Sunday 30 September 2012

Bánh xe Luân hồi là một biểu tượng thường được nhắc đến và đã trở thành một quan niệm phổ biến trong dân gian, đôi khi nó xuất hiện dưới cái tên Bánh xe Sinh hóa hay Bánh xe Sinh tử. Vậy Bánh xe Luân hồi có ý nghĩa như thế nào trong nhà Phật?


Trước hết, Bánh xe Luân hồi diễn tả sự luân hồi của chúng sinh trong các nẻo đường sanh tử, đồng thời, nó biểu thị nét tinh túy của giáo lý Phật-đà, đó là giáo lý Tứ Diệu đế và 12 Nhân duyên. Tứ Diệu đế là Bốn Sự thật vi diệu, thâm sâu, đó là: 1-Cuộc đời này tràn đầy khổ đau; 2-Khổ đau ấy có nguyên nhân của nó, đó là tham ái, si mê…, 3-Trạng thái dập tắt những nguyên nhân của khổ đau ấy; 4-Con đường dẫn đến sự dập tắt ấy. 12 Nhân duyên là quá trình vận hành của toàn thể thế gian bao gồm cả hữu tình và vô tình.
Nói về lịch sử của Bánh xe Luân hồi, nó vốn không phải là một biểu tượng được hình thành trong thời đại đức Phật dù rằng đức Phật giảng về 12 nhân duyên rất nhiều lần và cặn kẽ. 12 nhân duyên được ví với hình bánh xe được tìm thấy trong các bộ luận giải về sau như luận Thanh tịnh đạo chẳng hạn. Ban đầu, hình ảnh Bánh xe này xuất hiện ở Nam Ấn, nhưng sau đó được các nhà truyền giáo đưa đến Bắc Ấn (tương truyền là ngài Long Thọ), và phát triển thịnh hành ở đó, đặc biệt là ở Kashmir. Ngày nay, hình ảnh Bánh xe Luân hồi chỉ còn phổ biến ở Tây tạng, đây cũng chính là nơi mà nghệ thuật vẽ Bánh xe Luân hồi phát triển nhất.
Chúng ta cũng cần phân biệt sự khác nhau giữa Bánh xe Luân hồi (Bhavacakra) và Bánh xe Chánh pháp (Pháp luân, Dharmacakra). Bánh xe Chánh pháp là hình ảnh tượng trưng cho sự chuyển vận Chánh pháp (đem Chánh pháp chuyển vận vào đời) mà cụ thể là để chỉ cho sự kiện đức Phật thuyết giảng bài pháp đầu tiên tại vườn Nai. Sự kiện thuyết giảng ấy được gọi là sự kiện Chuyển pháp luân, bài kinh đầu tiên ấy được gọi là bài pháp Chuyển pháp luân. Biểu tượng Bánh xe pháp là một hình tròn như bánh xe có nhiều căm, đó chính là biểu tượng đã được vua A Dục khắc lên trụ đá, và ngày nay nó được in trên lá cờ của nước Ấn Độ. Để thuận tiện, Bánh xe Pháp có khi được biểu tượng bởi hình một bánh xe có 8 chiếc căm tượng trưng cho Bát chánh đạo.
Không như Bánh xe Chánh pháp, Bánh xe Luân hồi là một mô hình phức tạp mô tả mối quan hệ nhân quả của 12 nhân duyên. Nó nói lên rằng con người phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, phải nhận lấy kết quả tùy theo nghiệp nhân đã tạo. 12 nhân duyên kết thành một vòng tròn theo hai chiều ngược xuôi, con người trải qua 12 giai đoạn theo hai chiều ấy để rồi tái sinh vào cảnh giới vui sướng hoặc đau khổ trong lục đạo (6 cảnh giới). Tuy nhiên, mô hình ấy không chỉ miêu tả cảnh giới luân hồi mà còn khuyến cáo và hướng dẫn con người thoát ra ngoài 6 cảnh giới ấy để tiến đến cảnh giới giải thoát (Niết-bàn).
Thoạt nhìn vào, ta thấy Bánh xe Luân hồi đang bị một con quỷ dữ ôm lấy trong bộ nanh vuốt sắc nhọn của nó. Điều đó nói lên bản chất mong manh, vô thường của cuộc đời. Con người luôn luôn bị cái vô thường rình rập, vị Thần Chết luôn luôn giám sát mọi hoạt động để chờ cơ hội lấy đi mạng sống của họ.
