Thursday, 12 June 2014

ĐẠO PHẬT – MẤY ĐIỀU NGỘ NHẬN.

 
ĐẠO PHẬT – MẤY ĐIỀU NGỘ NHẬN.
 
* * *
Cũng đã hai ngàn năm, đạo Phật đồng hành cùng dân tộc. Có một thời, ở vị trí gần như là quốc giáo. Có một thời hưng thịnh, cùng đất nước đánh đuổi đế quốc Nguyên Mông xâm lược, cùng giúp vua an trị cho muôn dân. Cũng có khi suy thoái, do nhiều nguyên nhân, khách quan cũng có, mà chủ quan cũng có, làm cho người ngộ nhận cũng nhiều…
Đạo Phật là một tôn giáo?
Một câu hỏi thừa chăng? Thưa không, từ nguyên thủy, đạo Phật thực sự chính là một nền giáo dục. Đức Phật chứng ngộ được đại đạo cũng chính là thấu triệt được toàn bộ sự vận hành của vũ trụ này trong đó có kiếp nhân sinh với chuỗi khổ đau sinh-lão-bệnh-tử. Do lòng từ bi trong vô lượng kiếp, Ngài đã đem phương thức diệt khổ giảng dạy cho chúng sinh để có thể giải trừ mê lầm mà sống trong hạnh phúc thiết thực cho mình, cho người. Người đương thời cảm nhận được lời dạy của Ngài mà đến xin theo học, mặc nhiên tạo thành Tăng đoàn, tôn xưng Ngài là vị thầy còn mình là đệ tử. Trong kinh Phước đức (Mahamangala sutta, tạng Pali), có kể về việc một vị thiên cũng đến xin Ngài chỉ dạy thế nào là phước đức để giúp cho đời sống an lành. Chính vì vậy mà chúng sinh đã tôn xưng Ngài là Thiên Nhân Sư, tức vị Thầy của cả trời và người. Đã tôn xưng Ngài là Thầy, vậy thì Tăng đoàn của Ngài chính là một môi trường giáo dục chứ còn gì nữa?
Cũng xin nói thêm, trong số các danh xưng của đạo Phật, xưa người Trung Hoa phần lớn dịch lấy nghĩa nhưng cũng có nhiều chữ phiên âm như chữ “Hòa thượng” (Upadhyaya) có nghĩa là Thân giáo sư, tức vị thầy thân thiết dạy đạo cho chúng ta. Cũng còn những danh xưng nữa như A-xà-lê, phiên âm từ chữ Acarya mà dịch và âm ra tiếng Hán Việt là Giáo thọ, là người thay mặt cho Hòa thượng để giảng dạy kinh luận. Ngoài ra, cách sắp xếp trong các tự viện tại Trung Hoa xưa chẳng khác gì trong các trường học hiện nay: Hòa thượng cũng như hiệu trưởng, quyết định mọi nguyên tắc đào tạo, sắp xếp giáo trình và giáo thọ giảng dạy. Phụ giúp công việc cho Hòa thượng là ba vị: Thủ tọa, coi sóc về giáo vụ; Duy na, coi sóc về huấn đạo và Giám viện, chịu trách nhiệm tổng quát. Cái cơ cấu này, rõ ràng là cơ cấu của một trường học. Thậm chí ngài Tịnh Không còn dí dỏm so sánh ba ngôi vị tu học là A-la-hán tương tự Cử nhân, Bồ tát tương tự Thạc sĩ và Phật tương tự Tiến sĩ! (*)
Còn nữa, vẫn còn đó di tích của một trường đại học nổi tiếng mà khách du về xứ Phật, bên cạnh Tứ động tâm, không thể không bái viếng: Đại học Nalanda (tên đầy đủ là Mahavihara Nalanda) mà theo các nguồn tài liệu, đương thời có khoảng 3.000 giáo sư với 10.000 sinh viên lưu trú tu học thường xuyên.Chư vị viện trưởng trường đại học này là những bậc cao Tăng lỗi lạc, tài đức vẹn toàn mà ngày nay chúng ta vẫn tri ân và kính ngưỡng: Nagarjuna (Long Thọ), Asanga (Vô Trước), Vasubandhu (Thế Thân)… Cũng có một điều lý thú mà chắc ai cũng nhớ, đó là ngài Tam Tạng Trần Huyền Trang đời Đường, trên đường thỉnh kinh, đã một thời từng trú lại tham học tại Nalanda.
Rõ ràng, những chi tiết nêu trên đã khái quát cho chúng ta thấy đạo Phật, thoạt tiên chính là một nền giáo dục, hơn nữa, một nền giáo dục trí huệ. Tại sao lại là giáo dục trí huệ? Vì nền giáo dục này bao hàm vô lượng vô biên nguyên lý và hiện tượng trong vũ trụ. Trên phương diện thời gian, nó bao hàm cả quá khứ, hiện tại và vị lai. Trên phương diện không gian, nó bao hàm cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong tâm ý, trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta cho đến các hiện tượng vô cùng vô tận trong vũ trụ. Chính do vậy mà nơi các tự viện hiện nay, chư vị Phật tử có để ý thấy trên tường giảng đường, bên cạnh ảnh tượng đức Thế Tôn đặt ở nơi trang trọng nhất, là tấm hoành phi sơn son thếp vàng với dòng chữ Duy Tuệ Thị Nghiệp, có thể hiểu là Chỉ có Trí Tuệ là sự nghiệp của chúng ta?
