CẢNH GIỚI: CÕI THIÊN – ATULA – BỐN LOÀI CHÚNG SINH.
CẢNH GIỚI:
CÕI THIÊN – ATULA – BỐN LOÀI CHÚNG SINH
* * *
Dù được hưởng phước báo sung sướng trên các cõi trời, nhưng chưa phải nơi đã được giải thoát hoàn toàn, cho nên người Phật tử chân chinh cần nên có thái độ dứt khoát để chọn nghiệp sau này.
Các loài đều được coi như có sự bình đẳng trong việc cấu tạo nên thân mạng, dù chúng mang lớp gì đi nữa, chỉ có đạo Phật mới chủ trương được như thế mà thôi.
CÁC CÕI THIÊN CÓ LỐI SINH HOẠT NHƯ THẾ NÀO?
Thiên là trời, tiếng dùng để gọi chung cho tất cả các cảnh giới trên thế giới của loài người. Các cõi trời được ghi nhận gồm có 33 cảnh giới khác nhau.
Nhờ tu theo pháp Thập thiện (10 điều lành), sau khi mãn báo thân nầy ở đời, con người được sanh lên các cõi trời Sắc-giới và Vô-sắc-giới. Cõi trời Vô-sắc-giới có các trụ xứ như : Phi-tưởng, phi-phi-tưởng-xứ, thức-vô-biên-xứ, vô-sở-hữu-xứ …
Con người sống nơi các cõi trời được hưởng mọi sự sung sướng, nhưng vẫn còn phải bị đọa lạc như con người ở thế gian nầy, nếu hết phước báo mà không lo tu thiện. Do đó, việc lấy 10 điều lành làm nhân trong việc tu tập là điều cần thiết để hưởng được quả nơi các cõi trời. Ngoài ra, thì giờ ở các cõi trời cũng dài hơn ở thế giới chúng ta. Cõi phi tưởng, con người nơi đó không còn tưởng nghĩ như chúng sanh cõi dục nữa. Vượt cao hơn thêm một bậc, người ở cõi phi-phi-tưởng xa lìa tất cả mọi việc nói năng nghĩ bàn. Cho đến món ăn của họ đều bằng thiền định, thức mặc cũng do thiên y tạo thành. Cõi thức-vô-biên-xứ, con người không còn trụ tâm vào nơi ý thức nữa mà đã vượt ra ngoài ngôn ngữ luận bàn của chúng ta. Xa hơn một từng nữa, cõi vô-sở-hữu-xứ, con người ở đó lìa tất cả mọi ý nghĩ, sống bằng trực giác, cũng như việc giao thiệp với nhau đều do trực giác cả.
Người nơi các cõi trời có thể bay đi tự tại từ thế giới nầy qua thế giới khác trong khoảnh khắc thời gian chừng một bửa ăn mà không cần thủ tục thông hành rắc rối lôi thôi. Mỗi sáng, mọi người tụ tập hội lại một nơi do hiệu lệnh báo giờ ăn. Thức ăn toàn bằng hương hoa, mỹ nhạc trổi lên để mọi người tới đó hưởng cái hương vị cũng đủ no, không cần phải ăn uống thô tục như chúng ta. Sau khi thọ thực xong, mỗi người ai về cõi nấy và hẹn ngày hôm sau lại gặp nhau ở một nơi đã định.
* * *
CẢNH GIỚI CỦA LOÀI A-TU-LA NHƯ THẾ NÀO?
Trong ba đường ác là địa-ngục, ngạ-quỷ và súc-sanh được coi là những nơi xấu xa, bẩn thỉu nhất, và trên đó một bậc có cảnh giới của loài A-tu-la, cũng còn nằm trong vòng trầm luân của sáu đường dữ.
A-tu-la là loài quỷ thần ở giữa thế giới của loài người. Thần có khi là thiện thần và có khi là ác thần. Thiện thần thường hay gần gũi, ủng hộ người, nhưng ác thần lại tìm cách khuấy phá cuộc sống của dân gian. Con người phần nhiều đều không hiểu nổi loài thần, nên phải cúng cấp, cầu khẩn để mong được gia hộ, chở che. Những anh hùng, chí sĩ khi chết trên tên đạn một cách oan ức thường hiện thành thần và được dân chúng cúng bái đầy đủ, cũng có những ý niệm về loài quỷ thần, không còn xa lạ đối với chúng ta.