Bức tranh luân hồi khởi đầu tại vòng tròn thứ nhất ở chính trung tâm. Ở đó có 3 con vật cắn đuôi nhau theo một vòng tròn, đó chính là tam độc: một con lợn đen tượng trưng cho sự ngu tối, một con rắn xanh tượng trưng cho lòng ganh ghét và thù hận, và một con gà trống tượng trưng cho sự tham lam và thèm khát. Đó là 3 loại nọc độc tạo nên trạng thái đen tối của cuộc đời. Chúng sinh bị 3 độc tố đó lôi kéo nên phải tái sinh vào các cảnh giới khổ đau.
Có hai con đường Đen và Trắng được minh họa bởi một vòng tròn nửa đen nửa trắng vây quanh 3 con vật chính giữa. Trên con đường Trắng, các vị Thánh đang hướng lên chỉ cho đời sống đức hạnh dẫn đến các cảnh giới an vui. Trên con đường Đen, những người độc ác với dây thòng lọng trong tay đang kéo nhau đi xuống những nơi thấp kém một cách tàn nhẫn.
Những kẻ ngu tối và tội ác kia sẽ bị dẫn vào vòng sinh hóa khổ đau bởi mối quan hệ nhân quả của 12 nhân duyên: vô minh, hành, thức, danh-sắc, lục xứ, xúc, thọ,ái, thủ, hữu, sinh và lão tử. Vòng sinh hóa ấy được miêu tả bởi 12 hình ảnh ở vòng tròn ngoài cùng. Ý nghĩa của 12 hình ảnh đó như sau:
1. Hình 1: Cuộc sống hiện tại của chúng ta có nguồn gốc sâu xa của nó, đó là Vô minh - sự mù quáng và mê mờ không nhận rõ bản chất của cuộc sống. Hình ảnh khởi đầu cho vòng tròn bên ngoài này vẽ hình một người già đui mù đang chống gậy để chỉ cho trạng thái Vô minh đó.
2. Hình 2: Một người thợ gốm với những chiếc bình do ông ta đã làm ra, nó chỉ cho Hành – xung động sống mù quáng. Người thợ gốm đã làm ra những chiếc bình cũng giống như chúng ta đã tạo ra nghiệp tái sinh.
3. Hình 3: Một con vượn đang chuyền từ cành cây này sang cành cây khác tượng trưng cho Thức – là trạng thái tâm thức vọng động chạy theo cảnh vật bên ngoài.
4. Hình 4: là hình ảnh những người chèo thuyền tượng trưng cho sự kết hợp của Danh-Sắc. Thuyền và người không tách rời nhau cũng như Danh và Sắc kết hợp lại tạo thành con người. Chiếc thuyền là Sắc, phần thân thể; người là Danh, chỉ phần tinh thần; có 2 hoặc 4 người trên thuyền để chỉ cho Thọ, Tưởng hoặc Thọ, Tưởng, Hành và Thức (những yếu tố tinh thần của ngũ uẩn).
5. Hình 5: một căn nhà trống với 5 cửa sổ và một cửa chính tượng trưng cho Lục Xứ - 6 giác quan. Con người nhận thức thế giới thông qua 6 giác quan cũng như ngọn gió đi qua các cửa để vào căn nhà.
6. Hình 6: Một đôi trai gái quấn lấy nhau để chỉ cho Xúc, đó là sự tiếp xúc giữa 6 quan năng và 6 trần cảnh (thế giới bên ngoài).
7. Hình 7: Một người bị mũi tên đâm vào mắt để chỉ cho Thọ, là yếu tố tri giác do Xúc đem lại. Thọ tuy có 3 loại là vui sướng, khổ đau và trung tính thế nhưng chúng chỉ đem lại kết quả phiền não, cho nên mới có hình ảnh đau đớn như thế.
8. Hình 8: Hình ảnh một người phụ nữ mời rượu một người đàn ông, nó chỉ cho nỗi khát vọng của con người, tức là Ái.
9. Hình 9: Một người hái trái chỉ cho Thủ, là sự chấp thủ và nỗ lực làm thỏa mãn khát ái.
10. Hình 10: Một người phụ nữ và đứa con, đó là Hữu, là sự trở thành hay là trạng thái hình thành sinh thể để chuẩn bị cho sự tái sinh.
