II- Ân-đức Pháp (Dhamma Guna)
Vấn: Tiếng nói Pháp có nghĩa là sao? Và có ân-đức như thế nào?
Ðáp: Nơi đây Pháp có nghĩa là có trạng thái thực-tế, chắc chắn hay, là một phương châm đứng-đắn, tốt đẹp.
Pháp có ân-đức để gìn-giữ, bảo-vệ cho chúng sanh nào, khi thực-hành theo đứng-đắn thì không cho sa vào nơi thấp-hèn, khiến cho thoát khỏi cảnh khổ. Pháp có tính-cách soi sáng cho chúng sanh nào còn tối-tăm mê muội, cho thấy rõ điều phải lẽ quấy, tội phước và con đường hành trình đến cõi trời và cõi Niết-Bàn. Pháp chỉ rõ cho thấy sự an vui hạnh-phúc. Pháp ví như ngọn đèn hay mặt trời có tính-cách soi sáng cho chúng-sanh trong cõi thế-gian, làm cho mất sự tối tâm, u ám. Một khi sự tối tâm đã mất đi rồi thì chúng sanh có thể thấy rõ con đường yên ổn, tốt đẹp đưa đến cảnh an vui thanh tịnh.
Vấn: Ân-đức Pháp chỉ có bấy nhiêu đó hay là còn chi khác nữa?
Ðáp: Còn rất nhiều ân-đức khác nữa như là Pháp học, Pháp hành và Pháp thành (9 thánh pháp) mà Ðức Phật đã thuyết ra một cách hay ho và tốt đẹp.
Vấn: Thế nào gọi là Pháp học và hay như thế nào?
Ðáp: Pháp dùng để học-tập, đọc tới đọc lui cho thuần-thục gọi là Pháp học (Pariyatti), là chủ yếu đến tất cả Phật ngôn trong Tam-Tạng là Pháp mà đức Thế-Tôn đã thuyết trình rất hay trong đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn chót. Giải rằng: Ðức Thiên-Nhân-Sư chỉ thuyết một bài kệ bốn câu cùng hay trong ba đoạn, là khởi câu đầu thì hay đoạn đầu, thuyết đến câu thứ hai và thứ ba thì hay ở đoạn giữa, thuyết câu thứ tư thì càng hay ở đoạn cuối. Nếu thuyết về bài Kinh thì hay đoạn đầu ở chỗ câu truyện và nguyên-nhân phát sanh lên bài Pháp ấy, hay ở đoạn giữa vì giải thích uyên bác, chính-xác vừa cho trình độ chúng sanh hay nhân-vật ấy nghe đúng theo lý luận, hay ở đoạn cuối là thêm nguyên nhân để đưa thính giả ấy cho có đức tin (saddhà).
Hơn nữa giáo pháp của Ngài rất hay ở đoạn đầu là giới, rất hay ở đoạn giữa là thiền định, minh-sát, đạo quả, rất hay ở đoạn cuối cùng là Niết-Bàn. Nói một cách khác là hay ở đoạn đầu là thiền định, hay ở đoạn giữa là minh-sát và đạo, hay ở đoạn cuối là Quả và Niết-Bàn.
Lại nữa, giáo-lý ấy đem lại rất nhiều lợi ích cho người nghe dứt bỏ, đè nén các pháp cái hay là pháp ngăn cản. Bởi vậy cho nên hay ở đoạn đầu là đem lại ân-đức quí báu cho người thực-hành, hay ở đoạn giữa là đem lại sự an lạc do thực-hành minh-sát tuệ, hay ở đoạn cuối là đem lại sự lợi ích rất cao thượng cho hành-giả là đắc được đạo quả Niết-Bàn.
Hơn nữa, đức Thế-Tôn đã thuyết-trình về Pháp-học rất tốt đẹp, đầy đủ chi-tiềt về Phạm-Hạnh và Ðạo-Hạnh. Giải rằng: Ðạo-từ mà Ðức Thế-Tôn đã giảng-giải gọi là Giáo-Hạnh, con đường bát-chánh-đạo có 8 nẻo gọi là Ðạo hạnh, hai điều Phạm Hạnh này Ngài đã tuyên bố đầy đủ chi tiết, trong sạch không có chỗ hở để thêm bớt được. Cũng như tứ-niệm-xứ không có một ai có thể nói là thiếu rồi thêm vô thành ngũ-niệm-xứ được. Hoặc là bát-chánh-đạo mà Ngài đã thuyết trình rồi, dầu cho một bậc trí tuệ nào cũng không tìm được lời để thêm vô bớt ra nữa dược. Như vậy nên gọi là Pháp học mà đức Thế-Tôn đã giảng giải một cách trong sạch và tốt dẹp.
Tất cả giáo-lý mà Ngài đã giảng giải, nếu nói về phần sự thì có một, nói về giáo lý thì có hai là kinh và luật, nói về tạng thì có ba là kinh, luật, luận, nói về A-Hàm bố-thí thì có năm A-Hàm, nói về chi thì có chín chi, nói về pháp môn thì có tám muôn bốn ngàn pháp môn (84000).
Vấn: Chỗ nói giáo-lý của Ngài có một phận-sự là thế nào?
Ðáp: Nói về phận-sự có một là từ khi đức Phật đắc Vô-thượng Chánh-Ðẳng Chánh-Giác cho đến khi nhập đại Niết-Bàn trong khoảng 45 hạ, Ngài luôn luôn thuyết pháp độ Chư-Thiên, nhân loại, dọa xa, v.v... không ngừng nghỉ, tất cả những Phật-ngôn ấy gom lại chỉ có một phận sự hay là hương-vị gọi là hương-vị giải-thoát Vimuttirasa mà thôi.
Vấn: Chỗ nói Phật-ngôn có hai là Kinh và Luật là thế nào?
Ðáp: Tất cả những huấn từ của Ngài kể chung lại chỉ có hai tiếng là Kinh và Luật mà thôi.
Bởi vì tất cả điều học trong tạng luật đều gọi một tiếng Luật, ngoài ra tất cả huấn từ khác của Ðức Phật đều gọi là Kinh. Bởi vậy khi kết tập tam tạng lần thứ nhất Ðại-Ðức Ca-Diếp có nói như vầy: Yannũna mayam a vuso dhammanca vinayanca sangãgheyyãmã (Này các sư-dệ, chúng ta hãy cùng nhau ôn dò, sắp xếp Kinh và Luật lại). Cũng như lúc Ðức Phật căn dặn đại-đức Ananda trong hai tiếng là: Yo vo ananda, mayã dhammo ca vinayo ca desito pannato so vo mamaccayena satthã (Này Ananda! Kinh nào mà Như-Lai đã giảng giải rồi, Luật nào Như-Lai đã chế-định rồi. Kinh và Luật ấy, khi Như-Lai đã tịch diệt rồi, sẽ là thầy của các ngươi vậy).
Vấn: Chỗ nói Phật ngôn có ba là thế nào?
Ðáp: Chỗ nói Phật ngôn có ba là Phật ngôn lúc ngài vừa thành đạo phát ngôn ra lần đầu tiên là một, Phật ngôn Ngài phát ngôn ra thuyết pháp sau đó tất cả gọi là trung Phật Ngôn, trước khi nhập Niết Bàn ngài phát-ngôn lần cuối cùng gọi là lời phát ngôn tối-hậu.
Khi vừa mới đắc đạo Ngài rất thỏa thích nên phát ngôn đầu tiên ra như vậy: Aneka jãti samsãram v.v... (đã có giải đầy đủ chỗ ân-đức Phật).