Chỉ có điều về sau, trên con đường hoằng pháp sang Trung Hoa, nhằm thích ứng với văn hóa và tập tục bản địa mà nhu cầu tâm linh vốn thiên về lễ bái và mong cầu; đã chuyển biến rồi dần trở thành một tôn giáo và đấng Thiên Nhân Sư mặc nhiên trở thành… Giáo chủ.
Đạo Phật bi quan và yếm thế?
Cũng lại một câu hỏi thừa nữa chăng? Thưa, không đâu. Thực sự là lác đác đâu đó trong dân gian đã có một cái thấy “ngoài da” như vậy.
Chính các danh tự trong giáo lý Phật pháp về không, về vô thường… đã tạo nên cái quan niệm sai lạc này. Nghe chữ không, chữ vô thường, người ta cứ hiểu một cách “ngoài da” rằng vật chất thì dẫy đầy chung quanh mình trong khi đạo Phật lại chủ trương… chẳng có gì hết! Làm sao mà sống khi không có nhà, không có xe, áo quần, thức ăn, ti vi, tủ lạnh, điện thoại di động, máy tính…? Vật chất cần thiết như vậy mà lại bảo rằng là không, là hư vô, chẳng phải yếm thế là gì?
Một nguyên nhân thứ hai nữa là quang cảnh tôn nghiêm của các tự viện, vốn nhằm tạo sự thanh tịnh cho chư Tăng tu tập, đồng thời cũng để giúp chư vị Phật tử một khi bước vào chùa, có thể gác lại bên ngoài mọi lo toan, ưu phiền thế tục nhằm tìm lại sự thanh thản cho tâm hồn. Đây là một hiệu quả rõ rệt mà không gian tự viện đã đem lại cho Phật tử và mọi người đều cảm nhận được. Nhưng chính quang cảnh tôn nghiêm và thanh tịnh này lại làm cho những người đứng bên ngoài cho là u sầu, thêm vào đó là tiếng chuông chùa sao mà trầm buồn, nhuốm đầy vẻ bi quan! Họ đâu biết rằng, âm thanh của tiếng chuông chùa, nói đúng hơn là tiếng chuông đại hồng, có bước sóng dài, nên khi thỉnh khoan thai thì trầm lắng, có tác dụng giúp cho tâm thanh tịnh ngõ hầu có cơ duyên tìm lại được cái chân tâm diệu hữu của mình; mà khi dồn dập như thỉnh chuông trống Bát nhã thì trầm hùng, có tác dụng đem lại sự tỉnh thức nhằm khơi dậy trí tuệ cho người nghe. Chính vì vậy mới có tên là chuông trống Bát nhã, vì Bát nhã (Prajna) vốn nghĩa là trí tuệ.
Cũng còn một nguyên nhân thứ ba, có thể coi như là phát sinh từ lĩnh vực văn học nghệ thuật. Nếu như hai nguyên nhân trên do từ cảm tính sai lạc mơ hồ, thì nguyên nhân thứ ba này lại rất cụ thể và gây ảnh hưởng rõ nét đến đại đa số quần chúng. Đó chính là cái việc cho rằng chỉ những ai chán đời, thất tình mới cạo đầu đi tu, nhằm… tìm quên nơi chốn cửa thiền. Điển hình như cuốn tiểu thuyết Tắt lửa lòng (1933) của nhà văn Nguyễn Công Hoan mà về sau được các nhà văn nghệ sĩ chuyển thể thành Chuyện tình Lan và Điệp. Thôi thì đủ thể loại, từ cải lương đến kịch nói, từ tân nhạc đến cổ nhạc, thậm chí đến cả tân cổ giao duyên, nghĩa là có đủ thứ Lan và Điệp! Cái nguyên do “thất tình đi tu” này có vẻ lãng mạn nên mặc nhiên được thiên hạ chọn làm motif để viết nên những câu chuyện tình não nuột mà trong đó, cứ khi nào gặp trắc trở không lấy nhau được thì người con gái cạo đầu vào chùa mà từ hoa mỹ thường viết là nương tựa chốn thiền môn! Điều lý thú rằng, đây là một cái vòng lẩn quẩn: Người ta cho là vì yếm thế, bi quan mà đi tu; giới văn nghệ sĩ lấy đó viết nên tuồng, truyện; người ta đọc xem tuồng, truyện lại càng tin rằng đi tu vì… bi quan và yếm thế! Sẵn nhắc đến Lan và Điệp, cũng xin kể hầu chư vị một chuyện vui mà các bạn trẻ thường hay đùa nhau. Hỏi: Tại sao khi giã biệt Lan ở cổng chùa, Điệp lại khóc? – Thì tại nhớ thương Lan chớ gì! – Trật! – Vậy chớ tại sao? – Điệp khóc vì đau do vô ý bị kẹp tay khi Lan đóng cổng chùa!HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.13/6/2014.

No comments:

Post a Comment