Thursday 26 June 2014

21. Hỏi: Ngài Trung Phong Minh Bản nói: Thiền tức Thiền của Tịnh Độ; Tịnh Độ tức Tịnh Độ của Thiền. Thế là nghĩa gì?
Đáp: Thiền, âm Phạn là Thiền-na, Trung Quốc dịch là tỉnh lự. Tức tư duy mà an tỉnh là định, tức an tỉnh mà tư duy là huệ. Thiền tức định huệ. Pháp môn Tịnh Độ cũng nương nơi định huệ. Thiền và Tịnh Độ, tuy khác tên, nhưng chỉ một định huệ. Giống như nói định huệ là định huệ của Tịnh Độ; Tịnh Độ là Tịnh Độ của định huệ. Ngài Trung Phong nói lời này là để sách tấn Tịnh nghiệp mà khởi công phu định huệ, để răn nhắc người tham thiền mà khai mở hạnh Tịnh độ. Đó chính là nói Thiền Tịnh song tu vậy.
22. Hỏi: Thiền Tịnh song tu, cần phải phân định trước sau, hay là đồng thời?
Đáp: Tôn chỉ của tổ Đạt-ma vượt trên giáo thừa, chẳng đồng với bốn thiền, tám định[8]. Vì thế người xưa nói: “Thiền chẳng hợp với Giáo thừa, huống gì là Nho gia”. Vì thế nên biết cần phải phân trước sau. Nếu trước tham thiền được kiến tánh, rồi sau tu Tịnh nghiệp thì rất thuận lý. Các bậc long tượng trong Tông môn ngày xưa hoằng dương Tịnh nghiệp đều như thế cả.
23. Hỏi: Ngài Thiên Y Nghĩa Hoài nói: “Sanh thì nhất định sanh, đi thì thật chẳng đi”. Câu này có ý nghĩa gì?
Đáp: Vãng sanh Tịnh Độ, chư Phật chẳng vọng ngôn, nên nói: “Sanh thì nhất định sanh”. Nếu hiểu A-di-đà tức bản tánh, bản tánh tức A-di-đà. Như Lai nghĩa là không từ đâu đến, cũng không có chỗ đi, nên nói: “Đi thì thật chẳng đi”. Câu này bao gồm lý sự, đồng hiển quyền thật.
24. Hỏi: Pháp môn Tịnh Độ thường được gọi là Thiền quán. Vậy đó là Thiền gì?
Đáp: Chẳng phải là thiền Đạt-ma, cũng chẳng phải là bốn thiền, tám định. Nói Thiền tức là thể cứu niệm Phật. Tức công phu Lý trì danh trong các pháp trì danh. Nhưng nếu trì danh đạt đến cùng tột của lý nhất tâm thì chẳng khác biệt với thiền Đạt-ma và bốn thiền, tám định.
25. Hỏi: Thiền Tịnh song tu vừa được nghe dạy là trước nên tham thiền, sau mới tu Tịnh Độ. Vì sao chẳng thể đồng tu, có lý do gì chăng?
Đáp: Niệm Phật không sợ chấp tướng, tham thiền thì cần lìa tướng. Chấp và lìa, khó có thể đồng thời tu tập.
26. Hỏi: Phải chẳng chấp danh chấp tướng, chưa lìa vọng duyên, chính là điều bậc thông đạt chê trách?
Đáp: Niệm danh hiệu chánh giác viên mãn A-di-đà Phật, quán tướng trang nghiêm thanh tịnh của thế giới Cực Lạc. Chấp tướng như thế, sợ rằng không được thiết thật, chứ nếu thiết thật, sẽ tự xa lìa các vọng duyên huyễn hóa thế gian. Đây chính là pháp bỏ vọng về chân, trái trần hợp giác. Huống gì lìa tưởng hay chấp tướng đều là phương tiện để nhập môn. Thí như muốn về nhà mà chẳng từ cửa, thật có thể vào nhà chăng?
27. Hỏi: Nghe nói Cổ đức dạy trong lúc niệm Phật nên khán câu: “Niệm Phật là ai?” tương tự như tham thiền. Lại dạy nên tự hỏi rằng: “Cái gì là bản tánh A-di-đà”. Vậy pháp ấy thế nào?
Đáp: Đó là biến pháp của các Tổ sư thiền đời sau, chẳng phải là yếu chỉ Tịnh nghiệp do Phật nói. Ý của các Tổ sư là muốn người học triệt ngộ bản tánh. Nhưng dạy khán chữ “Ai” thì có thể được, chứ tự hỏi: “Cái gì là bản tánh A-di-đà”, e rằng không tránh khỏi dẫn sanh thức tình kết tụ. Những kẻ làm thầy gần đây phần nhiều chìu theo ý người học, chứ bậc Tông sư tác gia thì không như thế.
28. Hỏi: Người học đều nói tham thiền thì ngộ đạo, còn niệm Phật không ngộ đạo, cho nên biết niệm Phật không bằng Thiền. Ngài nghĩ thế nào?
Đáp: “Niệm Phật không ngộ đạo” là lời nói vô căn cứ. Như chương Thế Chí Viên Thông trong kinh Lăng-nghiêm ghi: “Chẳng nhờ vào phương tiện mà tự tâm được khai ngộ”. Nói tự tâm khai ngộ há chẳng phải là ngộ đạo ư? Chương Thượng khí vãng sanh trong Quán kinh có ghi: “Liễu Đệ nhất nghĩa”, chẳng phải là ngộ sao? Đạt được duy tâm Tịnh Độ, liễu bản tánh A-di-đà. Nói đạt nói liễu, há chẳng phải là ngộ sao? Tóm lại, thể cứu niệm Phật đều là ngộ cả. Hãy xem văn nói về lý nhất tâm trong A-di-đà sớ sao của ngài Vân Thê sẽ tự rõ. Chẳng qua pháp môn Tịnh Độ dùng trí và nguyện để vãng sanh mà hành trì niệm Phật. Đó là yếu chỉ quan trọng, chẳng kể ngộ hay không ngộ. Vì thế ngài Vĩnh Minh nói: “Chỉ cần gặp A-di-đà, lo gì chẳng khai ngộ”. Nên biết, nói như thế là vì chẳng có nhân thì không thể ngộ. Đến như trong pháp Thiền Đạt-ma có câu: “Nếu người học đạt đến chỗ như thùng lũng đáy, lại vượt qua lao quan cuối cùng, làm một người tự tại, thì hành động của người này siêu việt tất các pháp môn. Vì thế gọi là Tổ Sư Thiền”.
29. Hỏi: Bốn pháp niệm Phật là gì?
Đáp: Đó là Trì danh niệm Phật, Quán tượng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật và Thật tướng niệm Phật. Quán tượng để thúc liễm thân tâm, có thể làm tiền đạo cho Quán tưởng, lại thêm Trì danh làm trợ duyên. Thật tướng tức lìa tất cả tướng, dứt lỗi bặt lầm, chẳng thể nghĩ bàn. Khi trì danh đạt đến lý nhất tâm, Quán tưởng đạt đến chỗ giác quán đều bặt thì đồng trở về thật tướng. Đạt đến chỗ cùng tột của niệm Phật thì thần công diệu dụng chẳng thể luận bàn, suy lường được.
30. Hỏi: Niệm Phật vốn cho là dễ hành, vì sao nay lại nói khó đến như vậy?
Đáp: Nói dễ là có hai ý: Một, đối với hàng trung hạ căn, nếu muốn đoạn dứt luân hồi, thẳng đến tây phương, vĩnh viễn xa lìa sanh tử, chỉ cần chuyên chí niệm Phật, tâm không điên đảo. Được như thế, chẳng luận hiền ngu, tất cả đều thành tựu. Cho nên nói dễ. Hai, tu sáu độ muôn hạnh phải trải qua a-tăng-kỳ kiếp huân tu mới thành Phật đạo. Nay chỉ niệm danh hiệu Phật A-di-đà, nếu chánh niệm rõ ràng, chẳng kể lâu mau, đều được đức A-di-đà tiếp dẫn, gá thân nơi thai sen, được bất thoái chuyển. Như thế, há chẳng dễ sao?
31. Hỏi: Người xưa nói rằng: “Vạn người tu, vạn người vãng sanh”, vì sao ngày nay người niệm Phật chưa chắc chắn vãng sanh?
Đáp: Kinh Lăng-nghiêm ghi: “Nhớ đến Phật nghĩ đến Phật, hiện tiền hoặc tương lai nhất định gặp Phật”. Đó là do cảm ứng đưa đến. Nếu vạn người chân thật cảm thì vạn người chân thật được ứng. Đó gọi là vạn người tu vạn người vãng sanh. Ngày nay người niệm Phật cầu vãng sanh, tuy miệng niệm Phật mà tâm chẳng nương Phật, vẫn như xưa, tự buông lung tâm ý, thế thì làm sao? Vừa nghe lời chân thật liền cho là khó mà kinh sợ, vừa nghe một lời phương tiện liền cho là dễ mà bỏ qua. Niệm Phật như thế, thật ra chỉ là hình thức mà thôi, chưa hẳn được vãng sanh. Nếu thấy khó chẳng sợ, thấy dễ chẳng bỏ qua, thường mong được chỉ dạy, luôn tinh tấn tư duy, nương Phật mà niệm Phật, thì lời của người xưa nhất định chẳng dối ông vậy.
32. Hỏi: Đã phát nguyện vãng sanh, chỉ cần niệm Phật, sao phải nhờ tu các công đức để trở thành nhân hữu lậu?
Đáp: Người tu Phật đạo thì nên trân quí cả phước và huệ. Hữu lậu hay vô lậu, tùy tâm người qui hướng. Chẳng thể vì phước hữu lậu vô thường mà bỏ phước đức lớn trang nghiêm Tịnh Độ. Cho nên kinh A-di-đà ghi: “Chẳng thể do một ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được vãng sanh Cực Lạc? Thiện căn tức niệm Phật, phước đức nhân duyên tức tu tập các công đức. Chương Tam bối vãng sanh trong kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Phát tâm Bồ-đề, tu các công đức, giữ gìn trai giới, xây cất chùa tháp, đúc tạo tôn tượng, dâng cúng sa-môn, treo phan thắp đèn, rãi hoa đốt hương”. Kinh Quán Vô Lượng Thọ ghi: “Muốn sanh về nước kia, nên tu ba phước, một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ hầu hạ sư trưởng, tâm từ chẳng sát sanh, tu thập thiện nghiệp. Hai là thọ trì tam qui, lãnh thọ các giới, chẳng phạm oai nghi. Ba là phát tâm Bồ-đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyên người tu hành”. Lại nói: “Phát ba tâm, liền được vãng sanh. Đó là Chí thành tâm, Thâm tâm và Hồi hướng phát nguyện tâm. Đầy đủ ba tâm này, nhất định được vãng sanh”. Lược nói như thế, không thể nêu hết, người học nên hết lòng vậy!
33. Hỏi: Niệm Phật vốn là pháp dễ hành trì, nếu nói như trên, há chẳng phải khiến cho người chùng bước sao?
Đáp: Đức Phật không nói hai lời, chỉ tự người nghe khéo hiểu. Căn tánh nhất định có lợi độn, sức người có mạnh yếu. Chỉ nên gắng sức tư duy, khổ thân tận tụy. Há lo buồn là không đủ sức sao?
34. Hỏi: Tại gia niệm Phật luôn bị các việc thiện trói buộc, có phương pháp gì khiến không trở ngại việc tu tập chăng?
Đáp: Việc này thuộc về mình khéo hay không khéo hành xử. Nếu hành xử đúng thì không ngại.
35. Hỏi: Niệm Phật và trì chú giống nhau chăng?
Đáp: Không giống. Chú có sức oai thần chẳng thể nghĩ bàn, chỉ cần như pháp gia trì liền thành tựu sức cơ cảm, không cần tham cứu. Niệm Phật thì có sự có lý, có tánh có tướng, có quyền có thật. Cần phải do tham cứu mới sáng tỏ. Nên không giống nhau.
36. Hỏi: Niệm Phật và tụng kinh giống nhau chăng?
Đáp: Có thể cho là giống nhau. Vì sao? Vì tụng kinh, nếu nói rộng thì trong kinh tuy có biết bao nghĩa văn, biết bao nghĩa câu, biết bao nghĩa chữ, nhưng không ngoài một nghĩa Phật. Như ngài Thiên Thai nói: “Phàm nói Phật thì đã cùng khắp tất cả”. Nay niệm Phật, tức niệm tất cả nghĩa kinh, tất cả nghĩa văn, tất cả nghĩa câu, tất cả nghĩa chữ. Vì sao? Vì Phật nghĩa là Giác. Kinh ghi: “Diệu giác vô thượng cùng khắp mười phương xuất sanh Như Lai, đồng một thể bình đẳng với tất cả pháp.
37. Hỏi: Công phu niệm Phật, theo thứ tự có mấy bậc, có mấy giai đoạn khẩn thiết?
Đáp: Thứ tự có ba bậc là chuyên tâm niệm Phật, cứu tâm niệm Phật và nhất tâm niệm Phật. Lại có ba lúc khẩn thiết là khi bệnh, tuổi già và lâm chung.
38. Hỏi: Khi niệm Phật có tạp niệm xen vào. Xin hỏi tạp niệm này từ đâu đến?
Đáp: Trong một thân chỉ có một niệm, niệm niệm Phật cũng là nó, niệm niệm tạp cũng là nó, chỉ do một niệm này thôi. Khi không thể hoàn toàn trở về một niệm Phật, tức đã có ít phần vượt ra ngoài niệm Phật này. Tạp niệm, tức những niệm ngoài niệm Phật mang lấy nghiệp chủng trần lao, thừa lúc niệm Phật bỗng nhiên chen vào.
39. Hỏi: Làm sao trừ diệt tạp niệm?
Đáp: Chẳng cần tiêu trừ, chỉ nên phấn phát tinh thần, dùng một niệm này đặt trọn nơi Phật, tức tạp niệm liền không.
40. Hỏi: Dù biết như thế, nhưng ngặt nỗi tinh thần yếu kém, chẳng thể khiến tạp niệm rỗng không, như thế phải làm sao?
Đáp: Đạo lực chưa đủ, còn nhiều loạn tưởng, nên thâu nhiếp sáu căn, dần dần trở về thanh tịnh. Bất đắc dĩ, tạm dùng phương tiện đuổi trừ. Tức khi niệm Phật mà tạp loạn khởi thì chẳng cần để ý đến nó, vẫn cứ niệm Phật, mắt nhìn thẳng vào tượng Phật, hoặc tâm niệm chuyên chú vào tượng Phật, tự nhiên không còn tạp niệm. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.AUSTRALIA,SYDNEY.27/6/2014.

No comments:

Post a Comment