Còn về Phật-ngôn tối hậu sau cùng hết khi Ngài sắp nhập Niết-Bàn có nói như vầy: Ãmantiyãmi vo bikkhave khayavaya dhamã sankhãra appamãdena sampãdetha (Này các thầy tỳ-khưu! Như-Lai căn dặn các thầy rằng: các pháp hữu-vi thật không bền vững có tích cách tiêu hoại là thường, vậy các Thầy không nên dễ duôi, ráng lo xong phận-sự của mỗi người cho tròn đủ).
Về trung Phật-Ngôn thì Ngài thuyết tất cả các pháp trong khoảng giữa của Phật-Ngôn đầu-tiên và Phật-Ngôn tối-hậu.
Vấn: Chỗ nói Phật-Ngôn có ba tạng là thế nào?
Ðáp: Tất cả Phật Ngôn gom lại chỉ có ba tạng là: Tạng Kinh, Tạng Luật, Tạng Luận.
Giải rằng: Giới bổn ba-la đề-mộc-xa của Thầy Tỳ-khưu và giới bổn của Tỳ-khưu ni, hai sự phân-tách (vibhanga) của phận-sự Tỳ-khưu và Tỳ-khưu ni, 22 khandhaka (chương hay phần), 16 parivãra (phần phụ thuộc) mà chư vị Ðại-Ðức kết tập lần đầu tiên gồm kết lại gọi là Tam-Tạng.
Tất cả Phật Ngôn ở trong 5 bộ A-Hàm (Nikãya) như Trường-A-Hàm có 34 thời Kinh, Trung-A-Hàm có 252 thời Kinh, Samyutta nikãya có 9557 thời Kinh và Tiểu-A-Hàm có 15 thời kinh. Tất cả những thời Kinh này gom lại gọi là Tạng Kinh.
Tất cả Phật Ngôn trong 7 bộ như Dhamma sangani, Vibhanga, Dhãtukathã, Puggala, Pannati, Kathãvatthu, Yanaka, và Patthãna gọi là Tạng Luận.
- Tiếng nói Luật ấy có nghĩa là phận sự đặc-biệt hay là lệ-luật để trau dồi sửa đổi, khác riêng nhau.
Giải rằng: Luật của Ðức Phật chỉ có một thôi nhưng sở dĩ riêng biệt nhau là tùy theo đoạn của tội lỗi (ãpatti) như bất-cọng-tụ có 4, tăng-tăng có 13, v.v... mỗi đoạn của tội lỗi đều khác nhau và riêng ra.
Lại nữa Luật có điểm đặc-biệt là như anupannati: chế định kế tiếp có nhiều sự lợi ích như làm cho điều học trở nên gắt gao hay là dễ dãi bớt đi cho nên gọi là điểm đặc-biệt, nói về lề lối thì trau giồi thân khẩu cho trở nên trong sạch, tốt đẹp, trang nghiêm, không lất khất, thô bỉ, xấu xa trong hành-vi.
- Chỗ nói Kinh có nghĩa là nói ra hoặc mực-thước hay là kết lại.
Giải rằng: Kinh ấy nói ra nhiều sự lợi ích cho mình và cho người khác mà Ðức Phật đã thuyết ra tùy theo trình độ của mỗi nhân-vật khác nhau. Chỗ nói mực thước là đáng cho các bậc trí-thức lấy đó làm tiêu-chuẩn. Chỗ nói kết lại cho thành xâu như xâu hoa mà người thợ kết hoa khéo tay kết lại một cách tốt đẹp, nên gọi là Kinh.
- Chỗ nói Luận có nghĩa là pháp có sự tiến hóa, pháp nhất định, pháp đáng cúng dường, pháp không lầm lẫn, pháp cao-thượng.
Giải rằng: chỗ nói pháp có sự tiến hóa là hành giả nào thực-hành theo pháp ấy , có Tâm bác-ái rải ra khắp thập-phương làm cho thiền-định phát sanh lên có thể sanh cảnh là cõi sắc-giới.
Chỗ nói pháp nhất định là pháp ấy có đặc-tính (lakkhana) riêng biệt cho mỗi trạng thái như Ngũ-Trần thì sắc trần không lẫn lộn với thinh trần v.v...
Chỗ nói pháp đáng cúng dường là các pháp ấy đều là pháp hữu-lậu (sekkha), pháp vô-lậu (asekkha) và pháp xuất thế-gian (lokuttara) đều đáng cúng dường.
Chỗ nói pháp không lầm lẫn là các pháp ấy như sắc thì không lầm lẫn mà cho là thọ , v.v...
Chỗ nói pháp cao-thượng là các pháp ấy đức Thế-Tôn đã thuyết ra như sắc-giới pháp, vô-lượng pháp, vô-thượng pháp. Tất cả các pháp đã giải trên gọi là Luận.
Gom lại tất cả ba đoạn là Kinh, Luật, Luận gọi là Tam-Tạng hay là Pháp-Học.
Chỗ nói Tạng là thành-phần hay là vật chứa đựng. Vì pháp học chia ra nhiều lý-lẽ khác nhau nên gọi là vật chứa đựng tất cả Phật-ngôn.
* Tam-Tạng nếu nói về sự thuyết trình thì có 3 là:
Anãdesanã: Tạng Luật, Ðức Phật thuyết ra do uy quyền Ngài chế-định về sự hành vi phải và quấy.Vohãradesanã: Tạng Kinh do Ðức Phật phát biểu kiến-thức ra để kêu gọi, khích lệ, dắt dẫn chúng sanh.Tamattha desanã: Tạng Luận, Ðức Phật thuyết ra toàn pháp sâu sa, vi diệu , cao quí.
* Tam-Tạng nếu nói về Giáo-lý thì cũng có 3 là:
Vathãparãdhasãsanã: lời giảng dạy tùy theo tội lỗi của chúng sanh, là chủ yếu về tạng Luật.Vathãnulomasãnasã: lời giảng dạy tùy theo trình-độ và tánh-tình của chúng sanh, là chủ yếu tạng Kinh.Vathãdhamma sãnasã: lời giảng dạy bậc cao tùy theo chúng sanh có nhiều ngã chấp, là chủ yếu tạng Luận.
* Tam-Tạng nếu nói về Pháp học thì cũng có 3 là:
Adhisala sikkhã: Pháp học đầu là Giới, chủ yếu về Tạng Luật.Adhicitta sikkhã: Pháp học giữa là Ðịnh, chủ yếu về Tạng Kinh.Adhipanna sikkhã: Pháp học cuối là Huệ, chủ yếu Tạng Luận.
* Nói về sự dứt bỏ thì Tam-Tạng cũng có 3 phần:
Vitikkamapathãpa: Sự dứt bỏ phiền-não thô-thiển là pháp đối-nghịch với giới-hạnh , chủ yếu về Tạng Luật.Pariyutthãna Pahãna: Sự dứt bỏ phiền-não ngăn cản thiền-định, chủ yếu về Tạng Kinh.Anusaya Pahãna: Sự dứt bỏ phiền-não ngủ ngầm trong Tâm là pháp nghịch với trí -tuệ, chủ yếu Tạng Luận.
* Trong Tam-Tạng, mỗi tạng đều có 4 cách sâu xa là:
Dhamma Gambhira: Sâu về nguyên nhân là Pali.Attha Gambhira: Sâu về quả là lý lẽ của Pali ấy.Desãna Gambhira: Sâu về sự thuyết-trình.Pativedha Gambhira: Sâu về giác-ngộ hay là lãnh-hội nhân và quả là Pali và lý lẽ của pháp ấy.
