La Hầu La của Đức Phật, Sư mong sao quý vị có thể áp dụng cho đời sống cư sĩ tại gia của mình, áp dụng vào cách dạy con trẻ để có một đời sống an lạc, hạnh phúc trong gia đình.
    Trong Phật giáo, giác ngộ là hạnh phúc lớn lao nhất. Có lẽ quý vị ở đây ai cũng mong con cái của mình sẽ sống bình yên, thanh thản. Vậy trên con đường trưởng thành của chúng, quý vị hãy dạy cho con mình đạo đức, thiền định và trí tuệ.
    Đó là con đường đi tới giải thoát./.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.29/9/2012.
  • No comments:

    Post a Comment