Download trang 22 – "50 hình Đức Phật và PG Tây Tạng" (sau bài viết)
LỜI GIỚI THIỆU
Kính thưa quý Đạo Hữu,
Lotus Productions xin trân trọng gửi đến quý Đạo hữu bài pháp luận "NGÃ TÂM LINH" của TT Thích Trí Siêu
Ngoài ra, chúng tôi cũng vừa upload thêm 50 hình Phật và Phật Giáo Tây Tạng, chất lượng cao, 4000MB/file.
Chúng tôi hy vọng qua bài NGÃ TÂM LINH, giúp chúng ta nhìn lại chính mình . Có phải vì chúng ta có tâm vọng cầu, có tâm nhờ người khác tu thay cho mình mà ngày nay trong Chùa bày ra lắm nghi lề mà Phật không bao giờ dạy? Chúng ta đã huân tu như vậy tự vạn kiếp xa xăm, chúng ta đã bị lớp mê tín dầy đặc ngăn che con đường trở về Phật tâm. Chúng ta tự giam hảm đời mình bằng niềm tin phải niệm Phật, phải tụng Kinh, phải đọc Chú, phải Thiền quán mới đạt đến sự giải thoát. Xin thưa, những việc làm này chỉ là phương tiện, là ngón tay chỉ trăng chứ không là trăng được. Phương tiện đó giúp chúng ta cột tâm mình để không khởi lên vọng niệm, để phát triển tâm lành, vun trồng thiện hạnh hầu chuyển nghiệp mình. Đức Phật dạy trong Kinh Vô Lượng Thọ: “Không chịu tu thiện trước, đến khi gần chết mới ăn năn thì quá muộn, làm sao cứu vãn cho kịp...".
Đó là con đường chúng ta phải kinh qua, đạo Phật không dạy chúng ta TU TẮT, không 1 pháp môn nào được gọi là dễ tu là thù thắng nhất. Vì đã là phương tiện thì tùy căn cơ mọi người để chọn pháp môn và chúng ta phải cố gắng hành thiện, nổ lực công phu tu hành, lội ngược dòng thế tục, phá vỡ màn chắn vô minh trở về nguồn cội Phật tâm tìm lại trí huệ đã bị chôn vùi dưới đáy tàng thức. Đó là ý nghĩa câu : “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành” mà Đức Phật đã phán. Hạt giống trí huệ đã có sẵn, chúng ta phải tự đào bới cho chúng sớm nẩy mầm, đừng mong chờ ai khác làm thay cho mình. Chúng ta sẽ mãi là kẻ lang thang vô định trong sanh tử luân hồi
Kính chúc quý ĐH luôn gặp thuận duyên trên hành trình cầu tìm học đạo. Hoa Chánh Pháp sẽ nỡ rộ làm xóa tan màn đêm mê tín đã phủ che chúng ta từ vô lượng kiếp
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Lotus Productions.
Có nhiều người đi chùa nhưng họ đến để tìm một cái gì đó không liên quan đến việc tỉnh thức tâm linh. Người Tàu đến chùa cúng Phật rất nhiều, để cầu buôn may bán đắt, làm ăn phát đạt hoặc xin xăm xin quẻ, nếu được quẻ tốt thì mừng cúng Phật nhiều, nếu gặp quẻ xấu thì buồn bã bỏ về. Ðến chùa khấn vái xin xỏ như thế thì chùa có khác gì đình miếu. Nhưng khổ nỗi chính những hạng "Phật tử" như thế mới giúp cho chùa khá giả.
Người Việt Nam hiểu Ðạo hơn nên "Tu" cũng khá hơn, đến chùa tụng kinh lễ Phật, học Ðạo nghe pháp, làm công quả. Tụng kinh nhiều thì cho là mình tu nhiều, tu khá, hết tụng kinh bổn đến tụng kinh bộ, hết bộ này đến bộ khác. Lạy Phật thì lạy xong ngũ bách danh, đến tam thiên rồi vạn Phật, cho rằng lạy nhiều chừng nào thì tiêu tội chừng nấy. Học Ðạo nghe pháp cốt để áp dụng tu tâm sửa tánh, nhưng không như thế mà lại dùng kiến thức để phân biệt Thầy này hay Thầy kia dở. Thay vì làm công quả để học hạnh xả thí, lại làm công quả để kiếm điểm với Thầy trụ trì.