Cảnh của A-tu-la không có hình tướng nhất định và loài quỷ thần cũng biến dạng thay hình rất nhanh chóng. Ngoài ra, thần cũng có thể bay đi tự tại được trong thế giới như chỗ không người mà ít có ai thấy được hình dung.
A-tu-la nhiều khi được người ta kính nể, có lẫn sự căm thù do nhiều nguyên nhân khác nhau, cho nên dù được coi trọng, chúng cũng phải ở dưới loài người một bậc.
* * *
TỨ SINH LÀ GÌ ?
Tứ sinh là bốn loài động vật có sinh mạng và hình thành trong một thân xác không đồng nhau.
Bốn loài động vật là:
- Thai sinh
- Thấp sinh
- Noản sinh
- Hóa sinh
Thai sinh là loài động vật thọ hình bằng bào thai như người, trâu, bò, heo, chó … Con người từ khi thọ thai cho tới lúc sanh ra phải ở trong bụng mẹ hơn 9 tháng, trong khi đó loài trâu, bò, ngựa có khoảng thời gian thọ thai lâu hơn lên tới một năm từ lúc bắt đầu tượng hình cho đến khi ra đời.
Thấp sinh là loài vật sinh nơi ẩm thấp như trùn, dế, sâu, bọ, rắn, rết … Những loài nầy có thân hình lớn nhỏ không đồng nhau, hoặc có 4 chân hoặc không chân hay nhiều chân …
Noản sinh là loài đẻ trứng như gà, vịt, chim, cá … Sau khi đẻ trứng, con mẹ phải ấp trứng một thời gian 20 ngày như gà, chim hoặc 30 ngày như vịt để sau đó trứng nở thành con. Có một điều đặc biệt hơn cả là loài đẻ trứng khi vừa nở ra con là có thể chạy nhảy, ăn uống được tự nhiên rất mạnh khỏe. Trong khi đó loài mang thai cũng có một hoàn cảnh tương tự, trừ loài người. Người là loài động vật yếu đuối nhất trong muôn vật. Con người từ lúc sanh ra cho tới khi biết đi đứng, nói năng phải trải qua từ 8 đến 12 tháng mới thành được. Lúc đầu con người không tự ăn uống được mà phải do người mẹ săn sóc sú mớm sữa, cơm hay cháo cho độ 6 tháng sau, em bé mới tập ăn uống dần dần được.
Hóa sinh là loài biến hóa như loài ấu trùng, loài bướm, nhộng, muỗi, ve … Chúng phải thay hình đổi xác như lột da hay vỏ để thành một giống vật khác như con ngài hóa nhộng, tằm hóa bướm, lăng quăng hóa muỗi v.v…
Trong bốn loài động vật đó, loài người được ghi nhận là khôn lanh hơn cả, biết biến chế đồ vật để sử dụng và có trí khôn tuyệt vời. Nhưng nếu không tu, con người cũng sẽ bị đọa làm thú sau khi chết. Đó là luật nhân quả tất định.
THAI SINH LÀ LOÀI SINH SỐNG Ở ĐÂU?
Chúng sinh có rất nhiều loài như sinh bằng cách biến hóa thay hình đổi xác, hoặc do trứng nở thành, con ở trong bào thai sinh ra gọi là thai sinh.