* Trong Tam-Tạng đều có 4 thứ ngôn-ngữ là:
Buddha Bhãsita: Ngôn-ngữ chính-thức do Phật thuyết ra gọi là Phật-Ngôn.Sãvaka Bhãsita: Ngôn-ngữ do Thinh-văn để tu Phật nói ra gọi là Thinh-Văn-Ngôn.Isi Bhãsita: Ngôn-ngữ do các vị đạo-sĩ chánh-kiến thuộc về hàng chân-ngôn nói ra gọi là Ðạo-Sĩ-Ngôn.Devatã bhãsita: Ngôn-ngữ do Chư-Thiên hiểu biết chân chánh nói ra gọi là Thiên-Ngôn.
Về tư-cách của pháp-học thì có 3 là:
Alaggaddũpamã pariyatti: Pháp học ví như người bắt rắn độc là có người học theo pháp học với ý xấu-xa, không tốt đẹp, muốn được lợi lộc trong tứ-vật-dụng, hoặc để tranh-đua cho có mặt mày tên tuổi với người, hoặc để cố ý trả lời những câu hỏi của người nghe cho hay, chớ không phải học để suy xét theo trí tu? cho thấy rõ ân-đức cao-thượng của các pháp cần phải đạt đến. Vì vậy mà phải chịu đau khổ lâu dài bởi vì ý-định của sự học hỏi không tốt-đẹp. Ví như người bắt rắn độc, thấy rắn rồi bắt níu lấy không nhằm chỗ, liền bị rắn cắn mổ cho bán sống bán chết hay chết luôn cũng có. Bởi vì bắt rắn không đúng cách, nguy hiểm như thế nào thì người học Tam-Tạng với ý-định không tốt cũng sẽ bị đau khổ như thế ấy.Nissaranattha Pariyatti: Pháp học mà người học hỏi cố ý thực-hành theo pháp cao-thượng nhất là trì-giới cho tinh-nghiêm đặng thoát khỏi vòng sanh-tử luân-hồi.Bhandãgãriya Pariyatti: Pháp học mà các bậc thánh-nhân đã đắc quả rồi nhưng chỉ để bảo-tồn giáo-pháp hay học hỏi thêm vì phận-sự vậy thôi.
Cách thực-hành, hành theo Tam-Tạng có lợi ích khác nhau.
Như Thầy Tỳ-khưu nếu thực-hành tốt-đẹp đúng theo tạng Luật thì sẽ được đắc Tam-Thông do nhờ Giới-Hạnh.
Nếu thực-hành đúng đắn theo tạng Kinh thì sẽ đắc Lục-Thông (trong Ân-Ðức Phật) do nhờ Ðịnh-Hạnh.
Nếu thực-hành đúng theo tạng Luận thì sẽ đắc 4 tuệ phân-tích (Patisambhidã) do nhờ Tuệ-Hạnh.
Nếu thực-hành sai quấy Tạng Luật thì sẽ trở nên người Phá-giới, nếu hành sai tạng Kinh thì sẽ trở nên tà-kiến, nếu hành sai tạng Luận thì Tâm sẽ trở nên rối loạn điên-cuồng.
Vấn: Chỗ nói Phật-ngôn chia ra làm năm bộ A-Hàm là thế nào?
Ðáp: Năm bộ kinh A-Hàm là: Trường-A-Hàm (Digha nikãya), Trung-A-Hàm (Majjhima nikãya), Samyutta nikãya, Anguttara nikãya, và Tiểu-A-Hàm (Khuddhaka nikãya).
Vấn: Phật-ngôn có chia ra làm 9 chi là thế nào?
Ðáp: 9 chi ấy là: Sutta, geyya, veyyãkarana, gãthã, udãna, itivuttaka, jãtaka, abbhũta, vedalla. Giải rằng:
1) Các bài kinh trong suttanipãta như Mangala sutta (Hạnh-Phúc Kinh), Ratana sutta (Tam-Bảo kinh), v.v... và ubhato vibhanga, khandhaka, parivãra, v.v... và các Phật ngôn khác trong tạng kinh gọi là sutta hết thảy.2) Geyya là tất cả các đoạn kinh thuộc về bài kệ và các câu kệ trong bộ Samyutta nikãya gọi là Geyya.3) Veyyãkarana là tất cả các bài kinh trong tạng Luận hoặc trong các bộ kinh không có lẫn lộn với hệ-ngôn và Phật-ngôn không có liên-quan tới 8 chi kia gọi là Veyyãkarana hết thảy.4) Gãthã là kinh Pháp Cú của các vị Tỳ-khưu và Tỳ-khưu ni không dính líu đến các bài kinh.5) Udãna là tất cả 82 đoạn kinh luôn cả kệ-ngôn do sự thỏa-thích của bậc trí tuệ mà phát ngôn lên.6) Itivuttaka là 10 đoạn kinh của các hàng Thinh-văn nói lên dựa vào Phật-ngôn của Ðức Phật thuyết pháp.7) Jãtaka là nói về sự-tích trong 550 tiền kiếp.8) Abbhũta là nói về pháp lạ chưa từng có, chưa từng nghe, bây giờ lại phát sanh lên. Như trong người Ðại-Ðức Ananda có 4 pháp lạ đặc-biệt v.v...9) Vedalla là các đoạn kinh khi hỏi Phật xong rồi, phát Tâm trong sạch, vui thích, thỏa-mãn.
Vấn: Phật ngôn có 84.000 pháp môn, thế nào là chia ra mỗi pháp môn?
Ðáp: Phật ngôn có tất cả 84.000 pháp môn chia ra như vầy: bài kinh nào có mỗi anusandhi (là mỗi sự liên hệ hay kết luận) là mỗi pháp môn. Nếu có bao nhiêu anusandhi thì có bấy nhiêu pháp môn. Trong bài kệ, mỗi câu trả lời đều là mỗi pháp môn hết thảy. Ở trong tạng Luận, mỗi phần (tam chi) hay (tứ chi) hay là trong phân Tâm mỗi phần đều là mỗi pháp môn. Về trong tạng Luật, mỗi câu chuyện, mỗi một màtika (mẫu sanh), mỗi điều học, mỗi cách phạm tội, mỗi cách không phạm tội, mỗi sự phạm tội hay sự không phạm tội dều là mỗi pháp môn. Cách chia ra pháp môn như thế ấy.
Vấn: Còn về Thánh-pháp (Lokuttara dhamma) mà Ðức Thế-Tôn đã giảng-giải một cách đúng đắn tốt đẹp như thế nào?
Ðáp: Gọi là Thánh-Pháp mà Ðức Thế-Tôn đã giảng giải một cách tốt đẹp là:
Giảng giải pháp hành chân chánh đáng đưa đến Niết-Bàn. Bởi vì Niết-Bàn mà con người muốn đạt được, phải thực-hành cho được trong sạch để xa lià ái-tình, sân hận, si mê là phải hành theo Tam-học, là Giới, Ðịnh, Huệ. Vì Giới để ngăn cản và dứt bỏ phiền-não thô sơ của Tham, Sân, Si. Còn Ðịnh thì dứt bỏ phiền-não trung bình của Tham, Sân, Si. Và sau cùng là Huệ để diệt tất cả Tham, Sân, Si là phiền não vi-tế. Ðây là con đường chân chánh đúng-đắn, gom lại chạy vào trong một nơi là Niết-Bàn. Thí dụ như tất cả nước trong con sông Hằng đều chảy chung ra một con đường với nước sông Yamunã, cả màu, mùi, vị cũng đều y như nhau. Bởi vậy Thánh-pháp mà Ðức Thế-Tôn đã giảng-giải rất chân-chánh, đúng-đắn và tốt đẹp cũng như thế ấy.