11. Hình 11: Một người đàn bà đang lúc sinh con trong tư thế đau đớn, đó là Sinh – sự sinh ra.
12. Hình 12: Hình một người khiêng xác chết đi mai táng để chỉ cho Lão Tử, trạng thái tất yếu của đời sống.
Chúng sinh thuận theo mối quan hệ nhân duyên, tùy theo nghiệp đã làm mà tái sinh vào 6 cảnh giới gọi là Lục Đạo để nhận lấy quả báo. Sáu cảnh giới ấy được miêu tả bởi 6 khu vực bên trong vòng tròn 12 nhân duyên, gồm có cảnh giới của các vị Trời, của các vị thần A-tu-la, của con người, của súc sinh, của ngạ quỷ và địa ngục.
1. Khu vực phía trên cùng là cảnh giới của các loài chúng sinh Trời. Đó tuy là cảnh giới sung sướng nhất trong vòng luân hồi nhưng vẫn không tránh khỏi quy luật sinh diệt. Trong đó có hình một vị Phật cầm cây đàn để chỉ cho sự hóa độ của chư Phật, các ngài luôn luôn xuất hiện và nhắc nhở cho họ biết về sự vô thường không chắc thật của thế giới họ đang sống, khuyên họ không được kiêu mạn và phóng túng, có như vậy thì sự an vui mới được dài lâu.
2. Phần kề dưới phía bên phải là cảnh giới của A-tu-la, là cảnh giới của những vị thần mải mê trong chiến tranh với các loài Trời vì lòng ganh tị và căm thù, nỗi khổ đau của họ là những cuộc chến tranh dai dẳng không bao giờ chấm dứt. Ở đó có một vị Phật xuất hiện với thanh kiếm trên tay để giáo hóa loài chúng sinh này.
3. Phần bên trái là cảnh giới loài người đang chịu những nỗi đau khổ do ngã chấp, si mê… đem lại, chúng được sinh ra và chết đi trong tâm trạng khổ đau ấy. Đức Phật xuất hiện ở đây với chiếc bình bát trên tay để dạy con người tu dưỡng phước đức, hầu mong giải thoát.
4. Phần dưới bên trái là cảnh giới của súc sinh, nơi đầy dẫy những nỗi khổ do áp bức và ăn nuốt lẫn nhau. Đức Phật xuất hiện với cuốn kinh cầm trên tay để giáo hóa chúng.
5. Phần dưới bên phải là cảnh giới của loài ngạ quỷ đang chịu nỗi đói khát triền miên với những cái bụng to lớn mà cổ thì nhỏ xíu. Đức Phật xuất hiện với chiếc bình quý đựng thực phẩm đang làm dịu bớt nỗi khổ đau của chúng.
6. Phần dưới cùng là cảnh giới của địa ngục, nơi những cực hình đang diễn ra để trừng phạt những ác nghiệp được hình thành từ đời trước. Đời sống địa ngục không phải là đời sống vĩnh viễn, sau khi hết nghiệp địa ngục thì sẽ tái sinh vào những cảnh giới khác. Ở đây, đức Phật xuất hiện với ngọn lửa trên tay với ý nghĩa mang ánh sáng và hy vọng đến chốn tối tăm nhất này.
Cũng cần nói thêm, ban đầu bánh xe chỉ có 5 vùng bên trong (không có cảnh giới của A-tu-la), nhưng sau khi du nhập vào Bắc Ấn, nó được Je Tsong-khapa (1357-1419), nhà cải cách tôn giáo đồng thời là người sáng lập trường phái Gelugpa (Những Bậc Đức Hạnh, tức Hoàng Giáo Tây Tạng, mà Ngài Dalai Lama là người đứng đầu) thêm phần thứ sáu và từ đó ở Tây tạng tồn tại hai loại Bánh xe Luân hồi.
Bên ngoài vòng tròn có hình ảnh một vị Bồ-tát và một vị Phật, vị Bồ-tát tượng trưng cho con đường thực hành hạnh Bồ-tát, còn vị Phật là tượng trưng cho quả vị Niết-bàn có thể đạt được nhờ vào thực hành con đường ấy.
Như vậy, bằng những hình ảnh tượng trưng, Bánh xe Luân hồi đã mô tả được toàn cảnh sự vận động của Pháp giới. Cuộc đời đau khổ tuy chịu sự ràng buộc của nghiệp duyên mà cứ luân chuyển, thế nhưng bằng những nỗ lực tu tập theo Chánh pháp, vòng luân chuyển ấy cũng có thể bị phá vỡ để con người có thể đạt đến những cảnh giới an vui giải thoát không còn hệ lụy.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).THICH NU CHAN TANH.MHDT.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.30/9/2012.

No comments:

Post a Comment