Khá hơn là những bậc xuất gia, từ bỏ nhà cửa vợ con đi tu. Nhưng một thời gian sau lại bám víu vào ngôi vị đạo đức của mình. Nói đến đây tôi nhớ lại chuyện của Tổ Huệ Khả. Trong 33 vị Tổ Thiền Tông, tôi thán phục nhất vị Tổ này, dám xả thí thân mạng, chặt tay cầu Ðạo. Là người kế thừa Tổ Ðạt Ma, sau cùng dám xả luôn ngôi chùa, bỏ luôn chức Tổ, chức Hoà Thượng, lăn xả vào chợ, đi vào cuộc đời để tự thử thách mình, tự chứng nghiệm và độ một tầng lớp khác. Người tu không khéo thường hay mắc phải bệnh "ngã tâm linh" (égo spirituel). Mới biết tu một chút tự cho là mình đạo đức. Tu hành chăm chỉ, được bao nhiêu công đức đều bị cái ngã hốt hết.
Tuy là một tu sĩ nhưng tôi không ưa chữ tu chút nào. Tôi đã một lần bày tỏ trong quyển Bố thí ba la mật. Tu đâu phải là làm những điều hình thức bên ngoài, đâu phải tính năm cộng tháng vào chùa. Khoác áo cà sa mà không hiểu bài học thương yêu, giảng nói từ bi mà chỉ biết ích kỷ củng cố địa vị đạo đức của mình. Ngạn ngữ có câu: "Chiếc áo không làm nên Thầy tu" kia mà! Ðối với tôi, tu là tập sống với tâm linh. Chữ tâm linh (spirituel) khác với vật chất (matériel). Tâm linh là tánh linh thiêng của con người, có thể gọi đó là Thượng Ðế, Phật tánh hay Chân ngã... Nhưng điều đó không quan trọng. Ðiều quan trọng đầu tiên là ta có biết đến tâm linh của mình hay không?
Biết sống thật với tình cảm, nội kết của mình hay không? Hay là chỉ thích đóng kịch, mượn danh nghĩa chữ tu để ngầm khoe khoang mình là người có tu, có đạo đức! Tôi tu vì tôi không phải là người đạo đức. Tôi tu vì tôi còn nhiều nội kết chưa được giải tỏa, còn nhiều bài học ở đời mà tôi chưa hiểu. Tôi tu vì tôi hãy còn phân biệt tốt xấu, ưa ghét. Hơn nữa bây giờ tôi không chắc là tôi còn tu theo ý nghĩa phổ thông nữa không, nhưng tôi biết là tôi muốn sống thật. Sống thật với chính mình, với cả tâm hồn và thể xác của mình. Tôi không muốn làm Thầy ai cả, nếu muốn thì chỉ làm Thầy chính mình mà thôi.
Có nhiều người chỉ thích đóng vai Thầy và muốn học trò hay đệ tử đóng mãi vai học trò đệ tử. Nhưng Thầy nào trò nấy, cũng có người thích đi tìm một vị Thầy, một đấng tôn sư bên ngoài để thờ phụng tôn kính. Theo tôi, một vị Thầy thật (chân Sư) là người dạy cho đệ tử nhận ra ông Thầy của chính mình bên trong (le maître intérieur). Ðức Phật là một chân Sư, ngài thành Phật và dạy cho chúng ta khai triển Phật tánh của mình để thành Phật như ngài. Ðức Phật đâu có muốn bị đúc tượng ngồi yên trên bàn thờ cho chúng ta hì hụp lạy ở dưới.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA.SYDNEY.14/6/2014.
No comments:
Post a Comment