Vấn: Vậy chớ thế nào là Thánh-Pháp?
Ðáp: Lokam uttaranti ' ti lokuttarã: Pháp để vớt chúng sanh lên gọi là Thánh-pháp hoặc Lokãuttaranti'ti lokuttarã: pháp để kéo chúng sanh ra khỏi Tam-giới gọi là Thánh-pháp, hoặc Loke atirekã'ti lokuttarã: Pháp cao quí nhất trong thế-gian gọi là Thánh-Pháp.
Vấn: Thánh-pháp đó là những pháp gì?
Ðáp: Những Thánh-Pháp đó là Tứ-Niệm-Xứ, Tứ-Chánh-Cần, Tứ Thần-Túc-Thông, Ngũ-Căn, Ngũ-Lực, Thất Bồ-Ðề Phận, Bát-Chánh-Ðạo, 4 Ðạo, 4 Quả và 1 Niết-Bàn.
Vấn; Tứ-Niệm-Xứ là thế nào?
Ðáp: Tứ-Niệm-Xứ là:
1) Kayanupassanã satippatthãna: Niệm Thân trong Thân
2) Vedanãnupassanã satippatthãna: Niệm Thọ
3) Cittãnupassanã satippatthãna: Niệm Tâm
4) Dhammãnupassanã satippatthãna: Niệm Pháp.
Vấn: Thế nào gọi là Niệm Thân?
Ðáp: Phải quán tưởng như vầy: Thân là nơi phối-hợp giả tạo của tứ-đại: Ðất, Nước, Lửa, Gió. Nó là vô-thường, khổ-não, vô-ngã, khi quán-tưởng thường xuyên thì Tâm sẽ chán-nản, dứt bỏ các sự mê thích trong thân. Quán tưởng vô-thường thì sẽ dứt bỏ được tư-tưởng cho thân này là bền vững. Quán xét khổ-não thì dứt bỏ được tư-tưởng cho thân này là an-vui. Quán xét vô-ngã thì dứt bỏ được tư-tưởng cho thân này là của ta. Khi Tâm đã chán-nản thì sẽ dứt bỏ được vui thích. Khi dứt bỏ được sự mê thích thì mới dứt bỏ được tình-dục. Khi dứt bỏ được tình-dục thì không còn có sự cố-chấp (Upãdãnã) nữa thì được giải-thoát.
Vấn: Niệm Thọ như thế nào?
Ðáp: Khi thọ vui, thọ khổ hoặc thọ xả thì phải quán tưởng rằng thọ này vô-thường, khổ-não, vô-ngã rồi lần lần chán-nản không còn mê thích theo cái thọ ấy nữa và dứt bỏ sự cố-chấp cái thọ như cách Niệm Thân.
Vấn: Niệm Tâm như thế nào?
Ðáp: Khi Tâm có tình-dục phát sanh (tất cả 16 tâm cũng đều niệm như vậy hết, như tâm sân hận, si mê, phóng túng, yên trụ v.v...) biết rõ tâm tình-dục đã phát sanh và quán-tưởng rằng tâm tình-dục này cũng vô-thường, khổ não, vô ngã rồi chán nản, không còn mê thích theo tâm ấy nữa và dứt bỏ sự cố chấp theo tâm ấy như cách Niệm Thân.
Vấn: Niệm Pháp như thế nào? (pháp ở đây có năm pháp che lấp, ngũ-uẩn, lục căn, bảy nhân sanh quả Bồ-đề và Tứ-Diệu-Ðế).
Ðáp: Khi pháp che lấp - Nivarana - phát sanh lên, biết rõ pháp che lấp đã phát sanh lên và phải quán tưởng pháp che lấp ấy là vô-thường, khổ-não, vô-ngã, rồi chán nản không còn mê thích theo các pháp che lấp ấy và dứt bỏ luôn sự cố-chấp trong các pháp ấy nữa, mà khi đã dứt bỏ sự cố chấp thì được giải-thoát.
Vấn: Tứ-Chánh Cần là những pháp chi?
Ðáp: Tứ-Chánh-Cần - Sammappadhãna - là bốn pháp cố-gắng tinh-tấn như sau:
Ráng tinh-tấn dứt bỏ pháp ác nào đã phát sanh lên trong thân tâm ta thì cho tiêu hoại.
Ráng tinh-tấn ngăn-ngừa pháp ác nào chưa phát sanh lên thì đừng cho phát sanh.
Ráng tinh tấn làm các pháp lành nào mà chưa từng làm.
Ráng tinh-tấn gìn-giữ pháp lành nào đã có thì đừng cho mất.
Vấn: Tứ Thần-Túc-Thông - Iddhipãda - là pháp nào?
Ðáp: Ðó là bốn pháp căn-bản để phát sanh lên các pháp thần-thông như: Chandidhipãda (sự ước nguyện), Viriyiddhipãda (sự cố gắng), Cittiddhipãda (Tâm suy-nghĩ), và Vimamsiddhipãda (Trí Tuệ cho biết mọi việc).
Vấn: Ngũ-Căn (Indriya) là pháp nào?
Ðáp: Ngũ-Căn là Tín Căn, Tấn Căn, Niệm Căn, Ðịnh Căn và Huệ Căn.
Vấn: Ngũ-Căn được trong sạch do nhờ pháp nào?
Ðáp: Ngũ-Căn được trong sạch là do nhờ mười lăm pháp là: mỗi căn được trong sạch có ba pháp, hợp với năm căn thành ra mười lăm. Như Tín Căn được trong sạch nhờ có ba là: Assadhe puggale parivajjhayato - do nhờ xa lánh người không có đức tin, saddhe puggale sevito - do nhờ thân cận người có đức tin, pasãdaniye suttante paccavekkhito - do nhờ sự suy xét đến bài kinh nào làm cho Tâm trong-sạch, thỏa-thích.
Về Tấn Căn được trong sạch cũng nhờ có ba là: do xa lánh người lười biếng, do thân cận người có sự tinh-tấn, do sự suy xét bốn pháp Tứ-Chánh-Cần.
Về Niệm Căn được trong sạch nhờ có ba là: do nhờ sự xa lánh người không có sự ghi nhớ hay quên mình, do nhờ sự thân cận người có sự ghi nhớ đầy đủ, do nhờ suy xét đến pháp Tứ-Niệm-Xứ.
Về Ðịnh Căn được trong sạch cũng có ba là: do nhờ sự xa lánh người có Tâm lao chao, phóng túng, không yên lặng, do nhờ sự thân cận người có Tâm bình-tĩnh an-trụ vững-vàng, do nhờ sự suy xét pháp thiền-định và giải-thoát.
Về Huệ Căn được trong sạch cũng nhờ có ba là: do nhờ xa lánh người ngu-xuẩn, si mê, do nhờ sự thân cận người có trí-tuệ, do nhờ sự suy xét cho nhiều về pháp để phát sanh ra trí-tuệ.
Vấn: Vậy chớ Ngũ-Căn khi làm cho phát triển do mấy pháp như thế nào?
Ðáp: Ngũ-Căn khi làm cho phát triển có mười pháp, trong đó mỗi căn có hai pháp. Như tín căn thì hai pháp là: suy xét quán tưởng về tín căn và suy xét để dứt bỏ hẳn sự không có tín căn. Bốn pháp còn lại thì suy xét cũng giống như trên, chỉ đổi tên của căn mà thôi.
Vấn: Người nên suy xét về Ngũ-Căn có mấy nhóm?
Ðáp: Có tám nhóm là bảy hạng thánh hữu học (Sekha puggala) và một hạng phàm nhân thiện-tri-thức.
Vấn: Ngũ-Lực là pháp nào?
