Thursday 26 June 2014

41. Hỏi: Thực hành như thế, lúc đầu thật hiệu nghiệm, lâu dần tạp niệm lại khởi, phải làm sao?
Đáp: Nội tâm hỗn trược, ngoại cảnh loạn động, niệm Phật chẳng được đắc lực. Thậm chí còn bị tạp niệm trói buộc chặc. Lúc bấy giờ không nên nóng vội, chỉ giữ cho tâm tư trong lặng, từ trên niệm đề khởi hồng danh Phật, từ miệng phát ra âm thanh, từ tai nghe rõ ràng từng tiếng. Lại từ niệm lưu xuất, xoay vòng luân chuyển, xuyên suốt không cho gián đoạn. Được như thế, tạp niệm liền không.
42. Hỏi: Phương pháp này ắt là kỳ diệu, ngặt nỗi người độn căn không thể hành trì, vậy phải làm sao?
Đáp: Đại sư Trí Giả lập hai môn thích và chán. Người mới phát tâm vào đạo, cần phải khởi tâm thích và chán. Một đời giữ được tâm ấy thì tinh tấn tự phát, dù nội tâm hỗn trược cũng dần dần được lặng trong; ngoại cảnh có loạn động cũng tự nhiên tiêu tán. Khi niệm Phật liền biết khinh an, vui thích. Nếu chẳng sanh tâm thích và chán, thì hoàn toàn không có đường vào.
Nếu người không biết thực hành công phu, niệm Phật có nhiều tạp tưởng, thì khi niệm tiếng “nam-mô A-di-đà Phật” thứ nhất ta ghi nhớ tại chữ Nam, tiếng thứ hai ta ghi nhớ tại chữ Mô, cứ như thế đến chữ Phật rồi trở lại chữ Nam, liên tục ghi nhớ không cho lẫn lộn và gián đoạn thì tạp niệm không có chỗ để chen vào.
43. Hỏi: Hàng thượng căn niệm Phật, tạp niệm khởi lên thì phải làm sao?
Đáp: Kinh Viên giác ghi: “Biết là hoa đốm trong hư không, tức không luân chuyển, cũng không có thân tâm lãnh thọ sanh tử”, huống gì là tạp niệm?
44. Hỏi: Niệm Phật đã nhiều năm, vì sao không đắc lực?
Đáp: Vì tâm không làm chủ được, chỉ theo cảnh theo duyên, mặc cho niệm nhiều năm, đâu thể đắc lực.
45. Hỏi: Vãng sanh hay không vãng sanh, lợi hại tại đâu?
Đáp: Một niệm tương ứng với A-di-đà Phật là lợi, còn một mãy duyên trần không buông được là hại. Tương ứng, giống như nói “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
46. Hỏi: Tịnh nghiệp lấy gì làm gốc, lấy gì làm nhân, lấy gì làm cứu cánh?
Đáp: Người tu Tịnh nghiệp nên lấy tâm Bồ-đề làm gốc, lấy niệm Phật làm nhân, lấy tự lợi và lợi tha làm cứu cánh.
47. Hỏi: Một công đức thiện nhỏ cũng đều hồi hướng tây phương, nay không niệm Phật, chỉ tụng kinh, trì chú hồi hướng tây phương, nghĩ cũng không trái với giáo lý chứ?
Đáp: Đọc tụng kinh Đại thừa, tuy kinh có văn nghĩa rõ ràng, nhưng cũng chỉ là trợ hạnh. Quán kinh nói tu quán, kinh A-di-đà dạy chấp trì danh hiệu, đó là chánh hạnh. Bỏ chánh tu trợ, e rằng chưa đạt lý sâu xa. Ông đâu biết rằng quán tưởng và trì danh, chính là làm cho việc chuyển sanh được thuần thục. Đến lúc mạng chung dễ dàng cảm ứng. Còn tu các hạnh khác sợ rằng nguyện lực yếu kém, dễ bị pháp khác lay chuyển, chướng ngại việc vãng sanh.
48. Hỏi: Niệm Phật chẳng cần phải trường trai, có đúng vậy chăng?
Đáp: Nếu trước đã phát tâm Bồ-đề, nhất định chẳng cần phải hỏi lời này. Ngày xưa, có một vị quan hỏi ngài Mã Tổ:
- Ăn thịt hay không ăn thịt là đúng?
Ngài Mã Tổ đáp:
- Ăn là lộc của quan Trung thừa, không ăn là phước của quan Trung thừa.
Lời này thật có ý vậy!
49. Hỏi: Người niệm Phật chẳng trường trai được vãng sanh chăng?
Đáp: Phàm có lỗi nhỏ, công lớn có thể triệt tiêu lỗi. Nay người niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, tâm vô cùng tha thiết, đến lúc lâm chung, đạo lực thắng nghiệp lực, nhất định được vãng sanh.
50. Hỏi: Trong pháp môn Niệm Phật, tôi thường nghe các câu: “Đới nghiệp vãng sanh, mười niệm thành tựu…”, thật là quá dối người!
Đáp: Chư Phật chẳng dối người, chỉ có người tự dối mà thôi. Sao gọi là tự dối? Bởi vì ỷ lại việc đới nghiệp vãng sanh, nên cứ thản nhiên tạo nghiệp. Vì ỷ lại chỉ mười niệm thành tựu, nên cứ mặc tình biếng trễ. Há chẳng biết nói đới nghiệp tức chẳng đợi ba nghiệp đoạn trừ. Nói mười niệm là vì người bận rộn, không có thời gian rãnh để niệm nhiều. Người niệm Phật không biết yếu chỉ này, dần dà để luống qua một đời, đến lúc lâm chung nghiệp lực thắng đạo lực, biết làm sao? Vì thế, lúc bình thường nên trừ dẹp ác nghiệp, tinh tiến vun trồng căn lành, để khỏi phải tự dối mình.
51. Hỏi: Đại sư Liên Trì lúc lâm chung phó chúc: Phải “Lão thật niệm Phật”. Chỉ có Lão thật niệm Phật, nên chẳng cần phải học tập, nghiên cứu và luận nghị ư?
Đáp: Nói Lão thật nghĩa là thuần chân chẳng vọng, chứ chẳng phải không học tập nghiên cứu là Lão thật. Kinh dạy: “Phật pháp, nếu không có người thuyết, dù có huệ cũng chẳng liễu”. Thế gian gọi người chất phác là người Lão thật. Nếu hoàn toàn không có tri thức thì gọi là kẻ ngốc. Nay nói Lão thật niệm Phật chẳng phải là ngốc niệm Phật. Hãy suy nghĩ kỹ!
52. Hỏi: Người đời tâm luôn tán loạn, vọng tưởng chẳng bao giờ dừng trụ, dù chỉ trong một sát-na. Vậy thế nào là làm một người ngốc niệm Phật, không có mãy may hiểu biết?
Đáp: Dù là người ngốc, nhưng khi đã nghe nói niệm Phật là tốt, người ấy liền vui mừng, biết được niệm Phật là tốt. Nghe nói niệm Phật sanh Tây phương, người ấy liền vui mừng, biết được niệm Phật sanh Tây phương. Thế là thành ngốc niệm Phật. Ngày nay ngốc niệm, ngày mai ngốc niệm, niệm mãi đến lúc mạng chung bỗng nhiên đức A-di-đà phóng ánh sáng tiếp dẫn, trong khoảng khắc vãng sanh thế giới Cực Lạc. Những người này có thể cho rằng ngốc mà chẳng ngốc. Còn những người thông minh biết tính toán, điều gì cũng thông, việc gì cũng biết, hôm nay bận rộn, ngày mai bận rộn, nếu là người công lưu hậu thế thì chẳng cần bàn đến, cứ bận rộn mãi đến ngày 30 tháng chạp, bỗng nhiên nghiệp chất cao như núi hiện ra trước mặt. Bấy giờ không biết làm sao, chỉ đợi người đưa đi mà thôi. Những người này có thể cho là chẳng ngốc mà chính là ngốc. Như Lai gọi họ là “Những người đáng thương xót”.
53. Hỏi: Lỗi tại đâu mà tu hành không đạt đến cảnh giới ngộ?
Đáp: Tu hành không có gì khác, chỉ cần diệt trừ các tập khí tạp nhiễm mà thôi. Ví như lau gương, hết bụi dơ thì sự trong sáng hiện. Tất cả chúng sanh đều có tập khí, vì thế trôi lăn trong sanh tử. Niệm Phật tức khiến tâm trở về đại giác, tập khí dần dần tiêu. Như Sơ quả phá hết Kiến hoặc, Nhị quả phá sáu phẩm Tư hoặc, Tam quả lại phá thêm ba phẩm Tư hoặc, Tứ quả phá sạch Kiến Tư hoặc, Duyên giác phá trừ tập khí; mười địa Bồ-tát, mỗi địa phá một phần vô minh; Đẳng giác và Diệu giác cũng như thế. Các bậc đoạn hoặc nầy, ta đâu làm được, chỉ có thể cầu xin chư Phật nhiếp thọ. Thuận theo phương tiện từ bi của Phật, đới hoặc vãng sanh. Nhưng nếu cấu nhiễm sâu dày chẳng thể trừ diệt, thành tu đạo gì đây? Như tham, sân, si, ái, tật đố, xiểm khúc cho đến dối trá, danh lợi riêng tư… đều là ác duyên chướng đạo. Ta chẳng thể diệt trừ chúng, lại bị chúng làm chướng ngại, vì thế tu hành chẳng đạt đến cảnh giới giác ngộ.
54. Hỏi: Thầy thân, bạn thiết thường lo sợ kéo nhau vào hầm lửa, mù mắt tu bừa, e lại trở thành hỗn loạn. Văn, tư, tu đã thiếu, tiến thối chẳng biết nương đâu?
Đáp: Mạt thế, pháp suy ma thịnh, chẳng cần phải bàn đến. Nhưng lóng tâm xét kỹ, trong thiên hạ chẳng phải không có thiện hữu. Bấy giờ cần phải gấp rút xem kinh, không được trì hoãn. Chỉ cần biết được đạo lý xem kinh là tốt. Như người tu Tịnh Độ xem kinh, trước hết nên xem kinh về Tịnh Độ, tham cứu kĩ càng, thể hội được lý, thông thấu đến nguồn, chớ mê tình chấp chướng. Rõ ràng pháp môn mình, rồi tùy tâm lực mà xem các kinh khác. Như nay các cư sĩ tại gia, phần nhiều lại xem chú giải kinh Kim Cang. Tuy tu Tịnh nghiệp mà không hiểu kinh sách nói về Tịnh nghiệp, thì thật là vô ích mà tổn hại nữa.
55. Hỏi: Kinh Kim Cang thần diệu khó lường, kinh A-di-đà tầm thường không có gì kỳ đặc. So sánh hai kinh có thể biết được hơn kém. Ngài nghĩ thế nào?
Đáp: Người tu hành xem kinh Phật, hiểu nghĩa Phật, gặp nghĩa thần diệu khó lường thì cho là hơn, gặp kinh bình thường không kỳ đặc thì cho là kém, thật không nên. Xem kinh hiểu nghĩa, cần phải ở nơi thần diệu khó lường tìm ra lý bình thường không kỳ đặc. Ở nơi bình thường không kỳ đặc tìm ra lý thần diệu khó lường. Được như thế mới gọi là người có mắt trí tuệ.
56. Hỏi: Chương Tam bối vãng sanh trong kinh Vô Lượng Thọ nói phát tâm Bồ-đề là then chốt của việc vãng sanh. Nay vì sao các thiện tri thức chỉ nói cho người nghe về niệm Phật mà không đề cập đến tâm Bồ-đề?
Đáp: Long Thư Tịnh Độ bản hiệu đính thiếu câu phát tâm Bồ-đề, nên ngài Vân Thê đính chính. Ngài Tỉnh Am chăm chăm về việc này, nên soạn: “Khuyến phát Bồ-đề tâm văn”, nội dung rất tha thiết. Từ xưa, các đại thiện tri thức khai pháp môn Niệm Phật, nhất định lấy việc phát tâm Bồ-đề làm đầu để đạt cùng tận được chỉ thú của pháp môn rộng lớn này. Nhưng gần đây, người học càng ngày càng kém, thì đâu cần bàn đến.
57. Hỏi: Kinh Vô Lượng Thọ nói nhiều về năm thiện, năm ác, phải chăng giống với kinh điển Tiểu thừa?
Đáp: Kinh ghi: “Có Bồ-tát muốn nghe kinh này mà chẳng được…” vậy đâu phải là kinh điển Tiểu thừa. Ông y cứ nơi văn, chẳng nương nơi nghĩa thì đâu có được. Nhưng nay đã hỏi, thì tôi thử giải thích. Bởi  sau khi các kinh pháp diệt hết, chỉ còn kinh này lưu hành một trăm năm để độ những người có duyên. Vã lại trong thời mạt pháp căn khí con người ngày càng chậm lụt. Đức Phật với tâm từ bi sâu rộng, dùng những lời thiết thật mà chúng sanh ngu độn có thể hiểu được để chỉ bày. Nên kinh nói như thế.
58. Hỏi: Hồi hướng là tự cho rằng vì khắp tất cả chúng sanh, độ tất cả chúng sanh. Nguyện rỗng như thế mà nói: “Có nguyện ắt thành”, thật là khó tin?
Đáp: Có lời mà vô tâm mới gọi là nguyện rỗng suông. Thật đã có tâm thì liền thành nguyện chân thật. Cho nên nói “ắt thành” vậy. Nếu đột nhiên nói: “Hiện tại vì khắp, tương lai độ khắp”, hẳn đó là lời nói suông. Trong kinh Hoa nghiêm, khi Thiện Tài đồng tử tham học khắp năm mươi ba vị thiện tri thức có nói: “Trước kia ta đã phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, mà chưa biết đạo Bồ-tát. Làm thế nào để học đạo Bồ-tát, tu hạnh Bồ-tát. Ta nghe bậc thánh khéo hay chỉ dạy, xin nói cho  nghe”.
Đây là một cách phát tâm tu hành tốt nhất. Tức trước đã phát tâm Bồ-đề thì tất cả việc tu hành đều từ tâm Bồ-đề lưu xuất. Đồng thời vì khắp tất cả chúng sanh, độ khắp tất cả chúng sanh, cũng đều từ tâm Bồ-đề phát khởi, chân thật chẳng luống suông. Về lý, có gì không thỏa đáng?
59. Hỏi: Kinh A-di-đà ghi: “Chẳng thể với một ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh nước kia”. Vậy có phải nhiều mới được sanh, ít thì chẳng được sanh chăng?
Đáp: Xét ba bậc vãng sanh trong kinh Vô Lượng Thọ, câu này chỉ cho bậc thượng, còn trung, hạ thì có khác.
60. Hỏi: Có phải niệm Phật cốt ở tâm trì, đâu cần phải niệm ra tiếng chăng?
Đáp: Tâm trì niệm danh hiệu Phật, rất hợp yếu chỉ sâu xa. Nhưng niệm Phật thành tiếng là dùng tiếng Phật để trợ duyên, đồng có lợi ích cho người và ta. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.27/6/2014.

No comments:

Post a Comment