Cùng loại với thai sinh, con người được coi như là giống vật tinh vi nhất, biết biến chế đồ vật thành đồ sử dụng, đồ trang sức và biết sống nương tựa lẫn nhau. Con người thời cổ cũng đã biết sử dụng lửa để nung chín các thức ăn. Trí khôn của loài người đã đạt được đến chỗ tuyệt đỉnh, biết khám phá ra màn bí mật của vũ trụ và những hiện tượng thiên nhiên như sấm, chớp, gió, mưa, động đất … để dự phòng những tai họa xảy đến. Ngày nay khoa học tiến bộ, con người đã lên được cung trăng mà năm, mười thế kỷ trước được xem như là việc quá xa vời và khó khăn. Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận rằng loài người yếu đuối nhất trong các loài động vật sinh trưởng trong lốt thai bào. Thật vậy, lúc em bé vừa cất tiếng khóc chào đời, đã phải do sự săn sóc của người mẹ và trải qua trong vòng 8 tháng, 12 tháng hoặc hơn nữa, trẻ mới tập đi và học nói cũng như tự ăn uống được một vài thức mềm nhẹ, dễ tiêu hóa. Chính nhà bác học Pascal (1623-1662) cũng đã nhận xét về con người qua câu nói bất hủ như sau :
“L’homme est un roseau faible dans l’universe, mais un roseau en pensant”.
(Con người là một cây sậy yếu đuối trong vũ trụ, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ).
Thế nhưng các loài động vật khác có cùng lối sinh nở giống loài người như trâu, bò, heo, ngựa v.v… khi vừa mới sinh ra là đã biết chạy và ăn uống mạnh khỏe như thường.
Loài người chỉ khôn hơn muôn vật về khía cạnh tư tưởng, nhưng chưa chắc đã giỏi bằng loài đồng vật về bản năng sinh tồn, làm tổ, di động …
THẤP SINH LÀ LOÀI VẬT NHƯ THẾ NÀO?
Muôn loài, vạn vật đều ở trong 4 loài sinh sản khác nhau, nhưng cùng là giống động vật. Phật giáo gọi những loài nầy trong một danh từ tổng quát là chúng sinh.
Thấp sinh là giống vật sinh ra dưới những nơi ẩm thấp, dơ dáy như trong bùn, trong đất cát có loài trùng, giun (trùn), rắn, rết … Chúng có thân hình nhỏ, thường là loài bò sát có chân hoặc không chân. Khoảng thời gian sinh ra và tồn tại của loài động vật ở những nơi ẩm ướt thường ngắn ngủi. Chúng thường bị đe dọa, khủng bố, sát hại bởi các loài vật lớn hơn như là thứ mồi dinh dưỡng. Khi Thái-tử Tất-Đạt-Đa chưa xuất gia, Ngài có lần đi ngoạn cảnh và chứng kiến cảnh một người nông dân đang cày ruộng, những loại côn trùng vừa từ luống đất cày mới lật lên, liền bị loài chim mổ bắt, đàng sau bầy chim, người thợ săn đang rình bắt chúng.. Cứ như thế mà sự tranh nhau để sống giữa các loài vật tiếp tục diễn ra thành một trường tranh đấu chém giết không ngừng. Đây là một trong nhiều động cơ khiến Thái-tử lìa bỏ ngôi báu để xuất gia tầm đạo.
Chúng ta vì nhân danh trí khôn của loài người để sát hại các loài khác không cùng giống loại. Chư Phật, các vị Bồ-Tát vì lòng bi nguyện, xem muôn loài, vạn vật đều bình đẳng như nhau. Từ loài bò, bay, cựa, động thấp nhất như giống côn trùng nhỏ nhoi cho đến các loài cao đẳng động vật như người đều có thể tiến hóa được nếu biết tu sửa theo thuyết nhân quả, nghiệp báo của Phật giáo để được thoát kiếp đi đầu thai ở kiếp sau. Còn như con người nếu không biết tu thiện vẫn bị đọa làm giống vật như thường.
Muôn loài vạn vật nếu biết nhìn nhau bằng con mắt tương ái, không cạnh tranh chém giết nhau, thì thế giới sẽ bớt cảnh nồi da xáo thịt và các cuộc chiến tranh đẩm máu không còn xảy ra nữa.
LOÀI NOÃN SINH SANH SỐNG Ở ĐÂU?
Như trong bài Tứ Sinh đã trình bày, noãn sinh là một trong bốn loài động vật có sinh mạng và sống ở trên không, trong đất, dưới nước …
Noãn-sinh là loài đẻ trứng. Từ trứng nở ra thành con như gà, vịt, chim, cá … là những loài động vật lớn ta có thể nhìn thấy dễ dàng, nhưng còn có những loài vật nhỏ hơn cũng sinh nở theo lối để trứng như chí rận, dán, nhện, kiến, tuy chúng vẫn sống lẫn lộn chung quanh loài người, lại ít có ai để ý hay lưu tâm tới. Nếu chịu khó tìm tòi, chúng ta sẽ thấy rằng loài đẻ trứng đông hơn loài người, chúng sống rải rác thành đoàn thể có tổ chức như kiến, nhện, cá … hay sinh hoạt rời rạc như dán, chí … Loài đẻ trứng thường có mạng sống ngắn ngủi như loài gà, vịt chỉ sống lâu nhất được 5 năm là cùng. Dù cho sinh mạng ngắn hay dài, đẹp hay xấu, đạo Phật vẫn tôn trọng mọi loài đều có một giá trị như nhau. Vì câu nói “Tứ sinh chi từ phụ” (cha lành của bốn loài) có một giá trị từ bi và bình đẳng mà chỉ có người Phật tử mới quan niệm được như thế mà thôi.
Tại sao đạo Phật lại chủ trương bình đẳng để hạ thấp giá trị con người ngang xuống với hàng hạ đẳng động vật như thế ?
Thật ra cái giá trị không được căn cứ nơi một thân hình to lớn, cũng không phải do quyền lực và trí khôn để tự nhận mình có giá trị hơn mọi loài mà là do nơi sức mạnh của tinh thần mới thực tiển, đáng kể. Con người có giá trị đáng quý thật, nhưng lúc sống ta chỉ biết làm những việc ác, tới khi chết còn thua kiếp của con vật, thì cái giá trị nào hơn ?
Chúng ta đừng vì cậy thế, ỷ quyền mà coi rẻ sinh mạng của các giống vật khác, nếu không khéo tu con người cũng sẽ đọa làm loài động vật không khác.
LOÀI HÓA SINH CÓ SỰ SINH SỐNG RA SAO?
Các loài động vật do sự xếp loại mà thành bộ loại khác nhau. Theo Phật giáo, chúng sanh là chỉ chung cho 4 loài động vật từ nhỏ đến lớn. Hóa-sinh được xếp và hàng thứ tư trong 4 loài.
Hóa-sinh là loài vật có lối sinh nở bằng cách biến, tức không do từ bao thai mà ra, cũng không do trứng nở, lại cũng không phải từ nơi ẩm thấp để thành hình. Chúng từ một giống vật nầy mà hóa ra giống vật khác như con tằm hòa thành bướm, con lăng quăng hóa muỗi, con ve hóa hình từ con sùng trong lòng đất mà ra. Loài động vật trong lớp hóa sanh thường có thân hình nhỏ và mạng sống rất ngắn ngủi như con lăng quăng chỉ sống được một ngày một đêm, con ve sanh tồn trong vòng một tuần lễ, mặc dù chúng phải ở trong kiếp trùng dưới đất suốt từ 5 đến 6 tháng mới hiện được nguyên hình.
Dù là một sinh vật nhỏ đến đâu, Phật giáo vẫn quan niệm rằng giữa chúng có một giá trị ngang nhau. Con người vì không biết hay do khinh thường các giống vật khác mà không tôn trọng mạng sống của nhau. Cái điểm cao cả nhất, theo Phật giáo, không phải căn cứ vào sức mạnh hay mưu mẹo để hơn được các loài động vật khác mà do nơi giá trị tinh thần mới là điều đáng quý. Loài hóa sinh không nhiều như các loài đẻ trứng, loài sinh nơi ẩm thấp bẩn thỉu, nhưng không phải ít đối với chúng ta. Con vật nào có sanh mạng cũng đều biết tham sống và sợ chết như người cả. Tại sao chúng ta không chịu tìm hiểu ở điểm nầy giữa các loài vật khác mà chỉ nhìn thấy riêng thế giới của con người là tối linh, quan trọng?HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.12/6/2014.
No comments:
Post a Comment