Ðáp: Ngũ-Lực, cũng như Ngũ-Căn là: Tín-lực, Tấn-lực, Niệm-lực, Ðịnh-lực và Huệ-lực. Hai pháp này cũng giống như nhau, một bên là căn bản, một bên là sức-lực hay nghị-lực để đưa hành-giả đến Niết-Bàn. Lực chỗ này là:
Không rung-động, xao-xuyến trước các pháp đối-nghịch như không tin,
Giúp đỡ các pháp, làm cho trong sạch các phận-sự,
Làm cho Tâm vững vàng,
Làm cho Tâm sáng suốt trong các pháp giác-ngộ,
Làm cho Tâm được thấy rõ chân-lý,
Và làm cho con người được an-trụ trong các pháp yên-lặng là Niết-Bàn.
Vấn: Bảy nhân sanh quả bồ-đề (bojjhanga) là thế nào?
Ðáp: Bảy nhân sanh quả bồ-đề hay trạch-pháp là:
1) Satisambojjhanga: Bồ-đề niệm hay là sự ghi nhớ hay trí nhớ là pháp quan-trọng nhứt làm cho sự lợi ích được thành-tựu bởi vì con người khi làm bất luận việc gì do thân, khẩu mà thành tựu mỹ-mãn cũng đều do nhờ sự ghi nhớ.Hơn nữa, sự ghi nhớ là pháp gìn-giữ trông nom các cửa nhất là nhãn-môn (cakkhudvàra) không cho các pháp ác xâm chiếm vào trong thân tâm, khi có các trần như sắc trần đến đụng vào với cửa, không cho hai pháp vui buồn phát sanh lên được.Ví người giữ cửa thành vua, xem coi người nào đáng cho vào mới mở cửa cho vào, còn người nào ác xấu không đáng cho vào thì ngăn cản lại và không mở cửa cho vô. Những ghi nhớ chỗ này là ghi nhớ chân-chánh, luôn luôn ghi nhớ theo Tứ-niệm-xứ vậy.2) Dhammavicaya sambojjhanga: Bồ-đề huệ là huệ suy xét các pháp đúng phương-cách để diệt trừ phiền-não rồi thực-hành theo pháp ấy.3) Viriya sambojjhanga: Bồ-đề tấn là sự cố gắng tinh-tấn theo tứ-chánh-cần.4) Piti sambojjhanga: Bồ-đề hỉ là Tâm hoan-hỉ vui-mừng, vừa lòng, bởi vì khi làm một việc chi đều do có Tâm hoan hỉ vừa lòng mới mong thành-tựu được.5) Passaddhi sambojjhanga: Bồ-đề tịnh là Tâm được yên lặng thanh tịnh sẽ làm các công việc được thành tựu dễ dàng.6) Samãdhi sambojjhanga: Bồ-đề định là Tâm an trụ trong cảnh giới mới đem lại cho thấy rõ chân-tướng vô-thường, khổ-não, và vô-ngã của Ngũ-Uẩn dễ dàng.7) Upekkhã sambojjhanga: Bồ-đề xả là Tâm được trung dung, không vui, không buồn, như như tự tại là phần pháp cao-thượng nhất để làm cho được thành-tựu trong các điều lợi-ích.
Vấn: Còn Bát-Chánh-Ðạo là thế nào?
Ðáp: Bát-Chánh-Ðạo có tám chi là:
Chánh Kiến (Sammà ditthi)
Chánh Tư-Duy (Sammà sankappo)
Chánh Ngữ (Sammà vàcà)
Chánh Nghiệp (Sammà kammanto)
Chánh Mạng (Sammà àjivo)
Chánh Tinh-Tấn (Sammà vàyàmo)
Chánh Niệm (Sammà sati)
Chánh Ðịnh (Sammà samàdhi).
Vấn: Thế nào gọi là Chánh kiến?
Ðáp: Chánh kiến là sự thấy trong Tâm chân-chánh, có bốn:
a) Dukkha nànam: Thấy rõ 12 khổ.
b) Dukkha samudaye nànam: Thấy rõ nguyên nhân phát sanh lên những cái khổ ấy.
c) Dukkha nirodhe nànam: Thấy rõ nơi diệt tắt cái khổ.
d) Dukkha nirodhagàminiyà patipadaya nànam: Thấy rõ sự thực-hành đưa đến nơi giải-thoát cái khổ.
Vấn: Vậy Chánh kiến có mấy thứ?
Ðáp: Có hai thứ là:
- Koliya ditthi: Chánh kiến của bậc thường nhân như thấy làm lành thì gặp lành, làm ác thì gặp dữ,
- Lokuttara ditthi: Chánh kiến của bậc thánh-nhân như thấy rõ lý Tứ-diệu-đế.
Nếu chia theo nhân vật thì chánh kiến có ba là: chánh kiến của phàm nhân, chánh kiến của bậc thánh hữu học, và chánh kiến của bậc thánh vô học.
Vấn: Thế nào gọi là Chánh tư-duy?
Ðáp: Chánh tư-duy là sự suy nghĩ chân-chánh có ba chi:
a) Nekkamma sankappo: Là sự suy nghĩ để thoát khỏi tình-dục ngũ trần hoặc suy nghĩ về sự xuất-gia.
b) Abyàpãda sankappo: Suy nghĩ về sự không thù-oán hoặc suy nhĩ về lòng bác-ái.
c) Avihimsà sankappo: Suy nghĩ về sự không hãm hại kẻ khác, hoặc suy nghĩ đến lòng bi-mẫn thương xót đến tất cả chúng sanh.
Vấn: Thế nào gọi là Chánh ngữ?
Ðáp: Chánh ngữ là lời nói chân-chánh có bốn: không nói láo, không nói đâm thọc, không nói độc ác như mắng chửi, không nói lời vô-ích; hoặc là nói ra lời chân-chánh, nói ra lời dịu ngọt, nói ra có lợi-ích và nói ra có lòng từ-bi đến người nghe.
Vấn: Thế nào là Chánh nghiệp?
Ðáp: Chánh nghiệp là việc làm chân-chánh như không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm hoặc các việc làm từ-thiện do thân như quét dọn sân chùa, đền tháp v.v...
Vấn: Thế nào là Chánh mạng?
Ðáp: Chánh mạng là sự nuôi mạng sống mình cho chân chánh như thiện-tín thì xa lánh 5 nghề buôn bán, hoặc xuất-gia thì xa lánh 26 pháp tà mạng.
Vấn: Thế nào gọi là Chánh tinh-tấn?
Ðáp: Chánh tinh-tấn là sự cố-gắng chân-chánh như cố-gắng trong bốn pháp tứ-chánh-cần nhứt là cố-gắng tinh-tấn ngăn ngừa các pháp ác chưa phát sanh lên, thì không cho phát sanh lên được.
Vấn: Thế nào gọi là Chánh niệm?
Ðáp: Chánh niệm là sự niệm tưởng chân-chánh như niệm Tứ-niệm-xứ hoặc niệm theo mười đề mục Anussati: Niệm niệm.
Vấn: Chánh định là như thế nào?
Ðáp: Chánh định là định Tâm chân-chánh theo trong 4 cõi thiền hữu sắc và vô sắc. Như hành-giả làm cho Tâm thanh tịnh xa lìa ngũ trần và các pháp ác, nhập vào sơ-thiền có đầy đủ năm chi là: tầm, sát, phỉ lạc, an vui và định v.v...
Vấn: Bát-chánh-đạo này nếu chia cho ba nghiệp thì pháp nào vào với nghiệp nào?
Ðáp: Nghiệp có ba là thân, khẩu và ý. Như Chánh nghiệp thuộc về nghiệp thân. Chánh ngữ thuộc về nghiệp khẩu. Còn Chánh kiến, Chánh tư-duy, Chánh tinh-tấn, Chánh niệm và Chánh định thuộc về nghiệp ý.
Vấn: Nếu Bát chánh đạo gom vào trong khanda: Giới, Ðịnh, Huệ thì chi nào vào với khanda nào?
Ðáp: Chánh kiến, Chánh tư-duy thì kể vào phần Huệ. Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng kể vào phần Giới. Chánh tinh-tấn, Chánh niệm, Chánh định kể vào phần Ðịnh.
Vấn: Trong Bát-chánh-đạo, tại sao lại kể phần Huệ đầu tiên hết? Còn trong pháp học lại kể Giới đầu tiên?
Ðáp: Trong Bát-thánh-đạo, kể phần Huệ đầu tiên hết là vì Huệ ở đây còn non nớt và là nguyên nhân. Vì ở trong Bát-thánh-đạo lấy Chánh định làm quan trọng hơn hết, 7 chi kia là phụ-tùng cho Chánh định. Còn trong tam học thì Chánh định là nhân, Huệ là quả.
Nhân quả có thể thay đổi nhau. Khi Huệ còn non thì Huệ là nhân, Ðịnh là quả. khi Huệ đã già dặn thì Huệ là quả, Ðịnh là nhân.
Như trong Bát-thánh-đạo, Chánh kiến dẫn đầu là vì có Chánh kiến thấy chân-chánh rồi mới trì giới, có trì giới trồi mới có tham thiền nhập định sau. khi đã được nhập định rồi mới có tự minh-sát huệ sau. Như vậy minh-sát tuệ phát sanh do thiền định, thiền định phát sanh do trì giới. Trì giới được là do có Huệ, có Chánh kiến thấy chân-chánh trước. Ví như người trồng cây, trước lấy trái đem trồng, trái mọc lên thành cây thì làm rào tưới nước, cây sẽ lớn lên có trái, như vậy trái có nhờ có cây, cây có nhờ có giống là trái. Vì vậy nên nhân quả mới có thể thay nhau như trên.
Vấn: Ðạo (Magga) dịch là gì?
Ðáp: Ðạo là con đường đưa lần đến Niết-Bàn hoặc trạng thái diệt trừ lần lần phiền-não. Như - Kilese marento gacchatiti maggo - pháp nào có tánh cách diệt lần lần phiền-não thì pháp ấy gọi là đạo.
Vấn: Ðạo mà diệt phiền-não đó, vậy chớ diệt phiền-não trong quá khứ, vị lai hay hiện tại?
Ðáp: Phiền-não trong quá khứ cũng không có dứt bỏ, phiền-não trong vị lai hoặc trong hiện tại cũng vậy.
Vấn: Nếu phiền-não trong quá khứ, vị lai hiện tại đều không diệt tắt, như vậy sự thực-hành cho đắc đạo thì thành ra vô-ích hay sao?
Ðáp: Không phải hành cho đắc đạo vô ích đâu, là vì phiền-não trong quá khứ, trong vị lai và trong hiện tại không phải phận sự đạo dứt bỏ đâu, bởi vì đạo dứt bỏ là dứt bỏ nguyên nhân hay phương tiện để phát sanh ra phiền-não mà thôi. Thí dụ như cây mới mọc chưa có trái, nếu muốn chặt bỏ đừng cho mọc thêm nữa thì không cần chặt hột giống trước kia, hoặc trái chưa có hoặc cây vừa mới mọc đó đâu, mà người ta chỉ đào tận gốc rễ bỏ đi, cây mới không thể mọc lên được nữa.
Hành giả đắc đạo ví như người chặt đốn cây, hột giống để mọc lên cây ví như phiền-não quá khứ, trái chưa có như phiền-não trong vị lai, cây non vừa mới mọc đó như ngũ-uẩn hay phiền-não hiện tại, gốc rễ cây như nguyên nhân của phiền-não, nếu diệt tắt hay đào gốc rễ của nguyên nhân được thì tất cả phiền-não đều tự diệt tận. Cũng như cây mà người đã đào hết cả gốc rễ rồi vậy.
Vấn: Ðạo có mấy thứ?
Ðáp: Ðạo có bốn thứ là: Tu-đà-hoàn đạo, Tu-đà-hàm đạo, A-na-hàm đạo và A-la-hán đạo.
Vấn; Quả có mấy thứ?
Ðáp: Quả có bốn là: Tu-đà-hoàn quả, Tu-đà-hàm quả, A-na-hàm quả và A-la-hán quả.
Vấn: Ðạo có phận sự dứt bỏ phiền-não, vậy chớ quả dùng để dứt bỏ cái gì?
Ðáp: Quả không có phận sự dứt bỏ cái gì hết, chỉ có hưởng lấy sự an vui mà thôi. Ví như người có bệnh khi đã mạnh rồi thì không còn cần phải dùng đến thuốc nữa. Phiền-não ví như bệnh hoạn, đạo ví như thuốc chữa bệnh, sự lành mạnh hết bệnh ví như quả. Như vậy quả không cần phải diệt trừ phiền-não nào cả.
Vấn: Thánh pháp là để thoát ra khỏi tam-giới, như vậy tại sao các vị đã đắc Tu-đà-hườn, Tu-đà-hàm, A-na-hàm rồi mà còn phải đi thọ sanh trong tam-giới nữa?
Ðáp: Thật vậy, Thánh pháp có năng-lực đưa chúng sanh ra khỏi tam-giới, bởi vì Ðạo đã diệt trừ phiền-não nào rồi thì phiền-não ấy không thể phát sanh trở lại để đưa chúng sanh ấy đi tái sanh được. Các vị đã đắc đạo bậc thấp còn tái sanh lại là do năng lực pháp thế gian, các vị đã đắc Thánh pháp nhưng Thánh pháp ấy diệt không hết các phiền-não, cho nên những phiền-não nào còn sót lại mới đem cho các Ngài đi tái sanh trong tam giới nhiều hay ít tùy theo phiền-não mà Ðạo đã diệt trừ còn dư sót lại.
Như mười hai Tâm ác đưa chúng sanh đi thọ sanh trong bốn đường ác đạo, tám đại thiện Tâm đưa chúng sanh đi tái sanh trong sáu cõi trời dục-giới và cõi người. Năm Tâm trong cõi thiền hữu sắc đưa chúng sanh đi thọ sanh trong cõi phạm thiên sắc giới. Bốn Tâm trong cõi thiền vô sắc đưa chúng sanh đi tái sanh trong bốn cảnh vô sắc. Còn tám Thánh pháp thì không đưa chúng sanh đi tái sanh lại trong cảnh giới nào cả. Bởi vậy cho nên các Ngài mới không có tái sanh lại ở đâu nữa, vì lý do Thánh pháp ấy mà còn sanh lại trong ít kiếp nữa, đó là do nơi pháp thiền về thế gian đưa đi mà thôi.
Vấn: Niết-Bàn nghĩa là gì?
Ðáp: Niết-Bàn là pháp thoát khỏi phiền-não bao vây chúng sanh hay là pháp diệt tắt lửa phiền-não khổ đau. Lửa phiền ấy là: lửa tình, lửa sân, lửa si phát sanh lên do nơi Tâm làm cho Tâm nhơ bẩn, nóng nẩy, bực bội. Còn lửa khổ não là lửa sanh, lửa già, lửa đau, lửa chết, buồn rầu, khóc than, thương tiếc, bực tức, v.v...
Chỉ có Niết-Bàn mới diệt tắt những lửa phiền-não đau khổ ấy được, bởi vì những lửa ấy không có trong Niết-Bàn. Hơn nữa Niết-Bàn lại diệt tắt tất cả các pháp hành vi tạo tác sankhara, luôn cả các tùy phiền-não và ái dục. Niết-Bàn không phải là đất, nước, lửa, gió, cũng không phải ở cảnh không Vô-biên-thiên, Thức vô-biên-thiên, Vô-sở-hữu-thiên, Phi-phi-tưởng-thiên, cũng không phải ở trong vũ-trụ này hay vũ-trụ sẽ tới hoặc cũng không phải mặt trời hay mặt trăng. Niết-Bàn không phải đi từ làng này qua làng kia, không có trụ một nơi nào cả.
Vấn: Tất cả trạng thái kể trên đều bác bỏ hết, như vậy Niết-Bàn là pháp rỗng không, không có hay sao?
Ðáp: Không phải vậy đâu, Niết-Bàn có thật. Vì nó có trạng thái hết sức vi tế, chỉ có thánh nhân mới thấy rõ do nhờ tuệ-nhãn mà thôi.
Vấn: Nếu Niết-bàn có thật, vậy chớ nó ở đâu?
Ðáp: Niết-Bàn là một danh pháp vô hình (arũpadhamma) không có chỗ trú ngụ như các sắc pháp ấy đâu. Nói ở gần cũng được, ở xa cũng được. Ở gần là ở chỗ kế bên khi hết tham, sân, si. Còn ở xa ngoài cuối cùng của tam-giới.
Vấn: Nói Niết-Bàn là vô-hình, vậy chớ ở đó lấy cái chi nâng đỡ?
Ðáp: Có pháp căn nâng đỡ (dhammãyatana) vì Niết-Bàn là vô hình mà pháp căn cũng vô hình cho nên mới có thể nâng đỡ nhau. Thí dụ như mây khói có sắc vi tế khó mà bắt được hoặc níu léo lại được, như không khí vi-tế in nhau nên mới nâng đỡ mây khói được. Hơn nữa Niết-Bàn có thật, ví cũng như một xứ nào có thật, khi muốn đến xứ ấy thế nào cũng có các con đường mà cuối cùng con đường thì thế nào cũng đến xứ ấy thì Niết-Bàn cũng vậy, có con đường Bát-chánh-đạo, khi đến cuối con đường ấy thì sẽ đến Niết-Bàn không sai.
Vấn: Nếu Niết-Bàn có thật, sao không ai thấy?
Ðáp: Vì Niết-Bàn là Pháp Asãdhãrana (không phải là vật công cộng) cho nên muốn thấy Niết-Bàn phải là bậc thánh nhân đã xa lìa phiền-não mới thấy được, còn như hạng phàm nhân thì còn đầy phiền-não và tội lỗi làm sao thấy được?
Ví như con ếch mẹ khi thì ở dưới nước với các con ếch con (nòng nọc) khi thì nhảy lên bờ khô đi chỗ này chỗ nọ. Khi trở về nước thì các con ếch con hỏi mẹ đi đâu? Ếch mẹ nói: mẹ đi lên bờ khô đất liền. Mấy con ếch con nói: mẹ nói con không tin, vì nếu có bờ khô, cớ sao các con không thấy, không biết. Ếch mẹ liền cười và nói: bờ đất liền có thật nhưng các con chưa có thể thấy được là vì các con còn cái đuôi chỉ ở dưới nước mà thôi thì làm sao thấy đất liền được. Chờ khi nào các con rụng đuôi thành ra con ếch rồi khi ấy các con sẽ thấy đất liền không sai.
Bài ngụ-ngôn này ý nói con ếch mẹ như người đã đắc đạo, đất liền như Niết-Bàn. Còn nòng nọc như kẻ phàm nhân, cái đuôi như phiền-não, khi rụng đuôi thì sẽ thấy đất liền. Như khi diệt hết phiền-não thì sẽ thấy Niết-Bàn vậy. Cho nên nói Niết-bàn là pháp không phải công cộng cho bậc phàm nhân đâu mà là Pháp đặc-biệt vậy.
Vấn: Vậy chớ trong Niết-Bàn còn dư sót cái chi?
Ðáp: Chỉ có tuệ quả mà thôi.
Vấn: Tuệ quả ấy do ở đâu?
Ðáp: Tuệ quả ấy có được do nhờ sự quán tưởng các pháp hành nhứt là ngũ-uẩn y theo mười pháp minh-sát. Thí dụ như trái dừa, nếu để lâu thì nó thối, nếu đem trồng thì nó sẽ mọc ra cây khác nữa, nếu không muốn cho nó thối hoặc mọc ra cây khác nữa thì đem nó ra nhồi bóp rồi thắng lấy dầu, dầu để lâu cũng không thối mà cũng không còn giống để mọc ra cây khác. Cũng như Niết-Bàn thanh lọc ra từ trong Ngũ-Uẩn do nhờ kết quả của minh-sát tuệ vậy.
Vấn: Niết-bàn chỉ có sự an vui hay còn lẫn lộn với sự khổ?
Ðáp: Chỉ có một sự an vui mà thôi nên gọi là ekantaparama sukha.
Vấn: Nếu Niết-Bàn có thật và an vui tuyệt đối, vậy có thể thí dụ hình tưởng sự an vui như thế nào của Niết-Bàn không?
Ðáp: Không đem ra thí dụ như vật này vật nọ được vì Niết-Bàn vô cùng vi tế vượt qua khỏi tất cả các vật trong vũ trụ, cũng như bể cả là hữu hình có thật, nhưng người chưa từng thấy biển cả lần nào, thì làm sao mà đem thí dụ so sánh biển bao lớn, nước biển có bao nhiêu thùng, trong biển có bao nhiêu cá được?
Vấn: Niết-bàn không thể đem ra thí dụ được, nhưng ân-đức Niết-Bàn có thể so-sánh với trạng thái nào khác được không?
Ðáp: So sánh được nhưng hơi me mé vậy thôi chớ nếu so-sánh đúng như trạng thái thật sự của Niết-bàn thì không thể được. Thí dụ như giọt nước không thể định trên lá sen như thế nào thì phiền-não cũng không thể dính trên Niết-Bàn được vậy, hoặc ví như người khát nước nhờ nước được khoẻ khoắn khỏi khát như thế nào thì Niết-Bàn làm cho con người an vui khoẻ khoắn vì đã diệt tắt phiền-não, không còn làm cho nóng nảy khát khao khổ sở vậy.
Vấn: Niết-Bàn có đặc tính như thế nào?
Ðáp: Niết-Bàn có đặc tính là diệt tận các pháp vô minh ái dục, tham lam, sân hận, si mê, luôn tất cả các pháp làm cho chúng nhơ bẩn phải luân chuyển trong vòng sanh tử luân hồi.
Vấn: Niết-Bàn có phận sự như thế nào?
Ðáp: Niết-bàn có phận sự là không chết (acuti) không ở dưới quyền của các pháp hành vi nào. Niết-Bàn là pháp trường tồn, không sanh, không diệt, không tan ra. Hơn nữa Niết-Bàn làm cho thân tâm bậc thánh nhân được an vui, mát mẻ, yên ổn, tự tại thoát khỏi tất cả sự bận rộn, bực bội, nóng nảy của Tâm.
Vấn: Niết-Bàn có cái chi là quả?
Ðáp: Niết-Bàn có trạng thái thoát khỏi "cảnh giới của pháp hữu vi". Hơn nữa Niết-Bàn là nguyên nhân diệt tất cả các pháp nghịch nhứt là ái tình (kãmaràga) là quả.
Vấn: Niết-Bàn có những ân-đức gì?
Ðáp: Niết-Bàn có rất nhiều ân-đức lắm nhưng chỉ kể có 32 ân-đức mà thôi:
1) Ajãti: Niết-Bàn không có sự sanh,
2) Ajaran: Không có sự già,
3) Abyãdhi: Không đau,
4) Nibbhayam: Không có sự kinh sợ,
5) Asankhatam: Không có nguyên-nhân cấu tạo,
6) Bhavabhindam: Bẻ gãy tam giới,
7) Sukkham: Sự an vui,
8) Khemam: Nơi an toàn,
9) Tãnam: Nơi nương nhờ,
10) Lenam: Nơi ẩn núp,
11) Niccam: Không thay đổi,
12) Acalam: Không rung động,
13) Dhuvassatam: Trường tồn,
14) Avattasãram: Không có luân-hồi,
15) Sulkamaddanam: Dứt bỏ sự an vui của cảnh trời và người,
16) Kudda maddanam: Ðè nén sự đói,
17) Pipasanca vinayam: Dứt bỏ sự khát,
18) Manãlayam: Không có sự mến tiếc,
19) Sammagghãta vajjam datthesam: Dứt bỏ các tội lỗi trong Tâm,
20) Visankhãram: Không có pháp hữu vi như danh sắc,
21) Vivajjam: Không có tội-lỗi
22) Tanhakhayam: Dứt cả ái-dục
23) Vibhavam: Xa lià tam-giới,
24) Virãgam: Không có tình-dục,
25) Vitamoham: Không có si mê,
26) Nirodham: Diệt khổ,
27) Animittam: Không có hiện-tượng,
28) Santabhãvam: Phiền-não yên lặng,
29) Arãsãkaram: Niết-bàn vô vi (là không có hương vị của ái dục),
30) Appasãsanca: Dứt bỏ sự vui thích trong Tâm,
31) Sitam: Mát mẻ,
32) Amatam: Niết-Bàn không chết.
Ðây là những thánh pháp mà đức Thế-Tôn đã giảng giải một cách tốt đẹp vậy.
Vấn: Còn câu Pháp nói Sanditthiko là thế nào?
Ðáp: Là Pháp mà chư thánh tự mình thấy rõ do nhờ kiến tánh, nghĩa là khi tự tánh đã dứt bỏ phiền-não rồi bèn tự mình thấy rõ thánh đạo Ariyamagga. Còn như người phàm phu khi chưa dứt bỏ các phiền-não nhứt là tình-dục thì có lúc suy nghĩ mưu mô để hãm hại kẻ khác hoặc có khi cũng hại mình, phải chịu khổ sở. Còn như các bậc thánh nhân thấy rõ chân-lý là đắc đạo rồi thì không còn có Tâm toan tính hãm hại ai cả nên được sự an vui bởi do nhờ kiến tánh. Hơn nữa bốn đạo, bốn quả và một Niết-bàn là chín pháp thánh mà ai đã giác-ngộ rồi thì không còn nghe và tin người khác nữa, bởi vì tự mình kiến tánh, thấy chắc, biết chắc do trí-tuệ minh-sát. Lại nữa các bậc thánh nhân đã thắng được các phiền-não do nhờ chánh hợp với quả thánh và Niết-Bàn.
Vấn: Câu Pháp nói Akãliko là thế nào?
Ðáp: Là Pháp đắc đạo không chờ ngày giờ.
Giải rằng: Khi thánh đạo đã phát sanh lên cho người nào rồi, thì thánh quả liền phát sanh kế đó không chậm trễ, chớ không chờ năm tháng hay là một ngày hoặc nửa ngày rồi mới trả quả. Nghĩa là khi tốc lực đạo Tâm phát sanh lên rồi tắt đi thì tốc lực quả Tâm phát sanh lên kế liền trong lúc ấy, không tốc lực Tâm nào xen vào được. Cho nên mới gọi là pháp không chờ ngày giờ.
Vấn: Câu Pháp nói Ehipassiko là thế nào?
Ðáp: Là Pháp khi đã đắc đạo quả rồi có thể kêu kẻ khác đến để chỉ dạy cho biết được, rằng người này lại đây coi pháp này như vầy. Bởi vì thánh pháp có trạng thái thật sự trong sạch. Như người trong tay nếu không có vàng thì không thể nào kêu ai coi được hoặc trong tay có đồ vật nhơ bẩn không phải là vàng ngọc thì khi ai trông thấy không thể hoan hỉ trong sạch được vì toàn là đồ dơ dáy. Trái lại thánh pháp này là pháp chân lý, trong sạch sáng suốt như mặt trăng rằm, hoặc chói sáng nhu ngọc mani, như vậy mới đáng gọi người khác đến coi.
Vấn: Câu Pháp nói Opanayiko là thế nào?
Ðáp: Là Pháp các bậc thánh nhân nên để trong Tâm do nơi quán tưởng. Giải rằng: thánh pháp mà các bậc thánh nhân đã để trong Tâm rồi dầu cho lửa cháy áo, cháy đầu cũng không nao núng. Hơn nữa thánh đạo đang nghiên vào quả và Niết-Bàn cũng gọi là Opanayiko.
Vấn: Câu Pháp nói "Paccattam veditabbo vinnũhi" là thế nào?
Ðáp: Là Pháp mà các bậc thượng tri thức tự thấy rõ nơi Tâm.
Giải rằng: Các bậc thánh nhân ba hạng là thượng trí, trung trí, hạ trí, tự thấy rõ nơi Tâm rằng đạo quả ta đã thực-hành xong rồi, Niết-bàn là nơi diệt khổ ta đã làm cho thấu đáo rồi. Bởi vì thánh pháp mà phàm nhân mới thấy rõ tự nơi Tâm thôi.
Hơn nữa, một lúc nọ Ðại-đức Upavana đến đảnh lễ Ðức Phật và bạch rằng: "Bạch Ðức Thế-Tôn! Người ta thường nơi pháp gọi là Sandditthiko cho đến Paccattam veditabbo vinnùhiti nghĩa là tự mình thấy rõ chân lý v.v... do nguyên nhân nào?"
Ðức Thế-Tôn trả lời rằng: "Này Upavana! Tỳ khưu trong giáo pháp này khi nhãn căn thấy sắc trần rồi có cảm giác biết rõ ta vui hay buồn, biết rõ sự mê thích trong sắc trần ấy. Khi nhĩ căn tiếp xúc với thanh trần, tỉ căn tiếp xúc với hương trần, thiệt căn tiếp xúc với vị trần, thân căn tiếp xúc với xúc trần, ý căn tiếp xúc với pháp trần rồi có cảm giác, biết rõ ta vui hay buồn đối với pháp trần ấy, biết rõ sự mê thích trong pháp trần ấy. Này Upavana! Tỳ khưu biết rõ ta vui hay buồn đối với pháp trần ấy, biết rõ ta có sự mê thích trong pháp trần ấy do nguyên nhân nào. Này Upavana, pháp người tự mình thấy rõ chân lý là như thế ấy."
Hoặc khi tiếp xúc lục căn với lục trần rồi biết rõ trần ấy Tâm không vui hoặc mê thích theo lục trần ấy, rằng ta không có Tâm mê thích theo lục trần ấy như vậy gọi là pháp mà bực thượng trí tự thấy, tự biết nơi Tâm. Nên gọi là Opanayiko.
Về ân-đức Pháp đã giảng giải trên đây đều là ân-đức cao thượng của bực thánh nhân chớ không có kể cho trình độ bậc phàm nhân.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.2/6/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment