Sunday 1 June 2014

Mê và Ngộ.

Đức Phật vì chúng sinh, đã dựa vào hai chân lý mà nói pháp, đó là chân lý tương đối hay Tục đế và chân lý tuyệt đối hay Chân đế. Nếu không nhận thức được hai chân lý này thì đối với Phật pháp sâu xa không thể lĩnh hội được.
Một thiền sư ngộ đạo, ngài Hàm Thị đã truyền dạy
"Mê nhân duyên nên thấy sinh diệt
Ngộ nhân duyên là hợp với vô sanh"
Hai câu kệ hàm dung một triết lý nhân sinh sâu sắc, chỉ ra con đường giải thoát vượt qua những khổ đau đeo bám của kiếp người. Phúc lạc màu nhiệm này lại quả cho những ai thành tâm nỗ lực tu học hướng về Giác Ngộ. Giác Ngộ được hiểu là nhận ra thực tánh của các pháp (sự vật, hiện tượng) hay nói cách khác là nhận ra được đâu là thực chất của cuộc sống, đồng nghĩa với việc loại trừ được mọi kiến chấp mê lầm trói buộc con người vào vùng xoáy của đau khổ.
Phật giáo nhìn thế giới,  còn gọi là thực tại, như được cấu thành từ các hiện tượng sự vật khác nhau đều xuất phát từ những nguyên nhân và điều kiện biệt lập thích hợp. Chính vì thế Phật giáo đã bác bỏ sự tồn tại của các thực thể độc lập và đồng thời xác quyết khái niệm về mối quan hệ và qui luật nhân quả hỗ tương: Khi A có mặt thì B có mặt, khi A không có mặt thì B cũng không có mặt".
Phật giáo không vướng vào chủ nghĩa hư vô, mà nhìn nhận thế giới như một dòng chảy mênh mông khổng lồ gồm các sự kiện gắn kết với nhau, sự kiện này tham gia vào sự kiện kia. Một sự vật hiện tượng chỉ có thể xuất hiện nếu nó nằm trong mối liên hệ có điều kiện nhưng đồng thời đến lượt nó cũng là điều kiện, cùng hiện diện, cùng vận hành trong tư thế biến đổi liên tục. Đó là một thực tế, một thực tế là tất cả đều gắn kết thành một tổng thể, như không có gì xuất hiện tách rời nhau.
Thực tại là thực tại không ngừng vận động biến dịch, là một quá trình thể nghiệm. Cái đang là, là quá trình để trở thành chính nó. Có thể hình dung quá trình này trong hình ảnh một dòng sông đang trôi chảy trên đó nổi lên các mẩu hình xoáy nước, gợn sóng luôn luôn dịch chuyển biến động. Nó nổi lên, lưu xuất từ dòng nước và biến mất cũng trên dòng nước.
Đây chính là nguyên lý Duyên sinh có điều kiện. Do vậy, tất cả những gì hiện hữu trong cuộc đời này đều là "pháp Duyên sinh", chúng làm duyên cho nhau và điều kiện hoá lẫn nhau để hình thành tan - hợp. Trên nền tảng của nguyên lý này ta có thể hiểu tính Vô ngã của các pháp nhân duyên sinh - diệt trong dòng vận hành của thế giới thực tại cả tâm lý lẫn vật lý.
Trên quan điểm Phật học: Vô ngã đồng nghĩa với tính KhôngKhông là chân lý duyên khởi của thế giới thực tại - vô ngã.
Về mặt giáo lý, tính Không được triển khai trên giáo thuyết căn bản của Đức Phật, đặc biệt là thuyết Duyên khởi và Trung đạo, đó là nền tảng của lý luận truy tìm những mê lầm có trong tâm thức, loại trừ các kiến chấp mê lầm đó để đạt được Giác Ngộ. Bồ Tát Long Thọ dạy: "Pháp sinh khởi từ các nhân duyên nên tôi nó là Không, nó chỉ là giả danh và cũng là Trung đạo"
"Chứng nhân sinh pháp
Ngã thuyết tức thị vô
Diệt vi thị giả danh
Diệt thị Trung đạo nghĩa".
Ở đây, tính Không, không đơn thuần là một phát biểu về thực tại, nó còn bao hàm cả một hệ thống triết lý sâu sắc trong sự phát triển tư tưởng Phật giáo và là một thống triết lý giác ngộ của Đại thừa được xem là cốt tuỷ của sự giác ngộ viên mãn. Có thể xác quyết rằng một khi đã chứng ngộ tính Không đồng nghĩa với chứng ngộ Niết - bàn.
Quan điểm "bất nhị" giữa Thế gian và Niết bàn; kinh luận viết: "Niết bàn và thế gian không có gì khác biệt. Thế gian và Niết - bàn cũng không có gì khác biệt. Bản chất của Niết - bàn cũng như Thế gian, không có gì sai biệt".
"Niết - bàn dữ thế gian, vô hữu thiểu phân biệt.
Thế gian dữ Niết - bàn, diệt vô thiểu phân biệt.
Niết - bàn chư thực tế, cập dữ thế gian tế
Như thị nhị tế giả, vô hào ly sai biệt."
Trung Quán luận còn nhấn mạnh thêm: "Đức Phật vì chúng sinh, đã dựa vào hai chân lý mà nói pháp, đó là chân lý tương đối hay Tục đế và chân lý tuyệt đối hay Chân đế. Nếu không nhận thức được hai chân lý này thì đối với Phật pháp sâu xa không thể lĩnh hội được.
Bồ Tát Long Thọ gọi Mê hoặc phiền não xuất phát từ hý luận (ngôn thuyết, ý niệm hay quan niệm, hoạt dụng của ngôn ngữ) được xem là nhân của sự chứng ngộ và trạng thái đó gọi là Tục đế. Trạng thái của quả chứng ngộ thật tướng hay tính Không là Chân đế. Chân đế được dùng để mô tả một cảnh giới cứu cánh, tuyệt đối, bất khả thuyết đồng nghĩa với Niết - bàn, thực tại tối hậu và tối thượng. Trong ngôn ngữ của Đại thừa nó luôn luôn bao phủ một áo nghĩa huyền học.
Các luận sư Phật học thường dùng khái niệm Tục đế để chỉ các hoạt động trong đời sống công ước hằng ngày như sự phân biệt các sự vật hiện tượng, trong khi đó, khái niệm Chân đế được dùng để chỉ bản chất đích thực của các pháp, nghĩa là bản chất của chính nó mà không phải là những biểu tượng phô diễn chung quanh nó.
Ví dụ: Quan sát một con người
- Về phương tiện Tục đế: Nhận diện người này cao, thấp, mập ốm, da đen trắng, đẹp xấu.v.v.
- Về mặt chân đế: Người này được nhận diện qua hợp thể: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Đứng về mặt phương tiện mà nói: có thể dùng ngôn thuyết để hiển thị Chân đế dưới hình thức Tục đế, nhưng mặt khác ngôn thuyết hoàn toàn bị bác bỏ và Chân đế xem như "bất khả thuyết".
Con đường tu tập theo quá trình: từ Tục đế đến Chân đế rồi từ Chân đế quay về Tục đế, theo chỉ thị "thượng cầu Bồ đề, hạ hoá chúng sinh" nghĩa là Chân đế không cách ly Tục đế hay Niết - bàn ở ngay trong thế giới luân hồi.
Hơn nữa, về mặt dụng, ngài Long Thọ đã minh thuyết tính Không như một phương tiện đối trị, khiến ta bỏ ngay kiến chấp sai lầm về tự tính các pháp, hiểu đúng tính Không, không là một sự Hữu có thể nắm bắt và chấp thủ. Nó ở bên ngoài các pháp nhân duyên sinh.
· Câu chuyện trong một gia đình: ông chồng sau giờ làm việc kiếm sống, thời gian còn lại thường đến chùa học tập và làm công việc Phật sự,, người vợ ông ta cảm thấy hạnh phúc. Nhưng cũng có phụ nữ khác lại quan niệm rằng, sinh hoạt của ông chồng như vậy là thiếu quan tâm đến cô và cô ta đau khổ. Ta thấy sự việc sinh hoạt tại chùa của ông chồng tự bản chất không ảnh hưởng đến tâm thế hạnh phúc hay đau khổ của hai người phụ nữ nói trên, mà chính là do cách nhìn của họ. Phật học gọi đó là Vọng tưởng, là mầm mống gây phiền não. Khi chúng ta còn bị chi phối bởi sự chấp chặc vào các khái niệm đối đãi này thì vẫn chưa thể giải thoát khỏi ảo tưởng.
Pháp không có thực tính, chỉ do danh mà hiện tướng, trên tướng mà lập danh. Hiểu được như vậy, sự sinh khởi của tâm thức sẽ dừng lại. Đức Phật đã nói: "Pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ". Tất cả các pháp do vọng tưởng phân biệt, mà pháp thì không phân biệt, ấy gọi là thường trụ.
Ngài Long Thọ, trong Trung Quán đã biện giải cho chúng ta hiểu các pháp Vô Sanh, và thực tánh các pháp là nơi ngôn ngữ không đến được, để chúng ta giảm đi sự chấp trước, sự phân biệt, mới mong có sự đột biến của tâm thức, mới thâm nhập được thực tướng của các pháp.
Lục Tổ Huệ Năng nói: "Đừng nghĩ đến thiện, cũng như đừng nghĩ đến ác, thì ngay lúc đó mới hiện ra cái bản lai diện mục của mình".
Theo nguyên lý Duyên khởi thì vạn pháp không có tự tính vì thường xuyên biến dịch, khi đủ duyên thì sinh khởi, hết duyên thì đoạn diệt. Tính cách chuyển hoá vô thường của vạn pháp chính là tự thân của luân hồi. Do đó, Đức Phật đã truyền dạy đủ mọi pháp môn tu học để tuỳ theo căn cơ và trình độ giác ngộ của mỗi người, qua đó lĩnh hội được giáo pháp nhằm chiếu rọi thức tĩnh được cái tính giác, tức là cái giác quan nội tại sâu thẳm tiềm ẩn trong bản tính mỗi người. Một khi đạt được cái tính giác đó con người có thể vượt lên cái kiến giải phân biệt về mọi hiện hữu để thấy rằng vạn pháp không thật như huyễn hoá, như mộng ảo và đã từ vô thuỷ, làm chúng ta mãi miết thăng trầm với thế giới nội tại của chính mình, một thế giới thường hằng, bất giác và tăm tối. Đến chừng đó con người mới nhổ hết gốc rể những đau đớn của đời sống thể chất lẫn tinh thần mà Đức Phật đã mô tả bằng các từ sầu, bi, khổ, não.
Con người, dường như tất cả, ai ai cũng thiết tha mong muốn xua đuổi và viễn ly thế gian vô thường một cách cay đắng để thay vào khát vọng được hiện hữu trong thường hằng vĩnh cửu dù cho đó là một giấc ngủ thiên thu không mộng mị. Những thao thức ray rức như thế đã dịch chuyển đời sống thành một cõi điên đảo đầy mộng mị và cũng chính lúc này, lúc này đây màng sương mù dày đặc, thâm căn cố đế từ ngàn xưa sẽ bị quét sạch bởi ánh sáng kỳ vĩ của sự tỏ ngộ tính Không trong tâm thức con người.
Các bậc Thiền sư đạt đạo, thường nhắc nhở, cảnh tỉnh chúng ta đang còn lạc lối mê mờ trong thế giới vọng, biến hiện của tâm thức. Ngài Hàm Thị nói
"Mê nhân duyên nên thấy sinh diệt
Ngộ nhân duyên là hợp với vô sanh"
Hầu hết con người đều có thói quen là khi đề cập đến vấn đề nào thì chấp thủ vấn đề đó. Lý nhân duyên là pháp căn bản của thế gian, nhưng nếu chỉ dừng ngang ở mức độ sanh diệt mà không thông suốt được chân tướng của nó thì con người còn vướng phải mê lầm chấp chặc có - không dẫn đến khổ đau.
· Câu chuyện trứng gà và con gà, sau khi sinh ra cái trứng, thói quen ta nói con gà là duyên của cái trứng (nhân duyên là điều kiện đầu, điều kiện chính). Nhưng trước khi có cái trứng thì con gà cũng như con mèo, cái cây, cái ghế.v.v.... đều là những thứ gọi là phi duyên. Như vậy, nếu dựa vào ý niệm nhân - quả, con gà vừa là phi duyên lúc chưa sinh ra quả và là duyên khi sinh ra quả.
Phân tích đến rốt ráo chẳng hạn cái bàn là cây, cây cung cấp thán khí, cung cấp nước, bóng mát, thực phẩm cho đất, côn trùng trong đất.v.v. đều có liên hệ đến con gà và cái trứng. Đây là giáo lý trùng trùng duyên khởi và "trong cái một chứa đựng tất cả" của giáo lý Hoa - Nghiêm. Vậy sự phân biệt cái này là duyên, cái kia là phi duyên là không đúng. Duyên cũng không mà phi duyên cũng không nghĩa là không có tự tính.
Lại nữa, nếu nói rằng trứng không ở trong con gà (duyên) thì nó không thể sinh ra được từ duyên (con gà). Còn nói có rồi thì đâu cần phải sinh ra nữa. Nó chỉ thay đổi và lớn lên thôi. Vậy ta nói nó sinh ra, nhưng thực ra bản chất là vô sinh. Sinh là một ý niệm, sản phẩm của tâm ý mà thôi, vô sinh cũng thế.
Bồ Tát Long Thọ, đại luận sư nổi tiếng Phật giáo đã phát triển rực rỡ các tinh hoa của phương pháp học Phật, loại bỏ được cái nhìn nhị nguyên để giúp tiếp xúc với thực tại, một thực tại bất khả đắc đối với những ai còn vướng bận vào những phạm trù của khái niệm. Tác phẩm tiêu biểu là Trung Quán luận. Ngài đã thiết lập nền tảng triết học tựa trên kinh nghiệm "Chưa từng thấy có bất cứ pháp nào không sinh từ nhân duyên. Thế nên tất cả các pháp đều Không". Ngài đã dạy vận dụng tính Không để thuyết minh các pháp nhân duyên sinh. Chính do tính Không mà các pháp duyên khởi hiện hành.
Điểm nổi bật của Trung Quán luận là thuyết Nhị đế gồm; Tục đế (chân lý tương đối) và Chân đế (chân lý tuyệt đối hay cứu cánh) được thiết lập để giải thích hai mặt của mọi hiện hữu Không. Trung Quán luận cho rằng chính theo Tục đế mà Đức Phật giảng rằng tất cả các pháp là  do nhân duyên nhưng theo Chân đế thì tất cả các pháp đều Không.
Theo kinh Luận Đại Trí độ: "Vì theo Tục đế nên có và theo Chân đế nên Phá; Có là để không rơi vào tà kiến chấp đoạn diệt; Phá là để không rơi vào tà kiến chấp thường". Xa rời cả hai cực đoan chấp đoạn, chấp thường là một ý nghĩa quá thâm sâu của chân lý Duyên khởi.
Vì thế nên mọi sự thể, tâm hay vật đều do duyên sinh nên nói là vô tự tính đều không. Tuy vậy, theo quan điểm của Trung Quán, mặc dầu các sự thể là duyên khởi, như huyễn hoá, vô tự tính, nhưng theo Tục đế quy ước, chúng có nhưng là giả hữu, là giả danh giả tướng.
· Câu chuyện thứ ba: Chúng ta cảm thấy thú vị với trò chơi về hình ảnh nổi trong không gian ba chiều. Cũng từ một cách quan sát, mà khi ta lay động vật chơi, một loạt các hình ảnh phẳng lặng bỗng nhiên thay đổi trở thành lâu dài thành quách tráng lệ đầy đủ mọi thứ như đang ở không gian nổi ba chiều. Vậy hình ảnh nào là thực, hình ảnh nào là không thực. Thế giới ta đang sống đây có phải là hình nổi của tự tâm chúng ta không?
 Tương tự như một hình thể trong không gian ba chiều, khi chiếu lên mặt phẳng hai chiều ta được một cái bóng. Tuỳ vào góc độ chiếu ta có cổ bóng lớn, nhỏ dài, ngắn, tuy vậy ta không nên quy kết cái bóng là có hay không, là to hay nhỏ... điều này quả vô nghĩa. Cũng vậy, ta đang sống hàng ngày với những pháp sai biệt mà thực chất là cái bóng của thực tại bất khả phân.
Ta không thể nói pháp này là có, là không, là sanh, là diệt. Đó là những thiên kiến sai lầm khi đối chiếu với thực tại. Cái mà ta cho là thật tánh của pháp, thực ra nó chỉ được gầy dựng nên do sự tương quan đối đãi với cái khác mà thôi.
· Câu chuyện thứ tư: Ta nhận thức được các phép nhờ vào các căn như tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Dựa vào các kết quả ghi nhận từ các căn mà chúng ta có nhận thức về trần cảnh. Tuy vậy các căn lại có sự hạn chế của nó.
Chẳng hạn trường hợp của đôi mắt: ta chỉ nhìn thấy ánh sáng có độ dài sóng từ 0,4 micron đến 0,8 micron. Ngoài dãi đó ta không thấy được.
Mặt khác, với những vật có một độ phân giải nhỏ hơn mức tối thiểu, mắt sẽ không ghi nhận được vật đó. Tương tự với những sự kiện mà thời gian xuất hiện của nó ngắn hơn một nửa tối thiểu, mắt cũng không ghi nhận được.
Do các hạn chế này, thay vì ghi nhận được pháp là một tiến trình liên tục, mắt chỉ ghi nhận một phần đoạn của tiến trình này.
- Về mặt không gian: do những phần nhỏ hơn độ nhạy của mắt bị loại trừ, các tương quan chằng chịt với thế giới bao quanh quá nhỏ nhiệm, các căn không ghi nhận được nên các phần đoạn đó xuất hiện thành một hình thể biệt lập có ranh giới với thế giới xung quanh và chúng ta gọi đó là một Vật.
- Về mặt thời gian: Bản chất của một vật là tiến trình nên nó luôn luôn chuyển biến, nhưng do sự nhận biết các căn quá thô thiển nên sau một thời gian nào đó ta mới nhận ra được sự thay đổi, nên trong phần đoạn đó, vật xem như bất biến.
Tóm lại, từ cảm giác có một ranh giới trong không gian và dường như bất biến trong một thời gian, chúng ta cho rằng đó là vật có thực, một cá thể riêng biệt và tập hợp các cá thể, các vật đó tạo thành thế giới quanh ta. Rõ ràng sự chấp chặc ý niệm về vật hoàn toàn bị phá vỡ.
Vậy Sắc chẳng phải Sắc vì tự thân nó là tiến trình khó nắm bắt. Không chẳng phải Không vì nó biểu hiện quan hệ chằng chịt với cái không phải nó. Sắc và Không nương nhau mà thành lập, chỉ là cái bóng của thực tại.
*                                                                                                                   *
*
Trong tâm trí chúng ta hãy còn in dấu câu chuyện lịch sử về Vua Thái Tông lên núi Yên Tử để cầu làm Phật ghi trong Thiền Tông chỉ nam tự:
- Vua nói:  "Trẫm đương trẻ thơ, mẹ cha vội mất, trơ vơ đứng trên dân chúng, không chỗ tựa nương, lại nghĩ sự nghiệp các Đế vương thuở trước, thay đổi bất thường, cho nên tìm đến núi này, chỉ muốn được thành Phật chứ không cầu gì khác?
- Sư nói: Trong núi không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng lẽ mà sáng suốt, đó chính là chân Phật. Nay, nếu Bệ hạ giác ngộ được điều đó, thì lập tức thành Phật, không cần khổ tâm tìm kiếm bên ngoài"
Chỉ có thế,  thật đơn giản, lòng lặng lẽ mà sáng suốt đã là Phật, lúc nào Phật lại không hiện hữu, đâu đợi đến quán sâu xa
"Các pháp do duyên sanh
Các pháp do duyên diệt
Duyên sanh các pháp sanh
Duyên diệt các pháp diệt"
(Thượng sỹ Tuệ Trung)
Các kinh luận dạy: Bởi vì, chấp sinh diệt là một mê lầm, chấp không sinh diệt cũng là một mê lầm, cả hai cách chấp đều  mê lầm. Chỉ với cái nhìn tương đối về bản thân và về vạn hữu thì ắt thành Phật.
Thật đơn giản, tuy nhiên ta chỉ có thể làm  được điều này bằng chính sức mạnh tịnh hoá nội tâm của mình, đó là sức mạnh của xả ly. Xả ly là sự buông bỏ, không chắp giữ nỗi ám ảnh được phóng chiếu trong tâm thức, đó là được, mất, vui, buồn, khen chê, danh vọng và không danh vọng. Bao lâu có đời sống được xả ly, thì sẽ hiện khởi thực tại vô niệm, nó vốn không cần đến sự hiện diện của cái bản ngã cá thể. Hãy lắng nghe Tam Tổ Tăng Xán dạy:
"Mê, thì sinh lòng động, tịnh
Ngộ, thì chẳng ghét thương
Việc thua được hay thị phi
Hãy nhất thời buông bỏ di.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.2/6/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment